2 tháng 10, 2022
Chương VII – Lưu vong (Kỳ cuối)
Tướng Bạch Sùng Hy quyết định phái Tướng Hoàng Kiệt mang một binh đoàn gồm sáu sư đoàn tiến vào miền Bắc Việt Nam vì quân Trung Cộng đã kéo vào địa đầu của tỉnh Quảng Tây mà quân của Tướng Bạch Sùng Hy không còn tinh thần chiến đấu, mặc dù võ khí vẫn hùng hậu. Nếu không kéo quân vào Việt Nam thì sẽ bị Trung Cộng bắt làm tù binh. Vị Tướng họ Bạch vẫn nuôi hy vọng các đảng cách mạng quốc gia Việt Nam, nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng, với sự hỗ trợ của ông sẽ đánh chiếm được các tỉnh ở biên giới Việt-Hoa, thành lập chính phủ và cho quân đội của ông đóng tạm trên đất Việt Nam để chờ cơ hội phản công, trở lại Quảng Tây. Nếu cùng lắm quân đội của ông vào Việt Nam, có bị Pháp bắt làm tù binh rồi tống xuất về Đài Loan thì vẫn hơn là làm tù binh của Trung Cộng.
Về phía Việt Nam, quân ủy trưởng của Mặt Trận Việt Nam Phản Cộng Liên Minh Vũ Hồng Khanh gấp rút đặt kế hoạch thành lập quân đội cách mạng quốc gia để đánh Pháp, giải phóng Bắc Việt. Chủ trương của lãnh tụ Vũ Hồng Khanh là mang cán bộ quân sự và chính trị vượt biên giới, tiến về vùng Đồng Mỏ thuộc tỉnh Lạng Sơn. Vùng này là vùng đông dân cư, cả người Kinh lẫn người Thượng, có lúa gạo, trù phú nhất tỉnh Lạng sơn.
Tại đây sẽ tuyển mộ binh lính để thành lập một đạo quân cách mạng từ năm đến mười ngàn người, rồi đánh chiếm tỉnh lỵ Lạng Sơn, tuyên bố thành lập chính phủ Việt Nam tự do. Theo dự đoán của lãnh tụ Vũ Hồng Khanh, binh đoàn của Pháp trấn giữ thành phố Lạng Sơn phần đông là lính thuộc địa người Senegal, không có tinh thần, khi bị tấn công sẽ dễ dàng buông súng đầu hàng.
Quân sự cần phải đi đôi với ngoại giao. Trước ngày đi về biên giới, Tổng bí thư Vũ Hồng Khanh phái hai anh Trịnh Danh, Nguyễn Duy Di và tôi về Hương Cảng, tìm cách lên Đài Loan để phối hợp với việc chiếm Lạng Sơn. Ngay sau khi quân cách mạng do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo chiếm được Lạng Sơn, chúng tôi có nhiệm vụ liên lạc với các phái bộ ngoại giao quốc tế có trụ sở tại Đài Bắc và với tư cách là đại diện ngoại giao của Việt Nam Quốc Dân Đảng, chính thức công bố Lạng Sơn là thủ đô tạm thời của nước Việt Nam tự do, đồng thời yêu cầu những nước liên hệ, đặc biệt là Trung Hoa và Mỹ, công nhận chính phủ cách mạng lâm thời do Việt Nam Quốc Dân Đảng liên hiệp với các đảng cách mạng quốc gia khác thành lập. Trở ngại lớn nhất là Pháp, vì Pháp đang ra sức vận động để các nước công nhận chính phủ bù nhìn do Pháp thành lập tại Sài Gòn. Một chính phủ Việt Nam độc lập và tự do sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực của Pháp.
Chuyến máy bay chở chúng tôi rời khỏi Nam Ninh về Hương Cảng là chuyến máy bay dân sự cuối cùng. Dọc đường ra phi trường, tôi thấy quân đội Trung Hoa Quốc Gia bỏ lại rất nhiều võ khí nặng như đại bác 105 và 155 ly, bích kích pháo 81 ly cùng nhiều quân trang, quân dụng khác. Có điều đáng nói là quân đội vẫn tương đối có kỷ luật và giữ được an ninh trong thành phố. Dân chúng, mặc dù hoang mang đến tột độ, vẫn tôn trọng luật pháp. Không có cảnh cướp bóc, hôi của.
Tới đây lại có một câu chuyện khá buồn cười là trong lúc quân đội chính quy của Tướng Bạch Sùng Hy đang rút khỏi thành phố Nam Ninh thì viên tư lệnh cảnh binh chỉ huy lực lượng cảnh sát và địa phương quân vẫn còn đang hành quân đánh thổ cộng tức quân cộng sản ở địa phương này, cách thành phố hơn năm mươi dặm. Vì thời bấy giờ ở Trung Hoa, việc liên lạc bằng viễn thông tại các tỉnh nằm sâu trong nội địa chưa có, nên viên tư lệnh này không được biết việc quân chính quy đã triệt thoái để kéo quân về. Có lẽ khi ông này mang quân về thì Nam Ninh đã bị quân đội cộng sản chiếm đóng rồi cũng nên.
Tôi về Hương Cảng được một tuần thì tới Lễ Giáng Sinh năm 1949. Một buổi tối, tôi nghe đài VOA loan tin đạo quân của Tướng Hoàng Kiệt đã vào biên giới Trung – Việt, hình như có đụng độ với quân Pháp đồn trú ở Lạng Sơn. Tôi lập tức, nhân danh Bộ Ngoại Giao của chính phủ Cách Mạng Quốc Gia Việt Nam Tự Do gửi thông báo cho hai nhật báo Anh Ngữ ở Hương Cảng là South China Morning Post và China Mail, cho biết:
“Quân đội Cách Mạng Việt Nam đã đánh tan nhiều đơn vị chính quy của Việt Minh (Cộng Sản Việt Nam) tại Lạng Sơn, đồng thời đang bao vây thành phố Lạng Sơn, kêu gọi quân Pháp đầu hàng. Một chính phủ Việt Nam Tự Do đang thành lập!”
Chỉ có tờ South China Morning Post chịu đăng tin này, nhưng không chịu nói xuất xứ từ đâu và đăng là:
“Quân đội Trung Hoa rút lui khỏi lãnh thổ Trung hoa, đã vào miền Bắc Việt Nam. Theo tin của những người dân từ biên giới Trung Việt tới thì dường như đã có đụng độ nhỏ giữa quân Trung Hoa và quân trú phòng của Pháp.”
Mấy ngày sau đó, tôi ôm radio nghe tin các đài liên tục, nôn nóng chờ tin quân đội cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã chiếm được thành phố Lạng Sơn, nhưng không thấy gì mà chỉ thấy tin những đơn vị quân đội Trung Hoa vào biên giới Việt Nam đã bị Pháp tước khí giới và đưa ra đảo Phú Quốc để chờ ngày tống xuất về Đài Loan. Không rõ số phận của lãnh tụ Vũ Hồng Khanh và các cán bộ Việt Quốc cũng như lãnh tụ của những đảng phái cách mạng Việt Nam khác ra sao.
Sau này tôi mới được biết vì rừng núi ở miền Bắc Việt Nam hiểm trở nên quân đội cách mạng do lãnh tụ Vũ Hồng Khanh chỉ huy bị lạc đường, không đến được Đồng Mỏ mà lang thang trong rừng già, vừa đói vừa khát trong thời tiết giá lạnh của vùng núi miền Bắc, lại bị máy bay chiến đấu của Pháp uy hiếp, bắn liên thanh xuống như mưa, cuối cùng đành phải đầu hàng quân đội Pháp.
Trong khi ấy binh đoàn quốc quân của Tướng Hoàng Kiệt đã bị Pháp tước khí giới và giải về Lạng Sơn. Mấy ngày sau đó tôi chờ tin tức của anh Vũ Hồng Khanh, nhưng chẳng thấy gì. Hai anh Trịnh Danh và Nguyễn Duy Di, thấy tình hình đã biến đổi, ở lại Hương Cảng không còn tác dụng gì nữa nên từ biệt tôi, lấy vé tàu thủy về Hải Phòng. Còn tôi cũng không biết tính toán ra sao khi ấy!
Một hôm tôi đi đường, ngẫu nhiên gặp ông bí thư họ Hoàng. Trước đây, ông này là Bí thư trưởng của Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Hoàng Húc Sở, khi còn ở Nam Ninh tôi vẫn thường tiếp xúc với ông. Gặp tôi, ông mừng lắm, ông cho tôi biết ông tìm tôi ở Hương Cảng cả mấy tuần nay, nhưng vì thất lạc địa chỉ nên không gặp được, vì Tổng bí thư Trung Quốc Quốc Dân Đảng Trinh Ngan Phan từ Đài Loan đánh điện xuống cho Chủ tịch Hoàng Húc Sở, nhờ ông này mời tôi lên Đài Loan.
Hôm sau, ông Hoàng đưa tôi đến nhà riêng của chủ tịch Hoàng Húc Sở tại một khu sang trọng ở Cửu Long. Sau khi thăm hỏi, ông Hoàng Húc Sở đưa tặng tôi một vé máy bay đi Đài Loan và nói ông sẽ đánh điện ngay cho Tổng bí thư Trinh Ngan Phan, báo cho biết ngày tôi đến thành phố Đài Bắc. Tôi tới phi trường Đài Bắc vào đúng 12 giờ đêm. Ông Tổng bí thư Trinh Ngan Phan cùng đoàn tùy tùng gồm một số ủy viên trung ương Trung Quốc Quốc Dân Đảng đã có mặt ở sân bay, niềm nở bắt tay tôi ngay khi tôi bước ra khỏi máy bay và đưa tôi thẳng về trụ sở của Trung Ương Đảng Bộ.
Tại phòng họp, sau khi mời tôi dùng trà, ông Trinh Ngan Phan đề nghị bắt đầu cuộc thảo luận. Ông Trinh Ngan Phan năm ấy đã hơn năm mươi, là tổng bí thư trẻ nhất từ trước đến nay. Vì Trung Quốc Quốc Dân Đảng là đảng cầm quyền nên tổng bí thư quan trọng hơn cả thủ tướng, chỉ đứng sau chủ tịch đảng là Tổng thống Tưởng Giới Thạch mà thôi. Ông ngỏ lời cám ơn tôi đã tới Đài Bắc và xin lỗi, đáng lẽ phải để tôi nghỉ ngơi, nhưng vì có nhiều việc hệ trọng liên quan đến hai đảng nên cần thảo luận ngay. Nghe ông nói tôi rất phân vân, không hiểu được có việc gì quan trọng đến như thế. Thật ra từ trước tới nay, Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ là một đảng cách mạng lưu vong, so với Trung Quốc Quốc Dân Đảng là đảng đang cầm quyền thì khác nhau một trời một vực.
Ông Trinh Ngan Phan nhận xét hoàn cảnh của hai nước Trung Hoa và Việt Nam rất tương đồng bởi “cả hai đều là nạn nhân của cộng sản”, cả hai đều chiến đấu để đẩy lùi sự bành trướng của cộng sản. Theo ông, hơn lúc nào hết, hai đảng phải sát cánh bên nhau để chiến đấu và chiến thắng. Ông cho biết lãnh tụ Vũ Hồng Khanh đã được Pháp trả lại tự do và sắp sang Pháp để hội kiến với Cựu hoàng Bảo Đại.
Ông tin tưởng, trước sau Pháp cũng phải rút quân khỏi Việt Nam, vì sau Đệ Nhị Thế Chiến Pháp đã suy yếu, không còn khả năng theo đuổi một cuộc chiến tranh thuộc địa, lại thêm áp lực của Mỹ không muốn Pháp tái lập nền thống trị thuộc địa tại Đông Dương. Nhận xét của ông Trinh Ngân Phan khá sâu sắc. Ông muốn Việt Nam Quốc Dân Đảng hợp tác với Cựu hoàng Bảo Đại để cùng chống lại Cộng Sản Việt Nam. Tôi tán thành ý kiến của ông nhưng cho ông biết việc hợp tác với Bảo Đại còn tùy thuộc ở nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là mối tương quan giữa Cựu hoàng Bảo Đại với Pháp.
Nếu Bảo Đại chỉ là bù nhìn của Pháp thì sự hợp tác không những không mang lại lợi ích gì mà còn phương hại đến uy tín của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng đề nghị và lập trường của ông Tổng bí thư Trinh Ngan Phan phản ánh rõ ràng đường lối ngoại giao của Trung Hoa Quốc Gia lúc bấy giờ. Sau khi mất lục địa, phải chạy sang Đài Loan thì việc sống còn đối với chính phủ Tưởng Giới Thạch là làm mọi cách để bảo vệ Đài Loan. Về quân sự, phải vận động với Mỹ để được Mỹ bảo vệ trong trường hợp Trung Cộng tấn công đảo quốc này. Quân Trung Cộng cũng đã nhiều lần tấn công các hòn đảo nhỏ ở gần bờ biển Hạ Môn như Kim Môn, Mã Tổ, nhưng đều bị quân Trung Hoa Quốc Gia đẩy lui và bị thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, mặc dù Mỹ có viện trợ thêm võ khí cho chính phủ Tưởng Giới Thạch, nhưng cho tới nay Mỹ vẫn chưa công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan khi Trung Cộng tấn công. Về mặt chính trị, còn nặng nề hơn nữa. Sau khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung Hoa, các cường quốc, kể cả Pháp, lần lượt bỏ rơi chính phủ Tưởng Giới Thạch, công nhận chính phủ cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Trong tình trạng bất lợi đó, Tổng thống Tưởng Giới Thạch chỉ còn cách cố gắng vận động cho những quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á tiếp tục công nhận chính phủ Trung Hoa Quốc Gia ở Đài Loan là đại diện chính thức của toàn thể nước Trung Hoa.
Qua các lời phát biểu của Tổng bí thư Trinh Ngan Phan, tôi thấy rõ đó là ý đồ chính của ông ta. Ông hy vọng lãnh tụ Vũ Hồng Khanh và một vài cấp lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ tham gia chính phủ của Cựu hoàng Bảo Đại và vận động để chính phủ Việt Nam tiếp tục công nhận chính phủ Trung Hoa Quốc Gia. Có điều ông hơi lạc quan vì việc Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia chính phủ của Cựu hoàng Bảo Đại còn tùy thuộc nhiều yếu tố như liệu Cựu hoàng Bảo Đại có mời lãnh tụ Vũ Hồng Khanh hoặc một nhân vật lãnh đạo khác của Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia chính phủ không, vì bên cạnh cựu hoàng còn có Pháp? Mà nếu có mời cũng phải xem bộ nào thích ứng mới nhận được.
Mặc dù như vậy, tôi cũng tỏ ra quan tâm đến các đề nghị của Tổng bí thư Trinh Ngan Phan va nhấn mạnh cả hai đang đều đứng chung trong chiến tuyến chống cộng, trong tình hình mới lại càng cần siết chặt tình chiến hữu hơn nữa. Buổi họp kéo dài tới 3 giờ sáng mới kết thúc.
Tôi được đưa về nghỉ tại Đài Bắc Chiêu Đãi Sở, một khách sạn khá sang trọng của chính phủ để tiếp đón quốc khách. Mấy hôm sau tôi được ông Trương Thọ Hiền, Phó Tổng bí thư của Trung Quốc Quốc Dân Đảng tới thăm, cho biết Thống chế Tưởng Giới Thạch muốn tiếp kiến tôi chính thức tại Phủ Tổng Thống. Cuộc hội đàm sẽ chỉ có Tổng thống và tôi, không có mặt Thủ tướng Trần Thành và Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Siêu.
Sáng ngày 1 Tháng Sáu 1950, ông Trương Thọ Hiền cùng vài viên chức cao cấp của Phủ Tổng thống mang xe tới đón, đưa tôi tới dinh phủ. Dinh thự này trước đây là Phủ Thống đốc Đài Loan do Nhật Bản xây dựng trong thời kỳ Nhật cai trị đảo này. Kiến trúc theo kiểu thuộc địa, hao hao giống Phủ Toàn quyền của Pháp ở Sài Gòn, nhưng lớn hơn và có một tháp tròn ở giữa tòa nhà đồ sộ bốn tầng, nhô lên cao trông rất uy nghi.
Sau khi cùng với ông chánh văn phòng Phủ Tổng thống duyệt đại đội danh dự dàn chào, tôi được hướng dẫn lên văn phòng Tổng thống ở lầu hai. Ông chánh văn phòng có vẻ sửng sốt khi bắt tay tôi, vì tôi chính là người dạy ông Pháp văn ở Hương Cảng ba năm trước đây. Hồi ấy ông đang công tác cho chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Kowloon (Cửu Long), còn tôi dạy Pháp văn để mưu sinh. Ông chỉ biết tôi là một cậu giáo nghèo, người Việt Nam, không hiểu sao nay tôi lại là khách của Tổng thống.
Thống chế Tưởng Giới Thạch người quắc thước, hơi cao. Tôi đoán chừng năm ấy ông độ hơn sáu mươi tuổi, râu mép nâu nhạt, trông đẹp lão. Thấy tôi, ông bước ra gần cửa, mỉm cười, bắt tay. Chỉ có một người nữa ở trong phòng làm thông dịch viên, đeo lon thiếu tướng, vì tôi nói tiếng Anh còn Tổng thống nói tiếng Quan Hỏa (Quan Thoại). Tổng thống nhấn mạnh đến tình chiến hữu giữa hai đảng từ mấy chục năm nay và gửi lời hỏi thăm Tổng bí thư Vũ Hồng Khanh.
Ông tin tưởng trong tương lai dân Trung Quốc sẽ nổi lên, chống lại cộng sản và Trung Quốc Quốc Dân Đảng sẽ quang phục địa lục. Những điều Tổng thống nói cũng tương tự như ông Tổng bí thư Trinh Ngan Phan đã phát biểu trong buổi họp đầu tiên với tôi, liên quan tới tình hình Đông Nam Á trước sự bành trướng bằng vũ lực của cộng sản. Chính phủ Việt Nam Quốc Gia nên tiếp tục công nhận Chính phủ Trung Hoa tại Đài Loan là đại diện cho toàn thể nước Trung Hoa để siết chặt hàng ngũ các quốc gia chống cộng…
Tôi chắc chắn Thống chế Tưởng Giới Thạch hiểu hết những lời tôi nói, vì ông rất giỏi Anh ngữ, nhưng bao giờ ông cũng cho thiếu tướng thông dịch viên dịch sang tiếng Quan Hỏa, rồi mới nói tiếp. Buổi hội đàm kéo dài khoảng bốn mươi phút. Lúc tiễn tôi ra gần tới cửa, Tổng thống mỉm cười hỏi tôi:
-Tiên sinh năm nay bao nhiêu tuổi?
Tôi trả lời ông:
-Tôi hai mươi lăm tuổi!
Theo xã giao thông thường, Tổng thống Tưởng Giới Thạch phải gọi tôi bằng “tiên sinh”, chứ nếu so tuổi, tôi chỉ đáng là cháu nội ông thôi.
Trong buổi phát thanh thời sự của đài phát thanh Đài Bắc trưa hôm ấy, xướng ngôn viên có loan tin về cuộc hội đàm. Không ngờ buổi phát thanh này đã gây ra sự rắc rối giữa Tòa Đại sứ Pháp tại Đài Bắc và Bộ Ngoại giao Trung Hoa. Tối hôm ấy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Diệp Công Siêu gọi điện thoại cho tôi biết viên Đại sứ Pháp mới gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao, chính thức phản đối việc đài phát thanh loan báo Tổng thống Tưởng Giới Thạch tiếp “Bộ trưởng” Bộ Ngoại Giao P. T. Đại sứ Pháp nhắc lại là Việt Nam chỉ có một bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ của Quốc trưởng Bảo Đại. Tòa Đại sứ Pháp phản kháng nhân danh chính phủ Việt Nam, vì Việt Nam chưa có Tòa Đại sứ ở Đài Bắc nên nhờ Tòa Đại sứ Pháp kiêm nhiệm.
Một hôm tôi nhận được điện thoại của Tướng Bạch Sùng Hy. Ông trách tôi là sao tới Đài Bắc mà không ghé thăm ông, ông đọc báo mới biết tôi đang ở Đài Bắc. Tôi phải xin lỗi vì quá bận rộn nên chưa kịp tới thăm ông. Thật ra tôi quên không nhớ là Tướng Bạch Sùng Hy đang ở Đài Bắc. Vài ngày sau, ông đích thân tới Đài Bắc Chiêu Đãi Sở đón tôi về nhà riêng của ông, ăn cơm tối.
Tôi không thể tưởng tượng một Thống Tướng trong quân đội Trung Hoa, lừng danh thời Đệ Nhị Thế Chiến, thực sự là “vua” của miền Tây Nam nước Trung Hoa, nay lại xuống dốc đến thế. Nhà ông ở là một ngôi nhà gỗ, một tầng, chỉ có một buồng duy nhất, vừa làm phòng ăn, vừa làm phòng ngủ, không có được một lính hầu cận.
Tôi còn nhớ chỉ mới cách đây không lâu, khi ông còn chỉ huy cả một binh đoàn với hàng chục sư đoàn, hàng trăm máy bay chiến đấu. Chắc chính ông cũng không ngờ có ngày mạt vận như hôm nay. Thống tướng Bạch Sùng Hy là một trong mấy người lãnh đạo bị Tổng thống Tưởng Giới Thạch không ưa, vì ông thuộc phái Quảng Tây của Quyền Tổng thống Lý Tông Nhân, nay thất thế phải chạy sang Đài Loan, nên bị Tổng thống Tưởng Giới Thạch trù cho bõ ghét. Dù sao như thế cũng là quá đáng!
Những ngày ở Đài Bắc, tôi gặp lại một người bạn cũ ở Hương Cảng là anh Tạ Cảnh Hồ. Anh Hồ là người Việt lai Tàu, lưu lạc sang Trung Hoa từ khi còn nhỏ, nhưng anh nói tiếng Việt rất sành. Anh là người Việt duy nhất ở trong Bộ Tham mưu riêng của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, với cấp bậc đại tá. Sau này anh chuyển sang làm việc tại Quốc hội.
Tôi đang nóng ruột vì không được tin tức gì về hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Việt Nam thì nhận được điện tín của lãnh tụ Vũ Hồng Khanh, gửi qua Bộ trưởng Diệp Công Siêu, bảo tôi về Việt Nam. Tôi nhờ ông Diệp Công Siêu làm thông hành cho tôi về Hà Nội, qua ngả Hương Cảng, không ngờ bị Tòa Đại sứ Pháp ở Đài Bắc từ chối, không cấp chiếu khán, viện lẽ tôi là một phần tử chống Pháp chuyên gây rối. Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Siêu hết sức can thiệp, nhưng vô hiệu quả.
Nôn nóng muốn về nước, tôi tự đến Tòa Đại Sứ Pháp, yêu cầu cho tôi gặp đại sứ, nhưng ông này khước từ, cho viên Đệ Nhị Tham Vụ ra tiếp. Viên Tham Vụ tỏ ra rất lạnh nhạt, bảo tôi nên trở về khách sạn. Không còn hy vọng gì, tôi đành nhờ Bộ Ngoại Giao Trung Hoa đánh điện cho Lãnh Sự Quán Trung Hoa tại Hà Nội nhờ thông báo cho Ủy Ban Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng biết sự việc.
Mấy hôm sau, bỗng nhiên viên Đệ Nhị Tham Vụ Tòa Đại Sứ Pháp đến Đài Bắc Chiêu Đãi Sở, tìm gặp tôi. Lần này ông ta niềm nở thăm hỏi tôi và chuyển lời của Đại Sứ Pháp mời tôi dùng cơm tại nhà riêng. Tôi chưa hiểu tại sao có sự thay đổi đột ngột thái độ của Đại Sứ Pháp đối với tôi như vậy thì tối hôm ấy Bộ Trưởng Ngoại Giao Diệp Công Siêu điện thoại cho tôi biết, ở trong nước, qua sự yêu cầu của Tổng bí thư Vũ Hồng Khanh, Quốc Trưởng Bảo Đại đã can thiệp với Cao Ủy Pháp tại Sài Gòn để Bộ Ngoại Giao Pháp ra lệnh cho Đại Sứ Pháp tại Đài Bắc cấp chiếu khán cho tôi về Hà Nội.
Trong bữa ăn tối, chỉ có Đại Sứ Pháp và tôi, ông Đại Sứ ngỏ lời xin lỗi về sự “hiểu lầm”, cho tôi biết ngày hôm sau tôi sẽ được chiếu khán và chúc tôi thượng lộ bình an. Tại Hương Cảng, hai anh Bùi Xuân Giao và Phùng Hữu Lễ cũng đã về Việt Nam, chỉ có anh Nguyễn Văn Ba ở lại, lập gia đình, không về nước.
(Viết xong ngày 7 Tháng Mười 2003 tại Hoa Kỳ)
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét