Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2011

Những câu chữ tức giận trên Biển Đông

Thứ năm, 20 Tháng 10 2011 21:50

Hôm nay, xin báo một tin mừng: Tập san Nature đã đăng hai bài về tranh chấp trên biển Đông. Hai bài viết của David Cyranoski, phóng viên của Nature Á châu, là tổng hợp ý kiến của một số người, kể cả tôi, tham gia thảo luận cùng anh ta vài tuần trước đây. Đáng lẽ họ đăng vào Thứ Năm tuần trước, nhưng chắc chờ gì đó, nên mãi đến thứ Năm tuần này mới đăng. Thấy hai bài này có ích cho ta, tôi tạm dịch (nhanh) sang tiếng Việt để chia sẻ cùng các bạn.

Hôm nọ, tôi có đăng bài trả lời phỏng vấn cho Nature; trong đó, tôi xem việc các tập san khoa học công bố bản đồ hình lưỡi bò là phi pháp, vi phạm đạo đức khoa học, và thể hiện sự lạm dụng khoa học của Trung Quốc. Phỏng vấn và trao đổi thì nhiều như thế, nhưng khi phóng viên đăng, họ chỉ trích ý chính của tôi. Thế là cũng đủ. Tôi hài lòng khi phóng viên chọn câu về lạm dụng khoa học làm cái finale của bài viết.
Trong hai bài này, Nature nói rất rõ là trong tương lai, bản đồ nào còn tranh cãi thì phải ghi là "under dispute". Nếu tác giả không ghi thì Nature sẽ ghi. Hi vọng rằng các tập san "đàn em" khác trong tương lai sẽ không làm lơ được khi Nature tuyên bố như thế. Riêng cá nhân tôi, cũng là biên tập hay nằm trong ban biên tập nhiều tập san y khoa, tôi cũng sẽ cảnh giác không cho cái bản đồ ĐLB đó xuất hiện trên những tập san có tôi trong ban biên tập.
Sẵn đây cũng nói thêm về thái độ của phía ta và phía Tàu. Khi phóng viên liên lạc chúng tôi, chúng tôi chẳng những tích cực trả lời, cung cấp bằng chứng, mà tôi còn khuyến khích họ liên lạc với đồng nghiệp Tàu. Chúng tôi không ngần ngại xem quan điểm của họ ra sao. Một điều thú vị là khi phóng viên liên lạc với các tác giả Tàu hỏi tại sao họ đăng bản đồ ĐLB thì tất cả (nhắc lại: tất cả) đều không trả lời. Ôi, tính lịch sự của họ nói lên hàng vạn lời!
Tập san Nature là tập san khoa học đứng vào hàng số 1 trên thế giới. Đây là nơi mà các ông bà tú Nobel tương lai đăng bài. Vì thế, khi vấn đề biển Đông được Nature “chiếu cố” qua 2 bài này là một thắng lợi cho cuộc đấu tranh của chúng ta. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Những bước kế tiếp là viết thư cảnh báo về âm mưu của Tàu, phản đối các tập san, và viết bài tranh luận với mấy tay "học giả" Tàu. Việc này đòi hỏi tất cả chúng ta, ai có kiến thức gì liên quan nên đóng góp một tay. Tôi cũng chỉ là người đóng góp qua tay trái mà thôi. Thật ra, Nature bắt đầu chú ý đến câu chuyện của chúng ta khi một nhóm nhà khoa học ở trong và ngoài nước (qua điều phối của Nguyễn Hùng) gửi thư phản đối bản đồ ĐLB. Từ đó, họ liên lạc chúng tôi (Ts Dương Danh Huy, Gs Phạm Quang Tuấn, Ts Bùi Quang Hiển, và tôi) để phỏng vấn. Phóng viên này rất cẩn thận. Mỗi câu tôi trả lời, anh ta đều đòi xem bằng chứng hoặc dữ liệu thực tế. Chính nghĩa về phe ta thì việc nói chuyện với họ làm tôi tự tin hơn. Nay thì chúng ta có một happy ending, và cũng nhân dịp này tri ân đến tất cả các bạn trong và ngoài nước đã đoàn kết đấu tranh với các tập san khoa học. Riêng tôi còn phải "đấu" với tập san Science cho đến khi nào họ trả lời "nghe được" thì mới thôi.

NVT

http://www.nature.com/news/2011/111019/full/478293a.html

Những câu chữ tức giận trên biển Đông Á

(Angry words over East Asian seas)
Tác giả: David Cyranoski

Người dịch: Nguyễn Văn Tuấn
Nature 20/10/2011



Những yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc đẩy khoa học vào vùng biển động
Của tôi, tất cả là của tôi: sự hấp tấp trong việc đi tìm nguồn khoáng sản và dầu là động cơ dẫn dắt lòng tham vọng biển của Trung Quốc.
Xung đột trên biển. Tranh chấp biên giới. Đó không phải là những địa hạt thông thường của khoa học. Nhưng các nhà nghiên cứu và tập san khoa học đang bị giật kéo vào những tranh cãi nẩy lửa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Những cuộc đối đầu liên quan đến những con tàu nghiên cứu đang làm tình hình căng thẳng hơn trong vùng, trong khi Chính phủ Trung Quốc bị tố cáo là đã sử dụng các ấn phẩm khoa học để đẩy mạnh những yêu sách đầy tham vọng của họ về lãnh thổ.


Tham vọng tăng cường khai thác biển của Trung Quốc không phải là điều bí mật. Kế hoạch ngũ niên lần thứ 12 (dự trù trong thời gian 2011 đến 2015) của Trung Quốc đã được thông qua vào tháng Ba năm nay. Kế hoạch này đề cập đến tầm quan trọng của kinh tế biển. Báo cáo Phát triển Biển của Trung Quốc ước lượng rằng kĩ nghệ biển, tính luôn cả khai thác dầu khí ngoài khơi, hải sản và kĩ nghệ đóng tàu, sẽ đem về cho Trung Quốc 830 tỉ USD vào năm 2020. Mới tháng trước, Zhang Jixian, người đứng đầu của Viện Điền thổ và Bản đồ của Trung Quốc, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ dốc nỗ lực để vẽ cái mà y gọi là "ba triệu kílômét vuông lãnh hải", một khu vực rộng hơn những gì các nước láng giềng trước đây xem là lãnh thổ của Trung Quốc. Dự án bản đồ được sự hỗ trợ bởi vệ tinh đồ (sẽ được khởi động vào tháng 12) và tàu ngầm Jiaolong (dự kiến có khả năng lặn sâu 7,000 m dưới biển vào năm tới) [1]. Nếu tàu lặn này thành công như dự kiến, Trung Quốc sẽ tạo nên kỉ lục về độ sâu tàu ngầm có thể lặn, vượt qua một cường quốc biển hiện nay là Nhật.
Trung Quốc còn ngày càng tỏ ra quyết đoán trong vấn đề biên giới. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, nhưng Đài Loan thì tự xem mình là độc lập với Trung Quốc. Nhật, Trung Quốc và Đài Loan tất cả đều xem quần đảo Điếu Ngư (không có người cư trú) là của họ. Những xung đột dữ dội nhất xảy ra ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (là nơi cư trú của rùa, hải âu, và vài người lính Trung Quốc), một quần đảo với hơn 700 đảo nhỏ, cùng với vùng biển rộng lớn bao trùm chung quanh. Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei và Philippines tất cả đều lí giải rằng đó là những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, và vùng này được Liên hiệp quốc công nhận. Những tranh chấp này kéo dài trong nhiều thập niên, nhưng báo cáo về trữ lượng dầu hỏa ước tính từ 1.6 đến 21.3 tỉ thùng và nguồn khoáng sản đáng kể đang làm gia tăng sự tranh chấp.
Bởi vì thăm dò tài nguyên thường đi song song với nghiên cứu, các nhà khoa học cảm thấy mình là những người đứng hàng đầu trong những cuộc tranh chấp. Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam tố cáo tàu cá Trung Quốc đã cắt dây cáp tàu của PetroVietnam đang thăm dò dầu khí. Ngày 26/9, Nhật ra lệnh một tàu khảo sát của Trung Quốc phải rời khỏi đặc vùng kinh tế chung quanh hòn đảo Điếu Ngư mà Nhật xem là lãnh thổ của họ.
Cuộc chiến còn lan tràn sang những trang giấy của các tập san khoa học. Các nhà phê bình cho rằng các nhà khoa học Trung Quốc cố ý gửi một thông điệp ra thế giới là việc Trung Quốc làm chủ vùng biển Đông Nam Á như là một việc đã rồi, bằng cách dùng các bản đồ phục vụ cho chủ trương bành trướng hải phận. Chẳng hạn như trong một bài tổng quan về tác động của thay đổi khí hậu đến nguồn nước và nông nghiệp (công bố trên Nature vào năm 2010 [2]) có in một bản đồ với một bản đồ biển kèm theo, hàm ý nói rằng phần lớn vùng biển Đông Nam Á là của Trung Quốc.
Tháng rồi, một nhóm gồm 57 nhà khoa học, kĩ sư và chuyên gia gốc Việt gửi một lá thư đến tập san Nature phàn nàn về sự việc Nature in bản đồ đó. Lá thư than phiền rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng “thủ đoạn cửa sau”, và biện luận rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng các tập san khoa học như là phương tiện để hợp thức hóa bản đồ một chiều và thiếu khách quan. Một bản đồ tương tự xuất hiện trong một bài tổng quan trên Science [3] cũng nhận được những phê bình như thế. Science hồi đáp bằng một Ghi chú của Chủ bút (Editor's Note) [4], cho rằng tập san không có lập trường liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền, nhưng tập san cũng đang kiểm tra lại qui trình công bố bản đồ để đảm bảo rằng trong tương lai Science không muốn hiểu lầm là ủng hộ hay không ủng hộ một quan điểm nào trong những tranh chấp liên quan đến pháp lí.


Trong khi đó, Michael Oppenheimer thuộc Đại học Princeton (đồng chủ biên tập san Climatic Change) đã nhận được cả đống điện thư kể từ tháng Sáu khi tập san này công bố một bài báo khoa học với đường lưỡi bò hơn 4 năm trước đây [5]. Tác giả các điện thư này là các nhà khoa học từ Việt Nam, Phần Lan, Canada, và nhiều nước khác. Họ yêu cầu tập san phải chỉnh sửa bản đồ. Tuy nhiên, Oppenheimer cho biết những tranh luận về lãnh thổ như thế này, thường mang tính chính trị cao độ, không phải là câu hỏi mà tập san của ông muốn đương đầu với.
Một số nhà khoa học Việt Nam khác mà Nature liên lạc phần lớn đều tức giận bởi những trường hợp mà họ xem là sử dụng bản đồ đường lưỡi bò một cách vô lí. Phạm Quang Tuấn, một giáo sư hóa học thuộc Đại học New South Wales, nói "Họ vẽ một đường chung quanh biển Nam Trung Hoa và những hòn đảo trong vùng biển đó, mặc dù vùng biển này không có liên quan gì đến chủ đề của bài báo”.
Không ai rõ lí do tại sao các nhà khoa học Trung Quốc lồng cái bản đồ còn trong vòng tranh cãi đó vào những bài báo khoa học của họ. Nhưng qua trao đổi email với tác giả, Oppenheimer quyết định rằng những bản đồ đó quả thật không có liên quan gì đến kết luận của bài báo, và đề nghị tác giả chính là Xuemei Shao của Viện Nghiên cứu Địa lí và Tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Kinh chỉnh sửa. Shao từ chối, và giải thích trong một email rằng ông ta lồng bản đồ đó vào bài báo là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc.
Jingyun Fang, một chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Đại học Bắc Kinh, và cũng là đồng tác giả bài tổng quan trên Nature, cho biết ông ta lồng bản đồ đó vào bởi vì ông ta phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc (tức phải in bản đồ đường lưỡi bò). Khi chúng tôi (Nature) liên lạc Fang, Shao và 4 tác giả của những bài báo khác có in bản đồ đường lưỡi bò, tất cả đều không trả lời.
Cuối cùng thì Science, Nature và Climatic Change quyết định không xóa bỏ những bản đồ mang tính xúc phạm đó. Nhưng Nguyễn Văn Tuấn, một giáo sư y khoa của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan ở Sydney, người đã gửi thư phàn nàn đến các tổng biên tập về bản đồ đường lưỡi bò, nói rằng bản đồ trên các tập san khoa học nên được xem là dữ liệu khoa học và nên được thẩm định trước khi công bố. Ông nói: "việc công bố bản đồ [đường lưỡi bò] thể hiện một sự lạm dụng khoa học”.

Tham khảo:

[1] Nature 476, 10-11 (2011).
[2] Piao, S. et al. Nature 467, 43-51 (2010).
[3] Peng, X. Science 333, 581-587 (2011).
[4] Bradford, M. Science 333, 1824 (2011).
[5] Liang, E. et al. Climatic Change 79, 403-432 (2006).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét