Đinh Hoa Lư
Tưởng niệm 50 năm ngày ký thỏa ước "cột tay" Ba Lê 27 tháng 1 năm 1973 – 27 tháng 1 năm 2023
26/01/2023
Những 'con cá vàng' Khoa' 8/72
Hôm nay có anh miền chiến dịch, ôm súng mơ ngày về quang vinh (Phạm đình Chương )
***
ĐI CHIẾN DỊCH RA SAO ?
Thưa bạn đọc
27/1/1973 một ngày đáng nhớ không những trong lịch sử kháng cộng của VNCH nhưng lại khó quên riêng đối với một số khá đông sinh viên sĩ quan từng "xếp bút nghiên" sau chiến sự 1972 hay còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa. Lý do: lớp người này từng được lệnh đi giải thích, tuyên truyền cho một hiệp định vừa được ký kết tại thủ đô Paris nước Pháp. Tất cả SVSQ đang thụ huấn tại các quân trường Thủ Đức, Quang Trung, Võ Bị, Chiến Tranh chính trị, Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế đều được tạm thời ngưng thụ huấn để tung ra các miền đất nước về tận các xã thôn dù hẻo lánh để giải thích về Thỏa Ước đó nói gì. Lệnh rất gấp, nên người viết nhớ lại không có thì giờ được giảng dạy về nội dung và cách thức giải thích cho dân trong công tác khẩn cấp đó. Hạ hồi phân giải, lớp thụ huấn đã gắn Alpha và ngay cả chưa gắn Alpha cũng "tạm gắn Alpha" cùng nhau lên xe GMC của các quân trường tới tận các địa điểm công tác rồi hẳn tính sau. Tác giả nhớ lại, các svsq đi chiến dịch về tới các tiểu khu-chi khu đều được các sĩ quan chiến tranh chính trị lược giải và ban bố trách nhiệm.
Nói đúng ra, với trình độ SVSQ thì đa số không tệ đến nổi không hiểu hay 'mù tịt' về nội dung Thỏa Ước 1973. Chỉ quan trọng một điều vùng công tác có an ninh để các toán đi giải thích-tuyên truyền làm được việc? Thứ hai nữa, điều kiện nơi công tác có khả thi và tới tai người dân hay chăng? Người viết có may mắn lọt vào trong thời điểm này. Những sĩ quan đàn anh ra trường trước, phục vụ trước đôi lúc đọc lại bài này có thể hình dung hình ảnh đúng năm mươi năm trước có những toán svsq đàn em mang "con cá vàng" trên cổ áo, ngơ ngác về nhận nhiệm vụ ngắn hạn nơi vùng mình.
Năm mươi năm rồi, nửa thế kỷ qua nhanh. Những hình ảnh xa xưa chợt trở về dưới phím bút người kể chuyện. Bao đứa bạn, đồng môn- đồng khóa chắc vẫn còn nhiều hơn lớp đàn anh đi trước. Kể chuyện xưa để hồi tưởng, nhắc ngày cũ, nhớ bạn thương bè.
Thỏa Ước Ba lê 1973, rồi tháng TƯ Đen 1975 cách nhau không mấy. Khoảng thời gian chỉ có HAI NĂM nhưng chính đó là SỐ PHẬN cuối cùng, chấm dứt một chính thể, một miền nam chiến đấu cho lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, nhân vị và nhân bản nhưng phải chết một cách đau thương, tức tưởi do họng súng xâm lăng của Cộng Sản bạo tàn và sự "thay lòng đổi dạ" của Thế Giới Tự Do.
ĐHL
15/1/2023
*
Đi Chiến Dịch - Nghe ra có vẻ 'quan trọng'! nhưng người viết xin thưa rằng thật ra không phải một 'trận đánh lớn' nào cả, chỉ một việc duy nhất đi giải thích về Hòa Ước Ngưng Bắn Paris 27/1/1973 cho VNCH thôi. Đồng thời chúng tôi tự cho thời gian đi chiến dịch đó là một dịp 'nghỉ phép dài hạn' từ mấy quân trường tản ra khắp Bốn Vùng, chia nhau đi tận mọi ngỏ ngách, thôn làng nói cho dân nghe 'ngưng bắn rồi'ai đâu ở đó không xâm phạm vào nhau ? Đó là chuyện trên giấy tờ, mấy ông lính quân trường nghe sao nói vậy, cho dân hiểu cho dân nghe, tuy thực tế có thể khác.
Năm mươi năm, đúng nửa thế kỷ rồi; ai còn ai mất? Lớp đi chiến dịch hồi đó trẻ lắm thì năm nay lại đúng bảy mươi "thất thập cổ lai hi". Người viết lần này có mục chính là nhắc về thời son trẻ, mới rời ghế nhà trường, tuổi thanh niên yêu đời lắm mộng mơ.
Đêm gắn Alpha, Đống Đế Nha Trang
Sau Hòa Ước, hàng ngàn SVSQ những 'con cá vàng tung tăng' đi khắp nơi, ra trung hay vào tận miền nam lục tỉnh. 'Con cá vàng' nghĩa là Alpha, đó là sinh viên sĩ quan dù Đống Đế hay Thủ Đức hay hiện dịch như Võ Bị Đà Lạt, Chiến tranh Chính Trị gì đều được lệnh tạm ngưng học, có công tác phí, vẫn ăn lương, được "hồi tố"[1] đi thông tin tuyên truyền ráo trọi. Có người chưa gắn được 'con cá vàng' cũng được gắn tạm, gắn trước giai đoạn Hai tạm xa quân trường trong vài chục ngày cho kịp nhu cầu Chiến Dịch.
NHỮNG LỨA NGUYỄN HOÀNG 65-72 KHÔNG NGỜ 1 NĂM SAU PHẦN NHIỀU ĐI VÀO NGHIỆP LÍNH ( Võ Văn Khiến ngoài cùng trái ảnh - Trần Túy Huệ bím tóc ngoài phải)
Mấy đứa số hên, vừa rời Nguyễn Hoàng, vừa xa quê Quảng Trị, hay vừa may mắn thoát nạn Đại Lộ kinh Hoàng, cổ áo đeo 'con cá vàng, bận bộ ka ki xanh chiến dịch, chân đôi giày đen bóng loáng về lại Trạm cư Hòa Khánh, Non Nước tại Đà Nẵng giữa năm 1973 công tác cho Chiến Dịch. Một công hai chuyện, khi không về lại giữa lòng quê hương dù bà con đang tạm trú tại Đà Nẵng. Mấy anh chàng SVSQ hay đi dọc theo mấy quán cà phê 'mái tranh vách lá' dọc theo con đường tạm cư Hòa Khánh, sát cái chợ tranh và lá Hòa Khánh tán gẫu gì đó... Có đứa cựu HS Nguyễn Hoàng nay là lính, trở về hay đón đầu cô giáo cũng cựu nữ sinh NH ngày cũ hiện đi dạy giờ sống tạm qua ngày. Cô nàng vừa ra khỏi cái trường xiêu- đổ của Trại tỵ nạn Hòa Khánh.
Chợ tạm cư mái tranh vách lá cho đồng bào QT 1973 tại Hòa Khánh Đà Nẵng
Nhắc lại đám cựu học sinh Nguyễn Hoàng trong đám tòng quân sau Mùa Hè 1972 chán khối. Mặt tụi nó hết 'búng ra sữa', khá xạm đen theo nắng thao trường một ít thôi. Nhất là đầu tóc hai 'xăng ti mét', cái mũ bê- rêt đội nghiêng trên đầu, hai 'con cá vàng' trên cổ áo, đôi giày lính đánh 'xi ra' đen bóng. Tất cả gom lại, trông thật oai vệ. Chỉ hơn nửa năm trời, nhưng đố ai nhìn ra?
Cô giáo trại tạm cư, vừa cất cái kính đen mặt rộng ra, Võ văn Khiến, chàng SVSQ [*] bất ngờ muốn 'té ngữa':
-Ôi! ôi! té ra 'Mộng Đỡ' tề ?![**]
Biệt hiệu cô nàng Túy Huệ , 'nhất quỷ nhì ma' trong lớp Tam C2 Nguyễn Hoàng biết với nhau mà thôi. Đó là chưa kể 'Mộng Cời', " giờ này "em ở đâu" không còn thấy xuất hiện trên khung trời "chiến nạn Hòa Khánh 1972" nữa? Dĩ nhiên những cái tên khá 'đặc biệt' này trong lớp 10 C2, dân NH mới biết. Xếp bút nghiên, trai tòng quân theo nghiệp 'ka ki', gái thì lo đi dạy hay kiếm nghề nào sống. Một thuở chạy Nạn Cầu Dài, người QT chết chóc, khổ cực. Thành phố đó mất rồi, trường ốc mất rồi nên ít ai tiếp tục nối dài sự nghiệp học hành, khoa bảng.
Đó là câu chuyện cũng là SVSQ đi chiến dịch sau Hòa Đàm Ba Lê. Nhưng có đứa may, đứa rủi. Số học sinh Nguyễn Hoàng này khoác chiến y nhưng còn an ủi được về lại Đà Nẵng để còn gặp lại những người thương mến...bà con cô bác hay bạn cũ cùng trường chung lớp. Chỉ non một năm xa cách nay đã là những hoàn cảnh đổi thay toàn diện.
*
CÓ MẤY ĐỨA KHÔNG CÓ SỐ HÊN PHẢI ĐI CHIẾN DỊCH NHỮNG NƠI LẠ HOẮC TỪ GIỌNG NÓI CHO ĐẾN PHONG TỤC THÍCH NGHI
Những toán SVSQ Chiến Dịch, đến từ nhiều quân trường khác nhau, mấy đứa về lại với bà con làng nước tuy lưu lạc trên quê huơng Đà Nẵng, dang tay ưu ái tiếp nhận cũng thấy ấm lòng. Một năm, hai năm Quảng trị cũng là Đà nẵng, hai khoảnh trời hoàn cảnh tạo thành êm ái thân quen. Sự kiện này do trời sắp đặt đố ai biết trước được nỗi này?
Đó là chuyện mấy đứa bạn may mắn, phép quân trường làm gì có? khi không, 'trên trời rơi xuống' cho năm 'mươi ngày CHIẾN DỊCH' về ngay lòng quê huơng, vào tâm điểm đồng bào chiến nạn QT đang trú tại Đà nẵng; sao không may mắn được?
Quân trường nào- 'bò- lê, một -hai- ba -bốn', hai tuần mệt bở hơi tai; nào hít đất nào bị phạt 'dã chiến', khá lắm có nửa ngày phép , đi lòng vòng Nha Trang rồi về ngay. Hoặc Thủ Đức hai tuần có 1 ngày phép luân lưu là lâu dài nhất . Có thể nói trận CHIẾN DỊCH cho Hòa Đàm Ba- lê là dịp "phép xả hơi trên trời rơi xuống" lâu nhất cho tất cả người lính quân trường.
Số người viết chẳng hên bằng tụi bạn khác. Tác giả được phái đi tới Quận Củ Chi tỉnh Hậu Nghĩa. Chẳng ai quen biết, xóm làng lạ hoắc, thật lẻ loi, chán nản. Cả toán, dĩ nhiên trong đó có tác giả được phái về Xã Phước Hiệp. Giờ ngồi nhớ lại, cả toán hết tám, chín đứa đứa người trong nam, một mình người viết lại nói giọng Quảng Trị 'nặng ơi là năng!' khi nói ra ít đứa hiểu? Thế là giải thích làm gì, ở nhà quách lo việc nấu ăn - đi chợ. Chuyện đi "tuyên truyền, giải thích" Hòa Ước có mấy đứa kia lo...
Xã Phước Hiệp, mấy ông chú ông anh này cũng người trong xã. Họ rất hiền lành dễ chịu và có tình cảm với lớp thanh niên mới về như chúng tôi. Họ giao cho cả toán svsq một căn nhà trống trước mặt ngôi chợ cũng mang tên Phước Hiệp. Hàng ngày tôi lo phận sự khỏe ru là ngồi giữ đồ cho bạn. Lương lính ít ỏi nhưng còn may mắn do ngôi chợ xã sát trước cửa. Tôi hay nấu cho tụi bạn ăn món ăn theo kiểu Quảng Trị thì tụi nó hay 'khóc', hỏi sao? Chẳng qua vì quá cay. Cay quá, tụi nó đặt tên là "món 'Quảng'"! Đến nay tui vẫn nhớ hình ảnh mấy thằng bạn hít hà, nước mắt ràn rụa như khóc như than? Tụi nó 'phản đối', tụi nó 'biểu tình'! A! nhưng tao là người Quảng mà là Quảng Trị thì phải ăn cay, thế thôi- chấm hết, nghe chưa?
Thằng Tiến người nam, hôm đó liền ở nhà. Hắn ra tay, trổ tài nấu món canh chua. Quả thật, hắn nấu canh chua cá lóc ngon "nhớ đời". Nhờ hắn, đến nay tôi vẫn chưa quên cách nấu canh chua. Tôi còn khoái về cách thức mua bán ở cái chợ nhà quê này. Mua xong con cá lóc, mấy má cạo vảy, cắt khúc giùm cho. Chúng tôi chỉ việc vô nhà cách đó vài bước, là nấu canh thôi. Xứ Củ Chi đất khô, trồng đậu phụng, lại lắm cây me cho món canh chua cá lóc. Tôi thầm cám ơn thằng Tiến người nam. Sau ngày ra trường mỗi đứa mỗi nơi , "bóng chim tăm cá" biết tìm ở đâu?
Ôi, gần hai tháng trời chán ngắt. Tối lại 'cái màn' mười anh em phải vào xã, tự xưng tên, danh số qua máy truyền tin về Chi Khu Củ Chi tức là quận điểm danh vì sợ mấy đứa tôi 'chuồn'[3].
Quận Trảng Bàng nằm về hướng Tây Bắc Sài Gòn vào khoảng 40 kilômét. Xóm Đạo Tha La, thuộc Xã An Hòa, cách Chi Khu Trảng Bàng chừng 4 kilômét về hướng Tây. (blog kontumquetoi)
Đây “Tha La xóm đạo”
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh...
...
Vùng tôi ở gần xã Trảng Bàng, "Tha La Xóm Đạo' cái bài hát nào đó nghe thơ mộng, nhưng tui chẳng dám mò qua, du kích đầy dãy bên đó, thế là 'mù trớt' tôi gần mà chẳng biết 'người em xóm đạo' là gì? . Vùng 'xôi đậu' Củ Chi có tiếng. Đi ra đường là ánh mắt canh chừng, 'ngày mình- đêm họ', đây là sự thật. Sự dằng co càng nhiều khi hòa bình tạm thời đã ký. Nhưng lằn ranh có phân định rõ ràng đâu, thế là càng thêm rắc rối cho dân. Tôi làm gì được 'tung tăng' đi chơi như mấy đứa bạn tôi kể đoạn trên tức là ngoài trung, hay cụ thể hơn là vùng hoạt động tại Trung Tâm Hòa Khánh 1973 trong thời gian Chiến Dịch. Ở đây vùng không an ninh , ngày tôi bó gối trong căn nhà trống, công tác ít ỏi, chẳng dám đi xa.
Sau này về lại quân trường, mới hay sau mùa Chiến Dịch, những 'con cá vàng' còn mang theo nhiều mối tình rất ư là "mới' ! Riêng tôi chia tay Hậu Nghĩa, tôi chỉ nhớ (cho đến bây giờ) chỉ cái tên tỉnh lỵ nghe khá hay - Khiêm Cương- một thành phố nhỏ bé lạ lẫm ít ai để ý. Tôi còn nhớ nồi canh chua thằng Tiến chỉ cho. Kỷ niệm một lần Chiến Dịch chỉ ngần ấy thôi, ngoài ra tôi chẳng có một mãnh tình nho nhỏ nào 'vắt vai ' nên nghĩ lại hơi buồn.
Ký vào cái gọi là Hòa Ước Ba lê là hợp thức hóa những vùng 'trái độn' để sự hỗn mang càng chồng chất thêm hai vai người lính miền VNCH. (hình phe MTGPMN bà Bình đang ký)
Sự tạm bợ mập mờ rõ ràng trước mắt. Giải thích Hiệp Định để được gì khi sự hình thành 'trái độn, da beo' 'rối như canh hẹ' . Cuộc thế tạm bợ đã đành, Chiến Dịch cũng là tạm bợ . Người dân than vãn, họ không đậm đà gì với chuyện hòa đàm, có vùng phải sống dưới 'hai chính quyền' : một ban ngày , một ban đêm, họ không biết chọn ai ? chỉ mong được an toàn tánh mạng để cày đất, trồng đậu phụng hay làm lụng sinh nhai thôi. Ký vào Thỏa Thuận Ba lê là hợp thức hóa những vùng 'trái độn' để sự hỗn mang càng chồng chất thêm hai vai người lính miền nam. Hậu quả đương nhiên phải đến, không thể nào cưỡng lại. Ra đi "Chiến Dịch 1973' chẳng khác chi 'khóc trước' một tháng Tư Bi Hận 1975, hơn là những gì háo hức giá như chúng tôi giải thích cho một Hiệp Định hàm chứa chiến thắng bên trong?Những thằng mang "con cá'" trên cổ áo năm nào, những tờ giấy in nội dung của một Hiệp Định thua thiệt đầy tủi hờn, thì làm gì có những niềm vui trong lòng. Bên nào giữ nguyên lằn ranh bên đó, có nghĩa là chúng tôi tự nhận mất đất cho phía bên kia, và cứ 'đưa lưng cho người ta đấm' cho đến khi nào 'chịu hết nỗi"?
Đúng thật, khi cùng một lúc bị 'cột tay', giảm hết lương thực, súng đạn, cùng nằm 'chịu trận' thì cái giá trị bi thảm đến rất gần.
Thôi! nói chi chuyện quá khứ thêm rầu. Chỉ nhớ, vui, hay thương cảm về nhiều kỷ niệm xa xăm ngày đó. Những kỷ niệm một thời son trẻ trong đó có hình ảnh những 'con cá vàng' trong mùa CHIẾN DỊCH HÒA ĐÀM BA LÊ 27 THÁNG GIÊNG 1973 mà thuơng bao đứa bạn đứa còn, đứa mất ./.
Đinh Hoa Lư
[*]:Võ văn Khiến học sinh trung học Nguyễn Hoàng, ở đường Duy Tân QT- đã qua đời sau 1975
[**}:Mộng Đỡ và Mộng Cời là 2 nữ sinh 11 C2 trường Trung Học Nguyễn Hoàng: Trần Tuý Huệ và Lê Mỹ Tín
[1]: Hồi tố có nghĩa thời gian đi chiến dịch cũng được tính gộp vào để sớm lên cấp bậc [2]: người viết đang học cuối giai đoạn 1 tại Quang Trung lại đựơc gắn alpha giả định để đi Chiến Dịch[3]:chuồn; không có phép nhưng rời khỏi đơn vị
https://chuyendaiho.blogspot.com/2023/01
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét