Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết (phải). (Hình: Screenshot từ infonet.vietnamnet.vn)
Đến giờ, nửa năm sau khi toàn bộ TPDN trong ba lô mà Tân Hoàng Minh phát hành đã bị hủy, chưa “nhà đầu tư” nào được nhận lại tiền.
Phần 4
Sau khi ông Đỗ Anh Dũng và một số cá nhân dính líu đến hoạt động của Tân Hoàng Minh bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt khoảng tám hoặc mười ngàn tỉ (không thể xác định chính xác vì có nhiều số liệu khác nhau) thông qua chín đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ tháng 7/2021 đến 3/2022 (1), đại diện doanh nghiệp này hứa sẽ “thu xếp” để hoàn lại 100% tiền vốn cho “nhà đầu tư”, còn lãi thì sẽ “đàm phán sau”. Đến giờ, nửa năm sau khi toàn bộ TPDN trong ba lô mà Tân Hoàng Minh phát hành đã bị hủy, chưa “nhà đầu tư” nào được nhận lại tiền. Đại diện Tân Hoàng Minh loan báo đã “gom” được một mớ tiền (cũng chưa rõ là vài trăm tỉ hay một hai ngàn tỉ vì có nhiều số liệu khác nhau) nhưng chưa thể tiến hành chi trả cho các “nhà đầu tư” vì phải chờ quyết định từ phía tiến hành tố tụng (3).
Tương tự, sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân dính líu đến hoạt động của FLC bị bắt vì “thao túng thị trường chứng khoán”, rồi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các cơ quan hữu trách bắt đầu hối hả gom nhặt những khoản nợ về thuế, tiền thuê đất,... từng cho FLC thiếu trong một thời gian dài (4), các ngân hàng đã cho FLC vay nhiều ngàn tỉ đồng cũng hối hả sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hồi vốn đã cho vay, kể cả phát mãi những động sản như hai chiếc xe thuộc loại siêu sang (5)... Đến nay, trong khi các cơ quan hữu trách và ngân hàng vẫn khẳng định, tài sản của FLC đủ để trang trải nợ nần thì giới đầu tư vào các loại cổ phiếu của FLC tiếp tục “ngậm đắng, nuốt cay” vì giá trị số tài sản đã dốc vào cổ phiếu FLC nếu không giảm chưa thấy điểm dùng thì cũng tạm thời vô giá trị bởi... “hạn chế giao dịch” (6).
Những nhận định kiểu như Tân Hoàng Minh và FLC có thể dùng cả bất động sản lẫn các dự án để trả nợ không đủ để trấn an công chúng. Các viên chức, cơ quan hữu trách có thể ngăn chặn một số cuộc biểu tình trước trụ sở Tân Hoàng Minh ở Hà Nội bằng hứa hẹn sẽ “bảo vệ tối đa quyền lợi của các cá nhân” (7) nhưng không thể giữ cho thị trường chứng khoán ổn định. Giá trị các loại cổ phiếu giảm liên tục. Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9 vừa qua, các loại cổ phiếu đồng loạt mất giá đã làm 74 tỉ Mỹ kim... “bốc hơi” (8). Có thể đó là lý do thay vi... “khoe ra” như từng thấy, từng biết chính quyền bắt đầu dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để đậy lại như “đổi áo” biến bà Nguyễn Phương Hồng từ “Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB” thành “Trợ lý Vạn Thịnh Phát”.
Cũng “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành TPDN như Tân Hoàng Minh, thậm chí so với Tân Hoàng Minh, giá trị số tài sản bị chiếm đoạt thông qua phát hành TPDN lớn hơn khoảng ba lần nhưng ba lô trái phiếu trị giá 25.000 tỉ đồng mà Công ty An Đông – thành viên Vạn Thịnh Phát – đã phát hành không bị hủy thành ra tránh được chuyện “kích thích” các “nhà đầu tư” tụ tập để đòi giải quyết quyền lợi. Bộ Tài chính tránh được việc phải tiếp công dân đến khiếu nại vì đã để họ bị lừa.
Từ Tân Hoàng Minh sang Vạn Thịnh Phát, chính quyền đã tiến một bước rất dài trong hành xử về trách nhiệm, thay vì Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán tiếp nhận khiếu nại, chuyển hồ sơ, khuyên nạn nhân “liên hệ với Bộ Công an để được giải quyết theo pháp luật” (10), đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) huỵch toẹt: NHNN chỉ có trách nhiệm với những khoản tiền đã gửi vào các cơ sở tín dụng có giấy phép hoạt động, còn bên có trách nhiệm với người mua TPDN là doanh nghiệp phát hành trái phiếu (11).
***
Cuối tháng 4/2022, Bộ Công an cho biết đã tống giam ông Nguyễn Hùng – Vụ phó Vụ Giám sát thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban CKNN) – để điều tra vì “cố ý làm lộ bí mật công tác”. Ủy ban CKNN thuộc Bộ Tài chính. Lệnh tạm giam ông Hùng được thực hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ) xác định “Ủy ban CKNN có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính”.
Ngoài việc thấy rằng cần kỷ luật Đảng ủy Ủy ban CKNN nhiệm kỳ 2015 – 2022, UBKT BCH TƯ tuyên bố sẽ xem xét kỷ luật các cá nhân là cựu lãnh đạo, lãnh đạo Uỷ ban CKNN như: Vũ Bằng (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch Ủy ban CKNN), Trần Văn Dũng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban CKNN), Nguyễn Thành Long (Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cựu Phó bí thư Đảng ủy, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban CKNN, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội), Lê Hải Trà (Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cựu thành viên phụ trách HĐQT), Nguyễn Sơn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) vì ngoài trách nhiệm cá nhân còn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Ủy ban CKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (12).
Đến tháng 5/2022, Bộ Tài chính công bố quyết định cách chức ông Trần Văn Dũng. Cảnh cáo các ông: Vũ Bằng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Sơn. Ông Lê Hải Trà bị khai trừ khỏi đảng và buộc thôi việc (13)... Đến giờ, chỉ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền làm chừng đó chuyện. Trách nhiệm đối với sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng và những hậu quả càng ngày càng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội đang được... chuyển hóa sang những “doanh nhân cực kỳ thành đạt” và “nhà đầu tư”...
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét