Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

TƯ BẢN ĐỎ: AI SẼ CHÂM NGÒI?

TƯ BẢN ĐÒ: AI SẼ CHÂM NGÒI?

05/15/2012

GS. Nguyen Huu Chi

Dân ta rất khôn ngoan và rất anh hùng
Câu hỏi đáng nêu ra ở đây là: Tại sao hàng triệu người bần cùng bị Tư Bản Đỏ cướp bóc và đánh đập một cách tàn tệ như vậy, mà không có ai dám nổi lên châm ngọn lửa vào thùng thuốc súng để tiêu diệt chế độ? Để trả lời câu hỏi này, một số người đại khái cho rằng lực lượng cán bộ khuyển mã (CA) quá hùng hậu và quá tàn bạo với những chiến thuật sau đây:
* Đánh phủ đầu: cứ 1 nông dân đứng lên đòi quyền sống, thì có 10 tên CA mang vũ khí đầy mình chạy tới đánh đập.
* “Bắt nhầm còn hơn thả nhầm”: bắt cóc, đập chết nghi phạm trong phòng tạm giam, bỏ tù và đày ải người vô tội, v.v.
* Dùng cán bộ nằm vùng: tìm tin tức; nhận diện thành phần lãnh đạo phong trào chống đối (để sau này thanh toán); phân chia nội bộ trong các phong trào chống đối; gây không khí nghi ngờ trong hành ngũ đối lập.
* Kiểm soát thông tin, và dùng tiền mua chuộc những thành phần có uy tín trong xã hội, để lợi dụng họ trong chương trình ca tụng chế độ.
* Dân ta bị đánh đập nhiều năm, nên bây giờ đã “quen đòn” nên không còn biết tức giận đến nỗi muốn nổi lên chống đối.
Những lý do nêu ở trên đều có vẻ hữu lý, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để thuyết phục một số người không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Vì thế có người lại đưa ra một giải thích rất ư là giản dị: Theo họ, đại đa số dân ta (80 triệu người) hàng ngày bị nhóm thiểu số (3 triệu đảng viên) “bợp tai đá đít tơi bời”, thế mà vẫn chịu đựng được, vì dân ta là một dân tộc hèn, chỉ biết ngồi than vãn mà không dám vùng lên diệt giặc. Phải chăng bản tính hèn này bắt nguồn từ “văn hóa quỳ” như tác giả Nguyễn Gia Kiểng trình bày trong tác phẩm “Tổ quốc ăn năn”?
Theo tôi nghĩ, chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm” như vậy. Thực ra, dân ta rất khôn và rất hùng, chứ không ngu, và cũng chẳng hèn. Nếu hèn, tại sao lại có chuyện ông “Lê Lai liều mình cứu Chúa”? Tôi xin phép mở ngoặc ở đây, để phân tách hành động của hai nhân vật lịch sử này. Ông Lê Lợi bị giặc Tàu vây đánh. Trong cơn nguy khốn, ông Lê Lợi bèn cửi áo bào cho cháu là Lê Lai mặc. Ông này giả dạng làm ông Lê Lợi, rồi xông ra trận. Giặc bị lừa, mải đuổi theo và giết ông Lê Lai, nên để cho ông Lê Lợi có dịp chạy khỏi vòng vây. Ông Lê Lai quả rất là hùng, vì biết cần phải hy sinh đời mình, để cứu sống lãnh tụ. Ông Lê Lợi quả là rất khôn, biết lúc nào cần phải mang người cháu ra làm mồi cho giặc, để thoát khỏi cơn nguy khốn.
Câu chuyện Lê Lợi-Lê Lai này làm cho tôi thấy ngay rằng: trong cuộc đấu tranh nào cũng vậy, muốn thành công phải có người khôn đứng ra lãnh đạo chỉ huy, và người hùng mang thân ra hy sinh nếu cần. Thí dụ, trong cuộc chiến tranh thảm khốc vừa qua, ta thử hỏi: Ai khôn ngoan (quỷ quyệt) hơn “Bác”? Ai anh hùng hơn là những “cháu ngoan”, vội vã khắc lên mình 4 chữ “Sinh Bắc Tử Nam”, để rồi chết tức tưởi trên đường mòn mang tên “Bác”?
Thôi bây giờ để tránh đôi co, chúng ta hãy cứ tạm coi dân ta rất khôn ngoan như ông Lê Lợi, và đến lúc hữu sự thì dân ta cũng biết nổi máu anh hùng như ông Lê Lai.
Thành phố khôn ngoan, Nông thôn oai hùng
Trong bài nhận xét ngắn ngủi về vấn đề “Ai Sẽ Châm Ngòi?” tôi đặc biệt chú trọng vào thành phố hơn là nông thôn, vì thành phố trong lịch sử loài người luôn luôn là nơi phát sinh ra những cái “khôn ngoan” của nhân loại; còn tiếng thơm “anh hùng” thì lại luôn luôn để dành cho nông thôn hưởng. Để chứng minh hiện tượng này, chúng ta hãy thử đi qua một vòng lịch sử thế giới: từ Athenes (nơi bắt đầu phát triển ý niệm dân chủ cho nhân loại), qua Paris (nơi nuôi dưỡng tư tưởng tự do và nhân quyền), tới New York, Boston (nơi phát sinh ra ý chí độc lập và dân chủ), rồi đến Hồng Kông, Thượng Hải (nơi phát hiện ra những tư tưởng “bài phong, đả thực”), v.v…
Nói tóm lại, thành phố là cái nôi nuôi dưỡng tư tưởng cách mạng. Vì thế ta thấy bất cứ cuộc đấu tranh nào cũng bắt đầu bùng nổ trong thành phố. Rồi sau đó, tư tưởng cách mạng mới lan tràn tới nông thôn — nhất là khi các vị lãnh đạo cách mạng thấy cần thêm nhân lực để đối chọi với một thế lực địch quá hùng mạnh. Lúc đó nông dân được huy động bao vây thành thị, và tham dự biểu tình bạo động. Nếu cần, đám nông dân nghèo khổ này cũng được động viên để trợ giúp phong trào “nhân dân kháng chiến” theo kiểu Mao Trạch Đông hoặc Hồ Chí Minh v.v… Ta cũng nên nhớ trong các cuộc đảo chánh ở các thành phố lớn, những lãnh tụ cách mạng (như Lê-Nin và Sì-Ta-Lin) đã thành công mà không cần đến lực lượng nông dân; do đó hai tên đồ tể này coi đám “nông nô” như trâu-bò, để lợi dụng trong chương trình tăng gia sản xuất nông phẩm dùng vào việc chăm nuôi các đồng chí “làm cách mạng” nơi thành thị.
Các lãnh tụ cách mạng “khôn ngoan” ở chỗ đó, và nông dân được tiếng “anh hùng” cũng ở chỗ đó. Ở Việt Nam trong vài chục năm vừa qua, dân ta đã phải trải qua bốn “cuộc chiến thần thánh” (đánh Tây, đánh Mỹ, đánh Miên, đánh Tàu). Nhóm lãnh đạo Đảng rất khôn ngoan, nên trong giai đoạn máu lửa “bách chiến bách thắng” này, đám lãnh đạo ngồi trên chóp bu quyền lực chỉ có vài mống bị giết — thường chết trong nội cung (thanh toán nội bộ) nhiều hơn là chết ở ngoài chiến trường. Trái lại, nhưng nông dân tỏ ra rất oai hùng, nên đã hy sinh hơn 2 triệu nhân mạng. Cảnh máu chết thịt rơi này làm thế giới phải “rụng mình, sởn tóc gáy”! May thay, sau 4 cuộc chiến thần thánh và kinh hồn, dân ta đã biết theo gương các đồng chí lãnh đạo, nên dần dần trở nên khôn ngoan hơn trước.
Hành động anh hùng thì tương đối dễ hiểu, nhưng biết thế nào là hành động khôn ngoan? Trước hết, người khôn ngoan là người biết suy xét. Hành động suy xét nào cũng đỏi hỏi một sự so sánh. Chúng ta so sách hiện tại với quá khứ để hoạch định tương lai. Đồng thời, chúng ta cũng so sánh “ta” với những người sống xung quanh ta để xem “ta” đã khôn tới mức nào. Kết quả cuộc so sánh này sẽ làm cho ta: (a) hoặc thỏa mãn và chấp nhận chế độ; (b) hoặc làm cho ta nổi cơn giận tam bành, rồi vùng lên đập tan nồi cơm đã từng chăm nuôi chế độ.
Theo nguyên tắc, con người ai cũng khôn ngoan, tức là biết tính toán. Tính toán đòi hỏi một hành động so sánh. So sánh “người với ta”, hoặc so sánh “thời đã qua với thời hiện tại”. Hành động so sánh này có thể đưa tới bất mãn. Bất mãn đưa đến tức giận. Tức giận cùng cực tạo ra khuynh hướng “liều mạng”. Hành động “liều mạng” để cứu đất nước ra khỏi cảnh hàn vi thường được coi là hành động anh hùng – dù “không thành công, thì cũng thành nhân” là vậy. (Người anh hùng thường chỉ biết tiến chứ biết lùi, nên ít khi bi quan tiêu cực, vì thế ít khi họ nghĩ ngược lại và cho rằng “không thành công thì thành ma”).
So sánh theo giòng thời gian
Trước hết, ta so sánh quá khứ với hiện tại, để rồi hoạch định tương lai. Câu hỏi được đặt ra là thời điểm nào trong quá khứ dùng làm đích để cho ta so sánh với hiện tại. Đối với những sĩ quan, công chức VN Cộng Hòa, đó là quá khứ tự do dân chủ trước ngày 30-4-1975, và cái quá khứ được dùng làm khuôn mẫu để so sánh với cảnh kinh hoàng trong thời gian cải tạo. Vì thế, những nạn nhân này không bao giờ tha thứ hành động khát máu đó. Ở nước ngoài, họ không có thể hành động bạo lực, nhưng sẵn sàng dùng đòn bẩy ở các thủ đô Âu-Mỹ để tiếp tay với quốc nội đẩy chế độ Tư Bản Đỏ xuống vực thẳm. Đừng chê bai những Việt kiều HO này là người “chỉ biết đánh võ mồm”, hoặc thách thức họ trở về VN tham dự vào phong trào chống đối chế độ. Dù sao đi chăng nữa, họ là những người có tuổi, chỉ còn hy vọng thế hệ Việt kiều trẻ sau này vẫn giữ nguyên vẹn ý chí tranh đấu cho dân tộc VN ra khỏi cảnh độc tài tàn bạo.
Ngoài ra, những Việt kiều nào chưa có dịp sống ê chề trong trại cải tạo, thì tinh thần chống cộng cũng “nhẹ nhàng” hơn, nên họ rất thoải mái “mặc áo gấm về làng”. Còn những vị cựu quân nhân hoặc cựu công chức nào không được xuất ngoại theo diện HO (vì không phải là “cựu sinh viên trường cải tạo”), nên còn kẹt lại ở Việt Nam. Sau 1975, họ cố gắng lo lắng làm ăn, và có thể lặng lẽ chỉ bảo con cái về ý thức Tự Do Dân Chủ mà họ đã hưởng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa khi xưa.
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, đại đa số sinh trưởng sau 1954. Một số (nhất là những anh chị em sinh trưởng miền Bắc) đã được chứng kiến cảnh nội chiến tương tàn, bây giờ được sống trong thanh bình, nên cảm thấy thoải mái (nhất là những người có công trong cuộc nội chiến). Vì thế họ không cảm nhận được nỗi đau khổ trong đám nông dân đang bị đàn áp, tuy đã trải qua thời “kinh tế bao cấp”, cả nước cực kỳ đói khổ, nhưng cũng còn khá hơn thời chiến tranh.
Còn thế hệ sinh sau 1975 lại so sánh thời “Kinh Tế Bao Cấp” với thời kỳ “Kinh Tế Thị Trường” tức là mãi đến khoảng năm 1980, cả nước mới được “cởi chói”. Tới lúc này, mọi người cũng cảm thấy tương đối mãn nguyện. Trong đời sống hàng ngày, nhóm thanh niên trẻ này (trên hoặc dưới 30 tuổi) thích sống theo “Văn Hóa Thị Trường” hơn là theo “định hướng XHCN”. Họ chọn “Văn Hóa Thị Trường” không có nghĩa là họ chọn tinh thần tự do cạnh tranh của thị trường. Trong thực tế, họ thu hẹp sự chọn lựa trong khía cạnh “tự do hưởng thụ”, nhất là khi nhận thấy hệ thống kỳ thị trắng trợn đang đè bẹp xã hội: “Chỗ béo bở” thì dành cho “con ông cháu cha”. Còn những nơi “khỉ ho cò gáy”, thì người đi xin việc cũng phải mất từ 6 tháng đến một năm lương cho “cấp trên” mới có chỗ “ngồi”.
Nói tóm lại, nhà nước càng mở nhiều trường đại học và cao đẳng bao nhiêu, thì càng tạo ra nhiều nỗi uất ức bấy nhiêu. Đây mới là quả bom nổ chậm tại nơi thành thị. Đó là lúc chế độ Tư Bản Đỏ giãy chết, không khác gì chế độ độc tài ở Tunise. Trong xứ độc tài này, một thanh niên học thành tài, nhưng không kiếm được việc làm, đành phải kéo xe ba-gác đi bán rau ngoài phố. Thế mà anh ta lại còn bị một nữ cảnh sát viên tát vào mặt vì không chịu chi tiền “mãi lộ”! Anh thanh niên tự trọng này đành phải tự thiêu, và kéo theo chế độ độc tài rơi xuống vực thẳm. Nào có ai ngờ một cái bạt tai làm tan tành một chế độ độc tài thối nát!
So sánh Ta với Người trong không gian quen thuộc
Con người luôn so sánh mình với người khác, nhất là những người mình quen biết, để biết mình sướng hay khổ đến mức nào. Trước 1975, dân miền Bắc sống dưới sự lãnh đạo của “Bác” trong “Thiên Đường Cộng Sản”. Đại đa số không có dịp nhìn người sống bên ngoài, nên luôn luôn vui vẻ, trong khi chia nhau củ khoai mì với bạn bè thân thuộc, hoặc ca múa theo khúc nhạc “Hòa Bình” (nhập cảng từ Liên Sô). Nhưng “Thiên Đường Mù” đã bị hoàn toàn sụp đổ khi các đồng chí vào Sài-Gòn, nhìn thấy cảnh trù phú quá sức tưởng tượng do chề độ “Mỹ Ngụy” đã xây dựng lên.
“Vi khuẩn Mỹ Ngụy” này cần phải trừ khử ngay! Nhà Nước bèn dùng chính sách “bần cùng hóa” miền Nam để không còn ai có dịp so sánh hai chế độ được nữa. Nhưng khổ một nỗi, văn hóa Miền Nam là một văn hóa phát triển theo truyền thống Kinh Tế Tự Do, mà Đảng ta cố gắng bóp cho đến chết, nhưng không thành công. Thế là “Đảng ta” đành phải thay đổi chính sách: từ “Kinh Tế Mao” (tức là “Kinh Tế Đảng Chấm Công”) thành “Kinh Tế Thị Trường”, nhưng lại kèm theo cái đuôi “theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”.
Người dân Miền Nam cũng như Miền Bắc mải làm ăn không quan tâm đến “định hướng” này hay “định hướng” nọ. Chỉ một thời gian ngắn, dân ta tìm ngay ra cách lợi dụng “Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” để tự phát triển – tức là “ăn có” với cán bộ về hưu, và dùng vốn của Việt kiều mang về nước đầu tư. Chỉ tội dân lao động “chân lấm tay bùn” bị tài phiệt “đỏ” cũng như “xanh” thẳng tay bóc lột. Cũng vì những tên “ăn có” này không bao giờ muốn đập vỡ nồi cơm của mình, nên họ rất thờ ơ tới thời cuộc, tuy rằng nhiều khi họ cũng bị bực mình vì các “đồng chí” phiền nhiễu họ quá đáng.
Cái nguy hiểm cho chế độ không phải là hệ thống thối nát, vì dân ta từng có truyền thống “đút lót”, từ đút lót quan lại cho đến đút lót các vị thần linh (điển hình nhất là lễ ông thần Thổ Địa hàng năm vào ngày 23 tháng chạp, để ông thần này bay về Trời báo cáo tốt cho nhà mình). Tuy nhiên, đến mức nào đó, hệ thống thối nát trở thành một “quốc sách bất thành văn”, tạo ra những hành động lợi dụng quá đáng, đưa đến bất công và chênh lệnh sâu xa giữa các “đại gia”, “con ông, cháu cha”, và giới bình dân.
Ngoài ra, các cán bộ cũng so sánh lẫn nhau, và “tình đồng chí” giữa các cán bộ cũng bị tổn thương vì ghen ăn, theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn”. Trong đám “trâu buộc”, phải kể những cán bộ về hưu, những cán bộ bị “thất sủng”, hoặc những cán bộ tại chức nhưng không có dịp mánh mung lớn (như các quân nhân cấp úy trở xuống, các vị giáo sư đại học, các trí thức tiến sĩ không quen làm nghề “cò mồi”, v.v..). Nói tóm lại, nhóm lãnh đạo của chế độ cũng đang bị nạn chia rẽ trầm trọng.
Kết luận
Sau vụ cướp đất lung tung, từ Bắc tới Nam, nông dân rất căm phẫn, và sẵn sàng nổi lên theo phong trào diệt giặc. Họ sẽ theo ai? Đó là bổn phận của các nhóm dân thành thị, có sẵn phương tiện truyền thông đại chúng rất dồi dào, và sự quen biết rộng rãi để móc nói với các thành phần bất mãn ở bên trong, hoặc bên ngoài, chính quyền. Đó là những người có khả năng “châm thùng thuốc súng” để nông dân ồ ạt tiến lên quét sách tụi cường hào địa chủ Mác-Xít.
Nguồn: Diễn Đàn Việt Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét