Võ Thái Hà tổng hợp
Bộ trưởng Quốc phòng Nga điện đàm với người đồng cấp Mỹ
24/10/2022
Ông Lloyd Austin.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm Chủ nhật đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.
Đây là cuộc trao đổi thứ hai trong ba ngày. Ông Shoigu cũng có các cuộc điện đàm với ba đối tác khác từ các nước thuộc NATO.
Moscow không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc trao đổi với ông Austin, vốn diễn ra sau khi hai người nói chuyện lần đầu tiên hôm thứ Sáu tuần trước kể từ tháng Năm.
Các tuyên bố về các cuộc gọi khác cho biết ông Shoigu đã nói rằng tình hình ở Ukraine đang trở nên tồi tệ hơn.
"Họ đã thảo luận về tình hình Ukraine, vốn đang xấu đi nhanh chóng", Bộ Quốc phòng Nga cho biết về cuộc điện đàm của ông Shoigu với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu. "Nó đang có xu hướng leo thang không kiểm soát hơn nữa".
Ông Shoigu cũng đã có các cuộc điện đàm riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và Ben Wallace của Anh.
Không có dấu hiệu nào từ phía Nga cho thấy rằng các cuộc trò chuyện đã dẫn tới bất kỳ kết quả tích cực nào. Tuy nhiên, chúng cho thấy Nga và các thành viên của liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đang tích cực duy trì các kênh liên lạc vào thời điểm quốc tế lo ngại về khả năng leo thang hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu đã nói với những người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh về mối quan ngại của Moscow rằng Ukraine có thể kích nổ một "quả bom bẩn" - một thiết bị có chất phóng xạ.
Nga không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố như vậy.
Nga tập trung tại Biển Đen 11 chiến hạm, 16 hoả tiễn đang ở tư thế chờ
Nga cất giữ hai tàu Kalibr ở Chornoy (Ảnh chụp màn hình từ video)
Ukraina cho biết Nga đã tập trung tại Biển Đen 11 chiến hạm, với 16 hoả tiễn đang ở chế độ chờ, theo RBC.
Theo Bộ chỉ huy tác chiến miền nam Ukraina, trong số này gồm 3 tàu đổ bộ cỡ lớn và 2 tàu mang hoả tiễn hành trình chính xác cao với tổng số 16 hoả tiễn Kalibr.
Tuyên bố của Bộ này cho biết lực lượng Nga không dám rời khỏi ‘vùng an toàn’ của họ vì bị hạn chế bởi các bảo đảm quốc tế, thoả thuận về hành lang ngũ cốc, cũng như lo sợ về các phương tiện hủy diệt của Ukraina.
Dù hạ thấp nguy cơ bị Nga tấn công, nhưng quân đội Ukraina cũng cảnh báo người dân hãy giữ an toàn, và không được chia sẻ thông tin về vị trí, các đơn vị Ukraina đang đóng quân cho Nga.
Ở một diễn biến khác, giới tình báo Anh cho rằng Nga đang cố gắng xây dựng một hàng phòng thủ sâu ở tiền tuyến, theo Hvylya đưa tin.
Được biết, vào ngày 19 tháng 10, chủ sở hữu của tổ chức quân sự tư nhân “Wagner” Yevgeny Prigozhin nói rằng, ông ta đang chuẩn bị một phòng tuyến Wagner kiên cố ở phần bị chiếm đóng của vùng Luhansk.
Các hình ảnh được đưa lên mạng cho thấy các cơ sở chống tăng và hệ thống chiến hào ở phía đông nam Kremennaya.
Người Anh cho rằng, nếu Nga có kế hoạch tạo ra một tuyến phòng thủ nghiêm trọng như vậy, thì quân Nga có thể sẽ cố gắng đưa Seversky Donets vào khu vực phòng thủ và lặp lại một phần đường phân giới năm 2015.
Các trinh sát tin rằng Liên bang Nga có thể tạo ra một tuyến phòng thủ sâu dọc theo chiến tuyến hiện tại, và điều này sẽ khiến các cuộc phản công nhanh chóng của Lực lượng vũ trang Ukraina là không thể.
Trần Phong
Hoa Kỳ: Ngày càng nhiều Thống đốc từ chối thực hiện quy định chích vaccine COVID-19 để nhập học
Tác giả Jack Phillips
Thứ hai, 24/10/2022
Các thống đốc Đảng Cộng Hòa của một số tiểu bang cho biết họ sẽ không thực hiện quy định bắt buộc trẻ em phải chích vaccine COVID-19 để nhập học sau khi ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã bỏ phiếu hồi tuần trước (17-23/10) để khuyến nghị bổ sung mũi chích này vào lịch chích ngừa cho trẻ em.
Các thống đốc ở các tiểu bang Tennessee, South Carolina, Virginia, Montana, Alabama, Oklahoma, Florida, Georgia, Ohio, Iowa, Idaho, Wyoming, Utah, Missouri, South Dakota, và Arkansas đã nói rằng tiểu bang của họ sẽ không thực hiện quy định về việc trẻ em phải chích vaccine COVID-19 để nhập học.
Học viện Quốc gia về Chính sách Y tế Tiểu bang gồm có khoảng 20 tiểu bang đã cấm đưa vaccine COVID-19 vào các quy định dành cho các trường học và học sinh. Theo trang web của nhóm này, được cập nhật vài tháng trước cuộc bỏ phiếu của ủy ban nói trên của CDC, những tiểu bang đó bao gồm Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Mississippi, Montana, New Hampshire, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Tennessee, Texas, Utah, và West Virginia.
Các phản hồi
“Dưới sự điều hành của tôi, sẽ không có quy định bắt buộc về vaccine COVID cho trẻ em — dứt khoát là vậy,” tuần trước Thống đốc Đảng Cộng Hòa Kim Reynolds của Iowa cho biết. “Trên thực tế, chúng tôi đã ký một luật ngăn chặn điều đó. Đây là quyết định của các bậc cha mẹ, không phải của chính phủ.”
Khi lưu ý rằng nhiều bậc cha mẹ lo ngại về cuộc bỏ phiếu của CDC, Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis nói rằng “e là … các trường học có thể bắt buộc con em quý vị phải chích COVID, ngay cả khi đó không phải là điều quý vị muốn làm.”
Ông DeSantis, một thành viên Đảng Cộng Hòa, cho biết khi bình luận trước công chúng vài ngày trước, “Vì vậy, tôi chỉ muốn để mọi người được rõ ràng. Quý vị biết đấy, chỉ cần tôi còn ở đây và miễn là tôi đang phản đối và la hét, thì sẽ không có các quy định chích COVID nào cho con em quý vị. Đó là quyết định của quý vị với tư cách làm cha mẹ.”
Ông nói thêm rằng Tổng Y sĩ Florida Joseph Ladapo “không khuyến nghị điều này cho trẻ nhỏ, cho trẻ em dưới 18 tuổi. Và căn bản là, xét về lý do cho điều đó, thì điều đó chưa thực sự có một lợi ích nào được chứng minh. Ý tôi là, chúng ta có thể mắc phải một số tác dụng phụ tiềm ẩn. Thậm chí quý vị không thật sự phải làm thế. Chưa có lợi ích nào được chứng minh.”
Trong khi đó, Thống đốc Đảng Cộng Hòa Ohio, ông Mike DeWine, đã chia sẻ một tweet từ Sở Y tế Ohio nói rằng họ không có “quy định là phải chích vaccine COVID-19 thì mới được nhập học. Cuộc bỏ phiếu đó của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Miễn dịch (ACIP) không khiến luật của Ohio thay đổi. Danh sách các loại vaccine bắt buộc của tiểu bang này chỉ có thể được thay đổi thông qua luật pháp.”
Thống đốc thứ 33 của Wyoming, ông Mark Gordon, cho biết lập trường của ông về vaccine COVID-19 không thay đổi và trẻ em không nên bị cưỡng bách phải chích loại vaccine này trước khi nhập học.
Vị thống đốc Đảng Cộng Hòa này cho biết, “Kể từ khi vaccine COVID-19 lần đầu tiên có mặt trên thị trường, tôi luôn bảo lưu quan điểm rằng việc chích vaccine phòng ngừa loại virus này là lựa chọn của cá nhân dựa trên hoàn cảnh riêng của mỗi người. Tôi phản đối những nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm biến việc chích vaccine này trở thành quy định bắt buộc cho nhân viên y tế và nhân viên chính phủ.”
Thống đốc tiểu bang Montana ông Greg Gianforte, một thành viên Đảng Cộng Hòa, nói thêm: “Tôi tin tưởng các bậc cha mẹ sẽ nuôi dạy con em của họ và làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của các con. Dưới sự lãnh đạo của tôi, tiểu bang Montana sẽ không bắt buộc chích ngừa vaccine COVID-19.”
Các phản hồi của Đảng Dân Chủ
Một số thống đốc Đảng Dân Chủ có thể không bổ sung vaccine COVID-19 vào lịch chích ngừa ở tiểu bang của mình. Phát ngôn viên của Thống đốc California Gavin Newsom, một ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Dân Chủ năm 2024, nói với các hãng thông tấn rằng cuộc bỏ phiếu của ủy ban cố vấn CDC là một khuyến nghị cho ban lãnh đạo CDC chứ không phải là một quy định.
“Tác động chính mà khuyến nghị của CDC mang lại là các công ty bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả chi phí chích ngừa và chính phủ liên bang có thể tiếp tục cung cấp vaccine miễn phí cho các gia đình có thu nhập thấp,” phát ngôn viên của thống đốc này cho biết. “Thật thú vị khi các tiểu bang của Đảng Cộng Hòa đang chỉ trích điều này vì các trường học đã yêu cầu chích ngừa thủy đậu, bại liệt, sởi, và hơn thế nữa.” Tuy nhiên, nhiều tiểu bang cho phép miễn chích vaccine mà nhà trường quy định vì lý do tôn giáo và cá nhân.
Thống đốc Đảng Dân Chủ Janet Mills của Maine cho biết bà sẽ không yêu cầu Cơ quan lập pháp Maine áp dụng quy định này.
Một phát ngôn viên của bà Mills nói với Fox News hồi tuần trước, “Maine là một trong những nơi có tỷ lệ chích ngừa cao nhất trên toàn quốc. Bất kỳ yêu cầu chích vaccine COVID-19 nào cho trẻ em ở Maine đều sẽ cần sự chấp thuận của cơ quan lập pháp tiểu bang.”
Boris Johnson rút khỏi cuộc đua chức Thủ tướng Anh
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Boris Johnson
24 tháng 10 2022
Ông Boris Johnson, vào tối Chủ nhật 23/10, tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, thừa nhận rằng ông không thể đoàn kết nội bộ đảng.
Cựu thủ tướng nhận được sự ủng hộ công khai của 57 nghị sĩ cho cuộc đua, nhưng yêu cầu của đảng Bảo thủ buộc phải có 100 nghị sĩ ủng hộ thì mới được tham gia cuộc tranh cử.
Cuộc đua tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, để trở thành Thủ tướng Anh, hiện đang rộng mở cho Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính.
Ông Sunak hiện có 144 nghị sĩ đảng ủng hộ trong khi bà Penny Mordaunt tụt lại phía sau với sự ủng hộ của 24 nghị sĩ.
Ông Johnson cho biết ông đã "liên hệ" với các đối thủ Rishi Sunak và Penny Mordaunt để xem có thể hợp tác với nhau, nhưng đã không thành công.
Cựu thủ tướng tuyên bố rằng ông có được sự ủng hộ cần thiết nhưng đã quyết định không tranh cử vì “không thể điều hành hiệu quả trừ khi bạn có một đảng thống nhất trong quốc hội”.
Boris Johnson nói rằng ông không đạt được thỏa thuận với Sunak và Mordaunt.
“Tôi tin rằng tôi có nhiều điều để cống hiến nhưng tôi sợ rằng đây đơn giản là không phải thời điểm thích hợp."
Ông nói rằng ông nhận được sự ủng hộ của 102 nghị sĩ, tuy nhiên BBC không thể xác minh con số này vì chỉ có 57 nghị sĩ đã tuyên bố công khai ủng hộ Johnson.
Các ứng cử viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Liz Truss, người đã đột ngột từ chức hôm thứ Năm chỉ sau sáu tuần cầm quyền, đang vận động hành lang để đảm bảo có đủ đề cử của nghị sĩ đảng Bảo thủ, trước thời hạn hôm thứ Hai.
Theo tình hình tối 23/10, Rishi Sunak đang dẫn đầu cuộc đua tranh trong đảng Bảo thủ.
Ông Sunak sẽ có thể trở thành thủ tướng vào thứ Hai, trừ khi đối thủ Penny Mordaunt đạt đến ngưỡng 100 nghị sĩ ủng hộ để buộc các thành viên trong đảng bỏ phiếu.
Bà Mordaunt chỉ mới có 24 người ủng hộ vào Chủ nhật.
Hai bên nội chiến Ethiopia ngồi vào bàn đàm phán
Sau gần hai năm nội chiến tàn khốc, đại diện của chính phủ Ethiopia và khu vực Tigray sẽ gặp nhau vào thứ Hai tại Nam Phi để đàm phán. Được trung gian bởi Liên minh châu Phi (AU), đây là cuộc đàm phán hòa bình chính thức đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến. Đàm phán diễn ra trong bối cảnh quân đội liên bang Ethiopia cùng các đồng minh Eritrea đang dần tiến về Mekele, thủ phủ của vùng Tigray.
Dù cả hai bên đều chấp nhận lời mời, phía Tigray vẫn mang nhiều ngờ vực. Trước đây, họ từng nói trưởng nhóm trung gian hòa giải của AU, cựu tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo, thiên vị Abiy Ahmed, thủ tướng Ethiopia. Họ muốn Abiy ngừng tiến quân trước khi bắt đầu nói chuyện. Họ cũng yêu cầu ông dỡ bỏ phong tỏa Tigray, vốn đang đang gây ra nạn đói quy mô lớn.
Người Tigray có đủ mọi lý do để nghi ngờ. Cho đến nay, Abiy vẫn chưa cho thấy ông thực sự nghiêm túc muốn đàm phán khi không hề đưa ra một nhượng bộ đáng kể nào.
Công ty gia đình Trump hầu toà về tội trốn thuế
Hoạt động bên trong của đế chế kinh doanh bất động sản nhà Donald Trump sẽ được phơi bày trong tuần này khi Trump Group ra hầu tòa hình sự ở New York. Các công tố viên cáo buộc công ty trốn thuế bằng cách trả lương cho nhân viên ngoài sổ sách. Hồi tháng 8, cựu giám đốc tài chính của Trump Allen Weisselberg đã nhận 15 tội danh bao gồm gian lận thuế — trong đó các khoản thù lao ngầm của ông bao gồm một căn hộ và học phí cho các cháu. Để được giảm án tù, ông sẽ ra làm chứng chống lại công ty trong phiên tòa bắt đầu vào thứ Hai. Nếu bị kết án, Trump Group có thể sẽ bị phạt 1,6 triệu đô la và đền bù khoản thuế đã trốn.
Lần này, cựu tổng thống Mỹ không bị xét xử. Nhưng ông đang đối mặt với các cáo buộc dân sự khác về cố tình thổi phồng giá trị tài sản bất động sản của mình. Các công tố viên liên bang cũng đang điều tra nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020 và cách ông xử lý tài liệu mật. Vốn nổi tiếng là một doanh nhân hay ra toà, ông Trump có thể sớm thấy những ngày xưa lặp lại.
Ấn Độ bước vào mùa ô nhiễm không khí
Người Hindu ăn mừng lễ hội Diwali, năm nay rơi vào thứ Hai, để kỷ niệm chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Nhưng đối với phần lớn miền bắc Ấn Độ, nó trùng với khởi đầu của mùa ô nhiễm. Vào mùa thu và mùa đông, không khí ở Ấn Độ trở nên đặc biệt độc hại vì dãy Himalaya giữ lại khí thải của 600 triệu người sống ở Đồng bằng sông Hằng rộng lớn. Nguồn ô nhiễm rất đa dạng. Một số đến từ công nghiệp và vận tải; một số do nông dân đốt chất thải nông nghiệp; và một số từ nhà dân đốt sinh khối để làm nhiên liệu.
Dù chính phủ Ấn Độ không ngó lơ tình trạng ô nhiễm không khí, họ đang chật vật tìm cách kiểm soát khói bụi. Đại dịch có giúp ích phần nào. Nồng độ hạt PM2.5 của thủ đô Delhi đã cải thiện 20% trong ba năm qua so với mức trung bình trước đại dịch. Nhưng điều đáng lo ngại là khi kinh tế Ấn Độ trở lại bình thường, ô nhiễm cũng sẽ tăng theo. Ngay cả trước Diwali, không khí ở Delhi đã ghi nhận mức ô nhiễm nguy hiểm.
Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố "sẵn sàng" hợp tác với tân chính phủ Ý
Thủ tướng Ý mãn nhiệm Mario Draghi (t), và tân thủ tướng Giorgia Meloni trong trong buổi lễ bàn giao chính quyền tại Phủ Thủ Tướng Ý - Điện Chigi - ở Rôma (Ý) ngày 23/10/2022. AP - Andrew Medichini
Nước Ý hôm nay, 23/10/2022, sang một trang mới. Giorgia Meloni và tân chính phủ mới của bà chính thức nhậm chức. Lễ bàn giao quyền lực giữa Mario Draghi, lãnh đạo chính phủ từ tháng 2/2021 đến nay và lãnh đạo đảng cực hữu Fratelli d’Italia – Huynh Đệ Ý - đã diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút, giờ quốc tế, tại cung điện Chigi, trụ sở chính phủ. Buổi họp Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên cũng diễn ra trong ngày hôm nay.
Theo AFP, ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của bà Giorgia Meloni ngày hôm qua, nhiều nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ tại Mỹ và châu Âu đã lên tiếng chúc mừng. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố mong muốn « nhanh chóng » làm việc cùng bà. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trên mạng Twitter nói « nóng lòng tiếp tục hợp tác có hiệu quả ». Lời chúc này của nguyên thủ Ukraina đã được tân lãnh đạo chính phủ Ý nhanh chóng đáp trả : « Bạn không đơn độc. Nước Ý sẽ luôn sát cánh cùng dân tộc Ukraina can đảm chiến đấu vì tự do và một nền hòa bình chính đáng. »
Nếu như Berlin đã có lời chúc mừng đến Roma, thì Paris và Madrid vẫn tỏ ra kín tiếng, nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đến Roma hôm nay để gặp giáo hoàng, rất có thể sẽ tận dụng dịp này để gặp bà Meloni.
Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu thông qua phát biểu của lãnh đạo ba định chế: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, và chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, đều bày tỏ ý muốn sẵn sàng « hợp tác » với tân chính phủ Ý.
Tuy nhiên, theo quan sát của thông tín viên đài RFI Pierre Benazet tại Bruxelles những lời chúc mừng của Liên Hiệp Châu Âu còn hàm chứa nhiều nỗi lo lắng:
« Những thông điệp chính thức này từ các định chế Liên Hiệp Châu Âu trước sự ra đời của một chính phủ mới tại một trong số các nước lớn trong Liên Âu, đương nhiên chính là những gì người ta đã có thể trông đợi. Nhưng vượt lên trên những lời lẽ này, các thông điệp trên còn cho thấy rõ những khó khăn mà tất cả mọi người ở đây sẽ phải chuẩn bị đối mặt.
Trước hết, chính là vì tình hình kinh tế nước Ý mà mọi cặp mắt đang đổ dồn về nước này. Nợ công của Ý giờ đã đạt một mức kinh khủng: 150% của GDP, cao hơn cả nợ của Hy Lạp khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010.
Nhưng lần này, vấn đề ở đây là nước Ý, nền kinh tế thứ ba của Liên Hiệp Châu Âu, trở thành một nguy cơ hệ thống cho cả khối 27 nước thành viên. Các đề xuất tranh cử của tân nữ thủ tướng không khỏi khiến Liên Âu lo ngại bởi vì Giorgia Meloni muốn tăng các khoản chi tiêu công, cải tổ hiệp ước bình ổn khu vực đồng tiền chung Euro và tái đàm phán kế hoạch chấn hưng kinh tế.
Dẫu sao thì EU cũng tự trấn an mình khi khẳng định rằng tân bộ trưởng Kinh tế Giancarlo Giorgetti đã luôn hậu thuẫn Mario Draghi và do vậy, rất có thể tiếp tục theo đuổi một phần chính sách kinh tế mà châu Âu ca tụng. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét