Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Mara Oliva* - Chiến tranh Việt Nam: Việc tham chiến đã ảnh hưởng đến các quyết định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong 50 năm qua ra sao

22/01/2023

* Mara Oliva Phó Giáo sư Lịch sử, Đại học Reading

Tuyên bố công khai

Mara Oliva không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch



Ảnh: Eye Ubiquitous/Alamy

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam và chiến tranh vẫn phủ bóng đen lên cuộc sống của người Mỹ.

Thiệt hại về nhân mạng quá khổng lồ. Trong gần 20 năm, hơn 2,7 triệu người Mỹ đã tham gia lực lượng vũ trang trong cuộc xung đột và khoảng 58.318 người đã thiệt mạng. Ước tính số người Việt Nam thiệt mạng là hơn 3 triệu thường dân và binh lính thuộc cả hai phe. Hàng ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương và phải cố tái thích nghi khi trở về nhà.

Người Mỹ vật lộn để hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam. Họ phải chấp nhận thực tế rằng lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, họ thua trận. Những hình ảnh gây khó chịu trên truyền hình từ chiến địa và những tội ác chiến tranh khiến họ nghi ngờ sự khôn ngoan và đạo đức trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.


Việt Nam đã trở thành một kinh nghiệm rất khác so với chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc “chiến tranh chính nghĩa” chống lại các lực lượng phát xít ở Đức, Ý và Nhật Bản đã thống nhất nước Mỹ trong cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ tự do và biến họ thành quốc gia lãnh đạo của thế giới tự do. Còn Việt Nam gây chia rẽ dân tộc và biến Mỹ thành kẻ bắt nạt quốc tế.

Những người lính trở về từ Đông Nam Á được đón nhận với nhiều cảm xúc lẫn lộn: tức giận và thù địch trong một số trường hợp nhưng chủ yếu là sự thờ ơ cùng mong muốn quên đi và bước tiếp. Trong những thập kỷ sau khi cuộc xung đột kết thúc, chấn thương quốc gia đã định hình nhiều khía cạnh của chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ.

Hội chứng Việt Nam

Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hầu hết người Mỹ lo sợ rằng bất kỳ sự can thiệp hoặc sử dụng vũ lực nào của Hoa Kỳ ở nước ngoài có thể dẫn đến một thế bế tắc lâu dài và đẫm máu khác. Năm 1973, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quyền hạn Chiến tranh nhằm hạn chế khả năng của tổng thống huy động lực lượng tham gia các cuộc xung đột mà không có sự ủng hộ của Quốc hội. Cái được gọi là hội chứng Việt Nam [Vietnam syndrome] này, một cụm từ có vẻ do Tổng thống Richard Nixon đặt ra, đã ám ảnh chính sách đối ngoại và quân sự của Hoa Kỳ kể từ đó.

Tổng thống Reagan nói về bóng ma chiến tranh Việt Nam. 

Tổng thống Ronald Reagan chỉ trích các cựu tổng thống Gerald Ford và Jimmy Carter vì bị bóng ma Việt Nam kìm hãm và tỏ ra yếu kém, thận trọng quá mức trong các vấn đề quốc tế. Trong nỗ lực khôi phục sinh lực cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đẩy Việt Nam vào quá khứ, ông đã dùng những lời lẽ táo bạo để nói với người Mỹ rằng hãy ngừng cảm thấy tội lỗi về sự tàn phá mà chiến tranh gây ra và ngừng đặt câu hỏi về đạo đức của cuộc chiến vì nước Mỹ đã chiến đấu vì “một chính nghĩa cao cả”. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách đối ngoại của ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nỗi lo dai dẳng về việc sa vào một vũng lầy mới.


Người dân đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington DC. Ảnh: James Quine/Alamy

Sự can thiệp quân sự của Reagan vào Grenada năm 1983 được giữ bí mật vừa để ngăn chặn bất kỳ hành động phủ đầu nào của chế độ độc tài cộng sản đang kiểm soát hòn đảo vừa để ngăn một Quốc hội phản đối can thiệp tiết lộ cho cánh báo chí vì dự đoán rằng Grenada sẽ trở thành một Việt Nam khác. Một năm sau, sau khi 241 quân nhân Hoa Kỳ chết trong doanh trại ở Beirut, Reagan rút lực lượng Hoa Kỳ khỏi Liban vì ông không muốn lặp lại bài học Việt Nam ở Trung Đông.

Tương tự, Tổng thống George HW Bush đã  thận trọng nhằm ngăn Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 biến thành một Việt Nam khác. Để bảo đảm sự can thiệp của Hoa Kỳ có tính chính đáng về mặt đạo đức, cái mà cuộc chiến ở Việt Nam đã thiếu, ông đã tìm sự ủng hộ của Liên hợp quốc và lãnh đạo một liên minh gồm 35 quốc gia nhằm nhanh chóng quét sạch lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait. Chiến thắng chóng vánh khiến Bush phải thốt lên: “Lạy Chúa, chúng ta đã đánh bay Hội chứng Việt Nam một lần và mãi mãi.” Đối với Tổng thống Bill Clinton, việc để quân đội Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp là một lựa chọn phải tránh bằng mọi giá như ông đã tuyên bố trong cuộc chiến tranh Kosovo 1998-1999.

Đáp lại sự kiện 11/9

Dù khác hẳn về bản chất nhưng những nét tương đồng giữa các cuộc chiến tranh gần đây ở Iraq và Afghanistan và cuộc chiến tranh Việt Nam đã giúp bảo đảm Việt Nam vẫn quan trọng đối với các quyết định chính sách đối ngoại. George W. Bush đã thất bại trong việc rút ra bài học từ Việt Nam và mắc phải một số sai lầm mà chính phủ Hoa Kỳ từng gặp ở Việt Nam. Các cuộc tấn công được nhắm mục tiêu cẩn thận ban đầu nhằm chống lại al-Qaida và Taliban ở Afghanistan để đáp trả các cuộc tấn công ngày 11/9 đã biến thành cuộc chiến kéo dài 20 năm và cướp đi sinh mạng của hơn 2.300 lính Mỹ và của ước tính khoảng 43.074 thường dân Afghanistan.

Giống như Hồ sơ Lầu Năm Góc năm 1971 tiết lộ những sai lầm ngớ ngẩn và thất bại tình báo ở Việt Nam, việc báo Washington Post công bố Hồ sơ Afghanistan vào tháng 12 năm 2019 cho thấy Hoa Kỳ thiếu các mục tiêu thực tế và chiến lược rút lui rõ ràng ở Afghanistan. Chúng cũng tiết lộ một điểm tương đồng đáng buồn khác giữa hai cuộc xung đột. Các quan chức quân sự và chính phủ trong cả chính quyền Bush và Obama đã cố tình xuyên tạc tình thế ở Afghanistan để xoa dịu dư luận Mỹ vốn đang mệt mỏi vì chiến tranh.

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden bác bỏ bất kỳ sự so sánh nào giữa việc ông rút khỏi Afghanistan và việc Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Câu trả lời của ông ấy rất rõ ràng: “Không có gì cả. Không hề." 

Tuy nhiên, chẳng thể nhìn vào hình ảnh những người Afghanistan tuyệt vọng chạy dọc theo một chiếc máy bay tại sân bay quốc tế Hamid Karzai lúc bấy giờ vào ngày 31 tháng 8 năm 2021, mà không so sánh chúng với hình ảnh chiếc trực thăng Hoa Kỳ đậu trên một tòa nhà chung cư chở đầy người di tản tại Sài Gòn năm 1975.

Trong khi đó, đã 50 năm trôi qua, Biden hiện đang củng cố quan hệ với Việt Nam, một phần quan trọng trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông đối với châu Á, dựa trên dự án hòa giải kéo dài hàng thập kỷ. Tuy vậy, những bài học từ chiến tranh Việt Nam vẫn là lăng kính mà các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông và dư luận Hoa Kỳ thường dùng để nhìn nhận về các cuộc xung đột vũ trang.

Tác giả

Mara Oliva

Phó Giáo sư Lịch sử, Đại học Reading

Tuyên bố công khai

Mara Oliva không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Vietnam war: how US involvement has influenced foreign policy decisions over 50 years, The Conversation, Jan

http://www.phantichkinhte123.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét