Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Stephen M. Walt * - Thất bại của Nga sẽ là vấn đề của Mỹ

Nguồn: Stephen M. Walt, “Russia’s Defeat Would Be America’s Problem,” Foreign Policy, 27/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

12/1/2022

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/10/22.-Russias-Defeat-Would-Be-Americas-Problem.jpg

Chiến thắng ở Ukraine có thể sẽ đồng nghĩa với sự kiêu ngạo ở Washington.

Trong bài phát biểu nhằm thuyết phục dân chúng thành Athen tuyên chiến với Sparta vào năm 431 TCN, Pericles tuyên bố rằng ông “sợ những sai lầm của chính chúng ta hơn là những trang bị của kẻ thù.” Đặc biệt, ông cảnh báo chống lại sự kiêu ngạo và nguy cơ kết hợp “các kế hoạch chinh phục mới với việc tiến hành chiến tranh.” Tuy nhiên, những lời cảnh báo của ông đã không được lắng nghe, và những người kế vị ông cuối cùng đã khiến Athen thất bại thảm hại.

Nhiều thế kỷ sau, Edmund Burke đưa ra lời cảnh báo tương tự cho những người đồng hương Anh Quốc khi đất nước của ông đang trên đường tiến tới chiến tranh với nước Pháp cách mạng. Ông viết vào năm 1793: “Tôi sợ hãi sức mạnh của chúng ta, và tham vọng của chúng ta; tôi sợ hãi với việc người khác phải sợ hãi chúng ta quá nhiều.… Chúng ta có thể nói rằng mình sẽ không lạm dụng thứ quyền lực đáng kinh ngạc và cho đến nay chưa được nghe đến này. Nhưng mọi quốc gia khác sẽ nghĩ rằng chúng ta sẽ lạm dụng nó. Không sớm thì muộn, tình trạng này sẽ tạo ra một kết hợp chống lại chúng ta và có thể kết thúc bằng sự hủy hoại của chúng ta.” Tuy nhiên, dự báo của Burke đã không trở thành hiện thực, một phần vì tham vọng của người Anh vẫn hạn chế ngay cả sau khi Pháp bị đánh bại.


Tôi đề cập đến hai lời tiên tri u ám này, bởi vì có khả năng Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ sẽ bước ra khỏi cuộc chiến ở Ukraine với một chiến thắng rõ ràng. Một chiến lược với tầm nhìn xa hơn của phương Tây có lẽ đã ngăn chặn được cuộc chiến ngay từ đầu, giúp Ukraine không phải chịu sự tàn phá nặng nề dưới bàn tay của Nga. Tuy nhiên, một kết hợp giữa những tính toán sai lầm và khả năng quân sự kém của Nga, sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, sự hỗ trợ vật chất và tình báo mạnh mẽ của phương Tây, cũng như các biện pháp trừng phạt nặng tay lên Moscow cuối cùng sẽ có thể tạo ra một chiến thắng cho Kyiv và những người ủng hộ ở phương Tây. Giả sử giao tranh sẽ không leo thang hơn nữa – một khả năng đến nay vẫn không thể bị loại trừ – và Ukraine có thể duy trì những thành công gần đây trên chiến trường, thì sức mạnh của Nga sẽ bị suy giảm đáng kể trong nhiều năm tới. Thậm chí, có khả năng Vladimir Putin sẽ bị lật đổ ở Moscow. Nếu Nga phải hứng chịu một thất bại quyết định, thì lời cảnh báo về sự suy tàn không thể tránh khỏi của phương Tây sẽ trở thành một kết luận vội vàng.

Kết quả này là điều rất được mong đợi, cả về mặt đạo đức lẫn chiến lược, giả định rằng vũ khí hạt nhân không được sử dụng và Ukraine nhận lại gần như tất cả, nếu không muốn nói là toàn bộ, lãnh thổ đã mất. Cá nhân tôi chắc chắn mong đợi kịch bản này. Nhưng sau đó thì sao? Phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, nên tận dụng chiến thắng như thế nào? Quan trọng hơn, cần tránh làm gì để không lãng phí thành quả chiến thắng?

Dường như vẫn còn quá sớm để nêu ra vấn đề này, vì kết cục cuối cùng ở Ukraine còn chưa chắc chắn. Nhưng chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra nếu thời khắc chiến thắng đó xuất hiện. Bởi rốt cuộc, lần cuối cùng mà người Mỹ giành được một chiến thắng địa chiến lược vĩ đại – sự sụp đổ trong hòa bình của đế chế Liên Xô – họ đã mắc vào cái bẫy ngạo mạn mà Pericles từng cảnh báo, và đã lãng phí cơ hội xây dựng một thế giới hòa bình và bền vững hơn. Nếu nhận được cơ hội thứ hai, họ nên học hỏi từ những sai lầm của mình và làm tốt hơn.

Đây là điều khiến tôi lo lắng: Dù thành công ở Ukraine là điều mà tất cả chúng ta nên mong ước, nhiều khả năng, thành công ấy sẽ củng cố chính những lực lượng chính trị Mỹ đứng sau những thái độ phản tác dụng của kỷ nguyên đơn cực. Chiến thắng ở Ukraine sẽ củng cố những tuyên bố về tính ưu việt vốn có của nền dân chủ và khuyến khích những nỗ lực mới để truyền bá nó ra nước ngoài. Những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ và những nhà thập tự chinh theo chủ nghĩa tự do sẽ tha hồ lên tiếng, khi cuối cùng họ cũng gặt hái được thành công sau 30 năm thất bại. Sau khi thu về khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ chiến tranh, tổ hợp công nghiệp-quân sự sẽ có thêm hàng triệu đô la để thuyết phục những người Mỹ thờ ơ tin rằng, họ chỉ có thể giữ an toàn cho bản thân bằng cách đóng quân trên toàn thế giới, và chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với bảy hoặc tám quốc gia tiếp theo cộng lại. Với việc nước Nga suy yếu, nguy cơ suy thoái kinh tế đang đến gần, những cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu sẽ dần hạ nhiệt, và các đồng minh NATO của Mỹ sẽ quay lại dựa vào sự bảo vệ của Chú Sam. Bất chấp loạt thất bại trong quá khứ, những người ủng hộ bá quyền tự do sẽ đòi phải được minh oan, chí ít là trong lúc này.

Thế thì, điều đó có gì sai?

Đầu tiên, nó đã bỏ qua một số bài học quan trọng từ cuộc chiến Ukraine. Bài học đầu tiên là việc đe dọa thứ mà một cường quốc tin là lợi ích sống còn là hết sức nguy hiểm, ngay cả khi ý định của hành động đó là cao cả hay nhân từ. Đó chính là vấn đề đối với việc mở rộng NATO: Một loạt các chuyên gia chính sách đối ngoại đã liên tục cảnh báo rằng chính sách này sẽ dẫn đến rắc rối, và không điều gì xảy ra kể từ tháng 02/2014, khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, đã làm mất giá trị cảnh báo này. Giành được chiến thắng trong một cuộc chiến mà lẽ ra có thể tránh được không phải là lý do chính đáng để chúng ta lặp lại sai lầm tương tự một lần nữa. Tôi không hề ủng hộ chính sách xoa dịu Nga, nhưng đơn thuần muốn nhắc nhở rằng sẽ rất rủi ro nếu phớt lờ những gì mà các cường quốc khác coi là lợi ích sống còn.

Bài học thứ hai là sự nguy hiểm của việc thổi phồng các mối đe dọa. Cuộc chiến ở Ukraine nên được hiểu là cuộc chiến phòng ngừa do Nga phát động nhằm ngăn Ukraine đi vào quỹ đạo của phương Tây. Theo luật pháp quốc tế, chiến tranh phòng ngừa là bất hợp pháp, nhưng Putin tin rằng một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm trang bị và đào tạo cho Ukraine cuối cùng sẽ khiến Moscow không thể ngăn chặn Kyiv tái điều chỉnh về địa chính trị. Tương tự như khi các nhà lãnh đạo Mỹ phóng đại nguy cơ sụp đổ các con bài domino trong Chiến tranh Việt Nam và cố tình thổi phồng mối đe dọa từ Iraq của Saddam Hussein vào năm 2003, Putin có lẽ đã nói quá về những thiệt hại của Nga nếu họ “mất đi” Ukraine. Các nhà lãnh đạo Nga nhiều lần mô tả kết cục này là một mối đe dọa sống còn – tức là một mối đe dọa đáng để chiến đấu nhằm ngăn chặn – nhưng nỗi sợ hãi của họ rằng NATO có thể xâm lược, hoặc “làn sóng cách mạng màu” cuối cùng có thể lan sang Nga, có lẽ đã bị phóng đại (điều đó không có nghĩa là các nguy cơ này không có thật). Nếu đúng như vậy, thì đánh giá sai lầm này đã đẩy Moscow vào một vũng lầy đắt giá. Quan điểm của tôi là việc thổi phồng các mối đe dọa có thể khiến các quốc gia gặp rắc rối nhiều như khi họ đánh giá thấp các mối đe dọa. Đó là lý do tại sao Otto von Bismarck của Đức đã cảnh báo rằng chiến tranh phòng ngừa giống như “tự sát vì sợ chết.” Các nhà hoạch định chính sách tương lai của Mỹ nên ghi nhớ điều này.

Bài học thứ ba (mà Putin dường như đã bỏ qua) rất đơn giản: Nếu anh xâm lược nước ngoài, đừng mong đợi một sự chào đón thân thiện. Ngược lại, những kẻ xâm lược nước ngoài lại giúp đoàn kết một xã hội mà trước đó còn bị chia rẽ, đồng thời truyền cảm hứng cho sự phản kháng quyết liệt và hiệu quả. Ukraine là một trường hợp điển hình, và cuộc chiến cũng nhắc nhở chúng ta rằng, anh thậm chí sẽ ít được chào đón hơn nếu lực lượng vũ trang của anh phạm tội ác chiến tranh hoặc các hành động tàn bạo khác. Chúng ta cần đưa bài học này vào vị trí trung tâm.

Bài học thứ tư (mà Putin có lẽ cũng không để ý đến) là thái độ hung hăng sẽ đặt các nước khác vào tình trạng báo động và buộc họ phải hành động để chống lại nó. Nếu Tổng thống Nga tin rằng phản ứng tương đối nhẹ nhàng đối với việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 có nghĩa là các cường quốc bên ngoài sẽ không làm gì để chống lại cuộc xâm lược của ông vào năm 2022, thì ông đã mắc phải sai lầm tương tự như Adolf Hitler khi chiếm đóng Tiệp Khắc vào tháng 03/1939, và nhắm đến Ba Lan vài tháng sau đó. Giữ cân bằng trong quan hệ đối ngoại đôi khi sẽ không hiệu quả và các quốc gia thường cố gắng đẩy trách nhiệm về phía người khác, nhưng khi đối mặt với một cuộc xâm lược trực tiếp, hành động cân bằng hiệu quả càng khó hơn. Người Mỹ hiểu rõ điều này, vì chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ trong kỷ nguyên đơn cực đã kích động cân bằng mềm ở một số quốc gia và cân bằng cứng ở các quốc gia khác, và những động lực đó đã cản trở một số tham vọng cao hơn của Washington. Chúng ta cũng nên nhớ bài học này.

Tổng hợp lại, bốn bài học trên đây cho thấy rằng một chiến thắng ở Ukraine sẽ không đặt Mỹ vào vị trí có thể định hình lại trật tự toàn cầu theo ý muốn của mình. Mục tiêu đó đã vượt quá khả năng của nước này ở thời điểm đơn cực, và tình hình tổng thể hiện nay còn kém thuận lợi hơn, do sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự yếu kém về kinh tế của châu Âu, và thái độ mâu thuẫn của nhiều nước đang phát triển đối với Mỹ. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi chiến thắng ở Ukraine là cơ hội mới cho một cuộc thập tự chinh tự do toàn cầu, thì họ chắc chắn sẽ thất bại một lần nữa.

Thay vào đó, thành công ở Ukraine nên khuyến khích người Mỹ cẩn trọng xem xét lại đại chiến lược trong 50 năm qua, để xác định những cách tiếp cận nào đã hoạt động hiệu quả và cách nào chưa hiệu quả. Dưới đây là một đánh giá sơ bộ.

Sức mạnh quân sự của Mỹ đã phát huy hiệu quả khi nó được sử dụng để tạo ra các thế trận răn đe mạnh mẽ, chống lại các đối thủ cường quốc đích thực – như đã làm ở châu Âu và Đông Bắc Á trong Chiến tranh Lạnh – trong khi tránh các nỗ lực công khai nhằm phục hồi chế độ cũ, hoặc lật đổ chế độ hiện tại. Những nỗ lực này đã thành công khi có các đối tác mạnh, có năng lực, và có tính chính danh; chúng hoạt động kém hiệu quả hơn khi đối tác là kẻ không được lòng dân, yếu, hoặc không đủ năng lực. Sức mạnh quân sự của Mỹ là một công cụ hữu hiệu khi nước này dùng nó để chống lại các hành động xâm lược vô cớ và phi pháp, như trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, hay ở Ukraine ngày nay. Nhưng nó đã thất bại khi được sử dụng để lật đổ các chính phủ nước ngoài và áp đặt nền dân chủ bằng nòng súng, đặc biệt là khi nó thiếu các đối tác địa phương đáng tin cậy. Dù những nỗ lực như vậy có thể thành công trong ngắn hạn (ví dụ như Iran năm 1953, Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003, hoặc Libya năm 2011), hậu quả dài hạn hầu như luôn là tiêu cực.

Nói rộng hơn, chính sách đối ngoại của Mỹ hoạt động tốt nhất khi nó thừa nhận sự khác biệt giữa các quốc gia, không khăng khăng rằng mọi quốc gia trên Trái Đất đều phải chấp nhận các giá trị chính trị của Mỹ, và thúc đẩy nền dân chủ bằng cách trở thành tấm gương mà nước khác có thể noi theo, với tốc độ và cách thức của riêng họ. Chính sách đối ngoại của Mỹ đã thất bại khi các nhà lãnh đạo nước này coi nền dân chủ tự do kiểu Mỹ là công thức kỳ diệu để đạt được thành công về chính trị và kinh tế, cho rằng tất cả nhân loại đều khao khát tự do vượt trên mọi giá trị khác, và tự thuyết phục rằng họ biết cách “xây dựng quốc gia” ở những vùng đất rất khác biệt so với Mỹ.

Chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ đã thành công khi tìm cách khuyến khích sự cởi mở, nhưng vẫn cân nhắc đến ổn định kinh tế và xã hội. Như học giả quá cố John Ruggie đã chỉ ra trong một bài báo kinh điển về thỏa hiệp sau Thế chiến II dựa trên chủ nghĩa tự do – vừa khuyến khích thương mại và tăng trưởng, vừa cách ly người dân trong nước khỏi những hậu quả nặng nề nhất của toàn cầu hóa – là một trong những thành công như vậy. Chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ đã thất bại khi Washington quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ tràn lan (như trong những năm 1930), hoặc khi nước này đặt thị trường lên trước mọi cân nhắc khác (như trong chiến lược siêu toàn cầu hóa của chủ nghĩa tân tự do). Trong trường hợp thứ hai, kết quả là sự bất bình đẳng chứa đựng nguy cơ chính trị, các cuộc khủng hoảng tài chính lớn, và chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương bởi những cú sốc bất ngờ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ đạt được nhiều thành tựu hơn khi nó đặt ngoại giao lên hàng đầu, như với việc phát triển Kế hoạch Marshall, tạo ra các hệ thống liên minh ấn tượng ở châu Âu và châu Á, đàm phán hòa bình Ai Cập-Israel, đạt được các thỏa thuận thương mại với các đối tác kinh tế, hoặc theo đuổi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với địch thủ của mình. Các nỗ lực đàm phán của Mỹ thành công khi các nhà lãnh đạo Mỹ nhận ra rằng các quốc gia khác cũng có lợi ích riêng của họ, và một thỏa thuận thành công phải mang lại điều gì đó có giá trị cho tất cả các bên tham gia. Ngược lại, các nỗ lực của Mỹ thất bại khi Washington từ bỏ ngoại giao chân chính và đàm phán trên cơ sở một mất một còn: đưa ra tối hậu thư, tăng cường các biện pháp trừng phạt, và từ chối các thỏa hiệp đôi bên cùng có lợi.

Chiến thắng ở Ukraine – một lần nữa, giả sử rằng nó thực sự xảy ra – sẽ không phải là một sự kiện quan trọng như sự sụp đổ của đế chế Liên Xô cũ. Nó sẽ không mở ra một thời điểm đơn cực khác, bởi vì Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với những năm 1990, và cuộc chiến Ukraine đã không thay đổi thực tế đó. Một chiến thắng của Ukraine không có khả năng chấm dứt tình trạng phân cực chính trị sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ – nếu không muốn nói rằng, môi trường bên ngoài yên dịu hơn sẽ càng khiến chia rẽ ở quê nhà thêm trầm trọng – và nó chắc chắn sẽ không “tự nhiên” mang lại cho Mỹ khả năng để quản lý hoặc điều hướng chính trị trong nước ở một thế giới đa dạng và phức tạp.

Thật vậy, nếu Ukraine (và phương Tây) giành chiến thắng, họ vẫn phải đối mặt với một danh sách việc cần làm đã tồn tại trước khi quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine. Đó là: 1) ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu và đối phó với những hậu quả nghiêm trọng mà nay đã rõ ràng; 2) đối trọng lại và can dự với Trung Quốc; 3) ngăn Iran phát triển bom hạt nhân; 4) quản lý một nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn; và 5) chuẩn bị để thế giới đương đầu với đại dịch tiếp theo. Để đạt được những mục tiêu quan trọng này đòi hỏi phải thiết lập các ưu tiên rõ ràng và tránh các cuộc thập tự chinh không cần thiết. Sẽ không ai có thể ngăn những “diều hâu” ủng hộ Ukraine hả hê khi chiến thắng, nhưng điều cần làm là không để họ khiến phương Tây lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

* Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/12


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét