Âm mưu bản đồ “đường lưỡi bò”: Khoa học phản công
Nguyễn Văn Tuấn
Trung Quốc hiện nay là nước có số lượng ấn phẩm khoa học đứng vào hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mĩ). Thử tưởng tượng một nước lớn như thế mà lạm dụng khoa học cho mục tiêu xâm lấn lãnh thổ và chính trị thì nguy hiểm biết dường nào cho thế giới. Tập san khoa học Nature đăng 2 bài liên quan đến vấn đề bản đồ Đường lưỡi bò. Ý nghĩa của hai bài này là gì và hàm ý gì? Trong bài này, tôi cố gắng diễn giải ý nghĩa và hàm ý của hai bài đó. Theo tôi, tác giả David Cyranoski đã dạy cho các nhà cầm quyền (và cả giới khoa học ?) Trung Quốc một bài học về mối quan hệ giữa khoa học và chính trị, và sự lạm dụng khoa học cho mục tiêu chính trị và bành trướng lãnh thổ là không chấp nhận được. Tôi xem đó như là một phản công của khoa học.
Nhà chính trị học nổi tiếng Robert Gilpin trong tác phẩm War and Change in World Politics (chiến tranh và biến đổi chính trị thế giới) lý giải rằng sự tăng trưởng nhanh chóng ở trong nước sẽ thúc đẩy các quốc gia tái xác định và bành trướng lợi ích ở ngoài nước. Lợi ích ở đây bao gồm cả kinh tế, chính trị, và biên cương. Nhận xét này xem ra rất phù hợp với trường hợp Trung Quốc, một quốc gia đang lên và có tham vọng làm siêu cường. Người Trung Quốc có mặt khắp nơi trên thế giới để gây ảnh hưởng chính trị, ráo riết thu mua khoáng sản và nông sản, và gây áp lực đến các nước láng giềng trong vấn đề tranh chấp biên giới là lãnh hải. Họ có khả năng làm những điều này nhờ một phần vào thành tựu kinh tế đạt được trong ba thập niên qua.
Trung Quốc đã hoặc đang có tranh chấp về biên giới với 23 nước láng giềng. Nhưng Trung Quốc có vẻ “khôn” hơn so với trước đây. Thay vì dùng vũ lực đối với Việt Nam (để chiếm Trường Sa) và bị thế giới lên án, ngày nay Trung Quốc thường dùng đến phương tiện “mềm” hơn. Thật vậy, trong số 23 tranh chấp biên giới, Trung Quốc chỉ dùng vũ lực trong 7 trường hợp (với Ấn Độ năm 1962, Liên Xô 1969, Việt Nam 1979, v.v.), phần còn lại là qua các phương tiện khác. Các phương tiện hiện đại mà Trung Quốc có hẳn một chiến dịch sử dụng là lạm dụng khoa học và truyền thông để hợp thức hóa những vùng đất hay vùng biển còn trong vòng tranh chấp với các nước láng giềng.
Có thể lấy những sự việc xảy ra chung quanh bản đồ “đường lưỡi bò” (ĐLB) làm một ví dụ minh chứng. Đó là một bản đồ do Chính phủ Trung Quốc vẽ ra một cách tùy tiện và lưu hành nội bộ từ những năm trong thập niên 1940s dưới thời Trung Hoa dân quốc. Bản đồ này lúc đầu là 11 đoạn và sau này giảm xuống còn 9 đoạn, và điều đó cũng phản ảnh tính tùy tiện của tác giả vẽ ra nó. Dù 9 hay 11 đoạn thì bản đồ đó bao trùm gần 90% vùng biển Đông Nam Á, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta. Điều quan trọng hơn là đó là một tài liệu phi pháp và phi khoa học. Phi pháp vì không một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Không một tổ chức quốc tế nào công nhận bản đồ ĐLB. Nhưng Trung Quốc dùng bản đồ ĐLB đó để ra những yêu sách về lãnh hải, với lý giải rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên vùng biển đó. Từ những tuyên bố đơn phương như thế, Trung Quốc ngang nhiên cho tàu chiến tuần tra vùng biển, và khủng bố và sát hại những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Tuy nói là tàu “ngư chính” nhưng thái độ hung hãn của họ lại rất phù hợp với quân cướp biển hơn. Trung Quốc đã và đang gây ra bất ổn trong vùng biển Đông Nam Á qua cái bản đồ phi lý và phi khoa học đó.
Dù đó là một bản đồ phi lí và phi khoa học, nhưng chính quyền Trung Quốc ra sức phổ biến nó trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Trong thời gian qua, các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài đã phát hiện gần 10 bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc có chèn bản đồ ĐLB. Những tập san khoa học mà bản đồ ĐLB này xuất hiện rất đa dạng, từ những tập san rất chuyên ngành (tức ít độc giả) đến những tập san danh tiếng bậc nhất (như Nature và Science). Điều đáng chú ý là không có những liên hệ gì giữa nội dung chính của bài báo và bản đồ ĐLB mà họ lồng trong bài. Nếu không có liên quan, vậy tại sao các tác giả Trung Quốc đưa bản đồ phi pháp đó vào bài báo? Khi được hỏi, họ trả lời rằng họ làm theo luật của Trung Quốc! Đó là cách trả lời của tác giả, nhưng logic thông thường cho chúng ta biết đó là một sự lạm dụng khoa học. Lạm dụng tập san khoa học để quảng bá một bản đồ phi pháp!
Nhưng việc quảng bá này có tổ chức và nằm trong âm mưu bành trướng lãnh hải của Trung Quốc. Tập san Climate Change là một tập san đa ngành chuyên công bố những nghiên cứu về biến đổi khí hậu, với một hệ số ảnh hưởng thuộc loại trung bình (impact factor 3.016, số liệu 2010). Bốn năm trước, Climate Change công bố một bài báo của các tác giả Trung Quốc có bản đồ ĐLB, và bản đồ này không có liên quan gì đến nội dung và kết luận bài báo. Khi các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài phát hiện và gửi thư phàn nàn đến Tổng biên tập là GS Michael Oppenheimer, ông liền báo cho tác giả Trung Quốc biết về phàn nàn đó và yêu cầu họ chỉnh sửa, theo đúng qui trình xuất bản khoa học. Các tác giả Trung Quốc trả lời rằng họ sẽ không chỉnh sửa hay rút lại bản đồ đó, vì đó là “yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc”. Đây là bằng chứng hùng hồn cho thấy Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau những chiến dịch “cửa sau” để quảng bá một bản đồ phi pháp và phi khoa học.
Climate Change không phải là tập san đầu tiên và sau cùng công bố bài báo có hình ĐLB. Trong thời gian gần đây, điều đáng lo ngại là tập san Science và Nature cũng công bố bài báo cũng của tác giả Trung Quốc có bản đồ ĐLB. Science và Nature là những tập san khoa học số 1 trên thế giới, là tập san loại “đàn anh”, là diễn đàn của các nhà khoa học tiên phong và Nobel tương lai. Chẳng những là tập san khoa học hàng đầu, Science và Nature còn là những nhà xuất bản khoa học với hàng trăm tập san dưới sự quản lý của họ. Do đó, Science và Nature còn đặt ra chuẩn mực cho các tập san khác noi theo. Ảnh hưởng của hai tập san này rất lớn trong cộng đồng khoa học quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của sự xuất hiện bản đồ ĐLB trên Science và Nature, chúng tôi và các đồng nghiệp thuộc Đại học Quốc gia TPHCM viết thư phản đối và chỉ ra những phi lý và bất tương quan giữa bản đồ và nội dung bài báo.
Nhưng phản ứng của Science và Nature về quan tâm của chúng tôi thì rất khác biệt. Science trả lời tôi (và nhiều nhà khoa học khác) rằng bản đồ và dữ liệu công bố trên Science phản ảnh ý kiến và quan điểm của tác giả, chứ không phải của Science, và Science không đứng về phe nào trong việc tranh chấp lãnh hải! Đó là một trả lời theo tôi là khó chấp nhận được, vì chúng tôi không bàn về quan điểm của Science, chúng tôi cho rằng bản đồ đó phi pháp và phi khoa học, và vi phạm đạo đức công bố (ethics of publication), và tác giả cần phải đính chính. Cần nói thêm rằng trước đây tôi có trả lời phỏng vấn trên Science về vấn đề chất độc da cam, vậy mà có người trong Science nói rằng đó là một bài trả lời phỏng vấn chống Mỹ! Nói như thế để thấy Science hoặc một số chuyên gia bình duyệt của Science có vẻ bận tâm đến chính trị hơn là khoa học. Khác với cách làm của Science, tập san Nature hồi đáp những quan tâm của chúng tôi rất đúng chuẩn mực khoa học. Họ cử một phóng viên thường trú của Nature ở Á châu là David Cyranosky liên lạc với chúng tôi để làm rõ những quan tâm của chúng tôi. Cần nói thêm rằng David Cyranosky từng làm chung và là bạn của TS Nguyễn Văn Thuận (lúc đó còn ở bên Nhật, nhưng nay thì đã “đầu quân” cho Hàn Quốc). Sau khi phỏng vấn chúng tôi, Cyranosky viết hai bài liền về sự lạm dụng khoa học và sự mâu thuẫn giữa chính trị và khoa học (bản dịch có thể đọc ở đây). Nội dung chính của hai bài viết có thể tóm lược qua 3 điểm sau đây:
a. lạm dụng tập san khoa học để tranh giành lãnh hải hay biên giới nói chung là không chấp nhận được;
b. trong tương lai, bất cứ bản đồ nào còn trong vòng tranh cãi, Nature sẽ yêu cầu tác giả hoặc là rút lại hoặc là ghi chú thêm rõ ràng là “còn tranh cãi”; nếu không, biên tập sẽ ghi chú như thế;
c. Nature còn gián tiếp phơi bày âm mưu quốc tế hóa bản đồ phi lý ĐLB của Chính phủ Trung Quốc.
Theo tôi, Nature đã phản ảnh khá đầy đủ vấn đề. Cố nhiên, không thể đòi hỏi phóng viên Nature phải chính xác từng chi tiết trong bài báo, nhưng những điểm mà Nature nêu trong hai bài viết đã nói lên một cách đầy đủ tình hình tranh chấp trên Biển Đông, và gióng một tiếng chuông báo động về mưu đồ lạm dụng khoa học cho mục tiêu bất chính của Trung Quốc. Như nói trên, Nature là một tạp chí khoa học số 1 trên thế giới, rất uy tín, những gì Nature viết được ngầm hiểu như là những thông điệp cho các nhà khoa học và tập san nhỏ hơn.
Hai bài báo trên Nature chắc chắn sẽ gây tác động và nhà cầm quyền cũng như giới khoa học Trung Quốc phải chú ý. Các quan chức Trung Quốc thường biện minh rằng bấy lâu nay không có ai phản đối bản đồ ĐLB, và do đó bản đồ đó được quốc tế công nhận. Chúng ta có thể phì cười trước lý luận con nít như thế, nhưng trong thực tế họ sử dụng lý giải đó trong quan hệ quốc tế. Lý giải đó còn cho thấy Trung Quốc muốn công bố bản đồ ĐLB càng nhiều càng tốt để hợp thức hóa lãnh hải. Hai bài báo trên Nature là một cảnh cáo cho Trung Quốc rằng họ không thể tiếp tục lạm dụng khoa học cho mục tiêu bành trướng lãnh hải.
Hai bài báo còn giảng dạy cho Trung Quốc phải phân biệt khoa học và chính trị. Có lẽ trong suy nghĩ của những người lãnh đạo Trung Quốc, khoa học là một phương tiện của chính trị (theo cách hiểu chính trị là “thống soái”). Nhưng suy nghĩ đó không phù hợp với vai trò thật của khoa học, vốn đặt sự thật lên hàng đầu. Sự thật có thể hóa giải những bất đồng và tranh chấp. Như David Cyranoski viết (và tôi đồng ý) rằng “Khi nghiên cứu khoa học và chính trị pha trộn nhau, khoa học nên là một công cụ ngoại giao, chứ không phải công cụ cho xâm lấn lãnh thổ. Hợp tác khoa học vẫn có thể nẩy nở ngay cả trong môi trường chính trị thiếu thân thiện”. Tôi cũng trả lời phỏng vấn của Nature rằng chúng tôi – những nhà khoa học gốc Việt Nam và Trung Quốc – là những người trưởng thành, không để chính trị làm chi phối đến tình nghĩa khoa học. Các nhà cầm quyền Trung Quốc nên nhìn lại khoa học như là một phương tiện góp phần vào việc hóa giải những tranh chấp hơn là để bành trướng lãnh thổ và lãnh hải.
Thế thì tại sao Nature và Science và các tập san khác không rút lại bản đồ ĐLB trong các bài báo đã đăng? Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu qua quy trình xuất bản một bài báo khoa học. Trên nguyên tắc, tập san là phương tiện của nhà khoa học. Nhà khoa học, chứ không phải tập san, là người chịu trách nhiệm về nội dung của bài báo. Do đó, việc rút lại bài báo hay chỉnh sửa dữ liệu là phía tác giả hoặc cơ quan mà tác giả làm việc. Một khi bài báo có những dữ liệu không đúng hay có gì sai sót nghiêm trọng, thì thông thường các tác giả tình nguyện đăng đính chính, hoặc tự nguyện rút xuống. Khi có vấn đề nghiêm trọng như đạo văn hay ngụy tạo số liệu thì quy trình rút bài báo xuống phức tạp hơn. Thoạt đầu, tập san báo cho tác giả và cơ quan nơi tác giả làm việc biết để kiểm tra; sau đó nếu kết quả kiểm tra cho thấy có ngụy tạo dữ liệu thì cơ quan sẽ thông báo cho tập san; và sau cùng tập san rút bài báo xuống. Nói tóm lại, việc rút lại bài báo hay đính chính chủ yếu là xuất phát từ tác giả, chứ không phải tập san. Trong trường hợp bản đồ ĐLB, các tập san chưa rút những bản đồ phi lý đó xuống là vì các tác giả Trung Quốc không chịu nhận lỗi, và các cơ quan họ làm việc cũng không điều tra. Thật vậy, khi Nature liên lạc với các tác giả Trung Quốc để hỏi thêm về sự việc chung quanh bản đồ ĐLB thì tất cả (xin nhắc lại: tất cả) đều im lặng. Có thể diễn giải sự im lặng của họ như là một sự vô trách nhiệm, hoặc xem thường quy ước khoa học quốc tế, hoặc… bí. Nhưng dù hiểu như thế nào thì các tập san không thể rút các bản đồ ĐLB ra khỏi bài báo, vì tác giả và cơ quan tác giả làm việc không có yêu cầu. Các nhà khoa học Trung Quốc đã biết lợi dụng cái kẽ hở này để quảng bá cái bản đồ phi lý và phi khoa học.
Do đó, vấn đề của chúng ta là phải ngăn chặn trước khi bản đồ phi lý đó xuất hiện trên các tập san khoa học. Để làm việc này thành công, tôi suy nghĩ đến vai trò của Nhà nước và giới khoa học. Đối với Nhà nước, cần có một tầm nhìn xa và hệ thống. Qua thực tế, chúng ta thấy VN ta rất ít nghiên cứu về biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa. Đấu tranh trong khoa học cần những chứng từ khoa học, những chứng từ này phải được đúc kết từ nghiên cứu khoa học. Do đó, Nhà nước cần chủ động đầu tư cho nghiên cứu về biển. Chúng ta có nhiều dữ liệu lịch sử quý báu cần phải công bố cho quốc tế biết. Tôi nghĩ đến việc thành lập một hay hai nhóm nghiên cứu khoa học ở các đại học lớn, có tài trợ hẳn hoi như các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên. Chúng ta cần nghiên cứu định tính và định lượng, nên những trung tâm này cần quy tụ các nhà khoa học đa ngành, trong và ngoài nước. Chỉ làm việc trong một nhóm chúng ta mới có khả năng nâng cao sự hiện diện của Việt Nam trong các diễn đàn khoa học liên quan đến Hoàng Sa và trường Sa.
Khách quan mà nói, những vấn đề như bản đồ ĐLB trên tập san khoa học là vấn đề khoa học, cần đến tiếng nói của giới khoa học hơn là của Nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là các tổ chức khoa học ở Việt Nam đều là tổ chức của Nhà nước, nên khi họ phát biểu, phía Trung Quốc không xem đó là những ý kiến độc lập, mà là quan điểm của Nhà nước. Do đó, vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền cần phải có tiếng nói và đóng góp của tất cả thành phần trong xã hội. Nên chăng qua những vụ việc gần đây, Nhà nước nên cho phép thành lập các nhóm xã hội dân sự độc lập để có tiếng nói độc lập liên quan đến các vấn đề quan trọng như chủ quyền quốc gia.
Đối với các nhà khoa học, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Một thực tế hiển nhiên là số lượng ấn phẩm liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các tập san quốc tế còn quá khiêm tốn. Do đó, giới khoa học xã hội cần phải chủ động công bố nghiên cứu, chủ động tranh luận với các học giả Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế bằng những dữ liệu thực. Ngoài ra, cần phải viết những bài báo bằng tiếng Anh cho các báo chí đại chúng ở nước ngoài để trình bày cho thế giới thấy âm mưu bành trướng lãnh hải qua lạm dụng khoa học của giới cầm quyền Trung Quốc.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tương tự, chúng ta ngăn chặn sự xuất hiện của ĐLB hơn là viết thư phản đối nó trên các tập san khoa học. Một hình thức ngăn ngừa sự lây lan của ĐLB trên các diễn đàn khoa học là chúng ta chủ động viết những bài báo cho các báo chí đại chúng để cảnh báo về những hành động vi phạm đạo đức trong xuất bản khoa học của giới khoa bảng Tàu. Phải chỉ ra tính “unethical publication” của các nhà khoa học Tàu, vốn đã nổi tiếng với những hành động vô đạo đức khoa học khác như đạo văn và ngụy tạo số liệu.
Cần phải quốc tế hóa vấn đề ĐLB trên tập san khoa học. ĐLB không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền nước ta, mà còn ảnh hưởng đến Phi Luật Tân và Mã Lai. Tuy nhiên, cho đến nay, theo tôi biết các nhà khoa học của Phi Luật Tân và Mã Lai vẫn chưa lên tiếng về ĐLB. Cũng có thể họ chưa chú ý hay chưa quan tâm hay chưa biết. Tôi nghĩ chúng ta cần phải vận động và mời các bạn ở hai nước này tham gia phản đối ĐLB trên các tập san khoa học. Với sự quốc tế hóa này, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn là tranh luận như hiện nay mà có thể vài người nhìn như là tranh chấp giữa ta và Tàu.
Trung Quốc đã mạnh hơn và khôn hơn so với trước đây. Một mặt họ hung hãn đe dọa các nước láng giềng, mặt khác họ âm mưu lợi dụng và lạm dụng khoa học để bành trướng lãnh hải. Nhưng dù họ khôn hơn trước đây thì vẫn không qua khỏi cái khôn của giới khoa học quốc tế, và âm mưu đen tối của họ đã bị lật tẩy. Ý đồ xấu thường mang tính di truyền, và có thể đoán trước rằng âm mưu lợi dụng và lạm dụng khoa học cho mục tiêu chính trị của họ sẽ được lan truyền sang một địa hạt khác hoặc một hình thái khác. Và, chúng ta cần phải dùng khoa học để ngăn chặn không cho một sự lan truyền như thế xảy ra để gây tổn thất đến lãnh hải và lãnh thổ của cha ông đã để lại cho chúng ta.
Vùng hoang (Uncharted territory)
Tác giả: David Cyranoski
Người dịch: Nguyễn Văn Tuấn
Nature 20/10/2011
Các bản đồ chính trị có mục đích mưu cầu lãnh thổ không có vị trí trong các bài báo khoa học. Các nhà nghiên cứu nên giữ mối liên hệ thân mật với nhau bằng cách phi chính trị hóa các công trình của họ.
Muhammad Ali quan sát rằng những cuộc chiến giữa các quốc gia là để thay đổi bản đồ. Và, ông ta là người biết chiến đấu như thế nào. Ấy thế mà có nhiều cách tinh vi khác để thay đổi bản đồ. Hãy lấy trường hợp biển Nam Hải (tức biển Đông theo cách gọi của chúng ta – chú thích NVT) làm ví dụ: các quan chức Trung Quốc khăng khăng cho rằng phần lớn lãnh hải vùng biển này thuộc về Trung Quốc, và các bản đồ của Trung Quốc có xu hướng lồng những đường đứt đoạn để thể hiện quan điểm đó. Thế nhưng quan điểm của Trung Quốc không được bất cứ một tổ chức quốc tế nào công nhận. Tất cả các nước láng giềng cũng đều không công nhận bản đồ 9 đường đứt đoạn đó của Trung Quốc.
Sự việc đó có liên quan gì đến khoa học và tập san Nature? Không liên quan gì cả — ngoại trừ những tranh chấp về lãnh thổ, kể cả tranh chấp trên vùng biển Nam Hải, đang lan tràn trên những trang giấy của các tập san khoa học như Nature. Một xu hướng đáng ngại đang xuất hiện, đó là các nhà khoa học Trung Quốc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào những bài báo khoa học của họ, với hàm ý nói rằng vùng biển bao bọc bởi 9 đường đứt đoạn là lãnh hải của Trung Quốc (Xem bài “Những câu chữ tức giận trên biển Đông”). Các nhà khoa học và công dân của các nước lân cận cảm thấy họ bị chọc tức bởi bản đồ đó. Có thể hiểu được sự tức giận của họ, bởi vì những bản đồ đó phần lớn chẳng có liên quan gì đến chủ đề bài báo mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố. Việc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào bài báo không phải là một phát biểu khoa học — đó là một phát biểu chính trị, và hình như các nhà khoa học Trung Quốc làm việc này theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc. Đó là một yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, và yêu sách này xuất hiện không đúng chỗ.
Khi nghiên cứu khoa học và chính trị pha trộn nhau, khoa học nên là một công cụ ngoại giao, chứ không phải công cụ cho xâm lấn lãnh thổ. Hợp tác khoa học vẫn có thể nẩy nở ngay cả trong môi trường chính trị thiếu thân thiện. Càng ngày càng có nhiều nhà khoa học Đài Loan hợp tác với các đồng nghiệp trong lục địa Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh và Đài Bắc vẫn tiếp tục có những bất đồng ý kiến cơ bản về mối liên hệ đôi bên. Theo số liệu của Lou-Chuang Lee, người đứng đầu Hội đồng Khoa học Đài Loan, số bài báo khoa học hợp tác giữa các nhà khoa học Đài Loan và lục địa Trung Quốc tăng từ 521 bài vào năm 2005 lên 1,207 trong năm qua.
Những hợp tác như thế có hiệu quả xây dựng nền tảng cho việc nhận thức về những lợi ích chung giữa đôi bên, và hi vọng rằng sẽ hóa giải những khác biệt về chính trị. Ít ra, những hợp tác như thế giúp kiềm chế những gây hấn.
Vậy mà chính trị vẫn thường tìm ngõ ngách để xâm nhập vào khoa học. Một ví dụ là tháng Tám vừa qua, Ann-Shyn Chiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thần kinh của Đại học Quốc gia Tsing Hua (National Tsing Hua University) ở Hsinchu, Đài Loan, ngạc nhiên khi nhận được thư của vị đồng nghiệp Yi Rao, một nhà khoa học thần kinh thuộc Đại học Bắc Kinh, đề nghị Chiang ghi tên quốc gia là “Taiwan, Trung Quốc” (thay vì Taiwan). Chiang cho Rao biết rằng hoặc là dùng “Taiwan” hay “Taiwan ROC” (tức Republic of Trung Quốc), hoặc Rao không đứng tên tác giả của bài báo. Cuối cùng thì hai người cũng đi đến một thỏa thuận. Họ đồng ý dùng chữ “Taiwan, Republic of Trung Quốc”. Những tranh chấp trên vùng biển Nam Hải, với tiềm năng tài nguyên và ý nghĩa địa chính trị của nó, sẽ khó mà giải quyết một cách dễ dàng.
Liên quan đến vấn này và các tranh chấp các quốc tế khác, quan điểm của tập san Nature là các nhà khoa học nên dựa vào khoa học. Các tác giả nên cố gắng phi chính trị hóa những bài báo, bằng cách tránh những nhận xét mang tích kích động, những phát biểu gây gỗ, và những bản đồ còn trong vòng tranh cãi. Trong trường hợp không loại bỏ được những điều đó (chẳng hạn như một nghiên cứu về tài nguyên quốc gia cần xem xét đến một hải đảo nào đó) thì bản đồ đó nên được ghi chú rằng “under dispute” ( tức “còn trong vòng tranh cãi”) hoặc một mô tả có ý nghĩa tương tự. Trong các bài báo trên tập san Nature, các biên tập có quyền lồng vào những ghi chú như thế, nếu tác giả không ghi chú. Tránh tranh cãi, các nhà nghiên cứu có thể giữ cho khoa học khỏi bị lây nhiễm bởi chính trị, và giữ cánh cửa hợp tác khoa học rộng mở, và những nghiên cứu của họ có ích. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu cũng có thể giúp xoa dịu những căng thẳng chính trị, chỉ ra con đường đôi bên cùng có lợi và làm một công việc ngoại giao có ý nghĩa.
Các nhà khoa học, dù xuất phát từ phía nào, cũng có nhiều lợi ích chung. Các nhà khoa học ở nhiều nơi thế giới bị các xung đột làm cho bất ổn có thể hiểu sâu sắc câu phát biểu đó. Thật là vô duyên nếu để tình đoàn kết này bị xói mòn bởi những động thái chính trị và tranh chấp lãnh thổ chẳng có liên quan gì đến khoa học.
http://www.nature.com/nature/journal/v478/n7369/full/478285a.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét