Quê Hương tổng hợp
Đón ‘Xuân vận’, chuẩn bị ‘kích hoạt’ bệnh viện dã chiến số 13
Trường Sơn/VNTB
13/01/2023
Sở Y tế TP.HCM thông báo đang sẵn sàng kích hoạt lại bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 13 khi tình hình Covid-19 bắt đầu phức tạp…
Dòng phụ XBB.1.5 của biến thể Omicron đang gây ra nhiều lo ngại trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Trung Quốc cung cấp thêm số liệu.
Lo lắng Xuân vận
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết Washington đã cung cấp hầu như tất cả dữ liệu có sẵn về XBB.1.5, biến thể dễ lây lan nhất cho đến nay.
Trong ngày 11-1-2023, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 gây ra cho đến tháng 4-2023. Quyết định này sẽ giúp hàng triệu người Mỹ được xét nghiệm, tiêm vắc-xin và điều trị miễn phí.
WHO cũng cho biết tổ chức này đang hợp tác với Trung Quốc trong việc giảm rủi ro lây lan Covid-19 trong đợt Xuân vận năm nay. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa có đủ thông tin từ Trung Quốc để đánh giá đầy đủ về sự nguy hiểm của đợt bùng phát dịch này.
WHO đã yêu cầu các quan chức Trung Quốc chia sẻ thêm dữ liệu về trình tự gen, cũng như dữ liệu về số ca nhập viện, tử vong liên quan đến Covid-19 và tình hình tiêm vắc-xin ở nước này. Các số liệu chính thức từ Trung Quốc dường như không còn đáng tin cậy vì quốc gia này đang thực hiện ít xét nghiệm hơn sau khi nới lỏng chính sách nghiêm ngặt “zero Covid” trong thời gian gần đây.
Minh bạch sẽ có lợi cho người dân Trung Quốc
Tin tức liên quan vấn đề trên cho biết giáo sư Marion Koopmans, nhà vi-rút học người Hà Lan, thành viên ủy ban đặc biệt do WHO thành lập với Trung Quốc hôm 3-1-2023, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thấy một bức tranh thực tế hơn về những gì đang thực sự diễn ra”. Bà cũng nói rằng một số dữ liệu từ Trung Quốc, chẳng hạn số ca nhập viện, là “không đáng tin cậy lắm”.
Giáo sư Koopmans cho rằng việc đưa ra các thông tin đáng tin cậy hơn là vì lợi ích của chính Trung Quốc.
Một thành viên khác của ủy ban WHO là giáo sư Tulio de Oliveira, một nhà khoa học Nam Phi, cho biết nhóm của ông đã phát hiện ra một số biến chủng mới. Ông cho biết tất nhiên sẽ rất tốt nếu có thêm thông tin từ Trung Quốc, dù là các phát hiện của ông và cộng sự cũng giúp suy đoán và áp dụng trong việc theo dõi dịch tễ toàn cầu.
Giáo sư Koopmans cho biết họ chỉ thấy “một phần rất nhỏ” về các ca Covid-19 ở Trung Quốc bởi nước này cho đến nay chỉ giải trình tự khoảng 700 mẫu gửi về cơ sở dữ liệu chung toàn cầu GISAID.
Xu Wenbo, người đứng đầu Viện Kiểm soát virus tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cho biết, các bệnh viện trên cả nước sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm và tải thông tin giải trình tự gen lên cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép chính quyền theo dõi các biến chủng mới có thể xuất hiện trong thời gian thực.
Nhiều nguồn tin cho biết hàng ngày, giới chức ở một số thành phố của Trung Quốc ước tính rằng hàng trăm ngàn người đã bị nhiễm bệnh trong những tuần gần đây. Các bệnh viện và lò hỏa táng bị quá tải trên khắp đất nước.
Tái lập bệnh viện dã chiến 13 để giữ ‘hòa khí’ với Trung Quốc
Giới khoa học lo lắng với việc vi-rút SARS-CoV-2 hiện có thể lây lan trong gần 1/5 dân số thế giới, hầu hết đều không có khả năng miễn dịch từ lần lây nhiễm trước đó, và nhiều người trong số họ vẫn chưa được tiêm phòng, sẽ đưa đến việc Trung Quốc trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các biến thể mới.
Đứng trước những cảnh báo trên từ các nhà khoa học đã khiến nhiều quốc gia đưa ra chính sách kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh đến từ Trung Quốc. Và thay vì đáp ứng các đề nghị hợp tác cung cấp dữ liệu dịch bệnh để làm căn cứ cho các quốc gia khác xây dựng chính sách kiểm soát thích hợp, thì mới đây Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Trung Quốc ra thông báo đình chỉ cấp thị thực cho công dân Hàn Quốc và Nhật trong một động thái nhằm gia tăng các biện pháp trả đũa các nước áp đặt biện pháp kiểm dịch Covid-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc.
Trước nguy cơ diễn biến dịch Covid từ mối lo Xuân vận của Trung Quốc, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM tuyên bố sẽ tái lập bệnh viện dã chiến số 13 (địa chỉ 9A-B, đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, quy mô 3.300 giường) trong vòng 24 tiếng khi dấu hiệu dịch có chiều hướng xấu đi tại Việt Nam. Bệnh viện này do bệnh viện Bệnh nhiệt đới – bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19 của TP.HCM phụ trách.
Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ chi tiết các kịch bản, phổ biến và tổ chức diễn tập để đáp ứng tình huống khi dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp từ việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới.
https://vietnamthoibao.org/vntb-don-xuan-van-chuan-bi-kich-hoat-benh-vien-da-chien-so-13/
Việt kiều về Sài Gòn ăn Tết cần thận trọng trước nguy cơ biến chủng XBB lây lan nhanh
Đằng Vân /SGN
12 tháng 1, 2023
Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 tại Trung tâm hồi sức Covid-19 ở Bệnh viện Ưng Bướu TP HCM (TP Thủ Đức), tháng 9/2021. Ảnh: VNExpress
Ngày 11 Tháng Giêng, Sở Y tế TP.HCM ra thông báo cho biết thành phố hiện đang chuẩn bị đối phó với biến chủng XBB của Omicron với đặc tính lây lan nhanh. Với sự giao lưu, đi lại qua biên giới sẽ tăng cao trong dịp lễ, Tết nên nguy cơ các biến chủng phụ xâm nhập là rất lớn, có thể khiến Covid-19 tái bùng phát.
Trước nguy cơ này, ngành y tế chuẩn bị 10.000 giường điều trị, trong đó 1.000 giường hồi sức dành cho người nhiễm nCoV. Ngoài ra, Bệnh viện Dã chiến số 13 sẽ kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.
Vẫn theo thông báo trên, tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sẽ tiếp nhận, thu dung và điều trị người bệnh tại khoa, đơn vị Covid-19. Còn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ là tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.
Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức trực 24/24, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu và ứng phó dịch.
Ở những nơi đông đúc như phồ đi bộ Nguyễn Huệ (Sài Gòn), nguy cơ lây nhiễm biến chủng XBB của Omicron rất cao, nên cần đao khẩu trang và khử khuẩn cẩn thân khi đến đây vui chơi – Ảnh: Zing News
Ngoài các kịch bản trên, Sở Y tế cho biết sẽ tăng cường phòng chống dịch tại cửa khẩu, cảng biển. HCDC trực 24/7 tại sân bay Tân Sơn Nhất, giám sát người nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát thực tế. Người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa đến khu vực cách ly tạm thời để khám sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ và lấy mẫu test nhanh Covid-19.
Trường hợp dương tính, bệnh nhân sẽ được nhập cảnh nhanh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, giải trình tự gene. Quy trình tương tự được áp dụng tại cảng biển.
Do vaccine Covid-19 hiện tại vẫn có thể ngăn bệnh nặng, tử vong nên TP HCM tổ chức chiến dịch tiêm vaccine xuyên Tết để đảm bảo người dân được tiêm đúng, đủ.
Sơ Y tế cũng khuyến cáo, do diễn tiến dịch thời gian tới chưa ổn định và khó dự đoán nên các đơn vị tổ chức các sự kiện, lễ hội tập trung đông người cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp như: tuân thủ quy định 2K (khẩu trang và khử khuẩn tay), bố trí bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn.
Để ngăn Covid bùng phát, cơ quan này yêu cầu giám sát chặt dịch bệnh tại các cửa khẩu, đồng thời các địa phương cũng chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống.
Một số chuyên gia cũng đề nghị người ngoại quốc và Việt kiều nên chích ngừa Covid-19 đầy đủ, đồng thời tiêm phòng chống các bệnh nhiệt đới trước khi nhập cảnh vào Việt Nam ăn Tết.
Hãng xe điện BYD của Trung Quốc sắp xây nhà máy linh kiện tại Việt Nam
13/01/2023
Xe điện BYD Atto 3 trưng bày tại Thái Lan, ngày 30/11/2022.
Nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc BYD Auto Co đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi, ba nguồn thạo tin vừa cho Reuters biết. Kế hoạch này của BYD sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á trong mục tiêu mở rộng toàn cầu của công ty.
Một nguồn tin cho biết vốn đầu tư vào miền bắc Việt Nam sẽ hơn 250 triệu đôla, nhằm mở rộng sự hiện diện của công ty mẹ BYD Co tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của công ty này sản xuất các tấm pin mặt trời.
Động thái này nhấn mạnh xu hướng rộng lớn hơn của các nhà sản xuất là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ và sự gián đoạn sản xuất do các đợt phong tỏa COVID-19 trước đây của Bắc Kinh gây ra.
Công ty BYD từ chối yêu cầu bình luận của Reuters.
BYD, nhà sản xuất ôtô có trụ sở tại Tây An, bán chạy hơn đối thủ Tesla Inc về xe điện với tỷ lệ hơn 2:1 ở thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, gần đây đã mở rộng thị trường ở những nơi khác tại châu Á, bao gồm Singapore, Nhật Bản và châu Âu.
Được hỗ trợ bởi công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett, BYD sản xuất cả xe hybrid xăng điện và xe điện thuần túy. Cũng như Tesla, BYD kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả sản xuất pin, một chiến lược khiến nó khác biệt với các nhà sản xuất ô tô lâu đời.
Vào tháng 9, công ty công bố rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở Thái Lan với công suất 150.000 xe/năm từ năm 2024.
Với việc đầu tư vào Việt Nam, BYD đang tìm cách bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất từ các hoạt động tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu rất lớn.
Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để chọn một địa điểm cho nhà máy tại Việt Nam, theo các nguồn tin từ chối nêu tên vì tính bí mất của các cuộc thảo luận này. Một người cho biết việc xây dựng đã được lên kế hoạch bắt đầu vào giữa năm nay.
Hiện chưa rõ BYD sẽ chế tạo những bộ phận nào tại Việt Nam và liệu công ty này có sản xuất pin hay bộ phận pin hay không.
Như Reuters đã loan tin trong tuần này, khoản đầu tư theo kế hoạch của BYD và một dự án trị giá 400 triệu đôla của nhà sản xuất màn hình kỹ thuật số BOE sẽ chiếm hơn ¼ trong số 2,5 tỷ đôla mà các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trong năm ngoái.
Các tập đoàn của Hoa Kỳ như Apple Inc và các nhà cung cấp của họ, chẳng hạn như Foxconn của Đài Loan và Luxshare của Trung Quốc, cũng đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế, với nước láng giềng Việt Nam là một trong những lựa chọn chính.
BYD đang tìm cách thuê 80 ha đất công nghiệp cho việc xây dựng nhà máy mới này, tăng hơn gấp đôi diện tích của họ tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của họ thuê 60 ha, một nguồn tin thứ hai cho biết.
Một nguồn tin cho biết nhà máy tại Việt Nam sẽ xuất khẩu linh kiện cho nhà máy lắp ráp sẽ được xây dựng tại Thái Lan.
Một nguồn tin cho biết hoạt động tại Việt Nam cũng có thể phục vụ thị trường địa phương, chủ yếu thông qua các dịch vụ bảo trì và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với VinFast, một nhà sản xuất xe điện của Việt Nam đã bắt đầu bán ôtô vào năm 2019 và có kế hoạch mở rộng sang Hoa Kỳ và Châu Âu.
Vào tháng 12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát hiện ra rằng các đơn vị của BYD và các công ty Trung Quốc khác đang lách thuế quan của Hoa Kỳ hàng chục năm qua đối với pin và tấm pin mặt trời của Trung Quốc.
Nếu cuộc điều tra hoàn tất vào tháng 5, kết quả điều tra sẽ buộc các công ty của BYD phải chịu thuế đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.
Việt Nam: Đảng cảnh cáo ông Mai Tiến Dũng vì vụ 'chuyến bay giải cứu'
Nguồn hình ảnh, Getty Images/ Chụp lại hình ảnh,
Ông Mai Tiến Dũng
12/01/2023
Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, quyết định hình thức kỷ luật cảnh cáo dành cho ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Quyết định kỷ luật công bố ngày 13/1, 24 tiếng sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề nghị kỷ luật.
Ban Bí thư tiết lộ, ông Dũng với cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19, để một số cán bộ Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam".
Vi phạm của ông Mai Tiến Dũng "đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan hành chính nhà nước".
Năm 2022, Bộ Công an khởi tố vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và đơn vị liên quan khi thực hiện chuyến bay giải cứu trong đợt Covid-19.
Thông báo của Ủy ban trước đó ngày 12/1 có đoạn:
"Thực hiện kết luận của UBKT Trung ương tại Kỳ họp thứ 24 về tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm một số tổ chức đảng, đảng viên; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định:
- Thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
- Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ."
Ủy ban Kiểm tra Trung ương không nêu rõ vi phạm của ông Mai Tiến Dũng là gì.
Ông Mai Tiến Dũng đã nghỉ hưu sau giai đoạn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhiệm kỳ 2016-2021.
Tháng Tư 2016, ông Dũng, đang là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam, nhận quyết định bổ nhiệm làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ông Mai Tiến Dũng sinh năm 1959, quê quán tại Xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và Đại học Luật.
Khai trừ Đảng Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn
Cũng trong thông cáo báo chí ngày 12/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ khỏi Đảng Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Ủy ban cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật nguyên Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Thông cáo nói: "Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND Thành phố và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế và tiếp nhận công dân về nước."
"Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã làm sai lệch chủ trương của Đảng và Nhà nước, có nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của cấp ủy và chính quyền Thành phố."
Ủy ban Kiểm tra nói trách nhiệm thuộc về Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các ông Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Khắc Hiền, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Công an Thành phố.
UBKT Trung ương quyết định: - Khiển trách Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. - Cảnh cáo ông Nguyễn Khắc Hiền. - Khai trừ ra khỏi Đảng Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn. - Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Chử Xuân Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét