Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Nguyễn Huyền - Tự chủ đại học vẫn vướng vòng kim cô của… ‘các tổ chức Đảng’

 


Các cơ sở giáo dục đại học hiện còn phải tuân thủ những quy định liên quan đến hoạt động của các tổ chức Đảng trong các cơ sở theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bên cạnh đó thì ngoài việc phải tuân thủ những quy định của Luật Giáo dục đại học, hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập, còn chịu sự chi phối bởi các luật khác như đối với một đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công, Luật Thi đua khen thưởng, Luật Công chức, viên chức…

Dịp đầu năm mới bàn về chuyện cũ của “tự chủ đại học”, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Chính phủ đã có Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết 77) để khuyến khích các cơ sở công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

 

Trên cơ sở kết quả thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với trách nhiệm giải trình, điều kiện thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và xu thế phát triển giáo dục đại học của thế giới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Do vậy có thể nói cả hệ thống đã thực hiện tự chủ, nhưng ở mức độ khác nhau phụ thuộc vào điều kiện và năng lực thực hiện tự chủ của từng cơ sở.

Phản biện ở đây là nội hàm của các quyết định phê duyệt đề án thí điểm tự chủ đại học vẫn chưa đầy đủ so với thực tiễn. Từ đó có thể dẫn đến chuyện lãnh đạo trường đại học thực hiện đề án thí điểm được phê duyệt mang lại những kết quả nhất định, nhưng lại bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý.

Ngoài ra việc viện dẫn Nghị quyết 77 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành cũng được cho là khập khiễng về thời hiệu, vì nghị quyết này chỉ điều chỉnh trong phạm vi hẹp của “Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 – 2017 đối với 4 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Trong Công văn số 4499/BGDĐT-GDĐH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm 2021 – 2022, do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ký phát hành ngày 6-10-2021, trong yêu cầu “thực hiện tự chủ đại học”, nêu các vấn đề như sau:

“a) Thực hiện rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học, hoạt động của hội đồng trường, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường của các cơ sở giáo dục đại học. Đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến tự chủ đại học.

b) Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ để thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng trường, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường; giải phóng tính năng động, khả năng sáng tạo và sự đóng góp của mỗi giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong quản trị và vận hành cơ sở giáo dục đại học.

c) Tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch thông tin theo quy định để người học, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và chất lượng; kịp thời báo cáo, phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai tự chủ tới các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

d) Tổ chức đánh giá kết quả triển khai tự chủ đại học; xác định rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, các bài học kinh nghiệm để thực hiện tự chủ ngày càng hiệu quả”.

Như vậy với yêu cầu cụ thể ở trên cho thấy lằn ranh mong manh đe dọa vướng vòng lao lý “nay đúng – mai sai” nằm ở cụm yêu cầu: “Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ…”.

Rủi ro pháp lý khó lường nhất ở đây lại thuộc lãnh vực chính trị từ viện dẫn điều 4.1 của Hiến pháp. Theo đó, thể chế chính trị Việt Nam thì Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Nếu Đảng chưa có ‘văn bản lãnh đạo’ về “tự chủ đại học” ở các giai đoạn cụ thể, thì liệu “văn bản nội bộ” do chính các trường đại học soạn ra lỡ không ‘trúng ý bề trên’, để rồi đưa đến những đe dọa tội danh hình sự như chuyện từng xảy ra ở Đại học Tôn Đức Thắng?

Việt Nam Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét