Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Việt Nam: 16 ngày chưa rút được cọc bê tông chứa bé Hạo Nam: Cứu hộ 'chậm trễ' và 'khó hiểu'?

BBC News

15/01/2023

Hình minh họa em bé bị kẹt dưới ống

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bé Thái Lý Hạo Nam đã bị mắc kẹt dưới chiếc cọc bê tông 16 ngày, và giới chức Việt Nam cho biết "sẽ cố gắng nhổ cọc bê tông trước Tết".

Sau khi thay đổi liên tục các phương án, lực lượng cứu hộ đang “đóng ống vách, tiếp tục khoan lấy đất bên ngoài xung quanh cọc cho đến mối nối”, theo VietnamPlus ngày 14/01.

"Khó khăn là đất sét dẻo cứng mút chặt lấy thiết bị đào", theo VTC News tường thuật hôm nay. 

Kể từ sau tuyên bố đã tử vong vào ngày 04/01, em bé 10 tuổi vẫn chưa được đưa lên mặt đất sau 11 ngày, dù hàng trăm người và nhiều đơn vị đã được huy động.

BBC News Tiếng Việt ngày 15/01 trao đổi với ông Trần Đình Hòa, một chuyên gia ứng cứu khẩn cấp trong lĩnh vực xây dựng, thành viên của Viện Quản lý Rủi ro Quốc tế (International Institute of Risk and Safety Management) quanh vấn đề cứu hộ này.

Vì sao không công bố thông tin camera?


Ảnh minh họa cọc bê tông

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Chuyên gia Trần Đình Hòa, một người có thâm niên trong lĩnh vực kiểm định xây dựng cho biết loại cọc bê tông mà bé Hạo Nam bị mắc kẹt có đường kính ngoài 50 cm, đường kính trong 25 cm, và đây là loại cọc đang được dùng rất nhiều ngoài thị trường (Ảnh mang tính chất minh họa).

Từ Việt Nam, ông Trần Đình Hòa, một người có thâm niên trong lĩnh vực kiểm định xây dựng cho biết loại cọc bê tông mà bé Hạo Nam bị mắc kẹt có đường kính ngoài 50 cm, đường kính trong 25 cm, và đây là loại cọc đang được dùng rất nhiều ngoài thị trường.

“Loại cọc này được chế tạo bởi các công ty chuyên chế tạo cọc. Tùy theo thiết kế kỹ thuật sẽ có yêu cầu cây cọc to hay nhỏ, lực là bao nhiêu, độ dày bao nhiêu và đường kính là bao nhiêu”, ông cho biết.

Về khả năng có nước hay bùn đất nằm trong cọc, ông nhận định vì đây là ba đoạn cọc nối với nhau, nên hoàn toàn có thể xảy ra, qua vết mối hàn, hoặc trong quá trình đóng thì cọc đã bị nứt ở vị trí nào đó.

"Chỉ có cách đưa camera vào để xem. Thực tế khi tôi làm thì phần lớn 99% cây cọc đóng mà để như vậy thì đất, cát và nước vào trong đó cả rồi."

Cho đến nay, giới chức tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa xác định được vị trí của bé Hạo Nam nằm ở đâu trong cọc bê tông. 

Ngày 04/01, bé Hạo Nam đã được xác định tử vong, dù thi thể chưa được đưa lên hoặc xác định vị trí ở đâu trong cọc. 

VnExpress khi đó dẫn lời từ cơ quan chức năng, nói căn cứ xác định bé Hạo Nam tử vong là "sau khi liên ngành y tế, pháp y và chính quyền hội chẩn dựa trên cơ sở, bằng chứng thu thập được".

Nhiều người dân đã đặt câu hỏi về lý do tại sao không thể xác định vị trí cháu bé và không thấy bất kỳ thông tin camera nào được công bố, khi ngày 02/01 đã có thông tin “dùng camera chuyên dụng tìm vị trí”, theo Báo Mới tường thuật.

Ông Đình Hòa khẳng định một lần nữa về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có thể dùng camera để đưa xuống cọc.

“Thậm chí chúng tôi đã từng dùng camera để đưa xuống cọc dài 60 đến 70 mét. Nhưng tôi không hiểu lý do gì mà các cơ quan chức năng, hoặc đội cứu hộ người ta không đưa thông tin đấy, hoặc họ không có loại camera đấy. Hoặc họ có xem rồi mà không đưa thông tin, chuyện này thì tôi không biết. Nhưng về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có thể đưa camera xuống sâu hơn nữa, thậm chí có camera đưa xuống nước để xem."

"Tôi có thể nói là với phương tiện kỹ thuật hiện nay thì hoàn toàn có thể có loại camera đưa được xuống dưới và chiếu đèn để xem, có thấy em bé, đất hay nước hay không. Các công ty xây dựng thì nhiều công ty cũng trang bị camera, các công ty chuyên về thẩm định cũng có loại camera chuyên dụng như vậy."

Trả lời câu hỏi của BBC về việc loại camera này liệu có thể thấy được em bé, nếu Hạo Nam bị nằm dưới bùn đất, ông Đình Hòa nói thêm:

"Ví dụ trong cọc là bùn, đất, khi em bé bị lọt trong đó rồi bị lún sâu dưới bùn. Thì khi đưa camera xuống cũng chỉ thấy bùn, đất thôi. Khó mà thấy được em bé."

Khó huy động máy móc chuyên dụng?

Hiện trường cứu hộ bé Hạo Nam ngày 02/01 tại Đồng Tháp

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Hiện trường cứu hộ bé Hạo Nam ngày 02/01 tại Đồng Tháp

Giới chức cứu hộ tỉnh Đồng Tháp đã đề cập ngay từ những ngày đầu là "hạn chế máy móc" trên mặt đất.

"Cẩu 80 tấn gặp sự cố ngay tại hiện trường bé trai ở Đồng Tháp rơi xuống trụ bê tông", Báo Công Thương tường thuật hôm qua 14/01.

Trước đó, VTV dẫn lời cơ quan chức năng nói hôm 09/01 rằng "Mặt khác, hiện trường nằm sâu trong đồng ruộng, hạ tầng giao thông nhỏ, hẹp nên việc di chuyển các phương tiện, thiết bị, máy móc cứu nạn gặp nhiều trở ngại, khó khăn nên đến nay việc nhổ cọc chưa thực hiện được."

Nhận định về vấn đề khó khăn trong việc di chuyển máy móc chuyên dụng, ông Đình Hòa nói với BBC:

"Xét về mặt kỹ thuật ở bất cứ nơi đâu người ta cũng đưa máy móc vào được. Chúng tôi thi công dự án ở rừng sâu... đều có thể làm được cả. Nếu như theo dõi trên báo thì sau hai, ba ngày người ta mới đưa một thiết bị từ cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) về."

"Như vậy tại sao họ không đưa về ngay từ ban đầu. Những thiết bị công nghệ cho phép tháo dỡ ra từng phần để chở đến. Dùng cái cẩu để đóng cọc đó thì phải cẩu 50 tấn, bánh xích, tôi đã thấy hình ảnh cái cẩu ở đấy. Thế thì cái cẩu này hàng trăm tấn, cấu kiện từng phần là hàng chục tấn. Thế thì người ta đã đưa cái cẩu này đến bằng cách nào?"

"Rõ ràng đã có phương tiện người ta đưa cái cẩu này đến được mà. Thì không có lý do gì mà người ta không thể đưa phương tiện khác đến được cả."

Đã lúng túng và chậm trễ?

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp trả lời báo chí ngày 04/01

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Giới chức tại tỉnh Đồng Tháp vào tối 04/01 cho biết bé trai Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, bị rơi xuống cọc bê tông trong công trình xây dựng vào ngày 31/12 đã tử vong "sau khi liên ngành y tế, pháp y và chính quyền hội chẩn dựa trên cơ sở, bằng chứng thu thập được".

Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Đồng Tháp nói hôm 02/01 rằng, "Đã xói móng cọc được 31/35 mét, cố gắng cứu nạn cháu bé sớm nhất"

Nhận định vì sao những mét cuối cùng này lại khó khăn đến vậy, ông Đình Hòa nói với BBC:

"Nếu theo dõi trên báo chí, thì theo hình ảnh có một máy cọc nhồi để khoan tới độ sâu 35 mét đấy. Với mục đích hy vọng làm nhão đất bên ngoài cọc bê tông ra mà khi nhão đất thì sẽ làm giảm độ kết dính của đất với cái cọc để rút lên.

Nhưng lực lượng cứu hộ đã không thành công, nên họ dùng phương án đóng ống chống bằng thép xuống. Đóng ống chống thép xong cũng chưa khả thi. Và bây giờ thì họ đang dùng cừ lá thép làm vách ngăn rộng hơn."

Theo Tuổi Trẻ ngày 03/01, "Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp thừa nhận có lúng túng, bất ngờ lúc đầu khi tính tự cứu bé trai lọt xuống trụ bê tông, sau đó đã đề nghị Quân khu 9, các bộ, ngành nhờ chi viện".

Ông Đình Hòa cho rằng chính vì loại tai nạn thế này "rất ít khi xảy ra" và "các lực lượng cứu hộ chưa được đào tạo bài bản cho tình huống tương tự. Địa hình thi công, các phương tiện tại hiện trường lúc đầu rất hạn chế" là nguyên nhân khiến việc cứu hộ kéo dài. 

"Loại cọc bê tông này là loại cọc bê tông được thiết kế để chịu lực nén. Nếu đóng cọc từ trên xuống dưới, chịu hàng trăm tấn cũng chịu đựng được. Nhưng để nhổ cọc lên thì không thể nhổ ngược lên được vì sẽ bị đứt từng đoạn ngay."

"Đã có trường hợp người ta rút cây cọc lên, nhưng người ta chỉ rút cây cọc rất là ngắn. Ví dụ như 5, 7 mét thì lực ma sát không đáng kể. Sau đó họ có thể dùng kỹ thuật rút cọc khi bị đóng sai. Nhưng một cây cọc bị đóng xuống 30-40 mét trong một thời gian dài rồi thì bùn đã kết dính rất tốt với bề mặt ngoài của cây cọc rồi, thì lúc đó lực rút lên cần rất là lớn."

Báo chí trong nước dẫn lời cơ quan chức năng hôm 07/01 rằng, "Được biết, cọc bê tông mà bé Hạo Nam bị kẹt hiện nay có trọng lượng 20 tấn, nếu đóng xuống dùng lực 50 tấn thì nhổ lên phải dùng thiết bị chuyên dụng có lực gấp 4 - 5 lần".

Ông Trần Đình Hòa bình luận, "Không ai tính được lực này đâu, tất cả chỉ là sự phỏng đoán. Tính toán lực rút lên là không tưởng, không thể, đều là sai số."

Ông nhận định công tác cứu hộ những ngày qua là "chậm". 

“Còn trong công tác cứu hộ, không ai có thể nói giờ nào xong, hoặc mấy ngày nữa xong được. Quá trình làm như vậy nếu bị thiếu thiết bị gì đó, ví dụ máy cẩu bị hư hệ thống thủy lực thì người ta phải chờ chẳng hạn... Tôi nghĩ phương án họ đưa ra thế này cũng không phải phương án tối ưu nhất. Xét về mặt kỹ thuật với hơn 10 ngày, với cái cọc chỉ 35 mét, như thế là chậm."

"Ngay từ ban đầu lực lượng cứu hộ dường như đã không lường trước được sự khó khăn ngoài sự kiểm soát của họ. Đó là lý do tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận sự lúng túng, tức là đã mất thời gian quý giá nhất. Điều này phải xem xét lại. Có lực lượng Quân khu 9 đến nhưng tôi cũng không thấy có thông tin lực lượng này đến làm gì.”

Hiện trường cứu hộ bé Hạo Nam tại công trình cầu Rọc Sen, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 01/01

Nguồn hình ảnh, THONG TIN CHINH PHU

Chụp lại hình ảnh, 

Hiện trường cứu hộ bé Hạo Nam tại công trình cầu Rọc Sen, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 01/01

Chuyên gia thẩm định xây dựng đặt câu hỏi vì sao đã có sự lúng túng trong lực lượng cứu hộ trong hai, ba ngày đầu, và là khoảng thời gian "vàng".

“Những công việc xây dựng đòi hỏi máy móc thiết bị lớn, tôi chưa nhận được thông tin nào về chuyện lực lượng cứu hộ kêu gọi rộng rãi. Với kinh nghiệm xây dựng trong dầu khí hoặc cầu cảng của tôi, thì người ta có những máy móc thiết bị hiện đại, to lớn hơn.

"Thế thì vì sao ngay từ ban đầu, lực lượng cứu hộ đó không kêu gọi các công ty có sở hữu thiết bị lớn như trong dầu khí thì người ta cũng sẵn sàng gửi thiết bị đến ngay lập tức."

"Chứ lại để lúng túng hai, ba ngày rồi mới đi tìm phương án khác, chứng tỏ người chỉ đạo có hạn chế nhất định về thông tin kỹ thuật”, ông cho biết.

Tóm tắt vụ việc

Ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi bị rơi vào bên trong cột bê tông rỗng tại một công trường xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp vào khoảng 11 giờ 30 phút trưa khi đang cùng các bạn đi nhặt phế liệu.

Cậu bé được cho là đã rơi xuống cây cột bê tông hẹp, thẳng đứng có đường kính trong 25 cm đã được đóng sâu xuống lòng đất 35m.

Cha của cậu bé cho biết ông có nghe thấy tiếng kêu cứu của con mình khi lần đầu tới tìm kiếm ở khu vực này, nhưng sau đó âm thanh đã im bặt.

Là con trai lớn trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên cậu bé phải đi nhặt sắt vụn để phụ giúp cha mẹ.

https://www.bbc.com/vietnamese


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét