Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Mảng sách cho trẻ em ở Việt Nam thời kỳ 1930-1945 qua các tư liệu tìm được gần đây

Lại Nguyên Ân 

31/01/2023

Tóm tắt – Trước đây, do chưa kiểm kê tốt các nguồn tư liệu, các công trình nghiên cứu chưa tiếp cận đầy đủ các hiện tượng của văn học viết cho trẻ em ở Việt Nam trước 1945, nên chưa nhận định đúng về bộ phận văn học này. Từ dăm năm nay, Thư viện quốc gia Pháp đưa lên mạng internet các bộ lưu trữ sách báo ở các thuộc địa cũ, trong đó có kho sách báo Đông Dương, nộp lưu chiểu từ 1922 đến 1945, nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể bổ sung đáng kể về nguồn dữ liệu nghiên cứu. Bài báo này mang tính chất thông báo bước đầu về những loại sách cho thiếu nhi đã xuất bản tại Hà Nội những năm 1939-1945 mà nay đã có thể biết. Từ đây, có thể thấy văn học tiếng Việt cho thiếu nhi là khá phong phú; lực lượng tác giả viết cho trẻ em thời gian đó tương đối đông đảo, nhiều tên tuổi còn chưa được giới nghiên cứu ghi nhận. 

Từ khóa – văn học thiếu nhi; sách cho trẻ em; série sách

Sách báo dành riêng cho trẻ em, có thể nói, là một bộ phận thiết yếu của các xã hội hiện đại, nhưng hầu như chưa xuất hiện ở các xã hội trung, cận đại. 

Văn học thiếu nhi ở hầu hết các vùng trên thế giới đều chỉ mới có lịch sử một vài thế kỷ. Có nhà nghiên cứu chia ra 6 thể tài sách văn học thiếu nhi: 1/ Sách có hình vẽ, tranh vẽ, kể cả sách dạy đọc và làm tính; 2/ Sách văn học truyền thống, bao gồm truyện dân gian, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, giai thoại; 3/ Sách văn học, bao gồm truyện giả tưởng, truyện hiện thực, truyện lịch sử; 4/ Sách phi hư cấu; 5/ Sách tiểu sử, tự truyện; 6/ Sách thơ, truyện thơ. 

Cũng có thể phân loại sách theo lứa tuổi trẻ em: 1/ Tuổi nhi đồng: a/ Trẻ mẫu giáo: từ 1 đến 6 tuổi; b/ Học trò tiểu học: từ 7 đến 10 tuổi; 2/ Tuổi vị thành niên: a/ Tuổi trung học cơ sở: từ 11 đến 13 tuổi; b/ Tuổi cuối trung học: từ 14 đến 16 tuổi.

Những nét đặc trưng của văn học thiếu nhi là: 1/ Trẻ em giữ vai chính; 2/ Đề tài phù hợp lứa tuổi trẻ em; 3/ Dung lượng tương đối nhỏ, nhiều tranh vẽ (nhất là đối với trẻ nhỏ); 4/ Ngôn ngữ đơn giản; 5/ Nhiều hành động và đối thoại; 6/ Nhiều chất phiêu lưu; 7/ Kết thúc tốt đẹp (cái thiện thắng cái ác); 8/ Giáo dục trẻ em.


***

Tại Việt Nam, ở thời trung đại, trong di sản trứ thuật Hán Nôm của các tác gia người Việt hầu như không có tác phẩm viết cho trẻ em. Một vài người soạn giáo trình có nêu hai tác phẩm Thánh Tông di thảo (tập truyện bằng chữ Hán tương truyền của hoàng đế Tư Thành, tức vua Lê Thánh Tông, 1442-1497) và Gia huấn ca (bài giáo huấn bằng văn vần tiếng Việt của Nguyễn Trãi, 1380-1442), xem như dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên đây là những dữ kiện còn gây tranh luận về mặt văn học sử. 

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới chế độ thực dân Pháp, xã hội Việt Nam phát triển theo hướng hình thành một xã hội hiện đại; đô thị và thị dân xuất hiện; nghề in sách báo được du nhập và phát triển. Hoạt động văn học của xã hội người Việt từ đây tồn tại chủ yếu trên hai kênh: báo chí và xuất bản. Bên cạnh độc giả người lớn, các nhà sách, nhà xuất bản còn chú ý phát triển độc giả trẻ em. 

Loại sách chữ Việt cho trẻ em được xuất bản sớm nhất từ khi nào, diện mạo cụ thể ra sao?

Trước đây, do chưa kiểm kê tốt các nguồn tư liệu, một số nghiên cứu chỉ có thể đưa ra những ức đoán phỏng chừng. Từ dăm năm nay, Thư viện quốc gia Pháp đưa lên mạng internet các bộ lưu trữ sách báo ở các thuộc địa cũ, trong đó có kho sách báo Đông Dương, nộp lưu chiểu từ 1922 đến 1945, nhờ đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam có thể bổ sung đáng kể về nguồn dữ liệu nghiên cứu. 

Chính từ nguồn tư liệu kể trên, tôi và một số bạn có cùng quan tâm, đã có thể nhận ra nhiều nét khác biệt về các mảng tài liệu báo chí, xuất bản, văn học so với những nhận định đã có. 

Tôi cho rằng những hiện tượng xuất bản sẽ được thông tin vắn tắt dưới đây là thuộc loại sách (nói cẩn thận hơn, là sách báo) dành cho thiếu nhi. Tất nhiên đây đều là sách báo in chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ghi theo bộ chữ abc Latin).

Cũng cần nói rõ, tôi mới chỉ tập trung tìm và tải về, ghi tên các loại ấn phẩm cho thiếu nhi, và cũng mới chỉ đọc lướt một số ít tác phẩm trong số đó, vì vậy chưa thể miêu tả và nhận xét kỹ về nội dung các ấn phẩm.

1/ Các cuốn sách dạy trẻ của Tản Đà, 1919-20

Đó là các cuốn “Lên sáu” (1919), “Lên tám” (1920), được in lại một vài lần. 

Tản Đà chủ trương dùng chữ Quốc ngữ để dạy trẻ “vỡ lòng” những hiểu biết căn bản trên đời.

“Sách quốc ngữ / Chữ nước ta / Con cái nhà / Đều phải học / Miệng thời đọc / Tai thời nghe…” (Lên sáu)

Cố nhiên, khi trẻ đi học theo trường lớp chính quy thì đã có bộ sách giáo khoa chính thức. Song các cuốn dạy vỡ lòng của Tản Đà cũng có ích, như tài liệu tham khảo, thậm chí có thể là sách học vỡ lòng duy nhất cho những trẻ em không có điều kiện đến trường.

2/ Série sách Chuyện giải trí, 1924-31

Có thể nói, bộ sách “Chuyện giải trí” của nhóm soạn giả Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Quảng Hàm, Vũ Đình Long, giành cho trẻ em Việt Nam là thuộc loại sớm. Đó là những cuốn sách in, 32 trang khổ A4 (hoặc A5), mỗi cuốn gồm trên dưới 10 bài, là các câu chuyện, về danh nhân, truyện ngụ ngôn, truyện phiêu lưu, xen lẫn các bài đề thi và đáp án các kỳ thi tiểu học. 

Mấy lời “Mục đich Chuyện giải trí” ở đầu sách nói rõ: “Chuyện giải trí in ra là cốt để hiến cho các gia đình một cái lợi khí khẩn yếu cho sự nhi đồng giáo dục, là cốt để hiến cho các bạn thanh niên trên dưới mười tuổi một chất nuôi hồn bổ óc, một món quà giải trí rất lành, rất có ích”. 

Về nội dung các cuốn trong bộ sách này, có thể lấy ví dụ bất kỳ, chẳng hạn, mục lục Tập III Quyển I: 

1- Ba ông hoàng [cổ tích: thứ gì quý nhất]; 2- Câu chuyện về cách trí [giải thích hiện tượng gió bão]; 3- Cờ lau dẹp loạn [sự tích Đinh Tiên Hoàng]; 4- Câu chuyện về dịa dư [chuyển động của nước trên trái đất]; 5- Công tử Lười chơi Nguyệt điện [truyện cậu trò tên Lười ngủ mơ thấy cung trăng cũng có cảnh học trò lười bị phạt]; 6- Chuyện một cậu bé con xử kiện [một ông vua nghe bọn trẻ phân xử đúng sai]; 7- Trò chơi có ích [giải đố kỳ trước, ra câu đố mới]; 8- Các câu đố [giải đố kỳ trước, ra câu đố mới]; 9- Gái hiếu cứu cha [truyện, tiếp kỳ trước]; 10- Luyện tập quốc văn [hướng dẫn làm luận về đề “Học trước phải lập chí”]; 11- Tính đố [giải bài ra kỳ 2]; 12/ Một đưa trẻ phiêu lưu [truyện dịch, đăng tiếp]; 13- Bài tính dố mới [bài đố; giải đố kỳ 2, tên những người giải đúng]. 

Trong số các bản hiện có tại trang Gallica.bnf.fr., ta thấy, trong các năm từ 1924 đến 1931, có chừng mươi cuốn Chuyện giải trí đã được in ra, được đánh số theo quyển (Quyển I, Quyển II) và theo Tập (các Tập từ I đến X). Cho đến đầu những năm 1930 vẫn còn thấy loại sách này được tái bản.

3/ Série sách Hoa xuân, do Hướng đạo Thẳng tiến xb., 1939-42 

Đây là tủ sách gắn với phong trào Hướng đạo. 

Hướng đạo Việt Nam được thành lập từ 1931, như một thành viên của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement). Chính cơ sở Hướng đạo Thẳng Tiến, trụ sở ở 14 phố Blockhaus Nord (nay là Phó Đức Chính), Hà Nội, đứng ra tổ chức xuất bản loại sách “Hoa xuân” này, in tại nhà in Văn Lâm, 83 Hàng Điếu, Hà Nội. 

Các ấn phẩm “Hoa xuân” ra mỗi tháng 2 kỳ, được đánh số, mỗi số 24 trang khổ vừa hoặc nhỏ (A4 hoặc A5), in một tác phẩm hoàn chỉnh, thường là truyện văn xuôi. Ví dụ số 1 (ra ngày 1.6.1939): “Một đêm trong rừng thẳm”, truyện của Lê Vĩnh Tuy; số 2 (ngày 7.6.1939): “Cậu bé làng Ủng”, truyện của Ngô Bích San; số 3 (ngày 15.6.1939): “Sóng gió”, truyện của Thái Bá Lộc, v.v. Xen kẽ các trang in truyện là một số tranh minh họa, thường là của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Chính vị huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) cũng góp hai truyện cho loại sách này: “Gan tráng sĩ” (số 5, ngày 29.6.1939), và “Thầy cai Tò-lăng-dit” (số 11, ngày 10.8.1939); truyện trước mô tả một võ sĩ thời kỳ chống quân Minh xâm lược, lập chiến công rồi mai danh ẩn tích; truyện sau kể việc một viên cảnh sát thuộc địa đương thời điều tra những hoạt động mà ông ta thấy hơi kỳ lạ của một nhóm thanh niên học sinh; hóa ra ông được chứng kiến một cuộc cắm trại rèn luyện của một nhóm hướng đạo sinh. 

Một số cuốn của tác giả khác cũng nhắm vào đề tài rèn luyện đức tính và thể chất của hướng đạo sinh, ví dụ “Một đêm trong rừng thẳm” (truyện, Lê Vĩnh Tuy, s. 1) là truyện một học sinh vừa đỗ cao đẳng tiểu học, được cha gửi đến sống vài tháng hè ở rừng Đà Lạt, trải nghiệm những nỗi sợ ở không gian rừng núi. 

Có những cuốn kể nhân vật hoặc sự tích sử Việt, ví dụ “Lam Sơn họp mặt” (truyện, Chu Thiên, s. 12, ngày 17.8.1939), “Vua bà” (s. 17), “Tay không vào trại giặc” (truyện, Lưu Văn Lợi, s. 43), “Nguyễn Mại, một vị quan thời Lê Trịnh” (truyện, Ngô Bích San, s. 45), hoặc kể các truyện cổ tích Việt, ví dụ “Thạch Sanh” (truyện, Ngô Bích San, s. 24), “Sọ Dừa” (truyện, Ngô Thụy Lân, s. 29), “Tấm Cám” (truyện, Nguyễn Huy Tưởng, s. 41), “Chuyện bánh chưng” (Nguyễn Huy Tưởng kể, s. 44); hoặc kể lại những tác phẩm nổi tiếng thế giới, vi dụ: “A-li-ba-ba và 40 tên trộm” (Ngô Thụy Lân kể, s. 15), “Cái đèn thần” (Ngô Thụy Lân kể, s. 26), “Con yêu râu xanh” (truyện Ch. Perraull, Nguyễn Văn Vĩnh kể, s. 46), v.v.

Trên trang Galica.bnf.fr., tôi tìm được gần 60 cuốn sách “Hoa xuân”, xuất bản từ đầu tháng 6/1939 đến tháng 10/1942. Sau thời gian đó không thấy ấn phẩm loại này xuất hiện thêm nữa.

4/ Serie “Sách hồng” của nhà xuất bản Đời Nay, 1939-44 

Nhà xuất bản Đời Nay của nhóm Tự Lực văn đoàn xuất bản loại “Sách Hồng” từ giữa năm 1939, mở đầu (số 1) là cuốn “Ông đồ Bể” của Khái Hưng, in xong ngày 30.6.1939, nộp lưu chiểu 31.8.1939. 

Nhà xuất bản có lẽ muốn đưa ra các cuốn “Sách Hồng” theo định kỳ 1 cuốn/ 1 tháng; nhưng thường muộn hơn thông lệ. Theo số bản “Sách Hồng” hiện có trên trang Gallica.bnf.fr., trong năm 1939 ra được 2 cuốn (s. 1 – s. 2); năm 1940: 7 cuốn (s. 2 – s. 9); năm 1941: 11 cuốn (s. 9 – s. 20); năm 1942: 9 cuốn (s. 21 – s. 29). Sang các năm 1943 – 1944, bên cạnh các cuốn có đánh số còn có thêm nhiều cuốn “Sách Hồng đặc biệt”. 

Các cuốn “Sách Hồng” thường gồm 30 trang, mỗi cuốn gồm một hoặc một vài truyện văn xuôi. Khá nhiều cuốn là viết lại truyện cổ tích, sáng tác cổ tích, như “Con cá thần” (truyện, Hoàng Đạo, s. 2), “Hai thứ khôn” (truyện, Thế Lữ, s. 4), “Cây tre trăm đốt; Ai mua hành tôi” (truyện, Khái Hưng, s. 19), “Cái ấm đất” (truyện, Khái Hưng, s. 9), “Sơn tinh” (truyện Hoàng Đạo, s. 18), v.v. Một số cuốn là truyện giải thích các sự vật, sản phẩm còn lạ lẫm với trẻ em đô thị, ví dụ “Hạt ngọc” (truyện, Thạch Lam, s. 12) kể chuyện dân quê khó nhọc ra sao để làm ra hạt thóc, hạt gạo; “Quyển sách” (truyện, Thạch Lam, s. 3) dẫn giải cho trẻ em về công việc của nhà in để làm ra những cuốn sách. Một vài cuốn là truyện đồng thoại, ví dụ “Con chim gi sừng” (của Hoàng Đạo, s. 15) vào vai “tôi” là một chú “chim gi sừng”, kể về những nguy hiểm mà chú phải đối mặt từ lúc nở ra đến khi trưởng thành. 

Phần lớn các cuốn“Sách Hồng” là truyện văn xuôi, nhưng cũng có cuốn là truyện thơ, ví dụ các cuốn “Bà Túng” (s. 26), “Vụ kiện trê cóc” (s. 27) của Tú Mỡ, có thể gọi là những truyện ngụ ngôn bằng thơ lục bát. 

Một số cuốn đề cập phong trào hướng đạo, ví dụ “Cắm trại” (truyện, Khái Hưng, s. 20), “Hai tháng của một hướng đạo sinh Việt Nam” (V. Minh, s. 28, s. 29). 

Một số cuốn là truyện dịch, ví dụ “Cuộc đời ly kỳ và gian nan của Rô-bin-sơn” (Thế Lữ dịch, các số 11, 13, 17, 22), “Con chim họa mi” (Hoàng Đạo dịch Andersen, s. 32), “Cô bé đuôi cá” (Hoàng Đạo dịch Andersen, sách hồng đặc biệt), “Sách rừng” (truyện R. Kipling, bản dịch Huyền Hà, 4 số “Sách hồng” đặc biệt, 1943, 1944. 

Cuốn “Sách Hồng” của nhà Đời Nay muộn nhất, xuất bản vào tháng 12/1944.

5/ Tuần báo “Truyền bá”, hay là sách ra hàng tuần của nhà Tân Dân, 1941-45

Truyền bá được ghi rõ trên manchett là “tuần báo của tuổi trẻ ra ngày thứ năm”, song khuôn khổ ấn phẩm dễ được người ta coi là sách hơn là báo. Mỗi cuốn đều có tên riêng, là tên tác phẩm chính của kỳ ấn phẩm đó; mỗi cuốn dày khoảng 32 trang A5, gồm một hoặc một vài truyện, cạnh đó có chừng 3 – 5 trang thông tin, mẩu chuyện, quảng cáo. Nhà Tân Dân khẳng định: các truyện và bài báo trên Truyền bá chỉ nhằm mục đích giáo dục. “Giáo dục, nhưng giáo dục một cách vui vẻ chứ không khắc khổ, khô khan”. Trẻ em đọc Truyền bá sẽ chơi mà học! Tân Dân mong đợi “những nhà giáo và nhà văn hằng lưu tâm đến vấn đề giáo dục nhi đồng” sẽ cộng tác trong công cuộc này.

Một thống kê sơ bộ cho thấy, từ 25.8.1941 đến 20.9.1945, nhà Tân Dân đã xuất bản 190 số Truyền bá

Một số tác giả góp số lượng lớn tác phẩm, ví dụ:

– Thâm Tâm: “Hóa thành chim” (truyện, s. 4), “Ban hát của thày mo” (truyện, s. 11), “Chín bông hoa” (s. 19), “Nàng út” (s. 35), “Tiên trong giếng thần” (s. 41), “Đười ươi giữ ống” (s. 45), “Người Giao Chỉ” (s. 55), “Mò ngọc trai” (s. 68, số Tết), “Bố Cái” (s. 69), “Cái quạt mo” (s. 75), “Chim làm tổ” (s. 83), “Rồng” (s. 92), “Ông hoàng rắn” (s. 115), “Bước gian nan của con nắc nẻ” (s. 119), “Cóc và ếch tranh hùng” (s. 127), “Đời con kiến” (s. 133), “Ăn quả nhớ kẻ giồng cây” (s. 141), “Hai cây hoa nhài” (s. 154), “Linh hồn đá” (s. 168 & 169), “Thỏ, chuột và khỉ” (s. 178), “Hươu, rím, khách” (s. 188).

– Ngọc Giao: “Ma thiên lãnh” (s. 18), “Dũng, nhà thám hiểm” (s. 29), “Hiền” (s. 42), “Thằng Bờm” (s. 58), “Lửa rừng” (s. 65), “Cậu bé đánh giặc Cờ Đen” (s. 68, số Tết), “Bầu sữa hươu” (s. 77), “Thư Lý Ly” (s. 93), “Con nhà võ” (s. 114), “Ngày vui” (s. 118), “Hang thuồng luồng” (s. 123), “Sức mạnh” (s. 130), “Nguyễn Trãi” (s. 134), “Chúa Ba” (s. 139), “Úm ba la” (s. 152), “Cậu Chính cô Chiêu” (s. 156), “Quận Hẻo Quận He” (s. 187). 

– Tô Hoài: “Con dế mèn” (s. 3), “Mực tàu giấy bản” (s. 12), “Dế mèn phiêu lưu ký” (s. 16 & 17), “Ngọn cờ lau” (s. 25), “Sự tích cây hoa lý” (s. 32), “U Tám”, (s. 40), “Ba bà cháu” (s. 44), “Ba anh em” (s. 54), “Hai con he he đi chơi xuân” (s. 68, số Tết), “Ba ông cháu” (s. 79), “Thằng Nhó” (s. 94), “Chú chuột” (s. 116), “Bốn con chó” (s. 122), “Bốn con nỡm ấy đi du lịch” (s. 135), “Hai con ngỗng” (s. 151), “Nói về cái đầu tôi” (s. 155), “Dê và lợn” (s. 176). 

Các tác giả khác, như Nguyễn Công Hoan có gần 20 cuốn; Nam Cao, Phạm Bá Đại, Thanh Châu mỗi người đều có trên dưới 10 cuốn, v.v.

Có thể vì số lượng khá lớn so với các series sách khác, cũng giành cho độc giả thiếu nhi, nên đề tài các cuốn truyện trên Truyền bá cũng tương đối đa dạng hơn về đề tài, thể tài. Truyện kiểu cổ tích, viết lại cổ tích, sáng tác kiểu cổ tích, dịch cổ tích nước ngoài, hầu như đều có mặt ở Truyền bá. Cạnh đó ở Truyền bá cũng có nhiều truyện viết kiểu tả thực về đời sống đương thời, nhất là sinh hoạt của thiếu niên học sinh. 

6/ Serie sách “Hoa Mai” của nhà xuất bản Cộng Lực, 1941-44

Nhà xuất bản Cộng Lực của chủ nhiệm Bùi Xuân Tuy ở số 9 Hàng Cót, Hà Nội, ra loại sách Hoa Mai “phỏng theo loại Livre Rose của nước Pháp, sách đẹp, giá rẻ, có tính cách luân-lý, hoặc lịch-sử, hoặc khoa-học, do những nhà văn có chân tài viết”, nhằm “giúp đỡ vào việc gia-đình giáo-dục”, “gây cho con em tâm-tính ngay-thẳng, vui-vẻ, nhân-hậu, hiếu thảo, và để tránh những sách nhảm rất hại cho trí non-nớt của trẻ em”. (“Mục đích của chúng tôi khi ra loại sách Hoa Mai”, Hoa Mai s.1, bìa 2).

Series sách này bắt đầu xuất bản từ tháng 8/1941, mỗi tháng ra 2 cuốn, thường là vào các ngày 1 và 15. Trên trang Gallica.bnf.fr. hiện tìm thấy chừng 20 cuốn sách Hoa Mai ; dựa vào các quảng cáo trên các cuốn hiện đã tìm thấy, có thể xác định đến đầu năm 1944 serie sách này vẫn còn in ra; sau kỳ 41 (với truyện “Hưng Đạo vương”) không tìm thấy thêm cuốn sách Hoa Mai nào nữa. 

Nam Cao gần như là tác giả có nhiều tác phẩm nhất góp cho serie Hoa Mai : “Nụ cười” (s. 6; 01.12.1941), “Con mèo mắt ngọc” (s. 10, 1.2.1942), “Ba người bạn” (s. 13; 1.5.1942), “Những trẻ khốn nạn” (s. 17; 1.7.1942; s. 18; 15.7.1942), “Người thợ rèn” (s. 23; 1.10.1942), “Phiêu lưu” (s. 34; 15.12.1942), “Bảy bông lúa lép” (s. 40; 1.2.1944). 

Tương tự ở các serie cho thiếu nhi khác, truyện cổ tích chiếm phần khá lớn sách Hoa Mai; cũng có khá nhiều cuốn truyện tả thực sinh hoạt của thiếu nhi đương thời; đôi khi cũng có truyện giả tưởng, ví dụ “Thám hiểm mặt trăng” của Vũ Tính là truyện giả tưởng khoa học, kể chuyện một nhà khoa học Việt Nam cùng hai trẻ em hàng xóm đi tàu bay do nhà khoa học kia chế tạo, lên thăm mặt trăng rồi lại trở về trái đất! Có thể vì chuyện giả tưởng kiểu này quá dễ dãi đến mức không tưởng, nên trong các cuốn “Trên Hỏa tinh” (s. 7) và “Trên Bắc cực” (s. 26), tác giả Vũ Tính chỉ để nhà bác học kể cho các cháu nghe chuyện sao Hỏa, chuyện vùng Bắc cực trái đất.

7/ Série “truyện học sinh” của nhà xuất bản Đời Mới, 1942-44

Trên trang Gallica.bnf.fr. hiện tìm thấy gần 40 cuốn “Truyện học sinh” của nhà xuất bản Đời Mới ở 62 Hàng Cót, Hà Nội. Các cuốn thuộc série này không được đánh số. Thông qua các trang quảng cáo, các trang signet, có thể biết thời gian in xong hoặc thời gian nộp lưu chiểu các cuốn sách trong série này. Do vậy, có thể xác định, các cuốn “truyện học sinh” của Đời Mới được xuất bản trong các năm 1942 – 1944. Đề tài các truyện trong serie này cũng tương tự đề tài các series truyện thiếu nhi khác. Tác giả các cuốn “truyện học sinh” phần nhiều là những tên tuổi quen thuộc: 

– Lê Văn Trương: “Con chim đầu đàn” (s. 1), “Chờ chết” (s. 2), “Tiếng còi báo động” (s. 3), “Lấy chồng cọp” (s. 4, s. 5), “Bị sa lầy” (s. 7)

– Phạm Cao Củng: “Hoàng tử đầu chim” (s. 11), “Tờ báo hàng ngày” (s. 15), “Quỷ Dạ Xoa” (s. 16), “Bông hoa thần” (s. 25), “Lão tướng cướp” (s. 27), “Tay đu quốc tế” (s. ?), “Con ruồi cánh gấm” (s. ?)

– Nguyễn Xuân Huy: “Sám hối” (s. 19), “Sư tử đá” (s. 20), “Liều thân cứu chị” (s. 23), “Ma xó” (s. 24), “Con gái ma vương” (s. 26)

– Phan Trần Chúc: “Phật Thích Ca” (s. 12), “Phạm Nhan” (s. 14), “Năm bộ da dê” (s. 22), “Con rồng ngủ” (s. ?)

– Thái Phỉ: “Cuộc chay thi quanh Hồ Tây” (s. 1), “Thằng Ngố” (s. 8), “Thần khỏe” (s. 9), 

– Nguyễn Lương Bích: “Hai người hiệp khách” (s. 21), “Chú lái khờ” (s.?)

– Nguyễn Gia Vỹ: “Những ngày phiêu lưu” (s. ?), “Cuộc đời sóng gió” (s. ?), “Thằng bé Hương Ly” (s. ?) 

8/ Série “loại truyện tuổi trẻ” của nhà xuất bản Văn Hồng, 1942-44

Trên trang Gallica.bnf.fr., tìm thấy trên 30 cuốn “loại truyện tuổi trẻ” của nhà xuất bản Văn Hồng ở 80 Sinh Từ, Hà Nội; mỗi cuốn 24 trang ruột và 4 trang bìa, sách khổ A5. Trên bìa 4 cuốn đầu tiên (“Hai tấm lòng trẻ”, truyện của Kim Giao, ra ngày 1.10.1942), nhà xuất bản Văn Hồng tự xem là “một cơ quan [được] thiết lập để gây tình thân ái cùng bạn nhỏ”, kêu gọi sự cộng tác của “những nhà văn có tài” để giúp trẻ em “hiểu rộng, biết xa, vui vẻ và hoạt động”, đồng thời cam kết loại truyện tuổi trẻ này “bao giờ cũng giữ nền giáo dục đức dục và trí dục, không hề có những truyện nhảm nhí có hại cho trí óc các em nhỏ”. 

Nhà Văn Hồng dự kiến loại sách này ra vào các ngày 1, 10, 20 hàng tháng. Trên thực tế, ngày 1.10.1942 nhà Văn Hồng ra cuốn “truyện tuổi trẻ” số 1, nhưng đến ngày 11.7.1944 mới ra được cuốn “truyện tuổi trẻ” số 33. Trên trang Gallica.bnf.fr. chỉ có đến cuốn số 34.

Những tác giả viết “loại truyện tuổi trẻ” của nxb. Văn Hồng là: 

– Việt Bình (“Con gà mái xám”, s. 4; “Giọt nước mắt màu nhiệm”, s. 8; “Kho vàng trong núi”, s. 11; “Ngọn đảo hoang vu”, s. 19; “Những ngày trên hoang đảo”, s. 21); 

– Cô Tô (“Thủy cung công chúa”, s. 2; “Cậu bé phiêu lưu”, s. 5; “Đứa trẻ báo oan thù”, s. 9; “Người không chết”, s. 15); 

– Kim Giao (“Hai tấm lòng trẻ”, s. 1; “Chích chòe phò mã”, s. 6; “Lòng vàng”, s. 22); — Việt Sinh (“Trốn học”, s. 3; “Lưu, Lạc, Giang, Hồ”, s. 7); 

– Phạm Bang Cơ (“Nuôi em”, s. 25; “Khoản tiền học”, s. 27).

Các tác giả khác, mỗi người chỉ có 1 cuốn: Kỳ Chinh (“Lịch sử mặt trăng”, s. 10), Trần Văn Quý (“Cho tròn đạo hiếu”, s. 12), Hải Bằng (“Cây gậy tiên và chiếc nón”, s. 13), Ngô Hòa (“Nhà phù thủy tý hon”, s. 14), Tú Ân (“Nghĩa khí”, s. 16), Nguyễn Ân (“Mọi rừng”, s. 17), Vũ Đình Thân (“Tòa nhà trong rừng thẳm”, s. 18), Hoàng Thụy (“Đôi bạn rừng xanh”, s. 20), Thọ Hưng (“Đôi chim xanh”, s. 23), Vũ Trọng Đào (“Vượt lớp mây xanh”, s. 24), Tâm Chung (“Bác xã Quých, s. 26), Ngô Bùi Ngân (“Mộng làm hoàng tử”, s. 28), Đặng Hữu Phát (“Trả thù thầy”, s. 29), Khổng Hiền (“Nghiệp đế vương”, s. 30), Nguyễn Trung Hòa (“Ngôi báu về ai”, s. 31), Như Cương (“Báo thù cha”, s. 32), Hoàng Việt (“Con chim bạch yến”, s. 33), Nguyễn Đình Tư (Vàng trong miệng đá”, s. 34). 

Một điểm đáng chú ý là số đông người viết cho “loại truyện tuổi trẻ” của nhà xuất bản Văn Hồng hầu như không có tác phẩm in trong các loại séries sách cho trẻ em đã thông tin ở trên (“Sách Hồng” của nxb. Đời Nay, Truyền bá của nxb. Tân Dân, sách “Hoa Mai” của nxb. Cộng Lực, truyện học sinh của nxb. Đời Mới). 

9/ Série sách của Nhi đồng họa bản, 1942-44

Trên trang Gallica.bnf.fr., tìm thấy trên 20 cuốn truyện cho trẻ em dưới nhan đề chung là Nhi đồng họa bản. Đây là tên một loại ấn phẩm đều kỳ, ra 2 kỳ/tháng; xuất bản từ giữa năm 1942; ban đầu do nhà sách Kiến Thiết ở số 4 bis, Borgnis Desbordes (Tràng Thi) Hà Nội xuất bản. Từ số 31 (ngày 24.7.1943) Nhi đồng họa bản do nhà Lượm Lúa Vàng, trụ sở 49 Tien-stin, Hà Nội, xuất bản và phát hành; đến lúc này Nhi đồng họa bản được tòa soạn ghi rõ trên manchett là “tuần báo giáo dục, ra ngày thứ bảy”. 

Số muộn nhất hiện tìm được là số 36 (28.8.1943). 

Sang các năm 1944, 1945 vẫn còn thấy nhà Lượm Lúa Vàng in ra những cuốn sách cho người lớn (ví dụ “Tóc chị Hoài” của Nguyễn Tuân, “Giọt sương hoa” của Phạm Văn Hạnh); song các số Nhi đồng họa bản chừng như không được nhà sách này in ra nữa! 

Trong các cuốn Nhi đồng họa bản hiện đã biết, ta thấy tính báo chí được thể hiện khá rõ; bên cạnh truyện chính, chiếm dung lượng khá lớn, còn có nhiều mục nhỏ, thu hút trí tò mò của trẻ, nhân đó cung cấp cho trẻ những hiểu biết về khoa học, địa dư, lịch sử, mỹ thuật. 

Ở série sách này ta gặp lại khá nhiều tác giả đã có tác phẩm cho trẻ em in ở các ấn phẩm đã kể, ví dụ Nam Cao (“Thám hiểm châu Phi”, s. 12 & 13, ngày 25.10.1942); Vũ Trọng Can (“Ngày xưa”, s. 5; “Tại sao nước bể lại mặn”, s. 7; “Người và vật”, s. 26); Huyền Kiêu (“Tể tướng Quạ Khoang”, s. 11; “Sóng bể thần phù”, s. 31, và nhiều thơ ở nhiều số khác), Nguyễn Ngọc (“Ngọn lửa hồng”, s. 23, “Rừng thẳm”, s. 29, và nhiều thơ “Anh hùng ca” ở các cuốn khác); Nguyễn Minh (“Người con hiếu”, s. 32; “Con bò giời đày”, s. 36); Nguyễn Thệ Thủy (“Cướp rừng”, s. 24, và nhiều thơ ngụ ngôn ở các cuốn khác); Đào Chi (“Lạc nơi xứ tuyết”, s. 4); Hà Quân (“Cô bé hái củi”, s. 34); Hoàng Kỳ (“Hoàng đế Nã Phá Luân”, s. 35); Nguyễn Xuân Huy (“Giời thua nhân đức”, s. 33); Nguyễn Huy (“Con vành khuyên”, s. 6, và nhiều bài ở các cuốn khác); Le Te (“Giàu sang”, s. 14, và nhiều bài ở các số khác); Nguyễn Ổi Ương (“Thằng Bợm”, s. 15). 

10/ Série “truyện học sinh” của nhà xuất bản Khuê Văn 

Série sách này chỉ mới tìm thấy một vài cuốn trên trang Gallica.bnf.fr. Đây là loại sách truyện học sinh có tên “Tập Ngày xanh”, có đánh số, được xuất bản bởi Editions (nhà xuất bản) Khuê Văn, ở địa chỉ 41 Charbon (phố Hàng Than) Hà Nội. 

Theo các thông tin trên các trang sách đã tìm được (dưới dạng bản pdf của Gallica) ta biết, “Tập Ngày xanh” là truyện học sinh, s. 1: “Con chim họa mi” (truyện, Vĩnh Hoàng); s. 2: “Cái trại sửa mình” (truyện, Hoàng Đạt); s. 3: “Một cuộc phiêu lưu” (truyện, Nguyễn Xuân Huy); s. 4: “Cây nến bấc vàng” (truyện, Huyền Nga); s. 5: “Cuốn giấy bạc mới” (truyện, Huyền Nga); s. 6: [?]; s. 7: “Một cuộc phiêu lưu” (truyện, Nguyễn xuân Huy). Tuy vậy, các thông tin quảng cáo của cơ sở xuất bản này đôi khi lầm lẫn tủ sách “truyện học sinh” với tủ sách “truyện thần tiên” đều do Khuê Văn xuất bản; và vì hiện chỉ tìm thấy một vài cuốn trong số đó, nên không thể có dữ liệu chính xác. 

Hai cuốn hiện đã thấy là “Cuốn giấy bạc mới” (truyện, Huyền Nga, s. 5), và “Một cuộc phiêu lưu” (truyện, Nguyễn Xuân Huy, s. 7). Truyện của Huyền Nga là kiểu truyện tả thực về một thiếu nữ mồ côi biết xử sự có nghĩa tình; truyện của Nguyễn Xuân Huy lại là truyện giả tưởng về một cậu bé bị thu nhỏ lại để đi du ngoạn vùng rừng và hồ nước cùng bầy ngỗng nhà mình.

***

Trên đây là những thông tin mô tả khoảng 10 loại sách văn học giành cho công chúng lứa tuổi thiếu nhi, học trò tiểu học và sơ trung, được xuất bản trong những năm 1939-1945. Các loại ấn phẩm này hầu hết được biên tập xuất bản và in tại Hà Nội, được phát hành hầu như khắp 5 xứ Đông Dương đương thời. 

Có thể, thời gian kể trên tại những thành phố có nghề in và có hoạt động xuất bản như Sài Gòn, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, v.v., cũng có thể có một số xuất bản phẩm giành cho tuổi thiếu nhi, song chúng ta chưa nắm được tư liệu tường tận. 

Dù chỉ bằng vào số ấn phẩm in và phát hành từ Hà Nội như trên, vẫn có thể nhận xét, bộ phận sách văn học cho trẻ em thời kỳ 1939-1945 là có số lượng khá đáng kể. Theo số lượng, có thể tính là đã có trên 200 truyện (truyện ngắn và truyện vừa) cho thiếu nhi được xuất bản. Số lượng tác giả viết loại sách này, có thể đến gần 100 người. 

Điều đáng tiếc là mảng sách văn học cho thiếu nhi này, suốt trên nửa thế kỷ nay, vẫn chưa được các giới phê bình nghiên cứu tiếp cận và ghi nhận. Trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (4 tập, 1995, 2002, 2003, 2005), về văn học thiếu nhi Việt Nam hầu như chỉ duy nhất có một tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” được ghi nhận trong duy nhất một (01) mục từ, trong khi thậm chí không có mục từ “văn học thiếu nhi”! 

Nhân việc thấy lại mảng sách cho trẻ em này, thiết nghĩ các giới phê bình nghiên cứu nên tiếp cận mảng sách này để có sự nhận định khả quan về trạng thái sách cho trẻ em, và văn học cho thiếu nhi nói chung ở Việt Nam thời trước tháng 8/1945, xác nhận sự đóng góp của các tác giả. Các nhà xuất bản cũng nên có chuyên gia tiếp cận mảng sách này, để chọn ra những tác phẩm có thể in lại cho công chúng trẻ em hiện nay, đồng thời tiến hành biên soạn những tuyển tập văn học thiếu nhi đầy đủ hơn. 

Tháng 12/2022 – tháng 1/2023

https://vanviet.info


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét