Quê Hương tổng hợp
Buổi Cầu Nguyện Đa Tôn Giáo cho Đức Tin và Công Lý
Quang Nguyên/VNTB
30/01/2023
Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lần 3, tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ trong 2 ngày 31 tháng 1 và 1 tháng 2.
Buổi cầu nguyện đa tôn giáo được đồng chủ sự bởi:
– Hoà Thượng Thích Trí Tuệ
– Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải
– Mục Sư Tin Lành A Ga
– Quyền Chánh Trị Sự Cao Đài Lê Phú Hữu
– Tín Đồ Phật Giáo Hoà Hảo Huỳnh Văn Hiệp
-Cô Tanya Nguyễn-Đỗ, đại diện Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (Tịnh Thất Bồng Lai).
Địa điểm: Khách Sạn Washington Hilton, 1919 Connecticut Ave NW, Washington, DC 20009.
Buổi cầu nguyện cho Tự Do Tôn Giáo và Công Lý tại Việt Nam và trên toàn thế giới sẽ mở cửa cho mọi người tham dự và được livestream để người ở Việt Nam và toàn thế giới, đặc biệt là thân nhân các tù nhân lương tâm tôn giáo, cùng theo dõi và góp lời cầu nguyện.
Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là sự kiện hàng đầu thế giới về tự do tôn giáo, hội tụ 4 thành phần chủ lực của phong trào đòi tự do tôn giáo toàn cầu:
Giới chức đại diện Liên Minh Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, hiện có 45 quốc gia tham gia.
Đại diện của mang lưới hơn 300 nhà lập pháp cho tự do tôn giáo ở 90 quốc gia
Thành phần lãnh đạo của mạng lưới hơn môt nghìn các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo toàn cầu
Đại diện cao cấp của trăm tổ chức tôn giáo và tổ chức quần chúng
Theo TS Nguyễn Đình Thắng Tổng Giám Đốc tổ chưa BPSOS trụ sở tai Hoa Kỳ, ngoài tham dự và đọc tham luận tại các phiên khoáng đại, ngày 30 tháng 1, đoàn người Việt sẽ chia ra thành các nhóm nhỏ để tiếp xúc nhiều chục văn phòng dân biểu hạ viện và thượng nghị sĩ. Đây là một phần trong nỗ lực vận động Quốc Hội Hoa Kỳ của hội nghị thượng đỉnh với tổng cộng khoảng 200 cuộc tiếp xúc các dân biểu.
Cuối năm 2022 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì đàn áp tôn giáo (SWL) và BNG Hoa Kỳ sau đó một tuần lại công bố áp dụng biện pháp chế tài cá nhân đối với thủ phạm vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đoàn Việt Nam sẽ khai thác những thành quả trên bằng cách:
Thông báo với các tham dự viên của hội nghị về thực trạng tôn giáo ở Việt Nam.
Báo cáo trực tiếp với các giới chức BNG và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế các vụ vi phạm mới xảy ra.
Kêu gọi dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ lên tiếng về các hồ sơ vi phạm và yêu cầu BNG chế tài các thủ phạm liên can.
Mọi người Việt Nam có thể ghi danh tham gia sự kiện đặc biệt quan trọng này. Đường link ghi danh trên trang web của sự kiện (https://irfsummit.org/) đã đóng, nhưng nều quý vị trễ có thể
liên lạc: forb@bpsos.org. để giúp ghi tên.
Việt Nam thuộc nhóm 10 nước nhận nhiều kiều hối nhất trong năm 2022
30/01/2023
Một nhân viên ngân hàng ở Việt Nam đang đếm các tờ tiền đô la Mỹ ở Hà Nội hôm 26/11/2009 /AFP
Số tiền kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2022 lên đến 19 tỷ đô la Mỹ. Như vậy Việt Nam thuộc nhóm 10 nước nhận nhiều kiều hối nhất năm qua.
Số tiền kiều hối 19 tỷ trong năm 2022 được cho biết tăng gần 5% so với năm trước. Và dự báo trong những năm tiếp theo tỷ lệ tăng có thể từ 3,6 đến 4,5%. Mức tăng được đánh giá tương đối ổn định dù thời gian dịch COVID-19 kéo dài hai năm, cũng như tình trạng lạm phát tại nhiều nơi trên thế giới.
Ở trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương nhận được nhiều kiều hối nhất, tổng cộng 6,8 tỷ đô la Mỹ.
Khoản kiều hối 19 tỷ đô la được nhận định mang lại lợi nhuận từ phí dịch vụ cho các ngân hàng và giúp tăng nguồn dự trữ ngoại hối cho Việt Nam.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Đối tác Kiến thức Toàn cầu về Di dân- Phát triển cho thấy Hoa Kỳ là nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất; tiếp đến là Anh Quốc, Australia, Canada. Trong khi đó những nơi có số lao động xuất khẩu Việt Nam lớn gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Thống kê của Ủy ban Người Việt Nước ngoài cho thấy hiện có hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống và lao động tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sáu người Việt nhập cư vào Mỹ trái phép từ Canada bị bắt
Việt Bình
29/01/2023
Khu vực biên giới giữa tiểu bang Maine với vùng New Brunswick của Canada bắt đầu trở thành điểm buôn lậu người vào Mỹ (ảnh: Erin Clark/The Boston Globe via Getty Images)
Global News ngày 28 Tháng Một 2023 cho biết, nhân viên Tuần tra Biên giới (Border Patrol) ở tiểu bang Maine vừa bắt 13 công dân nước ngoài – bảy người từ Mexico và sáu người từ Việt Nam – vì tội nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ từ hai địa điểm ở phía Tây New Brunswick.
Trong thông báo ngày 26 Tháng Một 2023, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (U.S. Customs and Border Protection) cho biết nạn buôn lậu người dọc biên giới Maine và New Brunswick (Canada) không là vấn đề lớn như những nơi khác nhưng “hoạt động tội phạm xuyên quốc gia” này không phải không đáng lo ngại, đặc biệt khi khí hậu lạnh cóng vào thời điểm này có thể dẫn đến các tình trạng cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
Giới chức biên phòng Mỹ cho biết các nghi phạm từ Mexico đã bị bắt vào ngày 19 Tháng Một sau khi cảnh sát biên phòng được cảnh báo về khả năng nhập cảnh bất hợp pháp và sau đó họ phát hiện dấu chân gần Caswell thuộc Maine, phía Tây Grand Falls ở Tây Bắc New Brunswick.
Tiến hành các bước điều tra, cảnh sát biên phòng Hoa Kỳ cuối cùng xác nhận một vụ nhập cảnh bất hợp pháp từ Canada đã được thực hiện. Cảnh sát lần theo dấu chân và bắt giữ nhóm người vượt biên, trong đó có bảy đàn ông từ Mexico. Một trong số đó có dấu hiệu bị tê cóng và được đưa đến bệnh viện địa phương. Trong nhóm người này, thậm chí có hai người trước đó từng bị trục xuất khỏi Mỹ sau khi nhập cảnh bất hợp pháp.
Ngày 20 Tháng Một, cảnh sát biên phòng tại Calais (tiểu bang Maine) cũng chặn một chiếc xe khả nghi ở Lambert Lake (Maine), phía Tây cửa ngõ biên giới tại St. Croix ở Tây Nam New Brunswick. Khám xe, nhân viên công lực phát hiện sáu người Việt Nam đang được đưa bất hợp pháp vào Mỹ. Tài xế – một công dân Mỹ – bị bắt giữ vì tình nghi nằm trong một tổ chức buôn người. Trong cả hai trường hợp, mỗi người vượt biên trái phép vào Mỹ có thể bị phạt $5,000 và sẽ bị xử lý để trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
“Ở Maine, chúng tôi có thể không có một lượng lớn người nhập cảnh bất hợp pháp, như những gì đang xảy ra ở biên giới phía Tây Nam nước Mỹ, nhưng chắc chắn có bóng dáng của hoạt động tội phạm xuyên quốc gia,” Cảnh sát trưởng William Maddocks cho biết. “Những sự việc như thế này đã cho thấy rõ sự coi thường của những kẻ buôn lậu đối với tính mạng và sự an toàn của những cá nhân mà chúng cố đưa vào Hoa Kỳ.”
Việc bắt nhóm người vượt biên Mexico xảy ra đúng một năm sau khi một gia đình gồm bốn người từ Ấn Độ được phát hiện chết cóng ở miền Nam Manitoba (Canada) sau khi họ cố vượt biên vào Mỹ. Thi thể các nạn nhân – Jagdish Patel, 39 tuổi; cô vợ Vaishaliben Patel, 37 tuổi; con gái Vihangi 11 tuổi; và con trai ba tuổi Dharmik – được tìm thấy vào ngày 19 Tháng Một 2022, gần Emerson, Maine, cách biên giới Mỹ chỉ vài mét. Liên quan vụ trên, có ba người đang đối mặt cáo buộc nghiêm trọng, trong đó có tội cố ý giết người, buôn người và âm mưu phạm tội. Các nhà điều tra tin rằng những cái chết này liên quan đến một đường dây buôn người chuyên nghiệp.
Liên quan gia đình Ấn Độ, cảnh sát cho biết, trước đó, họ được đưa đến Canada. Một tuần sau, họ nhập vào một đoàn khác và bắt đầu đi bộ đến biên giới Mỹ, ở thời điểm mà nhiệt độ lạnh kinh hoàng ở mức -35 độ C. Đến một vị trí, gia đình người Ấn Độ bị tách khỏi nhóm và sau đó tất cả đều thiệt mạng. Những người sống sót của nhóm còn lại sau đó kể rằng họ phải đi bộ hơn 11 tiếng đồng hồ. Có thể tất cả họ cũng chết cóng nếu không may mắn được phát hiện.
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/sau-nguoi-viet-nhap-cu-vao-my-trai-phep-tu-canada-bi-bat/
Việt Nam: Nhiều cây xăng đóng cửa, nghỉ bán giữa lúc nhu cầu đi lại cao sau Tết
27/01/2023
Một trong số những cây xăng đóng cửa, nghỉ bán vào ngày 27/1/2023 trên tuyến đường tới khu vực du xuân Bảy Núi ở An Giang.
Nhiều cây xăng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và nhiều tỉnh thành khác trong hai ngày qua đã đóng cửa và thông báo “hết xăng” khiến nhiều người dân khổ sở vào thời điểm các hoạt động du lịch, vận chuyển, đi lại tăng cao vào dịp sau Tết.
Bất chấp cam kết của Bộ Công thương Việt Nam trước đó vào ngày 20/1 (29 Tết) rằng “không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu” vào dịp Tết, trên thực tế, rất nhiều cây xăng ở trên các tuyến đường huyết mạch như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, hay tuyến đường đi đến khu vực Bảy Núi ở An Giang, chỉ bán giới hạn hoặc thậm chí đóng cửa, nghỉ bán trong vài ngày qua với lý do hết hàng, theo tường thuật của VnExpress, Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo khác.
Tình trạng cây xăng đóng cửa, nghỉ bán đã diễn ra từ những ngày trước Tết cho đến nay ở TP.HCM, An Giang, nhưng trong thông cáo vào ngày 25/1, Cục Quản lý thị trường TP.HCM nói đây chỉ là những trường hợp cá biệt vì chỉ có một số ít trong số hơn 550 cửa hàng tạm dừng bán do nhân viên về quê nghỉ Tết, chứ không phải thiếu cung. Cục này khẳng định nguồn cung xăng dầu vẫn ổn định.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, Tổng cục Quản lý thị trường vừa lập Tổ công tác giám sát tình hình cung ứng xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…. Họ cho biết đã phát hiện và xử lý một số trường hợp vi phạm như bán lẻ xăng dầu không đúng giá quy định, vi phạm về thời gian bán hàng đã đăng ký với Sở Công Thương.
Một cửa hàng xăng dầu ở Hà Nam đã bị phạt 15 triệu đồng vì đóng cửa không bán hàng trong khoảng 45 phút, bị cho là “giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng”.
Trong khi Tổng cục Quản lý thị trường đổ lỗi cho tình trạng nghỉ bán của các cây xăng là để “đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá”, thì trước đó, vào ngày 13/11, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra nhiều cây xăng treo biển “hết xăng” và phát hiện hầu hết những cửa hàng này đều trong tình trạng “khô bồn”, theo Tuổi Trẻ.
Một số nhà bán lẻ nói với báo chí rằng họ không được nhà cung cấp phân phối đủ số lượng đặt hàng.
Trước đó, vào ngày 31/12/2022, Công ty TNHH lọc hoá dầu Nghi Sơn đã gửi văn bản báo cáo Bộ Công thương về sự cố kỹ thuật “rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn”, khiến nhà máy này giảm công suất vận hành xuống 85%.
Sự cố kỹ thuật dẫn đến dự báo thị trường sẽ thiếu từ 120.000 – 200.000 m3 trong tháng 1/2023 so với kế hoạch.
Nhà máy này cho biết đã khắc phục sự cố xong vào ngày 15/1 và cam kết bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu cho nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ngoài ra, một số nhà bán lẻ cho biết do cơ quan chức năng không ấn định giá bán lẻ mới vào ngày 21/1 như dự kiến mà dời sang ngày 1/2 trong khi giá dầu thế giới đang tăng mạnh nên họ phải bán với mức chiết khấu thấp, thậm chí thua lỗ sau khi giá tăng vọt trong dịp Tết.
Mỹ điều tra kem trị chàm sữa Diệp Bảo của Việt Nam vì chứa hàm lượng chì độc hại cao
27/01/2023
Kem trị tràm sữa Diệp Bảo được giới thiệu trên trang web chính thức tại Việt Nam.
Giới chức y tế bang Oregon, Hoa Kỳ, vừa đưa ra cảnh báo và yêu cầu các phụ huynh giao nộp một sản phẩm kem bôi da của Việt Nam được dùng để điều trị bệnh chàm ở trẻ em để phục vụ cho công tác điều tra sau khi hai tuýp kem được phát hiện chứa hàm lượng chì cao.
Theo Cơ quan Y tế Oregon, chính quyền liên bang Hoa Kỳ đang điều tra loại kem bôi da có tên là Diệp Bảo, được sản xuất tại Việt Nam, sau khi cơ quan này thông báo cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) về hai trường hợp trẻ em ở thành phố Portland được phát hiện có nồng độ chì cao trong máu. Hai em bé này, một ở Quận hạt Washington và một ở Quận hạt Multnomah, đều dưới một tuổi.
Sở Y tế Oregon cho biết trong quá trình điều tra, các phụ huynh đều cho biết họ bôi kem Diệp Bảo trên mặt của con để điều trị bệnh chàm. Ryan Barker, điều phối viên của Chương trình Phòng ngừa Ngộ độc Chì Trẻ em của Sở Y tế Oregon, cho biết các xét nghiệm đối với những mẫu sản phẩm do các gia đình cung cấp cho thấy cả hai mẫu đều chứa hàm lượng chì cao. Ông Barker cảnh báo các phụ huynh nên ngưng sử dụng ngay loại kem này, và kêu gọi bất kỳ người nào đang có các tuýp kem này nên giao nộp sản phẩm để giúp cho việc điều tra.
“Phụ huynh có thể giúp điều tra bằng cách cung cấp sản phẩm cho các nhà điều tra để họ kiểm tra”, ông Barker nói. Những ai có kem bôi da Diệp Bảo và muốn xét nghiệm chì, hoặc nếu họ có những lo ngại khác về chì, đều có thể liên hệ với đường dây phụ trách về chì của Quận hạt Multnomah, ông nói.
Giới chức y tế Mỹ cho biết kem bôi da Diệp Bảo chủ yếu được bán lẻ từ những người bán hàng online tại Việt Nam và Singapore. Theo lời ông Barker, những tuýp kem đã được xét nghiệm có lượng chì cao gấp đôi so với lượng chì có trong sơn.
Phụ huynh được khuyến nghị nên tham khảo với dịch vụ y tế của mình để lựa chọn các sản phẩm khác để điều trị bệnh chàm, ngứa da một cách an toàn mà không cần kê đơn.
Khuyến cáo cho biết trẻ em đặc biệt rất dễ bị nhiễm độc chì, có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng và tổn thương lâu dài cho hệ thần kinh của trẻ, dẫn đến rối loạn về khả năng học tập và các khiếm khuyết khác.
Ngộ độc chì đôi khi không có triệu chứng rõ ràng.
Mặc dù Mỹ không quy định giới hạn về lượng chì trong thuốc, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm có đưa ra giới hạn lượng chì trong mỹ phẩm ở mức 10 phần triệu. Các tuýp kem được xét nghiệm ở Oregon có lượng chì cao gấp 1.000 lần giới hạn này.
Theo ông Barker, việc cấm bán kem Diệp Bảo là “một thách thức” đối với các giới chức Mỹ vì sản phẩm chủ yếu được bán trực tuyến.
Bà Nguyễn Phương Hằng và ba người khác bị đề nghị truy tố
30/01/2023
Bà Nguyễn Phương Hằng nghe quyết định khởi tố, bắt tạm giam hôm 24/3/2022
Báo Chính phủ
Bà Nguyễn Phương Hằng- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, và ba đồng phạm bị đề nghị truy tố.
Kết luận điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh về vụ việc hoàn tất vào ngày 30/1 và được chuyển sang cho Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp với đề nghị vừa nêu. Ngoài bà Nguyễn Phương Hằng, ba người khác cũng bị đề nghị truy tố vì bị cho là đồng phạm. Đó là bà Nguyễn Thị Mai Nhi-trợ lý của bà Hằng; bà Lê Thị Thu Hà-nhân viên Công ty CP Đại Nam, và ông Huỳnh Công Tân- Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam. Tội danh bị truy tố là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ngoài ba đồng phạm vừa nêu, kết luận điều tra của Công an TP HCM còn nêu tên hai người là tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim.
Ông Đặng Anh Quân bị nói tham gia 11 buổi livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng; và ông Nguyễn Đình Kim tham gia hai buổi. Tuy nhiên phát ngôn của hai ông này tại các buổi livestream với bà Hằng chưa có đủ cơ sở để khẳng định mang nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân…
Hồi ngày 24/3/2022 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo nội dung vụ án được công an cung cấp cho báo chí, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tại các buổi livestream của mình, bà Hằng đã có nhiều bình luận một chiều, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác. Trong đó bà Hằng có bình luận đến bí mật đời tư cá nhân của nhiều người gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều nghệ sĩ, nhà báo...
Kê biên 13 bất động sản của cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội và 5 đồng phạm
Ông Nguyễn Quang Tuấn (trái), Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ông Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
VKS ghi nhận ông Nguyễn Quang Tuấn và 8 bị can khác nộp khắc phục tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã kê biên 13 bất động sản của ông Tuấn và 5 bị can khác.
Liên quan vụ sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
11 bị can khác được xác định là đồng phạm với ông Tuấn, trong đó có 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội, gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó Giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư, thiết bị y tế) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó Trưởng phòng Phòng Vật tư, thiết bị y tế).
Theo cáo buộc, ông Tuấn cùng các bị can tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga (Công ty Hoàng Nga), Công ty Cổ phần Đầu tư và định giá AIC, Công ty Kim Hòa Phát, đã thông đồng, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội và quỹ BHXH gần 54 tỷ đồng.
VKS xác định nhóm bị can này đã có sai phạm trong 5 gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch có giá trị gần 600 tỷ đồng của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Hành vi của ông Tuấn và đồng phạm đã giúp Công ty Hoàng Nga hưởng lợi trái phép hơn 47 tỷ đồng và Công ty Kim Hòa Phát hơn 6,5 tỷ đồng.
VKS cũng cáo buộc mỗi dịp trước Tết Âm lịch các năm 2016, 2017, tại phòng làm việc của ông Tuấn, ông Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch Công ty Hoàng Nga) đã biếu tổng 10.000 USD với mục đích “cảm ơn” giám đốc bệnh viện đã tạo điều kiện cho Hoàng Nga trúng thầu.
Ông Tuấn cũng chỉ đạo Phó Giám đốc Bệnh viện làm việc với các nhà thầu, yêu cầu các đơn vị sau khi trúng thầu phải trích lại 2-5% giá trị gói thầu dưới hình thức hỗ trợ Bệnh viện chi phí hội nghị, hội thảo, đào tạo các bác sĩ.
Riêng Công ty Hoàng Nga trúng thầu hàng năm đều “hỗ trợ” bệnh viện 300 triệu đồng. Những khoản tiền này không được Phòng Kế toán hạch toán mà được “theo dõi riêng”. Còn Công ty Kim Hòa Phát, mỗi năm trích 60 triệu đồng để “hỗ trợ” Bệnh viện Tim Hà Nội.
Các bị can khắc phục hơn 21 tỷ đồng
Theo cơ quan điều tra, ông Tuấn nộp khắc phục hơn 6,2 tỷ đồng; Nguyễn Đức Đảng, Phạm Thị Kim Oanh, Trần Thị Nga (cùng ở Công ty Hoàng Nga) nộp hơn 8 tỷ đồng; Công ty AIC nộp hơn 132 triệu đồng; Đào Trọng Bình (Phó phòng Vật tư, Thiết bị y tế) nộp 300 triệu đồng; Nguyễn Thị Dung Hạnh (kế toán trưởng bệnh viện) nộp 50 triệu đồng; Phan Tuấn Đạt (cựu Chủ tịch Kim Hòa Phát) nộp hơn 6,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đang tạm giữ 420 triệu đồng thu giữ được khi thi hành lệnh khám xét nơi làm việc của bị can Kim Oanh tại Công ty Hoàng Nga; phong tỏa tài khoản của 4 bị can với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và 16.800 USD; kê biên 13 bất động sản của ông Nguyễn Quang Tuấn, Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Nguyễn Thị Dung Hạnh, Đoàn Trọng Bình, Phạm Huy Lập và Nguyễn Đức Đảng.
Quá trình tố tụng, VKS đánh giá ông Tuấn khai báo thành khẩn; đã nộp tiền khắc phục hậu quả; khi công tác có nhiều thành tích xuất sắc, là thầy thuốc nhân dân nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Phạm Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét