Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Ts. Phạm Đình Bá - Phương pháp Tiếp cận Nền tảng Chung


Young people distributing PPE supplies in Myanmar

John Marks, người thành lập Search for Common Ground (Tiếp cận Nền tảng Chung), là một nhà hoạt động chống chiến tranh và nhà báo điều tra.[1] Vào đầu những năm 1980, ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, John đã tự nhận thấy rằng: ông đã dành cả cuộc đời mình cho chủ trương chống lại đối thủ nhằm phá bỏ các hệ thống mà ông phản đối. Ông bắt đầu nhận ra rằng việc phá bỏ cái cũ không giống như việc xây dựng cái mới. Ông nhận thấy sự cần thiết của một tổ chức có thể làm được điều đó: tập hợp các phe đối lập lại với nhau để xây dựng các hệ thống mới có lợi cho tất cả.


Vào tháng 3 năm 2022, Tiếp cận Nền tảng Chung sẽ kỷ niệm 40 năm thành lập với tư cách là một tổ chức xây dựng hòa bình, đã đạt được kỷ lục về tác động biến đổi trong các khu vực xung đột trên khắp thế giới.

Tiếp cận Nền tảng Chung đã đi tiên phong trong cách tiếp cận chuyển đổi xung đột cực kỳ sáng tạo, tập trung vào một ý tưởng đơn giản: tất cả chúng ta đều "thắng cuộc" khi trọng tâm là những gì chúng ta muốn đạt được — không phải những gì chia rẽ chúng ta. Trong quá trình này, Tiếp cận Nền tảng Chung đã giúp phát sinh ra lĩnh vực thực hành ngày nay được gọi là xây dựng hòa bình (peace building).

Tiếp cận Nền tảng Chung sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông: tổ chức nầy tạo ra hàng trăm giờ mỗi năm với nội dung đa dạng về phương tiện, nội dung kỹ thuật số, phim truyền hình, truyền hình thực tế, đài phát thanh và báo in — bất kỳ định dạng truyền thông nào phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh địa phương.

Tiếp cận Nền tảng Chung cũng sử dụng các đội làm việc trên địa bàn địa phương. Theo một nhà hoạt động của tổ chức nầy cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi là những phương tiện truyền thông có thể đi rất rộng, nhưng chúng không có xu hướng đi sâu”. Các đội địa phương, đa sắc tộc, đa giáo phái — chính họ đại diện cho ranh giới phân chia trong một cuộc xung đột — dẫn đầu các nỗ lực tiếp cận và huy động trên thực địa, là xương sống của công việc xây dựng hòa bình. 

"Chúng tôi làm điều này không chỉ đơn giản là để hòa giải các tranh chấp hoặc thậm chí chấm dứt bạo lực trong một cộng đồng cụ thể, mà thực sự để kích hoạt sự thay đổi trong cách xã hội đối phó với sự khác biệt, với kết quả có thể cải thiện hoặc cứu sống hàng triệu người."

Nhà hoạt động nầy thích sử dụng phép ẩn dụ quen thuộc về hai người ngồi đối diện nhau trên bàn. “Khi thành công, công việc này giúp mọi người chuyển từ việc ngồi đối diện xem nhau là vấn đề, sang ngồi cạnh nhau, cùng nhau đối mặt với một nguyện vọng chung.” Phương pháp tiếp cận nền tảng chung thúc đẩy sự thay đổi để đạt được sự thay đổi lâu dài trên quy mô lớn.

Theo Phương pháp Tiếp cận Nền tảng Chung, thường khi mọi người không đồng ý, nhưng cuối cùng họ phải gặp nhau ở vài quan điểm chung, nơi mọi người từ bỏ một hay vài thứ quan trọng đối với họ.[2] Cách tiếp cận không yêu cầu mọi người thỏa hiệp. Cách tiếp cận kêu gọi mọi người cùng nhau đề xuất một tầm nhìn mới về tương lai, một tầm nhìn đáp ứng những mối quan tâm và giá trị sâu xa của mọi người. Đây là mặt bằng chung mà mọi người có thể khao khát. Đây là điểm chung mà mọi người sẵn sàng làm việc cùng nhau để đạt được nó. Để tìm ra nó, việc làm nầy thường đòi hỏi sự sáng tạo và cảm giác tin tưởng cơ bản vào nhau và mỗi người cảm thấy an toàn khi họ làm như vậy. Tuy nhiên, cách làm nầy có thể dẫn đến các giải pháp lâu dài cho hầu hết mọi người.

John Marks cho biết “Cái nhìn sâu sắc cốt lõi của tổ chức chúng tôi là xung đột là không thể tránh khỏi, nhưng bạo lực thì lúc nào cũng có thể tránh khỏi,” … “Thật vậy, được xử lý một cách xây dựng và không bạo lực, xung đột thực sự là một trong những cơ hội rất tốt cho sáng tạo.”

Theo Tiếp cận Nền tảng Chung, chúng ta có thể bất đồng về các vấn đề. Tuy nhiên, sẽ không tốt khi chúng ta coi nhau như một mối đe dọa, đặc biệt khi chúng ta ở trong một môi trường đầy rẫy những nguồn chủ động trong việc xói mòn lòng tin, khuếch đại và tăng tốc độ chia rẽ. Để vượt thoát khỏi môi trường nầy, chúng ta có thể cần một cái gì đó giống như Phương pháp Tiếp cận Nền tảng Chung.

Tài liệu:

1.    Zach Slobig. Skoll Foundation - How U.S. Social Fractures May Benefit from Far-Flung Conflict Zone Lessons. February 1, 2022; Available from: https://skoll.org/2022/02/01/how-the-social-fractures-of-the-u-s-may-benefit-from-lessons-of-conflict-zones-a-world-away/.

2.    Search for Common Ground. Search for Common Ground - Our team uses innovative tools to end violent conflict around the world. 2020; Available from: https://www.sfcg.org/core-principles/.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét