Nguồn: Dan Macklin, “China’s 20th Party Congress: An Upside Scenario,” The Diplomat, 04/10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các quy chuẩn về nhân sự trong cơ quan ra quyết định hàng đầu ở Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế quyền lực của Tập Cận Bình và nâng cao vị thế của các nhà cải cách ủng hộ thị trường.
Trước thềm đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khai mạc vào ngày 16/10 này, có nhiều đồn đoán xoay quanh việc ai sẽ được bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Người ta đặc biệt quan tâm đến Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, cơ quan đưa ra các chỉ thị và quyết định quan trọng nhất của Bắc Kinh.
Nhưng dự báo chính trị là một công việc cực kỳ rắc rối. Người sáng lập Eurasia Group, Ian Bremmer, từng nhận xét rằng khoa học chính trị “có khả năng dự đoán rất tệ,” nhưng có thể “giới hạn phạm vi của các kịch bản”. Trên tinh thần đó, tôi sẽ không đưa ra dự đoán chắc chắn, mà thay vào đó, chỉ nêu ra một số kịch bản tiềm năng.
Trong phần đầu tiên của loạt bài viết này, tôi sẽ phân tích một kịch bản trong đó các quy chuẩn nhân sự của Ban Thường vụ vẫn được tuân theo.
Vậy các quy chuẩn nhân sự ở đây là gì?
Kể từ năm 2002, đã không có ủy viên Ban Thường vụ nào được tái bổ nhiệm ở độ tuổi 68 trở lên, hoặc nghỉ hưu ở độ tuổi 67 trở xuống (còn gọi là quy tắc “thất thượng, bát hạ”). Những cái tên được chọn vào Ban Thường vụ hầu như luôn đến từ Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, nơi cũng áp dụng quy tắc bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 68 (dù một số quan chức đã lựa chọn nghỉ hưu sớm, không giống như ở Ban Thường vụ). Ngoài ra, còn có một quy tắc tạm thời được ban hành vào năm 2006, quy định rằng các quan chức sẽ không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ 5 năm ở một vị trí.
Việc Tập Cận Bình (69 tuổi) giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ dường như đã vi phạm những quy chuẩn này. Tuy nhiên, việc ông tiếp tục nắm quyền sẽ ít bất thường hơn nếu ta xem ông là một tổng bí thư, thay vì một ủy viên Ban Thường vụ bình thường (xem thêm lời giải thích của Ling Li trên The Diplomat). Hầu hết trong số năm người tiền nhiệm của Tập ở vị trí nhà lãnh đạo tối cao đã được tái bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo trong Ban Thường vụ sau khi họ bước sang tuổi 68. (Chỉ có Hồ Cẩm Đào và nhà lãnh đạo bị lật đổ nhanh chóng Hoa Quốc Phong là không được tái bổ nhiệm).
Đối với các ủy viên Ban Thường vụ bình thường, quy chuẩn về độ tuổi được thể hiện rõ ràng hơn. Giả sử các quy chuẩn này được giữ nguyên, Lý Khắc Cường (67 tuổi) và Uông Dương (67 tuổi) đều có thể ở lại Ban Thường vụ, cũng như Vương Hỗ Ninh (67 tuổi) và Triệu Lạc Tế (65 tuổi). Nhưng Lật Chiến Thư (72 tuổi) và Hàn Chính (68 tuổi) đều đã đến tuổi nghỉ hưu, tức là có hai ghế bị bỏ trống trong Ban Thường vụ. Như Jonathan Brookfield đã đề cập, hai ứng viên hàng đầu cho những chiếc ghế này là Hồ Xuân Hoa (59 tuổi) và Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi), xét theo thâm niên trong Bộ Chính trị và quan hệ phe phái của họ.
Các vai trò cụ thể sẽ được phân bổ như thế nào?
Chúng ta chỉ có thể suy đoán cách mà quy chuẩn nhân sự sẽ quyết định vai trò cụ thể trong đảng và nhà nước của từng ủy viên Ban Thường vụ. Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng mình sẽ không phục vụ thêm một nhiệm kỳ nào nữa với tư cách là Thủ tướng Quốc vụ viện, và điều đó sẽ được chính thức hóa tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) nhóm họp vào tháng 03/2023. Uông Dương, dù lớn tuổi hơn Lý, nhưng có thể sẽ kế nhiệm ông, dù chỉ là trong một nhiệm kỳ duy nhất. Và dù chưa có tiền lệ, nhưng Lý có thể chấp nhận bị giáng chức xuống một vị trí thấp hơn trong Ban Thường vụ, chẳng hạn như Chủ tịch Quốc hội.
Tập Cận Bình chắc chắn muốn chọn một trong những đồng minh của mình làm thủ tướng tiếp theo, hơn là một đối thủ khác đến từ Đoàn phái. Nhưng không một đồng minh nào của Tập trong Bộ Chính trị đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm làm phó thủ tướng. Trừ khi yêu cầu đó, hoặc các quy chuẩn khác, bị phá vỡ, Uông Dương và Hồ Xuân Hoa là hai ứng viên duy nhất đủ điều kiện. Và có lẽ vị quan chức cao tuổi Uông sẽ là lựa chọn hợp lý đối với Tập, hơn là một ngôi sao đang lên như Hồ.
Điều đó sẽ khiến Hồ Xuân Hoa trở thành ứng viên hàng đầu cho chức Phó Thủ tướng thứ nhất vào năm 2023 (và có thể lên kế nhiệm Uông làm thủ tướng vào nhiệm kỳ năm 2028). Ba vị trí còn lại trong Ban Thường vụ sẽ được chia cho Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ, nhiều khả năng là theo thứ tự thâm niên. Dưới đây là tóm tắt kịch bản này.
Kịch bản 1: Danh sách thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20
Hàm ý về chính trị và định hướng chính sách
Kịch bản này có một số hàm ý. Đầu tiên, đây sẽ là kịch bản “tốt nhất” cho sự phát triển về mặt thể chế của ĐCSTQ, bởi vì nó cho thấy rằng các quy chuẩn nghỉ hưu của Ban Thường vụ vẫn có hiệu lực. Kịch bản này cũng sẽ khôi phục lại quy chuẩn ban đầu về việc lựa chọn hai nhà lãnh đạo tương lai. Cụ thể, Trần Mẫn Nhĩ và Hồ Xuân Hoa sẽ được xác định là hai ứng viên rõ ràng duy nhất cho vị trí Tổng Bí thư ĐCSTQ và Thủ tướng Quốc vụ viện vào năm 2027-2028, vì họ tương đối trẻ so với các thành viên khác trong Ban Thường vụ. Trong kịch bản này, không còn ai khác đủ điều kiện để ở lại Ban Thường vụ vào năm 2027.
Thứ hai, kịch bản này sẽ chứng minh rằng có những giới hạn đối với quyền lực cá nhân của Tập. Gần một nửa Ban Thường vụ là các đối thủ thuộc Đoàn phái (Uông Dương, Lý Khắc Cường và Hồ Xuân Hoa), chỉ có hai người là đồng minh của Tập (Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ). Sẽ không có chỗ cho những phụ tá thân tín khác của Tập như Lý Cường (63 tuổi), người đã bị mất uy tín khi thể hiện khả năng quản lý yếu kém trong đợt phong tỏa COVID-19 ở Thượng Hải. (Tuy nhiên, Ban Thường vụ vẫn có thể được mở rộng, chẳng hạn lên 9 thành viên; quy mô của ban này đã thay đổi trong những năm qua.)
Cuối cùng, kịch bản này có thể làm thay đổi cán cân trong Ban Thường vụ, thiên về những tiếng nói cải cách ủng hộ thị trường, cụ thể là Uông, Lý, Hồ và Trần. Liệu nhóm đa số này – kết hợp với một lượng lớn các nhà kỹ trị trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng – có thể khiến nền kinh tế chuyển hướng, sang tự do hóa và chủ nghĩa thực dụng hơn hay không?
Thật không may, có những lý do để nghi ngờ triển vọng của kịch bản này. Các nhà cải cách thị trường như Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lưu Hạc đã nắm giữ những vai trò điều hành quan trọng trong thập niên vừa qua, nhưng dường như sự hiện diện của họ chẳng đủ để ngăn cản sự chuyển đổi sang chính sách kinh tế “chính trị chỉ huy” dưới thời Tập Cận Bình.
Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những điều kiện kinh tế bấp bênh nhất sau 10 năm cầm quyền. Chính những điều kiện đó, hơn là yếu tố chính trị, cuối cùng có thể trao quyền cho các nhà cải cách ủng hộ thị trường. Và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ khiến Tập mất mặt và gây thiệt hại cho tầm nhìn “nhà nước lãnh đạo” nền kinh tế Trung Quốc của ông.
Tuy nhiên, đây chỉ là một kịch bản có thể xảy ra. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ phác thảo một kịch bản ngược lại, nơi các quy chuẩn bị loại bỏ để tạo điều kiện cho Tập củng cố quyền lực.
* Dan Macklin là một nhà phân tích chính trị và nhà tư vấn rủi ro, hiện đang sống tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Ông chuyên viết về chính trị và kinh tế chính trị Trung Quốc.
https://nghiencuuquocte.org/2022/10/13
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét