Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Điều gì xảy ra nếu nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ?

Tác giả Katabella Roberts

Điều gì xảy ra nếu nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ?

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hoa Kỳ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nusa Dua trên đảo nghỉ mát Bali của Indonesia hôm 14/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images) Trung Quốc 

Trung Quốc, với dân số hơn 1.4 tỷ người, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quốc gia này có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6.7% kể từ năm 2012, một phần nhờ vào vị trí thống trị của họ trong lĩnh vực sản xuất và xuất cảng hàng hóa giá rẻ.

Tính đến năm 2022, Trung Quốc đạt mức GDP là 17.7 ngàn tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với GDP là 22.9 ngàn tỷ USD. Nhiều nhà kinh tế đã dự báo rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, nền kinh tế của quốc gia này đã mất dần động lực trong năm nay khi phải thích nghi theo chiến lược nghiêm ngặt zero COVID. Do đó, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước thực sự bị đình trệ, giống như trong giai đoạn đầu của đại dịch, trong khi nhu cầu toàn cầu giảm và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao.


Việc chính quyền Trung Quốc thắt chặt nợ của các nhà phát triển bất động sản cũng góp phần tăng thêm gánh nặng cho đất nước. Chính phủ đã thắt chặt các quy định mua nhà và hạn chế cho vay từ các ngân hàng, đồng thời thúc giục các ông trùm bất động sản lớn rót nguồn lực và tầm ảnh hưởng để hỗ trợ các lợi ích của Bắc Kinh.

Điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường nhà ở và gây tổn hại thêm cho nền kinh tế trong năm qua.

Trong khi đó, GDP của nước này chỉ tăng 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai và mặc dù tăng 3.9% trong quý ba, nhiều nhà kinh tế tin rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn, làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc đang sa sút?

Nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc đang chậm lại, với sản lượng công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Mười, không đạt được kỳ vọng tăng trưởng 5.2% của thị trường và chậm lại so với mức mở rộng sản xuất công nghiệp 6.3% của tháng Chín.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ, một thước đo của mức tiêu thụ, đã giảm 0.5% trong tháng Mười; lần đầu tiên có diễn biến như vậy kể từ tháng Năm khi con số này giảm 6.7% sau khi Thượng Hải, trung tâm thương mại lớn nhất của đất nước, bị phong tỏa trên toàn thành phố.

Bên cạnh đó, theo phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, đầu tư bất động sản đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Mười, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ giai đoạn tháng Một đến tháng Hai năm 2020.

Ngoài ra, quốc gia này đang phải chịu sự mất giá nghiêm trọng của đồng tiền trong năm nay.

Thêm vào đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng Mười đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 3.2%, đánh dấu mức thấp thứ hai kể từ năm 1977, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5.5% mà chính quyền Trung Quốc đã công bố vào tháng Ba.

IMF cho biết dự báo bị cắt giảm phản ánh “tác động của việc phong tỏa do COVID-19 lên khả năng di chuyển và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.”

Bất động sản Trung Quốc sụp đổ năm 2021

GDP của Trung Quốc tăng 8.1% hàng năm lên 114.37 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 18 ngàn tỷ USD) vào năm 2021, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế chậm lại đáng kể vào cuối năm, một xu hướng đã tiếp tục trong phần lớn năm nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác, năm 2021 chắc chắn sẽ được ghi nhớ với cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở làm tê liệt Trung Quốc, vốn vẫn đe dọa gây ra những tác động tài chính đối với nền kinh tế rộng lớn hơn hiện nay.

Bắc Kinh đã khởi xướng một sự siết chặt quy mô lớn đối với khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2021 trong nỗ lực thống lĩnh thị trường, nhưng hành động này khiến các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

Công ty bất động sản Evergrande của Trung Quốc, khi đó là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của đất nước, đã nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể sẽ không thanh toán được khoản nợ đáng kinh ngạc trị giá 300 tỷ USD. Cuối cùng, đó chính xác là những gì họ đã làm. Ngay sau đó, các nhà phát triển bất động sản khác như Kaisa và Shimao cũng tương tự như vậy.

Điều đó gây tác động dây chuyền lên toàn bộ ngành bất động sản, tạo ra tình trạng sụt giảm nhà ở, theo đó doanh số bán bất động sản sụt giảm và nhiều chủ nhà từ chối trả các khoản vay thế chấp đối với những bất động sản chưa hoàn thành.

Kết quả là lĩnh vực bất động sản, chiếm 1/5 GDP của Trung Quốc, bị thiệt hại nặng nề.

Như một điềm báo cho nhiều vấn đề sắp xảy ra, Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã báo cáo rằng lợi nhuận của họ trong nửa đầu năm 2022 đã giảm mạnh 96%, giảm 89 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022 so với mức 2.2 tỷ USD mà công ty đã báo cáo vào cùng thời kỳ năm 2021.

Trong nỗ lực khởi động lại ngành bất động sản, Bắc Kinh đã cam kết cho vay hàng tỷ dollar—khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD)—để giúp các nhà phát triển thiếu tiền hoàn thành việc xây dựng các dự án.

Kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào đầu tháng này, ông Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, thừa nhận rằng các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc đang gây áp lực “rất lớn” lên nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng.

Ông Fu cho biết: “Tác động từ bộ ba áp lực đối với hoạt động kinh tế – nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu – đang gia tăng.”

Tuy nhiên, Ông Fu tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phục hồi ổn định, đồng thời lưu ý rằng hiệu quả kinh tế của nước này từ đầu năm đến nay đã cho thấy sự kháng cự, bất chấp sự bùng phát trở lại của dịch COVID và nhu cầu suy yếu.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra một số biện pháp kích thích nhằm nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm gói 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD) được công bố vào tháng Tám nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và bất động sản, giảm bớt tình trạng thiếu điện, cứu trợ hạn hán và bảo đảm sản xuất lúa gạo trong vụ thu hoạch giữa vụ quan trọng, cùng nhiều hoạt động khác.

Hồi tháng Mười, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong hai năm tới, hạ dự báo GDP năm 2023 xuống còn 4.4% so với 4.6% ban đầu, lưu ý rằng “cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc ngày càng trầm trọng có thể làm suy yếu tăng trưởng.”

Kinh tế kế hoạch tập trung

Trung Quốc trước đây là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, còn được gọi là nền kinh tế chỉ huy hoặc nền kinh tế cộng sản, theo đó các quyết định kinh tế, bao gồm cả những quyết định liên quan đến sản xuất và phân phối hàng hóa và phân bổ nguồn lực, được thực hiện bởi chính phủ chứ không phải bởi những người tham gia thị trường hoặc tác nhân tự trị.

Cách làm này được duy trì từ năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, cho đến cuối năm 1978.

Liệu Trung Quốc có một nền kinh tế hỗn hợp?

Trung Quốc chuyển đổi sang một nền kinh tế hỗn hợp, một hệ thống pha trộn các khía cạnh của cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, sau khi thời kỳ Mao Trạch Đông kết thúc.

Trong hệ thống kinh tế hiện tại, có cả công ty tư nhân và các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước hoặc chính phủ cùng tồn tại, và các mức độ tự do kinh tế nhất định được áp dụng đối với việc sử dụng vốn.

Tuy nhiên, sự can thiệp của chính phủ vẫn được áp dụng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế, chẳng hạn như trong các dịch vụ công cộng và phúc lợi, để đất nước đạt được các mục tiêu xã hội của mình.

Ông Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ từ tháng 12/1978 đến tháng 11/1989, đã gọi hệ thống này là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc Tập Cận Bình – người vừa đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu ĐCSTQ – sau đó đã tuyên bố một “kỷ nguyên mới” của hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa cho Trung Quốc, theo đó ĐCSTQ dường như đã nới lỏng quyền kiểm soát đối với nền kinh tế của đất nước nhưng vẫn nắm quyền điều hành xã hội nói chung.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào trong tương lai là điều khó dự đoán. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế này trải qua một sự sụp đổ thực sự, thì sẽ gây ra tác động dây chuyền tàn khốc lên phần còn lại của thế giới, đặc biệt là đối với ngoại thương và thị trường tài chính. Mặc dù những tác động này là lâu dài hay ngắn hạn thậm chí còn khó dự đoán hơn do tình trạng bất ổn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu.

Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

Vân Du biên dịch

https://vietluan.com.au


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét