Mười thang thuốc chữa bệnh cho dân tộc Việt
Phan-Bội-Châu
Phan Bội Châu (1867-1940)
...Dẫn ngôn
Nước ta bây giờ đang cần có sách học. Học sách Tàu? Hán văn đã không còn thích dụng ở đời nay. Học sách Tây? Pháp văn còn chưa mấy người thông hiểu. Lấy
người mình đọc tiếng mình, thì sách nước mình ở lúc bây giờ không gì hơn làm bằng quốc văn. Tuy nhiên việc làm sách đó có dễ dàng đâu! Tất phải: dò xét lịch sử của nước mình đời xưa, thăm dò tệ bệnh của nước mình ngày nay, trông các gương liệt cường ở hiện tại, đo tính vận mạng dân tộc ở tương lai, nghĩ thế nào, viết một chữ, mở một lời mà hữu ích cho nhân tâm thế đạo, có thế sách mới có giá trị...
Tôi viết quyển sách này, chẳng qua dâng một phần nghĩa vụ với Quốc dân, hay dở, đúng không, hoặc có công hiệu gì không, thì quyền ở người đọc sách. Khổng Tử nói: "Tri ngã giả, kỳ duy Xuân thu hồ, tội ngã giả, kỳ duy Xuân thu hồ" , nghĩa là ai biết lòng ta tất ở sách Xuân thu, ai bắt tội ta tất cũng ở sách Xuân thu. Quyển sách tôi viết đây cũng nói như vậy.
Sào Nam, 1927
Nước ta bây giờ đang cần có sách học. Học sách Tàu? Hán văn đã không còn thích dụng ở đời nay. Học sách Tây? Pháp văn còn chưa mấy người thông hiểu. Lấy
người mình đọc tiếng mình, thì sách nước mình ở lúc bây giờ không gì hơn làm bằng quốc văn. Tuy nhiên việc làm sách đó có dễ dàng đâu! Tất phải: dò xét lịch sử của nước mình đời xưa, thăm dò tệ bệnh của nước mình ngày nay, trông các gương liệt cường ở hiện tại, đo tính vận mạng dân tộc ở tương lai, nghĩ thế nào, viết một chữ, mở một lời mà hữu ích cho nhân tâm thế đạo, có thế sách mới có giá trị...
Tôi viết quyển sách này, chẳng qua dâng một phần nghĩa vụ với Quốc dân, hay dở, đúng không, hoặc có công hiệu gì không, thì quyền ở người đọc sách. Khổng Tử nói: "Tri ngã giả, kỳ duy Xuân thu hồ, tội ngã giả, kỳ duy Xuân thu hồ" , nghĩa là ai biết lòng ta tất ở sách Xuân thu, ai bắt tội ta tất cũng ở sách Xuân thu. Quyển sách tôi viết đây cũng nói như vậy.
Sào Nam, 1927
Cụ Phan bắt đầu trốn ra ngoại quốc từ đầu thế kỹ 20, mở con đường Đông Du để tìm phương cách vận động đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước, cụ đã lưu lạc gian khổ hơn 20 năm tại Nhật, Thái Lan, và Trung Quốc. Năm 1913, cụ thực dân Pháp lên án tử hình khiếm diện và sau đó treo giải thưởng rất lớn cho ai tìm bắt được cụ.
Chính tên Hồ chí Minh và đồng bọn đã chỉ điểm cho thực dân Pháp bắt cụ tại tô giới Thượng Hải năm 1925, và giải về Hà Nội xử án cụ. Tại đây, nhờ áp lực, vận động, biểu tình của đồng bào khắp nơi trong nước, cụ chỉ bị xử chung thân khổ sai, và sau đó bị giam lỏng tại Huế, cụ sống tại đây đến lúc từ trần, năm 1940.
Đời hoạt động của cụ Phan Bội Châu, gần 30 năm từ bỏ hạnh phúc gia đình, từ bỏ công danh phú quý, lênh đênh đói khổ nơi quê người, gian lao hiểm nguy những khi nhập nội, được chính cụ tự phán là một đời thất bại. Kể từ khi cụ bị bắt (1925) đến khi đất nước và toàn thể dân tộc ta bị rơi vào tay Cộng sản (1975), với bao nhiêu xương máu đã đổ xuống cho lý tưởng tự do và hạnh phúc của Quốc dân ta, cũng chỉ là một giai đoạn lịch sử thất bại.
Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ lịch sử của dân tộc ta thì sự thất bại của giai đoạn vừa qua (1925 1975) chỉ là sự thất bại nhất thời và ở tầng trên mặt. Ở đáy tầng, truyền thống bất khuất của dân tộc vẫn được thể hiện qua nhiều thế hệ đấu tranh trong thời đại chúng tạ Tiềm năng của dân tộc tuy bị chiến tranh và những người cầm quyền làm tiêu hao, nhưng gương hy sinh của những người đi trước, kể từ Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông, rồi Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ, và Lý Đông A đến các chiến sĩ anh hùng đã bỏ mình trong công cuộc chống Pháp và chống Cộng sản, vẫn rạng rở và đủ sức hun nóng ý chí đấu tranh thời đại. Điều đó cũng chứng tỏ rằng những đóng góp của cụ Phan Bội Châu vào công cuộc vận động Cách Mạng Dân Tộc và Nhân Chủ là những đóng góp có hiệu quả, Cụ rất xứng đáng được tôn thờ như người anh hùng vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20.
Với công sức của cụ, với phong trào Đông du do cụ khởi xướng, lịch sử Việt đã đi vào một hướng đi mới; Hướng đi được chỉ đạo bởi tư tưởng Dân tộc và Nhân chủ của cụ. Công cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc Pháp không còn là công việc của đám vua quan nhà Nguyễn hay là của những người lầm lẫn lòng ái quốc với tinh thần trung quân nữa. Công cuộc đó đã trở thành cuộc cách mạng của toàn thể quốc dân. Thanh niên Việt nghe theo lời kêu gọi của cụ, đã ào ạt và lẫm liệt đi làm cách mạng với những mục tiêu hết sức rõ rệt là chuyển đổi thời đại, gây dựng cho cháu con và làm rạng danh tổ tiên; Nói khác đi là đấu tranh để cải tạo tự nhiên, cải tạo phân bố xã hội hoàn cảnh và đặt định lại cương thường cho loài người. Với một tư tưởng chỉ đạo như thế, Người Việt Nam đi làm cách mạng không những để sống còn mà còn để chuyển đổi đời sống được hạnh phúc và tiến bộ hơn.
Sau khi bị bắt, con Rồng thiêng Phan Bội Châu tuy thể xác không được tung hoành, nhưng tinh thần vẫn còn trong sáng và diệu dụng. Cụ đã mang tất cả sức lực còn lại để viết sách cổ vỏ cho cách mạng. Cuốn Cao Đẳng Quốc Dân là một trong những tác phẩm được cụ gửi đến mọi người như một tài liệu học tập, tu dưỡng, gột rữa dọn mình thành một cán bộ trung kiên và có hiệu năng cho dân tộc. Cụ đã kêu gọi quốc dân phải có tinh thần tự lập, thoát khỏi cảnh gia nô. Tinh thần tự lập là gốc của tinh thần nhân chủ. Muốn đạt được nhân chủ thì phải gạt bỏ hết những ràng buộc mê tín hủ tục không những từ những áp lực vô hình mà còn từ những quyền lực hữu hình như quyền vua, quyền quan và quyền thần (thánh) để giành lại quyền làm chủ đất nước của mình. Vì nếu ba quyền đó ngày một nặng thì quyền dân không còn. Để cải đổi, để đưa đến nhân chủ, thoát khỏi những ràng buộc và áp bức vô hình cũng như hữu hình vừa kể, quốc dân ta phải có một tinh thần trí thức mới, thắm đượm bằng hoa tự do, mạnh dạn đứng lên làm cách mạng tự mình, rồi đi làm cách mạng dân tộc. Vào thời cụ, cụ cũng đã tin tưởng rằng muốn làm cách mạng cho thành công thì "thứ nhất phải có chủ nghĩa, thứ nhì là phải có chương trình, thứ ba là phải có kế hoạch." Chủ nghĩa phải được hiểu như một hệ thống tư tưởng chỉ đạo. Tư tưởng đó phải bắt nguồn từ dân tộc, đáp ứng được nhu cầu văn hóa và kinh tế của dân tộc, đồng thời đón đầu được và phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Chủ nghĩa không thể được hiểu như một mớ lý thuyết dù có thành hệ thống mà đem vào áp đặt lên trên truyền thống dân tộc. Giống như chủ nghĩa Cộng sản đã được những người cộng sản Việt Nam đem vào áp đặt trên sinh hoạt sinh mệnh của dân tộc ta. Một chủ nghĩa tuyên dương sức mạnh vạn năng của vật chất không thể nào thích hợp được với một dân tộc có một nền Văn Hiến nặng tình người. Cũng sai như vậy, khi miền Nam Việt Nam tuyên xưng cuộc chiến chống Cộng sản là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Chúng ta không thể nhân danh bất cứ một ý thức hệ nào để lôi cuốn cả một dân tộc vào chiến tranh đẫm máu dù ý thức hệ đó được vận dụng để chống lại một ý thức hệ khác. Cuộc chiến tranh của chúng ta phải được nhận diện là cuộc cách mạng của dân tộc chống lại các thế lực cộng sản phản dân tộc và phi nhân bản.
Hiểu như vậy, tinh thần dân tộc và nhân chủ của cụ Phan chính là chủ nghĩa, là tư tưởng chỉ đạo cho công cuộc cách mạng của quốc dân ta. Học hỏi được từ những kinh nghiệm và nhận định đó, những thanh niên Việt nếu còn dòng máu Tiên Long chảy trong huyết quản tất phải tự dày công tu dưỡng, dấn thân tiếp nối công cuộc cách mạng cứu nước giữ nòi. Đồng thời phải xác định một quan điễm làm việc minh bạch bằng tinh thần sau đây:
- Làm việc theo sự liên tục chuyển tiếp thế hê. Luôn luôn dồn nổ lực đấu tranh vào chủ thế hệ thanh niên.
- Xây dựng ý chí tự chủ, tự động, tự thành, độc lập, độc hành; một mình giữa lòng địch, trong nhà tù hay nơi hải ngoại cũng giữ vững ý chí đấu tranh cho dân tộc.
- Lấy tinh thần chiến sĩ vô danh làm công tác cách mạng; chỉ có một danh lớn có tính cách bao trùm đó là Tổ Quốc và Dân Tộc.
- Ý thức được cuộc cách mạng ngày nay phải là cuộc cách mạng mang tính cách toàn diện, triệt để và hướng thượng;
- Đi làm cách mạng dân tộc không nên theo đuổi những chiêu bài, khẩu hiệu giai đoạn hoặc những biến chuyển chính trị nhất thời.
- Chấp nhận tinh thần làm việc như thế do cụ Phan để lại, Nhân Chủ Học Xã trân trọng ấn hành và truyền bá tập Cao Đẳng Quốc Dân này.
Mỹ Châu ngày 28 tháng 2 năm 1987 tức là năm 4866 Tuổi Việt Nhân Chủ Học Xã
1. Chương thứ nhất Nghĩa hai chữ "quốc dân"
Xưa nay người ta thường hay nói đến nước thì trước hết kể vua, thứ nữa quan, còn dân không bao giờ kể đến. nhưng đời bây giờ thì khác thế! Bên Âu, bên Mỹ cho đến Nhật Bổn, Trung Hoa ở Á Đông, họ không nói đến nước thì thôi, thoạt nói đến nước thì tức khắc nói đến dân, tai nghe chữ Quốc dân, mắt thấy chữ Quốc dân, miệng đọc chữ Quốc dân. Quốc dân! Quốc dân! Hai chữ đó như hình cha cha mẹ mẹ, không bao giờ quên.
Gần mấy năm đây, làn sóng Âu Mỹ tràn vào nước ta, mà người bảo hộ ta lại là người nước dân chủ, người ta trông có dân chủ mà hai chữ quốc dân mới phãng phất trong óc mình, nhưng miệng đọc hai chữ Quốc dân mà hỏi nghĩa chữ Quốc dân là sao chắc không ai trả lời được.
Chữ "Quốc" vì sao liền chữ "Dân", chữ "Dân" vì sao dính chữ "Quốc". Muốn trả lời câu hỏi đó, tất phải theo lịch sử. Sử nước ta đến đời Đường Nghêu mới có hai chữ "Việt thường", đời nhà Hán mới có hai chữ "Giao chỉ", đời nhà Đường mới có hai chữ "Yên Nam". Vậy từ đời nhà Đường Nghêu về trước, đã có gì nên nước đâu, núi rậm rừng hoang, đồng không mông quạnh, bốn mặt chim kêu vượn hót, một vùng nước bạc đất vàng, xó này năm ba chú mọi, góc nọ sáu bảy anh Lào, kể bộ lạc cũng chưa nên gì, huống gì là nước? Vì ai gây dựng, vì ai mở mang, ai dọn đường, ai trổ lối ai, xẻ núi, ai đốt rừng, bỗng chốc núi rậm hóa nên thôn cử đồng hoang gây nên thành thị? Đó chẳng phải nghìn vạn ức những người tổ tiên cao tằng ta làm nên ư ? Huống gì Quãng bình dĩ Nam Cao man dĩ Bắc, xưa vẫn có đất, mà đất gì của ta đâu? Vẫn có người mà người gì của nòi giống ta!
Nào Lâm Ấp, nào Chiêm Thành, nào Mên nào Lạp, nếu không dân ta xưa dắt đoàn kéo đội, từ Bắc vào Nam, chải gió gội mưa, trèo non vượt bể, khua nòi Chiêm, đuổi bầy Lạp, hốt mấy nghìn dặm non sông mà bỏ vào túi mình, thì cơ đồ gấm vóc như sau này, chúng ta làm sao trông thấy được?
Suy thấu lẽ ấy, mới biết rằng Quốc là Quốc của dân ta, dân là ông chủ tiên chiếm của Quốc ta. Xưa tôi làm quyễn "Hải ngoại huyết thư" mà ông Lê Đại dịch đã có câu rằng: "Nghìn muôn ức triệu người chung hiệp. "Gầy dựng nên cơ nghiêp nước nhà. " Người dân ta, của dân ta "Dân là dân nước, nước là nước dân" Đọc mấy câu ấy thời nghĩa "Quốc dân" cũng đã rõ lắm.
Anh em thử nghĩ, trên dưới bốn nghìn năm, trong ngoài ba mươi vạn dặm, biết bao nhiêu giây máu hột mủ tuôn đổ ra cung cấp cho nước đó, có một giọt nào là không phải của dân ta đâu ? Biết bao lũ trước đàn sau, dắt díu nhau kinh dinh cho nước đó, có người nào không phải dân ta đâu! Vì vậy nếu không dân thì ai làm nên nước? Nếu không nước thời còn quý gì dân? Linh hồn nước là đâu! hẳn là dân đó! Khu xác dân ở đâu, hẳn là nước đó! Quốc tức dân, dân tức Quốc, hai chữ "Quốc dân" không thể rời nhau được. Nghĩa hai chữ "Quốc dân" là thế.
2. Chương thứ hai Quốc dân với gia nô
Đau đớn thay! Thảm hại thay! Địa vị mình quốc dân mà chưa từng một ngày nào được chịu cái ơn giáo dục cho làm quốc dân; thân phận mình quốc dân mà chưa từng một ngày nào được hưởng cái quyền lợi quốc dân.
Tục ngữ có câu: "Dân như trùn như dế " lại có câu thường nói: "Dân như gổ tròn", điều đó suốt xưa nay, khắp Đông Tây không một dân nước nào như dân nước ta cả. Vì sao? Hay là trời cách chức quốc dân của nước mình rồi chăng? Hay là người nước mình không đang nổi cái chức quốc dân chăng? Hai lẽ tất có một . Đạo trời rất công, lòng trời rất nhân ái, người nước nào cũng là con trời cả, trời vẫn xem làm bình đẳng, trời có thương riêng gì dân nước Pháp, nước Anh, nước Mỹ, nước Nhật Bản? Có ghét riêng gì nước ta? Cái chức Quốc dân này, có lẽ nào trời cho ở họ mà cướp mất ở ta? Vậy thời cái chức làm Quốc dân vẫn là trời thưởng cho ta đó, nhưng tội tình thay! Trời vẫn ban cho ta mà ta không biết vâng chịu! Xem lịch sử nước ta từ xưa đến nay hơn ba nghìn năm chỉ có gia nô mà không quốc dân thật. Quyền vua quá nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ quyền quan lại hứng đở quyền vua mà tầng tầng áp chế, từ cửu phẩm kể lên đến nhất phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng đến dân là vô phẩm, thân giá lại còn gì. Thằng này là con ngựa, thằng nọ là con trâu, buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi, gặp Đinh thời làm nô với Đinh, gặp Trần thời làm nô với Trần, gặp Lê Lý thời làm nô với Lê Lý, phận con hầu với thằng ở, được đôi miếng cơm thừa canh thải thời đã lấy làm hớn hở vinh quang, tối năm đứng đầu ruộng mới được bát cơm, suốt đêm ngồi trên bàn khung cửi, mới có tấm áo mặc, mà thoạt mở miệng ra thời chỉ nói rằng "cơm vua áo chúa", đồn điền nầy sông núi nọ, mồ hôi lẫn nước mắt mà cày cấy mở mang, nhưng mà "chân đạp đất vua", lại giử chặt một câu hoạt kê vô lý. Than ôi! Cái tư tưởng gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại cho chúng ta, bắt ta phải gông đầu khóa miệng, xiềng tay xích chân, mà chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp! Đau đớn thật! Thảm hại thật! Anh em ôi! "Dân vi quý" là câu nói của ông Mạnh Đại Hiền, "Dân vi ban bản" là câu nói của ông thánh Hạ Vũ hai người đó có phải nói lừa ta đâu? Ta ngu, ta ngẩn, ta hèn hạ quá chừng!
Mình ta sang trọng nhứt là cái quốc dân mà ta bỏ xó đi không nhắc tới, khăng khăng chỉ ôm lấy cái phẩm hàm gia nô làm vinh quý; Ôi! phẩm hàm làm gì anh em ôi! Nhà giàu phỉnh thằng ở thời vất cho một hai đồng tiền, nhà vua phỉnh đứa dân thời vất cho một hai trương giấy. Nhưng nghĩ cho ra kỹ, thời một đồng tiền của nhà giàu phỉnh ta đó mà thân giá ta vẫn còn, đến như một trương giấy của nhà vua phỉnh ta đó, thời thân giá ta đã ô hô, ai tai rồi hẳn. Lại còn khi rủi gặp cơn dâu bể đổi đời, tờ giấy của nhà Đinh trải qua nhà Lý thời đã không đáng một xu, tờ giấy của nhà Lý trải qua nhà Lê hoặc nhà Trần thời cũng không ai ngó đến, huống gì vì một trương giấy đó mà quỳ mòn đầu gối, lạy lắm cả cằm râu, lại phải vất vô số máu me, ép vô số dầu mở cung cấp cho nhà ai mới hủ hỉ được một trương giấy đó, thời còn gì vinh quý nữa đâu! Gia nô! Gia nô! Cái oai kiếp đó, từ đây nên sám hối là phải.
3. Chương thứ ba Quốc dân nên tự lập
Ô hô gia nô! Ô hô gia nô! tủi thân vai ngựa lưng lừa, một kiếp gia nô biết bao giờ là thôỉ Câu hỏi đó là một câu hỏi rất thiết ở đời bây giờ. Tôi xin trả lời rằng: "Gia nô nay đã biết thân, thời lo gánh chức quốc dân mới là". Gia nô là thằng ở của một nhà, Quốc dân là ông chủ của một nuớc, một bên thì ty tiện rất mực, một bên thì cao quý rất mực, mắt còn chưa mù, miệng còn nói được thời chắc cũng muốn lấy phần cao quý mà bỏ phần ty tiện. Ham cao quý mà chê ty tiện là gốc tự tấm lòng lương tri của chúng ta. Người xưa có câu rằng: "Vương giã dĩ dân vi thiên", nghĩa là dầu ông vua cũng phải xem dân bằng trời. Vậy thời không gì cao quý hơn dân hẳn. Nhưng với cái chúc Quốc dân đó, chúng ta đã ngu hèn dại dột, bị ai cướp bóc những tự bao giờ, nay muốn khôi phục lại cái chức quốc dân, chúng ta phải gấp lo thế nào mới được. Chức Quốc dân đó ta muốn khôi phục lại, có lẽ xin xỏ với ai mà được ru ? Xin với trời, thời trời vẫn cho ta tự bao giờ, không cần xin nữa. Sách Tây có câu: mình hãy tự giúp lấy mình, thời trời giúp cho (aide-toi, le ciel t’aidera). Sách Đông Phương có câu: "Dân ta muốn điều gì, trời vẫn nghe theo điều ấy". Nếu đạo lý ấy mà thật, không cần gì xin ở trời.
Hay là xin ở người mà được ru? Lòng beo dạ thú, mắt ó miệng hùm, người thế giới đời bây giờ không ai thương ta hẳn. Nếu một mai mà ta lấy chức quốc dân quốc dân ta lại, thời ách cổ trâu, cương đầu ngựa, tức khắc phải giải phóng cho ta ngay. Lòng tham dục họ lấy gì đầy? Tay hung tàn họ lấy gì sướng. Nào xe, nào ngựa, nào lầu, nào đài, nào vợ đẹp hầu non, nào của ngon vật lạ: những giống ép nặn máu mủ ta mà được đó, lấy gì như ý sở cầu? Ta một ngày thoát ngục gia nô thời nó một ngày đổ nền phú quý, nếu ta rày xin may xỏ, lưỡi rát cổ khan, chúng nó có ân thưởng cho ta chỉ qua "ngọn roi" và "ngòi bút", có đời nào mà chúng nó đem chức quốc dân cho ta đâu. Huống hố chức quốc dân là chúc sẵn trời ban cho ta, ta lấy lại thời còn, ta bỏ đi thời mất, không cần ai cho, mà ta cũng không cần gì xin ai cả.
Ôi quốc dân! Ôi! quốc dân! Cái chúc đó là chức rất cao quý của chúng ta, vẫn không ai cách được, mà cũng không ai cho được, chỉ cốt ở lòng ta cầu, vai ta gánh, tay ta đỡ, sức ta đua trí khôn ta tìm tòi, quyết lấy được mà thôị Thiệt là : "Của ta, ta cậy gì ai Gánh ta ai có nghiêng vai đỡ cùng".
Vậy nên tôi nói rằng: Quốc dân nên tự lập.
4. Chương thứ tư Bài thuốc tự lập có những vị gì?
Muốn cho quốc dân hay tự lập, trước hết phải biết tệ bệnh của quốc dân ta những điều gì. Có biết tệ bệnh quốc dân ta vậy sau chứng nào thuốc ấy mới bày ra phương tự lập được. Bây giờ tôi xin kể những tệ bệnh của quốc dân:
1. Tính ỷ lại.
2. Lòng giả dối.
3. Thói nhút nhát.
4. Tham lợi riêng.
5. Đua những việc hư danh vô vị
6. Không lòng thực yêu nước.
7. Không biết nghĩa hiệp quần.
8. Mê tín những tục hủ cổ.
9. Không biết đường kinh tế.
10. Không thương nòi giống.
Những bệnh đó muốn chữa cho lành, phải theo bệnh nguyên mà trị cho đến gốc. tôi xin kê bài thuốc như sau này:
1. Khí tự cường: nặng vô số ki-lô-gờ-ram (kg)
2. Lòng thành thực: mười phần già.
3. Gan quả quyết: hai lá thực lớn
4. Lòng công ích: một tấm rất dày
5. Vai thực nghiệp: một gánh càng nặng càng hay.
6. Bụng nhiệt thành: mười phân luyện chín.
7. Giãi đồng tâm: một dây càng kiên thực càng tốt.
8. Trí thúc mới: 100 phân, trộn vào "hoa tự do" không kỳ nhiều ít.
9. Nội hóa: một vạn thức: kiêng ngoại hóa
10. Giống thân ái: hằng hà sa số, hột nào càng chắc càng hay.
Hiệp cả bài như trên kia, tổng cộng 10 vị, bài thuốc đó là hiệp cả Đông Tây lại một lò, hòa cả tân, cựu làm một tể, dùng làm thuốc tự lập, chắc là không bài nào hơn. Anh em ta muốn biết cái ý dụng được, tôi xin kể vị thuốc nào chứng ấy như sau:
5. Chương thứ năm Chữa chứng bệnh "tính ỷ lại"
Bệnh người nước ta, kể có 10 chứng , tôi đã nói như bài trên kia mà thăm xét cho ra chúng gì nặng thứ nhất thời có một chứng gọi rằng "ỷ lại tính".
Ỷ lại tính như thế nào? Tục ngữ có câu rằng " Tháp đổ có Ngô xây, việc gì vợ góa lo ngày lo đêm". Xem như câu ấy thực đáng nực cười! Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng vào Ngô, nếu Ngô không xây thời vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp. Kìa người vợ góa thấy tháp đổ mà lo ngày, lo đêm, vẫn là một người có tâm huyết, mà lại bị những món bàng quan kia mỉa mai chê trách, thế thời những người đứng xung quanh tháp đó, tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, chém cha món này, nghiễm nhiên là một đống bồ nhìn rồi hẳn? Hỏi vì can cớ làm sao ?
Thời chỉ ỷ lại mà thôi. Câu tục ngữ ấy thiệt vẽ đúng tâm tính của người nước ta. Hai muơi triệu người, ai nấy cũng mắt cũng tai, cũng tay chân mày mặt, nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thời có gánh gì không cất nổi.
Nhưng tội tình thay! Anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại: anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thiếm Lục, lại chắc chắn có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai lửa, tháng đợi năm chờ, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm. Thế thời 25 triệu người, kỳ thực thời không người nào cả.
Chao ôi! Ma bệnh tính ỷ lại không xua đuổi cho sạch, còn mong có nòi giống ta nữa đâu! Bây giờ muốn chữa bệnh ỷ lại đó, tất cần phải dùng một vị rất quý trọng đem dùng chửa bệnh tính ỷ lại chắc kiến hiệu như thần. Tên vị thuốc này gọi rằng "khí tự cường". Khí tự cường đó không phải vay mượn cùa ai đâu: khi trời đất sinh ra ta thời phải phú dữ cho ta một vừng chính khí. Xưa thầy Mạnh Tử có câu nói rằng: "chí đại, chí cường", bốn chữ đó tức là khí tự cường của ta. Xương sắt, gan đồng ngang tàng 7 thước, đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Ta chẳng phải là người hay sao? Cớ gì người mạnh mà ta hèn? Người vinh mà ta nhục? Người chủ nhân mà ta nô lệ? Ta chẳng oan uổng kiếp người lắm ru! Thôi cái tội tự bạo, tự khí, ta quyết rửa sạch cái vết nhơ này mới thôi.
Ỷ lại mà chi! Ỷ lại mà chi! Ta quyết tự cường cho chúng mày biết. Xin các anh em! Xin các chị em! Ai nấy cũng nhức nhối tinh thần, rán vai nong cánh, đồng một lòng, đều một sức, mình sắp lấy núi sông mình, tháp mình mình xây. Khí tự cường đã đầy đủ như thế, thời ma bệnh tính ỷ lại còn dám dùng dằng nữa đâu? Vậy nên bài thuốc tự lập, vị thứ nhất phải dùng khí tự cường nặng vô số ki-lô-gờ-ram.
6. Chương thứ sáu Chữa bệnh "giả dối"
Bởi vì có tính ỹ lại mới nảy ra các chứng bệnh nữa: một chứng là hay giả dốị Xưa Đức Khổng Tử có câu: "Dân vô tín bất lập" nghĩa là người không có thành tín thời không có thể nào đứng nổi. Sách Tây có câu: "Tin thực là một cục vàng vô giá", nghĩa là người ở đời không có gì quí trọng hơn tin thực. Quái gở cho người nước ta thời lại đua nhau giả dối!
Tục ngử có câu "Trăm voi không được bát nước xáo" lại có câu "Mười thóc không được một gạo" Xem đó mới biết tính chất người nước ta, chứng bệnh giả dối là một chứng rất nặng: Sĩ hay giả dối thời tìm tòi đạo lý, không cậy óc mình mà cậy tai; nông hay giả dối thời cày cấy ruộng trưa, không cậy mình mà cậy đất; công hay giả dối thời phấn sức lừa đời mà không cầu thực dụng; thương hay giả dối thời đua nhau bợm vặt mà mất cả lợi to. Thậm chí mướn đạo đức làm lối cầu danh mà chá vàng ở ngoài mặt; mướn nhân nghĩa làm mồi câu lợi mà xức mật ở đầu môi. Chẵng những ngoài đối với xã hội, trên đối với quốc gia, gốc cây trăm năm đã bị con mọt giả dối kia đục đổ, bức thành muôn dặm đã bị con mọt giả dối kia xoi tan, mà lại trong đối với một nhà, dưới đối với một mình cũng mắc con ma bệnh giả dối đó đục thấu cao hoang, khoét vào cốt tủy. Tay dối lòng, miệng dối dạ, ăn bánh vẻ mà toan đầy bụng, mặc áo giấy mà đi với ma, kết quả không việc gì là thật. Bệnh giả dối đó mà không chừa, còn mong gì nước ta phú cường được? Xưa nay đất tốt mới vắt nên khuôn, đồng tốt mới vắt nên tượng, người tốt mới làm nên sự nghiệp lớn, mà lòng tin thực đó là chất rất tốt của con người. Lời tục ngữ có câu: " ngay thật mọi tật mọi khỏi".
Sự ngay thật đó là bộ xương sống của thân thể người; nếu người không có xương sống mà muốn tay chân đẹp đẽ mạnh mẽ, có lẽ nào được? Vậy nên muốn làm người tốt cần thứ nhất là lòng thành thực. Nói một tiếng tất thành thực, dầu ngoài muôn nghìn dặm, mà lời vàng ngọc không bao giờ phai; làm một việc tất thành thực, dầu trải mười trăm năm mà dạ sắc son không bao giờ dời đổị Mình đã dốc một lòng thành thực như thế thời phẩm hạnh mình càng ngày càng chắc, thanh giá mình càng ngày càng cao, ngưòi ta tin dụng mình ngày càng nhiều, mà thế lực mình lớn thời có việc gì không làm nên. Vì vậy trong bài thuốc "tự lập" cốt ở chữa chứng bệnh giả dối, tất phải dùng vị thuốc này: "Lòng thành thực" mười phân già.
7. Chương thứ bảy Chữa chứng bệnh nhút nhát.
Bệnh giả dối đã chữa lành rồi, nhưng còn có một chứng bệnh nữa là thói nhút nhát. Chứng bệnh đó chữa không lành thời người mạnh hóa người hèn, người khôn hóa người dại, trăm việc gì ưu thắng nhượng cho người mà mình cam chịu về đường liệt bại; biết việc nên nói mà tiếng không dám hở môi, biết đường nên đi mà một bước không dám ra khỏi cửa, miệng hùm gan sứa, thiệt là những bọn anh hùng hào kiệt của nước ta, mà huống chi những kẻ thôn quê hèn hạ đó còn mong gì với chúng nó bàn việc to lớn được?
Xưa ông Hải quân đại tướng nước Anh là Nốt Nhỉ Tốn có nói: "Trong pho tự điển của người giỏi không bao giờ viết chử khó." Người anh hùng nước Pháp là ông Nã Phá Luân có nói: "Kìa chữ khó đó chỉ thấy trong pho tự điển của người ngu mà thôi". Tục ngử ta cũng có câu: "Có gan thời chọi với trời", lại có câu hát: " Đố ai lượm đá quăng trời, đan gàu tát bể, mới người khôn ngoan". Xem mấy câu nói đó thời thiên hạ có việc gì khó đâủ Mà thế thật. Ta có gan xuống vực thời thuồng luồng phải sợ ta; ta có gan vào rừng thời hùm beo phải kiêng ta.
Hùm beo với thuồng luồng chỉ bắt nạt được những người nhát gan mà thôi. Bây giờ người ta chưa thấy bóng thuồng luồng mà đã rỡn ốc, chưa nghe tiếng hùm beo mà đã rùng mình!
Ôi! nước ta là một nước thỏ hay sao? Rụt rụt rè rè, sợ đầu sợ đít, còn có gì là tư cách con người nữa rủ Bệnh nhút nhát còn đeo lấy một ngày, thời công việc tự lập tự cuờng không một ngày nào cất nổi, mà muốn chữa chứng bệnh đó, thời phải dùng vị thuốc này mới hay: vị thuốc gan quả quyết.
Xưa nay những người can đãm cũng phải luyện tập mới nên, mà khi đầu luyện tập thời phải có một tấm gan quả quyết. Toan vượt núi thời chớ thấy núi mà gớm cao; toan qua sông thời chớ thấy sông mà ghê sông rộng.
Bao nhiêu nguy hiểm, ta kể cho là sự rất thường; bao nhiêu khó khăn ta kể cho là sự rất dễ. Bước con đường muôn dặm phải cậy tấm gan quả quyết đó làm roi ngựa, máy xe, dầu chông gai mà quản gì. Đã có tay chân ta đó, nhứt chết nhì sống, còn mình thời việc ấy chắc phải xong, có sợ gì mà nhút nhát? Vậy nên trong bài thuốc "Tự lập", phải dùng một vị như sau: "Gan quả quyết" hai lá rất lớn.
8. Chương thứ tám Chữa Chứng Bệnh "Tham Lợi Riêng"
Lại có chứng bệnh nữa là chứng bệnh "Tham lợi riêng".
Chứng bệnh ấy, người các nước tuy có ít nhiều, nhưng người nước ta tất cả 25 triệu người, ai nấy cũng trúng bệnh ấy đó. Tục ngữ có câu "cơm ai đầy nồi ấy", lại có câu "Thử thân bất độ, độ hà thân", lại có câu rằng " con vua, con dấu, con chậu chậu yêu". Đọc bấy nhiêu lời thời biết rằng: trong ruột người nước ta, viết dọc viết ngang, vạch xuôi vạch ngược, chỉ một chử "tham" mà ở trong chử "tham" chỉ có vài nét "Lợi riêng" là vừa hết bút mực. Xưa cụ Uy Viễn có câu rằng:
"Tiền tài hai chủ son khuyên ngược,"
"Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi"
Mười bốn chủ đó, thật là vẽ đúng tâm tính người nước ta. Than ôi! cái lòng tham dục mà muốn cho như ý, mới nảy ra kế mưu, vì kế mưu mà muốn cho thành công, mới nảy ra sự nghiệp. Tục ngữ có câu: "muốn ăn hoét phải đào trùn", nhất thiết việc đời đều ở lòng tham dục, bảo cấm tham tuyệt dục không có lẽ thiệt! Ôi! Các anh em! Các chị em! Tôi vẫn không cho các ngài biết tham biết dục. Thà không tham, nếu tham thời tham cho lớn; thà không dục, nếu dục thời dục cho hào. Xưa ông Đế Nghêu muốn thiên hạ làm của chung mà bỏ ngôi vua của mình, vì vậy nước Trung Hoa bây giờ xưng ông Nghêu là đại thánh. Ông Hoa Thịnh Đốn muốn nước Hoa Kỳ thành một nước dân chủ, mà bỏ ngôi phú quý của mình, vì vậy nước Hoa Kỳ bây giờ còn gọi ông Hoa Thịnh Đốn là "Quốc Phụ". Kìa hai ông đó há phải không tham đâu, nhưng tham dục về cái lợi chung của ức muôn người, thời tham dục càng to, làm lợi ích cho loài người càng lớn, nhờ tham dục của một người đó mà gió xuân mưa hạ tràn trề khắp bốn bể năm châu, đội đức mang ơn dài đặc đến thiên thu vạn thế. Tham dục mà được như những bậc người ấy, ai bảo rằng tham dục là dở đâu? Đau đớn thay cho những người nước ta, trước mắt không bao giờ thấy lợi chung, trong óc không bao giờ có tư tưởng cao thượng, túi chất đầy tham, mà tham tột mực, chẳng qua là nghiện hơi đồng, hối vẫn đầy dục, mà dục kỳ cùng, chẳng qua là hầu xác thịt, kết quả đến nổi hy sinh hết lương tâm thiên lý mà làm nô lệ cho những món tư tình; vì lo sung sướng cho vợ, vì lo sung suớng cho con, vì lo sung sướng cho thân mình, suốt đêm suốt ngày hết khôn hết khéo, nhưng chắc rằng núi đồng không bao giờ lở, cây tiền không bao giờ lá rụng hoa rơi. Nào hay "Nhứt đán vô thường vạn sự hưu", của cải tiền tài không thể nào vào tay người chêt; vợ vì sẳn của mà vợ hóa nên vợ hèn, con vì sẳn của mà con hóa nên con dại, tiền bạc hóa ra của phá nhà, ruộng vườn hóa ra mồ chôn sống, chẳng những nhân quần xã hội không lợi ích một tí gì, mà chính giữ thân với gia cũng lợi chưa xong mà hại đã tới. Ấy là tử chứng của những người tham lợi riêng đã rành rành rồi đó. Người ta mắc bệnh đó gần đây càng ngày càng nặng thêm, nếu không gấp chữa cho mau thì nòi tuyệt giống mòn, không thể nào cứu được. Tôi xin vì đồng bào dâng một vị thuốc này gọi rằng "Lòng công ích".
"Lòng công ích" là cầu sự lợi ích chung cho xã hội, mà cầu lợi chung xã hội tức là lợi ích cho mình. Đạo lý đó chẳng phải nói không đâu. Những người có tai mắt, có ruột gan chắc cũng hiểu. Bao bọc chung quanh mình là xã hội, nhờ ơn xã hội mới có thân mình, mình ăn thóc thời nhờ có người cầy, mình mặc áo thời có người dệt, mình cần có công dùng thời phải nhờ người người thợ thuyền, mình cần có giao thông thời phải nhờ người buôn bán; nếu một ngày không xã hội tức một ngày đó không thân mình. Vun trồng cho xã hội sung sướng vẻ vang thời chẳng những một thân mình đã hưỡng hạnh phúc chung, mà con cháu mình sau cũng sung sướng chung mãi mãi. Vậy thời cái lòng công ích đó, thật là một phương thuốc trường xuân bất lão cho người ta. Vậy nên trong bài thuốc tự lập, phải có một vị nầy: "Lòng công ích" một tấm rất dày.
9. Chương thứ chín Chữa Chứng Bệnh Đua Đuổi Hư Danh
Còn một chúng bệnh nữa là chứng bệnh người ta hay đua đuổi theo cái hư danh vô vị.
Muốn chữa cái chứng bệnh đó thời trước phải giải quyết một số vấn đề như sau này: Lòng tham người ta chỉ có hai hạng: một là lợi, hai là danh.
Danh nên tham hay không? Bảo rằng không nên tham thời từ xưa đến nay không người thánh hiền hào kiệt nào mà không thành danh cả. Sách truyện có câu: "Đạo đức giả tất tất đắc kỳ danh", nghĩa là những người đạo đức lớn, nhứt định được cái danh dự. Thế thời danh có phải không nên tham đâu! Bảo rằng nên tham ư? Thời từ xưa đến nay, những người phấn sức hư danh, kết quả hữu danh nhi vô thực, chẳng những không lợi ích gì cho xã hội, mà cũng không thêm được giá trị cho mình ta. Thế thời danh có gì đáng tham. Nói cho đúng lẽ, danh vẫn đáng tham, mà cũng không đáng tham. Cớ sao thế? Bởi vì danh có nhỏ, có lón, danh có gần có xa, danh nhỏ và gần, như lửa lốm đốm đầu hôm, tiếng ve ve khi mùa hạ, vẫn cũng lập lòe chòe choẹt ở trong một lúc, nhưng chẳng bao lâu thời tắt ngay; danh lớn và xa thời như sấm mùa xuân, nhu bóng thái dương mùa hạ, vang một tiếng mà lừng lẫy cả năm châu, dọi môt tia mà chói chang khắp bốn bể. Người ta thử cân nhắc hai đường danh đó thời danh gì đáng tham, danh gì không đáng tham. Không cần phải nói nữa.
Bây giờ tôi chỉ bệnh người nước ta. Tục ngữ có câu: "Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường" lại có câu rằng: "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Xem những câu đó thời danh vẫn nên quý, người ta cũng biết dư rồi. Nhưng tội tình thay! Óc tí ti như óc dơi, mắt ti hí như mắt muỗi, ngoài buồng the bếp núc, vẫn không biết gì là nước non, trừ sọ bò đầu lợn không biết gì là rồng rắn, mà huống gì vết xấu trong gia đình, thói hư ở xã hội gắn sâu buộc chặc, trải mấy ngàn năm ông Nghè ông Cử đã tràn đất chó rơm, mà ông Đốc ông Tham lại đầy phên rồng vẽ. Đoàn thanh niên cho đến phường tân tấn, đua danh cạnh giá, chẳng cu ly thượng đẳng, thời nô lệ tối ưu, ức chưa rời nôi mà đã ưu mề đay, kim khánh, mệng chưa ráo sữa mà đã lóc lẽm những thẽ bạc ngà. Ôi! thế là vinh danh, đáng quý hóa hay sao?
Anh chị em sao không nghĩ, đội mão mo cho khỉ, mặc áo giấy cho ma, những giống ấy là rặc giống của người phỉnh phờ ta, chẳng những không vinh gì, mà thật là một cái gương sỉ nhục. Anh gì mà danh như thế, còn gì đáng quý nữa đâu . Gông đầu khóa cổ, núi sông đã mãn kiếp ngựa trâu, mỏi gối chân chồn, cây cỏ cũng chán vai tôi tớ, thế mà còn bằng sắc, sắc bằng gì? Thế mà còn hàm, thế mà còn phẩm, phẩm hàm gì? Người ta bỏ đi mà ta lượm lấy, người xem làm rẽ rúng mà ta xem làm vinh hoa! Óc khôn ngoan ta đi đâu? Chí khí ta ở đâu? Xin các anh chị em, chứng bệnh đua hư danh đó, ta phải gấp chữa lành mới được.
Muốn chữa chứng bệnh đó, thời phải có một vị thuốc rằng "vai thực nghiệp".
Thực nghiệp là những giống gì? Là nghiệp nông, nghiệp công, nghiệp thương, nghiệp sâm lâm, nghiệp lục súc, nghiệp ngư diêm, nói tóm lại là nghiệp lao động.
Lao động về nông, nông siêng thời gạo thóc đầy đủ; lao động về việc công thời công siêng mà nghề nghiệp mở mang; lao động về việc thương, thời thương siêng mà giao thông phát đạt, còn ra các việc hễ lao động hết bổn phận thời việc nào việc ấy chắc cũng được thành công. Các nước Âu Mỹ bây giờ, những người quý trọng là rặt những người rất cần khổ, đắp nền danh giá, tất lấy thực nghiệp làm gốc, mở bể phú cường, tất lấy thực nghiệp làm nguồn. Thử xem nước Hoa Kỳ mới đây, những người rất hữu danh rặt là nhà thực nghiệp; ông Hỏa du đại vương, ông Thiết lộ đại vương, ông Ngân hàng đại dương, những người đó là nhà thực nghiệp lớn. Vì thực nghiệp lớn nên tư bản nhiều, vì tư bản nhiều nên cất nổi những việc công ích lớn. Vì vậy mang ơn đội đức, khắp cả muôn người, trổi tiếng vang tăm nghe khắp cà vạn quốc.
Lời cổ ngử có câu rằng "Hữu thực dã danh tất qui chi" nghĩa là những người có việc thực thời danh tất đến cho. Người ta nếu biết thấu đạo lý ấy, thời hư danh còn đua đuổi làm gì! Bát cân công lý mà cân, một ly thực nghiệp quí trọng hơn một đồng hư danh, người ta xưa nay quen thói dã man, đua tuồng huyền ảo, giấc chiêm bao lợi lộc, ngày tháng say mê tuồng trò rối hư vinh, trẻ già hớn hở, những mua chuốc hư danh đó, hao biết bao nhiêu tiền của, những trau chuốc cái hư danh đó, tốn bao nhiêu thời giờ, mà hư danh càng ngày càng múa men, thời tướng thực nghiệp không bao giờ xuất thế. Kết quả dân ngày càng nghèo, nước càng ngày yếu, nòi giống mình càng ngày càng đê tiện, mà giá trị người mình cân đi nhắc lại chỉ có "thân bồi phận bếp" mà thôi, việc đáng khóc đáng than, không gì hơn thế! Anh chị em ta, nếu một mai tỉnh giấc mê, thay lốt cổ, những tiền của mua hư danh đó, xây nền thực nghệp, những thời giờ đuổi hư danh đó dùng vào trường thực nghiệp, thực nghiệp đã phát đạt thời nền móng phú cường đã vững bền; giá trị người lao động nước ta chắc cũng có một ngày lừng lẫy tiếng tăm cùng thế giới.
Tục ngữ có câu rằng: "Trăm năm bia đá vẫn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Người nước ta nếu biết tham danh thời không gì đáng tham hơn thế nữạ vậy nên bài thuốc "Tự Lập" lại phải gia vào một vị như sau này: "vai thực nghiệp" một gánh càng nặng càng hay.
10. Chương thứ mười Chữa chứng bệnh "ái quốc giả"
Chứng bệnh hay giả dối là chúng bệnh chung của người nước ta, mà ở trong chứng bệnh đó lại có một chứng đặc biệt là ái quốc giả.
Gần mấy năm nay, cuộc Âu chiến cũ vừa xong, mà cuộc "thế giới đại chiến" mới đã toan gây núi, chủ nghĩa quốc gia bành trướng cực điểm, người nước ta bây giờ, ngoài thời bị làn sóng thế giới xô đẩy, ngủ không thể nào yên trong thòi bị dây sắt cường quyền trói đau, mà sống không thể nào khõe. Lúc bấy giờ những bạn thiếu niên với phường học mới, cho đến những người ngủ say quá độ mớI đánh thót ở trong giấc chiêm bao; thấy con em mà đau đớn cho kiếp ngựa thân trâu, trông non sông mà ngậm ngùi những ngày mưa sầu gió thảm.
Tiếng hai chử "Ái quốc" mới văng vẳng ở bên tai người ta, hồn ái quốc tuy còn dở tỉnh dở say, mà bóng ái quốc đã nửa mờ nửa tỏ, nào là đám truy điệu, nào là tiệc hoan nghinh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống dục, nam bắc hát hò, xem ở trong một đám rần rần rực rực, cũng đã có mấy phần người biết quyền nước mất. Biết quyền nước mất thời tính mạng không còn, hồn nước có về thời giang sơn mới sống. Ngòi bút ái quốc cũng đã có một đôi kẻ múa men, trên tờ giấy nhật trình cũng đã tô vẻ một vài câu thương nòi thương nước.
Nếu những tấm lòng ái quốc đó thật thà chắc chắn, thời giống Tiên Rồng, giống Hồng Lạc chẳng hạnh phúc lắm sao? Nhưng tội tình thay! Người ưu thời mẫn thế chẳng bao lăm, mà người bán tiếng mua danh thời đầy đường chật ngõ; giọt nước mắt khóc vẫn đêm ngày chan chúa, mà xem cho kỷ thời rặt là nuớc mắt gừng, tiếng chuông trống kêu hồn, vẫn trong ngoài dóng dã, mà nghe cho tới nơi thời rặt là tiếng chuông trống trò bội; ngoài miệng thời ái quốc mà trong bụng vẫn là ái kim khánh mề đay, khi trước mặt người vẫn ái quốc, mà đến đêm thời tính toan những việc chó săn chim mồi.
Chao ôi! Trời ôi! Ái quốc thế ru?
Treo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ nhân dân, một mặt thời ôm chặt lấy lốt ông Tham bà Đốc. Ôi! Các anh em! Ôi các chị em! người Âu châu Nhật Bản, ai ái quốc nhu thế, thà không ái quốc còn hơn, chá vàng ngoài mặt làm tai vạ cho những kẻ chuộng vàng, xức mật đầu môi, làm khổ cực cho những người say mật, vì đã vũ phu mà oan đến ngọc, vì tròng mắt cá mà họa đến châu.
Ôi! Chứng bệnh ái quốc giả kia, chết nước chết nòi vì chứng bệnh đó, chứng bệnh đó nếu không trừ khỏi 25 triệu dân tộc chắc chôn sống ở rày mai. Tôi ngồi sâu nghỉ lặng, khấn nguyện chín phương trời, ước ao thần hộ phật phù, cứu khổ cứu nạn cấp cho tôi vị thuốc để chữa chứng bệnh đó cho người ta, mới được vị thuốc này: "Bụng nhiệt thành".
Bụng nhiệt thành đó là gốc ở một tấm lòng đỏ của loài người. Khi mẹ mới hoài thai thời đã đúc sẵn một hòn máu nóng, đến khi sinh thành trưỡng đại, thời hòn máu đó càng nuôi nấng càng lớn lao, càng nấu nung càng tươi thắm, giọt máu đó xối vào sắt, sắt phải tan, giọt máu đó rưới vào ma, ma phải tránh. Người Nhật Bản có câu rằng "Tinh thành sở chí kim thạch năng khai" nghĩa là khi tinh thành đã tới nơi, dầu đá vàng cũng nức nở. Ông Khổng Tử có câu: "Thất phu bất khả đạt chí", nghĩa là chí vững bền của một người không ai cướp được. Những câu nói đó, đều là vẽ cả nết nhiệt thành người ta, có đầy đủ một tấm nhiệt thành mới trọn vẹn mười phần ái quốc, thành mà không nhiệt thời kém phần nóng sốt, mà cái thành đó dễ nguội, nhiệt mà không thành kém sức vững bền, mà cái nhiệt đó dễ lạnh, đã thành lại nhiệt, đã nhiệt lại thành thời thần quỷ phải kinh, gió mưa chông gai cũng phải dẹp, chỉ có ai sợ ta, mà ta không phải sợ ai, chỉ có ai ỷ lại vào ta, mà ta không ỷ lại vào ai.
Đã biết nước là mẹ ta, thời dầu hy sinh ta với nước mà ta không quản, trong óc chỉ có nước, ngoài việc nước ta không màng gì lợi, ta không thiết gì danh; nhiệt thành thế này mới là ái quốc, ái quốc thế này mới hay cứu quốc.
Ruột tằm máu quốc thề sống thác với non sông, dạ sắt lòng son chẳng lụt sờn vì mưa nắng, nhiệt thành như vậy, người nước ta có khó gì tự lập đâụ Vậy nên trong bài tự lập lại cần nhất là vị thuốc này: "Bụng nhiệt thành" 10 phân luyện chín.
11. Chương thứ mười một Chữa chứng bệnh "không biết hợp quần"
Các chứng bệnh như trên kia là các chứng bệnh cá nhân. Bây giờ lại kể một chúng bệnh như sau này là bệnh chung về đoàn thể. Người ngoại quốc thường khinh bỉ người nước ta, có một câu rằng: "Không có một đoàn thể nào từ ba người trở lên". Câu nói đó, thoạt mới nghe, tưỡng chừng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xả hội nưóc ta, tinh thần người dân nước ta, tan tan, tác tác, rạc rạc, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không đoàn thể từ ba người trở lên, vẫn có thể thật.
Suy cho đến nguyên cớ bởi vì sau đây, thời chỉ vì không biết nghĩa hợp quần mà thôi. Hợp quần là sao? Là hợp cả một bầy lại cho thành một đoản thể. Ví như tay chơn tai mắt có hợp mới thành được một thân; cột kèo rui mèn có hợp mới thành được một nhà; từ việc nhỏ đến việc to, muốn nên một việc, tất phải có một bầy; muốn nên một bầy, tất phải có cách hợp. Thuở xưa giao thông chật hẹp, núi bể chia lìa, mưa gió riêng trời mình, bờ cỏi riêng đất mình, người mình đua đuổi với người mình, dầu kém dầu hơn, dầu thua dầu được, cũng chẳng qua là nhà mình mình ở, của mình mình ăn, nếu không biết hợp quần cũng chưa lấy gì làm tai hại lắm. Thử xem đời bây giờ có thể được ư? Bể Đông Tây chung nhau làm một vũng câu; châu Âu Á chung nhau làm một rừng bắn, người đem cả trăm chân nghìn tay, trăm khôn nghìn khéo dắt đoàn kéo lủ mà áp đến nhà mình, xô cửa phá buồng, bửa rương móc túi, bầy người càng đông thời thế người càng mạnh, bầy mình càng ít thời thế mình càng cô, lửa đốt nhà đã tận nóc, nước nuốt thuyền đã tận mui, mà bà con trong nhà, trong thuyền đây hãy còn anh với em cắp dao trỏ nhau, lái với bạn trừng mắt dòm nhau, kể việc rất ngu ở trong loài người có ai hơn thế nữa! Than ôi! Thịt nát thì xương cũng tan, môi mất thì răng cũng lạnh. Nghĩa hợp quần đó còn mờ mịt thêm một ngày thời họa diệt chủng càng câp bách thêm một ngày. Ôi! Các anh chị em! Cái chứng bệnh không biết nghĩa hợp quần đó không biết chữa mau, còn chờ gặp ma Chiêm Thành mà gục đầu thú tội sao? Thấy tình cảnh các anh chị em mà óc tôi nhức, máu tôi sôi, tay chân tôi nổi gai gốc. Tổ tiên ta nếu còn thiêng, nòi giống ta nếu còn phúc thời chứng bệnh ly quần đó chắc được một vị thuốc sẽ chũa lành ngay. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, suốt mấy đêm ngày mới được một vị thuốc là giãi "Đồng tâm".
Đồng tâm nghĩa là người nào người nấy đồng một lòng: giãi đồng tâm nghĩa là ức muôn triệu người kết hợp nhau làm một dây, thân thể tuy khác nhau, mà tinh thần in nhau như hệt. Xưa ông Trụ có ức muôn người, hưng cũng ức muôn bụng: vua tôi Võ Vương có mười người, kết quả thời vua Võ Vương được mà ông Trụ thua. Đó mới biết rằng tâm đồng nhau thời nhược hóa nên cường, tâm chẳng đồng thời cường hóa nên nhược, Vì sao thế? Lòng khác nhau thời rẽ bầy, rẽ bầy thời mạnh hóa nên hèn; lòng đồng nhau thời chung bầy, chung bầy thời hèn hóa nên mạnh. Vậy nên hai chử "Đồng tâm" là phương thuốc hiệp quần rất thiêng liêng, rất ứng nghiệm.
Tuy nhiên có kẻ nói rằng: "đông ngưòi thời tất phải nhiều bụng, nhiều bụng thời không thể nào đồng lòng. Cái sự đồng tâm đó thật là khó khăn lắm". Ôi! Các anh chị em! Câu nói đó thật quá ngu! Xưa nay đồng lòng, không đồng lòng chỉ vì có một cớ: chủng tộc không đồng, ngôn ngữ không đồng, tập tục không đồng, thế mà muốn đồng lòng vẫn khó lắm. Đến như người nước ta, nòi giống vẫn đồng với nhau, ngôn ngữ vẫn đồng với nhau, tập tục vẫn đồng với nhau, mà huống gì lối tử sinh đường vinh nhục lại đồng với nhau; chim ở chung một rừng, cá ở chung một bể, nếu chẳng may bể khô rừng cháy thời một lồng, một tấm vãy còn mong sống sót được sao? May gặp lúc bây giờ rừng hãy còn cây, bể hãy còn nước, kết hợp cả bầy, đồng một lòng, chung một dạ, tính đường đi đứng, lựa bước lên lui, dắt nhau ra khỏi ngục trầm luân, kéo nhau thoát khỏi vùng đồ thán, xoay họa xưa làm phúc, rửa vết dơ trong pho sử củ, thay lấy vẻ vinh quang biết bao nhiêu công nghiệp lớn lao chỉ ở trong một gốc lòng anh chị em mà nên tất cả. Vậy thời giãi đồng tâm đó thật là phương thuốc khỡi tử hồi sinh của món ta không còn gì hơn nữạ Vậy nên trong bài thuốc "Tự Lập" có một vị thuốc như sau này: "Giãi đồng tâm" một dây càng kiên thực càng tốt.
12. Chương thứ mười hai Chữa chứng bệnh "mê tín hủ tục"
Nưóc ta kể người có 25 triệu, kể đất có 70 vạn ngàn thước vuông tây, nếu làm một nước tự lập chắc không khó gì! Cớ sao mà hèn hạ suy đồỉ Thuở xưa còn làm một nước phụ dung, tới bây giờ lại trụt xuống làm một nước nô lệ. Ôi! Nước ta không phải một nước hay sao? Người nước ta không phải là người hay sao?
Không phải, nước ta vẫn là một nước, người nước ta vẫn là người, nhưng chỉ vì dân không có quyền, nên mỗi bước không tự lập. Dân vì sao mà không có quyền? Thời vì dân không trí; dân không có trí; nên mới mê tín quá nhiều. Bệnh mê tín rất nặng là mê tín quyền vua; vì mê tín quyền vua, nên mê tín quyền quan, mà quyền vua quyền quan lại lợi dụng quyền thần làm xe pháo. Ba quyền đó một ngày một nặng, thời quyền dân không còn một tí gì; quyền dân đã không còn, thời dân dại, dân yếu đuối hư hèn, muôn việc chỉ trông mong vào vua với quan. Vua với quan không làm xong, thời trông mong vào thần; đến thần cũng không làm xong, thời bó tay chịu chết. Mấy ngàn năm trở lại triều đình là bồi bếp của một nhà, nhân dân là ngựa trâu của một họ; mấy mươi triệu đầu đen máu đỏ, còn gì là tư cách người; rặt là mù mà người mù có mắt; rặt là điếc, mà người đếc có tai; rặt là câm; mà người câm có miệng, rặt là què mà người què mà ngưới què có chân tay; cái việc lạ lùng quái gở ở thế gian, không ai như người nước ta nữa. Thăm cho đến gốc bệnh, chỉ vì mê tín những tục hủ cổ mà thôi. Mê tín vua, mê tín quan, chưa lấ gì làm kỳ, kỳ thứ nhất là mê tín thần; vì mê tín thần đó mà sinh ra vô số việc nực cười; ngày giờ nào cũng là trời bày định, mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên, mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng ông thần táo; vì che mưa gió mới có nhà; mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa, thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần, kết quả thời thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy cửa nát nhà tan, của mòn người hết.
Tin thần bao nhiêu thời tai họa bấy nhiêu. Kìa xem như đạo Thiên Chúa chỉ sùng phụng một vị Đức Chúa Trời ngoài ra không thần gì cả, nhưng nuớc vẫn mạnh, nhà vẫn giàu, người họ vẫn sung suớng, họ chỉ thua ta một việc: thần đã không tế thời xôi không, thịt không, heo bò cũng không, mà phần kỉnh phần biếu đều không tất cả; nhưng họ vì đó mà của hao thời ít, của nở thời nhiều, tốn phí vô ích bớt một phân. Ấy mới biết rằng mê tín thần quyền là tục ngu hủ của người ta, thật rõ ràng rồi đó. Tục ngu hủ đó không quét sạch thời nền phú cường kia không bao giờ dựng nên. Nhân vì ngu mà sinh ra hủ, nhân vì hủ lại thêm ngu, mắt người bị người bịt, mà lại bảo rằng trước mí mắt không nước non; tai bị người bưng mà lại bảo rằng bên lổ tai không gió sấm; tay chân bị người người xiềng khóa mà lại bảo rằng tay chân mình đáng số cu li! "Chúng tôi dại dột", câu nói ấy giắt chặc ở bên lưng. Quỳ lạy trước tượng đất hình bùn mà xem làm quốc túy; giữ gìn lấy áo hôi mũ thúi mà bảo rằng gia truyền! Ngẫn ngơ, ngơ ngẫn đến thế thời thôi! Trông người lại gẫm đến ta, thiệt cười dở mà khóc cũng dở.
Than ôi! Xưa nay chứng bệnh mê tín hủ tục kia phải gấp chữa mau mới có lẽ sống. Tuy nhiên, muốn chữa chúng bệnh đó, phải thế nào? Xưa nay, những tập tục hủ bại vì có hai lẽ; một thời vì cơ quan giáo dục chẳng hoàn toàn, một thời vì trí khôn người ta chưa phát đạt.
Từ thế kỹ 19 trở lại đây, khoa học các nước cảng ngày càng phát sinh, trí não các nước càng ngày càng nẫy nở. Thử xem điện học phát minh mà ông "thần lôi" đã không dám hống hách; địa học phát minh mà nhà phong thủy long hổ đã không dám múa men; sinh lý học phát minh mà thần rắn quỷ trâu đã cùng đường trốn tránh; huống gì học thuyết Lư thoa đã xuất hiện thời quyền dân với quyền lao động đã vùn vùn vụt vụt như gió thổi, như thủy triều lên, dầu ai muốn ngăn mà ngăn sao đặng? muốn cấm mà sao cấm đặng? Ngọn cờ thần quyền chắc rày mai cũng bị trận gió văn minh kia đánh đổ, mà vách tường hủ tục cũ chắc cũng bị làn sóng văn minh kia đánh tan.
Thế thời muốn chữa bệnh mê tín ngưới nước ta, không thuốc gì hơn trí thức mới nữa. Trí thức đó, nếu tìm tòi suy xét thăm cho tận gốc, dò cho tận nguồn biết tính người là thiêng hơn vạn vật thời không thần gì hơn thần ở tâm; biết nhơn dân là quí trọng hơn vua với quan, thời không quyền gì hơn quyền lao động. Có óc thời ta dùng sức nghĩ, có tai thời ta dùng sức nghe, có mắt thời ta dùng sức thấy, có tay chân thời ta dùng sức hoạt động, đua khôn đấu mạnh cùng dân các nước đời nay, 20 triệu con Lạc cháu Hổng bỗng chốc mà tỏ ra giòng thần giống thánh.
Người nước ta có khó gì tự lập đâủ Vậy nên dùng bài thuốc tự lập, phải có một vị dầy "Trí thức mới" 10 phân, trộn vào "hoa tự do" không kỳ nhiều ít.
13. Chương thứ mười ba Chữa chứng bệnh "không biết đường kinh tế"
Nếu có ai hỏi rằng: nước vì sao mà mạnh, dân vì sao mà giàu? Thời tôi xin trả lời rằng: "Nguồn bể phú cường chỉ cốt ở đường kinh tế." Người ta nghe hai chữ "kinh tế", chưa hiểu nghĩa ra làm sao, huống gì là đường kinh tế. Xưa truyện Đại học có câu rằng: "Sinh chi giả chúng, thực chi giả quả, vi chi giả tật, dụng chi giả thư", nghĩa là của sinh nở ra thời nhiều, của ăn tiêu đi thời ít, người làm của thời cần kíp, người dùng của thời dè dặt. Sách Tây cũng có câu: "Những hạng người sinh ra lợi thời nhiều, những hạng người chia mất lợi thời ít", Góp hai câu nói đó thời cách đường kinh tế, dầu đông tây cũng chẳng khác gì. Nói tóm lại, chỉ có một cách sinh nở thời thường vô cùng, mà tiêu hao thời thường phải hạn, của trời đất sinh ra thời biết đường lợi dụng, của nhân lực làm ra thời biết đường mở mang, có thế mới gọi là "Kinh Tế". Người nuớc ta thời thế nào? Việc tiêu dùng thời không biết đường hạn chế, cách làm ăn thời không biết đường cải lương, sự nghiệp dân sinh trong một nước chỉ nhờ cậy về nông, chân lấm tay bồng, kẻ làm khôn hết mực, cày sâu cuốc bẩm, xem làm khéo cùng kỳ. Ngoài mấy đám đồng cạn ruộng sâu, nào khoáng sản, nào sơn lâm, nào công trình nào thủy lợi chẳng biết một tí gì. Người ngoại quốc lấy máy móc đở tay chân tay, mà mình thời không biết đua, của sinh sản ngày không một hào một ly, mà của tiêu xài ngày có hàng nghìn hàng vạn; thấy người ta sang trọng, ta cũng sang trọng, nhưng cái đồ sang trọng đó rặt là cắt thịt nhà để vá cánh giặc; thấy người ta sung sướng, ta cũng sung sướng nhưng cái mồi sung sướng đó, rặt là nặn sữa mẹ để nuôi người dưng. Bao nhiêu vật lạ của ngon, nào rượu, nào thuốc, nào trà, nào vải bông, gấm vóc, không một thức gì là tay chân mình chế tạo, mà cũng không một đồng tiền nào không phải máu mủ mình ép ra; tiền của người không một đồng nào vào tay mình, mà máu mủ mình thời trót tháng quanh năm chỉ những trét miệng hùm, no bụng sấu. Trí khôn người ta như thế, còn nói "Kinh Tế" được đâu! Than ôi! Thiên thời ta vẫn tốt, địa lợi ta vẫn giàu, mà tay mắt tay chân ta vẫn không kém gì ai cả! thuốc ta, rượu ta, trà ta, vải vóc ta, không dùng được hay sao?
Không chế tạo được hay sao? Cớ sao thợ thuyền buôn bán thời không thấy tới, mà chỉ thấy lui; xài phí ăn tiêu thời chỉ thấy thêm mà không thấy bớt, đã một mặt thời quen nết tham thanh chuộng lạ, một mặt thời giử nết ở nể ăn không; bể toan khô nước mà ngồi đợi trời mưa, đèn toan hết dầu mà nằm chờ trăng mọc.
Người ngu ngẩn đến thế, không chết rày thời chết mai, chỉ e mấy tấm ván hòm chưa dự bị bao giờ đặng. Tôi nghỉ đến nông nổi thế mà khóc than cho vận mệnh người nước ta, chúng bệnh về đường kinh tế nếu không lo chạy chữa cho mau thời nòi giống chúng ta chẳng tuyệt diệt về thủy hỏa, binh đao, mà tuyệt diệt về đồ ăn thức mặc! Ai là người có tâm huyết, chắc cũng lấy lời nói làm đúng rồi. Bây giờ xin nghĩ một vị thuốc để chữa chứng bệnh này. Vị thuốc ấy là giải đấỷ Là vị "Nội Hóa" Trình độ dân ta còn thấp trí thức dân ta còn non, bảo nhờ cậy việc công, việc thương, sẽ đấu mạnh đua giàu với các nước, cái hy vọng đó, ở ngày nay thiệt chưa có được ngay, song e tục ngữ có câu rằng "Khéo ăn thời no, khéo co thời ấm", đồng bào ta bây giờ mà muốn cho được điều no, điều ấm thời phải có một cách khéo mà thôi.
Đường sanh lợi chưa có thể phát đạt được đến mười phân thời đường tiêu xài phải dè dặt từ một ly, một mảy cần thứ nhứt là dùng nội hóa. Đó thiệt là một vị cứu cho chứng bệnh người ta. Đồ ăn ta; ta ăn, đồ mặc ta; ta mặc, đồ dùng ta; ta dùng, dầu mỡ máu mủ ta, ta bồi bổ cho ta, bớt một ly của ra tức là thêm một ly của vào, bớt một đồng tiền chết, tức là thêm một đồng tiền sống. Nội hóa tiêu dùng ngày càng chảy, thời các món công thương nghề nghiệp cũng nhân đó mà cạnh khéo đua khôn, đắp tư cơ sẽ tạo nên thời, đúc trí tuệ sẽ gây nên thế, họa may bụng đà khỏi đói, mà óc cũng thêm no; dân sinh đã khỏi nỗi khốn cùng thời dân trí cũng có cơ tấn bô.. Theo tạo nhân mà tìm đường kết quả, cái việc chấn hưng nội hóa đó chẳng phải là gấp lắm saỏ Vậy nên trong bài thuốc tự lập phải có một vị thuốc như sau này "Nội hóa" một vạn thức, kiêng ngoại hóa.
14. Chương thứ mười bốn "Chữa chứng bệnh" "không biết thương nòi giống"
Người ta còn một chứng bệnh rất to, là chứng bệnh "không biết thương nòi giống ". Người ta mắc lấy chứng bệnh đó, chẳng những trái hẵn tính loài người, mà với các giống vật có một điễm trí khôn cũng còn thua kém nữa.
Kể chứng bệnh ác độc thứ nhất, không gì hơn chứng bệnh này: Kìa con ong vẫn có nọc, mà ong ở chung một ổ không bao giờ cắn nhau; cọp vẫn hay ăn thịt, mà cọp ở chung một xứ không bao giờ ăn nhau. Thường xem bầy kiến, nó vẫn là một loài vật rất nhỏ nhen, mà cũng có một điễm tốt rất lạ: nó ở chung nhau một bộng, có hàng trăm hàng ngàn con, một con đi ra thoạt thấy được mồi ăn, thời tức khắc chạy về tin cho anh em mình cả; tha mồi thời khó nhọc chia với nhau, ăn mồi thời ngon ngọt chung với nhau, không bao giờ được mồi mà ăn riêng cả; lại có khi tránh mưa trốn gió, dắt đoàn kéo lũ đi chung, con nhỏ, con lớn, đoàn trước, đoàn sau, dắt nhau đi không khác gì một đội quân lính; chẳng may giữa đường có con nào bị tử thương thời chúng kiến xúm nhau cõng nó về hang, không bao giờ bỏ bạn chết mà đi cả! Thế mới biết thương nòi giống, dầu loài vật cũng có tấm lòng thành, chung một máu mủ thời họa phúc chia nhau, nghĩa đồng tử; đồng sinh vẫn trước sau một mực.
Vật còn như thế, người có lẽ thua nó hay sao? Quái ngán thay! Lạ lùng thay! Đến người nưóc ta thời khác hẵn! Tục ngữ có câu rằng: "Gà một chuồng bôi mặt đá nhau!" lại có câu: "Kẻ chết đã xanh, người nhăn nanh mà cười!" lại có câu: "Đi ra tưỡng bắt trâu cò, trâu cò không bắt, bắt bò, bò ôi!", mấy câu thí dụ đó, ngẫm nghĩ cho kỹ thiệt là về nết xấu của người nước ta quá đúng rồi đó.
Ôi! Các anh chị em! Máu in nhau giọt đỏ, da in nhau sắc vàng, đầu in nhau tóc đen, mắt in nhau tròng mắt, giống Tiên Rồng, nòi Hồng Lạc trải qua mấy nghìn năm mới có bây giờ con một họ, cháu một giòng, nếu cứ như lẽ thường chắc máu ai thấm thịt nấy, đánh đá thời đau đến lòng gạch, chết thỏ thời sa nước mắt hồ; vẫn đạo trời có thế mới đương nhiên, mà tính người cũng có thế mới chính đáng. Cớ sao mấy mươi năm gần đây tình hình ở xã hội, cách hành động các anh chị em ta, thương nhau, bênh nhau, chẳng bao lăm người, mà ghét nhau, hại nhau thời không xiết kể? Rước voi dầy mồ ông vải, cõng rắn về cắn gà nhà, việc đó thiệt bất nhân vô đạo đã quá chừng, mà người mình trở lại nhận làm khôn làm khéo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét