Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Vụ tập kích Sơn Tây Phần 10

Nguyên bản tiếng Anh: The Raid

Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer

Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ 

P10


Một trang bị cuối cùng nhưng rất quan trọng đã làm cho phân đội hậu cần của Simons phải điên đầu một lần nữa. Đó là loại ống ngắm ban đêm. Hai mươi năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và ít nhất là 6 năm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rút kinh nghiệm rằng, muốn chống lại một kẻ thù Á Đông thì đặc biệt là phải ưu tiên chiến đấu về ban đêm. Kể từ cuộc chiến Triều Tiên cho đến nay, quân đội đã chi phí 18,4 tỷ đô-la cho việc khảo cứu và phát triển các loại ống ngắm ban đêm. Bởi vì bóng đêm bao trùm trái đất vào khoảng 50% thời gian mỗi ngày cho nên một phần đáng kể của số tiền kia đã được sử dụng khi không có ánh sáng mặt trời. Nhưng vào năm 1970 thì Simons đã thấy là quân đội vẫn chưa có loại ống ngắm hữu hiệu cho ban đêm để giúp cho binh sĩ bắn chính xác trong bóng tối. Ông ta phải nhờ CIA, nhưng chính cơ quan này cũng chẳng có loại ống ngắm đó.


Trong những lần thực tập bắn đạn thật vào ban đêm, Simons bực mình khi thấy ngay cả những xạ thủ tài ba nhất của ông ta cũng chỉ có thể bắn trúng được 25% số đạn vào bia cỡ to bằng hình sáng người thật đặt cách tầm bắn 50 mét để tượng trưng cho các bộ đội địch đang đứng trong những hố cá nhân. Với cách bắn chỉ chính xác như vậy thì có lẽ ông ta phải có cả một kho đạn nhỏ ở Sơn Tây để sử dụng cho thời gian tập kích trong vòng 26 phút. Simons thật lo lắng: Nếu sự bắn chính xác về ban đêm không được cải tiến với mức độ cao hơn nữa thì việc làm vô hiệu hóa mọi sự chống đối của địch sẽ kéo dài quá lâu và sinh mệnh của cả tù binh lẫn người của ông ta sẽ phải bị thiệt hại vì số đạn bắn chệch mục tiêu.

Tuy vậy, vào đầu tháng 9, ông ta an tâm khi được biết qua một hệ thống hậu cần đặc biệt là có một dụng cụ hồng ngoại tuyến mới đã được chế tạo bí mật có thể giải quyết được việc nêu trên. Đây là một loại ống ngắm đã được cải tiến nhiều so với loại ống ngắm hồng ngoại tuyến nặng nề 15 ki-lô-gam mà quân đội đã sử dụng

không hữu hiệu vào cuối thập niên 59 và 60; và ống ngắm mới chỉ cân nặng 3 ki-lô-gam mà thôi. Sử dụng mọi quyền ưu tiên có thể có được, Simons đã yêu cầu gửi tất cả số ống ngắm mà quân đội hiện có đến căn cứ Eglin. Nhưng khi loại dụng cụ tối mật này được khui trong thùng ra thì chỉ có 6 ống ngắm. Một trong những chuyên viên hậu cần của Simons đã nói đùa rằng: “Có lẽ họ muốn chúng ta thay phiên nhau sử dụng mấy cái ống ngắm này”.

Sau đó Simons biết được rằng 6 ống ngắm đó là cả gia tài quân đội hiện có. Loại này được sản xuất bằng tay và đang ở trong giai đoạn thí nghiệm, ông ta được họ cho biết như vậy; và không có cách gì có thể yêu cầu cung cấp thêm cho kịp thời gian tập kích.

Simons lại bắt phân đội hậu cần của ông ta cố gắng tìm kiếm một loại ống ngắm khác mà quân đội đã phải mất 17 năm với 18 tỷ đô-la cũng chưa sản xuất được. Các chuyên viên hậu cần này có lẽ khôn ngoan hơn. Họ biết rằng hệ thống hậu cần quân sự không phải lúc nào cũng đáp ứng được mọi yêu cầu của binh sĩ. Hơn nữa họ cũng biết rằng không phải chuyên viên nào về dụng cụ của quân đội cũng biết rõ những loại hàng hiện có trên thị trường tư nhân. Đôi khi các chuyên viên này quá bận phát minh lại những gì đã có từ trước, họ bị mù quáng bởi lối quan niệm là vật ấy vẫn “chưa được phát minh”. Trong khi đó thì người của Simons trái lại luôn luôn cố gắng tìm đủ mọi cách có hiệu lực nhất để giải quyết vấn đề.

Họ bắt đầu tra cứu trong tất cả các sách quảng cáo bách hóa về dụng cụ thể thao có bày bán trong các hiệu sách nhỏ, các tạp chí về săn bắn và các tập quảng cáo về vũ khí. Một trong những loại tạp chí nói trên, không ai còn nhớ chính xác là loại tạp chí nào, có đăng một quảng cáo nhỏ của

hãng Armalite ở Costa Mesa, tiểu bang Califonia, về một loại ống ngắm ban đêm với giá 49,50 đô-la. Hãng Armalite là hãng chuyên sản xuất vũ khí đã có lần cải tiến việc sản xuất loại súng trường M.15 theo mẫu vẽ của Eugene Stoner. Nhưng bộ chỉ huy quân cụ chỉ thử qua một cách sơ sài rồi loại bỏ không chấp nhận, để rồi sau đó lại chọn mẫu riêng M.14 của quân đội sản xuất nặng nề hơn. Quân cụ được yêu cầu thử lại một lần nữa loại súng M.15 nói trên. Nhưng rồi loại này cũng bị gạt bỏ chỉ vì với lý do là quân đội đã thay thế nòng súng M.15 cũ trước đó bằng một loại nòng mới theo mẫu mà Stoner đã vẽ riêng cho hãng Armalite khi ông ta bán bản quyền cho hãng này. Các cuộc thử nghiệm vẫn xúc tiến nhưng người ta đã để mất gần 3 năm để vượt qua mọi thủ tục hành chính rườm rà ở cấp cao nhất của chính quyền. Sau đó chính quân đội lại công nhận rằng loại súng M.14 mà họ đã bỏ 10 năm và hàng triệu đô-la để sản xuất chỉ là một món đồ chơi không hơn không kém. Vào năm 1963, quân đội đã xin ngân khoản để trang bị lại cho các lực lượng ở Việt Nam với loại súng do hãng Armalite sản xuất theo mẫu vẽ của Stoner. Nhưng trong thời gian này hãng Armalite đã bán bản quyền sản xuất cho hãng Colt và loại vũ khí mới sản xuất cuối cùng được mang tên là M.16.

Người của Simons gọi điện đến hãng Armalite vào ngày 15 tháng 9 để hỏi qua về loại ống ngắm ban đêm giá 49,50 đô-la và cả chân gắn ống ngắm vào súng. Ba ngày sau hãng Armalite gửi đến một bộ bằng máy bay theo yêu cầu của căn cứ Eglin. Ngay khi bộ ống ngắm này đến nơi, phân đội hậu cần của Simons vội vàng đọc ngay tập sách chỉ dẫn cách sử dụng dầy 16 trang. Họ hiểu được loại ống ngắm này là một phát minh cũ của Thụy Điển, có môn bài khắp nơi trên thế giới, được sản xuất tại nước Anh và nhập khẩu vào Hoa Kỳ qua một hãng bán dụng cụ thể thao có tiếng ở tiểu bang Minnesota tên là Norman Corsepereson. Họ cũng có thể kết luận rằng bất cứ một tay chơi súng nào ở Mỹ cũng biết loại ống ngắm này chỉ trừ quân đội Mỹ.


Họ cấp tốc thử nghiệm ống ngắm ngay trong điều kiện thực tế ngoài trời. Dụng cụ này có nhiều hứa hẹn, khả quan. Phân đội hậu cần của Simons cũng đau lòng khi thấy có ghi chú rõ ràng trong tập sách là loại ống ngắm này đã được sản xuất đúng theo điều lệ và tiêu chuẩn quân đội. Nhưng họ gặp một vài trở ngại với bộ phận gắn ống ngắm: nó được để rời và đôi khi bị tụt ra, nhưng không hại gì đến ống ngắm. Simons lập tức cho đặt mua thêm 49 ống ngắm nữa.

Khi tất cả số ống ngắm được gửi về và được toán tập kích của Simons thử nghiệm thì số đạn bắn trúng mục tiêu tăng lên kinh khủng. Số đạn bắn vào mục tiêu đều chụm vào một vòng nhỏ. Xạ thủ tỏ vẻ tự tin hơn với vũ khí của mình. Đứng xa 25 mét, một xạ thủ thuộc loại kém nhất cũng có thể bắn được tất cả số đạn vào trung tâm của một vòng mục tiêu nhỏ 12 inch vào ban đêm.

Đứng cách xa 50 mét, cũng người xạ thủ đó có thể bắn trúng từng viên đạn vào một tấm bia hình nhân loại “E”, có nghĩa là loại bia to bằng vòng ngực của con người. Vào ban ngày khi sử dụng loại ống ngắm này để bắn mục tiêu thì thời gian được nhanh hơn mặc dù hơi kém chính xác so với loại ống ngắm M.16 thông thường. Nhưng về ban đêm thì kết quả xảy ra lại trái ngược. Xạ thủ có thể bắn trúng mục tiêu cũng với thời gian nhanh như ban ngày và tầm chính xác thì vô cùng hữu hiệu. Và cuộc tập kích này lẽ tất nhiên sẽ được thi hành vào lúc đêm khuya tăm tối.

Phân đội hậu cần đã phấn khởi và bảo đảm với Simons rằng họ có thể điều chỉnh lại bộ phận ống ngắm. Hai mươi bảy ống ngắm với cả chân ngắm được đặt mua thêm. Khi số lượng cuối cùng này được gửi đến vào 9 giờ ngày 21 tháng 10 thì đội sửa chữa vũ khí gồm ba người của Simons đã điều chỉnh được bộ phận ống ngắm họ đã dùng loại băng nhựa màu đen của thợ điện để gắn chặt chân ngắm vào ống ngắm.


Trong suốt thời gian này phân đội hậu cần của Simons phải cố gắng duy trì và sửa chữa một kho nhỏ đựng đầy đủ loại dụng cụ cần cho cuộc huấn luyện và sẽ được sử dụng trong cuộc tập kích. Kho gồm có 234 máy truyền tin để cho 56 người ở dưới đất sử dụng. Sở dĩ phải cần có nhiều máy truyền tin như vậy là vì Simons muốn đặt 2 máy tại căn cứ Eglin, một máy dùng cho việc huấn luyện được coi như là mượn tạm của Bộ chỉ huy, còn máy thứ hai sẽ dùng cho công tác.

Một lý do nữa là vì sự phức tạp của công tác và việc cần thiết liên lạc đột xuất giữa các đơn vị với nhau trong khoảng thời gian ngắn 26 phút khi người của Simons thực hiện công tác tại mục tiêu. Một mình Simons sẽ sử dụng 3 tần số liên lạc khác nhau các toán lính của ông ta sẽ mang theo 4 loại máy truyền tin khác nhau.

Hai tần số liên lạc cực mạnh dùng cho hệ thống không địa, Simons sẽ dùng để gọi máy bay A-1 đến oanh kích yểm trợ cho lính của ông ta khi cần, dùng để gọi trực thăng bốc lính ra khỏi mục tiêu, chở tù binh ra khỏi Sơn Tây. Sau đó chuyển tiếp báo cáo hành quân của ông ta từ địa điểm mục tiêu đến cho R.Manor ở tận Bộ chỉ huy đóng trên núi Sơn Trà ở Đà Nẵng. Và từ đấy Manor lại chuyển tiếp các diễn tiến của cuộc tập kích về Lầu Năm Góc. Hai máy truyền tin AN-PRC-41 được mang theo trong cuộc tập kích để sử dụng cho mục đích nói trên, lính truyền tin của Simons đeo một cái, lính của Sydnor đeo một cái. Một tần số thứ 3 sẽ được sử dụng để điều khiển các máy bay oanh tạc khi được gọi đến. Mười máy AN-PRC-77 với tần số thay đổi được mang theo cho mục đích này. Bốn tần số khác nữa sẽ được lực lượng dưới đất sử dụng, mỗi toán một tần số. Và tần số thứ tư còn lại dùng để nhận lệnh và báo cáo hành quân cho Simons. Với mục đích này, lực lượng dưới đất sẽ mang theo 24 AN-PRC-88, loại máy truyền tin cầm tay. Sau cùng mỗi một người lính trong số 56 người tập kích đều mang theo loại máy truyền tin cấp cứu AN-PRC-90, chỉ dài và và to bằng một tút thuốc lá. Máy này được sử dụng trong trường

hợp máy bay bị bắn rơi hoặc buộc phải đáp xuống một nơi nào đó trên đường đi đến mục tiêu hoặc trở về. Nếu có việc gì trở ngại tại Sơn Tây thì Simons đã quyết định không cần sử dụng loại máy này, và ông ta chỉ có thể cho biết rõ tại sao không sử dụng, vào phút chót trước khi lên đường.

Như vậy thì Simons và 55 người tình nguyện của ông ta sẽ mang theo đến Sơn Tây tất cả là 92 máy truyền tin, gần bằng số máy truyền tin của một tiểu đoàn bộ binh 794 người thường mang theo chiến đấu. Với số máy này họ có thể liên lạc được 12 lần tốt hơn so với bất cứ một binh sĩ trung bình nào ở tiền tuyến.

Ngoài số 92 máy truyền tin kể trên, còn có thêm 15 máy truyền tin khác đặt tại căn cứ Eglin để cho Simons sử dụng phòng ngừa và kiểm soát trong khi huấn luyện. Giữ cho tất cả 234 máy truyền tin được chạy đều suốt ngày đêm là một việc làm quá mức của phân đội truyền tin gồm có một chỉ huy và hai chuyên viên. Họ đã nghĩ rằng ngay cả hệ thống truyền hình của hãng ABC về tin tức thể thao khắp thế giới cũng không dùng nhiều máy truyền tin đến như vậy để truyền hình về các cuộc thi Thế vận hội. Để giúp đỡ họ, Manor và Simons đã mượn được một kho sửa chữa dụng cụ điện tử của không quân. Nhưng kho này chỉ một hạ sĩ quan quản lý nên Simons phải biệt phái thêm bốn chuyên viên truyền tin ở trong toán tập kích đến để giúp đỡ thêm ngoài giờ huấn luyện nặng nề của họ. Dù sao đi nữa thì cả năm người này cũng đã giữ cho tần số máy truyền tin hoạt động tốt. Trong cuộc tập kích, máy nào cũng phải hoạt động hữu hiệu mới được.

Suốt trong giai đoạn huấn luyện ở căn cứ Eglin, Manor và Simons đã thực hiện đúng câu phương châm cũ của đội Phòng vệ Do Thái: “Lực lượng càng gọn nhẹ càng chiến đấu tốt”. Vào năm 1970 ngân sách của Lầu Năm Góc ghi rõ có 175.000 nhân viên quân sự và dân chính để quản lý

hệ thống hậu cần và yểm trợ của quân đội. Trong khi đó thì phân đội hậu cần và truyền tin của Simons gồm 6 người chỉ có thể xin cung cấp được độ một nửa số vật liệu cần thiết qua các hệ thống đó mà trong số này chỉ có một nửa dùng tạm được như đã quảng cáo. Số cần thiết còn lại họ phải tự xoay sở lấy, tự tìm mua, thử nghiệm, sửa chữa và bảo quản theo khả năng của mình.

Con quay Bờ Biển Ngà

Trong khi bác sĩ Cataldo thực tập sử dụng búa rìu cho thành thạo và các toán tập kích Sơn Tây khác tập cho hoàn hảo việc xâm nhập vào và thoát ra khỏi “cái làng” thì Manor và Simons dùng thời gian còn lại để phối hợp mọi hoạt động. Họ đi khắp nơi từ Nhà Trắng đến Bộ Tư lệnh lục quân và không quân ở Sài Gòn. Họ bay đi bay về từ căn cứ Eglin thường xuyên đến nỗi có cảm tưởng rằng Lầu Năm Góc đã buộc chặt họ vào đầu sợi dây của con quay. Còn Blackburn và Mayer cố gắng làm việc thật nhiều để giải quyết mọi việc và “can thiệp” vào mọi vấn đề càng nhiều càng tốt. Nhưng có nhiều vấn đề lại yêu cầu sự có mặt của Manor và Simons.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Bờ Biển Ngà, Manor đã bay đến căn cứ không quân Scott ở gần Saint Luis. Ở đấy, ông ta tiếp xúc riêng với vị chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy không vận (MAC) và đưa cho vị này xem bức thư của Tham mưu trưởng không quân ra lệnh về việc yểm trợ “Toán phối hợp hành động cấp thời” trên nguyên tắc “không được hỏi điều gì”.

MAC sẽ có nhiệm vụ di chuyển cấp thời các tù binh từ Thái Lan về Hoa Kỳ. Manor đã sắp đặt cho các chuyến máy bay vận tải C-141 của MAC sẵn sàng khi nhận được lệnh di chuyển mà không có bất cứ một ai kể cả chỉ huy trưởng MAC được biết rõ điều gì. Ngoài ra, tất cả phi hành đoàn trực thăng của Manor đều được biệt phái từ cơ quan giải cứu không quân của MAC, cũng như tất cả máy bay trực thăng HH-53

và HH-3 đang dùng để huấn luyện tại Eglin, cũng đều xuất phát từ MAC. Những máy bay khác dùng chính thức trong cuộc tập kích sẽ được “biệt phái” vào phút chót từ các căn cứ không vận đang có mặt tại Đông Nam Á. Chúng ta nên hiểu rõ rằng thời gian thi hành cuộc tập kích sẽ quy định căn cứ vào thời tiết mà cơ quan khí tượng không quân lại đang làm việc cho MAC.

Manor cũng đến thăm Bộ chỉ huy chiến thuật không quân ở gần Norfolk, tiểu bang Virginia, vì các loại máy bay vận tải C-130 và A-1 đều thuộc quyền quản lý của Bộ chỉ huy chiến thuật không quân (TAC). Manor cũng chuyển tay bức thư có ghi chú “không được hỏi lôi thôi” đến vị chỉ huy Bộ chỉ huy hệ thống không vận (AFSC) ở căn cứ Andrews, gần Washington. Có nhiều loại dụng cụ mới và nhạy cảm dùng cho việc điều khiển và liên lạc đã được gắn trên các loại máy bay. Một số trong các loại dụng cụ mới đó vẫn còn ở trong tình trạng thí nghiệm. Vì lẽ đó, sự yểm trợ đặc biệt từ Bộ chỉ huy AFSC cần phải thực hiện để gắn và bảo vệ các loại dụng cụ đó vì có nhiều dụng cụ chưa hề được gắn trên các loại máy bay mà Manor sẽ sử dụng. Loại dụng cụ mới này gồm có máy quấy âm RC-128 loại cực mạnh dùng cho máy bay A-1 máy này dùng để phá mọi phát lệnh của lực lượng phòng không Bắc Việt khi gọi các máy bay phản kích MIG đến để chống lại các toán tập kích. Một loại máy điều khiển đường bay theo hệ thống hồng ngoại tuyến do hãng Texas Instruments chế tạo sẽ được gắn trên các máy bay C-130 dẫn đường. Các loại máy F.L.2B này rất khó khăn và phức tạp trong việc lắp, duy trì và sử dụng đến nỗi phải có thêm một phi hành viên chuyên lo về việc kiểm soát các tuyến bay trên đường đến mục tiêu và ấn định rõ địa điểm mục tiêu. Các loại bom nhỏ chống xe cộ và phá vỡ đường sá do hãng Rocket chế tạo cũng được dùng cho các máy bay A-1. Các vận tải cơ C-130 đã được cải tiến cho thích nghi với việc thả pháo sáng, bom na-pan, các loại hỏa châu chỉ dẫn mục tiêu khác.


Manor, Simons và Blackburn còn có nhiều lo âu khác nữa. Vào ngày thứ tư 2 tháng 9, Blue Max phát hiện ra một việc tiết lộ tin tức bí mật ở tại một quán rượu gần căn cứ ở Bragg do một chuyên viên trong nhóm kế hoạch của SACSA gây ra. Blackburn ra lệnh “chặt tay” ngay tên ấy có nghĩa là đổi đến một đơn vị khác một cách âm thầm. Nhưng tên ấy vẫn bị theo dõi khắp nơi và suốt cả thời gian cho đến khi cuộc tập kích chấm dứt.

Cùng trong thời gian này viên chỉ huy trưởng phòng hành động đặc biệt của quân đội là thiếu tướng Clarke Baldwin có hỏi Blackburn về kế hoạch di tản tù binh. Ông ta đề nghị chuyển tù binh đến bệnh viện Tripler của lục quân ở Hawaii. Nhiều người khác thì muốn chuyển tù binh thẳng về quân y viện trong căn cứ không quân Andrews. Blackburn có ghi chú vào sổ tay riêng của ông ta như sau: “Khi bức màn nhung kéo lên thì các diễn viên sẽ đứng ở đâu?” Đấy là một việc “tạp dịch” mà ông ta sẽ tự lo giải quyết lấy còn Manor thì lo sắp đặt cho các loại máy bay C-141 của MAC đến đúng địa điểm.

Trong một vài lĩnh vực khác Blackburn lại được “ân cần giúp đỡ” quá nhiều - thời gian này thủ trưởng của ông ta là John W. Vogt đã được thăng chức lên làm giám đốc văn phòng Tham mưu hỗn hợp. Người thay thế ông ta trong chức vụ là đại tướng Melvin R. Zais, chưa được thông báo điều gì về việc tập kích này. Blackburn phải nhờ đại tướng Richard T Knowles phụ tá của Tổng tư lệnh giúp dẹp bỏ bớt những lời huyền hoặc những điều thắc mắc mà ông ta và Mayer thường xuyên nhận được.

Trong một trường hợp, ví dụ, một viên tướng giữ chức vụ phó tham mưu trưởng lục quân đã tỏ ý nghi ngờ về việc cho đổ bộ ngay vào trong doanh trại Sơn Tây. Blackburn nghe đồn rằng chính viên tướng này tỏ vẻ lo ngại sẽ bị mất một chiếc

trực thăng tại Sơn Tây nếu đổ bộ như vậy. Khi Blackburn nghe câu chuyện ngồi lê đôi mách này thì ông ta mời ngay viên tướng ấy xuống phòng an ninh của SACSA để thảo luận cho ra lẽ vấn đề. Đây là một cuộc gặp gỡ thân mật. Viên tướng nói với Blackburn rằng ông ta đã lỡ lời phát biểu ý nghĩ hơi to tiếng. Rồi ông ta lại hỏi không biết Blackburn có nghĩ đến giá tiền của một chiếc trực thăng nếu phải đổ bộ ngay vào sân trại và bị phá hủy hay không. Ông ta đề nghị nên dùng trực thăng UH-1 của bộ binh, chỉ tốn có

350.000 đô-la, nếu như phải dùng đến trực thăng của không quân HH-3 thì tốn gần 1.000.000 đô- la.

Blackburn nổi khùng lên: “Lạy chúa, nếu đây là việc thảo luận giữa sự tiết kiệm từng giây phút và từng sinh mệnh với sự sử dụng một chiếc UH-1 vì nó rẻ hơn thì thật là chúng ta đang bận tâm về một việc sai lầm”. Ông ta tỏ vẻ sửng sốt. Suốt 6 năm trong chiến tranh Việt Nam, trên 3.000 trực thăng đã bị bắn rơi hoặc bị phá hủy, và bây giờ ngay tại đây thì lại có một viên tướng Mỹ đối với việc giải cứu tù binh tại Sơn Tây, lại đi lo đến việc có thể mất thêm một chiếc nữa. Các loại vạch lá tìm sâu, tư tưởng nghi ngờ như thế này thường xảy ra và cần được giải quyết kịp thời. Blackburn biết rõ ràng điều cuối cùng mà Manor và Simons cần phải được giúp đỡ là làm sao để họ quan tâm đến việc huấn luyện cho cuộc tập kích hơn là phải lo đi quét dọn mọi đàm tiếu đang ùn lên tại Lầu Năm Góc. Bây giờ thì ông ta hiểu được là Vogt đã có lý khi quyết định để SACSA đứng riêng ra và để người khác lo việc chỉ huy vụ tập kích.

Còn nhiều vấn đề quan hệ khác nữa: kế hoạch đánh lạc hướng khi di chuyển các lực lượng tập kích từ căn cứ Eglin đi đến vùng Đông Nam Á hệ thống truyền tin đặc biệt trong thời gian tập kích giữa Manor và Simons với Bộ tư lệnh quân đội, “những việc nhỏ” khác như việc tìm ra cái từ chính xác theo mã để chỉ định “thi hành công tác”, việc không biết có nên cần có một lệnh hành quân chính thức của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp để “hợp thức hóa” công tác tập kích này không?

Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét