Võ Thái Hà tổng hợp
Ông Biden nhắm xây ‘nền tảng’ cho quan hệ với Trung Quốc khi gặp ông Tập
11/11/2022
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11/2021.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hy vọng sẽ đưa ra kim chỉ nam cạnh tranh với Trung Quốc khi gặp ông Tập Cận Bình vào tuần tới, nhưng ông sẽ bộc trực về các mối quan ngại của Hoa Kỳ, bao gồm cả vấn đề Đài Loan và nhân quyền, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết ngày 10/11.
“Tổng thống tin rằng điều quan trọng là phải xây dựng một cơ sở cho mối quan hệ và đảm bảo rằng có những quy tắc ràng buộc sự cạnh tranh của chúng ta”, quan chức này nói với các phóng viên trong cuộc họp.
Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden sẽ hội đàm vào ngày 14/11 với ông Tập, chủ tịch Trung Quốc, bên lề hội nghị thượng đỉnh Khối 20 quốc gia ở Indonesia. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống vào tháng 1/2021.
Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng, đáng chú ý nhất là kể từ chuyến đi vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của Washington và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang muốn có quan hệ ổn định với Bắc Kinh bất chấp căng thẳng về Đài Loan, Biển Đông, thương mại và một loạt các vấn đề khác.
Quan chức vừa kể cho biết sẽ không có tuyên bố chung nào từ một cuộc họp mà tại đó không có kỳ vọng về các thỏa thuận cụ thể.
“Tôi dự kiến tổng thống sẽ bộc trực về một số mối quan ngại của chúng ta, bao gồm các hoạt động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đe dọa hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan, cũng như những lo ngại lâu nay của chúng ta về vi phạm nhân quyền”, quan chức này nói.
Quan chức này cho biết cuộc chiến của Nga ở Ukraine và Triều Tiên có thể sẽ được thảo luận.
Ngày 9/11, ông Biden cho biết ông không sẵn lòng đưa ra bất kỳ nhượng bộ cơ bản nào khi gặp ông Tập, và ông muốn cả hai vạch ra “lằn ranh đỏ” và giải quyết các khu vực xung đột, bao gồm cả vấn đề Đài Loan.
Tòa Bạch Ốc tìm cách duy trì một cuộc đối thoại mà Trung Quốc đã quyết định cắt đứt sau chuyến thăm của bà Pelosi trong các lĩnh vực như khí hậu và liên lạc quân sự, quan chức này cho biết, nhưng không có kỳ vọng hai nhà lãnh đạo sẽ có thể ngồi xuống và giải quyết tất cả các vấn đề.
Mỹ đã ghi nhận những phát biểu “quan trọng” của ông Tập về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sau khi ông Tập đồng ý trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước rằng cả hai nhà lãnh đạo đều phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, quan chức này cho biết.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cáo buộc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù Moscow phủ nhận điều đó và Trung Quốc đã kiềm chế không chỉ trích Nga về cuộc xâm lược hoặc kêu gọi Moscow rút quân.
Hoa Kỳ và các đồng minh tin rằng Triều Tiên có thể sắp tiếp tục thử nghiệm bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017 và cáo buộc cả Trung Quốc và Nga đã tạo điều kiện cho các chương trình phi đạn và bom của Bình Nhưỡng do không thực hiện đúng các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm cản trở họ.
Trong khi cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân cuối cùng của Triều Tiên, vào tháng 5, họ đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với các vụ phóng phi đạn đạn đạo mới của Triều Tiên.
Washington tin rằng Trung Quốc và Nga có đòn bẩy để thuyết phục Triều Tiên không tiếp tục thử bom hạt nhân.
“Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có lịch sử làm việc cùng nhau ... có nhiều thành tích về khả năng hợp tác cùng nhau. Và vì vậy tôi nghĩ tổng thống sẽ tiếp cận cuộc trò chuyện trên tinh thần đó”, quan chức này nói.
Đối với ông Tập, người đã củng cố vai trò lãnh đạo của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng trước, cuộc gặp với ông Biden diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn với các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt.
Với những biện pháp đó và việc ông Tập hạn chế ra nước ngoài kể từ khi đại dịch bắt đầu, năm cuộc gặp trước đó của ông với ông Biden chỉ được tiến hành trực tuyến.
Quan chức Mỹ vừa kể cũng cho biết hai bên đang thảo luận về các thủ tục COVID cho cuộc gặp, nhưng không nêu chi tiết.
Mỹ-Trung: Đài Loan là chương trình nghị sự hàng đầu của Tập và Biden
Yvette Tan và Tessa Wong
BBC News
11/11/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Biden đã gặp trực tiếp ông Tập trước đây, khi ông là phó Tổng thống Hoa Kỳ
Vấn đề Đài Loan dự kiến sẽ đứng đầu chương trình nghị sự khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau vào tuần tới - cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2020.
Cuộc gặp được nhiều người chờ đợi diễn ra vào thời điểm mà quan hệ giữa hai siêu cường trong tình trạng đặc biệt tồi tệ.
Nguyên nhân của điều này là do những yêu sách của Bắc Kinh về Đài Loan tự trị cũng như việc Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở châu Á.
Mỹ đã đáp trả bằng cách hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào công nghệ chip máy tính.
Việc này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu của Trung Quốc, vốn sử dụng công nghệ để sản xuất và bán mọi thứ, từ điện thoại đến ô tô điện.
Với căng thẳng gia tăng giữa hai nước và các phát ngôn của hai bên về nhau gần đây, thế giới - và các đồng minh châu Á của Mỹ như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - sẽ theo dõi sát sao cuộc gặp dự kiến diễn ra vào thứ Hai tại Bali trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.
Hầu hết thời gian đại dịch, ông Tập đều ở trong nước và chỉ mới bắt đầu công du nước ngoài trở lại.
"Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận về Đài Loan ... và những gì tôi muốn làm khi nói chuyện với ông ấy là vạch ra ... lằn ranh đỏ của chúng tôi là gì", ông Biden nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm sau khi Nhà Trắng xác nhận cuộc gặp mặt.
Bằng cách này, đôi bên có thể "xác định xem liệu họ có xung đột với nhau hay không ... và nếu có, làm sao để giải quyết và làm sao để tính toán", ông nói. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng ông không sẵn sàng "đưa ra bất kỳ nhượng bộ nguyên tắc cơ bản nào" về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.
Không như những đời tổng thống Mỹ khác, ông Biden đã nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược.
Nhưng Nhà Trắng luôn diễn giải lại những lời bình luận của ông Biden, nhấn mạnh rằng lập trường "mơ hồ chiến lược" của Washington - theo đó không cam kết bảo vệ Đài Loan nhưng cũng không loại trừ việc này - vẫn không thay đổi.
Nhà Trắng sau đó cho biết hôm thứ Năm sẽ thông báo lại cho Đài Loan về kết quả cuộc gặp gỡ, với cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết mục đích là để Đài Loan cảm thấy "an tâm và thoải mái" về sự ủng hộ của Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Mỹ nên làm việc với Trung Quốc để tránh hiểu lầm và đánh giá sai, đồng thời nói thêm rằng trong khi họ muốn hòa bình với Mỹ, "vấn đề Đài Loan" là lợi ích cốt lõi của họ.
Tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng trước, ông Tập đã nhắc lại quan điểm của Trung Quốc đối với Đài Loan - nơi mà họ sẽ "không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực".
Ông cho biết họ giữ lại lựa chọn "thực hiện mọi biện pháp cần thiết" nếu "các thế lực ngoại bang" can thiệp vào các yêu sách của Trung Quốc.
Hoa Kỳ từ lâu đã ở thế đi trên dây đối với Đài Loan. Nền tảng của mối quan hệ với Bắc Kinh là chính sách Một Trung Quốc, theo đó Washington chỉ thừa nhận một chính phủ Trung Quốc - ở Bắc Kinh - và không có quan hệ chính thức với Đài Loan.
Nhưng Mỹ cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Đài Loan và bán vũ khí cho nó theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó quy định rằng Mỹ phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.
Bộ trưởng Mỹ nói với Ấn Độ: Chấm dứt chiến tranh Ukraine là ‘mệnh lệnh đạo đức’
11/11/2022
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen ngày 11/11 sẽ gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng việc chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một “mệnh lệnh đạo đức”, và rằng những thách thức kinh tế từ cuộc xung đột và căng thẳng nguồn cung đang kéo Ấn Độ và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn.
Trích đoạn bài phát biểu mà bà Yellen chuẩn bị đọc tại cơ sở nghiên cứu Microsoft Ấn Độ gần New Delhi cho thấy bà ca ngợi giọng điệu sắc bén hơn gần đây của Thủ tướng Narendra Modi về cuộc xung đột Ukraine sau khi ông tránh lên án cuộc xâm lược của Nga trong hầu hết năm.
“Thủ tướng Modi đã đúng khi nói rằng đây ‘không phải là thời đại chiến tranh’”, bà Yellen nói trong các trích đoạn do Bộ Tài chính công bố.
“Tôi tin rằng chấm dứt chiến tranh của Nga là một mệnh lệnh đạo đức. Đó cũng là điều tốt nhất mà chúng tôi có thể làm để giúp đỡ nền kinh tế toàn cầu. Đây là quan điểm được chia sẻ rộng rãi giữa các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới”, bà Yellen nói.
Các quan chức ở Ấn Độ, một quốc gia có quan hệ lâu năm với Nga, cho biết họ sẽ tiếp tục mua dầu của Nga với giá hạ, vì điều này có lợi cho nền kinh tế của Ấn Độ, bất chấp nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây nhằm áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Các quan chức Bộ Ngân khố cho biết họ không tìm cách thuyết phục Ấn Độ ngừng mua dầu của Nga mà muốn tăng cường quan hệ của Mỹ với Ấn Độ thông qua hội nhập thương mại và tài chính.
Phần lớn trọng tâm là biến Ấn Độ đang phát triển nhanh trở thành đối trọng với Trung Quốc ở châu Á và là nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáng tin cậy cho nền kinh tế Mỹ.
“Hoa Kỳ và Ấn Độ chia sẻ lợi ích trong việc tăng cường chuỗi cung ứng của chúng tôi trong một thế giới nơi một số chính phủ sử dụng thương mại như một vũ khí địa chính trị”, bà Yellen nói trong bài phát biểu của mình, lấy ví dụ như những hạn chế của Nga đối với việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Nhà cung cấp đáng tin cậy
Bà Yellen nói Ấn Độ là một ứng cử viên tự nhiên cho chiến lược sản xuất ở các nước bằng hữu, hay sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ tách khỏi Trung Quốc và một số quốc gia khác, nơi họ trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và những sự gián đoạn khác, tới “những quốc gia mà chúng ta có thể tin tưởng.”
Chiến lược sản xuất ở các nước bằng hữu của Hoa Kỳ liên quan đến việc hợp tác với các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ vốn đang tìm cách phát triển các ngành công nghiệp địa phương và kết nối chúng với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Yellen viện dẫn khoản vay 500 triệu đô la từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho First Solar có trụ sở tại Hoa Kỳ để bắt đầu sản xuất các tấm pin mặt trời ở khu vực Tamil Nadu, điều này sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất của Ấn Độ.
Bà nói: “Đồng thời, nó sẽ giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, quốc gia hiện đang thống trị hơn 80% sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh doanh và thương mại của chúng tôi với Ấn Độ trong lúc chúng tôi theo đuổi nghị trình sản xuất ở các nước bằng hữu”, bà Yellen nói.
Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Phnom Penh: Miến Điện vẫn là chủ đề bao trùm
11/11/2022
Lãnh đạo 9 thành viên (trừ Miến Điện) tại thượng đỉnh ASEAN, Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 11/11/2022. AP - Vincent Thian
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 và 41 đã chính thức khai mạc hôm nay, 11/11/2022, tại Phnom Penh, Cam Bốt, với khủng hoảng Miến Điện sẽ là chủ đề bao trùm. Tại thượng đỉnh Phnom Penh, các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về những hành động cứng rắn hơn đối với Miến Điện, nếu khủng hoảng chính trị tại nước này kéo dài.
Từ thủ đô Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:
Một hình ảnh mang đầy tính biểu tượng: Đứng trên khán đài để chụp hình lưu niệm trong lễ khai mạc thượng đỉnh ASEAN sáng nay, chỉ có lãnh đạo của 9 trong 10 quốc gia thành viên. Lý do là vì năm nay, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện không được mời dự thượng đỉnh, và chính quyền Naypyidaw cũng không làm theo yêu cầu của nước chủ nhà Cam Bốt là cử một đại diện “phi chính trị" đến Phnom Penh.
Trong phần trình diễn nghệ thuật truyền thống của Cam Bốt ca ngợi khối đoàn kết Đông Nam Á, những hình ảnh đặc trưng của Miến Điện vẫn được chiếu lên màn ảnh lớn, cùng với hình ảnh 9 nước thành viên khác của ASEAN. Nhưng trong thượng đỉnh lần này, không loại trừ khả năng là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bàn về việc khai trừ Miến Điện khỏi ASEAN, hoặc đình chỉ tư cách thành viên của nước này, nếu khủng hoảng chính trị tại Miến Điện kéo dài.
Trong bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch hội nghị thượng đỉnh, sẽ được công bố sau cuộc họp, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về khủng hoảng chính trị kéo dài ở Miến Điện, đặc biệt là về vụ hành quyết 4 nhà hoạt động vào tháng 7 năm nay.
Theo lời ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói với các phóng viên tại Phnom Penh, các lãnh đạo ASEAN sẽ bàn về những biện pháp cứng rắn hơn đối với Miến Điện nếu tập đoàn quân sự không có những tiến bộ trong việc thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm mà họ đã ký với ASEAN vào tháng 4 năm ngoái. Thỏa thuận này chủ yếu nhắm chấm dứt bạo lực của chính quyền quân sự đối với các nhà đối lập và những người biểu tình chống đảo chính.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã kêu gọi khối ASEAN cố gắng duy trì đoàn kết, nhất trí, đồng thời cho biết thượng đỉnh lần này sẽ ra Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về kỷ niệm 55 năm ASEAN cũng như Tuyên bố Tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN về “ASEAN hành động: Cùng ứng phó với thách thức”.
Thách thức đối với các lãnh đạo Đông Nam Á rõ ràng là không thiếu. Ngoài Miến Điện, thượng đỉnh ASEAN năm nay dĩ nhiên cũng sẽ bàn về những hồ sơ nóng khác về an ninh khu vực, như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng và tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Nhưng chiến tranh Ukraina cũng sẽ là một trong những chủ đề được đề cập đến tại Phnom Penh, trong bối cảnh các nước ASEAN không có quan điểm đồng nhất về cuộc xâm lăng của Nga.
Cũng theo lời thủ tướng Hun Sen, vào Chủ nhật (13/11), Cam Bốt sẽ chủ trì Đối Thoại Toàn Cầu ASEAN lần thứ hai để các nước Đông Nam Á cũng như các đối tác thảo luận với nhau về phương cách xây dựng một khối ASEAN bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19.
Tổng thống Zelensky thông báo tin vui từ miền nam: 41 thị trấn và làng mạc được giải phóng
Tổng thống Zelenskyy không nói rõ thị trấn và làng mạc nào đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga
Ngày 10 tháng 11, Tổng thống Ukraina ông Volodymyr Zelenskyy thông báo tin vui từ miền nam Ukraina: nói rằng các lực lượng vũ trang Ukraina đã giải phóng 41 thị trấn và làng mạc. Quân đội Nga không bình luận về tuyên bố này.
Phát biểu qua video hằng đêm, Tổng thống Zelenskyy nói “Hôm nay chúng tôi có tin tốt từ phía nam. Hiện có hàng chục lá cờ Ukraina tung bay tại nơi nó thuộc về do kết quả của chiến dịch phòng thủ đang diễn ra. 41 thị trấn và làng mạc đã được giải phóng.”
Tổng thống Zelenskyy không nói rõ thị trấn và làng mạc nào đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga, mặc dù ông nói rằng nhiều người đang theo dõi tiến trình của Lực lượng vũ trang Ukraina.
Tổng thống Ukraina cũng lưu ý cuộc tiến công của lực lượng phòng vệ Ukraina có được là nhờ lòng dũng cảm, nỗi đau và sự mất mát. Ông nói điều đó không phải do kẻ thù rút lui. Chính những người Ukraina đang đuổi những người chiếm đóng ra ngoài, với một cái giá rất đắt.
Ông cũng nhắn nhủ tới tất cả người dân rằng ‘chúng ta phải làm mọi cách, trên chiến trường và ngoại giao, để những lá cờ của Ukraina, và không bao giờ có những lá cờ ba màu của kẻ thù, bay trên toàn bộ đất nước của chúng ta, dọc theo toàn bộ biên giới được quốc tế công nhận. Và điều này sẽ xảy ra.’
Trần Phong
Bộ trưởng Quốc phòng Anh bình luận về việc Nga rút khỏi Kherson: ‘Chúng tôi sẽ tin khi chúng tôi nhìn thấy’
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm thứ Năm bày tỏ sự thận trọng về việc Moscow ra lệnh rút quân một phần quân khỏi khu vực Kherson.
Các nhà lãnh đạo quân sự Nga cho biết họ sẽ rút khỏi thành phố và hình thành một tuyến phòng thủ mới ở bờ đông sông Dnepr, nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine tỏ ra thận trọng không biết nó có thực sự diễn ra không.
Ông Wallace nói: “Đó sẽ là một đòn tâm lý khá lớn khi một mục tiêu mà họ cố gắng đạt được, nhưng đã tuyên bố ý định rời đi.
“Tất nhiên đây là Nga, vì vậy chúng tôi vẫn chưa thấy họ rời đi hàng loạt.
“Chúng tôi sẽ tin điều đó khi chúng tôi nhìn thấy và tôi nghĩ tất cả chúng ta nên thận trọng, như Tổng thống (Ukraine) (Volodymyr) Zelensky nói, rằng vẫn có những mánh khóe của Nga và đủ thứ khác.
“Nhưng nếu họ rút khỏi Kherson thì điều đó sẽ đặt ra câu hỏi lớn hơn là để làm gì?
“Hàng chục nghìn người chết là vì lý do gì khi các mục tiêu chính của họ không thể nắm giữ hoặc đánh chiếm kể từ tháng Hai.”
Vị quan chức nói thêm: Thế giới sẽ không biết ơn nếu Nga trao trả lại “tài sản bị đánh cắp”
Cũng trong cuộc họp, ông Wallace nhấn mạnh việc Ukraine có tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga hay không là lựa chọn của Ukraine.
Ông nói: “Những gì chúng tôi đã và đang làm là giúp Ukraine chiến đấu là quyền được lựa chọn.
Trần Phong
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau vào ngày 14 tháng 11 tại Hội nghị G20 ở Indonesia
Chủ tịch Trung Quốc tham dự cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ qua liên kết video, tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16 tháng 11 năm 2021.
Ngày 10 tháng 11, Toà Bạch Ốc xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào ngày 14/11 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, theo Reuters.
Theo thông báo của Toà Bạch Ốc, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực để duy trì và làm sâu sắc hơn các đường dây liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc cùng nhau ở những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên phù hợp, đặc biệt là về những thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.
Hôm thứ Tư, ngày 9 tháng 11, nói về cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20, ông Biden cho biết mục tiêu của ông là hiểu sâu hơn về các ưu tiên và mối quan tâm của ông Tập.
Tổng thống Biden nói ông không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ cơ bản nào khi gặp ông Tập, và ông muốn cả hai nhà lãnh đạo vạch ra ‘ranh giới đỏ’ và giải quyết các khu vực xung đột, bao gồm cả vấn đề Đài Loan.
Cố vấn an ninh quốc gia Toà Bạch Ốc Jake Sullivan sau nói với các phóng viên rằng chính quyền sẽ thông báo tóm tắt cho Đài Loan về kết quả cuộc gặp giữa ông Biden với ông Tập, nhằm mục đích làm cho Đài Bắc cảm thấy ‘yên tâm và thoải mái’ về sự hỗ trợ của Mỹ.
Ông Sullivan cho biết Washington vẫn lo ngại về khả năng Triều Tiên nối lại vụ thử bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Một ngày trước khi ông Biden gặp ông Tập tại Bali, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol để thảo luận về cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trần Phong
Iran khoe có tên lửa siêu thanh mới mà không hệ thống phòng không nào có thể đánh bại
Tên lửa siêu thanh (Ảnh minh họa: Maxal Tamor/ Shutterstock)
Iran cho biết họ đã phát triển tên lửa đạn đạo siêu thanh mà không một hệ thống phòng không nào có thể cản phá “trong nhiều thập kỷ” tới.
Tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGCASF), cho biết tên lửa có thể cơ động bên dưới và bên trên bầu khí quyển của Trái đất, đi qua “tất cả các hệ thống thử nghiệm phòng thủ tên lửa”, hãng thông tấn nhà nước Tasnim đưa tin.
Theo hãng tin Tasnim, ông Hajizadeh đã nói với các phóng viên về một “bước nhảy vọt lớn” trong phát triển tên lửa và loại vũ khí này có thể nhắm mục tiêu vào các hệ thống chống tên lửa. Ông Hajizadeh nói: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có những công nghệ có khả năng chống lại nó trong nhiều thập kỷ.”
Marina Miron, một thành viên nghiên cứu từ Phòng Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học King’s College London, nói rằng tên lửa có khả năng dựa trên công nghệ của Nga hoặc Trung Quốc, hoặc kết hợp cả hai.
Iran đã phát triển tên lửa trong khi bị trừng phạt và đã thành công với việc chế tạo tên lửa đạn đạo Fateh, được cho là đã cung cấp cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bà Miron nói với tờ Newsweek: “Vấn đề hiện nay là Hoa Kỳ vẫn đang vật lộn với các tên lửa siêu thanh của mình và bây giờ đột nhiên Iran có tên lửa siêu thanh đầu tiên – điều đó làm thay đổi cán cân quyền lực”.
Mặc dù loại tên lửa mới này vẫn đang được giữ bí mật, bà Miron hy vọng Tehran sẽ tiết lộ video hoặc tiết lộ thêm chi tiết về vũ khí để chứng minh cho tuyên bố của mình.
Bà nói: “Để đánh chặn một tên lửa siêu thanh, bạn sẽ cần các vệ tinh không gian đặc biệt hoặc một cảm biến không gian. “Ở giai đoạn này, không có biện pháp phòng thủ nào chống lại tên lửa siêu thanh, vì vậy nó làm tăng mối đe dọa đối với các quốc gia nằm trong tầm bắn.”
Bà nói: “Nó sẽ có một số tác động nghiêm trọng đến cán cân quyền lực, không chỉ ở Trung Đông, mà còn trên toàn thế giới”.
Bà cho biết nếu Nga có thể nhận được những tên lửa như vậy được sản xuất với giá rẻ hơn nhiều từ Iran, “điều đó làm dấy lên nhiều lo ngại hơn đối với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.”
Bình luận của ông Hajizadeh về tên lửa mới đã được truyền thông nhà nước ở Nga đưa tin. Tehran trước đó đã cung cấp các máy bay không người lái cho Nga, và chúng đã được lực lượng của Vladimir Putin sử dụng để tấn công các mục tiêu dân sự và năng lượng ở Ukraine.
Tháng trước, Israel cho biết họ đã phá hủy một nhà máy sản xuất ở Syria được cho là được sử dụng để lắp ráp máy bay không người lái được sản xuất tại Iran.
Sau những phủ nhận ban đầu về việc cung cấp UAV (phương tiện bay không người lái) cho Moscow, Tehran thừa nhận họ đã cung cấp cho Nga các máy bay không người lái trước cuộc xâm lược xảy ra. Máy bay không người lái Shahed-136 hay còn được gọi là “kamikaze” đã gây thiệt hại cho các thành phố trên khắp Ukraine.
Máy bay không người lái rất khó bị phát hiện trên radar và có thể bay qua mục tiêu cho đến khi được chỉ thị tấn công, khiến hệ thống phòng không của Ukraine khó đánh chặn. Iran cũng đã cung cấp cho Nga máy bay không người lái Shahed 129 và Shahed 191, đồng thời cung cấp máy bay không người lái Mohajer-6 có thể mang bốn tên lửa dẫn đường chính xác.
Trong cuộc tập trận chung gần đây của Iran, mang tên Great Prophet 17 (Nhà tiên tri vĩ đại 17), ông Hajizadeh đã khoe về cách các tên lửa do Iran sản xuất có thể cơ động theo cách khiến chúng không thể bị đánh chặn.
Vào tháng 1 năm 2020, ông Hajizadeh cho biết ông nhận “toàn bộ trách nhiệm” về vụ bắn rơi một máy bay chở khách của Ukraine vài phút sau khi nó cất cánh từ sân bay quốc tế của Tehran. Tất cả 176 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng trên chiếc máy bay mà các quan chức Iran nhầm là mục tiêu thù địch.
Năm trước, ông đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt. Vào ngày 29 tháng 9 năm 2022, ông bị Canada trừng phạt sau các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của cô Mahsa Amini.
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc vẫn đang nổ ra tại Iran chống lại chế độ cầm quyền. Các nhóm nhân quyền cho biết hơn 300 người, trong đó có ít nhất 41 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Lê Vy (theo Newsweek)
Bộ Tài chính Anh đóng băng tài sản trị giá trên 20 tỷ USD của Nga
Nga trở thành quốc gia bị Vương Quốc Anh trừng phạt nhiều nhất, theo Bộ Tài chính Anh. (Ảnh: Getty Images)
Hôm 10/11, chính phủ Anh cho biết, họ đã đóng băng tài sản của Nga trị giá 18 tỷ bảng Anh (tương đương 20,5 tỷ USD). Theo đó, Nga đã vượt qua Libya và Iran để trở thành quốc gia bị Vương Quốc Anh trừng phạt nhiều nhất.
Căn cứ nội dung báo cáo thường niên của Văn phòng thực Thi trừng phạt tài chính Anh (OFSI) – một bộ phận của Bộ Tài chính Anh, London đã đóng băng tài sản của Nga trị giá hơn 18 tỷ bảng Anh kể từ cuối tháng 2.
Cơ quan Thực thi trừng phạt tài chính Anh cho biết, Nga đã vượt qua Libya và Iran để trở thành quốc gia bị Anh trừng phạt nhiều nhất.
Báo cáo cho biết: “Từ ngày 22/2 đến ngày 20/10/2022, OFSI đã báo cáo về các khoản tiền bị đóng băng, tổng trị giá 18,39 tỷ bảng Anh, với chủ sở hữu tài khoản là những người nằm trong danh sách trừng phạt chống Nga hoặc đại diện của họ”.
Tài sản bị đóng băng của Nga nhiều hơn 6 tỷ bảng Anh so với số tiền được báo cáo qua tất cả các chế độ trừng phạt khác của Anh.
Tỷ phú Nga Roman Abramovich và doanh nhân Mikhail Fridman nằm trong số những người bị trừng phạt năm nay, cùng với Tổng thống Vladimir Putin, các thành viên gia đình và các chỉ huy quân đội của ông, theo Reuters.
Tài sản phong tỏa là sự kết hợp giữa cổ phần trong các công ty và tiền mặt được giữ trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này không bao gồm các tài sản vật chất như bất động sản hoặc tài sản được nắm giữ trong các Công ty phụ thuộc Crown như Guernsey và Jersey.
Chính phủ đã trừng phạt 95% hàng hóa xuất khẩu của Nga sang nước này và tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ ngừng vào cuối năm 2022.
“Chúng tôi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với Nga và nó đang làm tê liệt bộ máy chiến tranh của họ”, ông Andrew Griffith, Thứ trưởng Bộ Tài chính Anh phụ trách các dịch vụ tài chính và ngân hàng, cho biết trong một tuyên bố.
“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi sẽ không cho phép ông Putin chiến thắng trong cuộc chiến tàn khốc này”, ông nói.
Cho đến nay, Anh đã trừng phạt hơn 1.200 cá nhân bao gồm các doanh nhân cấp cao và các chính trị gia nổi tiếng, cùng hơn 120 thực thể ở Nga.
Ngày 6/10, trang web chính thức của Liên minh châu Âu (EU) thông báo Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua vòng 8 trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Động thái này nhằm đáp trả là lệnh điều động quân sự của Nga và thôn tính lãnh thổ của Ukraine làm tiếp tục leo thang chiến tranh Nga – Ukraine.
“Hội đồng châu Âu quyết định, kể từ hôm nay, phạm vi địa lý của các hạn chế được đưa ra vào ngày 23/2 – bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Luhansk, sẽ được mở rộng để với cả Zaporizhzhia và Kherson”, tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho hay.
Vòng trừng phạt thứ 8 đối với Nga bao gồm lệnh cấm thương mại xuất nhập khẩu mới của EU trị giá khoảng 7 tỷ euro (6,9 tỷ USD). Vòng trừng phạt cũng tạo cơ sở cho khuôn khổ pháp lý cần thiết để thực hiện giới hạn giá dầu của Nga mà G7 đã dự thảo trước đó.
Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của Liên minh Châu Âu và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục đánh vào nền kinh tế của Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga, trên đà giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ nước này và làm ổn định giá năng lượng toàn cầu”.
Phản ứng trước gói trừng phạt thứ 8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev tuyên bố, các nước phương Tây đã không thành công trong việc cô lập Nga.
Lam Giang
Ukraina chuẩn bị nhận thêm 400 triệu đô la vũ khí từ Mỹ
11/11/2022
Một lính Ukraina cầm súng phóng tên lửa Stinger do Mỹ cung cấp, tại vùng phía đông Donetsk, Ukraina, ngày 18/06/2022. AP - Efrem Lukatsky
Hệ thống phòng không Ukraina sẽ được trang bị thêm bốn hệ thống pháo tầm ngắn Avenger, nhiều hệ thống cơ động đặt trên xe bọc thép hạng nhẹ và nhiều tên lửa Stinger của Mỹ. Ngày 10/11/2022, Washington thông báo đợt viện trợ quân sự mới có tổng trị giá 400 triệu đô la.
Trong buổi họp báo, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ Sabrina Singh giải thích do « các vụ không kích liên tục và tàn nhẫn của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng điểm của Ukraina, nên việc trang bị thêm năng lực phòng không là điều thiết yếu ». Theo AFP, trong đợt viện trợ mới này còn có nhiều tên lửa thuộc hệ thống Hawk đời cũ được Tây Ban Nha cam kết giao cho Kiev, cũng như một số lượng lớn lựu pháo, tên lửa cho hệ thống tối tân Himars.
Hàn Quốc bác thông tin bán vũ khí cho Mỹ để chuyển cho Ukraina
Trước đó, một số quan chức Mỹ, được báo Wall Street Journal trích dẫn hôm 10/11, cho biết Washington sắp ký một thỏa thuận với Hàn Quốc để mua khoảng 100.000 đạn pháo cỡ 155 mm để cung cấp cho quân đội Ukraina. Tuy nhiên, thông tin này đã bị Seoul bác bỏ. Trong thông cáo hôm 11/11, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định nếu đàm phán hoàn tất, vũ khí được giao chỉ dành cho quân đội Mỹ « để bù vào phần thiếu hụt kho đạn 155 mm tại Hoa Kỳ ».
Vũ khí viện trợ của Mỹ và phương Tây đã giúp Ukraina thay đổi cục diện trên chiến trường. Thành công mới nhất, dù chính quyền Kiev tỏ ra thận trọng, là việc quân Nga rút khỏi hữu ngạn sông Dnipro ở vùng Kherson. Theo tổng thống Zelensky, quân Ukraina đã chiếm lại được « 41 ngôi làng » ở trong vùng.
Tuy nhiên, sáng sớm 11/11, thành phố Mykolaiv gần với Kherson đã bị quân Nga oanh kích. Trên mạng Telegram, lãnh đạo vùng Vitali Kim, lên án « hành động đáp trả vô liêm sỉ của Nhà nước khủng bố trước những thành công của chúng ta trên chiến trường, một khu chung cư 5 tầng đã bị oanh kích và bị phá hủy hoàn toàn », khiến 5 người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét