Nguồn: How the rivalry between America and China worries South-East Asia | The Economist
Anh Khoa dịch
23/11/2022
700 triệu người trong khu vực này có nhiều thứ để mất
Khi Donald Trump bắt đầu áp thuế nhập khẩu đối với hàng từ Trung Quốc vào đầu năm 2018, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo (hay Jokowi, cách ông thường được gọi) đã nhìn thấy cơ hội. Ông hỏi những vị khách nước ngoài làm thế nào Indonesia có thể tận dụng tình trạng căng thẳng ngày càng tăng. Chẳng hạn, liệu ông có thể lôi kéo các công ty đa quốc gia chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc không?
Tình hình đã thay đổi. Dưới thời tổng thống kế nhiệm của ông Trump, Joe Biden, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã gia tăng và được củng cố bởi sự cạnh tranh địa chính trị, ý thức hệ và thậm chí cả quân sự mà đôi khi dường như có nguy cơ dẫn đến xung đột. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch đầy sức mạnh Tập Cận Bình nói về một cuộc đấu tranh vĩ đại với phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Về phía Mỹ, ông Biden vào tháng 10 đã công bố các biện pháp kiểm soát hà khắc nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc hưởng lợi từ công nghệ Mỹ – một nỗ lực rõ ràng là để kìm hãm Trung Quốc. Ông cũng đã đoạn tuyệt với chính sách dùng những lời lẽ không rõ nghĩa đã được sử dụng nhiều thập niên, trong đó Mỹ từ chối công khai cam kết bảo vệ Đài Loan, hòn đảo tự trị mà sự thống nhất với đại lục là nguyên tắc thiêng liêng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước sự cạnh tranh của các siêu cường, người Đông Nam Á cảm thấy bất lực. Các chiến lược gia khu vực cho rằng họ là “cỏ chứ không phải voi”. Jokowi đã chuyển từ nhìn thấy cơ hội sang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tháng này, ông nói với tờ The Economist rằng ông “rất lo lắng” về khả năng xảy ra xung đột ở Đài Loan, nhất là vì nó có thể phá hủy hy vọng phát triển và thịnh vượng của khu vực này. Ông đã thúc đẩy mạnh mẽ cho cuộc gặp tuần vừa rồi giữa ông Biden và ông Tập ở Bali, vào đêm trước khi ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 cho các nhà lãnh đạo thế giới ở đó. Ông ấy gọi nó là hội nghị G20 “khó khăn nhất” từ trước đến nay. “Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần,” ông nói trong bài phát biểu khai mạc. “Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác.”
Mặt khác, cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã chi phối các cuộc thảo luận tại G20, nơi tâm trạng phản đối cuộc xâm lược của Nga trở nên cứng rắn hơn. Đối với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, đó không phải là cuộc chiến của họ: chỉ một số ít chính phủ trong khu vực này công khai lên án cuộc xâm lược. Tuy nhiên, châu Á đang vật lộn với những hậu quả của nó, bao gồm nguồn cung lương thực bị gián đoạn và giá cả tăng cao.
Cuộc xung đột ở xa cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trong khu vực này. Như thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, đã phát biểu tại một cuộc biểu tình nhân ngày quốc khánh vào tháng 8: “Hãy nhìn xem mọi thứ đã trở nên tồi tệ như thế nào ở châu Âu. Bạn có thể chắc chắn rằng mọi thứ không thể sai trong khu vực của chúng ta không? Tốt hơn hết hãy đối mặt với thực tế và chuẩn bị tâm lý.”
Đài Loan là mối quan tâm an ninh chính của các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á. Họ từ lâu đã lo lắng về một cuộc đụng độ giữa hai siêu cường. Nhưng người ta cho rằng nhiều khả năng nó sẽ xảy ra ở Biển Đông, nơi “đường chín đoạn” mơ hồ của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ vùng biển này và là nơi Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các rạn san hô ngoài khơi. Điều này đã thay đổi, một nhà ngoại giao trong khu vực này nói. “Đường chín đoạn,” nhà ngoại giao nói. “Đó không phải là một lằn ranh đỏ. [Đối với Trung Quốc] Đài Loan là lằn ranh đỏ thực sự.”
Hòn đảo trong một cơn bão
Trong bối cảnh đó, các chiến lược gia khu vực lo ngại trước sự thay đổi trong giọng điệu của Mỹ. Họ cho rằng chính quyền Biden đã đi quá xa. Họ cũng lên án chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 của bà Nancy Pelosi, người phát ngôn Hạ viện thuộc đảng Dân chủ, là hành động khiêu khích không cần thiết. Trung Quốc đáp trả bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật quanh hòn đảo này. Do đó, họ lo lắng về các hậu quả có thể xảy ra nếu Kevin McCarthy, người có khả năng thay thế bà Pelosi, cũng thực hiện lời hứa thăm Đài Loan.
Họ cũng lo lắng rằng sự thiếu tin tưởng cản trở việc giao tiếp. Từ đó, sự coi thường lẫn nhau ngày càng tăng. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói chuyện với cả hai bên nói rằng các quan chức Trung Quốc coi sự phân cực chính trị của Mỹ là bằng chứng về sự suy tàn của một cường quốc. Cả hai bên phàn nàn rằng các cuộc trò chuyện là hời hợt. Nhà ngoại giao này cho biết các quan chức Trung Quốc và Mỹ sẽ nỗ lực gặp riêng để thảo luận thẳng thắn về cách xoa dịu căng thẳng. Đại dịch làm giảm các cuộc gặp mặt trực tiếp, khiến tình hình tồi tệ trở nên tồi tệ hơn.
Đối với việc vũ khí hóa công nghệ chống lại Trung Quốc, ngay cả những người bạn thân nhất của Mỹ ở Đông Nam Á cũng nói rằng chính quyền Biden đang đưa khu vực này vào con đường nguy hiểm. Họ buộc các quốc gia phải chọn một bên một cách đau đớn. Singapore đã chấp nhận rằng trong một thế giới chia đôi, nơi công nghệ sẽ được chia sẻ với các quốc gia “bạn bè”, thành phố-nhà nước này sẽ tham gia chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc nặng về công nghệ hoạt động bên ngoài Trung Quốc? Theo một quan chức Singapore, điều này sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn đối với một thành phố-nhà nước vốn nổi tiếng là một khu vực tài phán an toàn, có thể dự đoán được và cởi mở cho hoạt động kinh doanh. Đối với vấn đề đó, liệu một ngày nào đó, ngành công nghiệp cung cấp năng lượng cho xe điện đang chớm nở của Indonesia sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc?
Ông Biden và nội các của ông nhận thức được một số mối quan ngại của khu vực. Ngay trước thềm G20, tổng thống Mỹ đã có mặt ở Phnom Penh, nơi Campuchia tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước. Ông đảm bảo với ASEAN rằng khu vực này là “trái tim” trong chính sách của ông ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông hứa hẹn một “kỷ nguyên mới” của sự hợp tác – một sự thừa nhận rằng lợi ích của khu vực này đã phần nào bị xem nhẹ.
Bất chấp tình trạng nền kinh tế của họ bị ràng buộc với Trung Quốc, người Đông Nam Á thực sự muốn sự tham gia của Mỹ như một đối trọng với nước láng giềng khổng lồ phía bắc của họ. Sự hiện diện của Trung Quốc mang lại những khả năng kinh tế nhưng cũng có những nguy cơ, chẳng hạn như mở rộng quân sự ở Biển Đông, mắc nợ từ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc lãnh đạo và sự phá hoại của Trung Quốc đối với sự thống nhất của ASEAN khi nước này biến Campuchia và Lào thành các quốc gia chư hầu.
Sự tham gia của Mỹ, do đó, được hoan nghênh. Tuy nhiên, theo một nhà lãnh đạo chính trị, nó phải nằm trong một khuôn khổ “cân bằng” hơn trong đó có các cam kết kinh tế dài hạn. Tại Phnom Penh và Bali, ông Biden đã hứa điều này. Mỹ và Nhật Bản (tự coi mình là quốc gia khôn ngoan hơn trong việc tác động đến các nước châu Á nghèo hơn so với đồng minh Mỹ của họ, xem Banyan) đã đề xuất những phương pháp mới để giúp Indonesia giảm sử dụng cacbon. Nhiều người Đông Nam Á nghi ngờ rằng những lời hứa như vậy sẽ đem lại những kết quả thực tế đáng kể. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Biden, một đề xuất cho sự tham gia của Mỹ vào khu vực, thiếu sức nặng. Chỉ một số bộ phận trong chính quyền của ông Biden, chẳng hạn như Bộ Thương mại, thúc đẩy sự cởi mở hơn. Các chiến lược gia của khu vực này cho rằng, phần lớn chính sách châu Á của ông được thúc đẩy bởi tư tưởng chống Trung Quốc.
Do đó, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Biden gặp ông Tập. Cuộc gặp này không khôi phục được mối quan hệ nhưng đã phục hồi việc liên lạc. Ít nhất, theo một quan chức Đông Nam Á, hai con voi đã thể hiện mong muốn ngăn chặn hậu quả của chiến tranh. Trảng cỏ tạm yên, nhưng trong bao lâu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét