Nước Nga khó có thể bị "đánh bại" hay "khuất phục" bởi sức mạnh hay sự răn đe của vũ khí từ bên ngoài. Nhưng nước Nga có thể bị suy yếu nghiêm trọng hoặc bị đánh bại bởi vũ khí dầu lửa. Năm 2021, dầu lửa và khí đốt chiếm khoảng 17% % GDP của Nga và 60% tổng giá trị xuất khẩu.
Reagan là Tổng thống Mỹ đầu tiên phát hiện điểm yếu chết người này của Liên Xô. Năm 1986, sau chuyến đi và bàn bạc của Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Reagan là William Casey đến Saudis Arabia, Saudis đã tăng sản lượng dầu khai thác gấp 5 lần, từ 2 triệu lên 10 triệu thùng/ngày và điều này đã giúp giảm giá dầu từ 32 USD xuống còn 8 USD/1 thùng dầu. Ngân sách hụt 7,5 tỷ USD cộng với lạm phát tăng cao, khiến Gorbachev buộc phải đi vào cải tổ, nhưng cũng không cứu vãn được sự suy sụp về kinh tế của Liên xô.
Tổng thống Putin "ngại" Trump, vì ông Trump cũng nhìn ra điểm yếu này của nước Nga và tìm cách bấm đúng huyệt. Ông Trump đẩy mạnh khai thác dầu và khí đốt, khiến Mỹ lần đầu tiên sau hàng thập kỷ tự chủ được về năng lượng và khí đốt, thậm chí còn là một trong những nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới. Trump đã áp đặt lệnh cấm vận đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), nhưng bị Đức và Đảng Dân chủ phê phán kịch liệt.
Có câu chuyện vui do chính ông Trump kể lại về cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel. Tại cuộc gặp này ông Trump trao cho bà Merkel một lá cờ nhỏ màu trắng. Bà Merkel hỏi dùng để làm gì, thì ông Trump nói rằng để bà trao và đầu hàng Tổng thống Putin. Khi bà Merkel nheo mắt ngạc nhiên, thì ông Trump giải thích thêm: Nước Đức không thể tiếp tục một mặt coi Nga là mối đe doạ, dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh, nhưng mặt khác lại trao tiền để "vỗ béo" nước Nga, trao nguồn ngoại tệ khổng lồ cho Nga bằng các hợp đồng mua khí đốt béo bở!
Tổng thống Biden lên nắm quyền với cương lĩnh hành động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, đã quyết liệt đảo ngược chính sách tự chủ năng lượng của Trump vì cho rằng "phá hoại môi trường". Với chính sách này, Tổng thống Biden cho đóng cửa một loạt giếng dầu vì lo ngại vấn đề ô nhiễm và cho dừng đại dự án xây dựng đường ống Keystone XL (dẫn dầu từ Canada đến các nhà máy lọc dầu bên Vịnh Mexico). Đồng thời Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận Nord Stream 2 nối Nga và EU.
Kết quả của chính sách này là làm cho giá xăng tại Mỹ tăng vọt gần gấp đôi chỉ trong vòng chưa đến một năm, làm cho Mỹ phụ thuộc vào năng lượng bên ngoài như quay trở lại mua năng lượng của các cựu thù như Venezuela, Nga...
Đồng thời, chính sách này cũng đẩy giá dầu trên thế giới tăng gấp 2 từ khoảng 50 USD thùng lên trên 100/USD. Kết quả này đã giúp Nga tăng dự trữ ngoại hối của mình từ 450 tỷ USD lên 700 tỷ USD trong điều kiện vẫn bị Mỹ bao vây, cấm vận.
Nhìn kỹ hơn, trong danh sách các công ty hoặc ngành bị Mỹ và phương Tây cấm vận, không hề có bất cứ một công ty thay dầu và khí đốt nào của Nga.
Và đây là một trong những lý do khiến Nga rất tự tin trong việc xử lý khủng hoảng Ukraina trên thế mạnh.
P/S: Link về câu chuyện Trump kể khi đưa lá cờ trắng cho bà Merkel
Liệu Chính quyền Biden có thể học theo cách của Reagan giữa những năm 1980s, tìm cách hạ giá dầu tối đa để "đánh gục" Nga về kinh tế hay không?
Cách tiếp cận thì như vậy, nhưng cách làm thì không thể giống như thời Reagan vì 4 lẽ:
(i) Bối cảnh hiện nay đã khác trước, không như thời kỳ Chiến tranh lạnh;
(ii) Vào thời kỳ 1986, Trung Quốc không phải phải là địch thủ số một của Mỹ;
(iii) Và cũng ở thời kỳ đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế nhỏ, đang phát triển, nhập khẩu dầu từ nước ngoài với số lượng rất hạn chế;
(iv) Liên Xô là địch thủ số một của Mỹ, và các nước châu Âu thành viên của NATO, nhưng Liên Xô lại hoàn toàn không bị cấm vận về dầu lửa. Vấn đề lớn nhất đối với Liên Xô khi đó chỉ là giá dầu lửa rẻ mà thôi.
Vậy bây giờ Mỹ và phương Tây cần phải làm gì?
Cách duy nhất có thể làm là thực thi chiến lược "bẻ nanh cọp", tức thực thi một chính sách năng lượng độc lập với Nga. Không chỉ Mỹ, EU mà các nền kinh tế lớn khác thân phương tây như HQ và Nhật Bản cũng phải thực hiện chiến lược này. Theo đó, họ phải buộc chủ động nguồn năng lượng và độc lập về năng lượng với Nga bằng cách tự cung tự cấp cho nhau, nhập khẩu dầu từ Trung Đông, hay sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời...
Khi không thể bán dầu lửa cho các thị trường phương Tây, Nga chỉ còn cách bán cho khách hàng lớn nhất là Trung Quốc.
Tuy nhiên điều này cũng không dễ. Chuyển đổi khách hàng cũng đồng nghĩa với việc thay đổi phương thức mua, bán, tức Nga và Trung Quốc phải xây dựng hàng chục ngàn kilômét đường ống dẫn dầu và khí đốt mới dẫn từ Nga sang Trung Quốc. Tất nhiên điều này cũng không thể làm trong ngày một ngày hai mà phải mất hàng chục năm. Mà để làm như vậy thì giá dầu và khí đốt mua từ Nga cũng không thể rẻ được.
Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế Mỹ và phương Tây cũng không thể chuyển theo chiến lược này một cách nhanh chóng, trong bối cảnh xu hướng tả hóa trong nền chính trị phương Tây, cũng như cách "tiếp cận xanh" có phần hấp tấp, mà không tính đến hệ quả của Mỹ và nhiều nước EU.
Chỉ lấy một ví dụ đơn giản, dưới các sức ép chính trị, các ngân hàng lớn của phương Tây, các thiết chế tài chính và quỹ đầu tư... có kế hoạch sẽ cắt hết các nguồn đầu tư tài chính vào việc khai thác "năng lượng bẩn", tức năng lượng hóa thạch, sau năm 2030. Tuy nhiên, nguồn năng lượng xanh, sạch và tái tạo vào lúc đó lại chưa đủ để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Điều này có nghĩa phương Tây vẫn phụ thuộc vào Nga và Trung Đông về năng lượng hóa thạch kể cả sau năm 2030.
Cách tiếp cận này chỉ có thể thay đổi nếu có sự thay đổi trong hệ thống chính trị Mỹ, tức Đảng Cộng hòa thay thế đảng Dân chủ và đóng vai trò chi phối nền chính trị Mỹ cũng như các nước phương Tây.
Và tất nhiên họ cũng phải nắm quyền đủ lâu để tạo ra những thay đổi vững chắc và khó có thể đảo ngược. Liệu họ có làm được hay không thì vẫn chưa có một câu trả lời chắc chắn. Chỉ có một điều ta biết cho đến nay là Đảng CH nhiều khả năng thắng lớn và kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới tổ chức vào tháng 11 năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét