(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)
Gồm 4 phần
Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 47 năm. Sống ở Mỹ đã 47 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”.
Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)
PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)
PHẦN III: ĐỔI MỚI (những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)
PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)
PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)
PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)
PHẦN VII: THA THIẾT (nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 47 năm xa quê hương.
(Thung lũng Liên-Sơn, 31-12-2022)
VĨNH LIÊM
-------------
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (những hành động đốt sách, kinh tế mới của VC…)
(Kỳ 1)
1. GỬI LỜI CHÀO NGƯỜI EM GÁI SÀI-GÒN 1975
Chào em! Người em gái Sài-Gòn mới lớn,
Tuổi thanh xuân vừa nhú nụ hoa hồng.
Nét diễm kiều của Hòn Ngọc Viễn-Ðông,
Ðôi mắt sáng tợ linh hồn Châu Á.
Tóc chảy mượt như gió vờn luống mạ,
Môi hồng căng ngọt nước Cửu Long Giang.
Má đào thơm mùi lúa mới trăng vàng,
Giấc mộng bé: Thanh bình về Quê Mẹ.
Em là tuổi thanh xuân, hoa thế hệ,
Yêu Tự Do, Ðộc Lập, và Hòa Bình…
Hai mươi năm luôn đối diện chiến tranh,
Nỗi đau khổ chất cao bằng Núi Tản.
Xác người chết lấp đầy sông Bassac,
Người giết người! Còn thống khổ nào hơn?!
Giấc ngủ cô đơn, ác mộng chập chờn,
Chưa hợp cẩn đã trở thành thiếu phụ.
Khô nước mắt vọng về chùa Thiên Mụ,
Từng canh gà xao xác chốn Thọ Xương.
Hàng triệu người hối hả giục lên đuờng,
Xuôi Gia Ðịnh – đất thiêng Lê Văn Duyệt.
Trên đôi mắt Tả Quân buồn thống thiết,
Bàn tay Ngài bất lực trước quân Hồ.
Ngày Ba Mươi – ngày uất hận của Sài-đô,
Em khóc ngất trước điêu tàn, biến đổi.
Em có biết người tình ra đi vội?
Trong cuối cùng tuyệt vọng lúc sa cơ.
Bờ môi nào chưa kịp nụ hôn hờ,
Sẽ héo hắt theo năm dài chờ đợi.
Thương em lắm! Hỡi người em ở lại!
Tuổi xanh em bị xóa bởi quân thù.
Cuối mùa Xuân mà tưởng đã sang Thu,
Ân hận mãi với ngôn từ “Thống Nhất”.
Kẻ cuồng tín hô hào giành Ðộc Lập,
Tên “lái buôn chủ nghĩa” họ Hồ.
Bán linh hồn cho lũ quỷ Trung-Sô,
Ðể đổi lấy hư danh “Chủ tịch”.
Em gái hỡi! Khói Sài-Gòn mờ mịt,
Lửa Sài-Gòn còn nung nấu tim người.
Còn niềm tin – còn người vượt biển khơi,
Còn nhân loại – còn tình thương nhân ái.
Hỡi em gái Sài-Gòn hãy mau mau thức dậy!
Cùng đoàn người nhập cuộc diệt thù chung.
Ánh Tự Do ngời chiếu khí anh hùng,
Dân tộc Việt thoát gông cùm Cộng-sản.
Sau lưng em còn khối người tị nạn,
Vẫn mơ ngày hội ngộ với Sài-đô.
Vững niềm tin khôi phục lại cơ đồ,
Dân Bách Việt bốn ngàn năm văn hiến.
Gửi em gái Sài-Gòn lời chào quyết chiến.
(St. Louis, 9-10-1976)
2. THÁNG TƯ ĐỊNH MỆNH
Ôi nhớ quá! Hỡi Tháng-Tư-Định-Mệnh!
Bốn năm qua dấu vết hãy còn nguyên.
Tháng-Tư-Đen hấp hối, Tháng-Tư-Hiền,
Trời nắng gắt, Tháng Tư sầu thểu não.
Hàng phượng vĩ đứng trơ pha sắc máu,
Đồng hoang vu, cỏ dại cũng buồn tênh.
Cửu-Long giang lơ lửng dáng lục bình,
Trâu ngữa cổ chờ nghe tin giặc đến.
Đò đưa khách sang sông thôi đổ bến,
Bà Mẹ Quê hớt hãi chạy về nhà:
“Thôi hết rồi! Giặc kéo đến làng ta!
“Quân giải phóng sẽ giết người không gớm!
“Mới ngày nọ chúng thập thò lẩn trốn…
“Thế mà nay cũng đại-thắng-mùa-xuân!
“Trời sinh chi ra một lũ gian thần!
“Gây điêu đứng, lầm than… người lương thiện.
“Cùng một nước, phân chia hai chiến tuyến,
“Giặc tham tàn xâm chiếm cả Miền Nam.
“Ôi! Giang sơn gấm vóc sẽ điêu tàn!
“Dân đói khổ vì giặc Hồ hủ lậu.
“Ngày thống nhất lại càng thêm đổ máu,
“Máu dân lành là máu của Quê Hương.
“Máu Trị-Thiên, An-Lộc – máu Anh Hùng,
“Máu Đồng-Tháp, Cà-Mau ngăn giặc Cộng.
“Máu đã đổ vì máu tha thiết sống,
“Sống Tự-Do trong Độc-Lập, Hòa-Bình.
“Sống ra người đáng sống phải hy sinh,
“Sống nguyên vẹn tinh thần cùng thể xác.
“Giặc Cộng đến chỉ gây thêm đổ nát,
“Vợ xa chồng, con cái phải lìa cha.
“Kẻ bỏ thây nơi nước độc, rừng già,
“Người khắc khoải trong ngục tù lao động…
“Các con hỡi! Nếu các con muốn sống,
“Hãy ra đi, lìa Tổ Quốc thân yêu.
“Dù ở đâu con phải nhớ một điều:
“Nuôi chí lớn đợi ngày về giải phóng.
“Người ở lại đặt niềm tin hy vọng,
“Nơi các con yêu qúi của Quê Hương!”
Lời Mẹ khuyên đồng vọng những đêm trường,
Con của Mẹ khắc ghi trong tâm khảm.
Ngày trtở lại, Quê Hương mình xán lạn,
Tháng-Tư-Đen trở thành Tháng-Tư-Hồng.
Nước Việt-Nam rực rỡ cõi trời Đông,
Mẹ sẽ mỉm nụ cười tươi bất tận.
(St. Charles, 20-12-1978)
3. CHÚNG TA VẪN CÒN MÊ NGỦ!
Tôi có thể làm thơ Tình
Tặng anh tặng chị
Làm một ngày dăm bảy bài thơ
Nhưng không!
Tôi đã thức tỉnh
Thật không ngờ!
Đêm mất ngủ
Tôi mơ về đất Mẹ
Nơi đó tôi nghe
Tiếng kêu gào thống thiết
Của năm mươi triệu đồng bào
Dưới gông cùm Cộng sản
Xanh xao, vàng ủng
Xương trần bộ ngực
Đời sống lầm than cơ cực
Trẻ con đói lả
Thịt da phơi trần
Còn ai thiết tha?
Còn ai mơ ước?
Nhớ lại cách đây
Sáu năm về trước
Không hề thiếu sữa, gạo, đường…
Ngày nay người ngủ vệ đường
Nhà cửa đã được “giải phóng”!
Bởi bọn lưu manh lật lọng
Thu tóm, vơ vét vào kho
Ăn không đủ no
Mặc không đủ ấm
Đó là “thiên đường” Việt Cộng!
Kể sao cho xiết cảnh khốn cùng!
Còn ai buộc bụng thắt lưng?
Lưng đã lỏng
Bụng càng teo nhỏ
Nói làm sao
Ôi biết bao thống khổ!
Thời Tây, Tàu đô hộ
Cũng thua xa
Nói ra
Nước mắt chan hòa
Đau đớn tâm can
Hận phường vong bản
Này anh, này chị
Những người tị nạn
Hãy cùng nhau
Nuôi chí quật cường
Trở về quê hương
Cứu người lâm nạn
Lửa phương Đông
Hãy còn rực sáng
Lẽ nào ta
Mê ngủ mãi hay sao?!
(St. Louis, 19-2-1981)
4. EM THÀNH PHỐ MANG TÊN XÁC CHẾT
Giã từ em!
Giã từ Sài-Gòn hoa gấm!
Nắng tháng Tư nồng ấm vỗ lên vai.
Lòng sông em mang hơi mát hình hài,
Anh gấp gáp hít tràn hai lá phổi.
Chưa thề thốt, anh lên đường quá vội,
Vòng tay em, lệ nóng tiễn chân anh.
Ba mươi năm tình ý rất chân thành.
Khi chia cách đớn đau trăm nghìn nhớ.
Anh liên tưởng không bao giờ cách trở,
Chút lòng son em ghi tạc lời thề.
Bước lên tàu lòng giục giã u mê,
Môi hôn nhẹ đôi bờ vai ngà ngọc.
Anh muốn khóc như chưa hề được khóc,
Cuối buồng tim dâng ứ máu căm hờn.
Cảnh chia lìa còn đau đớn nào hơn!
Em ở lại với mảnh đời tan vỡ.
Phút lưu luyến lòng anh đầy ghê sợ,
Nỗi nhục nhằn sẽ vây xiết đời em.
Bọn dã tâm luôn rình rập ngày đêm,
Tính thô bạo rất cực kỳ thâm độc…
Thôi đã muộn! Anh vội hôn mái tóc,
Những lầu cao, những con phố cúi đầu,
Những hàng me, những trụ điện xôn xao,
Những quán nước, những vỉa hè dụi mắt…
Người lũ lượt tranh chân đi tấp nập,
Anh thẫn thờ nhìn lần cuối người yêu.
Hẹn ngày về anh ra sức nuông chiều,
Đừng giận dỗi! Đừng thay lòng đổi dạ!
****
Tin em đến một chiều Đông xứ lạ,
Anh bàng hoàng nghi hoặc – thật khó tin!
Em mang tên xác chết Hồ Chí Minh!
Ai cưỡng ép em thay tên đổi họ?
Bọn xuẩn động Duẩn, Đồng, Chinh, Giáp, Thọ… [1]
Thật không ngờ bọn dã thú cuồng tâm!
Anh gọi tên em, nước mắt tuôn thầm,
Ôi nhục nhã! Thương đời em xấu số!
Anh sống sót với vô vàn nỗi nhớ,
Gọi tên em trong giấc ngủ chập chờn.
Em Sài-Gòn – hòn ngọc của Viễn Đông,
Tên thân ái gắn liền tên nước Việt.
Anh hãnh diện vì tên em mầu nhiệm,
Anh yêu em vì tình ý đậm đà.
Hãy giữ mình cho hết cuộc can qua,
Ngày trở lại em không còn tủi nhục.
Anh cố gắng ngày đêm thề khôi phục,
Trả lại em tên yêu dấu Sài-Gòn.
Buổi tao phùng, chỉ xin một nụ hôn,
Và nhất định không xa em nửa bước.
(St. Louis, 30-4-1981)
[1] Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh,
Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ.
5. LỜI NGƯỜI NÔ LỆ MỚI
Thưa Bác
Thưa Cô
Thưa Anh
Thưa Chị
Sẵn sàng chưa?
Ta chuẩn bị lên đường
Bàn tay này nối rộng tình thương
Từ Nam Việt nối liền Tây Bá
Từ nay
Thôi giã từ tất cả!
Giã từ cha
Giã từ mẹ
Giã từ em
Giã từ quê cha đất tổ êm đềm
Giã từ đồng lúa phì nhiêu mầu mỡ
Giã từ lũy tre
Giã từ phố chợ
Giã từ cái cầy, cây cuốc, cái nôm
Giã từ đôi trâu, cặp lợn trong chuồng
Giã từ giếng nước, bờ ao, ngọn cỏ…
Chúng ta đi để trả dần món nợ
Với đàn anh Cộng Sản Liên Sô
Do công lao khó nhọc của “bác” Hồ
Đã vay mượn chất chồng từ ba mươi năm trước
“Nợ nghĩa vụ” thật khó mà dứt được!
Chủ-nhân-ông thôi thúc từng ngày
Đám dân lành ăn bánh vẽ thật dai
Độc Lập, Tự Do, Hòa Bình, Hạnh Phúc…
Độc Lập đâu? – Chỉ thấy toàn ô nhục!
Hòa Bình đâu? – Máu vẫn chảy hàng ngày!
Tự Do đâu? – Trại cải tạo còn đây!
Đâu Hạnh Phúc? – cảnh chia lìa đứt ruột!
Bọn nô lệ ra đi đem tấm thân gầy guộc
Đổi lấy tiền trả nợ Liên Sô
Ăn không đủ no
Mặc không đủ ấm
Ngày đêm dầm mình trong giá lạnh
Phận tôi đòi biết than thở cùng ai!
Đời lầm than, tim héo hắt từng ngày
Thèm nghe tiếng trẻ thơ thỏ thẻ
Thèm ánh mắt người vợ hiền son trẻ
Ôi còn đâu những bữa cơm ngon!
Ôi xa xôi tiếng võng ru con!
Đêm Tây Bá gió ngàn đùa giỡn
Đêm Tây Bá lạnh lùng ghê rợn!
Lá cây rừng còn phải khóc than
Chết mất thôi! Ôi thời tiết đại hàn!
Cả tim, óc trở thành băng giá!
Hỡi nhân loại! Những trái tim sắt đá
Thức tỉnh chưa hay còn mãi u mê?
Lên tiếng đi! Ôi cái chết gần kề!
Cứu mạng sống bằng đắp ngàn tượng Chúa
Hỡi nhân loại! Còn chần chờ chi nữa!
Đâu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền?
Đâu Tình Người? Đâu mạng sống thiêng liêng?
Sao im lặng, làm ngơ như thế?
Vào thế kỷ hai mươi mà còn nô lệ!
Hết Da Đen, nay lại tới Da Vàng!
Nửa triệu người nô lệ Việt Nam
Họa diệt chủng sẽ tràn lan nhiều nước
Nếu nhân loại còn mãi mê khiếp nhược
Trước bá quyền Sô Viết hung hăng
Vết nhục này ghi đậm mãi nghìn năm
Bọn Cộng Sản sẽ vô cùng khoái trá
Xin Thượng Đế ban chúng con phép lạ
Để sống còn nhìn rõ mặt thế nhân
Để phanh thây hết lũ vô thần
Để đánh thức những tâm hồn mê muội.
****
Đây còn lại phút giây ngắn ngủi
Gửi lời chào giã biệt quê hương
Dù bỏ thây trên vạn nẻo đường
Hồn vẫn quyết quay về quê Mẹ.
(Suối Bạc, 2-12-1981)
VĨNH LIÊM
(Còn tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét