Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

DI SẢN CỦA SỰ NHU NHƯỢC Ở ROMANIA


Dennis Deletant
Gửi cho BBCVietnamese.com
thứ tư, 15 tháng 8, 2012



Nicolae Ceausescu (1918-1989) cai trị Romania với bàn tay sắt
Những thách thức công khai chống lại chế độ Cộng sản ở Romania là rất hiếm và không thách thức nào đủ đe dọa chế độ.
Trong thập niên 1980, khi sự bạo ngược của Nicolae Ceauşescu ngày càng lớn, người ta tự hỏi vì sao người dân Romania không kháng cự hay nổi loạn?
Các bài liên quan
• 20 năm sau ngày Liên Xô tan rã
• 1989 - Những thước phim lịch sử
• 20 năm sau Cách mạng Nhung
Chủ đề liên quan
• Chủ nghĩa Cộng sản
Bốn giải thích thường được đưa ra. Thứ nhất, không có một ngọn cờ cho đối lập.
Thứ hai, tính cách người Romania sợ sệt và thụ động, bị điều khiển bởi lịch sử sống dưới ách cai trị ngoại bang, từ người Thổ Ottoman, triều đại Habsburg, Romanov và Cộng sản Liên Xô.
Theo cách giải thích thứ ba, tín ngưỡng Chính Thống giáo Đông phương mà 80% dân Romania đi theo đã khiến họ trở nên thụ động. Họ tin cuộc đời này là nước mắt và công lý chỉ đến ở kiếp sau.
Lại có xu hướng thứ tư nói rằng mật vụ, Securitate, vô cùng đắc dụng. Cơ quan mật vụ Romania an tâm dân chúng sẽ thụ động, đặc biệt nếu chính quyền cổ vũ được ít nhất một chính nghĩa, ví dụ lập trường chống Nga.


Thiếu ngọn cờ
Thiếu một ngọn cờ tập hợp đối lập là điểm đặc trưng ở Romania thời hậu Thế chiến. Vào lúc áp đặt chế độ Cộng sản, Romania chủ yếu là nước nông nghiệp và chỉ có một lượng nhỏ giai cấp công nhân. Từ trước Thế chiến Hai, lao động có tổ chức đã không phải là thế lực trong chính trị Romania, và không có liên kết truyền thống giữa trí thức và công nhân.
Mặc dù giới trí thức Romania thuộc lớp người tinh tế nhất Trung Âu, và cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của các trường phái văn chương Pháp, nhưng họ không hề chịu ảnh hưởng của các giá trị thiên tả của người Pháp. Thiếu vắng truyền thống hoạt động của giai cấp lao động, và thiếu một nhóm xã hội cổ vũ nguyên tắc bình đẳng, thành ra cũng không có động lực cho sự xét lại.
Cáo buộc hèn nhát chủ yếu dựa trên ấn tượng là dường như hoàn toàn thiếu thách thức chống lại chế độ ở Romania. Người ta so sánh, có ý chê bai, với cuộc nổi dậy ở Đông Đức tháng Sáu 1953 và Ba Lan mùa hè 1956, ở Hungary 1956, Mùa xuân Prague 1968 và Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan thập niên 1980. Thực ra, những cuộc phản đối tập thể đầu tiên ở Romania diễn ra sau cuộc nổi dậy ở Hungary tháng Mười 1956. Nhưng tin tức bị chặn ở Romania và ít thông tin được chuyển đến phương Tây, nơi khủng hoảng Suez và sự kiện Hungary chi phối báo chí.
Tháng Tám 1977, truyền thông Romania cũng không tường thuật cuộc đình công của thợ mỏ miền tây nam, thể hiện vai trò là công cụ để chế độ lung lạc. Trong thập niên 1980, có nhiều vụ biểu tình nhỏ lẻ của công nhân ở các tỉnh, nhưng phải gần 10 năm sau, người ta mới biết đến. Ngay cả ngày nay, cũng ít người viết về những sự kiện này.



Người dân Romania trên xe điện có hình ảnh cách mạng 1989
Sự kiểm soát truyền thông và “làm sạch tin tức” kiểu như vậy rất hiệu quả để kiềm chế biểu tình, gây cảm giác bực bội và cô lập trong người biểu tình và đóng vai trò “tự báo trước”: nếu sự phản đối chế độ không được tường thuật, đa số quần chúng không chỉ tưởng rằng mọi sự bình yên mà còn hồ nghi mọi hình thức bộc lộ phản đối.
Vai trò Giáo hội
Giáo hội Romania hoàn toàn quy thuận chính thể Cộng sản. Sau khi Giáo hội Hiệp thông bị đàn áp năm 1948, Giáo hội Chính thống có thể tự nhận đại diện cho nhu cầu tinh thần của đa số người Romania. Nhưng hướng đi của họ hoàn toàn lệ thuộc quyền lợi của Đảng Cộng sản.
Người nông dân trở nên nhu nhược về chính trị, sau việc bắt giữ các lãnh đạo Đảng Nông dân Quốc gia và tống giam họ vào mùa đông 1947. Sau đó là việc cầm giữ hàng ngàn người – 80,000 theo thừa nhận của Tổng Bí thư Đảng Gheorghiu-Dej năm 1962 – chống đối chương trình tập thể hóa cưỡng bức bắt đầu từ 1949.
Không đầy đủ khi quy nguyên nhân thiếu chống đối chủ nghĩa cộng sản ở Romania chỉ vì bộ máy an ninh hiệu quả. Những yếu tố khác như quan hệ giữa các hệ thống chính thức và phi chính thức trong xã hội, và sự ăn ở hai lòng cũng đóng vai trò lớn. Quan hệ gia đình gần gũi cho phép con người ta đối đầu với khủng hoảng dưới thời Ceauşescu. Các mạng lưới người thân hay bạn bè được dùng để đi qua ma trận của bộ máy quan liêu. Ví dụ trong chuyện ẩm thực, được người Romania xem trọng, thịt từ lò mổ nhà nước được bán lén cho người thân, bè bạn của người quản lý lò mổ.
Bất đồng chính kiến
Hồi giữa thập niên 1980, khi một nhà ngoại giao phương Tây hỏi về bất đồng chính kiến ở Romania, một quan chức Đảng Cộng sản trả lời: “Tham nhũng là cách bày tỏ bất đồng của chúng tôi.”
Trước khi bàn về khái niệm “bất đồng” tại Romania, cần làm rõ ý nghĩa của từ này.
Nhiều nhà quan sát Romania nhầm lẫn giữa việc bất tuân phục và cái mà họ gọi là “phản kháng qua văn hóa”.
Tôi xem một người bất đồng chính kiến là người hoạt động bên ngoài hệ thống, là thách thức cho nó, còn một người bất tuân thì hoạt động từ bên trong hệ thống. Cả hai đều bày tỏ sự phản đối chế độ, nhưng mức độ phản đối ở người bất đồng chính kiến thì lớn hơn.
"Nhưng có một cảm giác có tội trong các nhà văn vì sự phục tùng của họ trước chế độ Ceauşescu. Cảm giác này khiến một số người, sau khi Ceauşescu bị lật đổ, trình bày thái độ của họ trong thời cộng sản theo cách họ muốn, chứ không phải theo thực tế."
Bất đồng chính kiến thể hiện công khai, như biểu tình, còn sự bất tuân lại kín đáo hơn. Kể từ sau 1989, thái độ bất tuân của các cây bút sống trong thời Ceauşescu được trình bày như là sự “phản kháng qua văn hóa”. Trong mắt những người này, các tác phẩm của họ là sự phản kháng chế độ, cho dù chúng thường ra mắt công chúng nhờ sự đồng ý hay đồng lõa của giới kiểm duyệt. Nhưng có một cảm giác có tội trong các nhà văn vì sự phục tùng của họ trước chế độ Ceauşescu. Cảm giác này khiến một số người, sau khi Ceauşescu bị lật đổ, trình bày thái độ của họ trong thời cộng sản theo cách họ muốn, chứ không phải theo thực tế.
Cô đơn
Không có người Romania nào lại bằng Doina Cornea trong cố gắng thu hút chú ý đến các chính sách hà khắc của Ceauşescu. Bà Cornea, một giảng viên đại học ở Cluj, bị đuổi việc tháng Chín 1983 vì dùng các tác phẩm triết học phương Tây trong bài giảng.
Trong một loạt thư ngỏ gửi Ceauşescu, phát trên đài Châu Âu Tự do từ 1982 đến 1989, bà lên án sự nhục nhã mà nhà lãnh đạo mang lại cho dân chúng. Thoạt tiên, ta có thể xem sự phản đối của bà đơn thuần là hành động chính trị, vì chúng đòi cải tổ dân chủ, lên án sự tàn phá làng mạc, và bày tỏ đoàn kết với những người đối kháng. Nhưng chúng cũng mang thông điệp đạo đức sâu sắc. Trọng tâm thông điệp của Cornea là niềm tin rằng mỗi cá nhân cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình, cần nhận ra rằng việc họ hành động thiếu trách nhiệm cũng có tác động đến cả xã hội. Tội ác lớn nhất của chế độ Ceauşescu, theo bà, là tước bỏ phẩm giá của con người, khiến lo lắng hàng ngày của họ chỉ là cố kiếm sống, nguyên tử hóa và đồng nhất hóa các dân tộc của Romania.
Cornea bị quản thúc năm 1988, một sự hạn chế mà chỉ được tháo bỏ vào ngày 22/12/1989, khi Ceauşescu bị lật đổ.
"Trọng tâm thông điệp của Cornea là niềm tin rằng mỗi cá nhân cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình, cần nhận ra rằng việc họ hành động thiếu trách nhiệm cũng có tác động đến cả xã hội. "
Việc rất ít đồng hương phản hồi thông điệp của bà không nên bị xem là thất bại của bà, mà nó chỉ xác nhận sự khó khăn to lớn của nhiệm vụ bà đặt ra, và thành công của Ceauşescu trong việc đe dọa nhân dân.
Phát biểu chỉ năm ngày sau khi vợ chồng Ceauşescus bị hành quyết ngày Giáng Sinh 1989, nhà phê bình văn học Dan Hăulică nói sự đau khổ dưới thời độc tài là do sự thụ động và thiếu phản kháng. Diễn giải lại lời của danh họa Goya, ông nói “cơn ngủ vùi của một quốc gia sinh ra quái vật”. Ông nói sau 25 năm xấu hổ, Romania đã tìm lại được sự tự trọng. Tự do và phẩm giá, những từ ngữ đã bị làm giả dưới thời Ceauşescu, đã được cuộc cách mạng trả lại giá trị thật.
Di sản
Nhưng cái mà Romania khó rũ bỏ hơn là di sản của sự tuân phục chế độ độc tài.
Phần nào đó, có liên hệ giữa sự tuân phục Ceauşescu và tiến trình cải tổ chậm chạp ở Romania kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Sự tập trung hóa cao độ và "sự khôn ngoan" công nghiệp hóa nhanh chóng không bị thách thức của Ceauşescu khiến đất nước không có được sự linh động để cải tổ chính trị và kinh tế.
Có thể, như một người đã nói, “mức độ nổi loạn cao hơn dưới thời Cộng sản đã tạo ra khác biệt giữa các nước ở Trung-Đông Âu chuyển đổi sang dân chủ nhanh hơn, như Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan, và những nước mà quá trình này đau đớn và quanh co hơn, như Bulgaria và Romania”.
Dennis Deletant, Giáo sư Danh dự ở University College, London, đã viết ba tác phẩm về Romania thời Cộng sản, gồm Ceauşescu and the Securitate: Coercion and Dissent in Romania, 1965-89 (1996), Romania under Communist Rule (1998), Communist Terror in Romania: Gheorghiu-Dej and the Police State, 1948-1965, (1999).
Bài viết này là một phần trong loạt bài về chủ đề phản kháng trong các xã hội Cộng sản ở châu Âu và Trung Quốc, do Lê Quỳnh thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét