Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ tư 12 tháng 10 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Tổng thống Biden không nghĩ Tổng thống Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân 

Reuters 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. 

Hôm 12/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông không nghĩ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo Reuters.

Các vụ nổ đã làm rung chuyển các thị trấn Kherson và Melitopol ở miền nam Ukraine bị Nga chiếm đóng và còi báo động không kích vang lên khắp Kyiv, hai ngày sau khi Nga phóng hàng loạt tên lửa vào các thị trấn của Ukraine trong tình trạng leo thang xung đột nghiêm trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, dưới áp lực trong nước phải đẩy mạnh chiến tranh khi lực lượng của ông mất các vùng đất từ đầu tháng 9, đã ra lệnh tấn công tên lửa hôm 10/10 để đáp trả cuộc tấn công được cho là của Ukraine nhằm vào cây cầu của Nga nối với vùng Crimea hồi cuối tuần trước.


Trong những tuần gần đây, Moscow tiến hành sáp nhập các vùng lãnh thổ mới của Ukraine sau khi các cuộc trưng cầu dân ý bị lên án rộng rãi là bất hợp pháp, họ cũng huy động hàng trăm nghìn người Nga tham chiến, và liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, gây báo động ở phương Tây.

Ông Biden nói trong một cuộc phỏng vấn của CNN rằng ông Putin là một “người biết suy xét song đã tính toán sai lầm đáng kể”.

Khi được hỏi ông thấy có tính thực tiễn đến mức nào về chuyện ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Biden trả lời: “À, tôi không nghĩ ông ấy sẽ làm như vậy”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại Brussels hôm 11/10 rằng liên minh quân sự này không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về cách bài binh bố trận hạt nhân của Nga sau các lời đe dọa.

Đài Loan được đưa vào dự luật quốc phòng khổng lồ của Mỹ 

Reuters 

Tư Liệu: Lính không quân Đài Loan nâng tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder để đưa lên máy bay chiến đấu Northrop F-5 trong một cuộc diễn tập quân sự tại Căn cứ Không quân Zhi-Hang ở Đài Đông.

Tư Liệu: Lính không quân Đài Loan nâng tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder để đưa lên máy bay chiến đấu Northrop F-5 trong một cuộc diễn tập quân sự tại Căn cứ Không quân Zhi-Hang ở Đài Đông. 

Mỹ có thể sớm cấp hàng tỉ đô la tài trợ quân sự cho Đài Loan, xúc tiến nhanh các thương vụ bán võ khí và tăng cường phối hợp quân sự với Đài Loan trong lúc Trung Quốc tăng áp lực lên hòn đảo dân chủ này.

Thượng viện Mỹ đã bao gồm phần lớn ‘Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022’ vào Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng trị giá 817 tỉ đô la được đưa ra tranh luận hôm 11/10. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chấp thuận Đạo luật về Đài Loan hồi tháng 9, khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Trung Quốc xem Đài Loan là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc dùng võ lực để đưa đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Chưa rõ điều khoản nào trong Đạo luật về Đài Loan cuối cùng sẽ nằm trong phiên bản chung cuộc của Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng, nhưng sau đây là vài điểm chính:

Tài trợ quân sự cho Đài Loan

Đạo luật về Đài Loan bao gồm 6,5 tỉ đô la quỹ hỗ trợ trong 5 năm nhằm củng cố khả năng quân sự của Đài Loan và cho phép Đài Loan vay mượn tới 2 tỉ đô la.

Luật này cũng đề ra các bước theo dõi và xúc tiến nhanh chuyển giao thiết bị quân sự cho Đài Loan.

Đào tạo và dự trữ

Đạo luật vừa kể yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ mở rộng đào tạo quân sự chung nhằm cải thiện quốc phòng cho Đài Loan và gia tăng sự tương tác với các lực lượng Mỹ.

Theo các nhà phân tích quốc phòng, tăng cường khả năng của quân đội hai bên cùng hoạt động chung là điều quan trọng để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc, trong trường hợp Mỹ chọn phương án đó như Tổng thống Joe Biden từng gợi ý gần đây.

Chế tài khả dĩ nhắm vào Trung Quốc

Đạo luật cũng đề ra các chế tài cụ thể để Tổng thống áp đặt trong trường hợp Trung Quốc leo thang gây hấn đáng kể nhắm vào Đài Loan, bao gồm các lệnh trừng phạt chống lại các đảng viên cộng sản cao cấp của Trung Quốc, quan chức và các cơ quan nhà nước, cũng như các ngân hàng do nhà nước làm chủ hay kiểm soát.

Các chế tài khác sẽ ngăn chặn và cấm các giao dịch liên quan tới tài sản tại Mỹ và cấm nhập cảnh vào Mỹ những người trong danh sách bị nhắm mục tiêu. 

Các đề nghị gây tranh cãi

Một số yếu tố trong Đạo luật về Đài Loan gây quan ngại về việc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc mà các phụ tá ở Quốc hội Mỹ cho biết khó có khả năng được đưa vào Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng chung cuộc.

Một trong số này có điều khoản kêu gọi xem Đài Loan như một đồng minh phi NATO chủ chốt để hỗ trợ việc chuyển giao các vật liệu và dịch vụ quốc phòng.


Châu Âu: Khủng hoảng năng lượng có thể cắt giảm hơn 30% sản lượng xe hơi

Châu Âu: Khủng hoảng năng lượng có thể cắt giảm hơn 30% sản lượng ô tô

Nhà máy BMW tại Leipzig, Đức, 19/07/2005. (BMW Werk Leipzig / Wikimedia Commons / CC BY-SA 2.0 DE) 

Theo S&P Global Mobility, khủng hoảng năng lượng có thể cắt giảm đến hơn 30% sản lượng ô tô mỗi quý tại châu Âu từ nay cho đến cuối năm 2023, dẫn đến lo ngại phá sản.

Trong một phân tích có tiêu đề “Mùa đông sắp đến“, S&P Global Mobility cho biết chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô “có thể phải đối mặt với áp lực lớn” từ chi phí năng lượng tăng cao hoặc thậm chí là cắt điện.

S&P Global Mobility trước đó đã dự báo sản lượng từ các nhà máy lắp ráp xe hơi ở châu Âu sẽ là 4 – 4,5 triệu xe/quý. Nhưng “với những hạn chế tiềm tàng về hạ tầng kỹ thuật”, con số này có thể sẽ giảm xuống còn 2,75 – 3 triệu xe/quý cho đến hết năm 2023.

“Sự kết hợp giữa các sự kiện không thể đoán trước là đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina vốn đã làm căng thẳng tuyến cung cấp xe hơi”, phân tích cho biết.

“Giờ đây, một số nhà sản xuất thiết bị gốc và nhà cung cấp có quy trình sản xuất sử dụng nhiều năng lượng có thể phải đối mặt với áp lực lớn về chi phí năng lượng trong những tháng tới”.

Phân tích đã so sánh dữ liệu giá năng lượng từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022 tại 4 thị trường chính của châu Âu — Ý, Đức, Pháp, và Anh. Dữ liệu cho thấy, giá khí đốt đã tăng bình quân gấp gần 23 lần. Giá bán buôn điện tăng bình quân gấp hơn 13 lần.

Một số mảng sản xuất “đang trở nên không có lợi đến mức các doanh nghiệp chỉ đơn giản là đóng cửa”, theo Edwin Pope — Chuyên gia phân tích chính, bộ phận Vật liệu & Trọng lượng nhẹ tại S&P Global Mobility — cho hay.

Kịch bản bi quan của S&P Global Mobility dựa trên nhận định rằng, châu Âu sẽ bắt buộc phải hạn chế phân phối năng lượng. Ngành sản xuất ô tô toàn cầu sẽ bị “tê liệt” trong trường hợp đó, phân tích cho biết.

“Các nhà cung cấp của châu Âu gửi các bộ phận, linh kiện, và mô-đun cho các nhà sản xuất thiết bị gốc trên khắp thế giới — do đó tác động đến tất cả các nhà sản xuất ô tô, chứ không chỉ các nhà sản xuất trong khu vực”. 

Phân tích lưu ý rằng, các khách hàng cá nhân tại Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề từ châu Âu, do các nhà máy sản xuất ở Liên minh Châu Âu và Anh hiện đang xuất khẩu khoảng 7.000 xe/tháng sang Mỹ.

Theo ông Pope chia sẻ với Reuters, phân tích của S&P Global Mobility được thực hiện trước khi vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra vào cuối tháng 9/2022, và sự kiện loại này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề sẵn có. 

Ông Pope cho rằng, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ không sống sót qua mùa đông năm sau, nếu châu Âu không có được một kế hoạch ứng phó.

“Tôi lo rằng một số doanh nghiệp kỹ nghệ lành nghề của khu vực sẽ bị phá sản hoặc buộc phải đóng cửa”, ông Pope nói.

Cao Dương

Tulsi Gabbard, một cựu dân biểu bốn nhiệm kỳ từ Hawaii, tuyên bố rời khỏi Đảng Dân chủ, mà bà mô tả là “một nhóm tinh hoa hiếu chiến bị điều khiển bởi phong trào woke hèn nhát.” Bà cáo buộc đảng này, mà bà từng ra tranh cử làm ứng viên tổng thống vào năm 2020 trước khi bỏ cuộc và ủng hộ Joe Biden, “phân biệt chủng tộc” và thù địch với người Mỹ theo tôn giáo.

Khai mạc Hội nghị về các Biện pháp Tương tác và Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA)

Vào thứ Tư, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là một trong những nguyên thủ quốc gia tề tựu về Astana, thủ đô Kazakhstan, để dự Hội nghị về các Biện pháp Tương tác và Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA), một diễn đàn quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực.

27 quốc gia thành viên CICA, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, bao phủ phần lớn Trung Đông và Châu Á. Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Zhomart Tokayev, mong muốn dùng cuộc họp này để củng cố vai trò trên trường quốc tế của CICA. Ngoài Putin, lãnh đạo của mười quốc gia khác, bao gồm Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Ebrahim Raisi của Iran, cũng sẽ tham dự.

Một số đại biểu, bao gồm ông Tokayev, là đồng minh của ông Putin dù hoài nghi về cuộc chiến Ukraine. Do đó, thảo luận về cuộc xung đột có thể sẽ bị gạt sang bên lề. Putin có thể gặp Erdogan, người đang tham vọng làm trung gian đàm phán cho Nga và phương Tây. Nhưng việc một quốc gia thành viên bắn tên lửa vào nước láng giềng nhỏ hơn của mình — đặc biệt khi Ukraine là một trong các “quan sát viên” của CICA — khó có thể khơi dậy niềm tin vào tính xây dựng hòa bình của CICA.

Thị trường quan tâm trái phiếu “dim sum” của Hồng Kông

Nhờ các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, rất ít khách du lịch đại lục đến Hồng Kông để nếm thử các món ngon của thành phố, nhất là các nhà hàng dim sum chuyên phục vụ các món ăn nhỏ và trà. Nhưng người dân đại lục đang săn tìm một loại “dim sum” khác của Hồng Kông: trái phiếu bằng tiền đại lục nhưng được phát hành trên thị trường quốc tế của thành phố, do đó nằm ngoài sự kiểm soát vốn của Trung Quốc.

Loại chứng khoán này, có biệt danh là trái phiếu “dim sum,” được người mua đại lục ưa chuộng vì chúng mang lại lợi suất cao hơn một chút so với các tài sản trong nước tương đương. Và chúng hấp dẫn người bán vì hiện nay vay bằng đồng nhân dân tệ rẻ hơn đô la khi lãi suất ở Mỹ tăng. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng sẽ bán thêm 5,5 tỷ nhân dân tệ (770 triệu USD) trái phiếu vào thứ Tư. Là một trung tâm tài chính quốc tế, Hồng Kông được hưởng lợi từ doanh thu này. Do đó nó là một mũi tên trúng hai con nhạn: giúp đại lục bán trái phiếu và giúp Hồng Kông huy động tiền từ thị trường của thành phố.

Tranh cãi ở Mỹ xoay quanh khu tưởng niệm Thế chiến II

Vào thứ Tư, Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ tuyên bố sự bảo vệ của liên bang đối với “khu kỷ niệm quốc gia” đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông tại cao điểm Camp Hale trên Dãy núi Rocky, bang Colorado. Trong Thế chiến II, Sư đoàn Núi số 10 của quân đội Mỹ đã học trượt tuyết và leo núi tại đây trước khi được điều đến dãy núi Alps ở châu Âu. Nó sẽ là khu vực thứ 159 được một tổng thống chỉ định làm khu tưởng niệm quốc gia.

Động thái này có lẽ nhằm giúp tăng ủng hộ cho thượng nghị sĩ Dân chủ Michael Bennet, người luôn thúc đẩy bảo tồn địa điểm này, trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Nó cũng sẽ khiến các đảng viên Cộng hòa miền tây tức giận, vì họ xem các di tích quốc gia, vốn sẽ lấy đi đất dành cho công nghiệp khai khoáng, khai thác gỗ và chăn thả, là biểu hiện lạm quyền của liên bang. Hồi tháng 8, các đảng viên Cộng hòa ở Utah đã kiện chính quyền Biden vì đảo ngược quyết định giảm quy mô hai khu tưởng niệm tại đây của Donald Trump. Nếu vụ này được đưa lên Tòa án Tối cao, các thẩm phán có thể sẽ xem xét phạm vi của Đạo luật Cổ vật, vốn cho phép tổng thống chỉ định các khu tưởng niệm rộng lớn. Cho tới khi ấy, số lượng khu tưởng niệm có vẻ sẽ tiếp tục tăng.

Tầm nhìn của đảng Sinn Fein dành cho Ireland 

Vào tối thứ Tư, Sinn Féin, đảng chính trị có mục tiêu thống nhất Ireland, sẽ tổ chức Hội nghị Nhân dân đầu tiên tại Belfast. Đây là sự kiện đầu tiên trong chiến dịch “Ủy ban về tương lai của Ireland” nhằm thu thập ý kiến ​​từ người dân Ireland.

Các cuộc thăm dò ở Bắc Ireland hầu hết cho thấy tỉ lệ người muốn thống nhất với Ireland thua xa tỉ lệ muốn ở lại Vương quốc Anh. Sinn Féin trở thành đảng chính trị lớn nhất ở Bắc Ireland từ tháng 5 năm nay – nhưng vẫn chỉ chiếm 29% số phiếu bầu. Còn tại Cộng hòa Ireland, đảng có thể làm tốt trong cuộc tổng tuyển cử 2025 để dẫn đầu liên minh cầm quyền tiếp theo.

Mặc dù đảng cam kết ủy ban sẽ lắng nghe các tín hữu Tin lành, những người muốn hoặc phản đối ở lại trong Anh, sự kiện hôm thứ Tư có khả năng sẽ chỉ có các nhân vật đòi độc lập. Việc thuyết phục cử tri chuyển đảng đã khó, bắt họ chuyển quốc gia thậm chí còn khó hơn. Và đối với nhiều người ở cả hai đầu biên giới, lịch sử bạo lực của Sinn Féin là một chỉ dấu đáng nghi ngờ.

Hạn hán gần trăm ngày ở hồ Bà Dương, mùa màng thất bát, người dân phải đào giếng lấy nước

Trần Phong

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/10/han-han-700x366.jpg

Một bức ảnh chụp từ trên không cho thấy sự khô cạn của hồ Bà Dương ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, vào ngày 23 tháng 9 năm 2022. 

Tỉnh Giang Tây Trung Quốc đã bị hạn hán gần 100 ngày và hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc, vẫn đang trong thời kỳ cực kỳ khô hạn. 

Kể từ tháng 7 năm nay, tỉnh Giang Tây tiếp tục khô hạn và mực nước các sông, hồ và hồ chứa trong khu vực tiếp tục giảm xuống. Theo NetEase, Hồ Bà Dương bước vào thời kỳ cực kỳ khô cạn (dưới 8 mét) vào ngày 19 tháng 8. Vào ngày 23 tháng 9, nó đã xuống dưới mực nước thấp nhất (7,1 mét) kể từ khi có hồ sơ ghi chép vào năm 1951. Vào ngày 4 tháng 10, mực nước của hồ Bà Dương đã giảm xuống còn 6,68 mét.

hsw.cn cho biết, vào ngày 9 tháng 10, đã có một số trận mưa, và mực nước của hồ Bà Dương đã tăng lên đến 7,22 mét, nhưng nó vẫn đang trong thời kỳ cực kỳ khô hạn. So với diện tích vùng nước lớn nhất, diện tích vùng nước của hồ đã giảm hơn 90%, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế và sinh thái của người dân xung quanh.

Cư dân cho biết: Nước bị cắt liên tục và mùa màng thất bát

Ông Triệu, một cư dân của thị trấn Vạn Hộ, huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây, nói với The Epoch Times rằng “Hạn hán đã kéo dài hơn ba tháng rồi, toàn bộ hồ Bà Dương đều khô cạn, không có nước máy, nguồn nước không đủ, cứ thế này, sớm muộn gì cũng cắt nước”.

Ông Triệu cho biết, “Hầu hết mọi hoa màu đều không có thu hoạch, Bông và lúa tất cả đều không cho thu hoạch. Tất cả các loại cây trồng khác đã chết do hạn hán. Những người trồng ngũ cốc quy mô lớn và các nhà thầu nông nghiệp đều tổn thất nặng nề”.

Ông nói, “Đây là trận hạn hán hiếm gặp trong gần một thế kỷ. Trời đã không mưa trong hơn ba tháng rồi. Mặc dù sông Dương Tử đã chảy ra một ít nước, nhưng lòng sông quá thấp để chảy vào hồ Bà Dương. Nhiệt độ cao vẫn tiếp tục, dó đó tất cả nước dưới đáy sông đều bốc hơi hết. Mấy ngày nay trời mát hơn, mưa xuống chút ít nhưng chẳng thay đổi được gì nhiều”.

Lưu vực hồ Bà Dương vốn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho một lượng lớn người dân cũng như việc sản xuất lương thực ở Giang Tây. Nước hồ bước vào mùa khô sớm, đồng nghĩa với việc sinh kế và nước tưới của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng. HK01 dẫn số liệu chính thức cho thấy, kể từ đợt hạn hán vào mùa hè năm nay, hạn hán ở tỉnh Giang Tây đã ảnh hưởng đến 5 triệu người dân địa phương, ảnh hưởng đến diện tích hơn 10 triệu hecta cây trồng và trực tiếp gây thiệt hại kinh tế lên tới 6,83 tỷ nhân dân tệ.

Mực nước ở hồ Bà Dương giảm nhanh, cá mắc cạn, người dân phải đào giếng lấy nước

Theo Zhihu, vào ngày 6 tháng 10, mực nước của hồ Bà Dương ở thị trấn Vạn Hộ, huyện Đô Xương, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây đã giảm xuống nhanh chóng chỉ trong một đêm, và tất cả cá trong hồ đều mắc cạn. Hàng trăm người dân đổ xô xuống đáy hồ nhặt cá.

Các nhân viên công tác của thị trấn Vạn Hộ nói với truyền thông trong nước rằng, mỗi người có thể nhặt được hơn 50 tấn cá, nếu cộng hàng trăm hoặc hàng nghìn người với nhau, số cá nhặt được ở hồ Bà Dương có thể vượt quá 50.000 tấn.

Ông Lưu, một nhân viên của chính quyền thị trấn Vạn Hộ, nói với Epoch Times rằng, hạn hán ở địa phương đã tiếp tục kể từ tháng 7 và nước ở hồ Bà Dương đã giảm. Mặc dù chính quyền đã áp dụng mưa nhân tạo, nhưng nó không có tác dụng gì, vì diện tích của toàn bộ hạn hán là quá lớn. “Trước đây, đến mùa Đông hồ Bà Dương mới vào mùa nước cạn. Nhưng năm nay, hạn hán quá nghiêm trọng, nên mùa nước cạn đến sớm hơn, những năm trước có thể phải đến tháng 12 mới bước vào mùa cạn, năm nay sớm hơn một, hai tháng.”

Một số làng đã bắt đầu đào giếng, trước tình hình hạn hán, ông Lưu thẳng thắn nói: “Mất mùa quả thực sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu nhập cá nhân của người dân trong làng”.

Chuyên gia: Khí hậu bất thường có thể trở thành trạng thái bình thường mới

Trương Tuấn Phong, một chuyên gia thủy lợi tại Trung Quốc đại lục, nói với Epoch times hôm 9/10 rằng tình trạng hạn hán kéo dài ở Trung Quốc trong năm nay cần được cảnh giác, “Tần suất xuất hiện ban đầu tương đối thấp, chẳng hạn cứ mười năm một lần, có thể 3 đến 5 năm một lần, thậm chí hàng năm, và khi biến đổi khí hậu toàn cầu gia tăng, tình trạng này sẽ trở nên thường xuyên hơn.”

Ông Trương cho biết, nguyên nhân trực tiếp là do lượng mưa tổng thể ở thượng lưu lưu vực sông Dương Tử đã giảm, thông lượng dòng nước (vapor flux) do dãy Himalaya và cao nguyên Thanh Hải -Tây Tạng truyền xuống đã giảm, và lượng mưa tổng thể cũng giảm, khiến hồ Bà Dương và hồ Động Đình ở vùng hạ lưu rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng, “thêm vào đó, dân số quá đông, lượng tiêu thụ nước cũng lớn, và khí hậu khô hạn khiến vấn đề trở nên nổi cộm”.

Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp quan ngại từ cộng đồng quốc tế 

VOA Tiếng Việt 

Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu trước phiên họp thứ 77 của Đại Hội Đồng LHQ tại thành phố New York, Mỹ hôm 24/09/2022.

Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu trước phiên họp thứ 77 của Đại Hội Đồng LHQ tại thành phố New York, Mỹ hôm 24/09/2022. 

Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 11/10 bỏ phiếu chấp nhận Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc bất chấp các mối quan ngại từ cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam chưa tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Số phiếu cần có để được một ghế trong Hội đồng là 97.

Việt Nam được 145/189 phiếu hợp lệ, nằm trong danh sách 14 nước được các thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York bầu vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm bắt đầu từ 1/1/2023.

Đây là kết quả nỗ lực tuyên truyền và vận động sâu rộng của Hà Nội để có được sự ủng hộ dù các nhà chỉ trích và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho rằng hồ sơ nhân quyền yếu kém trong nước cộng với sự hậu thuẫn ngoại giao mà Hà Nội dành cho các nước vi phạm nhân quyền chủ chốt đã khiến quốc gia độc đảng này không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn để chiếm ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

“Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam, bước đầu tiên tức thời, phải chứng tỏ cam kết của họ với nhân quyền bằng cách phóng thích người thắng Giải Goldman, Ngụy Thị Khanh, và các nhà bảo vệ nhân quyền khác bị bỏ tù trong hai năm qua,” ông Michael Sutton, giám đốc điều hành Sáng hội Môi trường Goldman, kêu gọi.

Trong thông cáo ra ngày 11/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nhấn mạnh: “Là tân thành viên của Hội đồng Nhân quyền, chính phủ Việt Nam nên chứng tỏ họ sẵn sàng bảo vệ nhân quyền thay vì vi phạm nhân quyền.”

Ngoài Việt Nam, các nước vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền bao gồm Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Ma-rốc, Romani, Nam Phi và Sudan. 

Việt Nam thường bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền và về việc giam cầm tù nhân lương tâm.

Hà Nội nói họ luôn tôn trọng nhân quyền và khẳng định không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật.

Elon Musk phủ nhận nói chuyện với Putin về chiến tranh Ukraine 

George Wright 

BBC News 

Elon Musk

Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh, Elon Musk

Elon Musk phủ nhận tin ông nói chuyện với Vladimir Putin trước khi đăng trên Twitter cuộc thăm dò về các đề xuất chấm dứt cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. 

Ian Bremmer, người đứng đầu công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cáo buộc rằng chính ông Musk đã cho mình biết về cuộc nói chuyện với ông Putin. 

Nhưng ông Musk hiện nay đã bác bỏ. 

“Tôi chỉ nói chuyện với Putin một lần và đó là khoảng 18 tháng trước. Chủ đề là không gian”, ông Musk viết trên Twitter. 

Tuần trước, CEO của Tesla đã kêu gọi 107,7 triệu người theo dõi của mình bầu chọn về cách giải quyết cuộc chiến Ukraine. 

Các lựa chọn trong cuộc thăm dò bao gồm đề xuất tổ chức bỏ phiếu ở những vùng của Ukraine bị Nga chiếm đóng mà Điện Kremlin đã tuyên bố sáp nhập. Ý kiến của ông được Moscow hoan nghênh. 

Tỷ phú này nói “Nga rút đi nếu đó là ý muốn của người dân.” 

Tổng thống Putin đã tuyên bố bốn khu vực của Ukraine là một phần của Nga, sau cái gọi là trưng cầu dân ý mà Kyiv và các đồng minh phương Tây tố cáo là gian lận. Nga không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong bốn nơi này. 

Ông Musk cũng đề nghị thế giới “chính thức” công nhận Crimea – bị Moscow sáp nhập bất hợp pháp năm 2014 – là một phần của Nga. 

Trong một bản tin, ông Bremmer cho biết ông Musk nói với ông rằng Tổng thống Nga “sẵn sàng đàm phán”, nhưng chỉ khi Crimea vẫn thuộc kiểm soát của Nga, Ukraine chấp nhận vĩnh viễn trung lập, và Kyiv công nhận Nga sáp nhập Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. 

Ông Bremmer cho biết ông chủ SpaceX nói với ông rằng ông Putin nói sẽ hoàn thành các mục tiêu này “bất kể điều gì”, và có khả năng sẽ có tấn công hạt nhân nếu Ukraine xâm chiếm Crimea. 

Nhưng ông Musk đã phủ nhận các tin này. 

Cuộc thăm dò trên Twitter của ông Musk gây tranh cãi khắp nơi. 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói những người đề nghị Ukraine từ bỏ người dân và đất đai mình “nên ngừng dùng chữ ‘hòa bình’ như một lối uyển ngữ để ‘cho phép người Nga sát hại và hãm hiếp hàng ngàn người Ukraine vô tội, và chiếm thêm đất đai’.” 

Kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov gọi câu tweet của ông Musk là “phát biểu ngu dốt về đạo đức, lặp lại tuyên truyền của Điện Kremlin, và phản bội lòng dũng cảm và sự hy sinh của người Ukraine.” 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hoan nghênh các đề nghị của ông Musk, nói “Rất tốt khi một người như Elon Musk tìm kiếm biện pháp hòa bình để rút khỏi tình trạng hiện giờ.” 

Đầu chiến tranh, tỷ phú này rất được yêu thích ở Ukraine khi gửi các trạm internet vệ tinh Starlink tới Ukraine. Sau đó, ông được Tổng thống Volodymyr Zelensky mời đến thăm. 

Nhưng những câu tweet gần đây của ông đã làm mối quan hệ trở nên xấu đi, và ông Zelensky phản bác nặng nề các thăm dò của ông trên Twitter. 

Pháp: Đình công tiếp tục làm trạm xăng treo bảng hết hàng

Công nhân đình công đốt lửa trước nhà máy lọc dầu ExxonMobil ở Port-Jerome-sur-Seine, Pháp, ngày 12/10/2022

Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh, 

Công nhân đình công đốt lửa trước nhà máy lọc dầu ExxonMobil ở Port-Jerome-sur-Seine, Pháp, ngày 12/10/2022

Các công nhân dầu mỏ tại Pháp đã bỏ phiếu để tiếp tục đình công, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tại các trạm xăng trên khắp đất nước.

Họ đã phản ứng giận dữ sau khi chính phủ gia tăng áp lực với các công ty cũng như nghiệp đoàn, tuyên bố sẵn sàng giải tỏa các kho.

Cuộc đình công, sang tuần thứ ba, đã làm đóng cửa sáu trong số bảy nhà máy lọc dầu của Pháp.

Gần một phần ba các trạm xăng dầu của Pháp hiện nay đang thiếu ít nhất một loại nhiên liệu động cơ.

Hiện nay ở Pháp nhiều trạm xăng dầu đóng cửa, với cảnh hàng trăm xe xếp hàng chờ được đổ nhiên liệu.

Các tổ chức công đoàn muốn tăng lương cho công nhân, do lợi nhuận khổng lồ mà các công ty dầu mỏ thu được vào thời điểm hiện tại.

Họ đang đòi tăng lương 10% - trong đó có 7% để trang trải lạm phát và 3% cho những gì họ gọi là "chia sẻ của cải".

Chính phủ Pháp phản ứng

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trước đó nói rằng nếu không thể đạt được thỏa thuận giữa các công ty dầu mỏ và các nghiệp đoàn, chính phủ sẽ hành động để "ngăn chặn tình hình".

Phát ngôn viên của chính phủ, Olivier Veran, kêu gọi gỡ bỏ ngay lập tức tình trạng phong tỏa các kho nhiên liệu, nếu không sẽ “can thiệp”.

Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn cực tả coi đây là mối đe dọa đối với quyền đình công của họ và đã cứng rắn lập trường, gọi cảnh báo của chính phủ là "bất hợp pháp" và "lựa chọn bạo lực".

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nghiệp đoàn chấm dứt đình công, nhưng nói rằng các công ty năng lượng nên lắng nghe "yêu cầu lương chính đáng" của công nhân.

Hành động đình công đã gây chia rẽ dư luận ở Pháp, với một số hành khách bày tỏ sự bực tức vì tình trạng thiếu nhiên liệu và chỉ ra rằng họ cần ô tô để đi làm.

Nhưng vì lo lắng ngày càng tăng về chi phí sinh hoạt và lợi nhuận tăng vọt của một số công ty năng lượng, những người khác lại bày tỏ sự thông cảm với công nhân đình công.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét