Bình luận của Ngọc Anh & Ngọc Thủy
04/01/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hà Nội hôm 18/6/2014 (minh hoạ)
AFP
Bang giao Việt – Mỹ thăng tiến hay bế tắc, thậm chí thụt lùi hay đi lên, phụ thuộc vào quan hệ giữa các cá nhân với nhau chỉ là một phần, còn chủ yếu, nó tùy thuộc vào những yếu tố địa-chính trị và địa-kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Nhưng liệu Đại sứ Mỹ Marc Knapper có quá lạc quan không, trong bối cảnh não trạng của giới văn hóa – tư tưởng vẫn coi Trung Quốc là thầy và nhìn Mỹ với con mắt không mấy thiện cảm như trong loạt bài phỏng vấn đầu Năm Mới của VTC???
“Phượng hoàng từ chốn cheo leo…”
Tình cờ nhưng không ngẫu nhiên! Kể từ khi có tin đồn, sau đó là chính thức liên quan đến việc Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị tước chức vụ Đảng, các hãng truyền thông lớn trên thế giới, từ RFA đến VOA, từ BBC đến Sputniknews đều chú mục vào một đề tài nổi bật, như hệ quả tất yếu của cuộc thanh trừng nội bộ. Đó là, liệu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ rồi ra có bị ảnh hưởng bởi sự kiện rúng động quốc nội này hay không? Rúng động nhưng người dân trong nước chẳng biết gì mấy về cuộc Hội nghị bất thường, từ chiều 30/12. Sự kiện này vắt từ năm cũ qua năm mới, cho đến tận cuối ngày 3/1/2023 (sau năm ngày họp), truyền thông trong nước vẫn im bặt. Sự cố tầm cỡ thế này, nếu ở các nước dân chủ, kể cả các nước Đông Nam Á, truyền thông phải có trách nhiệm thông báo từng giờ một cho toàn thể quốc dân biết, điều gì đang xẩy ra với “các đầy tớ” của họ? Và “những đầy tớ” thay thế là ai? Đằng này, 800 tờ báo đều “đang đi ngủ đông”, hãng truyền hình quốc gia thì mải say sưa với bóng đá và cô hoa hậu xuất hiện trong chiếc váy mỏng tanh và nhìn xuyên suốt. “Dân chủ đến thế là cùng…”
Theo các tin tức nội bộ, có ba nguyên nhân sâu xa mà Đảng không bao giờ muốn cho dân đen biết được, tại sao ông Minh bị truất chức. Thứ nhất, như các trang mạng xã hội đã chỉ rõ, nguyên nhân đầu tiên là đấu tranh nội bộ đang vào hồi ác liệt. Ông Minh, Ủy viên Chính trị bộ hai khóa liền, là Phó TTg thường trực bao quát các vấn đề đối ngoại, đã đến thời điểm “kịch đường tàu”, không thể tiến sâu vào “Tứ trụ” giữa nhiệm kỳ, hay Đại hội đảng vào những năm tới. Đại hội 13 chưa hết nửa đường nhưng cuộc sát phạt để chen chân vào “Tứ trụ” ngày càng khốc liệt. Thanh kiếm Tô Lâm đang nắm quyền lực mạnh nhất hiện nay sẽ trắng tay nếu không có suất đặc cách tuổi dành cho bộ tứ. Dù các điều kiện chủ quan/khách quan của ông Minh đã hội tụ tương đối đủ, nhưng “cửa ấy” như thế là đã bị chặn, nên ông phải ra đi. Các candidates (ứng viên) thay thế ông và ông Đam ngoài một tay họ Trần (Lưu Quang), sinh ở Tây Ninh, còn tay họ Trần khác (Hồng Hà) sinh ở Nghệ Tĩnh, mà các “quan phụ mẫu” vất vả cả mấy ngày đêm để đưa người của mình vào “thi đấu”. Tuy nhiên, chuyện ai thay thế, giờ đây không quan trọng, vì những nhân vật được chọn cũng chỉ là “những con cờ thí” của Bộ chính trị. Sự kiểm soát quyền lực trong nội bộ mới chính là bài toán mang tính chất sống còn của Đảng. Còn tương lai và vận mệnh dân tộc, chỉ là thứ yếu, không cấp bách. Nếu các cuộc đấu đá không dừng lại, tương lai đất nước có nguy cơ sẽ tối như cái tiền đồ của chị Dậu… (1)
Thứ hai, ông Minh và cả ông Đam đều là những người được đào tạo từ phương Tây, đại diện cho các trí thức từng có nhiều kinh nghiệm trên trường quốc tế, là cái gai trong con mắt giới bảo thủ của Đảng. “Phượng hoàng từ chốn cheo leo/ Sa cơ lỡ vận phải theo đàn gà”. Nhưng “đàn gà” ấy đâu có để cho các ông theo tới cùng. Chuyến bay giải cứu hay vụ Việt Á chỉ là cái cớ để các nhóm lợi ích “bứng” hai ông, lấy chỗ cho những người của họ. Nhiều động thái trong nội bộ Đảng với nhau, bề ngoài vẫn khó hiểu. Trước đây, Ủy viên BCT Trần Tuấn Anh và toàn bộ tập thể Ban Cán sự Bộ Công thương cũng bị Đảng “bêu danh” như trường hợp bên Bộ Ngoại giao. Nhưng rồi ông Trần Tuấn Anh đâu có hề hấn gì, chỉ có cấp dưới của ông ấy ấy chịu trận (2). Tại sao có sự phân biệt đối xử này? Có phải vì Tuấn Anh không bị xếp vào họ “Phượng hoàng”? Hay là thân phụ Trần Tuấn Anh là Trần Đức Lương, một cựu Chủ tịch nước bất tài nổi tiếng hiện vẫn còn sống, nên Đảng ưu tiên Tuấn Anh hơn? Vòng tròn định mệnh khép lại với ông Minh khiến dư luận không thể không nhắc đến người cha đẻ ra ông, cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng “vang bóng” một thời. Trong nhà tù Sơn La thời mồ ma thực dân, ông Thạch đã dùng thân thể cường tráng của mình đỡ đòn các cai ngục, bảo vệ Lê Đức Thọ (Phó của Lê Duẩn) và các đồng chí, nên được đặc ân chức Thứ trưởng Ngoại giao khi mới 39 tuổi. Nhưng rồi những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã bị Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười cho về vườn dưới sức ép của Bắc Kinh.
Chính sức ép từ “nước lạ” cũng là nguyên nhân của việc ông Minh bị “being fired” (cho về vườn). Nguyên nhân thứ ba này được Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn nói rõ trong YouTube (3): Gốc gác của nó vẫn bắt nguồn từ thời Hội nghị Thành Đô, với “câu sấm” nổi tiếng của ông Thạch: “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!” Có thể nói, đấy là dự báo quan trọng nhất về một chính sách ngoại giao nhiều phần lệ thuộc vào Trung Quốc mà Hà Nội buộc phải kiên trì theo đuổi. Đến lượt ông Minh, sau cuộc “triều kiến” Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022, đã có người khuyên ông Minh nên sớm rút khỏi chính trường để giữ sinh mệnh. Tiếc rằng, ông Minh đã không chấp nhận lời khuyên ấy từ các bậc tiền bối. Phải chăng đấy cũng là bản lĩnh của ông, quyết tâm bám trụ và chiến đấu đến cùng!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Reuters
Việt – Mỹ rung lắc nhưng không bế tắc
Không thể nói đến bang giao Việt – Mỹ mà không bàn về bối cảnh của quan hệ Việt – Mỹ – Trung. “Mối tình tay ba” này sau chuyến “triều cống” Bắc Kinh của Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đang có những dấu hiệu chuyển động trái chiều. Để tham khảo, bạn hãy nghe hai chương trình phỏng vấn đầu năm mới 2023 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam (VTC) với Đại sứ Trung Quốc và Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đối thoại với Đại sứ Hùng Ba – người từng “nhảy bổ” chặn đường Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông chuẩn bị ra phi trường quốc tế đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hồi tháng 9/2021 – VTC cho biết: “Trung Quốc ủng hộ Việt Nam có vị thế lớn hơn trong khu vực và trên toàn cầu” (4). Điều khác thường của buổi phỏng vấn: ông Hùng Ba nói nhiều về chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng nhưng không đả động gì đến việc ông Trọng hứa Việt Nam tham gia BRI (Vành đai và Con đường), GDI (Phát triển toàn cầu) và xem xét GSI (An ninh toàn cầu). Trong khi nói chuyện với Đại sứ Knapper, phát ngôn viên lại nêu bật ý, thân phụ của Đại sứ là “một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam…” (5). Ở đây, tựa của video là “Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper: Bố tôi là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam”. Tựa này làm người xem có thể có cảm tưởng: Trong khi tôn vinh Trung Quốc ủng hộ vị thế quốc tế mới của Hà Nội thì Việt Nam vẫn muốn nhắc tới “hận thù quá khứ” với Mỹ.
Khách quan mà nói, bang giao Việt – Mỹ xưa nay sở dĩ quan trọng thường là do một loạt nhân tố ngoại lai khác chi phối. Trong bối cảnh hiện nay, nhân tố đó có thể là Trung Quốc hay Liên bang Nga. Việt Nam đón Ngoại trưởng Nga trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm ngoái đã khiến cho cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và đương kim Ngoại trưởng Antony Blinken hủy bỏ các chuyến thăm Hà Nội vào phút chót. Ngay cả thông tin về cuộc điện đàm được công bố giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã dày công lobby, cũng lặng lẽ biến mất. Bên cạnh những khó khăn do cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine gây ra cho Việt Nam, thì nhân tố Trung Quốc và hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cũng lại là những cản trở khả năng nâng cấp quan hệ song phương giữa Washington và Hà Nội trong thời gian tới. Rõ ràng, môi trường an ninh khu vực và toàn cầu với những tương tác quyền lực phức tạp giữa các cường quốc buộc Hà Nội phải thận trọng hơn trong việc ứng xử với quốc gia láng giềng khổng lồ và tham vọng là Trung Quốc. Theo giới quan sát, quan hệ Việt – Mỹ thời gian tới đây thăng tiến hay bế tắc, thậm chí thụt lùi hay đi lên, phụ thuộc vào quan hệ giữa các cá nhân với nhau chỉ là phần nào, còn chủ yếu, vẫn tùy thuộc vào những yếu tố địa-chính trị và địa-kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu. (6)
Các yếu tố địa-chiến lược thời Nguyễn Cơ Thạch – Trần Quang Cơ nhìn chung tiêu cực nhiều hơn tích cực. Ngày nay, các yếu tố ấy thuận lợi cơ bản. Với vị trí chiến lược tại Biển Đông, Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong cạnh tranh Mỹ – Trung tại liên vùng “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Đại sứ Marc Knapper tin tưởng rằng trong năm 2023, khi Mỹ – Việt kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện”, hai nước sẽ tìm các phương thức để có thể kỷ niệm mốc quan trọng này và tìm kiếm các khả năng để nâng cấp lên “Đối tác chiến lược”. Mặc dầu năm qua, Việt Nam bị đưa vào danh sách các nước cần “theo dõi đặc biệt” về tôn giáo (SWL), nhưng ông Knapper cho rằng, trên cơ sở những giá trị, lợi ích chung và lòng tin giữa hai nước, chúng ta tin rằng, việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” sẽ mở ra nhiều cánh cửa để hai nước hợp tác chặt chẽ hơn. Hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các khả năng, đặt rất nhiều kỳ vọng và mong muốn nâng quan hệ song phương lên cấp độ cao hơn. Hiện nay, thương mại Việt – Mỹ tăng 200%, đạt khoảng 110 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Mỹ có hơn 1.100 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký đạt hơn 10 tỷ USD/năm. Việt Nam có khoảng ba vạn sinh viên học tại Mỹ và là nước ủng hộ tích cực Bộ Tứ (QUAD). Ông Knapper nói với báo chí tại “Triển lãm Quốc phòng Quốc tế” đầu tiên của Hà Nội (8/12/2022) rằng, tới đây là thời kỳ mới để Việt Nam hiện đại hóa, đa dạng hóa và toàn cầu hóa (7).
Liệu ông Knapper có quá lạc quan lúc dự báo như thế không khi mà não trạng của giới văn hóa – tư tưởng vẫn coi Trung Quốc là thầy và nhìn Mỹ với con mắt không mấy thiện cảm như trong loạt bài phỏng vấn đầu Năm Mới của VTC???
____________
Tham khảo:
1. https://baotiengdan.com/2022/12/31/chuyen-thanh-trung-noi-bo/
3. https://www.youtube.com/watch?v=19TzglPYxbQ
4. https://www.youtube.com/watch?v=2TUyruUdYKs
5. https://www.youtube.com/watch?v=LkIQjlyRguI
6. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg3q1ggqj51o
7. http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_TruocThemNamMoi.html
https://www.rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét