Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Cuộc chiến của Putin ở Ukraine tốn kém đến mức nào? Nga có động cơ kinh tế để sáp nhập Ukraine không? Nhà kinh tế và chuyên gia về Nga Anders Aslund giải thích về cách tiếp cận hung hăng của Putin.
Anders Aslund (70 tuổi) là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở ở Washington. Nhà kinh tế người Thụy Điển này từng là cố vấn cho chính phủ Nga dưới thời Boris Yeltsin, cùng với Jeffrey Sachs và David Lipton, vào đầu những năm 1990. Ông đã làm việc với Phó Chủ tịch hiện tại của Ủy ban EU, Valdis Dombrovskis, trong thời gian ông này làm Thủ tướng Latvia. Aslund được coi là một trong những chuyên gia am hiểu nhất về sự kết thúc của nền kinh tế kế hoạch của Nga.
Hỏi: Thưa ông Aslund, liệu tổng thống Nga Putin có kham nổi cuộc tấn công vào Ukraine không? Cho đến nay, sự thôn tính Crimea đã là một hành động mạo hiểm vô cùng tốn kém.
Đáp: Trong một thời gian dài, Putin luôn phải để ý về chuyện tiền nong. Đầu độc và triệt tiêu những người chống đối chế độ không tốn nhiều tiền. Với việc chiếm đóng Crimea, ông ta đã bước vào một xu hướng với tầm vóc hoàn toàn khác: nước Nga tiêu tốn mỗi năm 5 tỷ đôla Mỹ, trong đó hai tỷ dành cho cơ sở hạ tầng, ở đó tình trạng vô cùng thảm hại.
Hỏi: Những con số này từ đâu ra?
Đáp: Đây là những số liệu chính thức. Khi chiếm Donbass, chúng tôi dựa vào số liệu của cơ quan tình báo quân đội Ukraine, số liệu này khá nghiêm chỉnh. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov đề cập đến con số 4 tỷ đôla một năm.
Hỏi: Putin phải huy động bao nhiêu tiền cho cuộc chiến ở Ukraine?
Đáp: Những gì Putin đang làm ở đây rất tốn kém. Đây là cuộc chiến thực sự đòi hỏi phải có rất nhiều nguồn lực. Tôi không thể định lượng chi phí của cuộc tấn công quân sự này. Nhưng chi tiêu quân sự của Nga chiếm khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội, hiện ở mức tổng cộng khoảng 1,5 nghìn tỷ đôla Mỹ.
Hỏi: Putin không quan tâm đến chi phí hiện nay, khi ông ấy đang ngồi trên khoản tiền dự trữ ước tính khoảng 631 tỷ đô la?
Đáp: Putin coi lượng dự trữ tiền tệ cao là một sự đảm bảo về chủ quyền. Ông ta nhấn mạnh điểm này rất nhiều. Để thích hợp, Nga cần có dự trữ ngoại hối chỉ khoảng 150 tỷ USD. Nếu dự trữ cao quá mức thì điều đó sẽ làm giảm mức sống ở Nga. Putin theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng cực kỳ không hợp lý về mặt kinh tế. Ông ta đã chuẩn bị để đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh.
Hỏi: Vậy chính sách thắt lưng buộc bụng này mang lại cái gì cho ông ta?
Đáp: Putin tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô vì nếu làm khác sẽ gây nguy hiểm cho quyền lực của ông ta. Đó là lý do tại sao ông ta muốn giữ thâm hụt ngân sách ở mức thấp, một khoản nợ quốc gia tối thiểu, chỉ bằng 20% tổng sản phẩm quốc nội.
Hỏi: Tăng trưởng kinh tế không quan trọng đối với ông ta sao?
Đáp: Không, Nga không có tăng trưởng kinh tế từ năm 2014 đến năm 2020. Thu nhập khả dụng thực tế đã giảm 11% trong giai đoạn này. Hồi tháng 7 năm 2021, ông ta công bố một chương trình kinh tế đến năm 2030, dự kiến không tăng trưởng kinh tế và không cải thiện mức sống trong hơn mười năm. Điều này không được viết ra một cách rõ ràng, nhưng cuối cùng thì đó là cách duy nhất để diễn giải nó.
Hỏi: Putin có động cơ kinh tế để sáp nhập Ukraine không?
Đáp: Putin muốn lấy lại ngành công nghiệp vũ khí. Cách đây vài năm, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói với tôi rằng Ukraine không có tổ hợp quân sự của riêng mình, mà là một phần của tổ hợp quân sự Nga. Ukraine chủ yếu sản xuất các bộ phận để được lắp ráp tại Nga. Trước năm 2014, tất cả các động cơ trực thăng của Nga đều có xuất xứ từ Ukraine. Tên lửa đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế được sản xuất ở Dnepropetrovsk. Các bộ phận của hệ thống phòng không S-300 và S-400 được chế tạo ở Kharkov. Máy bay vận tải quân sự Antonov, loại lớn nhất thế giới, được sản xuất ở Kiev.
Hỏi: Người ta có cảm giác Putin không quan tâm đến cái giá phải trả cho cuộc chiến, có đúng thế không?
Đáp: Putin không quan tâm đến chi phí chiến tranh, điều này cực kỳ nguy hiểm. Tại Hội đồng Bảo an và trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ông ấy dường như phát biểu vô hồn. Bài phát biểu của ông ta như một dòng chảy, thiếu cấu trúc mạch lạc. Ông ta ngồi vào bàn mà không có bất kỳ một bản ghi chép nào, và rõ ràng là không đọc từ máy nhắc chữ từ xa. Tôi nghĩ ông ta mắc chứng say mê quyền lực quá mức. Ở đây tôi nghĩ chúng ta có thể so sánh Putin với Hitler .
Hỏi: Cho dù có các lệnh trừng phạt, phương Tây vẫn ngại trừng phạt Nga trong lĩnh vực dầu và khí đốt, một nguồn thu rất quan trọng đối với Nga. Điều đó có phải là một việc làm khôn ngoan?
Đáp: Sẽ không phải là một ý tưởng hay, khi người ta cấm vận mặt hàng mà bản thân người ta cần dùng. Nga sản xuất 12% sản lượng dầu toàn thế giới. Các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ sẽ có những hậu quả sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.