Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 2011

Tam Dân Diễn Nghĩa

Chu Viet
October 25, 2011


... Riêng đối với Việt Nam, ông Hồ Chí Minh được cho là người đã dịch Chủ nghĩa Tam Dân trong những năm ở thập niên 1920 để huấn luyện cho các đồng chí cách mạng của ông. Cũng chính ông Hồ, qua bút danh Trần Dân Tiên, đã từng khẳng định rằng ‘Chủ thuyết này phù hợp với Việt Nam hơn cả’’.(10) Sau này, khi cướp chính quyền dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ còn lấy ba chữ làm tiêu ngữ là ‘Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.’ Đó là mục tiêu của Tam dân Chủ nghĩa và ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn”.
Có lẽ vì lý do này mà khi cùng Mao Trạch Đông sang Moscow dự hội nghị năm 1950, Stalin đã không tiếp ông Hồ vì nghi ngờ ông là một Tito ở Châu Á theo chủ nghĩa dân tộc. Xin viện trợ đế đánh Pháp thì Stalin cũng chối từ nói: “Đề cho Trung Hoa làm việc này phù hợp hơn”. Sau mấy tuần ròng rã đợi chờ, sau hết, ông mới được Stalin cho hội kiến. Xin thừa nhận, cũng không cho, không ký kết hứa hẹn gì. Như vậy, Stalin đã đẩy họ Hồ vào quỹ đạo Trung Cộng. Ông Hồ quỵ lụy Mao Trạch Đông, trước hết là để xin viện trợ, và sau là chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Mao-it. Ông đã có lần nói với cán bộ: “Bác có thể sai, trung ương có thể sai, nhưng Mao chủ tịch không bao giờ sai”.
Sự lệ thuộc vào Tàu đã trở thành một sách lược chính trị được ghi rõ ràng vào luận cương của Đảng Lao Động Việt Nam năm 1951: “Về lý luận, Đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin… lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.” Bất hạnh thay. Thấy Tam Dân chủ nghĩa phù hợp nhưng lại nhắm mắt theo chủ nghĩa Mác-Lênin và Mao-ít. Sự thật là ông Hồ cũng chưa hiểu rõ nội dung của Tam Dân chủ nghĩa và chẳng có tư tưởng nào ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối Mao...


 

Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn, Tôn Văn)

Ngày Song Thập (10/10) vừa qua là Quốc khánh của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (Trung Cộng). Năm ngoái, Hà Nội tưng bừng trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long cũng ngày này. Một trùng hợp ngẫu nhiên? Năm nay, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Cộng đã long trọng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Trung Sơn khởi xướng, thiết lập một Cộng Hòa Trung Quốc lần đầu trong lịch sử quân chủ phong kiến.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Hồ Cẩm Đào – người kế thừa Mao Trạch Đông — tuyên bố:
“Tôn Trung Sơn là một anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà yêu nước vĩ đại và người đi tiên phong vĩ đại của cuộc cách mạng dân chủ của Trung Quốc. Những người cộng sản Trung Quốc là những người ủng hộ kiên cường nhất và kế thừa trung thành nhất đối với sự nghiệp cách mạng do Tôn Trung Sơn khai sáng, thực hiện và phát triển hoài bão vĩ đại của Tôn Trung Sơn và những người tiên phong của Cách mạng Tân Hợi.”
Nhân dịp này, Hồ Cẩm Đào cũng không quên kêu gọi “tái thống nhất” với Đài Loan, hiểu cách khác là: “Hãy trở về với chính quốc”.

Tại Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), Tổng thống Mã Anh Cửu — chủ tịch Trung Quốc Quốc Dân Đảng (TQQDĐ) – tuyên bố:

”Kỷ niệm song thập Tân Hợi là không thể quên lý tưởng xây dựng đất nước của quốc phụ Tôn Trung Sơn. Đó là xây dựng một đất nước tự do, dân chủ. Trung Quốc nên dũng cảm đi theo hướng này, và chỉ có như vậy mới có thể rút ngắn khoảng cách hiện nay giữa hai bờ eo biển Đài Loan . Kỷ niệm cách mạng Tân Hợi, cũng không thể chia cắt lịch sử, mà phải thể hiện diện mạo vốn có của lịch sử, nhìn thẳng vào sự tồn tại của THDQ.”
Những lời thuyết khách đường mật “giả ân giả nghĩa” của Hồ Cẩm Đào chỉ có mục đích ve vuốt, dụ dỗ Mã Anh Cửu “chim cùng mẹ nên phải cùng tổ”. Nhưng Đài Loan vẫn mềm dẻo gợi ý Trung Cộng nên theo thể chế tự do dân chủ và thừa nhận mình là một quốc gia riêng rẽ có tên Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Thực tế lịch sử là Mao Trạch Đông đã hoàn toàn ly khai với Tam Dân Chủ Nghĩa và chê bai Tôn Dật Tiên khi Mao theo chủ nghĩa Mác-Lê với đường lối cực tả, tôn sùng cá nhân của Stalin.(1)
Tôi làm việc ở Tòa Đại sứ VNCH Đài Bắc (2), thủ đô Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), ba năm (1970-72) .THDQ khi ấy do Tưởng Kinh Quốc lãnh đạo, chỉ có 35 quốc gia thừa nhận cho nên ngoại giao đoàn rất được nể trọng và ưu đãi. Hàng năm, nhân ngày Tết (dương lịch), ông Tưởng Giới Thạch cũng tiếp ngoại giao đoàn tại tư dinh trên Dương Minh Sơn. Gọi là tiếp tân nhưng ông chỉ diễu qua vẫy vẫy tay nói “Ni hao, ni hao” rồi rút lui. Mỗi lần tham dự một buổi lễ nào của quân đội hay chính quyền sở tại, cứ phải đứng ngay người dự lễ chào cờ. Cờ của THDQ có nền đỏ, góc chữ nhật mầu xanh lam trên đó có mặt trời tỏa sáng (Thanh thiên, Bạch nhật, Mãn địa hồng). Và bao giờ cũng có quốc ca mà câu đầu tiên, nghe trầm thống, buồn rười rượi vì chỉ có hai âm điệu (sol sol, mi mi):

“San Min Chu-I” (Tam Dân Chủ Nghĩa) (3)
Chủ nghĩa Tam Dân là gì? Nói cho đúng, là một chủ thuyết (doctrine) bất thành văn chưa được giải thích rõ ràng khi lập thuyết cho nên gọi là chủ nghĩa có hơi gượng ép. Đơn giản, chỉ là cương lĩnh chính trị của Quốc Dân Đảng (Kuomintang) do Tôn Dật Tiên sáng lập gồm ba học thuyết: Dân tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc với mục đích biến Trung Quốc thành một quốc gia tự do dân chủ phồn vinh. Vào thời đó, học thuyết dân tộc không phải chủ nghĩa quốc gia (nationalism) để đối lập với chủ nghĩa cộng sản mà chỉ có mục đích thống nhất các dân tộc Mông,Tạng Hồi, Mãn với Hán thành một khối. Dân quyền được hiểu là tự do dân chủ, do dân mà ra. Sau hết, học thuyết Dân sinh nhằm thỏa mãn những nhu cầu ăn, ở, mặc, đi lại, cho người dân. Thực chất Tam Dân là những mục tiêu cần đạt tới. (4)
Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen) – còn gọi là Tôn Trung Sơn hay Tôn Văn — là người lãnh đạo cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) lật đổ nhà Mãn Thanh, sáng lập nước Cộng Hòa Trung Hoa mà ông là Chủ tịch đầu tiên. Ông được cả THDQ lẫn Trung Cộng tôn vinh làm Quốc Phụ. Ở Đài Bắc thì đương nhiên có cả một Nhà Tưởng Niệm hoành tráng, chính thức kêu là “Quốc Lập Quốc Phụ Kỷ Niệm Quán”, nhưng tại Hoa lục, chỉ vẻn vẹn có một Công viên Tưởng Niệm nhỏ tại quảng trường Thiên An Môn nằm gần Lăng Mao Trạch Đông.(5)
Sự kế thừa tinh thần Tam Dân Chủ Nghĩa trong hiện thực ngày nay thể hiện rõ nét nhất trong tổ chức chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), (mặc dầu trong những năm đầu, ông Tưởng Giới Thạch đã áp dụng chế độ “thiết quân luật” đảng trị khắt khe do tình thế bắt buộc). Đó là một nền dân chủ pháp trị không chỉ tam mà là ngũ quyền phân lập (Viện Lập Pháp, Viện Hành Pháp, Viện Tư Pháp và thêm hai viện [theo truyền thống Trung Hoa] là Viện Kiểm Sát và Viện Khảo Thí) được ghi trong hiến pháp. Chủ thuyết Tam Dân xuất hiện trong hai dòng đầu tiên của Quốc ca Trung Hoa Dân Quốc:Tam Dân Chủ Nghĩa, Ngô Đảng Sở Tôn, Dĩ kiến Dân Quốc, Dĩ Tiến Đại Đồng”. Thật là rõ ràng: Tôn chỉ đảng chúng ta (TQQDĐ) là xây dựng một dân quốc, tiến đến hòa đồng với thế giới.
Quan chức tại Đài Loan không dùng năm dương lịch. Họ dùng năm “dân quốc” ví dụ, “dân quốc năm thứ 60”. Cách tính năm như thế thường khiến tôi bối rối, mình phải lẩm nhẩm làm con tính +11 = 1971, vì họ khởi đi từ 1911 (năm cách mạng Tân Hợi). Tư duy “dân quốc” như vậy thể hiện lý tưởng tự do dân chủ mà THDQ của một Tưởng Giới Thạch “tỉnh ngộ” đã theo đuổi từ khi lưu vong ra đảo Đài Loan. Với chính sách cải cách ruộng đất khôn ngoan, biến địa chủ thành những kỹ nghệ gia, Đài Loan đã dần dần thành công về mặt kinh tế và trở thành một “con hổ Á châu”, kể ra cũng không ngoa. Ngày nay sau mấy chục năm phát triển về kỹ nghệ đủ ngành và xây cất hạ tầng cơ sở, ví dụ tòa cao ốc Taipei 101 và phi trường quốc tế Tưởng Giới Thạch tại Đào Viên, Đài Loan đã có mức lợi tức bổ đồng là $35,000, vượt qua cả Đại Hàn. Tuy nhiên, những năm đầu, hận thù còn sôi sục, trên đảo Kim Môn đầy những khẩu hiệu “Phản Công Đại Lục” và “Vô Vong Tại Cử”(6), khắc vào đá với thủ bút của Tưởng Giới Thạch.
Tưởng Giới Thạch (Tưởng Trung Chính)
Tưởng Giới Thạch – còn gọi là Tưởng Trung Chính – có thể gọi là người thừa hưởng di sản tinh thần của Tam Dân chủ nghĩa. Ông là đồng chí tâm phúc của Tôn Trung Sơn, là lãnh đạo quân sự của TQQDĐ, hiệu trưởng đầu tiên của Võ bị Học hiệu Hoàng Phố do Tôn Dật Tiên sáng lập (7). Họ Tưởng là người bảo thủ, rất ghét cộng sản. Ông cũng không ưa gì dân chủ khai phóng kiểu Tây phương; trái lại ông trị nước như một nhà độc tài, có lẽ vì nội tình phân hóa bởi nạn sứ quân mỗi người hùng cứ một địa phương như Trương Học Lương. Thế nên ông đã tung ra chiến dịch “Bắc Phạt” dốc toàn lực đánh dẹp sứ quân. Hai lần hợp tác với Đảng Cộng Sản — lần đầu theo khuyến nghị của Tôn Trung Sơn — là hai lần thất bại. Kinh nghiệm dậy ông liên hiệp với cộng sản là tự sát, và năm 1934 ông đã dốc hết lực lượng đuổi đánh tận diệt cộng quân khiến Mao phải làm cuộc “vạn lý trường chinh” cực kỳ gian khổ mất cả năm trời mới tới được Thiểm Tây và sau đó lập căn cứ tại Diên An.
Nhưng họ Tưởng không kiểm soát nổi tình hình “sứ quân” trong nội bộ khiến có lần ông bị Trương Học Lương bắt cóc vì muốn ép ông hợp tác với Đảng CS để kháng Nhật. Chiến tranh Trung-Nhật ngày càng khốc liệt trong khi các sứ quân vẫn hùng cứ khắp nơi và nội chiến ngày càng khiến nước Trung Hoa rối như canh hẹ. Ông bổ nhiệm Tống Tử Văn – người em vợ, bà Tống Mỹ Linh — làm Thủ tướng. Trung-Nhật chiến tranh chấm dứt sau Thế Chiến II. Nhưng tình hình Trung Hoa lâm vào cảnh suy trầm kinh tế, tham nhũng, biển thủ tràn lan, lạm phát phi mã khiến đồng Quan kim trở nên vô giá. Kết quả là Mao Trạch Đông chiến thắng và phe Quốc Dân Đảng thua chạy ra Đài Loan, (nhưng vẫn giữ được các đảo Bành Hồ, Kim Môn, và Mã Tổ chỉ cách Hoa lục có vài cây số). Thật ra, đó không phải là một cuộc tháo chạy “bỏ của chạy lấy người” như ta lầm tưởng. Trái lại. Họ Tưởng và Quốc Dân Đảng đã chuẩn bị kỹ lưỡng đem theo ra Đài Loan tất cả những thiết bị, khí tài và của cải tại Hoa lục. Chứng cớ hiển nhiên nhất là gần như toàn bộ những cổ vật vô giá được trưng bầy tại viện bảo tàng quốc gia (Cổ Cung Bác Vật Viện) cứ ba tháng một lần lại thay đổi như mới.
Tôi đã nhiều lần hướng dẫn các phái đoàn quân sự VNCH thăm viếng đảo Kim Môn (8). Phi cơ phải bay là là trên mặt nước để tránh radar Trung Cộng phát hiện. Kim môn đã hai lần bị Trung Cộng tấn công nhưng đều thất bại. Trên đảo, công sự phòng thủ kiên cố khắp nơi, đại bác 155mm chôn sâu trong lòng núi, quân sĩ một lòng kiên cường phòng ngự. Cho nên từ năm 1955 cho đến 1970, Trung Cộng thi hành chương trình pháo kích, trước tiên là hàng ngày, sau là cách nhật, sau nữa là báo trước ngày và sau rốt nghỉ bắn luôn vì chẩng có hiệu quả gì. Phía Kim Môn thì thả những bong bong chứa truyền đơn tuyên truyền sang đất liền. Cứ như trò chơi kéo cưa lừa xẻ vậy. Thời gian tôi ở Đài Bắc tình hình tương đối yên tĩnh.
Qua lời Hồ Cẩm Đào, Trung Cộng nhận vơ: “là những người ủng hộ kiên cường nhất và kế thừa trung thành nhất đối với sự nghiệp cách mạng do Tôn Trung Sơn khai sáng”.
Ủng hộ và kế thừa như thế nào? Trong giai đoạn đầu, Tôn Trung Sơn cũng kết nạp đảng viên cộng sản vào Quốc Dân Đảng của ông và chủ trương hợp tác Quốc-Cộng theo khuyến nghị của Liên-xô. Nhưng phe khuynh tả chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Mác-Lênin và Quốc Tế III CS của Stalin đã ly khai và thành lập Đảng Cộng Sản TQ năm 1921, ra mặt chống đối và tấn công lực lượng của Tưởng Giới Thạch. Trung Cộng như vậy chính là kẻ phản bội ước vọng một nước dân chủ của Tôn Dật Tiên. Những lời nói của Hồ Cẩm Đào không đánh lừa được ai.
Tam dân chủ nghĩa còn có ý nghĩa hay ứng dụng gì ngày nay?
Nhân kỷ niệm bách niên Cách Mạng Tân Hợi, Ban Việt ngữ đài BBC có bài tường thuật và phỏng vấn các sử gia trong biên chế nhà nước (9). Họ nói:
“Một trăm năm sau khi cuộc Cách mạng Tân Hợi thành công ở Trung Quốc (10/10/1911), các sử gia Việt Nam nhận xét tư tưởng cách mạng và dân túy của lãnh tụ cách mạng tư sản Tôn Trung Sơn, tiếp tục giữ nguyên giá trị không chỉ với Trung Quốc mà còn với Việt Nam”.

Các sử gia nói trên là thuộc “Viện Nghiên Cứu Việt Nam Học” tại Hà Nội. Theo họ:

“Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, từ nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho tới Hồ Chí Minh, đều chịu tác động của tư tưởng Tôn Trung Sơn. Cách mạng Tân Hợi theo tư tưởng cải cách Dân chủ Tư sản, vốn kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20, gặt hái thành công với khởi nghĩa Vũ Xương, Hồ Bắc (10/10/1911)”.

“Diễn biến lịch sử này đã lập nên chính quyền cách mạng lâm thời của Trung hoa Dân Quốc hay một chính quyền dân chủ nhân dân, nền cộng hòa, đầu tiên ở quốc gia châu Á này, rất lâu trước khi các ông Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Đài Loan, hoặc Mao Trạch Đông, lãnh tụ cộng sản Trung Quốc, “tiếp nối” theo các cách thức khác nhau”.

Riêng đối với Việt Nam, ông Hồ Chí Minh được cho là người đã dịch Chủ nghĩa Tam Dân trong những năm ở thập niên 1920 để huấn luyện cho các đồng chí cách mạng của ông. Cũng chính ông Hồ, qua bút danh Trần Dân Tiên, đã từng khẳng định rằng ‘Chủ thuyết này phù hợp với Việt Nam hơn cả’’.(10) Sau này, khi cướp chính quyền dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ còn lấy ba chữ làm tiêu ngữ là ‘Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.’ Đó là mục tiêu của Tam dân Chủ nghĩa và ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn”.
Có lẽ vì lý do này mà khi cùng Mao Trạch Đông sang Moscow dự hội nghị năm 1950, Stalin đã không tiếp ông Hồ vì nghi ngờ ông là một Tito ở Châu Á theo chủ nghĩa dân tộc. Xin viện trợ đế đánh Pháp thì Stalin cũng chối từ nói: “Đề cho Trung Hoa làm việc này phù hợp hơn”. Sau mấy tuần ròng rã đợi chờ, sau hết, ông mới được Stalin cho hội kiến. Xin thừa nhận, cũng không cho, không ký kết hứa hẹn gì. Như vậy, Stalin đã đẩy họ Hồ vào quỹ đạo Trung Cộng. Ông Hồ quỵ lụy Mao Trạch Đông, trước hết là để xin viện trợ, và sau là chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Mao-it. Ông đã có lần nói với cán bộ: “Bác có thể sai, trung ương có thể sai, nhưng Mao chủ tịch không bao giờ sai”.
Sự lệ thuộc vào Tàu đã trở thành một sách lược chính trị được ghi rõ ràng vào luận cương của Đảng Lao Động Việt Nam năm 1951: “Về lý luận, Đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin… lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.” Bất hạnh thay. Thấy Tam Dân chủ nghĩa phù hợp nhưng lại nhắm mắt theo chủ nghĩa Mác-Lênin và Mao-ít. Sự thật là ông Hồ cũng chưa hiểu rõ nội dung của Tam Dân chủ nghĩa và chẳng có tư tưởng nào ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối Mao.
Chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946, Trường Chinh, nhà “lý luận” CSVN đã xào nấu tư tưởng Mao, từ “Trì Cửu Chiến” (Protracted War) đến “Chiến Tranh Nhân Dân” và “Chiến Tranh Cách Mạng”, viết thành quyển “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi”. Đem vào thực hành, ĐCSVN tóm gọn sách ấy thành chiến lược ba giai đoạn : 1/ Tiêu thổ ; 2/ Cầm cự; 3/ Phản công (9). Trong cuộc chiến chống Pháp, Trung Quốc là nước duy nhất viện trợ số lớn quân sự không bồi hoàn. Theo tài liệu, Trung Quốc viện trợ cho Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Việt Minh) hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3.000 khẩu pháo và phần lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm phụ và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men v.v… Quan trọng hơn là những đoàn cố vấn ở mọi cấp xuống đến tiều đoàn như trường hợp Đại (Sư) đoàn 304, 308, và 312 tân lập, được trang bị hoàn toàn vũ khí và tư tưởng Mao-ít (11a). Và cũng từ những ngày đó, chế độ chính ủy đã được thiết lập trong quân đội cho tới cấp đại đội. Như Hồng quân Trung hoa vậy.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp có hai trận đánh lớn, một là Chiến Dịch Biên Giới (Cao bằng, Thất khê) do cố vấn Trần Canh giúp chỉ huy, hai là Chiến Dịch Điện Biên Phủ, do cố vấn Vi Quốc Thanh giúp chỉ huy. Tháng 10/1950 Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông: “Tôi cần nêu lên công lao đặc biệt của Trần Canh, Nhiệm Cùng, Vân Dật, Thiên Hựu, Quý Ba, Kiếm Anh, Phương Phương, Quốc Thanh và các đồng chí Cố Vấn trong Chiến Dịch. Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. (11b)
Món nợ tinh thần và vật chất lớn lao ấy trở thành một hệ lụy “ơn sâu nghĩa nặng” khiến ĐCSVN không đắn đo hiến dâng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng. Phạm Văn Đồng nhắm mắt ký công hàm 1958 sau khi ông Hồ biện bạch: “Trung Hoa giúp ta từ sợi chỉ, cây kim đến tiền bạc, thuốc men, đạn dược, vũ khi. Mấy cái đảo toàn cứt chim đó có gì là quan trọng?”
* * *
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Một hàng chữ không thể thiếu trên mọi loại giấy tờ, từ Nghị Quyết Bộ Chính Trị, công văn hành chánh các cấp, cho đến đơn xin viết tay của đám dân oan cùng đinh. Nghĩa lý gì trong hoàn cảnh hiện nay? Hãy nghe một người yêu nhớ quê hương “chùm khế ngọt” ghi cảm tưởng sau 30 năm xa cách:

Thật không ngoa để nói rằng cả nước Việt Nam hiện nay là một “hàng ăn”. Đa số người Việt nam hiện nay sống rất “hiện sinh”. Người Việt nam ăn nhậu xả láng là vì không muốn nghĩ đến ngày mai và cũng chẳng có ngày mai mà nghĩ. Kiếm được đồng nào xài đồng đó.
“Sự dối trá và lừa gạt tràn lan trong xã hội. Từ việc ca tụng đảng cộng sản Việt Nam quang vinh đến nếp sống văn minh, xem ra người Việt Nam xã hội chủ nghĩa sống bằng khẩu hiệu hơn với thực tế. Phải nói thật sự có một “Nước Bắc” xâm chiếm Miền Nam Việt Nam và áp đặt không chỉ ý thức hệ mà còn cả văn hóa, ngôn ngữ và giọng nói. Không kể đến chuyện người ta cho vào bảo tàng viện hai tiếng “xin lỗi” và “cám ơn”, cái cách ăn nói cộc lốc, thiếu lịch sự, thiếu lễ độ, thiếu cả văn minh… của người Việt Nam XHCN vừa làm cho tôi đau lỗ tai vừa làm cho tôi đau lòng. Đau lòng thực sự bởi vì cái lễ giáo và nét đẹp của cách nói năng được nhào nặn từ bao thế hệ đã hầu như hoàn toàn bị xóa bỏ. Trong đám nam sinh viên, rường cột và tương lai của đất nước, chen chúc trên xe buýt hay đi bộ đến trường, tôi chỉ nhìn thấy những tấm thân ốm o, còm cõi, nhỏ bé và những gương mặt thiếu sức sống và sự tỏa sáng.
Về thăm lại quê hương tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Phải nhìn nhận, sau 30 năm “xây dựng” xã hội chủ nghĩa, có một số dấu hiệu của phát triển: nhiều cao ốc hơn, nhiều đường sá hơn, cuộc sống vật chất và tiện nghi có khá hơn. Nhưng thật đáng buồn cho một đất nước khi sự phát triển hỗn loạn đã bóp nghẹt và chà đạp những giá trị tinh thần và luân lý. Nói như ai đó, phần “con” trong “con-người” Việt Nam XHCN đã phát triển hơn, nhưng phần “người” thì lại ngày càng nhỏ lại.”
Tưởng cũng nên biết tại sao sau khi viếng thăm Việt Nam, ông Dennis Prager, một bình luận gia và tác gia có tiếng, lại nổi đóa:
“Thật khó mà kềm nổi các xúc động của tôi — nhất là không tránh được phải nổi giận — trong chuyến viếng thăm Viêt Nam của tôi hồi tuần trước. Tôi càng ngưỡng mộ người dân Việt bao nhiêu — thông minh, yêu đời, tự trọng, và chăm chỉ — thì tôi lại càng tức giận bọn Cộng Sản đã gây đau khổ quá nhiều cho người dân nước này (và dĩ nhiên cả người Mỹ chúng ta) trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ 20.

Điều không may là Cộng Sản vẫn cai trị nước này. Mà Việt Nam ngày nay đã đón nhận chủ nghĩa tư bản (thị trường tự do), để thoát khỏi cảnh nghèo đói, chứ khoan nói đến chuyện thịnh vượng. Vậy thì 2 triệu người Việt phải bỏ mạng trong Chiến Tranh Việt Nam để làm gì?”
Độc Lập ư? – Một nền độc lập bất vẹn toàn do hệ lụy Tàu nói trên. Một công lao ăn cướp của toàn dân — đặc biệt của những người đã nằm xuống, kể cả những đảng phái Quốc Gia. Một phương tiện áp đặt xã hội chủ nghĩa theo đường lối Mao. ĐCSVN đã giẫm lên những xác chết đó để thi hành những thủ đoạn của Mao: Tàu làm Chỉnh Phong, ta có Rèn Cán Chỉnh Quân , Tàu làm Thỗ Địa Cải Cách, ta cũng Cải Cách Ruộng Đất . Tàu diệt Hữu Khuynh , ta cũng triệt hạ Nhân Văn Giai Phẩm .Tầu hục hặc với Liên xô, Trung Xô Giao Ác, ta phải Xét Lại Hiện Đại. Độc lập cái nỗi gì? Tổng cộng cho nỗ lực thống nhất nền độc lập với võ lực bằng cách cưỡng chiếm Miền Nam, dân tộc Việt Nam đã tốn bao nhiêu xương máu? Và bao nhiêu thương tích tinh thần không thể chữa chạy?
Tự Do ư?– Tự do đích thực đòi hỏi dân chủ đích thực. Những quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, di chuyển, v.v. không thể có trong một chế độ toàn trị độc tài. Dân chủ là một thể chế pháp trị thay vì đảng trị. Không cần Ngũ Quyền mà chỉ cần Tam Quyền phân lập. Đó là chủ trương của Tôn Dật Tiên mà chính ông Hồ cũng thú nhận “phù hợp với ta hơn cả” từ đầu thập niên 40. Phù hợp thì sao không làm?

Mà lập ra Việt Minh cướp chính quyền toàn quốc, thực hiện “chuyên chính vô sản”, nói khác đi là độc tài đảng trị, đánh lừa giai cấp nghèo (vô sản), tự cho mình là đại diện của họ mà ngồi lên đầu lên cổ họ, bóc lột họ không thương tiếc. Thế là tự do à? Tự do cái nỗi gì khi hơn 600 tờ báo răm rắp dậm chân đều bước theo lề phải như một đội ngũ lính Bắc Hàn? Tự do ở đâu khi phát biểu vài lời phi chính thống là vào tù?
Hạnh Phúc ư? – Vào thời Tôn Dật Tiên công bố Tam Dân chủ nghĩa, Tôn Dật Tiên chưa phác họa được quốc kế dân sinh thực tiễn mà chỉ ước ao “dân giầu nước mạnh”. Tuy nhiên, học thuyết Dân Sinh của ông rõ ràng nhằm mục đích mang lại hạnh phúc cho người dân. Hạnh phúc gì? Hạnh phúc không phải là 3 thước vải mỗi năm hay 200 gam thịt mỗi tháng hay cái đói mờ mắt khi giáp hạt, càng không phải là dinh cơ đồ sộ, xe hơi Bentley, du thuyền, hay phi cơ riêng cho một thiểu số đặc quyền đặc lợi như hiện nay. Không. Thay vì hạnh phúc, dân tộc đang phải đối diện với nguy cơ “chìm xuồng” như một chuyên gia kinh tế — ông Nguyễn Xuân Nghĩa –nhận định:
“Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài tăng nhanh; dự trữ ngoại hối mỏng, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn…Người trong nước nói: “đó là cái chết lâm sàng.”
* * *
Trong hoàn cành hiện nay, với trăm phương ngàn kế của Nghị Quyết 36, thiết tưởng người Việt tị nạn lưu vong hải ngoại cần phải đề cao cảnh giác. Trước 75, CS đã cài đặt không biết bao nhiêu là nội gián mà cháy nhà mới ra mặt chuột. Hiện nay tại hải ngoại, chúng cũng làm như vậy để hàng ngũ chúng ta phân rã. Trên Internet, CS đã tung ra cơ man trang mạng trá hình quốc gia, giải trí tếu táo xen lẫn thông tin lừa mị (disinformation) khiến ta hoang mang không biết thật hay giả. Điều nguy hại là thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam cận đại có thể tin là thật. Ví dụ có vài trang mạng đã khơi khơi trích một chúc thư viết tay của ông Hồ có đoạn nói: (12)
“Cái nhầm tai hại nhất của tôi là đi theo Cộng sản Mác Xít mà không biết là chủ nghĩa này chẳng qua chỉ là giả bộ, để đánh lừa giai cấp nghèo mà cướp lấy chính quyền cho nước Nga khi đó. Vì tin có ông Trời nên tôi xin khẩn cầu cho nước ta và các nước Cộng sản khác trên thế giới sớm thoát ách Cộng sản”.
Cứ tưởng như sự thật trời ơi đất hỡi! Thật hay giả, chỉ có Lê Duẩn biết nhưng hắn đã chết. Sự thật ở đâu trong khi ông Hồ chỉ muốn về với ông Mác, ông Lê? Sự thật đơn giản là vì mưốn chạy tội cho ông Hồ, CS cũng mượn một diễn đàn ngoại quốc để gán cho ông “được biết là người” và “đã khẳng định” như đã trình bầy ở đoạn trên.
Lý tưởng Tam Dân chủ nghĩa thật ra đã được Tôn Trung Sơn diễn dịch từ lý tưởng vô địch “một thể chế dân chủ của dân, cho dân và vì dân” mà TT Abraham Lincoln đã công bố từ năm 1863 trong bài diễn văn đọc tại Gettysburg. Áp dụng cho Trung Hoa hay Việt Nam thì phải thêm 3 chữ không: Không của, không cho và không vì…dân. Hiện thực lịch sử đã chứng minh như vậy.
“Triết gia” Francis Fukuyama có vội vã quá không khi ông khẳng định năm 1992: “hình thức tối hậu của chính quyền loài người là sự phổ quát hóa nền dân chủ khai phóng Tây phương và lịch sử chấm dứt với điểm đến của diễn biến ý thức hệ loài người (13).
Để đạt tới lý tưởng tối hậu đó, xã hội công dân còn phải phải tríệt tiêu sự quản chế độc tài hãy còn ngự trị, dù là độc tài cá nhân phong kiến, độc tài đảng trị, hay độc tài quân phiệt. Chừng nào hãy còn áp bức, kìm kẹp, tù đầy, oan trái, thì chưa thể nói tới dân chủ, nói chi khai phóng.
Chừng nào giới tài phiệt còn tham lam vô độ, chừng nào 10% lực lượng lao động còn không có công ăn việc làm, chừng nào còn ngụp lặn trong lũ lụt nợ nần, nghĩa là mình chưa tu chỉnh được chính bản thân mình thì chưa thể là điểm đến của lịch sử. Thị trường tự do là xu hướng thế tất cùa toàn cầu hiện nay. Nó phải là một thị trường bình đẳng, có sẵn cơ chế tự điều chỉnh để không đẻ ra những bất công xã hội mà cội rễ là chênh lệch giầu nghèo quá đáng (14). Như tại Trung Hoa và Việt Nam hiện nay. Và cả ở quê hương tư bản chủ nghĩa nữa.
“Nói người phải nghĩ đến ta,
Thử sờ lên gáy xem xa hay gần”
Gần, gần lắm đấy. Hãy tránh xa.
© Chu Việt
© www.Vietthuc.org

GHI CHÚ:
(1) Xem Bài “Luận về Nền Độc tài Dân Chủ Nhân Dân” (On the People’s Dictatorial Democracy” của Mao Trạch Đông, 30.6.1949. Mao nói:
“Sun Yat-sen had a world outlook different from ours and started from a different class standpoint in studying and tackling problems. Sun Yat-sen had the petty bourgeoisie and the national bourgeoisie in mind. As a matter of fact, they cannot do so. Why did forty years of revolution under Sun Yat-sen end in failure? Because in the epoch of imperialism the petty bourgeoisie and the national bourgeoisie cannot lead any genuine revolution to victory.
(2) Thủ đô Đài Bắc có ba đại lộ lớn có tên: Dân Tộc, Dân Sinh, và Dân Quyền. Đại lộ sầm uất và hiện đại nhất là Trung Sơn Bắc Lộ gồm 9 đoạn từ nam đến bắc. Đoạn thứ 9 là khu Bắc Đầu (Peitou), nổi tiếng với khách làng chơi tứ xứ, đặc biệt là Nhật bản. Năm 2005 tôi viếng thăm Đài Bắc, khu này không còn nữa. Thành phố đã lột xác gần như hoàn toàn. Tôi không nhận ra được nơi ở khi xưa.
(3) Bài này gồm 12 câu thơ 4 chữ do nhà cách mạng Tôn Văn đọc ở trường Võ Bị Hoàng Phố năm 1924 ,sau trở thành đảng ca của Trung Quốc Quốc Dân Đảng (Kuomintang) và sau hết THDQ lấy làm quốc ca:
三民主義,吾黨所宗;Tam Dân Chủ Nghĩa, Ngô Đảng Sở Tôn
以建民國,以進大同。Dĩ Kiến Dân Quốc, Dĩ Tiến Đại Đồng
咨爾多士,為民前鋒;Tư Nhĩ Đa Sĩ, Vị Dân Tiền Phong
夙夜匪懈,主義是從。Túc Dạ Phỉ Giải, Chủ Nghĩa Thị Tòng
矢勤矢勇,必信必忠;Thỉ Cần Thỉ Dũng, Tất Tín Tất Trung
一心一德,貫徹始終。Nhất Tâm Nhất Đức, Quán Triệt Thủy Chung
Bốn câu đầu là chủ yếu, tạm dịch: Chủ nghĩa Tam Dân là tôn chỉ đảng ta nhằm xây dựng Dân Quốc và tiến tới Đại Đồng.
(4) Đại lược theo quan điểm của học giả Nguyễn Hiến Lê trong “Sử Trung Quốc”, NXB Văn Nghệ, 2003.
(5) Không kể Lăng Tôn Dật Tiên tại Nam Kinh, nguyên thủ đô THDQ, đã được xây dựng từ năm 1929 cũng như Đài Tưởng Niệm tại Quảng Đông và Macao. Tại Singapore, Hoa Kiều cũng lập một Kỷ Niệm Quán.
(6) “Đừng Quên Thành Cử” ám chỉ thời Chiến Quốc, nước Tề bị nước Yên đánh bại phải rút vào thành Cử rồi sau phản công chiếm lại được đất đai bị mất. Ông Tưởng ví Đài Loan như thành Cử, sẽ phản công chiếm lại Hoa lục.
(7) Chủ yếu là các phái đoàn thuộc Bộ TTM và Tổng Cục CTCT. Cũng có khi là vài nhân vật quan trọng như Tổng Trưởng Bộ CCB, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, v.v…

(8) “Tam Dân Chủ Nghĩa vẫn còn thời sự với Việt Nam”, Quốc Phương, BBC ngày 7.10.2011. Thật lòng, tôi cũng hoài nghi tính khách quan của Ban Việt Ngữ đài BBC. Làm báo cần phải tôn trọng sự thật lịch sử. Họ chì đăng tải những khẳng định của Hà Nội mà không có lấy một lời bình luận.

(9) Vietnamexodus.info – LS Đinh Thạch Bích, “Sống nhờ mâu thuẫn khách quan”
(10) Nơi đào tạo những tướng lãnh CSVN: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Vương Thừa Vũ…Giảng viên đầu tiên của trường có Chu Ân Lai (chính trị), Diệp Kiếm Anh, và Nguyễn Hải Thần. Nhà thơ Quang Dũng cũng tốt nghiệp ưu hạng trường Hoàng Phố. Ông là đảng viên Đại Việt Dân Chính do nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh, chủ trương Tự Lực Văn Đoàn) sáng lập.
(11) Xem Hồi ký Cố vấn Trung Quốc do Dương Danh Dy dịch và hiệu đính:
Phần III – Vai Trò của Vi Quốc Thanh
Phần IV – Vai trò của Trần Canh trong Chiến Dịch Biên Giới (1950)
Phần VIII – Nhìn Lại Chiến Dịch Điện Biên Phủ.
(12) “Đọc Lại Bản Di Chúc viết tay của Hồ Chí Minh” của Nguyễn Thái Hoàng, danlamthan.wordpress.com, congdongnguoiviet.fr, vn.360plus.yahoo.com. Nội dung cho rằng đây là bản thứ 5, viết tay ngày 14-8-1969 mà ông Hồ viết riêng cho mình và cho đồng bào toàn quốc, kể lể tội lỗi của mình. Tuy nhiên trên mạng DCV Online có bài của một người Hà Nội phản biện sự chính xác của văn bản này. Trong văn bản in do ĐCSVN chính thức phổ biến, dĩ nhiên không thể có những dòng này.
(13) The End of History and the Last Man, Francis Fukuyama, Free Press, 1992.
(14) Chính Tôn Trung Sơn cũng muốn ngăn ngừa khuynh hướng “Đại Tư Bản” để khỏi xẩy ra khoảng cách giầu nghèo quá đáng, nguồn gốc của bất ổn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét