Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

TƯ BẢN THÂN TỘC


Nguyễn-Xuân Nghĩa

"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Thành lũy Wall Street Vẫn Vững Bền



* Tài phiệt Jon Corzine tại Wall Street - cựu Nghị sĩ, cựu Thống đốc Dân Chủ của New Jersey -
một trong các chính khách giàu nhất Hoa Kỳ! Ông đang chủ trì một vụ thua lỗ hai tỷ mà không biết vì đâu. *


Tư bản thân tộc, "crony capitalism" - hay "tư bản đái quần" nói theo kiểu Trung Quốc - thật ra xuất hiện... trước khi có tư bản chủ nghĩa.

Nó chỉ là hiện tượng "một người làm quan cả họ được nhờ" trong mọi xã hội cổ xưa. Tinh thần cưu mang đại gia đình, hoặc chỉ tin vào người thân hay dân cùng làng cùng họ là điều mà người ta hiểu được. Nhưng khi việc đỡ đần và nhờ cậy nhau trở thành phổ biến thì ta dễ gặp hiện tượng phe phái. Và càng ở trên cao thì càng dễ có cách vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp.



Tại các quốc gia mà vương quyền được coi là tối thượng, việc vận động hay củng cố phe phái - nội thân, ngoại thích, các quan thái giám hay cận thần - quanh ngai vua trở thành một phần cốt tủy của mưu lược chính trị ở mọi nơi. Khi có quyền thì ai ai cũng có thể nghĩ đến lợi. Quyền ở trên đem mối lợi cho người dưới và trên dưới đều xây dựng quan hệ hữu cơ để nuôi nấng nhau.

Ngày nay hiện tượng cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế lại tăng gấp bội. Vì mưu thuật chính trị thì vẫn vậy, chứ tiền tài đã hơn xưa triệu lần nhờ kinh tế thị trường.

Tại các nước độc tài theo kinh tế thị trường nhưng dưới định hướng của nhà nước, chủ nghĩa tư bản thân tộc đã thành bản chất. Lý do chẳng có gì khó hiểu vì quyền bính được ban từ trên xuống, còn quyền lợi được dâng từ dưới lên.

Tại các nước dân chủ, vì người cầm quyền là do dân bầu lên, hiện tượng cấu kết khó xảy ra hơn. Mà nếu có thì cũng khó bền vì người dân có thể bầu lại. Với điều kiện là họ biết về tệ nạn cấu kết nhờ truyền thông có quyền tìm hiểu, và khả năng trình bày. Bài này sẽ nói về chuyện đó.

Từ nguyên nghĩa, chữ "crony" tiếng Anh hay "copinage" tiếng Pháp chỉ là bè bạn. Nhưng đi vào chính trường và doanh trường thì chuyện bạn bầy lại mở ra cho tay chân, thân hữu và gia tộc. Vì vậy, người viết xin dịch gọn là "thân tộc". Chứ nếu gọi là "đái quần" (cái dải quần) như Trung Quốc thì độc giả thấy khó hiểu. Hoặc... hiểu ra chuyện bài tiết hay thoát y phẩn dưới thì nguy.

Tại Hoa Kỳ, hiện tượng tư bản thân tộc cũng có, còn gia tăng sau biến động kinh tế của bốn năm qua. Vì năm nay lại có tranh cử, chúng ta nên ngó vào góc tối này.

Qua khảo sát hồi Tháng Bảy của viện Gallup, chỉ có 16% dân Mỹ hài lòng với lưỡng viện Quốc hội. Đây là tin mừng cho các dân biểu nghị sĩ vì Tháng Hai vừa qua, tỷ lệ tín nhiệm chỉ có 10% thôi. Thực tế thì trong các định chế Hoa Kỳ, Quốc hội đứng cuối bảng! Còn tệ hơn bốn thành phần tệ nhất - lần lượt là các HMO, đại tổ hợp, nghiệp đoàn và tài phiệt Wall Street.

Có gì đó quả là không ổn cho nền dân chủ này, mà không chỉ vì bế tắc chính trị do sự đối lập giữa hai đảng đang cố thủ trong hai viện như hai pháo đài. Cứ tưởng rằng chỉ có đám tài phiệt mới là đáng nghi và khó thương, thật ra họ tung hoành được cũng là nhờ chính khách.

Wall Street là tên gọi chung về giới quản trị các ngân hàng lớn nhất, các tổ hợp đầu tư, giao dịch chứng khoán và định chế tài chánh. So với 10 năm trước, ngày nay hỗn danh Wall Street là sản phẩm mất giá nặng nhất trên thị trường công luận, còn thua truyền hình và báo chí, là hai định chế chưa có được 30% dân Mỹ tin cậy! Cuộc thăm dò Tháng Năm của viện Harris còn cho thấy 70% dân Mỹ nghĩ rằng tài phiệt Wall Street sẵn sàng phạm luật nếu tin là có lợi và sẽ thoát tội.

Nhiều phần thì họ vẫn thoát như đã thoát sau những bất cẩn và bất lương khiến hệ thống tài chánh và ngân hàng Hoa Kỳ bị khủng hoảng năm 2008. Lý do là chính Wall Street đã hào phóng yểm trợ các chính khách thuộc cả hai đảng - và nhiều nhất là cho Barack Obama, vào năm tranh cử 2008 lẫn năm nay. Không những vậy, nhiều đại gia Wall Street hay thân hữu của họ đã tham chính từ năm 2009, hoặc ngồi cạnh giới làm luật, hay bên trong Bộ Tư Pháp, kể ra không hết.

Người ta cứ nghĩ đảng Dân Chủ là đảng tranh đấu cho dân nghèo và người thiểu số, có thể lắm! Nhưng đảng này được các tài phiệt chiếu cố tận tình qua những khoản tiền vận động gây chóng mặt. Bên kia đường, đảng Cộng Hoà nhận tiền yểm trợ nhiều nhất là từ giới tiểu thương, nhưng Mitt Romney đang ra tranh cử tổng thống là tài phiệt có lý lịch, và đang bị ghim vào tội này. Đề tài ấy, xin để khi khác, ở nơi khác.

Chuyện đáng chú ý là từ mấy năm nay, ta nghe nói nhiều – dù hết còn thấy – về phong trào "Chiếm đóng Wall Street" và khẩu hiệu bên đảng Dân Chủ là phải triệt hạ thế lực tài phiệt. Vậy mà sau cơn khủng hoảng 2008, tài sản của hệ thống ngân hàng còn tập trung nhiều hơn trước, dưới một Chính quyền Dân Chủ!

Về chuyện tập trung: năm 1994, bốn ngân hàng lớn nhất là Bank of America, J.P. Morgan, Wells Fargo và Citibank nắm gần 12% tổng số tín dụng của cả nước. Đến năm 2000, tỷ lệ tập trung này vượt 21% và qua năm 2007 thì gần 30%. Khi vụ khủng hoảng bùng nổ năm 2008, vì nguyên lý "to big to fail" - các đại gia quá bự ở trên không thể sụp được, nếu sụp thì tiểu doanh ở dưới sẽ chết - chính quyền phải tung tiền cấp cứu cho cả hệ thống khỏi sụp đổ. Kết quả là các đại gia được bơm mấy trăm tỷ chứ không ít, và thoát nạn.

Nhưng hậu quả ít ai biết là ngày nay bốn tổ hợp đó đã kiểm soát 40% thị trường tín dụng của 10 tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ, một sức tập trung cao hơn năm 2009 đến 10% và gấp đôi con số của năm 2000. Không chỉ nắm nhiều tài sản hơn, các tài phiệt còn có khả năng tác động mạnh hơn.

Sau vụ khủng hoảng 2008, ai cũng nghĩ là phải tăng cường kiểm soát các ngân hàng để khỏi có chuyện bất cẩn hay bất lương khiến dân nghèo bị vạ lây.

Tháng Bảy năm 2010, Quốc hội bèn biểu quyết đạo luật Dodd-Frank, được Tổng thống Obama ban hành, để "Cải cách Wall Street và Bảo vệ Giới tiêu thụ". Cái tên của đạo luật là từ hai chính khách bảo trợ: Dân biểu Barney Frank và Nghị sĩ Chris Dodd, hai nhân vật Dân Chủ cầm đầu ủy ban tài chính ở hai viện. Nhưng báo chí ít nhắc đến sự kiện là họ được hai cơ sở bán công là Fannie Mae và Freddie Mac ủng hộ tiền bạc rất nhiều trước khi vỡ nợ trong vụ khủng hoảng. Trước vụ khủng hoảng, giới lãnh đạo hai cơ quan này cũng đã từng tham chính từ thời Bill Clinton, nên mới ra cơ sự!

Kết quả của mẻ lưới Dodd-Frank? Chỉ muốn bắt lòng tong cá chốt thôi: các ngân hàng nhỏ ở địa phương chết ngộp vì không có tiền tìm ra luật sự thượng thặng để lách khỏi mấy tầng kiểm soát nên hơn 300 cơ sở âm thầm đóng cửa, nhân viên mất việc. Trong khi ấy, các đại gia vẫn trụ vì có sẵn loại luật sư đắt tiền đó trong túi. Hoặc đã nhét túi tranh cử cho những ai muốn kiểm soát....

Vì vậy, sau cuộc tranh cử năm nay, xin yên tâm là thành lũy Wall Street vẫn vững bền nếu cử tri không thấy ra điều ấy.

Nhưng nói về Hoa Kỳ lại không nhắc đến Trung Quốc thì khí bất công! Cũng xin yên tâm. Vì Trung Quốc vẫn là tấm gương sáng về kinh tế và chính trị.

Kẻ lý luận như vậy trên tờ New York Times (ngày hai Tháng 12 năm ngoái) không là bình luận gia Thomas Friedman quen thuộc về tình thần phục Tầu, mà là người có thẩm quyền: tài phiệt Steven Rattner đầy tai tiếng đã từng phục vụ chính quyền Obama. Mà trong khối nhân lực Wall Street đã đi vào chính quyền, Rattner không là ngoại lệ. Việc họ ngợi ca hay dung túng Bắc Kinh không là hãn hữu. Một đồng một cốt đề huề.

Nói của đáng tội, chỉ tại Trung Quốc ta mới thấy tệ nạn thân tộc được định chế hóa với "Thái tử đảng", thế lực chính trị và kinh doanh của đám con cháu công thần "cách mạng". Nàng Cốc Khai Lai chẳng cô đơn.

Vả lại, nếu có sự gì thì xứ này đã phát minh ra điều kỳ diệu, là phép "đính tội". Có lỡ sa lưới thì thuê người thay mặt ra toà - để vào tù cũng được. Ở nhà, gia đình sẽ được các đại gia chu cấp cho! Việc "mạo danh đính thế" là một nghiệp vụ đầu tư đầy tội nghiệp của dân nghèo xứ này.

Chẳng phải "kinh tế cũng là chính trị" sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét