Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Việt Nam cố giữ trung lập giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên

Thu Hằng /RFI

Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/03/2019. AP - Minh Hoang 

Năm 2023, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thử lại vũ khí hạt nhân, sau khi bắn 70 tên lửa đạn đạo suốt năm 2022, trong đó có tên lửa liên lục địa ICBM có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ. Hàn Quốc cũng dự kiến « tập trận hạt nhân chung » với Hoa Kỳ. Những dấu hiệu gần đây cho thấy bán đảo Triều Tiên khó có được một năm yên bình. 

Quảng cáo 

Hà Nội duy trì mối quan hệ tốt với cả hai miền Triều Tiên, nhưng thiên về Hàn Quốc trong lĩnh vực trao đổi thương mại thời gian gần đây. Trong chuyến công du Hàn Quốc của chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (04-06/12/2022), hai nước đã ký 24 tài liệu hợp tác, tổng trị giá khoảng 15 tỉ đô la. Việt Nam cũng vượt qua Hồng Kông, đứng đầu các nước nhập siêu nhiều nhất từ Hàn Quốc, với thặng dư mậu dịch là 34,25 tỉ đô la trong năm 2022.


Việt Nam từng đứng ra làm trung gian khi tổ chức thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un tại Hà Nội năm 2019 nhằm hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tình hình trở nên căng thẳng hơn trong năm 2022, « khả năng giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên gần như đã biến mất », theo nhà cựu ngoại giao Mỹ Evans Revere.

Bối cảnh mới trên bán đảo Triều Tiên đặt Việt Nam vào thế khó xử không ? Hà Nội có thể tiếp tục giữa vai trò nào đó giúp giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ.


 RFI : Việt Nam duy trì quan hệ với Bắc Triều Tiên, nhưng cũng có quan hệ ngày càng chặt chẽ về kinh tế, thương mại và ngoại giao với Hàn Quốc. Mối quan hệ này chuyển biến như thế nào trong thời gian qua ?  

Vũ Xuân Khang : Quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên là một trong những mối quan hệ truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam nhưng đã bị lãng quên trong một thời gian rất dài, cho đến thượng đỉnh Hà Nội vào năm 2019. 

Bắc Triều Tiên là một trong ba nước đầu tiên công nhận chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (chính quyền Bắc Việt Nam) là chính quyền hợp pháp duy nhất của Việt Nam vào năm 1950. Trong những năm sau đó, đặc biệt là mối quan hệ thân tình giữa chủ tịch Kim Nhật Thành và chủ tịch Hồ Chí Minh, hai nhà lãnh đạo đã có những cam kết rất sâu sắc. Thứ nhất, vào năm 1956 và 1958, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng Việt Nam và Bắc Triều Tiên đều là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhiệm vụ của hai nước là cùng giúp nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hai miền Bắc ở mỗi nước.  

Điểm quan trọng thứ hai, một điều mà không có nhiều sử sách Việt Nam ghi lại, là chủ tịch Kim Nhật Thành đã rất quan tâm đến chiến sự ở Việt Nam. Ông đã đặt quan điểm với chính quyền Hà Nội là cho Bắc Triều Tiên gửi quân đội qua Việt Nam như cách mà Hàn Quốc gửi quân đội để trợ giúp Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh. Nhưng chính quyền Hà Nội đã từ chối lời đề nghị này và chỉ chấp nhận là Bắc Triều Tiên cử phi công để giúp Bắc Việt Nam bảo vệ bầu trời Hà Nội.  

Tuy nhiên, mối quan hệ thân tình giữa Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên sau năm 1975 đã hoàn toàn sụp đổ khi nước Việt Nam thống nhất đã có những động thái để dằn mặt Khmer Đỏ, trong khi Bắc Triều Tiên lại là một đồng minh rất thân cận của Khmer Đỏ. Chính vì thế, từ năm 1979 đến 1989, Việt Nam và Bắc Triều Tiên thực sự lại là kẻ thù của nhau trong chính trường của châu Á : Việt Nam thuộc phe Liên Xô còn Bắc Triều Tiên lại ngả về phe Trung Quốc. Đặc biệt vào năm 1979 khi Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, Bình Nhưỡng đã giữ im lặng, thậm chí còn ủng hộ Khmer Đỏ, gửi vũ khí, cố vấn quân sự qua Cam Bốt để giúp chống lại quân đội Việt Nam trong suốt những năm 1980. Vào cuối những năm 1980, sau khi quyết định rút quân khỏi Cam Bốt, Việt Nam đã có những động thái để nối lại bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

Hai nước đã hoàn toàn có thể nối lại quan hệ thân tình ngay ngày xưa nhưng do kinh tế Bắc Triều Tiên ngày càng đi xuống vào cuối những năm 1980, trong khi Việt Nam lại đang mở cửa kinh tế nên rất cần vốn đầu tư nước ngoài. Hàn Quốc đã trỗi dậy, trở thành một nước châu Á hoàn toàn có thể giúp đỡ Việt Nam cải tổ kinh tế. Việt Nam đã nhìn sang ví dụ của Trung Quốc khi nước này cũng đã nối lại ngoại giao với Hàn Quốc và từ bỏ liên minh ủng hộ Bắc Triều Tiên. Việt Nam đã sẵn lòng đình chỉ một số trao đổi kinh tế lớn với Bắc Triều Tiên và quay hướng sang Hàn Quốc. Chính điều này đã khiến Bắc Triều Tiên phật lòng và không ngần ngại gọi cả Việt Nam lẫn Trung Quốc là « những kẻ phản bội xã hội chủ nghĩa ». 

Xuyên suốt những năm 1990, Bắc Triều Tiên và Việt Nam đã hoàn toàn không có bất kỳ cuộc trao đổi ngoại giao cấp cao nào. Việt Nam thậm chí còn đòi nợ Bắc Triều Tiên khi nước này không thể hoàn trả số tiền mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, đã có một số chỉ dấu cho thấy Bắc Triều Tiên muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi nước này cũng muốn được cải tổ kinh tế theo đường lối mà Việt Nam và Trung Quốc đã đi. Và cho đến thượng đỉnh năm 2019, Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã nối lại một số trao đổi ngoại giao giữa hai bên nhằm mục đích để Việt Nam trở thành một ví dụ hướng dẫn Bắc Triều Tiên cải tổ kinh tế của nước này.  

Việt Nam dù đã ưu tiên quan hệ kinh tế với Hàn Quốc hơn nhưng không từ bỏ quan hệ truyền thống với Bắc Triều Tiên. Có thể thấy rằng mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây đã nồng ấm hơn nhưng quan hệ giữa hai nước sẽ không trở lại như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. 

RFI : Quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đặt Hà Nội vào thế khó xử như thế nào ? Việt Nam có ngả theo một trong hai bên ?  

Vũ Xuân Khang : Việt Nam là một trong những nước trung lập đối với quan hệ hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Có thể thấy thượng đỉnh Hà Nội năm 2019 cho thấy Việt Nam hoàn toàn không bị đặt vào thế khó xử khi Việt Nam vừa có quan hệ hữu hảo với miền Bắc vừa có quan hệ tốt với miền Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng vị thế là một nước trung lập để tạo điều kiện cho hai miền có những trao đổi về ngoại giao khi mà hai miền Triều Tiên rất khó có thể tìm được một tiếng nói chung.

Theo tôi, Việt Nam không hề bị đặt vào thế khó xử, nhất là khi Bắc Triều Tiên đã dần dần chấp nhận Việt Nam là một nước kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và sẽ ưu tiên quan hệ kinh tế với Hàn Quốc hơn là quan hệ chính trị với Bắc Triều Tiên.  

RFI : Việt Nam từng được kỳ vọng làm trung gian, mô hình phát triển để Bình Nhưỡng hướng theo. Liệu Bắc Triều Tiên còn có khả năng mở cửa giống như Việt Nam ?  

Vũ Xuân Khang : Có nhiều ý kiến cho rằng mô hình của Việt Nam là một mô hình cải cách rất tốt cho Bắc Triều Tiên, nhất là khi cả hai nước có cùng lịch sử. Và về diện tích, địa lý, cả hai nước cũng khá tương đồng do là những nước nhỏ, cùng sát sườn với Trung Quốc. Đặc biệt, nếu chúng ta để ý những cuộc trao đổi ngoại giao giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên sau những năm 2000 trở lại đây, hai bên đã đề cập rất nhiều về cải cách kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. 

Tuy nhiên, theo tôi, rất khó để Bắc Triều Tiên có khả năng mở cửa giống như Việt Nam. Nếu nhìn vào lịch sử Việt Nam kể từ khi đất nước được thành lập năm 1945, Việt Nam đã không cải cách kinh tế cho đến khi giải quyết được những vấn đề an ninh nổi cộm. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chính quyền miền bắc Việt Nam đã có một cuộc thảo luận rất lớn ở trung ương : Liệu miền Bắc Việt Nam có nên hỗ trợ cho miền Nam để chống Mỹ hay đặt ưu tiên phát triển kinh tế cho miền Bắc ? Lúc đó, miền Bắc đã thống nhất là nên ưu tiên đánh đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam bởi vì lúc đó, ưu tiên cho an ninh quan trọng hơn là ưu tiên về kinh tế.  

Trong suốt những năm 1970-1980, Việt Nam đã có những cải cách về kinh tế nhưng những cải cách nhỏ lẻ đó hoàn toàn không phải là quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay, do Việt Nam phải đầu tư rất nhiều cho quân đội và không thể tạo được lòng tin với các nhà đầu tư quốc tế rằng Việt Nam sẽ không trở thành một nước quân sự ở châu Á. Chính vì thế, mặc dù Việt Nam đã mở cửa kinh tế vào năm 1986, sau khi cố gắng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã không thể nào kêu gọi được vốn từ nước ngoài do các chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn là một nước rủi ro cao khi Việt Nam chưa hoàn toàn rút quân khỏi Cam Bốt. Chỉ sau khi Việt Nam tự tin rằng an ninh quốc gia đã được đảm bảo và rút quân khỏi Cam Bốt năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991 thì Việt Nam mới thực sự gặt hái được thành quả của cải tổ kinh tế khi có được nguồn vốn từ nước ngoài.  

Nếu so sánh bài học như vậy thì hiện nay, Bắc Triều Tiên hoàn toàn chưa có mong muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân và mở cửa kinh tế. Bởi vì, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là thanh kiếm rất quý giá để bảo vệ an toàn của chế độ và Bình Nhưỡng sẽ luôn luôn ưu tiên bảo vệ chế độ hơn là cải tổ kinh tế. Một bài học rất lớn, đó là vào năm 1990 khi kinh tế Bắc Triều Tiên chạm đáy và có những nạn đói giết đến gần 2 triệu người, nước này vẫn càng quyết tâm ưu tiên bảo vệ an ninh của chế độ hơn là kinh tế của đất nước. Do đó, có thể đoán được rằng chừng nào Bắc Triều Tiên còn gặp phải những vấn đề an ninh rất lớn, khi mà Hàn Quốc vẫn tồn tại và Mỹ vẫn đe dọa đến chế độ Bắc Triều Tiên, thì nước này vẫn sẽ không mở cửa kinh tế.  

Những cuộc trao đổi về mở cửa kinh tế hiện nay với Việt Nam và Trung Quốc là những chỉ dấu Bắc Triều Tiên mong cải tổ kinh tế. Nhưng ưu tiên cải tổ kinh tế này sẽ không bao giờ quan trọng hơn ưu tiên bảo vệ chế độ chính trị của Bắc Triều Tiên.  

RFI : Như vừa đề cập ở trên, Việt Nam tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội vào năm 2019. Việt Nam từng kỳ vọng làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như giúp làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Việt Nam còn giữ được vị thế đó ? 

Vũ Xuân Khang : Mặc dù thượng đỉnh là Hà Nội là một thất bại khi mà Mỹ và Bắc Triều Tiên đã không có bất kỳ tuyên bố chung nào. Nhưng để nhìn qua một góc nhìn khác, thượng đỉnh đó vẫn là một thành công lớn cho Việt Nam vì Việt Nam đã tổ chức thành công một sự kiện tầm cỡ quốc tế và khẳng định vai trò trung lập của Việt Nam trên trường quốc tế.  

Một nước khác, giống như Việt Nam, vào đầu những năm 2000, đó là Mông Cổ, cũng đã có vai trò rất lớn khi nước này trở thành chủ nhà cho rất nhiều cuộc đàm phán liên Triều. Tuy nhiên, Mông Cổ đã không giữ được vị thế đó, do Mông Cổ đã không chủ động lợi dụng vị thế của đất nước sau những cuộc họp thượng đỉnh cấp cao như vậy để tăng niềm tin đối với các nước trên thế giới.

Theo ý kiến của tôi, thượng đỉnh Hà Nội 2019 là một bước đệm rất lớn để Việt Nam có thể tiếp tục tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế khác. Tuy nhiên, thành công rất lớn trong tương lai phụ thuộc vào ngành ngoại giao Việt Nam có trở nên chủ động hay không, hay là vẫn tiếp tục chỉ là một thành viên nhỏ trên diễn đàn ngoại giao thế giới.

Và một nguyên nhân khác, việc Việt Nam có thể tiếp tục trở thành một nước trung lập và chủ nhà cho các cuộc đàm phán liên Triều trong tương lai hay không, phụ thuộc rất lớn vào quan hệ ngoại giao giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Nếu Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp tục có những thái độ khiêu khích và những thái độ không tốt với nhau như hiện giờ, thì kể cả Việt Nam có mở rộng vòng tay để đón những nước này trở lại Việt Nam tham gia thượng đỉnh 2.0 đi chăng nữa, điều này cũng sẽ rất khó. Nhưng theo tôi, ngoại giao Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng bàn đạp của thượng đỉnh Hà Nội 2019 để tiếp tục tổ chức được những sự kiện lớn, tầm cỡ trong tương lai.  

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Trường đại học Boston, Hoa Kỳ. 

https://www.rfi.fr/vi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét