Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ tư 23 tháng 02 năm 2022

 Khủng hoảng Ukraina : Putin không nhân nhượng về các lợi ích và an ninh của Nga

23/02/2022 

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga tại Matxcơva ngày 21/02/2022. AP 

Bất chấp các trừng phạt của phương Tây, tổng thống Vladimir Putin hôm nay, 23/02/2022, tuyên bố kiên quyết không nhân nhượng về những đề nghị của nước Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina. 

Nguy cơ một cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina đã lên đến đỉnh điểm kể từ hôm thứ Hai sau khi ông Putin công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina.

Hôm qua, Quốc Hội Nga đã phê chuẩn các hiệp định hợp tác mà ông Putin đề nghị cho hai vùng lãnh thổ ly khai này, và như vậy tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện quân sự của Nga tại đây.

 

Trong bài phát biểu với các quân nhân, được truyền hình trực tiếp, nhân ngày Người bảo vệ Tổ quốc, tổng thống Nga khẳng định : « Các lợi ích và an ninh của công dân chúng ta là không thể thương lượng được ». Ông Putin cam kết sẽ tiếp tục tăng cường khả năng của quân đội Nga.

Tuy tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc đối thoại « trực tiếp và thành thật » với các nước phương Tây để « tìm ra các giải pháp ngoại giao cho các vấn đề phức tạp nhất », tổng thống Nga cho rằng phương Tây vẫn không đáp ứng các yêu cầu của ông.

Cho tới nay, Matxcơva vẫn đòi phương Tây cam kết là Ukraina sẽ không bao giờ được gia nhập khối NATO. Tối qua, ông Putin còn đòi « phi quân sự hóa » Ukraina và đòi chính quyền Kiev chấp nhận những nhân nhượng lãnh thổ cho phe ly khai thân Nga.

Từ vùng Rostov trên sông Đông, đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường trình :

« Vùng do phe ly khai thân Nga kiểm soát nay đã được Matxcơva công nhận. Đối với Vladimir Putin, như thế vẫn chưa đủ. Cái mà ông muốn bây giờ, đó là toàn bộ vùng Donbass, mà trong đó có đến 2 phần 3 vẫn thuộc chủ quyền của Ukraina. Đây là một lời đe dọa chiến tranh rõ ràng, kể từ nay có cơ sở pháp lý, sau khi Quốc Hội Nga hôm qua bật đèn xanh cho một cuộc can thiệp quân sự ở Ukraina.

Tổng thống Nga nhấn mạnh : « Tôi đã không nói là binh lính của chúng ta sẽ đến đó ngay bây giờ ». Ông nhắc đến khả năng mở các cuộc thương lượng giữa Kiev với phe ly khai. Một lần nữa làm chủ cuộc chơi, ông đặt ra những điều kiện mới : Phi quân sự hóa Ukraina và Kiev buộc phải chọn quy chế trung lập.

Trong lúc đó, quân Nga tiếp tục di chuyển ở miền nam Donbass và ở phía bắc tại vùng biên giới đối diện với thành phố Kharkiv của Ukraina. Trên các mạng xã hội có đầy những video về các cuộc chuyển quân này.

Đây là vấn đề đang gây phân hóa xã hội Nga : chỉ có một phần hai dân Nga ủng hộ nền độc lập hay việc sáp nhập vùng Donbass vào nước Nga, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với đa số áp đảo ủng hộ việc sáp nhập bán đảo Crimée trước đây. »

Giáo hoàng kêu gọi các chính trị gia xét mình trước Chúa về các hành động ở Ukraine 

23/02/2022 

Reuters 

Giáo hoàng Francis phát biểu hôm 23/2/2022 tại Vatican.

Giáo hoàng Francis phát biểu hôm 23/2/2022 tại Vatican. 

Hôm 23/2, Giáo hoàng Francis nói rằng mối đe dọa chiến tranh ở Ukraine khiến tôi “đau thắt lòng” và lên án các hành động “gây bất ổn giữa các quốc gia và phá hoại luật pháp quốc tế”, theo Reuters.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa quân vào các vùng ly khai ở miền đông Ukraine và công nhận các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk là các nước cộng hòa độc lập.

Giáo hoàng nói với một giọng điệu buồn bã vào cuối buổi tiếp kiến hàng tuần, kêu gọi các chính trị gia “nghiêm túc xét mình trước Chúa” về ảnh hưởng của các hành động của họ.

Ngài tuyên bố Thứ Tư Lễ Tro, nhằm ngày 2/3 năm nay, sẽ là ngày quốc tế ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình. Ông lên án “sự vô nghĩa của bạo lực” và nguyện cầu Đức Mẹ Maria, “nữ hoàng của hòa bình, hãy cứu thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh”.

“Tôi rất đau lòng vì tình hình ngày càng xấu đi ở Ukraine”, Giáo hoàng Francis nói và cho biết thêm rằng ngài cũng đau khổ và lo lắng như nhiều người trên khắp thế giới vì nền hòa bình bị đe dọa bởi các lợi ích đảng phái.

Đây là lần thứ hai Giáo hoàng Francis kêu gọi một ngày quốc tế cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, lần đầu tiên là vào ngày 26/1.

Cập nhật tình hình Ukraina ngày 22.02.2022 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEh50y04I7SkfmKcrQRhSAU1vJY-eYRzS4k9PZF5bxoieQCJrqgWm13gKzd-tCI3YWiAfkG5hKlPiA08No_Zd1d1DZv_-PnUW7cF4ODN-H8QF9PhoiSS4U_cVd2-g6Uyu1qRgI42KMjDjmNxe1o6QDTaTe38rE7fRGtm1y3lUQAj9fM0LgYFImvTIdb1Gw=w400-h260

- Trừng phạt của EU nhắm vào các dân biểu Nga : Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, 351 thành viên Douma (Quốc hội Nga) nằm trong danh sách bị trừng phạt. 

Trước đó năm 2014 sau khi chiếm Crimée, Nga bị loại khỏi nhóm G8, nay thành G7.

- Ngoại trưởng 27 nước EU nhất trí thông qua loạt biện pháp trừng phạt Nga. Na Uy cũng tham gia tuy không phải là thành viên EU.

- EU chuẩn bị kích hoạt nhóm an ninh mạng để bảo vệ Ukraina trước tin tặc Nga.

 - Trước sự đe dọa từ Nga, Ukraina đề nghị Liên hiệp châu Âu bảo đảm việc gia nhập EU trong tương lai.

- Đức sẵn sàng gởi thêm quân sang Litva.

- Anh trừng phạt 3 nhà tài phiệt và 5 ngân hàng Nga.

- Anh, Áo triệu tập đại sứ Nga.

- Đức ngưng cấp phép dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối với Nga. Hoa Kỳ hoan nghênh.

- Phần Lan sẽ cân nhắc lại dự án lò phản ứng nguyên tử liên kết với tập đoàn Nga Rosatom.

- Ukraina muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

- Nga loan báo chuẩn bị di tản nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina.

- Putin công nhận chủ quyền của phe ly khai thân Nga trên toàn bộ Donetsk và Lougansk, chứ không chỉ tại những khu vực phe này đang kiểm soát.

- Matxcơva kêu gọi các nước khác công nhận độc lập của các « nước cộng hòa » ly khai ở Ukraina. 

- Ứng cử viên tổng thống Pháp Yannick Jadot kêu gọi tập hợp trước đại sứ quán Nga ở Paris vào 17 giờ để ủng hộ nhân dân Ukraina. 

- Tựa bài xã luận của Libération (thiên tả) hôm nay : « Vladimir Putin : Thằng điên ở Matxcơva ».

Thêm ba nước Úc, Canada và Nhật Bản trừng phạt Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/02/morrison-and-putin.jpg

Vào hôm thứ Hai tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng Nga hiện coi hai khu vực ở vùng Donbas của Ukraine — Luhansk và Donetsk — là độc lập, và sau đó đã ký sắc lệnh cho phép khai triển quân đội Nga đến khu vực này để thực hiện “các hoạt động gìn giữ hòa bình”. 

Donetsk và Luhansk đã sa lầy vào chiến tranh trong tám năm qua sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine và bắt đầu cung cấp hỗ trợ cho lực lượng ly khai thân Nga ở hai vùng phía đông này. Ước tính khoảng 14,000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.

Ngay sau hành động vi phạm chủ quyền Ukraine của Tổng thống Putin, thế giới Tự Do Tây Phương đã có phản ứng ngay lập tức, đầu tiên là Hoa Kỳ sau đó là Anh, Đức và Liên Minh Âu Châu, gần nhất là Úc, Canada và Nhật Bản.

Phản ứng của chính phủ Úc

Hôm thứ Tư (23/2), Thủ tướng Úc Scott Morrison chỉ trích hành động của Nga là “phi lý, không có cơ sở, vô cớ và không thể chấp nhận” và ông Morrison cho biết lệnh trừng phạt của nước này sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại nhắm mục tiêu cụ thể và trừng phạt tài chính đối với thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. 

Những biện pháp trừng phạt rộng hơn sẽ được áp dụng đối với các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Ukraine. Thủ tướng Úc dự kiến áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đối với công dân Nga mà ông cho là đang hưởng lợi từ khủng hoảng Ukraine và những người có quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin. Đồng thới Úc sẽ ưu tiên các đơn xin cấp thị thực của công dân Ukraine.

Phản ứng của Nhật

Hôm thứ Tư (23/02), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì các hành động gần đây của họ ở Ukraine.

Theo ông Kishida, các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm việc cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật Bản và đóng băng tài sản của một số công dân Nga.

Ngài thủ tướng cho rằng Nga đã tiến hành vi phạm chủ quyền của Ukraine và yêu cầu Moscow tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao. Ông Kishida nói thêm rằng Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các hành động tiếp theo nếu tình hình xấu đi.

Nhật Bản phụ thuộc vào Nga để đáp ứng một số nhu cầu năng lượng của mình, với việc Nga cung cấp hơn 12% lượng than nhiệt của Nhật Bản trong năm 2021 và gần 1/10 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này.

Thủ tướng Kishida cho biết ông không lường trước được bất kỳ tác động đáng kể nào đối với nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn và sẽ tính đến mọi biện pháp để hạn chế những tác động đó lên các gia đình và công ty nếu giá dầu tiếp tục tăng.

Hành động của Nhật Bản diễn ra sau khi một số nước phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với Nga.

Phản ứng của Liên Minh Âu Châu

Liên minh Âu Châu thông báo rằng toàn bộ 27 quốc gia thành viên của khối đã nhất loạt thông qua danh sách các biện pháp trừng phạt ban đầu nhắm vào các nhà lập pháp và giới chức trách Nga. Các biện pháp trừng phạt này cũng sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của Nga vào các thị trường vốn và tài chính của EU.

Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết: “Gói trừng phạt này … sẽ gây tổn hại cho Nga và nó sẽ gây tổn hại rất nhiều.”

Phản ứng của Canada

Hôm thứ Ba (22/02), Thủ tướng Justin Trudeau thông báo, Canada sẽ gửi thêm hàng trăm binh sĩ tới Đông Âu và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để đáp lại quyết định điều động thêm quân vào hai vùng thuộc miền đông Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Trudeau nói trong một cuộc họp báo ở Ottawa: “Chúng tôi mong muốn Nga giảm leo thang, từ bỏ các hành vi vi phạm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và trở lại bàn đàm phán.”

“Chớ nhầm lẫn: đây là một cuộc xâm lược sâu hơn nữa vào một quốc gia có chủ quyền và nó hoàn toàn không thể chấp nhận được,” ông nói và cho biết thêm, “Những hành động khiêu khích trơ trẽn của Nga là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình trên thế giới.”

Ông Trudeau cho biết lên đến 460 quân nhân của Lực lượng Vũ trang Canada đang được cử đến Latvia và khu vực xung quanh để hỗ trợ NATO nhằm đáp trả những gì ông mô tả là một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Các binh sĩ mới đang được khai triển cùng với một khu trục hạm hải quân nữa và trinh sát cơ Aurora, thêm vào nhóm 540 thành viên Lực lượng Vũ trang đã được điều động tới Latvia, nơi họ đang dẫn đầu một nhóm tác chiến của NATO.

Thủ tướng cũng cho biết Canada đang thực hiện các bước cùng với các đồng minh để cô lập Nga về mặt tài chính bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một số nghị sĩ, các lãnh đạo doanh nghiệp, và các công ty Nga, bao gồm cả các ngân hàng và các công ty quốc phòng.

Canada cũng đang cấm mua các khoản nợ công của Nga và bất kỳ giao dịch tài chính nào với Donetsk và Luhansk.


Tình hình thực địa ở Donetsk và Luhansk

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội của mình tiến vào các nước “Cộng hòa Nhân dân” mới được công nhận, Donetsk và Luhansk, ở miền đông Ukraine. Vậy đối với những vùng được các khu vực ly khai này tuyên bố chủ quyền nhưng không kiểm soát thì sao?

Phóng viên của The Economist đã ghi nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau trên đường phố của Slovyansk, một thị trấn vốn do quân ly khai chiếm đến năm 2014. Nhiều người vẫn thản nhiên. Tin tức về các cuộc pháo kích ở tiền tuyến không làm họ bị sốc, một phần vì họ đã sống trong xung đột suốt tám năm qua. Song một số người khác lại cảm thấy đang có thay đổi. “Chúng tôi đang ở Donetsk của Ukraine, nhưng sắp tới khu vực của chúng tôi có thể sẽ mang một cái tên khác,” theo lời một thanh niên đang sửa soạn lên đường đi Đức. Chẳng ai biết được tham vọng của Putin đến đâu.

Ngành khai thác mỏ toàn cầu ăn nên làm ra

Rio Tinto dự kiến sẽ công bố kết quả ấn tượng vào thứ Tư. Khoảng một nửa doanh thu của gã khổng lồ khai thác mỏ toàn cầu này đến từ quặng sắt, vốn đã tăng giá 2 phần 3 kể từ tháng 11. Giá của các kim loại khác, bao gồm nhôm và nickel, cũng tăng theo. Do đó nguồn cung bị hạn chế trong khi nhu cầu bật trở lại vì các nền kinh tế mở cửa. Hai công ty khai mỏ khác, BHP và Glencore, cũng công bố lợi nhuận đáng kể. Dự kiến Anglo American cũng sẽ nối bước vào thứ Năm.

Tuy nhiên văn hóa doanh nghiệp vẫn là một vấn đề nan giải trong ngành. Trong tháng này Rio đã công bố kết quả điều tra được công ty thuê ngoài thực hiện, vốn cho thấy gần một nửa số nhân viên của công ty nói đã bị bắt nạt trong 5 năm qua. Ngoài ra, Glencore cũng gặp rắc rối. Trong tháng này, họ đã trích 1,5 tỷ đô la để chi trả các khoản tiền phạt dự kiến do bị điều tra hối lộ và tham nhũng ở Brazil, Anh và Mỹ. Bất chấp kết quả khả quan, ngành công nghiệp này vẫn chịu rất nhiều tai tiếng.

Ma trận quy định làm tăng giá nhà ở California

California là nhà của gần một nửa số người vô gia cư ở Mỹ. Giá trung bình của một ngôi nhà ở bang này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn quốc, với ngay cả nhà “bình dân” cũng rất đắt. Vào năm 2016, các cử tri Los Angeles đã ủng hộ gói chi tiêu khổng lồ cho một chương trình trợ cấp nhà ở. Kết quả kiểm toán của chương trình, công bố vào thứ Tư này, sẽ cho thấy chi phí trung bình cho mỗi căn hộ —vốn đạt mức khủng 531,000 đô la hồi năm 2020 — đã tăng vọt.

Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng làm chi phí lên cao. Nhưng quan liêu là một vấn đề lớn hơn nhiều. Việc chính phủ đặt ra quá nhiều quy tắc hạn chế xây dựng đã giúp làm dầy túi cho các hãng tư vấn, luật sư, chuyên gia môi trường và công đoàn. Một nghiên cứu đã cho thấy quy định chỉ được thuê lao động thuộc các công đoàn cho các dự án xây nhà ở được trợ cấp khiến chi phí một căn hộ tăng thêm hơn 50.000 đô la. Thống đốc Gavin Newsom, một người thuộc Đảng Dân chủ, đã cho bỏ đi một số quy định cản trở xây nhà, nhưng không nhiều triển vọng về thay đổi đáng kể.

Chế tài lên các ngân hàng chỉ làm trầy bề mặt Pháo đài Nga 

23/02/2022 

Reuters 

Tổng thống Vladimir Putin tham dự phiên họp của Nội các Nga tại dinh Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin tham dự phiên họp của Nội các Nga tại dinh Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow. 

Liên hiệp châu Âu và Anh ngày 22/2 loan báo những chế tài mới nhắm vào Nga sau khi Moscow công nhận hai vùng ly khai tại Ukraine là những thực thể độc lập.

Đứng đầu trong số các mục tiêu chế tài là các ngân hàng Nga và khả năng hoạt động quốc tế của các ngân hàng này.

Tuy nhiên ảnh hưởng của những chế tài mới có thể là tối thiểu. Các chính phủ phương Tây hiện giờ muốn để dành các gói chế tài đã dự trù lớn hơn cho tình huống cuộc khủng hoảng leo thang.

Điều này có nghĩa là các chủ ngân hàng Nga và những đối tác phương Tây có quan hệ với Nga sẽ ‘không bị mất ngủ’ nhiều.

Những chế tài đã loan báo 

Các ngọai trưởng châu Âu đồng ý chế tài 27 cá nhân và thực thể, bao gồm các ngân hàng tài trợ cho các nhà quyết định chính sách Nga và hoạt động trong các lãnh thổ đòi ly khai.

Gói chế tài cũng bao gồm tất cả thành viên của Hạ viện Nga, những người đã bỏ phiếu chấp thuận việc công nhận những vùng đòi ly khai.

Anh áp đặt chế tài lên ông Gennady Timchenko và hai tỉ phú khác có quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin cùng 5 ngân hàng: Rossiya, IS Bank, GenBank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.

Các ngân hàng này tương đối nhỏ, chỉ có ngân hàng Promsvyazbank là định chế tín dụng quan trọng được liệt kê trong danh sách của ngân hàng trung ương Nga.

Ngân hàng Rossiya đã bị Mỹ chế tài từ năm 2014 vì có liên hệ chặt chẽ với các quan chức Điện Kremlin.

Các chuyên gia cho rằng các biện pháp này khiêm nhường.

Ảnh hưởng thế nào?

Cho tới nay-chỉ tối thiểu.

Các ngân hàng lớn của Nga hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chánh toàn cầu, có nghĩa là chế tài lên các định chế lớn nhất có thể được cảm nhận vượt xa biên giới.

Tuy nhiên những chế tài mới lại chú trọng đến các ngân hàng nhỏ hơn.

Những biện pháp nhắm vào các ngân hàng vừa kể chưa mạnh mẽ như những biện pháp được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 mà phần nhiều các trừng phạt ấy vẫn còn nguyên. Sau đó, phương Tây đã đưa vào danh sách đen những cá nhân cụ thể, tìm cách hạn chế việc tiếp cận thị trường vốn của các định chế quốc doanh Nga, nhắm vào những ngân hàng lớn hơn và áp đặt những hạn chế rộng lớn đối với việc mua bán công nghệ.

Các biện pháp mới của Anh không áp đặt những hạn chế lên các ngân hàng nhà nước lớn nhất, không cắt giảm vốn của các công ty Nga, cũng không loại bỏ giới giàu có Nga ra khỏi Anh.

Cổ phần của các ngân hàng lớn nhất Nga như Sberbank và VTB tăng mạnh sau khi nhóm ngân hàng nhà nước này thoát khỏi chế tài.

Các nhà phân tích nói các định chế Nga có thể đối phó các chế tài lần này tốt hơn cách đây 8 năm, và các ngân hàng nhà nước Nga đã giảm bớt sự tiếp cận với các thị trường phương Tây.

Nga kể từ năm 2014 đã đa dạng hoá ra khỏi vòng ảnh hưởng của Bộ Ngân khố Mỹ và đồng đô la Mỹ. Đồng euro và vàng chiếm tỉ lệ lớn trong dự trữ của Nga hơn là đô la, theo phúc trình hàng năm của Viện Tài chánh Quốc tế.

Nga cũng có những phòng vệ kinh tế vĩ mô, bao gồm dự trữ tiền tệ dồi dào 635 tỉ đô la, giá dầu gần 100 đô la một thùng và tỉ lệ nợ/GDP thấp, ở mức 18%, vào năm 2021.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các giới chức nói các biện pháp ngày 22/2 chỉ là vòng chế tài đầu tiên.

Hiện giờ vẫn chưa rõ khi nào hay liệu có chuyện EU sẽ nhắm vào các ngân hàng lớn nhất hay không.

Washington đã chuẩn bị một loạt các chế tài bao gồm cấm các định chế tài chánh Mỹ xử lý các chuyển khoản cho các ngân hàng lớn của Nga, các nguồn tin nói với Reuters vào tuần trước.

Mỹ cũng có thể dùng công cụ chế tài mạnh mẽ nhất chống một vài cá nhân và công ty Nga bằng cách đưa vào danh sách Chỉ định Đặc biệt (SDN), loại ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.

Điều gì ảnh hưởng nặng nhất?

Điều mà các ngân hàng khu vực và các chủ tín dụng phương Tây sợ nhất là Nga bị cấm sử dụng hệ thống chi trả toàn cầu, SWIFT, vốn được hơn 11.000 định chế tài chánh của trên 200 nước sử dụng.

Cấm Nga sử dụng SWIFT sẽ làm cho các chủ nợ châu Âu khó thu nợ, mà Nga cũng đã xây dựng một hệ thống thay thế SWIFT.

Các ngân hàng châu Âu, đặc biệt tại Áo, Ý và Pháp là những ngân hàng tiếp cận với Nga nhiều nhất, và hiện đang báo động cao nếu các chính phủ áp đặt những biện pháp chế tài mới.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm đáng kể sự tiếp cận của họ với Nga từ năm 2014, nên một số ngân hàng không mấy quan ngại về đe doạ chế tài.

Ukraine động viên quân trừ bị tuổi 18-60 

23/02/2022 

Reuters 

Quân trừ bị Ukraine tại Kyiv tập huấn, ngày 19/2/2022.

Quân trừ bị Ukraine tại Kyiv tập huấn, ngày 19/2/2022. 

Hôm 23/2, Ukraine bắt đầu nhập ngũ quân dự bị trong độ tuổi 18-60 theo sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, các lực lượng vũ trang cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.

Thời hạn phục vụ tối đa là một năm.

Tổng thống Zelenskiy hôm 22/2 cho biết ông đang lập danh sách nhập ngũ quân trừ bị, nhưng không ra lệnh tổng động viên.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Zelenskiy cho biết ông vẫn theo đuổi các biện pháp ngoại giao để thoát khỏi cuộc khủng hoảng và hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương, nhưng cho biết Ukraine sẽ không nhượng bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga.

Phát biểu trước quốc dân sau cuộc họp giữa các đảng phái tại quốc hội, ông Zelenskiy công bố một chương trình “lòng yêu nước về kinh tế” bao gồm khuyến khích sản xuất địa phương và cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Ông nói: “Không cần tổng động viên ngày hôm nay. Chúng ta cần bổ sung kịp thời cho quân đội Ukraine và các lực lượng quân sự”.

Ông nói: “Với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Ukraine, tôi đã ban hành một sắc lệnh động viên quân trừ bị vào một thời kỳ đặc biệt”.

Ông nói: “Chúng tôi phải tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Ukraine đối với mọi thay đổi có thể xảy ra trong tình hình tác chiến.”

Ông Zelenskiy công khai chỉ trích các đại sứ quán nước ngoài và các doanh nhân Ukraine đã rời Ukraine vì lý do an ninh, đồng thời lập lại kêu gọi các công ty ở lại hoạt động.

“Tất cả họ đều phải ở lại Ukraine. Doanh nghiệp của họ nằm trên đất Ukraine, được quân đội của chúng tôi bảo vệ”, ông nói.

Ukraine và các nước phương Tây từ lâu đã cáo buộc Nga châm ngòi cho xung đột ở miền Đông Ukraine và cử quân đội cùng vũ khí hạng nặng để hỗ trợ phe ly khai từ năm 2014. Moscow luôn phủ nhận việc làm đó và yêu cầu Kyiv đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh đạo phe ly khai mà Ukraine không công nhận tính hợp pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét