Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: Nobel economics prize: insights into financial contagion changed how central banks react during a crisis, The Conversation, Oct 10, 2022.
Giải Nobel kinh tế năm nay, được biết dưới tên là Giải thưởng Sveriges Riksbank về các Khoa học Kinh tế, đã thuộc về Douglas Diamond, Philip Dybvig và cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke cho công trình nghiên cứu về các ngân hàng và cách chúng liên quan đến những cuộc khủng hoảng tài chính.
Để cắt nghĩa công trình này và lý do tại sao nó quan trọng, chúng tôi đã trò chuyện với Elena Carletti, Giáo sư Tài chính tại Đại học Bocconi ở Milan.
Vì sao Diamond, Bernanke và Dybvig lại được trao giải?
Các công trình của Diamond và Dybvig về cơ bản đã giải thích lý do tại sao các ngân hàng tồn tại và vai trò của chúng trong nền kinh tế khi chuyển các khoản tiết kiệm từ các cá nhân thành những khoản đầu tư hiệu quả. Về cơ bản, ngân hàng đóng hai vai trò. Một mặt, họ giám sát những người đi vay trong nền kinh tế. Mặt khác, họ cung cấp tính thanh khoản cho các cá nhân, những người không biết họ sẽ cần mua gì trong tương lai và điều này có thể khiến họ không thích gửi tiền phòng khi lúc cần lại không có sẵn. Các ngân hàng giải quyết ác cảm này bằng cách đảm bảo với chúng ta rằng ta sẽ rút được tiền khi cần.
Vấn đề là bằng cách cung cấp sự đảm bảo này, các ngân hàng cũng dễ gặp khủng hoảng ngay cả khi tài chính của họ vẫn lành mạnh. Khủng hoảng xảy ra khi những người gửi tiền cá nhân lo lắng rằng nhiều người khác đang rút tiền của mình khỏi ngân hàng. Tâm thái đó thúc đẩy họ cũng tự đi rút tiền, điều này có thể dẫn tới tình trạng rút tiền hàng loạt [bank run].
Ben Bernanke đã làm rõ vấn đề này bằng cách xem xét hành vi của ngân hàng trong cuộc đại suy thoái những năm 1930, và chỉ ra rằng các cuộc rút tiền hàng loạt trong thời kỳ suy thoái là nhân tố quyết định khiến cuộc khủng hoảng kéo dài và nghiêm trọng hơn so với những gì vốn nên xảy ra.
Các quan sát đằng sau chiến thắng Nobel dường như khá đơn giản so với những năm trước. Tại sao chúng quan trọng đến vậy?
Có ý kiến cho rằng các ngân hàng dù vững chãi về tài chính nhưng có thể dễ bị tổn thương khi những người gửi tiền hoảng loạn. Hoặc, trong những trường hợp như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09, cả hai thứ có thể kết hợp lại, lúc này các nguyên tắc cơ bản của ngân hàng có vấn đề nhưng nó trở nên trầm trọng hơn là do hoảng loạn.
Sau khi nhận ra tính dễ bị tổn thương nội tại của các ngân hàng lành mạnh, ta có thể bắt đầu suy nghĩ về các chính sách để giảm bớt rủi ro đó, chẳng hạn như bảo hiểm người gửi tiền và trấn an mọi người rằng ngân hàng trung ương sẽ nhập cuộc với tư cách là bên cho vay cuối cùng [lender of last resort].
Trong một cuộc rút tiền hàng loạt do thanh khoản (hoảng loạn) thay vì mất khả năng thanh toán [insolvency], một thông báo từ chính phủ hoặc ngân hàng trung ương có khả năng đã đủ để giải quyết vấn đề - thường không cần bất kỳ khoản bảo hiểm tiền gửi nào dù là tạm ứng. Mặt khác, trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng do mất khả năng thanh toán, đó là lúc bạn cần phải bơm tiền vào để giải cứu tổ chức.
Người ta đã đạt được đồng thuận nào về các cuộc rút tiền hàng loạt trước khi Diamond và Dybvig bắt đầu công bố công trình của họ?
Đã có rất nhiều vụ rút tiền hàng loạt trong quá khứ và người ta hiểu rằng các cuộc khủng hoảng tài chính có liên quan đến chúng - đặc biệt là trước khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1913. Người ta hiểu rằng rút tiền hàng loạt khiến các cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng hơn và vì thế kéo dài lâu hơn. Nhưng cơ chế gây ra các vụ rút tiền hàng loạt vẫn chưa được hiểu rõ.
Làm thế nào dễ dàng để biết bạn đang đối mặt với loại rút tiền hàng loạt nào?
Chuyện này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ví dụ, một vụ rút tiền hàng loạt tại Ireland năm 2008 được cho là ví dụ điển hình về rút tiền hàng loạt do lo ngại thanh khoản. Nhà nước hành động nhằm bảo lãnh cho các chủ nợ, nhưng sau đó các ngân hàng rõ ràng thực sự vỡ nợ và chính phủ phải bơm một lượng tiền khổng lồ vào đây, điều đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia [sovereign debt].
Nói về các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia, công trình của Diamond và Dybvig cũng làm nền tảng cho tài liệu về lây nhiễm tài chính, dựa trên một bài báo năm 2000 của Franklin Allen và Douglas Gale. Tôi đã làm việc với Allen và Gale trong nhiều năm, và tất cả các bài báo của chúng tôi đều dựa trên công trình của Diamond lẫn của Diamond và Dybvig.
Tương tự như cách các biện pháp tái bảo hiểm của nhà nước có thể tháo ngòi nổ cuộc rút tiền hàng loạt do các vấn đề thanh khoản gây ra cho ngân hàng, chúng ta đã thấy cách Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu lúc bấy giờ là Mario Draghi có thể xoa dịu tình trạng trái phiếu chính phủ tuột không phanh trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2011 bằng cách nói rằng ngân hàng sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để bảo toàn đồng euro.
Thông báo về giải thưởng đã thu hút đông đảo người dùng mạng xã hội lên tiếng cho rằng chúng ta không nên chúc mừng Bernanke khi ông ấy từng tham gia quá sâu vào chính sách nới lỏng định lượng (QE) đã và đang gây ra các vấn đề tài chính toàn cầu ngày nay – quan điểm của giáo sư là gì?
Tôi có thể nói rằng nếu không có QE, các vấn đề của chúng ta ngày nay sẽ tồi tệ hơn nhiều, nhưng giải thưởng cũng công nhận thành tích của ông ấy với tư cách là một học giả chứ không phải là chủ tịch Fed. Ngoài ra, Bernanke chỉ là một trong số rất nhiều giám đốc ngân hàng trung ương cầu viện đến QE sau năm 2008.
Và không chỉ các hành động của ngân hàng trung ương mới giữ cho các ngân hàng ổn định. Cũng cần chỉ ra rằng những thay đổi trong các quy định về lượng vốn các ngân hàng buộc phải giữ vững sau năm 2008 đã giúp hệ thống tài chính được bảo vệ tốt hơn trước các đợt rút tiền hàng loạt so với trước đây.
Những quy tắc như vậy có nên được đưa ra khi các học giả lần đầu tiên giải thích về những rủi ro xung quanh việc rút tiền hàng loạt và lây nhiễm của ngân hàng?
Các tài liệu chắc chắn đã có hàm ý về những rủi ro này, nhưng về mặt quy định, chúng ta phải đợi đến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để chứng kiến những cải cách như quy định thận trọng vĩ mô và quy định vi mô nghiêm ngặt hơn. Điều này cho thấy rằng các cơ quan quản lý đã đánh giá thấp rủi ro của các cuộc khủng hoảng tài chính, có khi cũng được thúc đẩy bởi các cuộc vận động hành lang của ngân hàng vốn đầy quyền lực từ trước đến nay và thành công thuyết phục các cơ quan quản lý rằng rủi ro đã được quản lý tốt.
Nếu các ngân hàng bán lẻ trở nên ít quan trọng hơn trong tương lai vì công nghệ blockchain hoặc tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, giáo sư có nghĩ mối đe dọa về khủng hoảng tài chính sẽ giảm bớt không?
Nếu chúng ta đang hướng tới một tình huống mà người ta gửi tiền vào các ngân hàng trung ương thay vì ngân hàng bán lẻ, thì điều này sẽ làm giảm vai trò của ngân hàng bán lẻ, nhưng tôi nghĩ chuyện đó vẫn còn xa. Các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể được thiết kế sao cho các ngân hàng bán lẻ vẫn cần thiết. Nhưng dù thế nào đi nữa, những hiểu biết từ Diamond và Dybvig về sự hoảng loạn thanh khoản vẫn liên quan vì chúng áp dụng được trong bất kỳ bối cảnh nào miễn sự thất bại trong phối hợp giữa các nhà đầu tư là quan trọng, chẳng hạn như khủng hoảng nợ chính phủ, các cuộc tấn công tiền tệ, v.v..
Tác giả
Elena Carletti - Giáo sư Tài chính, Đại học Bocconi
Tuyên bố công khai
Elena Carletti không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.
Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: Nobel economics prize: insights into financial contagion changed how central banks react during a crisis, The Conversation, Oct 10, 2022.
http://www.phantichkinhte123.com/2022/10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét