Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Ts. Phạm Đình Bá - Đời sống và tiền lương tối thiểu ở các nước

Nếu gia đình bạn có tự do lựa chọn để sống ở các nước khác nhau, thu nhập gia đình bạn từ lương tối thiểu có đủ cho chi phí sinh hoạt của gia đình bạn không? Lương tối thiểu ở các nước được ấn định bởi luật lệ nội địa. Chi phí sinh hoạt thì thay đổi tùy vào giá cả hàng hóa từng nơi.

Bài nầy cung cấp dữ liệu cho tranh luận về đình công và quyền lợi người lao động, cụ thể là công nhân làm ở các hãng gia công của các tập đoàn nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Ý kiến tiêu biểu của công nhân thường là: "Dịch này tụi em cũng khổ lắm, ai cũng chờ cái Tết này để có tiền chi tiêu mà nói chung với mức thưởng như vậy thì không đủ chi tiêu."[1]

 

Ngược lại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại nói là các đơn vị liên hệ phải tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia xẻ khó khăn.[2] Cái Liên đoàn nầy cho rằng cần rà soát nhằm có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, “ngừng việc tập thể”, đình công tự phát xảy ra.

Đời sống và tiền lương tối thiểu ở các nước

Tiền lương tối thiểu mỗi tháng cho người lao động ở bên nhà là khoảng $181 đô la Mỹ, theo luật lao động Việt Nam ở nơi đắc đỏ, ví dụ như ở Sài gòn hay Hà Nội.[3] Nếu gia đình bạn may mắn có 2 người đi làm với lương tối thiểu để nuôi 2 con, thế thì thu nhập từ tiền lương tối thiểu từ hai đầu người đi làm là $362 đô la. Hay nói cách khác, tiền đầu vào mỗi tháng cho gia đình là $362.

Thế thì tiền chi phí trung bình cho gia đình bạn mỗi tháng là khoảng bao nhiêu? Tiền chi phí trung bình ở các thành phố được ước lượng dùng các dữ liệu từ Numbeo. Numbeo là cơ sở dữ liệu về chi phí sinh hoạt lớn nhất thế giới.[4] Để thu thập dữ liệu, Numbeo dựa vào dữ liệu đầu vào của người tiêu dùng và dữ liệu được thu thập theo cách thủ công từ các nguồn có thẩm quyền (trang web của siêu thị, trang web của công ty taxi, tổ chức chính phủ, bài báo, các cuộc khảo sát khác, v.v.). Dữ liệu được thu thập thủ công từ các nguồn đã thiết lập và được nhập vào cơ sở dữ liệu hai lần mỗi năm.

Hình trong bài nầy cho thấy là tiền chi ra cho sinh hoạt hàng tháng của gia đình bạn với 4 người và hai người đi làm ở Sài gòn hay Hà Nội là khoảng 1600 đô la Mỹ (chưa tính tiền nhà). Nếu đầu ra là 1600 đô la và đầu vào là 362 đô la thì bạn bị hụt tiền mỗi tháng. 

Với lương tối thiểu ấn định bởi nhà nước hiện nay, rõ ràng là gia đình bạn không sống nổi. Thế thì dù cho cái gọi là Liên đoàn Lao động có muốn tuyên truyền hay rà xét như thế nào đi nữa, thực tế là cần tăng lương tối thiểu để khi gia đình bạn có hai người đi làm, thì gia đình bạn không sống trong nghèo đói và không có tiền để trả tiền nhà.

Thử nhìn ra các nước khác xem một gia đình 4 người với 2 người đi làm ở mức lương tối thiểu thì đời sống gia đình họ như thế nào? Hình trong bài nầy có bao gồm 12 nước khác ngoài Việt Nam. Mức lương tối thiểu được thu thập qua Google bằng cách tìm “Lương tối thiểu ở nước X là bao nhiêu?” (“What is the minimum wage in X?”). Tiền tệ của 12 nước nầy được chuyển đổi sang đô la Mỹ để tiện so sánh xuyên các nước (hình).

Nếu gia đình bạn ở Hồng Kông, thì tiền lương hàng tháng cho một gia đình 4 người với 2 người đi làm ở mức lương tối thiểu thì đầu vào chỉ bằng 38% của tiền chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình bạn (so sánh với 23% chỉ số tương tự ở Việt Nam, xem hình). Gia đình bạn cũng không sống nổi ở Trung Quốc (chỉ số tương tự là 42%), Nhật Bản (56%), Singapore (58%), Đài Loan (63%) và Nam Hàn (66%).

Ngược lại, nếu gia đình bạn với 4 người và 2 người đi làm ở mức lương tối thiểu ở Úc thì bạn có tiền dư sau chi phí hàng tháng cho gia đình (chưa kể tiền thuê nhà). Mức lương đầu vào là 128% so với chi phí đầu ra ở Úc (hình), 133% ở Đức, 126% ở Anh Quốc, 111% ở Gia Nã Đại, 108% ở Mỹ và 109% ở Pháp. Tuy nhiên, nếu tính thêm tiền thuê nhà vào chi phí đầu ra, có thể gia đình các bạn cũng không đủ sống bằng tiền lương tối thiểu ở các nước nầy.

Theo kinh nghiệm của những người Việt vượt biên tìm tự do sau năm 1975, ở các nước như Úc, Pháp, Mỹ, Gia Nã Đại, Anh hay Đức, những người Việt tị nạn thường chỉ làm ở mức lương tối thiểu một thời gian ngắn sau khi đi định cư. Sau đó họ có thể tự cải thiện ngôn ngữ và đi tìm các cơ hội làm việc với lương lớn hơn lương tối thiểu. Đặc biệt ở các nước nầy, nhà nước làm việc cho dân và giúp dân chăm chỉ có đời sống ổn định và bảo đảm. Điều nầy thì không phải như vậy với cái gọi là đảng cộng sản ở Việt Nam.

Chuyện kể về đời sống và tiền lương tối thiểu ở Đài Loan

Để sống với mức lương tối thiểu của Đài Loan là 5,75 đô la một giờ (so với 1,10 đô la một giờ lương tối thiểu ở VN), Vivian Liao, 22 tuổi, đã tìm mọi cách để chi tiền ăn dưới 7,19 đô la một ngày.[5] Muốn làm được như vậy thì phải tính toán cẩn thận, nhưng Vivian có hai lợi thế. Cô là một sinh viên đại học, cô được giảm giá tại các cửa hàng trong khuôn viên trường, bao gồm cả một tiệm tạp hóa nơi cô ấy làm việc bán thời gian. Lợi thế thứ hai là thức ăn làm sẵn để mua mang về ở Đài Loan là rất rẻ. 

Các cửa hàng ăn sáng nhỏ - mở cửa từ 6 giờ sáng đến giữa buổi chiều - phục vụ bánh mì hay mì với giá dưới 1,80 đô la, trong khi bạn có thể mua hộp cơm từ các cửa hàng hoặc hàng rong vào giờ ăn trưa với giá 2,16 đến 5,39 đô la. Một số các tiệm bán thịt hoặc các món ăn chay cho phép khách hàng tự chọn và tính giá theo trọng lượng. Các cửa hàng ăn vặt giá rẻ có mặt khắp nơi.

Mặc dù vậy, Vivian cho biết các bữa ăn chiếm phần lớn thu nhập của cô.

Cô nói tại một quán cà phê trong khuôn viên trường ở Đài Bắc: "Vào đầu mỗi tháng, tôi dành phần lớn tiền cho thực phẩm, và tôi tiêu ít hơn cho những thứ khác". "Vì đại dịch COVID-19, tôi đã không đi làm bốn tháng, không có lương, vì vậy rất eo hẹp. Lúc trước đại dịch thì làm ít như vậy cũng tạm đủ, nhưng vẫn rất khó khăn."

Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Đài Loan vào năm 2019, người "lao động nghèo" bao gồm từ nhân viên cửa hàng tiện lợi đến nhân viên nhà máy và lao động giúp việc gia đình.

Vào tháng 1/2022, những người làm công ăn lương tối thiểu được tăng lương 5%, nâng lương hàng tháng lên 6,04 đô la một giờ (so với 1,10 đô la một giờ lương tối thiểu ở VN) và 907,42 đô la một tháng (so với 181 đô la một tháng lương tối thiểu ở Vùng I, Sài gòn hay Hà nội).[3] Tuy nhiên, sự gia tăng lương tối thiểu như vậy vẫn đặt Đài Loan sau các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Darson Chiu, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói rằng chi phí sinh hoạt ở Đài Loan tương đối thấp so với các nền kinh tế tiên tiến khác nhờ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tiện ích rẻ. Hầu hết công nhân Đài Loan, bao gồm cả người lao động, thường kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu. Chỉ những người lao động bán thời gian hoặc người nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực như dệt may và chế biến thực phẩm là ở mức lương tối thiểu.

Bộ Lao động Đài Loan nói rằng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Tsai Ing-wen đã tăng lương tối thiểu trong sáu năm liên tiếp. Vì những người trẻ tuổi thường làm ở mức lương tối thiểu, vì vậy chính phủ đã bắt đầu "đầu tư vào chương trình việc làm cho thanh niên" nhằm cung cấp các nguồn lực để giúp họ định hướng gia nhập lực lượng lao động. Bộ này cho biết thêm, tiền lương thực tế đã tăng trong 4 năm qua, từ 2017 đến 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng dựa trên nguồn lực cộng đồng Numbeo tính toán rằng chi phí sinh hoạt của Đài Loan ngang bằng với Đức, nơi mức lương tối thiểu khoảng 12 đô la một giờ (so với 1,10 đô la ở VN), trong khi giá ở các thành phố lớn như Đài Bắc và Cao Hùng tương tự như ở Berlin.

Chỉ số Numbeo tính toán rằng trước khi thuê nhà, trung bình một người độc thân cần tối thiểu 815 đô la để có sống tạm được ở Đài Loan. Tùy thuộc vào nơi họ sống, họ có thể cần phải trả tối thiểu 290 đô la một tháng cho nhà ở, mặc dù chi phí đó có thể cao hơn đáng kể ở các khu vực thành thị.

Vincent Lu, 24 tuổi, tiết kiệm tiền bằng cách sống ở nhà cha mẹ anh trong thời gian là sinh viên đại học, kiếm mức lương tối thiểu tại một quầy bán trái cây và rau quả vào cuối tuần. Ngay cả với công việc thứ hai là dạy trượt băng tại một trường tiểu học trong tuần, Lu vẫn tiết kiệm chỉ 180 đô la một tháng dù sống ở nhà. Lu cho biết nếu anh ta ở một mình và trả tiền thuê nhà, anh ta không nghĩ rằng mình có thể đủ sống!

Tài liệu:

1.         RFA. Hàng ngàn công nhân Pou Chen đình công sang ngày thứ tư, đòi giáng chức Chủ tịch Công đoàn 2022.01.11; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-of-pouchen-workers-on-strike-on-4-day-01112022091710.html.

2.         CVD. Gần 30 cuộc đình công, ngừng việc tập thể do lương, thưởng Tết. 16/2/2022; Available from: https://cvdvn.net/2022/02/18/gan-30-cuoc-dinh-cong-ngung-viec-tap-the-do-luong-thuong-tet/.

3.         Asianbriefing.com. Minimum Wages in ASEAN for 2021. April 16, 2013; Available from: https://www.aseanbriefing.com/news/minimum-wages-in-asean-for-2021/.

4.         Numbeo.com. Methodology and motivation for Numbeo.com. 2022; Available from: https://www.numbeo.com/common/motivation_and_methodology.jsp.

5.         ERIN HALE. Nikkei Asian Review - Asia Insight - Taiwan's tech boom masks a daily struggle for the masses. Quarter of island's workforce gets by on minimum wage and cheap food. November 2, 2021.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét