Nguyên bản tiếng Anh: The Raid
Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer
Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ
P7
Có phải các loại công tác này đã gây ra trận lụt ở Sơn Tây, hoặc làm ngập tràn thêm những trận lụt hàng năm thường xảy ra vào thời gian này tại vùng hướng tây ở Bắc Việt Nam, làm cho tù binh phải sơ tán đi chỗ khác hay không? Không hiểu vì lý do gì mà các số liệu liên hệ của hoạt động năm 1970 không còn được lưu giữ. Nhưng số liệu của năm 1971 thì vẫn còn, và trong hồ sơ tháng 6 năm này có ghi chú rõ là đã đo được mực nước mưa cao 16 phân Anh tại vùng núi đồi đất Lào, hướng tây và tây nam Sơn Tây. Các chuyên viên phân tích dữ kiện tại Lầu Năm Góc đã tính ra rằng trong số mực nước dâng cao 16 phân Anh ấy, có 7 phân Anh là do chiến dịch Popeye gây ra. Có một điều đáng lưu ý là hầu hết các chuyến bay công tác năm 1971 đều được thực hiện tại vùng viễn nam đất Lào, trong khi đó thì đa số các chuyến bay của năm 1970 lại hướng trọng tâm mục tiêu vào miền Bắc, tại khu vực hướng tây và tây nam Sơn Tây.
Vào năm 1970, trời mưa như thác đổ tại vùng Bắc Lào vào Bắc Việt Nam.
Các chuyên viên khí tượng giỏi nhất trên thế giới cũng sẽ ấp úng không thể giải thích nổi tại sao trong cùng một vùng mà năm này thì mưa như trút nước còn năm sau thì lại ít mưa. Nhưng nếu chính vì chiến dịch Popeye đã tạo ra nhiều trận mưa lũ mùa hè trên đất Lào và gây ra trận lụt tháng bảy tại khu vực trại giam Sơn Tây vào năm 1970 thì cũng chẳng mấy ai biết được điều đó. Bộ Quốc phòng phỏng định rằng, trong suốt sáu năm thực hiện các công tác hóa chất tạo mây mưa, chỉ có 1.400 viên chức được quyền biết về các hoạt động này. Số người này bao gồm cả các phi hành đoàn và “nhân viên yểm trợ” đã thực hiện 2.602 chuyến bay liên hệ, và đã chuyển vận 47.409 “đơn vị hóa chất” lên các loại máy bay dùng cho chiến dịch Popeye. Có thể tính ra là mỗi năm chỉ có khoảng 230 người được tuyển chọn kỹ về an ninh để được quyền tham gia vào việc hoạch định, vận chuyển khiêng bốc hóa chất, và thực hiện độ 435 chuyến bay công tác. Như vậy, Popeye là một chiến dịch “tối mật của tối mật”.
Một tài liệu do Lầu Năm Góc cung cấp sau này có nêu rõ là chỉ có “Giám đốc và một số viên chức tham mưu hạn chế của CIA” mới được quyền biết đến các hoạt động này. Tài liệu này cũng có tiết lộ danh sách 14 cơ quan hoặc văn phòng khác “được phép thông báo cho biết tùy theo từng độ mật của công tác chiến dịch và phạm vi hoạt động”. Số cơ quan này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên kể từ “văn phòng Tổng tư lệnh Bộ tổng tham mưu hỗn hợp” và “số viên chức tham mưu hạn chế tại văn phòng Bộ trưởng quốc phòng” cho đến “Giám đốc, Nha khai thác và Điều hợp quốc phòng”. Trong bản danh sách thông báo, không thấy nêu tên cơ quan DIA. Lẽ ra thì phải có mới đúng, và như thế thì chính cơ quan DIA phải thông báo lại cho uỷ ban kế hoạch tập kích Sơn Tây được rõ. Nhưng trên thực tế thì ngay cả các viên chức quan trọng chuyên trách về nghiên cứu của DIA trong việc yểm trợ cho cuộc tập kích cũng không biết mảy may gì về chiến dịch Popeye. Còn cơ quan CIA thì không phải lúc nào cũng thông báo cho Bộ tổng tham mưu hỗn hợp biết về các công việc họ làm tại vùng “lãnh thổ riêng biệt” của họ trên đất Lào.
Tình trạng này thật hết sức phức tạp và mơ hồ một cách cố tình gây ra nhiều câu hỏi thắc mắc trong công tác tập kích Sơn Tây. Một vài viên chức cao cấp trong giới tình báo; vào khoảng tháng bảy hoặc đầu tháng tám có biết được sự kiện số tù binh ở Sơn Tây đã được di chuyển đi chỗ khác trước đó không? Có phải số tù binh này bị sơ tán vì trận lụt do hoạt động mưa nhân tạo của Mỹ gây ra không? Và nếu đúng như vậy thì việc các chuyên viên lập kế hoạch Sơn Tây đã không được thông báo cho biết trước về sự kiện tù binh đã bị sơ tán rồi có phải là do nguyên nhân các chuyên viên kế hoạch này không được phép biết đến chiến dịch Popeye? Một thời gian dài sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, các câu hỏi này mới được nêu ra. Vào tháng tám năm 1970, các chuyên viên kế hoạch Sơn Tây chỉ biết có một điều là có dấu hiệu “giảm sinh hoạt” tại khu trại giam và trong các tuần lễ trước mắt, họ phải đương đầu với các điều kiện thời
tiết bất thường. Chính Manor sau này đã viết trong bản báo cáo công tác rằng: “Đại khái trong hai tháng trước ngày tập kích một số lượng mưa bão gần bằng mưa bão trong năm năm qua đã đổ ập xuống Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam và Lào”. Khắp cả ba vùng này đã hứng chịu cảnh “thời tiết xấu nhất” kể từ bao năm qua. Như vậy thì việc chụp không ảnh để cung cấp nguồn tin tình báo mới nhất vào phút chót, sẽ là điều vô cùng khó khăn. Như vậy cũng có nghĩa là việc ấn định thời điểm cho công tác tập kích cũng sẽ khó khăn. Phải chăng ta có thể nghĩ rằng một chiến dịch tối mật của Hoa Kỳ đã vô tình suýt làm nguy hại đến sinh mạng của số tù binh Mỹ ở Bắc Việt Nam lẫn cả tính mạng của binh sĩ và phi hành đoàn đang cố gắng lên đường đi giải cứu số tù binh ấy.
VỐN QUÍ
Không một nơi nào ở Bộ tham mưu chỉ huy không quân chiến lược Omaha Nebraska, hoặc bất kỳ nơi nào khác của SAC (Chỉ huy không quân chiến lược) được phép biết một điều gì về cuộc tập kích Sơn Tây. Mặc dầu vậy SAC vẫn phải cung cấp số lớn tin tình báo mà Manor và Simons cần. Các đội tiếp nhiên liệu của SAC, cũng như các đường giao thông tiếp vận của nó phải yểm trợ cuộc tập kích.
Trong khi nhóm làm kế hoạch của Blackburn tiếp tục những buổi họp từ ngày 10 đến 14 tháng 8 thì một toán máy bay trinh sát gồm 7 chiếc Buffalo Hunter được giao cho Manor sử dụng nhằm giúp nhóm người làm nhiệm vụ của ông kiểm tra được giờ chót tình hình ở trại Sơn Tây và tình hình chiến đấu của Bắc Việt. Ít ra nhiều nhiệm vụ ở độ cao của SR-71 cũng làm được một số việc, nhưng các nhà giải thích ảnh cần những không ảnh để kiểm soát kết quả của ảnh chụp theo tỷ lệ nhỏ từ những máy ảnh kỹ thuật có tiêu cự cực dài, chụp bao trùm một bề rộng 10 dặm trên mặt đất.
Các phi đội của SAC phải bay cho cả hai loại nhiệm vụ, nhưng không một ai ở Ohama hiểu tại sao. Các nhà giải thích ảnh của SAC cũng không được biết việc đó nhằm mục đích gì. Sau cuộc tập kích Manor có nhiệm vụ dặn “trong tương lai, nếu khi nào những vốn quý trinh sát của SAC được sử dụng thì một sĩ quan của Văn phòng trung tâm đòi hỏi tình báo trinh sát của SAC” phải thuyết trình về hoạt động này. Ông ta tiếp tục giải thích rằng, kinh nghiệm cho thấy là gặp khó khăn trong việc phối hợp những yêu cầu trinh sát của JCTC (Nhóm nhiệm vụ hỗn hợp trường hợp bất ngờ... với Trung tâm trinh sát của SAC ở căn cứ không lực Offutt như việc không một nhân viên nào của SAC được phép biết hoạt động này. Một “sự hiểu biết cặn kẽ của những yêu cầu Manor đề nghị, sẽ giúp nhiều trong việc đạt được kết quả mong muốn”.
Còn một khó khăn khác. Do mưu kế đánh lừa của nền hành chính quân sự, SAC chịu trách nhiệm về tất cả việc trinh sát ở độ cao (Những vệ tinh, U-2 và SR-71) chỉ trừ một phần của kế hoạch trinh sát ở độ thấp của không lực SAC chịu trách nhiệm về những máy bay (RPV) điều khiển từ xa hoặc máy bay không người lái những chiếc Buffalo Hunter và các chuyến bay ở độ thấp không người lái cho những nhiệm vụ trinh sát Ở Bắc Việt Nam; nhưng Bộ chỉ huy không lực chiến thuật (đặc biệt là không lực thứ 7 ở Sài Gòn) hoạch định nhiệm vụ bay có người lái ở độ thấp, thường thường là với máy bay RF-4 hoặc RF-101. Những trách nhiệm hỗn hợp bắt các nhà làm kế hoạch của Lầu Năm Góc thực hiện những sứ mệnh phức tạp và sôi động như vụ tập kích Sơn Tây. Nhất là khi mà văn phòng trinh sát của Bộ tham mưu hỗn hợp không thể nói cho SAC (chỉ huy không lực kỹ thuật) hay là không lực thứ 7 biết Lầu Năm Góc đang tìm kiếm gì hoặc khi nào phải đánh vào các mục tiêu được trinh sát đó.
Một phần của sự lộn xộn là cố tình để ngăn ngừa những sự tiết lộ, trong đó có một phần là do tình cờ. Nhưng tại tổng hành dinh của SAC một trung tá trẻ tên là John Dale thắc mắc với tư cách là chỉ huy trinh sát bằng máy bay cho SAC. Ông đã thực hiện nhiều nhiệm vụ bằng chiếc Buffalo Hunter trên một phần Bắc Việt Nam liền trong 2 năm mà không ai chú ý đến, và những chiếc máy bay trinh sát săn bắt của ông ta cũng không thu lượm được gì. Bảy lần bị bắn trong khi bay từ giữa đầu tháng 9 đến cuối tháng 10 ít nhất có hai chiếc bị bắn rơi bởi những tay súng Bắc Việt Nam và 4 lần “thất bại kỹ thuật” do thời tiết gây ra. Mỉa mai thay một trong những máy bay đó, bay vào ngày 12 tháng 7 ngày mà hai ngày trước khi các tù binh Mỹ ở Sơn Tây bị di chuyển. Hai trong những tù binh Mỹ đó là Elmo Baker và Larry Carrigan, đang ở ngoài sân của trại tù thì trông thấy máy bay bay đến gần. Họ mừng quýnh rồi vẫy tay để nói với thế giới bên ngoài: “Chúng tôi ở đây, chúng tôi đang ở đây”. Nhưng có điều không may, trong số 127 triệu tấm ảnh của Buffalo Hunter chụp trên Bắc Việt Nam mà giấy nay chứa đầy trong những hồ sơ của DIA lại không có được một bức ảnh nào của lần bay đó.
Lần chụp sau cùng của Buffalo Hunter là hoàn hảo. Người ta cho rằng nó mang về những bức ảnh chụp từ độ cao trên ngọn cây, gần sát trên những bức tường của nhà tù Sơn Tây, để cho thấy “tầm cao, màu sắc và những nét mặt” của mỗi người trong nhà tù Sơn Tây. Những ảnh chụp tuyệt diệu đó do máy bay tính toán kỹ đã thực hiện quá sớm và chụp vào một khoảng chân trời cách xa trại tù. Khi ông giám đốc Bennett của DIA trông thấy ảnh, ông ta hồi tưởng lại “Tôi đã khóc suốt 2 ngày liền”. Bởi vì ông ta chỉ có thể nói theo trí tưởng tượng của mình rằng Sơn Tây có thể trống hoặc là đông đảo nông dân đi thăm ruộng lúa”.
Tập thể tình báo cho rằng nếu bay thêm những phi vụ gần trại tù có thể báo hiệu cuộc tập kích. Họ quyết định phải dựa vào sự “xâm nhập trên độ cao” đối với số ảnh còn lại. Những chiếc SR- 71 sẽ cất cánh từ căn cứ không lực của Kadena, Okinawa nhưng phim chụp thì phải đưa nhanh về cho các nhà giải thích ảnh của DIA trong đội trinh sát kỹ thuật thứ 67 của SAC ở căn cứ không lực Yokota, Nhật Bản, rồi gửi về Washington để xem kỹ thêm. Vì những người của DIA bổ nhiệm cho SAC không được phép biết vụ tập kích nên các nhà giải thích ảnh ở Yokota phải tìm kiếm những thay đổi trong hệ thống phòng không của Bắc Việt và những điều động quân sự trên con đường cắt rộng 10 dặm mà ảnh của SR-71 đã chụp được. Họ đã làm một công việc tốt. Như lời của một người trong bọn về sau nói lại: “Họ đã xác nhận được vị trí của mỗi một nòng súng trong khoảng 50 dặm cách xa nơi đó”. Chỉ có những nhà giải thích ảnh của DIA bổ nhiệm thẳng cho nhóm Hỗn hợp
hành động bất ngờ của Manor mới đọc thấy sự việc tiến triển như thế nào ở Sơn Tây. Nhưng không phải mọi việc đều đã dễ dàng. Bởi thời tiết bất thường ở phần đất Đông Nam Á vào giữa năm 1970 này, nên mục tiêu thường bị mây che phủ hoặc khuất trong những bóng đen nặng nề.
Tại DIA Bennett và phụ tá của ông ta là Stewart quyết định rằng đến giờ phải áp dụng những “vốn quý” khác. Đó là cho xâm nhập một điệp viên CAS vào gần mục tiêu. Như cho một điệp viên nào đó có thể “đạp xe đạp” bên ngoài trại tù Sơn Tây đến đó làm như hỏng xe để quan sát vào bên trong cổng chính của trại tù, nghe ngóng có giọng nói của người Mỹ nào không? Việc ngăn cấm xâm nhập vào và không cho tiếp tế trở lại đã được hủy bỏ phần nào do lệnh của Tổng thống Nixon. Bennett đi gặp Moorer về sự xâm nhập mà ông ta đề nghị, để trù tính thời gian cho chính xác, điệp viên có thể lọt vào và trở ra an toàn. Đô đốc Moorer đồng ý, ông ta ra lệnh cho Bennett kiểm soát lại với CIA và “điều tra xem có nên cho một toán CAS xâm nhập hay không? Và phải làm trên cơ sở hết sức kín đáo”.
Khi người ta hỏi: “Việc đó ra sao” thì Moorer cho biết: “Bị phản đối”. Ông ta giải thích: “Trong một nước và một xã hội bị đóng kín như Bắc Việt, thì một người dân da trắng nổi bật ra như là một mục tiêu dễ bị phát hiện, dễ bị để ý. Còn sử dụng một điệp viên người Việt Nam, thì chúng ta không thể tin được. Và như vậy thì kết quả là con số không. Rồi vì sự việc có thể dẫn tới khả năng người Bắc Việt Nam có thể đoán được vụ tập kích để bố trí phục kích”. Được hỏi: “Ông có biết rằng đã có một toán CAS hoặc một điệp viên được đưa vào trước đây hay không” thì Moorer đáp sau khi dừng lại một lát: “Không, tôi không nghĩ rằng có một điệp viên nào đã vào đấy”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Có thể có một toán ở bên Lào, nhưng mà toán đó chẳng cung cấp được
một tin nào. Những hoạt động có tính chất như thế đang diễn ra ở biên giới Bắc Việt Nam, nhưng mà nó không đóng góp được gì cho vụ tập kích Sơn Tây cả, tôi nhớ như vậy”.
Bennett hồi tưởng lại những việc đã qua, còn rõ ràng hơn: “Chúng ta quả thực có ném một điệp viên khoảng hai tháng” trước vụ tập kích, nhưng theo lời của Bennett thì anh ta không tìm thấy được gì. Được hỏi điệp viên đó có về được hay không thì Bennett đáp là: “Tôi không biết.
Nhiệm vụ của tôi đã hết rồi. Ông biết không, chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy được gì nhiều hơn khi mà ở đó, chung quanh đó, họ đang sục sạo”.
Có lẽ vì hoạt động này quá được giữ kín hoặc vì điệp viên không khám phá được gì nên Blackburn không biết CIA và DIA đã làm gì. Rõ ràng đến cả đô đốc Moorer cũng không được biết gì về chi tiết của hoạt động. Một “vốn quý” trước đây đã bị loại bỏ bởi vì nó có thể làm mất an toàn của vụ tập kích, bây giờ đang được sử dụng lại. Những người có nhiệm vụ làm kế hoạch vẫn không biết. Blackburn không biết rằng, một điệp viên CAS có thể đang “sục sạo” quanh Sơn Tây không lâu trước ngày vụ tập kích tiến hành.
Lại có một “vốn quý” khác nữa mà chỉ có một nhúm người trong giới viên chức của chính phủ Hoa Kỳ biết. Đó là một người Bắc Việt, một người thuộc “tầng lớp trung lưu” nhưng là một viên chức am hiểu tin tức ở Hà Nội. Tên của anh ta là Nguyễn Văn Hoàng, một viên chức cũ trong cơ quan điều tra của văn phòng soát xét quân dịch của Bắc Việt Nam, nhóm liên quan đến hành chính và giám sát những tù binh và những nơi họ bị giam cầm. Cơ quan sưu tầm của họ và đặc biệt là Hoàng, có giao dịch với các vụ chất vấn những tù binh. Hoàng trạc 50 tuổi và hơi cao đối với
một người Việt Nam. Cái đặc biệt nhất của anh ta là nước da trắng trẻo, tóc đen cắt ngắn, lông mày rậm.
Hoa Kỳ đã đào tạo Nguyễn Văn Hoàng qua trung gian của tổ chức gọi là “Alfred” ở Hà Nội. Khi mà những bức ảnh của Buffalo Hunter được phóng ra thì DIA tìm cách hỏi Hoàng tin tức về Sơn Tây và để che giấu sự quan tâm quá rõ ràng của mình về mục tiêu đó, cũng như các trại tù binh khác. Đó là một đòi hỏi sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực hơn là việc cho một điệp viên CAS xâm nhập vào. Nhưng Blackburn và Mayer đều không được biết tí gì về cái “vốn quý” ấy cả.
Nhìn lại 5 năm sau vụ tập kích, các viên chức quân báo công nhận rằng có một con “chủ bài” mà họ quên không dùng đến: đó là những máy dò tiếng động bên trên và tiếng địa chấn để nắm trại Sơn Tây. Máy này được sử dụng rộng rãi để gieo rắc, cài cắm trên những ngả đường ở Nam Lào thời kỳ đó, mà kết quả được không lực cho là “ngoạn mục” để điều khiển những vụ oanh kích ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Bắc Việt cho miền Nam.
Don Blackburn đã biết nhiều đến sự tiến triển lúc đầu của những máy dò tìm đó. Ngay sau khi từ SOG trở về vào năm 1966, ông ta đột ngột phải rời khỏi Uỷ ban quân sự NATO để bổ nhiệm vào một cục mới được thành lập gọi là “Nhóm kế hoạch bảo vệ giao thông”. Công việc của nó là thiết kế và thiết lập “hàng rào điện tử” hay “hàng rào xâm nhập” mà Bộ trưởng quốc phòng McNamara hy vọng với niềm lạc quan to lớn là có thể cô lập hóa Nam Việt Nam. Công việc của Blackburn ở Nhóm kế hoạch bảo vệ giao thông (DCPG) là trợ tá phó giám đốc tình báo và đánh giá. Khi mà các máy dò tìm được triển khai và thí nghiệm, ông ta có được một vài sự đánh giá tốt về tiềm năng của nó. Về sau, ông ta được thuyết trình đều đặn về tin tức mà những máy dò tìm đã thu được và những hoạt động mà nó thực hiện. Thời gian này, McNamara đã rời Lầu Năm Góc và “hàng rào điện tử” của ông ta đã bị loại bỏ; nhưng những máy dò tìm mà DCPG triển khai được đặt làm những “lính gác đường” bí mật ở Lào đến mức độ cứ bốn bụi rậm dọc đường mòn Hồ Chí Minh đều có một ăng-ten cắm trong đó. Như một sĩ quan không lực sau này đã nói “Chúng tôi giăng chằng chịt dây trên đường mòn Hồ Chí Minh giống như một cái máy cổ lỗ của hiệu bán thuốc tự động và rồi chúng tôi liên lạc với nó vào ban đêm”.
Sau khi Manor và Simons bay trở về Florida sau những buổi họp cho kế hoạch trong những ngày 10-14 tháng tám với các chuyên viên, họ có nói đến một kiểu mẫu mà Mayer đã giới thiệu với họ. Tên của mẫu đó là Barbara. Mayer miêu tả “hoàn toàn đẹp, được tô điểm đầy đủ và lắp ráp tuyệt vời”. Khi Simons trông thấy nó, ông ta chỉ có việc tán thành. “Barbara” là một mô phỏng của trại tù Sơn Tây cỡ bằng chiếc bàn, giá 60.000 đô-la do CIA làm trong tháng 6 theo yêu cầu của Mayer, có đầy đủ chi tiết và được lắp ráp như những máy móc đặc biệt. Qua đó, những người của Simons có thể trông thấy khu trại tù giống hệt như trại Sơn Tây trước mắt để họ dễ dàng nhận thấy lúc tập kích ban đêm. Thay đổi ánh sáng trại tù sẽ hiện ra như dưới ánh trăng khuyết, hoặc gần như trong bóng đêm. Simons đã từng trông thấy những kiểu mô hình như thế trong những hoạt động khác, nhưng không có cái nào được hoàn chỉnh như kiểu này. Ông ta muốn cho người của ông biết rõ mục tiêu với mọi chi tiết được nghiên cứu trên sa bàn ở Eglin gần với những cuộc tiến công thật sự tại Sơn Tây. Mỗi một thành viên của lực lượng tập kích sẽ có thể chiến đấu theo nhiệm vụ của mình trong những buồng giam của tù binh cho dù thành viên ấy có mù, điếc, say hay bị thương.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét