Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Thiếu xăng ở Sài Gòn và các tỉnh: Vì sao xảy ra vào lúc này?

BBC News

10/10/2022

Một cây xăng ở TP HCM treo bảng nghỉ bán

Chụp lại hình ảnh,  Một cây xăng ở TP HCM treo bảng nghỉ bán

Chưa bao giờ, lời yêu cầu "đổ xăng đầy bình" lại khó khăn như hôm qua và hôm nay 10/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông… 

Những tấm bảng "bơm hư", "tạm ngưng nhập hàng" xuất hiện khiến người dân rất lao đao khi hàng loạt cây xăng đóng cửa. Hoặc nếu mở cửa thì các cây xăng chỉ bán nhỏ giọt, với "hạn mức" 20.000, 30.000 đồng một người. 

Thậm chí đã có khách hàng cầm dao đe dọa một nhân viên trạm xăng ở TP HCM sau khi phải chờ quá lâu. 

Đến sáng nay, việc một số cây xăng đóng cửa vẫn còn tiếp diễn. 


Một số tài xế công nghệ cho biết bị hết xăng giữa đường thì không biết phải làm sao, thậm chí tắt ứng dụng hoặc chọn những chuyến đi lộ trình ngắn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết "nguồn cung có tình trạng thiếu hụt cục bộ do việc nhập khẩu của một số đơn vị bị gián đoạn, việc vận chuyển vừa qua cũng bị ảnh hưởng do tình hình bão lụt ở miền Trung", theo truyền thông Việt Nam.

'Tính toán sai'

Người dân chen chúc đổ xăng ở một cây xăng tại TP HCM

Chụp lại hình ảnh, 

Người dân chen chúc đổ xăng ở một cây xăng tại TP HCM vào hôm qua

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt vào sáng nay 09/10, Tiến sĩ Kinh tế, Giang Chấn Tây từ Việt Nam cho rằng Bộ Tài Chính chưa áp dụng đúng quy luật giá trị - cung cầu. 

"Hiện nay, công thức tính của Bộ Tài Chính chỉ đúng và áp dụng được khi giá luôn luôn tăng. Lúc giá xăng dầu giảm lẽ ra người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, còn đằng này do Bộ Tài Chính tính sai nên gây nên hiệu ứng ngược là giá xăng dầu thế giới giảm mà dân chúng không có dùng, tạo nên cảnh hỗn loạn thị trường mà doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt thòi nhất, càng bán càng lỗ, giá vốn mua vào cao hơn giá bán lẻ làm trái ngược và phá vỡ quy định trong Nghị định 95." 

Nghị định 95 có quy định: Giá xăng dầu thế giới do Liên Bộ Tài chính - Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở căn cứ theo giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế. Nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày nhất công bố giá cơ sở. 

Cách tính này được cho là bất hợp lý là vì có nội dung"thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng…. 

Điều này có nghĩa một doanh nghiệp mua xăng dầu thì lại chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Vì vậy nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng 10 ngày đó nếu chu kỳ điều hành giá bán kỳ này giá bán lẻ giảm. Tương tự nếu giá xăng dầu thế giới liên tục giảm và các kỳ điều hành giá bán lẻ liên tục giảm thì doanh nghiệp đầu mối liên tục bị lỗ, kéo theo chiết khấu liên tục bị bóp lại đến 0 đồng, thậm chí là âm khi công thêm phí vận chuyển. 

Do đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tìm cách giảm lỗ bằng nhiều biện pháp như giảm mạnh chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ, giảm giao dầu ở những địa điểm xa, và từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng nhiều cây xăng phải ngừng bán hàng.

'Sẽ còn kéo dài'

Cây xăng gần trường ĐH Hồng Bàng, Quận Bình Thạnh, TP HCM

Chụp lại hình ảnh, 

Cây xăng gần trường ĐH Hồng Bàng, Quận Bình Thạnh, TP HCM treo bảng đang nhập xăng không bán vào hôm nay 10/10

Tiến sĩ Giang Chấn Tây nhấn mạnh tình hình bất ổn sẽ còn kéo dài nếu các bộ ngành không thay đổi cách quản lý và điều hành hiện tại. 

"Nếu doanh nghiệp có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung như đã qua, doanh nghiệp sẽ tranh thủ nhập hàng về một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận. Vì vậy nhất thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới."

"Theo tôi giải quyết vấn đề này rất đơn giản, chỉ cần Bộ Tài Chính thay đổi công thức tính giá thành xăng dầu, nếu bán hàng có lãi hấp dẫn thì khỏi cần Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương yêu cầu các công ty đầu mối nhập hàng thì họ cũng nhập về đầy, thậm chí cấm nhập họ cũng tìm cách nhập lậu nữa. Chỉ tại vì Bộ Tài Chính chưa áp dụng đúng quy luật giá trị - cung cầu." 

Từ đầu năm đến nay, giá xăng ở Việt Nam đã trải qua 13 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên giá. Theo dự báo kỳ điều chỉnh ngày mai 11/10, giá xăng sẽ tăng mạnh theo giá thế giới, có thể lên đến 2.000 đồng/lít. 

Tiến sĩ Giang Chấn Tây cho rằng việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu, "tuy nhiên, không phải làm theo tư duy luôn kìm hãm giá theo kiểu muốn người dân xài hàng giá thấp hơn giá thị trường là không phù hợp với tình hình hiện nay." 

"Chúng tôi thấy, với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng; giá thị trường 50.000 đồng thì muốn đè xuống còn 49.000 đồng và lấy đó làm thành tích quản lý thì chúng tôi cho rằng việc bất ổn sẽ còn kéo dài." 

"Bởi vì, từ quan điểm đó dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra. Nếu tiếp tục điều hành đi trái lại với quy luật giá trị, cung cầu thì sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn."

Cây xăng ở Trần Cao Vân, Quận 1, TP HCM

Chụp lại hình ảnh, 

Cây xăng ở Trần Cao Vân, Quận 1, TP HCM có bán nhưng quá đông, nhiều người bỏ về chấp nhận dắt bộ vào hôm nay 10/10

https://www.bbc.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét