Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

" Văn học là vũ khí chiến đấu", cuộc trò chuyện với Annie Ernaux

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “La littérature est une arme de combat”, une conversation avec Annie Ernaux, Le grand continent, 6.10.2022.

27/10/2022

Annie Ernaux vừa nhận giải Nobel Văn học. Để hiểu tác phẩm của bà, độc nhất và mấu chốt, chúng ta phải trở lại xã hội học và đặc biệt là mối quan hệ giữa tác giả của Les Armoires vides/Những Tủ trống và La Femme gelée/Người đàn bà đóng băng với sự nghiệp của Pierre Bourdieu. Từ cuộc phỏng vấn dài này lộ ra ý tưởng làm nền tảng cho cách tiếp cận của bà với tư cách là một nhà văn: sử dụng sự viết lách như một vũ khí.

Isabelle Charpentier

Câu hỏi về “chỗ đứng/place” xã hội được chỉ định, về sự dịch chuyển trong không gian xã hội và tác động của chúng là trọng tâm của các tác phẩm của bà, nó thậm chí còn được dùng làm tiêu đề của một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của bà[1]. Vấn đề này, giống như vấn đề “ô nhục xã hội/honte sociale”, phù hợp với mối quan tâm của một số nhà xã hội học…[2]


Tôi có cảm giác rằng thực sự có một con đường tiến song song giữa xã hội học về sự thống trị, nói một cách nhanh chóng, và các công trình của tôi. Tôi nói “công trình” bởi vì viết là công việc [cười]! Giống như các nhà xã hội học mà bạn đề cập, tôi đã được dẫn dắt để viết về vấn đề của sự dịch chuyển trong không gian xã hội giữa thế giới của những kẻ bị thống trị và những gì có thể được gọi là thế giới của những kẻ thống trị, những kẻ thống trị thông qua văn hóa và tri thức. Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với tôi. Tôi đã cảm nhận một cách mãnh liệt sự dịch chuyển này. Nhưng khi tôi bắt đầu viết, tôi đã không viết về nó trước. Nó đến sau đó, thông qua một loạt các hoàn cảnh đã tiết lộ cho tôi về vị trí mà tôi chiếm giữ trong thế giới xã hội và về sự dịch chuyển của tôi, nhưng cũng về sự xấu hổ xã hội mà tôi cảm thấy. Ý tưởng về sự ô nhục đến với tôi muộn hơn sau đó. Nó tiềm ẩn trong mọi thứ tôi viết cho đến những năm 1990. Nhưng nó chỉ trở thành chủ đề của một cuốn sách vào năm 1998[3]. Cuộc gặp gỡ với xã hội học phê phán rõ ràng không xa lạ với cách tiếp cận của tôi. Lúc đầu, tôi đã có sự tiếp xúc đầu tiên với ngành này một cách khá mơ hồ khi tham gia các khóa học xã hội học năm 1963-1964 tại Đại học Rouen, nhưng thành thực mà nói, xã hội học – chủ yếu là của Mỹ, Parsons, v.v. – được giảng dạy lúc đó đã không khiến tôi ý thức (mỉm cười) về chính sự dịch chuyển-giáng cấp xã hội của bản thân. Ngay cả khi cách tiếp cận này luôn khó khăn, khi nhìn lại, tôi có thể nói rằng có một tiến trình chậm chạp, từ việc đọc cuốn sách Les Choses/Đồ vật năm 1965 của Pérec, cũng là một thời điểm rất quan trọng vì nó cho tôi một ý tưởng khác về văn học, cho đến khi cuộc gặp gỡ rõ ràng và chính xác vào năm 1972 với hai tác phẩm của Pierre Bourdieu và Jean-Claude Passeron, Les Héritiers/Những kẻ kế thừa[4] và La Reproduction/Sự tái sản xuất[5]. Lúc bấy giờ tôi là một cô giáo văn học trẻ, tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết không liên quan gì đến xã hội học và vấn đề về vị trí của tôi trong không gian xã hội. Ngoài ra còn có cái chết của cha tôi vào ngày 25 tháng 6 năm 1967, hai tháng sau khi tôi có được Chứng chỉ giảng dạy ở cấp trung học (C.A.P.E.S.), và ngay sau đó, cảm giác phải viết về sự mất mát này. Sự kiện này đã cho phép tôi đột nhiên phát hiện ra rằng tôi đã dịch chuyển sang một thế giới khác, rằng tôi đã rời khỏi thế giới thứ nhất với sự biến mất của cha tôi. Tất nhiên vào thời điểm đó, tất cả những điều này còn cần phải được suy nghĩ, được viết, đó là vấn đề, đó là một cảm giác rất mạnh liệt đối với tôi. Tôi đã bắt đầu viết trong mùa hè sau cái chết của cha tôi về sự dịch chuyển giữa hai thế giới này, về sự tách biệt này, về khoảng cách đặc biệt đã dần rộng ra giữa chúng tôi trong những năm qua, tuy tình cảm gắn bó lẫn nhau không bị đứt đoạn. Tôi bắt đầu từ điểm đến, một giáo viên được chứng nhận, với công việc đầu tiên của tôi vào mùa thu năm 1967 khiến tôi phải đối mặt với các lớp trung học đào tạo nghề B.E.P. về trợ lý-kế toán-thư ký và lớp 6 được cho là tồi, nhận thức về mối liên hệ giữa nguồn gốc xã hội và con đường học vấn xuống cấp, việc thuộc về tầng lớp tiểu tư sản trí thức của tháng 5 năm 68 và sự sôi động của nó, trong đó tôi tham gia không nhiều vì tôi sống ở tỉnh lẻ và đang mang thai… Đó là lúc tôi đọc Les Héritiers, La Reproduction và L'Ecole capitaliste en France/Trường học tư sản ở Pháp của Christian Baudelot và Roger Establet[6].

Lúc đó, đã có một nhận thức mãnh liệt không thể đảo ngược, cảm giác vẫn rất khó giải thích hiện nay rằng những cuốn sách này bộc lộ sự thật của những gì tôi đã cảm nhận. Thật kỳ lạ, tôi chưa bao giờ sở hữu hai cuốn sách này, La Reproduction và Les Héritiers, chúng thuộc thư viện của trường trung học (mỉm cười). Nhưng tôi đã giữ những ghi chú nhỏ mà tôi đã ghi chép về hai cuốn sách này trong một thời gian dài, thực tế chúng chẳng là gì so với tác động khá đặc biệt và xáo trộn mà các cuốn sách này gây ra cho tôi. Chúng đã thật sự buộc tôi làm những gì tôi phải làm, đó là viết ra tất cả những gì tôi đã kéo lê suốt 5 năm. Và sau đó là một chuyến đi đến Chili của Allende, một sự dấn thân chính trị ngày càng quan trọng, cuộc hôn nhân tư sản của tôi đang gặp khó khăn. Và theo một cách nào đó, tất cả những sự kiện này đều đi theo cùng một hướng, đó là sự từ chối thế giới tư sản mà tôi đã đặt chân đến, ngay cả khi việc đọc những cuốn sách này có lẽ có vai trò còn quyết định hơn nữa. Tôi bắt đầu viết vào tháng Tư về vấn đề chỗ đứng. Tôi đọc lại Les Héritiers sau cái chết của Bourdieu, và tôi xem lại La Reproduction. Thất lạ lùng khi thấy rằng thật ra không có mối quan hệ trực tiếp, chặt chẽ nào giữa những cuốn sách này và cuốn sách mà tôi sẽ viết sau đó, Les Armoires vides/Những tủ trống[7]. Nhưng có một cụm từ của Bourdieu thực sự làm tôi xúc động, khi ông ấy nói về cảm giác phi thực tế mà những người đào ngũ bỏ theo địch - tôi cũng không biết liệu ông có sử dụng thuật ngữ này không - phải trải qua, những sinh viên nhận học bổng, trong suốt quá trình học đại học của họ. Và đó là điều mà tôi đã nhớ, bởi vì chính tôi đã cảm nhận được điều đó. Đó là một sự kích hoạt. Có lẽ điều này được kết hợp với những điều khác rất sâu sắc đối với tôi đã nuôi dưỡng cách viết của tôi, cảm giác cảm nhận một lần nữa và tường thuật về những điều thực tế tôi đã trải qua trong thế giới thứ nhất, thế giới bị thống trị. Bản thân tôi đã cảm thấy cực kỳ mạnh mẽ việc dịch chuyển thông qua văn hóa, trường học, giáo dục đại học, như nằm ở bên ngoài, không thực, là trừu tượng, thậm chí có thể nói là sự xâm phạm. Đây là những gì tôi muốn biểu hiện trong cách viết, một cách viết rất cụ thể, với sự quan trọng rất lớn của cơ thể. Trong Les Armoires Vides, rõ ràng là như vậy! Do đó, điều rất quan trọng là tôi đã có nhận thức này vào những năm 1970, đặc biệt là nhờ Bourdieu. Nhưng sau đó, tôi đã thật sự ngừng đọc xã hội học trong một thời gian dài, tôi đã mất liên lạc với nó, chỉ để tìm lại nó sau đó. Cho đến khi tôi đọc vào năm 1980, vài tháng sau khi cuốn La Distinction/Sự Ưu biệt[8] của Bourdieu được xuất bản, tôi đã không còn đọc xã hội học nữa. Cuốn sách đầu tiên của tôi Les Armoires vides đã được xuất bản mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Sự gia nhập vũ trụ văn học của tôi đã được thừa nhận. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy như không có gì để học từ xã hội học, tôi cảm thấy như tôi đã tìm ra cách diễn đạt của riêng mình, điều đó thúc đẩy tôi viết… Tuy nhiên, những cuốn sách sau đó của tôi rõ ràng vẫn tiếp tục xoay quanh điều này, thế giới thứ nhất, sự đối đầu của nó đối với các giá trị của thế giới thống trị, đặc biệt là La Femme gelée[9], trong đó vai trò của xã hội nhất thiết phải rất quan trọng. Điều đã làm cho cuốn sách đã không được hiểu gì cả [cười]! Tôi đọc La Distinction vì báo chí nói về nó nhiều, nhất là Le Monde, tôi nhớ ông là tác giả cuốn Les Héritiers, và lúc đó, Bourdieu lại nổi lên, theo một cách nào đó! Nhưng lúc đó, tôi đã phải đối mặt kể từ rất lâu trước đó với dự án viết về cuộc đời của cha tôi. Sau đó, vào năm 1983-1984, tôi đăng ký mua tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales khi con trai tôi bắt đầu học xã hội học. Và kể từ đó, tôi đã luôn giữ đăng ký (cười). Đôi khi có vẻ hơi khó đọc, nhưng mong rằng tạp chí này sẽ tiếp tục.

Bà đã thường bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của bà đối với sự nghiệp của Pierre Bourdieu, vì những gì bà vừa nhắc lại, “tính hiển nhiên” của nó đối với bà. Rõ ràng đây là một ngành xã hội học “gây nhiều cảm hứng” nơi bà... Bà cũng đề cập đến tác dụng giải phóng của nó... Theo bà, nó “giải tính định mệnh (défatalise) cuộc sống”, nó làm đảo lộn cách chúng ta nhìn về thế giới xã hội và chỗ đứng chúng ta có trong đó, ngay cả khi cú sốc của sự khám phá này không nhất thiết phải là một niềm vui, nó giống như một thứ gì đó bạo lực hơn thế, bà nói đến “sự tách khỏi chính mình”, đến ý tưởng về một tấm màn bị xé toạc... Bà có thể nói rõ về tất cả những điều này?


Ferdinando Camon (1935-)

Vâng, thực sự có cảm giác rất mạnh mẽ này về tính hiển nhiên, không thể nào có thể so sánh được với mối quan hệ mà tôi đã từng có với triết học mà tôi đã tìm hiểu khá nhiều nhưng không giải quyết được gì, đặc biệt là Sartre và chủ nghĩa hiện sinh vốn đã rất quan trọng trong thời thanh niên của tôi, từ 17 tuổi cho đến 23-24 tuổi... Với Les Héritiers của Bourdieu, tôi có cảm giác khám phá ra điều gì đó thuộc về lĩnh vực của chân lý bản thể học, trọng yếu, một lời nói dựa trên gần như trên toàn bộ cuộc sống của bạn, tiếng vọng vang vọng. Một ngày nọ, tôi đọc một cuốn sách rất hay thuộc trào lưu tiểu thuyết mới, của Ferdinando Camon, một nhà văn người Ý, người đã trải qua một sự dịch chuyển xã hội thậm chí còn lớn hơn tôi, bởi vì anh ta xuất thân từ một gia đình rất nghèo ở Ý trước chiến tranh, mẹ của anh không biết đọc… Anh ấy cũng là một người rất dấn thân về phương diện chính trị. Anh tự đặt ra cho mình một câu hỏi: nghèo là gì. Đối với anh ấy, nghèo có nghĩa rất đơn giản là bố mẹ bạn nghèo, bố mẹ của bố mẹ bạn cũng nghèo. Khi tôi đọc cuốn sách này, ngay lập tức, giống như khi tôi đang đọc những câu chuyện phá thai, tôi tự nhủ: vâng, chính là nó! Không có gì khác để nói! Trên bình diện trí tuệ, khi đọc Les Héritiers de Bourdieu, tôi cũng có cảm giác về tính hiển nhiên này. Đó là lý do tại sao nó rất mạnh và rất dữ dội, nhưng đây là một bạo lực giải phóng, bởi vì tôi cảm thấy buộc phải làm điều gì đó về vấn đề đó. Và nơi duy nhất tôi có thể làm bất cứ điều gì rõ ràng là trong việc viết lách. Nhưng đó không phải là một niềm vui, đúng hơn là một cú sốc thực sự dữ dội, bởi vì đó là hoàn cảnh của chính tôi, vị trí của chính tôi với tư cách là một giáo viên truyền thụ một di sản văn hóa văn học - một di sản rất dữ dội đối với tôi khi tôi tiếp nhận nó – được vận dụng, được khách quan hóa, với tất cả những điều nhục nhã mà bản thân tôi đã phải chịu đựng, mà còn cả cuộc hôn nhân của tôi với một người thuộc giai cấp tư sản. Xã hội học của Bourdieu, trong chừng mực nó làm cho những quá trình này trở nên rõ ràng, tạo ra một sự tách khỏi chính bản thân, tàn bạo. Tất cả những niềm tin trên đó chúng ta đã hoạt động trước đây, nơi chúng ta xây dựng cuộc sống của mình, tương lai của chúng ta, dự án tồn tại của chúng ta, đột nhiên sụp đổ. Đó là một tấm màn bị xé toạc, vâng... Tất cả những người đã trải qua những điều này đều nói lên điều đó! Không ai trước Bourdieu đã tạo ra cho tôi - cũng như cho nhiều người khác, tôi nghĩ - một hiệu ứng âm vang như vậy. Và tôi chưa bao giờ tìm thấy sự tương đương trong các loại phản ánh xã hội học khác. Và điều đó tạo ra một sự khác biệt lớn… Trái ngược với những gì một số người gièm pha có thể nói, cáo buộc nó là quá giản lược, mang tính quyết định luận và không giành chỗ cho các tác nhân, xã hội học này giải tính định mệnh cuộc sống, nó đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về sự vận hành tổng thể của xã hội, về các thứ bậc của nó, về việc sử dụng ngôn ngữ… Ví dụ như với tư cách là một giáo viên, điều này buộc tôi phải xem lại cách giảng dạy của mình. Nhưng nhất là nó rất quan trọng đối với cách viết của tôi. Nếu tôi không gặp phải cú sốc này, có lẽ tôi đã không viết theo cách đã viết, hoặc có lẽ về điều đã viết. Có một sự tương đẳng... Và tôi vẫn nghĩ rằng một thứ gì đó rất quan trọng đã diễn ra lúc đó cho toàn bộ cuộc sống của tôi... Một cách giải phóng để nhìn thế giới, một sự giải thoát, một sự cô đơn mà người ta phá vỡ... Nó đã có một hiệu ứng giải phóng, trong chừng mực hiểu biết mọi thứ, biết cách vận hành của sự thống trị, hay đơn giản là hiểu tại sao bạn cảm thấy tự ti về mặt xã hội như vậy, điều này đột nhiên khiến bạn rời xa khỏi cách giải thích tâm lý, cá nhân, nói cách khác là giải thích bằng một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều và rất nổi tiếng trong những năm 1950 và 1960, mặc cảm … Tất cả những điều đó không còn tác dụng nữa, không còn là hiển nhiên nữa! Từ nay, sự giải thích dựa vào các nguyên nhân xã hội khách quan, bên ngoài các cá nhân. Điều này làm sáng tỏ cơ sở xã hội của cảm giác về những khó khăn của sự tồn tại, những khắc khoải đã trải qua trong bóng tối, trong sự mờ mịt, và cả trong đau khổ. Khi ta có thể giải thích mọi thứ về mặt xã hội, đột nhiên, có một luồng tự do to lớn! Trở lại với cảm giác rất sâu sắc về tính hiển nhiên mà tôi đã nói lúc nãy, với cảm giác tách khỏi chính bản thân mà tôi đã có khi khám phá ra xã hội học của Bourdieu vào đầu những năm 1970... nếu tôi có nó, chính xác là vì công trình khoa học này đề cập đến những thứ mà tôi về thực chất đã trải qua, trong suốt cuộc đời của tôi, trong suốt hành trình, với toàn bộ cơ thể của tôi. Tất cả những điều này đột nhiên được vén lộ, ngay cả khi tôi không thực sự thích từ này (mỉm cười)... Công trình này đã xác nhận một cách khoa học những gì đối với tôi là những ký ức, những cảm giác lan man, những đau đớn. Chắc chắn rằng xã hội học sẽ giúp tôi củng cố bản thân, thậm chí cho tôi một ngôn ngữ, ngay cả khi nó không thể thay thế những động lực thúc đẩy tôi viết. Nhưng tôi xin nói thẳng, trong mối quan hệ của tôi với xã hội học, tôi không “ăn cắp”... Đó đúng hơn là một bệ phóng cho tôi …, một điểm tựa, khiến cho tôi không cảm thấy đơn độc, và đó thật sự là một sức mạnh! Và hãy tin rằng đôi khi mình cũng cần rất nhiều sức lực (mỉm cười)! Các cuộc tấn công, tôi đã hứng chịu rất nhiều! Xã hội học phê phán mang lại cho tôi sức mạnh để vượt qua tất cả những điều đó! Tôi đã viết 28 năm rồi [cười], ở đâu đó có một thứ gì đó không thể phá hủy [cười]!

Cụ thể, về vấn đề này, bà thường nói rằng việc đọc các tác phẩm của Pierre Bourdieu có tác dụng “xóa cái mặc cảm tội lỗi” đối với bạn, rằng xã hội học này đã khuyến khích bà viết, rằng nó đã cho bà quyền, và thậm chí là nghĩa vụ để viết, để diễn đạt thành từ và để khách quan hóa hành trình xã hội của mình. Những câu chuyện của bà, dù là tự truyện, trên thực tế đã điễn tả thành hình thức và ngôn từ một dạng định mệnh mang tính nhận thức luận, chung cho cả một cộng đồng người, “những kẻ đào ngũ (khỏi) giai cấp”, những người bị giáng cấp từ ở trên, thông qua việc đạt được bằng cấp của trường học. Thường xuyên quan tâm đến việc “thoát khỏi cạm bẫy của cá nhân”, thông qua việc sử dụng cái mà bà gọi là “cái tôi liên cá nhân”, bà cho các độc giả của bà nhận thấy rằng “trường hợp” của bà, cũng như của họ, không phải là trường hợp riêng biệt, lẻ loi, họ cũng chỉ là những trường hợp trong bao nhiêu trường hợp khác. Bà có thể nói rõ hơn về dự án này cũng làm cho bà gần gũi hơn với xã hội học?

Đúng là khi tôi bắt đầu viết Les Armoires vides, tôi đã không đặt ra cho mình nhiều câu hỏi, động lực của tôi là mong muốn làm sáng tỏ sự dịch chuyển từ thế giới này sang thế giới khác thông qua trường học, rồi đại học, sự giao du với giai cấp tư sản trong giới sinh viên. Trước hết, đó là sử dụng cái quyền và mệnh lệnh mà việc đọc Les Héritiers, La Reproduction và L’École capitaliste en France đã trao cho tôi. Nó cho tôi sự táo bạo, mang đến tính chính đáng cho dự án viết lách của mình. Tôi tự nhủ những gì tôi phải nói rất riêng tư, đó là câu chuyện của một cô gái con một có bố mẹ là công nhân và sau đó trở thành người buôn bán nhỏ. 

Khi đó, hoàn toàn không có vấn đề làm một cái gì đó thuần khiết hay trừu tượng, mà thật sự là chìm ngập trong cái gì mang tính cá nhân nhất ngay từ đầu. Nhưng đồng thời, cũng có ước muốn rút ra những quy luật tổng quát hơn. Và tôi càng viết nhiều - ngoại trừ cuốn Ce qu’ils disent ou rien/Những gì họ nói hay sẽ không có gì hết[10], thể hiện ý đồ viết tiểu thuyết duy nhất của tôi - thì tôi càng có cảm giác rằng thông qua tôi, thông qua những gì có thể mang tính cá nhân, có điều gì đó tổng quát hơn, tập thể hơn, được chia sẻ bởi những người khác. Có một hiệu ứng không chỉ là mang tính văn học của những gì ta viết. Kể từ khi tôi viết Les Armoires Vides, rõ ràng là ngay cả cách nhìn của chính tôi về mọi thứ cũng đã thay đổi! Việc viết tạo ra cách nhìn riêng của nó về mọi thứ. Cách nhìn của tôi trước khi viết Les Armoires vides không còn giống như sau đó. Đó là tác dụng của văn bản, của việc viết, đó cũng còn là tác dụng khá quan trọng của việc tiếp nhận Les Armoires vides. Tất cả những điều này khuyến khích tôi suy nghĩ theo cách ngày càng ít cá nhân hơn, ngay cả khi tôi nghĩ đến việc tham gia vào một dạng tự truyện rõ ràng, nhưng ở một dạng hơi đặc biệt. Từ đó, tôi tìm kiếm những gì trong cái cá nhân, cái riêng biệt, cái thân mật, cũng là cái tổng quát hơn. Nhưng tôi biết rằng việc xác định các quy luật chung cũng là dự án của xã hội học (mỉm cười)!

Vậy chính xác thì dự án của bà khác với xã hội học như thế nào? Ví dụ, với xã hội học của Richard Hoggart?

Điều gì khiến tôi khác biệt?… (mỉm cười) Tôi đã đọc hai cuốn sách của Richard Hoggart, Văn hóa của người nghèo/La culture du pauvre[11], rất sáng tạo, và cuốn sách phân tích mà ông đã viết về thời thơ ấu của mình, dưới dạng tự truyện truyền thống, 33 Phố Newport/33 Newport Street[12]. Tôi có thể nói rằng điều khiến tôi khác biệt là phương tiện khám phá mà tôi sử dụng, các công cụ, thuộc về tính đặc thù của văn học, chắc chắn đó là cách hình dung và khởi sự viết … Nó khá khó giải thích, tôi không có điều gì đó để nói trước… trên thực tế, điều cần nói, ngay lập tức, đòi hỏi một hình thức nhất định. Đối với tôi, có một mối quan tâm hình thức rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ đó có lẽ là điểm tôi khác biệt nhất so với xã hội học nói chung và xã hội học của Richard Hoggart nói riêng. Nếu tôi lấy một cuốn sách như La Honte/Sự Ô nhục chẳng hạn, về cơ bản thì nó lấy chiếm rất nhiều thứ đã có trong những cuốn sách trước của tôi, nhưng đồng thời, tôi cần phải nói điều gì đó khác, để thực hiện một cử chỉ bạo lực... Về cơ bản, đây là lý do mà tôi muốn viết… từ khi 20 tuổi… Và điều đó hoàn toàn không phải là xã hội học (cười)! Có một yếu tố bí ẩn cuối cùng vẫn kháng cự, những gì được vận dụng khi tôi viết, một cái gì mà các nhà xã hội học cố gắng xuyên thủng [cười], nhưng...

Điều cũng rất nổi bật trong cách viết của bà là sự phản ánh chính xác về phong cách, về hình thức. Bà nói đến “cách viết từ xa”, nghĩa là cả một phong cách (cách viết “trắng”, “phẳng” nổi tiếng) và một phương pháp gần như mang tính dân tộc học đôi khi tạo nên dấu ấn của bà, nhưng cũng bị một số nhà phê bình chỉ trích. Bà dường như làm rối lên các ranh giới giữa hai thể loại thù địch truyền thống, văn học và xã hội học, vốn được xây dựng, hơn thế nữa, trong thế đối lập...


Tác phẩm “La Place” được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Một chỗ trong đời”. - ND

Tôi không sử dụng thuật ngữ xã hội học trong các tác phẩm của mình, trong khi vẫn có thể làm như vậy ở những nơi khác, trong các cuộc phỏng vấn... Đó là một hệ thống thuật ngữ mà tôi tiếp thu một cách hơi hoang dại (mỉm cười). Càng đọc xã hội học, có những từ đối với bạn dường như phù hợp nhất để biểu thị những điều chúng ta đang nói đến. Khi tôi viết, đôi khi tôi sử dụng một số từ nhất định từ xã hội học, nhưng một cách không có hệ thống, bởi vì sự vật, khi tôi viết, không xuất hiện với tôi dưới dạng trừu tượng của chúng... Chẳng hạn khi tôi nói ở đây về sự thống trị hoặc về bạo lực biểu tượng, ​​khi tôi viết, hoàn toàn không phải là thuật ngữ trí thức, xã hội học, có thể đến với tôi; những gì đến với tôi là những cảnh, những cảm giác, mà tôi sẽ triển khai với những từ để miêu tả, những từ giúp ta thấy được, thường là những từ rất cụ thể, chỉ những cảnh sống, những điều đã thấy, những câu đã nghe. 

Khoảng cách để khách quan hóa hoàn cảnh của tôi: khoảng cách với cha mẹ tôi xảy ra trong thời niên thiếu, khoảng cách giữa đứa trẻ tôi từng là và người phụ nữ trưởng thành mà tôi đã trở thành, khoảng cách giữa thế giới xuất thân và thế giới tư sản, trí thức, giữa văn hóa ban đầu và văn hóa hiện tại cho phép tôi viết... “Khoảng cách khách quan hóa” - đây là một thuật ngữ được Bourdieu sử dụng - tôi tin rằng tôi đã thực sự phát hiện nó trong bóng tối, trong sự mò mẫm, khi viết La Place (Một chỗ trong đời). Qua một sự lao động lâu dài, vốn là một quá trình nhận thức về khoảng cách, một hình thức tách khỏi được hoàn thành trong sự cô đơn, do đó vô cùng đau đớn vì nó cũng giống như sự bất lực của việc viết lách. Lúc đó, tôi suy nghĩ về vị trí của mình với tư cách là một nhà văn – người kể chuyện – kẻ đào ngũ bỏ theo địch, xuất thân từ thế giới bị thống trị nhưng hiện thuộc về thế giới thống trị, người viết (và người viết để được đọc, điều này rất quan trọng) về một người thuộc thế giới bị thống trị, cha tôi, người rất gần gũi với tôi, trong khi các độc giả thuộc giới thống trị, thuộc văn hóa tư sản và điều đó không dễ dàng chút nào. Việc xác định vị trí này thậm chí còn khó hiểu ngay cả đối với tôi, từ bên trong… Làm thế nào để thể hiện những cảm xúc như vậy thông qua việc viết? Khi đó tôi nhận ra rằng không dễ để một người đào ngũ bỏ theo địch viết về thế giới xuất thân của anh. Nhất là khi đó không phải là nói về bản thân, mà là về bố tôi… hoặc sau này là mẹ tôi[13]… Viết từ xa, khách quan hóa, không đánh giá, đã trở thành vị trí duy nhất có thể, là tư thế viết duy nhất có thể. Sau đó, tôi khái quát tư thế này cho tất cả các chủ đề mà tôi đã đề cập, kể cả khi chủ đề của văn bản dường như thoát khỏi các quyết định của xã hội, chẳng hạn như niềm đam mê trong Passion simple/Sự đam mê đơn giản[14]. Đúng đó là tất cả những gì mơ hồ trong tư thế của những cuốn tự truyện văn học “ở bên dưới”… vì chính xác, chúng toát ra từ những con người đã thoát khỏi hoàn cảnh đó. Trong khi ngôn ngữ, việc viết lách, cách nói là những nguồn lực và công cụ của nền văn hóa thống trị. Đây là thứ mà Jean Genêt gọi là “ngôn ngữ của kẻ thù”. Khi tôi viết Les Armoires vides với cường độ bạo lực cực độ, tôi đã sử dụng một ngôn ngữ truyền tải cả những từ ngữ Normand, những từ ngữ rất dung tục, rất thô tục, cộng thêm vào vấn đề phá thai... Lúc đó tôi đã xóa bỏ hoàn toàn toàn nền văn hóa hàn lâm, văn hóa mà tôi truyền lại với tư cách là một giáo viên. Ngoài ra còn có một sự trở về lại với bạo lực ban đầu đã phải chịu đựng. Trong cuốn này, nó trở lại một cách vô thức dưới hình thức một hình phạt gắn kết tình dục và xã hội, phá thai. Có một trò chơi mà tôi hoàn toàn không ý thức vào thời điểm này, ngoại trừ ngôn ngữ hủy diệt mà tôi sử dụng để nói về nó. Thứ tôi muốn phá hủy cũng là văn học, nếu không thì tôi sẽ không viết [cười]! Tôi đã viết vào năm 1962 trong một cuốn nhật ký là tôi muốn viết để trả thù cho dòng giống của mình… Tôi ở trong một tình trạng nổi loạn không thể tin được vào cuối những năm 1970, tôi vẫn còn rất nhiều bản nháp nơi tôi thực sự bày tỏ một sự bạo lực kinh hoàng [cười] chống lại định chế học đường, chính xác là ngôn ngữ của kẻ thù… Rất khó để tìm ra tư thế viết nào là công bằng nhất… chỗ đứng … chỗ đứng đúng đắn trong việc viết lách để không phản bội thế giới xuất thân của chúng ta, để trở thành một nhân chứng khách quan về nó … nhưng cũng phải nêu lên nhiều điều! Chất liệu mà tôi đã sử dụng rất nhiều để viết La Place chính là những câu của cha mẹ tôi mà tôi nhớ, ngôn ngữ chung của thế giới bình dân, mà tôi đã chia sẻ với họ. Một cách tự phát, không cần suy nghĩ nhiều, khi tôi kể câu chuyện về cuộc đời của cha tôi và ông bà tôi, điều đến với tôi chính là ngôn ngữ của bên dưới! Ngoại trừ việc nó đúng, cú pháp thì cổ điển, nhưng ngữ vựng đúng là của ngôn ngữ này! Tôi sử dụng những từ của họ! Tôi tự định vị lại bản thân trong ngôn ngữ đó, trong bạo lực đó... Tôi sử dụng các nguồn cú pháp cổ điển, nhưng để đắm mình và người đọc trong thực tế của các mối quan hệ xã hội mà tôi đã trải qua trong thế giới đầu tiên của mình, trong cách nhìn và giới hạn của thế giới của cha tôi, tôi sử dụng những từ ngữ này để nói lên thế giới của họ. Đây là một sự lựa chọn chính trị. Chính nghĩ đến độc giả mà tôi sử dụng chữ in nghiêng cho những từ này! Tất nhiên, tôi hoàn toàn nhận thức rõ ràng về điều này, ngay cả khi tôi không thể lường trước được tác động của nó!

Cách tiếp cận tự phân tích xã hội do Pierre Bourdieu khởi xướng đặc biệt trong xã hội học đã có tiếng vang mạnh mẽ trong công việc của bà và một lần nữa đưa nó đến gần hơn với xã hội học. Làm thế nào bà sử dụng hoặc chuyển hướng cách tiếp cận này trong văn học và có phải chính tư thế này, theo ý kiến ​​của bà, cho phép tránh được cạm bẫy kép của khuynh hướng tả khổ và chủ nghĩa dân túy?


Didier Eribon (1953-)

Mục tiêu của tôi khi viết La Place là tránh sự đồng lõa, sự thông đồng giai cấp, với độc giả được cho là thống trị, để ngăn ông ta đặt mình “trên” cha tôi. Đó là một sự lựa chọn chính trị, cần thiết, không nhân nhượng. Tôi không muốn làm cho bố tôi bị coi như là một người kỳ quặc. Tôi nhận thức được sự nguy hiểm. Thứ nhất vì văn học những năm 1970 đã được nuôi dưỡng rất nhiều bởi những tiểu sử, đặc biệt là theo chủ nghĩa địa phương, đã rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa dân túy. Tôi biết rất rõ là khi một nhà văn, tức theo một cách nào đó thuộc về thế giới thống trị, giới thiệu, thông qua trung gian của một văn bản văn học, một người của thế giới bị trị đến một công chúng cũng thuộc thế giới thống trị, thì người này trở thành một đồ vật, anh ta được cấu thành như một sự vật “kỳ lạ”, thấp kém… Tôi đã lo lắng muốn tránh điều đó. Do đó, chiến lược viết của tôi nhằm mục đích, chẳng hạn, xóa bỏ hoàn toàn mọi thứ rất riêng tư, tâm lý, tình cảm, cảm xúc, tất cả mọi thứ thường thấy trong phong cách viết tự truyện. Tôi không quan tâm đến việc nói rằng bố tôi là người vui vẽ, mà là nói về cách mà tính vui vẽ này biểu hiện ra sao, những lời đùa cợt mà ông ấy đã có, đặc biệt là với phụ nữ, v.v.. Nhưng tuyệt đối không có giai thoại, không có giai thoại nào chỉ là giai thoại … Đối với tôi, hoàn toàn không thể tưởng tượng được việc giới thiệu ông như một đồ vật! Bởi vì nếu không, ngay lập tức, thế giới này sẽ là đối tượng của một sự kỳ thị và hạ cố. Chính khi viết La Place, tôi mới nhận ra rằng xu hướng tả khổ và chủ nghĩa dân túy là hai cạm bẫy chính. Nhưng tôi không dùng hai từ này, xu hướng tả khổ và chủ nghĩa dân túy, trong La Place, bởi vì đó không phải là cách mà các vấn đề đến với tôi. Câu hỏi tôi tự đặt cho mình là: thế giới mà tôi đang mô tả, là hạnh phúc hay là bất hạnh? Vâng, đúng đó là hạnh phúc, nhưng nó cũng là bất hạnh! Đó là cả hai! Và vì vậy, tôi đi từ bên này sang bên kia, nhưng không một lúc nào tôi có ý nghĩ rằng một bên là tôi có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa dân túy, tức là giới thiệu thế giới như đã thoát khỏi sự tha hóa, và bên khác, thiên về xu hướng tả khổ, tức là chỉ cho thấy nó hoàn toàn bị tha hóa! Hai từ này hoàn toàn không đến với tôi, mặc dù tôi biết chúng (mỉm cười), nhưng tôi không cảm nhận sự việc như vậy. Quay trở lại điều mà chúng ta đã nói trước đây, có lẽ đó là sự khác biệt giữa khoa học xã hội và sáng tác văn học, nơi mà mọi thứ đến với bạn trước tiên dưới dạng ký ức, cảm giác, nhưng không phải dưới dạng các từ trừu tượng, các khái niệm. Đặt từ trên chúng (ký ức, cảm giác) sẽ đến sau. Độc giả của tôi không nhất thiết phải là độc giả thường xuyên của xã hội học, họ mong tìm được văn học, tôi cho họ một phát (mỉm cười)! Theo phản hồi về sự tiếp nhận những phản hồi về sự tiếp nhận cuốn sách qua thư bạn đọc, người ta không thắc mắc đây là xã hội học hay văn học, hầu hết đọc một văn bản, chấm hết. Nhưng thực sự, tôi có ấn tượng rằng đối với họ, việc đọc La Place đã gây ra hiệu ứng mà Les Héritiers và La Reproduction của Bourdieu đã có đối với tôi vào những năm 1970, tức là các độc giả của tôi cũng đã gặp phải khi đọc La Place hiệu ứng của sự vạch trần và sự tách khỏi chính mình. Tôi luôn nghĩ rằng có trong tất cả những gì tôi đã trải qua, trong tất cả những gì tôi đã cảm nhận, đã nghĩ, có cái gì đó không thuộc về mình, cái gì đó không phải của tôi. Tất nhiên, cảm giác này được củng cố bởi kiến ​​thức xã hội học của tôi. Tôi thực sự là sản phẩm của một tiểu sử, của một hành trình có thể được khách quan hóa. Những suy nghĩ tôi có trong thời thơ ấu và sau đó không phải là biểu hiện của một sự chủ quan thuần túy. Công việc viết lách vĩnh viễn là sự cập nhật, là việc đặt những từ trên những điều không phải là của riêng tôi. Cách đây vài năm, tôi đã tìm thấy một định nghĩa hay về điều này trong bài Meditations Pascaliennes/Trầm tư theo chân Pascal[15], khi Bourdieu gợi lên rất gay gắt những cuốn tự truyện truyền thống (mỉm cười) và khi ông nói rằng khả năng duy nhất là thực hiện điều mà ông gọi là “lời bộc bạch không của riêng ai”. Tôi rất thích thuật ngữ đó. Tôi đã có một suy nghĩ hoàn toàn tự phát khi Didier Eribon đưa một văn bản của Pierre Bourdieu cho tạp chí Nouvel Observateur[16] ngay sau khi Bourdieu qua đời, trình bày nó như một lời bộc bạch chưa được công bố, một lời kể về tuổi trẻ của ông. Ngay lập tức, khi tôi đọc nó, tôi thấy tại sao nó có thể là của trời cho tờ Le Nouvel Observateur (mỉm cười)! Đó là một văn bản không có ý định được xuất bản như vậy! Chúng ta phải luôn chú ý đến nơi mà một câu chuyện rơi vào, một câu chuyện trong đó tác giả thể hiện mình bị thống trị, như xuất phát từ thế giới “bên dưới”, và đến những cách sử dụng mà nó có thể gặp phải! Đây là những gì mà cá nhân tôi đã giải thích với Didier Eribon, người có lẽ đã không nghĩ đến điều đó. Chính vì vậy mà tôi cố gắng dự đoán phần nào phản ứng của độc giả. Thật ra kiểm soát phản ứng của họ là hoàn toàn không thể dự đoán được.

Trong quá trình nghiên cứu mà tôi đã thực hiện trong khuôn khổ của luận án của tôi[17], một trong những độc giả trung thành của bà, một giáo viên, đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn: “Annie Ernaux, như là Bourdieu trong tiểu thuyết”... Công thức này đã gây một ấn tượng mạnh nơi tôi…[18]

Tất nhiên, thuật ngữ “tiểu thuyết” là không đúng, nhưng tôi nghĩ bà ấy muốn nói đến là “trong văn học”, “với một hình thức văn học”... Đó có thể là một công thức tốt, vâng (mỉm cười)...

Để xác định dự án viết lách của mình, bà thường nói rằng bà muốn làm cho “sự đè nén xã hội bùng nổ”. Ở đây một lần nữa, quan điểm này không xa lắm so với quan điểm xã hội học của Pierre Bourdieu, có một tiếng vang mạnh mẽ...


Pierre Bourdieu (1930-2002)

Vâng, thuật ngữ “sự đè nén xã hội”, tất nhiên là tôi đã tìm thấy nó trong xã hội học của Bourdieu. Tôi đã nói rất nhiều về một văn bản như La Place, và những từ mà đối với tôi dường như là chính xác nhất và phù hợp nhất để gợi lên cách tiếp cận của tôi khi tôi tạo ra cái phản diễn ngôn hay cái siêu diễn ngôn này về công việc của mình - thật là lạ, nhưng tôi gặp nhiều khó khăn hơn với các thuật ngữ ngôn ngữ học, tôi ghi nhớ chúng kém hơn các thuật ngữ xã hội học [cười]! -, tôi tìm thấy chúng trong xã hội học, giống như ý niệm “đè nén xã hội” này mà tôi thực sự thấy rất phù hợp với cách tiếp cận của mình. Nhưng những thuật ngữ này luôn đến với tôi sau... Xã hội, sự thuộc về xã hội đối với tôi là những thứ quyết định nhất. Dù sao đó là những gì tôi muốn nêu bật... Tôi nghĩ nó mang tính quyết định hơn giới tính, ngay cả khi giới tính rõ ràng là vô cùng quan trọng. Tôi nhận ra điều này, đặc biệt là trong bạo lực mà các nhà phê bình đã buộc tôi phải chịu đựng! Tôi cảm nhận rất rõ điều này kể từ Passion simple/Sự đam mê đơn giản và gần đây, với L’Événement/Sự kiện[19] nhân nói về phá thai. Nhưng ở đây, tôi tự nhủ là nếu không viết ra văn bản này mà tôi đã muốn viết suốt 20 năm, nếu không đi đến cùng, tôi sẽ chịu sự thống trị của nam giới.

Hồi nảy, chúng ta đã đề cập đến hiệu ứng giải mặc cảm tội lỗi mà xã hội học của Pierre Bourdieu tạo ra đối với bà, điều đã mang lại, như bà nói, quyền và thậm chí là nghĩa vụ phải viết... Có vẻ như toàn bộ sự nghiệp này (của Pierre Bourdieu) có tác dụng đối với bà như một mệnh lệnh phải hành động: một mệnh lệnh để viết, như đã nói mà cũng là mệnh lệnh để dấn thân về mặt xã hội và chính trị... Đối với bà văn học dường như về thực chất là chính trị, nó không thể tách rời với sự dấn thân “trong thời đại”…

Vâng, tôi thích khái niệm về mệnh lệnh và dấn thân. Sự dấn thân của tôi đã có từ thời chiến tranh Algeria, nó đã có từ lâu trước việc viết lách! Nó được củng cố bởi bà giáo sư triết học Mác-xít và Công giáo - không ai là hoàn hảo cả [cười]! - mà tôi được học ở trường trung học Rouen. Bà quan trọng đối với tôi, vì cùng với bà, vào năm 1958 tôi đã chăm sóc cụ thể cho một gia đình người Algeria sống trong doanh trại ở Rouen. Sau đó, đối với tôi, viết lách đã trở thành một hình thức dấn thân chính trị toàn diện, đó là một hành động chính trị kể từ những năm 1970. Đây là một điểm chung khác giữa tôi và xã hội học của Bourdieu: Bourdieu đã bị chỉ trích về sự dấn thân chính trị của mình vì ông là một học giả! Tôi chưng hửng vì rõ ràng là xã hội học này, trong chừng mực nó bộc lộ bạo lực mang tính biểu tượng, hệ thống phân cấp xã hội, chẳng hạn như sự phân tích các thực tiễn văn hóa trong La Distinction/Sự Ưu biệt, xã hội thống trị..., luôn mang tính chính trị! Khi Bourdieu dấn thân vào lĩnh vực của phong trào xã hội vào tháng 12 năm 1995, đó là một điều hiển nhiên đối với tôi! Ông đã ủng hộ việc Coluche ứng cử tổng thống. Và thật ra rất lâu trước đó, ông đã dấn thân vào thời điểm chiến tranh Algeria, dù lúc đó tôi không hề biết điều đó … Như vậy, sự dấn thân này đã có từ lâu! Nathalie Sarraute đã từng nói rằng bà có những cam kết chính trị được thể hiện vào thời điểm bỏ phiếu, nhưng việc viết lách là một cái gì đó khác. Đối với tôi, điều đó là không thể! Viết nhất thiết phải có một ý nghĩa chính trị. Những gì tôi viết luôn có một ý nghĩa chính trị, thậm chí đôi khi độc lập với chính bản thân. Tôi đã bị trách móc vì điều này bởi vì sự dấn thân chính trị của các nhà văn ngày nay không phải là quá phổ biến! Thậm chí gần như kỳ quặc khi kết hợp hai thuật ngữ, “dấn thân” và “nhà văn”... Ví dụ, D.A.L., hiệp hội Droit au Logement/Quyền có một chỗ ở, đã gọi cho tôi cách đây hai tuần, bởi vì năm tới họ sẽ cố gắng thu thập các truyện ngắn để bán và mang tiền lại cho hiệp hội. Người của hiệp hội hỏi tôi rằng tôi có thể cho cô ấy biết tên của những nhà văn sẽ đồng ý tham gia, vì ngoài tôi ra, cô ấy không thấy có tên nào cả [cười]! Có rất ít nhà văn tham gia vào chính trị. Nhưng tôi tin rằng điều gây phiền toái nhất cho một số nhà phê bình văn học và nhà báo ở Paris là sách của tôi không đưa ra một thông điệp chính trị rõ ràng, chúng không phải là sách chính trị rõ ràng, theo nghĩa đấu tranh của từ này, chẳng hạn như sách của André Stil. Đó không phải: đây là những gì tôi tin, đây là những sự dấn thân của tôi [cười]! Nhưng trong sâu thẳm họ cảm thấy rằng họ cũng đều có tính chính trị (cười), ngay cả khi họ không thấy rõ ràng là từ đâu! Tôi được mô tả là một “người theo chủ nghĩa Stalin” rất nhanh chóng, vào năm 1984, khi tôi công bố La Place, trong một chương trình của Michel Polac, và trên tờ Le Nouvel Observateur[20], vào thời điểm phát hành La Honte và “Je ne suis pas sortie de ma nuit/Tôi chưa ra khỏi cái đêm của tôi”[21], Jérôme Garcin thì cho rằng tôi là “nhà văn Pháp thực sự cộng sản cuối cùng” [cười]! Nếu so sánh một cách công bằng, đây cũng là những gì phần nào xảy ra với xã hội học của Bourdieu! Đây là lý do tại sao cũng những nhân vật ấy không thể chấp nhận nó, bởi vì đích xác nó thách thức những gì được thiết lập. Sau bài báo tôi đăng trên Le Monde sau cái chết của Bourdieu[22], khi không ai yêu cầu tôi và tôi cũng chưa bao giờ đề xuất văn bản cho Le Monde, khi bài ấy không chỉ mang lại bạn bè cho tôi, thì tôi cũng đã nhận được rất nhiều thư từ những người nói với tôi rằng họ cảm nhận những gì tôi đã viết. Điều quan trọng là tôi phải làm được điều đó, tôi lại bị thúc đẩy bởi một mệnh lệnh mà tôi đã đáp ứng (mỉm cười), nó giống như một nghĩa vụ hay một món nợ phải trả! Có một làn sóng tình anh em thực sự, rất mạnh mẽ sau cái chết của Bourdieu, bao gồm - và điều này rất thú vị - cả những người không nhất thiết đã từng đọc ông, nhưng đối với họ Bourdieu biểu hiện cho người canh giữ, người bảo vệ một cái gì đó mà trong đó họ đã tìm thấy chính bản thân mình, một cái gì đó là quan trọng đối với họ. Bourdieu thuộc về họ theo một cách nào đó...


Simone de Beauvoir (1908-1986)

Điều này đặc biệt đúng đối với những người có sự cam kết chính trị hoặc nghiệp đoàn, đối với những người tự học. Thật không tưởng được! Thật là quá hay! Riêng tôi, tôi chưa bao giờ gặp ông ấy. Nhưng những người có ý nghĩa nhất đối với tôi, như Simone de Beauvoir một thời vì thân phận phụ nữ, hay Pierre Bourdieu, tôi chưa bao giờ gặp họ. Năm ngoái, điều đó đã có thể thành hiện thực khi tôi tham gia hội thảo Cerisy, tôi đã có thể gặp ông ấy, nhưng lịch trình khiến chúng tôi không có mặt cùng ngày và điều đó cuối cùng đã không xảy ra…. Nhưng tôi vô cùng hối hận về điều đó [rõ ràng là rất xúc động]… Về cơ bản, đó có lẽ là lý do tại sao tôi viết bài báo này trên Le Monde…

Cuối cùng, bà có nghĩ rằng, văn học, giống như xã hội học, mặc dù theo một cách khác, có thể đóng vai trò như một “công cụ cảnh giác”?

Cảnh giác, theo tôi, thậm chí là một thuật ngữ yếu [cười]! Tất nhiên, nhưng tôi sẽ còn đi xa hơn nữa... Đối với tôi, đó là một vũ khí chiến đấu!

----

Phiên bản gốc: Isabelle Charpentier, “La littérature est une arme de combat” (“Văn học là vũ khí chiến đấu” - Phỏng vấn nhà văn Annie Ernaux của Isabelle Charpentier, nhà xã hội học. Gérard Mauger, Các cuộc gặp với Pierre Bourdieu, Éditions du Croquant, tr.159-175, 2005)

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “La littérature est une arme de combat”, une conversation avec Annie Ernaux, Le grand continent, 6.10.2022.

Chú thích:

[1] Ernaux (A.). La Place, Paris, Gallimard, 1984.

[2] Cet entretien a été publié dans: Gérard Mauger, Rencontres avec Pierre Bourdieu, Éditions du Croquant, pp.159-175, 2005.

[3] Ernaux (A.). La Honte, Paris, Gallimard, 1998.

[4] Bourdieu (P.) et Passeron (J.-C.). Les Héritiers – Les étudiants et la culture, Paris, Minuit, 1964.

[5] Bourdieu (P.) et Passeron (J.-C.). La Reproduction – Éléments pour une théorie du système d’enseignement, Paris, Minuit, 1970.

[6] Baudelot (C.) et Establet (R.). L’École capitaliste en France, Paris, Maspéro, 1971.

[7] Ernaux (A.). Les Armoires vides, Paris, Gallimard, 1974.

[8] Bourdieu (P.). La Distinction – Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, 1979.

[9] Ernaux (A.). La Femme gelée, Paris, Gallimard, 1981.

[10] Ernaux (A.). Ce qu’ils disent ou rien, Paris, Gallimard, 1977.

[11] Hoggart (R.). La Culture du pauvre, Paris, Minuit, 1971.

[12] Hoggart (R.). 33 Newport Street. Autobiographie d’un intellectuel issu des classes populaires anglaises, Paris, Seuil/Gallimard, 1991.

[13] Ernaux (A.). Une Femme, Paris, Gallimard, 1987.

[14] Ernaux (A.). Passion simple, Paris, Gallimard, 1992.

[15] Bourdieu (P.). “Tái bút 1: Lời bộc bạch không của riêng ai/Confessions impersonnelles”, trong Trầm tư theo chân Pascal/Méditations Pascaliennes, Paris, Seuil/Liber, 1997, pp. 44-53. Đặc biệt là đoạn văn này, thường được A. Ernaux trích dẫn: “Như vậy, tôi sẽ nói rất ít về bản thân mình, về cái tôi cá biệt mà, dù sao đi nữa, Pascal gọi là ‘đáng ghét’. Và nếu tôi không ngừng nói về bản thân mình, thì đó là một cái tôi phi cá nhân mà những lời thú nhận mang tính cá nhân nhất bỏ qua, hoặc từ chối, chính vì tính phi cá nhân của chúng” (trang 44). P. Bourdieu chỉ rõ thêm: “Bất cứ ai đã bỏ công ra để đoạn tuyệt với sự thỏa mãn của những gợi nhớ hoài cổ để làm sáng tỏ sự thân mật tập thể của những kinh nghiệm, những niềm tin và những khuôn mẫu suy nghĩ chung, tức là nói một chút về cái không nổi lên trong ý thức (impensé) gần như chắc chắn không có trong những cuốn tự truyện chân thành nhất bởi vì, một cách hiển nhiên, nó không được nhận thấy và khi nó xuất hiện trong ý thức, nó bị kìm nén là không đáng được xuất bản, người đó có nguy cơ làm tổn thương cái khuynh hướng quá tự mê (narcissisme) của người đọc, những người cảm thấy bị khách quan hóa bất chấp bản thân, bằng cách ủy quyền, và theo một cách càng tàn nhẫn, một cách nghịch lý, khi anh ta lại càng gần gũi hơn, trong nhân cách xã hội của mình, với người chịu trách nhiệm về công việc khách thể hóa này” (trang 44-45).

[16] Bourdieu (P.). “J’avais 15 ans…”, in Le Nouvel Observateur, n° 1943, 31 janvier – 6 février 2002. Văn bản được công bố mà không được sự chấp thuận của gia đình.

[17] Charpentier (I.). Une Intellectuelle déplacée – Enjeux et usages sociaux et politiques de l’œuvre d’Annie Ernaux (1974-1998), thèse de doctorat de science politique, sous la dir. de B. Pudal, Amiens, Université de Picardie – Jules Verne, 1999.

[18] Trong cuộc phỏng vấn, giáo viên dạy tiếng Pháp này ở IUFM, 46 tuổi, với cha là thợ đóng giày và mẹ là người gác dang, người điều phối sách giáo khoa tiếng Pháp cho các lớp BEP, các lớp trung học dạy nghề, nơi những trích dẫn các tác phẩm của A. Ernaux có một vị trí đáng kể, chỉ rõ: “Những gì bà ấy viết, Annie Ernaux, đã giúp tôi, nó giúp tôi đột nhiên nhận thức được điều gì đó, hiểu được hay ít nhất là đặt những từ đằng sau điều gì đó không rõ ràng lắm đối với tôi... […] Giáo viên tiếng Pháp ở BEP từ vài năm nay, […] Tôi đã tự hỏi […] tại sao tôi lại ở một trường trung học dạy nghề mà không phải là ở một trường trung học giáo dục phổ thông - đó chỉ là tình cờ hay do sự lười biếng? một sự lựa chọn, chắc chắn là không, nó không phải là một sự lựa chọn, ngay cả khi người ta muốn nói rằng đó là một sự lựa chọn, và đúng là tôi đã đọc một chút về Bourdieu… […] Tôi nghĩ… Tôi nghĩ rằng Bourdieu đã giúp tôi, đã giúp tôi hiểu, và sau đó… có những điểm tương đồng với trải nghiệm được mô tả bởi Annie Ernaux. Và tôi thường tự nhủ… Annie Ernaux như là Bourdieu tiểu thuyết”. Chúng ta thường xuyên nhận thấy sự đồng lõa này được độc giả nhấn mạnh trong những bức thư họ gửi cho A. Ernaux. Chúng tôi sẽ chỉ đưa ra hai ví dụ: cô sinh viên Cao học DEA trong Khoa học giáo dục, cư trú tại Paris, người đã viết cho A. Ernaux sau khi cuốn Passion simple được xuất bản: “Tôi gặp bà trong một dịp thi cử, lấy bằng cử nhân ở xã hội học (hay bằng thạc sĩ?) trong giáo dục: chủ đề liên quan đến một trong các văn bản của bà, một đoạn trích từ Ce qu’ils disent ou rien và một bài của nhà xã hội học Pierre BOURDIEU, rất quan trọng một cách bi thảm. […] Trong thư viện nghèo nàn của tôi, chỉ có hai tác giả: bà, bên trái, trong phần tiểu thuyết; BOURDIEU, bên phải, trong phần xã hội học”; cũng như nữ giáo viên kinh tế và khoa học xã hội, 37 tuổi, mà cha mẹ là giáo viên gốc nông thôn, cư trú tại Bordeaux, người đã viết thư cho A. Ernaux sau khi La Place xuất bản: “Tất nhiên bà đã bị tố là theo chủ nghĩa Stalin. Bà đã đọc sách của nhà xã hội học P Bourdieu chưa? Nếu không, tôi nghĩ bà sẽ rất quan tâm: có một cuốn mang tựa đề ‘sự ưu biệt, phê phán sự phán xét xã hội' và một cuốn về cơ chế tái sản xuất xã hội (và sự loại trừ được chính đáng hóa). Bourdieu là người sử dụng Proust theo hướng xã hội học, người biết rất rõ làm thế nào để biểu thị những khác biệt nhỏ trong cử chỉ và lời nói tạo nên sự khác biệt xã hội lớn. […] Loại trừ xã hội chỉ có thể tồn tại thông qua loại trừ văn hóa, bà nói điều đó rất hay; từ toàn bộ có hạn các từ trong số những từ cần thiết có hạn của cha bà, bà hoàn toàn giải thích được điều mà Bourdieu gọi là “tình yêu của sự cần thiết”. Trích dẫn trong Charpentier (I.), Une Intelligence Déplacée, sđd., trang 450 và các trang tiếp theo. và trang 352.

[19] Ernaux (A.). L’Événement, Paris, Gallimard, 2000.

[20] Garcin (J.). “Annie Ernaux, la haine du style”, in Le Nouvel Observateur, 16-22.01.1997.

[21] Ernaux (A.). “Je ne suis pas sortie de ma nuit”, Paris, Gallimard, 1997.

[22] Ernaux (A.). “Bourdieu: le chagrin”, in Le Monde, 05.02.2002.

http://www.phantichkinhte123.com/2022/10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét