Đình công là vấn đề “nhạy cảm”, chính quyền lo ngại nguy cơ lan rộng
Phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
20/02/2022
Đình công tại công ty TNHH Cresyn Hà Nội (Bắc Ninh) và Công ty TNHH EM-TECH Việt Nam tại Nghệ An trong tháng 2/2022
Facebook/ RFA edit
Chỉ ít ngày sau Tết Nhâm Dần 2022 đã xảy ra gần 30 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại các công ty có yếu tố đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100% vốn hay liên danh. Thực trạng này chưa từng có trong các năm trước, nhiều cuộc ngừng việc tập thể xảy ra thời gian qua do lương, thưởng Tết và việc thay đổi hình thức trả lương, thưởng của doanh nghiệp mà người lao động chưa đồng tình. Một số địa phương có vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin nhiều là Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Bắc Ninh… Chẳng hạn, gần 5.000 công nhân của Công ty TNHH giày da Viet Glory ở tỉnh Nghệ An đã quay trở lại làm việc sau hơn một tuần nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi khi được tăng lương cơ bản và có cam kết thay đổi thái độ ứng xử của cán bộ quản lý của công ty… Chính quyền lo ngại nguy cơ lây lan “đình công” tại nhiều tỉnh, thành phố, và mới đây Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã phải ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể…
Đình công là vấn đề cấp thiết và phức tạp đối với cải cách thể chế khi chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Động lực thị trường mạnh mẽ với làn sóng đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy kinh tế, có xuất phát điểm thấp, tăng trưởng nhanh chóng như một sự bảo đảm tính chính danh của Đảng. Nếu tách biệt tương đối các loại thị trường hàng hoá và dịch vụ… thì thị trường lao động vì lý do ý thức hệ có quá trình chuyển đổi chậm chạp hơn cả. Việc ban hành Bộ luật Lao động năm 1995 là một bước tiến thể chế hoá nhưng nhiều nội dung không phù hợp với kinh tế thị trường nên cho đến nay đã phải sửa đổi nhiều lần, trong đó có điều khoản về đình công theo quy trình phức tạp, thiếu tính khả thi. Việc duy trì quá lâu chế độ biên chế nhà nước, bộ máy hành chính cồng kềnh phình to, hệ thống tiền lương thống nhất lạc hậu dung dưỡng tính quan liêu, cửa quyền và các hành vi tiêu cực của công chức. Việc giải quyết tranh chấp lao động mang tính hình thức, cơ chế ba bên: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đại diện Nhà nước, Tổng Liên đoàn VN đại diện người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nên quyết định về lương tối thiểu là không thể mang tính độc lập, việc cam kết với quốc tế như với Tổ chức Lao động về điều kiện và quyền lao động trong ký kết tham gia các Hiệp định thương mại và đầu tư với nước ngoài và thực thi luôn bị trì hoãn, việc tự thành lập các tổ chức công đoàn độc lập trong nước đều bị coi và trái pháp luật và bị trừng phạt…
Như hậu quả của môi trường luật pháp và hành chính như trên, những cuộc đình công sau Tết Nhâm Dần cho thấy một số vấn đề sau: Không đúng theo quy định về đình công trong Bộ luật Lao động; Những công nhân tự phát nghỉ việc và tụ tập và không thấy xuất hiện “người cầm đầu”, nhưng “nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu” được cảnh báo. Nguyên nhân chủ yếu là lương thấp, đời sống khó khăn do COVID-19 và giá cả hàng hoá tăng; vai trò công đoàn mờ nhạt; chính quyền “vào cuộc” xử lý như trường hợp ở tỉnh Bắc Ninh là các cơ quan chức năng như Sở LĐ, TB&XH, Phòng Kinh tế, Công an tỉnh; lãnh đạo các công ty viện dẫn luật, như các điều khoản về lương tối thiểu đứng về phía giới chủ sử dụng lao động; thời gian đình công thường kéo dài khoảng trên dưới một tuần sau khi một số yêu cầu của người lao động được thoả mãn…
Đình công là vấn đề nhạy cảm với chế độ vì bản chất chính trị. Đình công có lịch sử hàng trăm năm gắn liền với quá trình công nghiệp hoá và sự phát triển tư bản chủ nghĩa, và đình công bị cho là “xấu xa” dưới góc nhìn ý thức hệ cộng sản dựa trên tư tưởng Mác-Lênin về xoá bỏ bóc lột sức lao động và đấu tranh giai cấp. Động cơ và hành vi làm việc vì tập thể được kiểm soát bởi cơ chế kế hoạch hoá thông qua các tiêu chuẩn, định mức lao động, cơ chế tiền lương thống nhất trên cơ sở tính hao phí lao động, thi đua thay cho cạnh tranh, thu quốc doanh thay thế lợi nhuận… Mô hình trên không còn tồn tại, bởi vậy việc tránh bị níu kéo bởi ý thức hệ CNXH giáo điều là điều kiện tiên quyết để tạo lập môi trường phát triển cho các yếu tố thị trường lao động. XHCN là “huyền thoại” nhưng câu hỏi đến khi nào là “thực tế” sẽ luôn thách đố đối với những người tham vọng quyền lực.
Đình công là vấn đề thời sự và thời đại gắn với sự vận động của thị trường và cần được giải quyết bằng các giải pháp thị trường có tính đến cả hai mặt phải trái: ưu thế và khiếm khuyết cố hữu của nó. Adam Smith từ 1776 đã nhìn thấy sức mạnh của thị trường đồng thời với khả năng băng hoại đạo đức, tha hoá quyền lực. Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác trong thời khai sáng và cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã đặt nền móng cho môi trường tự do kinh doanh và chế độ dân chủ để kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp trong công trình có tiếng vang: Tư bản trong thế kỷ XXI (Tiếng Anh: Capital in the Twenty-First Century, 2014) đã đưa ra cảnh báo rằng trong thế kỷ hai mươi mốt này sự phân hoá giàu nghèo, sự bất bình đẳng, như mặt trái cố hữu của thị trường, một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản, vẫn bám đuổi loài người như một xu hướng.
Bởi vậy, quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp đối với đình công là cấp thiết đối với Việt Nam, nhưng phải toàn diện và lâu dài, kiểm soát đình công phải mang tính thị trường đồng thời với cải cách chính trị và thị trường nói chung. Ở đây nhấn mạnh hai đề xuất quan trọng cho vấn đề đình công xuất phát từ thực tế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và những yêu cầu thực tế cải cách chính trị phù hợp với thị trường. Một là, thiết lập cơ chế độc lập và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người lao động, cơ chế giải quyết thông qua đối thoại, trong đó thành lập các tổ chức công đoàn thực sự đại diện, độc lập và chuyên nghiệp trong đồng thời với cải cách thể chế luật pháp và chính sách có liên quan. Giá nhân công cần được xác định trên thị trường lao động nhưng hiện đang phải duy trì ở mức thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, bất lợi với người lao động. Hai là, cải cách thị trường lao động mạnh hơn, trước hết xoá bỏ biên chế nhà nước, hoàn thiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, vấn đề đã được khởi động, thực hiện dở dang và đang gặp chống đối bởi sự tha hoá quyền lực và nhóm lợi ích. Điều này được minh chứng bởi những vụ án, trục lợi do quản lý yếu kém của ngành y tế và giáo dục hiện nay.
Theo tôi, cùng với sự thâm nhập sâu rộng của thị trường trong thời gian tới đình công có thể lan rộng, tuy nhiên, “sự nhạy cảm” và tính chất phức tạp đình công tuỳ thuộc vào các cải cách chính trị và thể chế theo hướng thị trường. Hy vọng các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động cần thông qua cơ chế đối thoại, dân chủ và văn minh bởi vì “triệt tiêu” nó bằng chuyên chế là không thể.
Chính Quyền Sách Nhiễu Khi Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên Đang Dâng Thánh Lễ Tại Hoà Bình
Vụ việc xảy ra vào lúc 11 giờ 30 hôm nay, Chúa Nhật, 20.02.2022 tại nhà thờ Giáo xứ Vụ Bản, Tổng Giáo phận Hà Nội.
Khi Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội đang dâng thánh lễ, (ngài đang ngồi) đến phần Hiệp Lễ – Thánh lễ gần kết thúc thì hai người bên phía chính quyền, trong đó có một người đầu đội mũ bảo hiểm xông lên tận Cung Thánh để ngăn cản, sách nhiễu. (một số người cho biết người đội mũ bảo hiểm là ông Bí thư Thị Trấn)
Hai người này, một người mặc áo đi mưa, đầu đội mũ bảo hiểm lên gian cung thánh ngăn cản. Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Liên, Chính xứ Vụ Bản và quý cha đồng tế đã mời những người này rời khỏi cung thánh để nói chuyện sau, nhưng họ vung tay, tỏ thái độ đôi co trong khi thánh lễ đang nghiêm trang.
Website của Tổng Giáo Phận Hà Nội đưa tin: “”Cuối Thánh lễ, có hai người xưng là đại diện chính quyền thị trấn Vụ Bản xông lên Cung thánh đòi giải tán Thánh lễ. Sự cố này làm Thánh lễ bị gián đoạn ít phút. Tuy nhiên, cộng đoàn Phụng vụ vẫn giữ được sự trang nghiêm. Trong khi đó, một số linh mục đồng tế và một số giáo dân đã ra can thiệp đề nghị hai người này rời khỏi nhà thờ để Thánh lễ được tiếp tục.”
Về phần Đức Tổng Giuse, chúng ta thấy ngài ngồi tại ghế chủ tọa, một số quý cha khác đang rước Mình Thánh Chúa, còn cộng đoàn dân Chúa trong nhà thờ hát bài ca Hiệp Lễ.
Hiện chưa biết vì lý do nào, những người này đã xông lên gian cung thánh để sách nhiễu khi Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên và quý linh mục cũng như anh chị em giáo dân đang cử hành thánh lễ tại Vụ Bản. Dù với bất cứ lí do nào đi nữa, đây là hành động vô pháp, sách nhiễu, xúc phạm tôn giáo không thể chấp nhận, cần lên án, khi người bên phía chính quyền có những hành động thiếu văn hóa tại nơi chốn và thời điểm thánh thiêng là trong nhà thờ và vào lúc thánh lễ đang diễn ra.
Được biết, cuối năm 2020, khi bảy linh mục xung phong vào Hòa Bình nhận xứ, Đức tổng Giuse không thể đến đến dâng thánh lễ nhận xứ của các ngài vì lí do dịch bệnh Covid-19.
Theo chương trình của Năm Truyền Giáo, vào Chúa Nhật thứ III trong tháng – cầu cho việc truyền giáo của Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức tổng Giuse Vũ Văn Thiên sẽ dành hai ngày thăm viếng các giáo xứ miền Hòa Bình. Hôm nay, 20.02, là ngày đầu ngài đi thăm các giáo xứ vùng Hòa Bình này thì gặp sự cố như video quý vị thấy.
Giáo xứ Vụ Bản có 450 nhân danh, nằm trong thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, cách trung tâm Hà Nội về hướng Tây Nam khoảng 120 km. Giáo xứ đã được thành lập tại đây từ lâu, nhưng từ năm 1954 thì mọi cơ sở đều bị trưng thu và gần như không còn sinh hoạt tôn giáo.
Những năm gần đây, các linh mục đã dần đến với bà con giáo dân thường xuyên hơn. Các ngài từng bước quy tụ giáo dân và xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ làm nơi cử hành thánh lễ. Linh mục Phanxico Xavie Trần Văn Liên, sau một năm làm phó xứ Mường Cắt và ở thường trực tại Vụ Bản, ngài đã được Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên bổ nhiệm làm chính xứ giáo xứ Vụ Bản vào tháng 12.2020.
Xin anh chị em cầu nguyện cho Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên, cầu nguyện Giáo xứ Vụ Bản và cho Giáo hội Việt Nam.
Xin đọc thêm tin trên website của Tổng Giáo Phận Hà Nội
https://www.tonggiaophanhanoi.org/duc-tgm-giuse-den-voi…/
Nguồn: Truyền Thông Thái Hà
Thanh Hoá: Tập đoàn Flamingo bị tố đánh dân khi thi công trên đất tranh chấp
RFA
21/02/2022
Hình ảnh những phụ nữ cởi trần bị đánh và kéo lê trong vụ tranh chấp đất ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá hôm 18/2/2022
Ảnh chụp màn hình Facebook
Tập đoàn đầu tư đa ngành Flamingo bị tố cáo đánh đập người dân khi đơn vị thi công trên khu đất đang còn tranh chấp ở Thanh Hoá.
Video quay lại sự việc được đăng tải trên mạng xã hội và được chia sẻ rộng rãi.
Qua tìm hiểu của Đài Á châu Tự do, sự việc diễn ra vào sáng ngày 18 tháng 2, tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Hình ảnh trong video quay lại sự việc cho thấy một nhóm người mặc đồng phục bảo vệ, đội mũi bảo hộ trắng, và cầm dùi cùi xô đẩy, kéo lê và đánh đập dã man một vài phụ nữ trên khu đất đang thi công.
Âm thanh từ tiếng kêu gào đau đớn và tiếng dùi cùi đập vào người có thể được nghe rõ ràng.
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã liên hệ với phía bị cho là nạn nhân trong sự việc này để tìm hiểu thông tin. Trả lời phỏng vấn, ông Trần Huy Hiệp, người chứng kiến trực tiếp và quay lại sự việc cho biết:
“Khoảng 8h ngày 18 tháng 2, thì nhà tôi có treo mấy băng rôn yêu cầu công ty dừng thi công, bên công ty có cho khoảng hơn 20 người là nam thanh niên, mặc áo bảo hộ của ông ty Flamingo, tay cầm dùi cui, đi lên xé băng rôn nhà tôi. Khi gia đình tôi ra ngăn cản thì các bảo vệ kia không nói không rằng, cầm dùi cùi đánh gia đình nhà tôi cật lực.”
Theo thông tin từ ông Hiệp thì đã có tám người trong gia đình ông bị đánh đập trong sự kiện trên, ông cho biết chi tiết:
“Một chị gái của tôi bị đánh bị đạp vào bụng và vào ngực và bị ngất tại chỗ, với cả bị vụt vào tay vào chân. Còn mấy chị em, mẹ của mấy con, tất cả đều bị cầm dui cùi đánh đập vào tay chân, vào người vào lưng.
Mấy chị em đều phải đi viện cả, hiện nay vẫn còn hai người đang nằm ở viện.”
Người phụ nữ bị kéo lê trong vụ tranh chấp đất ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá hôm 18/2/2022. Ảnh chụp màn hình
Được biết trên địa bàn xã Hoằng Trường đang có dự án đầu tư của tập đoàn Flamingo, có tên Flamingo Hải Tiến với quy mô 19 hecta. Dự án được quảng cáo là một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, với hàng trăm dịch vụ tiện ích.
Giá đất để mở cửa hiệu ở khu du lịch này được chào bán là 25 triệu mỗi mét vuông.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp thì dự án này lấy đi 2.03 hecta đất của gia đình nhà ông mà không hề đền bù một mét vuông nào. Điều này dẫn đến việc gia đình ông phản đối và cản trở thi công.
Ông này cũng cho biết là gia đình ông đã khai hoang khu đất này từ những năm 1980, và đến năm 1995 thì được chính quyền cấp sỏ đổ, trao quyền quyền sử dụng đất có thời hạn 50 năm, đến nay mới là năm thứ 27.
Được biết việc xây dựng bắt đầu diễn ra trên khu đất này từ năm 2020, ông Hiệp cho biết thời điểm đó thì công ty Flamingo đã cho hàng trăm người đến để lấy đất nên gia đình không thể cản lại.
Khi được hỏi liệu gia đình có báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, ông Trần Huy Hiệp cho biết:
“Nhà tôi cũng chạy đến hỏi thì các cấp chính quyền bảo là đất này của xã, nhưng mà đất này của gia đình tôi được cấp sổ mà xã vẫn kêu đất của xã và bán lại cho công ty.”
Sau khi sự việc bảo vệ công trường xây dựng đánh đập người dân được loan tải trên mạng xã hội và báo chí nhà nước, ông Lê Thanh Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường đã xuất hiện trên báo Lao Động và đổ lỗi cho gia đình nạn nhân.
Cụ thể, ông Chủ tịch xã nói rằng sự việc này là do phía gia đình ông Trần Văn Lanh (bố của ông Trần Huy Hiệp) không đồng ý với kết luận của chính quyền mà vẫn tiếp tục cản trở quá trình thi công.
Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã gọi vào số điện thoại của ông Cảnh nhiều lần để phỏng vấn ý kiến của ông này, nhưng chỉ nhận được thông báo “số máy hiện không liên lạc được”.
Chính quyền huyện Hoằng Hoá cũng thông báo về việc sẽ tiến hành điều tra sự việc. Tuy nhiên theo gia đình nạn nhân thì hiện nay vẫn chưa ai bị bắt giữ để tiến hành công tác điều tra.
Hàng loạt công ty bất động sản tại Bình Dương bị điều tra về lừa đảo
Một nhà máy tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương /AP
Hàng loạt công ty bất động sản tại Bình Dương bị Công an tỉnh này điều tra về hành vi ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’.
Tin từ mạng báo Tiền Phong ngày 18/2 cho biết đại diện Công an tỉnh Bình Dương, Thượng tá Bùi Phạm Hải- Trưởng Phòng Kinh tế thuộc Công an Tỉnh, cho biết nhận được nhiều đơn tố cáo của nạn nhân bị lừa bởi các công ty bất động sản trên địa bàn tỉnh. Các đơn hầu hết cho biết họ bị lừa mua đất nền tại các dự án ‘ma’ hoặc khu đất nông nghiệp chưa được cơ quan chức năng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tin dẫn thông báo từ Công an Tỉnh Bình Dương rằng công an tỉnh hiện đang thụ lý điều tra nhiều vụ án ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại các công ty bất động sản đóng trên địa bàn tỉnh.
Ba doanh nghiệp bị tố nhiều nhất gồm Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phước Điền; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Xây dựng- Phát triển Địa ốc Đông Bình Dương; và Công ty TNHH Địa ốc VHO.
Giám đốc ba doanh nghiệp này đều bị khởi tố. Đó là các ông Đặng Văn Chuyền - Giám đốc Công ty Phước Điền; ông Nguyễn Trung Nghĩa- Giám đốc Công ty Đông Bình Dương; và ông Ngụy Khắc Vinh- Giám đốc Công ty VHO. Cả ba bị cáo buộc đã lừa đảo khách hàng, thu hàng chục tỉ đồng nhưng không có đất để giao.
Trong ba ông này, ông Nguỵ Khắc Vinh đang bị truy nã vì bỏ trốn.
Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các dự án khi muốn mua nhà ở hay đất nền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét