Võ Thái Hà tổng hợp
LHQ công khai bác lời kêu gọi bỏ phiếu kín của Nga về việc sát nhập các vùng Ukraine
11/10/2022
Đại sứ Nga tại LHQ Sergiy Kyslytsya phát biểu hôm 10/10/2022.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 10/10 bỏ phiếu bác bỏ lời kêu gọi của Nga đề nghị LHQ bỏ phiếu kín trong những ngày sau của tuần này về việc có hay không lên án động thái của Moscow sát nhập bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine, theo Reuters.
Với 107 phiếu thuận, Đại hội đồng LHQ quyết định sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai - chứ không phải bỏ phiếu kín - về một dự thảo nghị quyết lên án “cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” và “âm mưu thôn tính bất hợp pháp” của Nga.
Các nhà ngoại giao cho biết cuộc bỏ phiếu về nghị quyết này có thể sẽ diễn ra vào 12/10 hoặc 13/10.
Hôm 10/10, chỉ có 13 quốc gia phản đối tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai về dự thảo nghị quyết này, 39 quốc gia khác bỏ phiếu trắng và các quốc gia còn lại - bao gồm cả Nga, Trung Quốc, và Việt Nam - không bỏ phiếu.
Moscow đã sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine - Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia - sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine và các đồng minh đã lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và mang tính ép buộc.
Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi các quốc gia không công nhận động thái của Nga và tái khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Hôm 10/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hối thúc cộng đồng quốc tế vạch rõ rằng hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ông Blinken nói trong một tuyên bố: "Bây giờ là lúc để lên tiếng ủng hộ Ukraine; không phải là lúc để bỏ phiếu trắng, xoa dịu những lời lẽ hay những lời ngụy biện theo những tuyên bố trung lập. Các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc đang bị đe dọa".
Viện trợ vũ khí cho Ukraina : Hoa Kỳ đã đi đến mức giới hạn
Thanh Phương /RFI
10/10/2022
Ảnh tư liệu : Hệ thống thống rocket di động của Mỹ HIMARS, trong một cuộc tập dượt ngày 23/05/2011 tại miền trung Hoa Kỳ. AP - Tony Overman
Quân đội Mỹ sắp tới đây sẽ không thể tiếp tục cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraina, vì kho dự trữ của Hoa Kỳ nay đã xuống đến mức giới hạn, nhất là về đạn dược. Đó là cảnh báo của các quan chức và các chuyên gia Mỹ vào cuối tuần trước.
Kể từ khi Nga xua quân xâm lăng Ukraina, Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Kiev, vượt xa các nước khác, với tổng cộng gần 17 tỷ đôla viện trợ quân sự.
Nhưng theo lời chuyên gia Mark Cancian, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nguyên là quan chức đặc trách mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc từ năm 2008 đến năm 2015, được hãng tin AFP trích dẫn ngày 08/10/2022, kho dự trữ một số thiết bị quân sự của quân đội Mỹ “nay đã xuống đến mức tối thiểu cần thiết cho việc lập kế hoạch tác chiến và cho việc huấn luyện”. Việc phục hồi kho dự trữ cho bằng với mức trước chiến tranh Ukraina có thể sẽ kéo dài “nhiều năm”.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ đã buộc phải cắt giảm rất mạnh sản xuất vũ khí trong thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Số tập đoàn quốc phòng và chế tạo máy bay chỉ trong vài năm đã giảm từ 51 xuống còn 5.
Bây giờ, chính phủ Mỹ đang cố thuyết phục ngành công nghiệp khởi động lại các dây chuyền sản xuất đã bị bỏ rơi, chẳng hạn như sản xuất tên lửa đối không Stinger, vốn đã
Một số vũ khí đó nay đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Ukraina, chẳng hạn như súng chống tăng Javelin, mà lực lượng Kiev đã sử dụng rất nhiều vào đầu cuộc chiến để đẩy lùi các đoàn xe tăng của Nga. Lợi hại hơn cả là hệ thống pháo phản lực Himars, trợ thủ đắc lực cho quân Ukraina trong các cuộc phản công ở miền nam và miền đông trong những tuần qua.
Vấn đề là, theo chuyên gia Mark Cancian, kho dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác có tầm bắn hơn 80 km dành cho hệ thống Himars lại có số lượng hạn chế. Hiện giờ, tập đoàn Lockheed Martin mỗi năm chỉ sản xuất 5.000 tên lửa đó. Cho dù chính phủ Mỹ tháo khoán các ngân sách để đẩy nhanh việc sản xuất, cũng phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục kho dự trữ.
Cũng như vậy, tính cho tới nay, Washington đã cấp cho Kiev tổng cộng 8.500 tên lửa cho súng chống tăng Javelin, nhưng sản lượng hàng năm của loại tên lửa này chỉ là 1.000. Theo hãng tin AFP, tháng 5 vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ đã đặt mua 350 triệu đô la vũ khí từ một công ty liên doanh giữa Raytheon và Lockheed Martin. Cho dù vậy, cũng phải mất nhiều năm kho dự trữ mới trở lại mức như trước.
Các số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy là quân đội Mỹ đã cấp tổng cộng 880.000 đạn súng cối 155 ly cho Ukraina, tức là chiếm đến 3/4 tổng số đạn theo tiêu chuẩn NATO mà phương Tây viện trợ cho Kiev. Như vậy là về loại đạn này, Hoa Kỳ đã tiến gần đến mức cho phép để bảo tồn khả năng phòng thủ của chính nước này. Tuy vậy, theo lời chuyên gia Cancian, nhiều nước khác trên thế giới cũng sản xuất đạn súng cối 155 ly và ít có khả năng việc cung cấp loại đạn cho quân đội Ukraina sẽ bị ngưng.
Theo hãng tin AFP, hôm thứ Ba tuần trước, bà Laura Cooper, quan chức đặc trách về nước Nga của Lầu Năm Góc, đã bảo đảm là sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng đang được đẩy nhanh và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraina “chừng nào còn cần thiết”.
Tình hình của Hoa Kỳ cũng là tình hình chung của các nước phương Tây. Trong những tháng qua, phương Tây đã hào phóng lấy từ kho dự trữ vũ khí của mình để giúp chính quyền Kiev đẩy lùi quân xâm lược Nga. Nay các nước này buộc phải huy động ngành công nghiệp quốc phòng để có thể vừa bảo toàn khả năng phòng thủ, vừa có thể tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina.
Đài Loan : « Không thỏa hiệp » với Trung Quốc về những giá trị dân chủ và tự do
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu nhân ngày Quốc Khánh, Đài Bắc, ngày 10/10/2022. AP - Chiang Ying-ying
Phát biểu nhân lễ Quốc Khánh 10/10, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo : Nếu để Trung Quốc tấn công vào mô hình dân chủ và các quyền tự do của Đài Loan thì đó sẽ là một « thất bại nghiêm trọng của tất cả các nền dân chủ trên thế giới ». Uy hiếp Đài Loan bằng sức mạnh quân sự tuyệt đối không là giải pháp để hai bờ eo biểu Đài Loan xích lại gần nhau.
Mở đầu bài diễn văn nhân lễ Quốc Khánh, tổng thống Đài Loan nhấn mạnh « trật tự của một thế giới tự do và dân chủ càng lúc càng bị sức mạnh quân sự thách thức và nếu như những giá trị phổ quát đó của Đài Loan bị tấn công thì đây sẽ là một thất bại chung của tất cả các nền dân chủ trên thế giới ».
Vào lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc chuẩn bị họp Đại Hội, mở đường cho ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo đất nước, tổng thống Thái Anh Văn nhắc lại, trong 73 năm qua, người dân Đài Loan đã sống và khẳng định một bản sắc riêng cả về văn hóa và chính trị. Người dân Đài Loan không chấp nhận « là một phần của Hoa lục ». Người dân Đài Loan và các đảng phải chính trị tại đảo quốc này « nhất trí bảo vệ chủ quyền quốc gia, nếp sống tự do và dân chủ » và về điểm này, « không có chỗ đứng cho bất kỳ một sự thỏa hiệp nào ».
Cũng trong bài phát biểu hôm nay, tổng thống Đài Loan cho biết quốc đảo này « đã tăng tốc sản xuất tên lửa có độ bắn chính xác, đội tàu chiến hiện có hiệu quả cao » để « đối phó với các mối đe dọa quân sự » đến từ bên ngoài. Tổng thống Đài Loan cũng đã nhấn mạnh, Bắc Kinh cần hiểu rằng một cuộc xung đột vũ trang « tuyệt đối không phải là một giải pháp » cho phép Trung Quốc và Đài Loan xích lại gần nhau hơn.
Đáp trả Đài Bắc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố chính Đảng của bà Thái Anh Văn mới là « nguồn gốc sâu rộng gây ra căng thẳng hiện nay ». Bắc Kinh « sẵn sàng dành chỗ cho tiến trình thống nhất một cách hòa bình, nhưng sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan độc lập và không bao giờ có một không gian cho các hoạt động ly khai ».
Người đứng đầu IMF, Ngân hàng Thế giới đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về suy thoái, lạm phát
Tác giả Tom Ozimek
World Bank Group President David Malpass (R) speaks at a press briefing IMF with Managing Director Kristalina Georgieva(L) on COVID-19 in Washington, DC, on March 4, 2020. (Photo by NICHOLAS KAMM / AFP) (Photo by NICHOLAS KAMM/AFP via Getty Images)
Trong một cuộc đối thoại mở đầu các cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kể từ sau đại dịch, những người đứng đầu của hai tổ chức này đã cảnh báo về một loạt các cuộc khủng hoảng kép đe dọa sinh kế, bao gồm lạm phát dai dẳng và nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc suy thoái toàn cầu.
Trong một “màn mở đầu” hôm 10/10 trước một tập hợp các cuộc họp thường niên kéo dài một tuần giữa hai tổ chức ở Hoa Thịnh Đốn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã thảo luận về các cuộc khủng hoảng và kêu gọi hành động phối hợp đối mặt với những gì họ được mô tả như một “kỷ nguyên của sự biến động.”
Ông Malpass nói khi bắt đầu cuộc thảo luận: “Có một nguy cơ và sự nguy cấp thực sự về suy thoái kinh tế thế giới vào năm tới. Ông dẫn chứng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nền kinh tế tiên tiến và sự mất giá tiền tệ ở nhiều nước đang phát triển.”
Ông Malpass cho biết, các mức nợ ngày càng trở thành gánh nặng ở các nước đang phát triển khi đồng tiền của họ mất giá, đồng thời cho biết thêm rằng “lạm phát vẫn là một vấn đề lớn đối với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là đối với người nghèo.”
Ông Malpass cho biết, mức độ nghèo đói đã tăng vọt trên toàn cầu, đồng thời lưu ý đến mức giảm 4% thu nhập trung bình “rất đáng lo ngại.”
Báo cáo nghèo đói mới nhất của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 70 triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2020, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi mức độ thịnh vượng vào năm 1990.
Ông Malpass nói về sự “đảo ngược” trong quá trình phát triển khi vốn ngày càng chảy ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển sang các nền kinh tế phát triển hơn. Kết hợp điều này là các vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu lương thực, năng lượng, và phân bón.
“Đó là một loạt các vấn đề,” ông nói và cho biết thêm rằng một trong những mong muốn cốt lõi của ông là thấy nhiều nguồn lực hơn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển.
‘Lực lượng gây ra sự gián đoạn’
Bà Georgieva đứng về phía quan điểm rằng nguy cơ suy thoái đã gia tăng. Bà ước tính vào cuối năm tới, khoảng một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ chứng kiến ít nhất hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, đây là định nghĩa chung cho một cuộc suy thoái.
Bà nói: “Tổng số tiền sẽ bị xóa sổ bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới — từ nay đến năm 2026 — 4 ngàn tỷ USD. Đây là quy mô GDP của Đức — đã biến mất.”
Bà nói, thúc đẩy sự tổn thất kinh tế này là “lực lượng gây ra sự gián đoạn,” liệt kê các vấn đề như tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với giá lương thực và năng lượng.
Bà tiếp tục: “Lạm phát đang ở mức cao dai dẳng, một yếu tố dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính mạnh mẽ hơn dự kiến trước đây.”
Bà Georgieva lưu ý rằng hoạt động kinh tế đang chậm lại ở cả ba nền kinh tế lớn — Âu Châu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt tự nhiên cao; Trung Quốc, nơi có sự biến động về nhà ở và các đợt phong tỏa COVID-19 đang làm giảm tốc độ tăng trưởng; và Hoa Kỳ, nơi mà việc tăng lãi suất “đang bắt đầu có các tác động tiêu cực.”
Giám đốc IMF ủng hộ các hành động sẽ kiềm chế lạm phát, mà bà gọi là “một loại thuế đột ngột,” đặc biệt là đối với người nghèo.
Dù bà nói rằng tình trạng lạm phát trở nên “phi mã” là không thể chấp nhận được, nhưng bà cảnh báo về nguy cơ thắt chặt quá mức của các ngân hàng trung ương, điều này có thể dẫn đến lo ngại suy thoái xảy ra trên quy mô lớn.
Bà cho biết việc các chính phủ áp dụng một số biện pháp tài khóa để giúp mọi người vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện tại và sắp xảy ra là hợp lý nhưng kêu gọi mọi hỗ trợ phải được nhắm mục tiêu tốt “bởi vì nếu không, thì chúng ta đang đổ thêm dầu vào lửa lạm phát.”
Bà Georgieva cũng kêu gọi các quốc gia “kiểm soát được nguy cơ khủng hoảng nợ lớn và đáng sợ” bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, không chỉ những quốc gia có gánh nặng nợ cao.
Bà nói, “Không phải là một bức tranh màu hồng. Nhưng nếu chúng ta hợp lực, nếu chúng ta cùng hành động, chúng ta có thể giảm bớt những tổn thất nặng nề đang ở phía trước của chúng ta vào năm 2023.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
G7 họp khẩn sau khi Nga bắn tên lửa vào hậu phương Ukraine
G7, nhóm tập hợp các nền dân chủ giàu có, sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào thứ Ba với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Phiên họp được triệu tập gấp rút để đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự và các thành phố Ukraine hôm thứ Hai, vốn làm ít nhất 11 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương. Liên minh châu Âu cho rằng các cuộc tấn công như vậy cấu thành tội ác chiến tranh. G7 sẽ xem xét những áp lực nào có thể được áp dụng cho Nga để ngăn chặn họ tiếp tục tấn công.
Loạt tên lửa hôm thứ Hai là đòn trả đũa cho vụ gài bom cây cầu nối Crimea với Nga. Nhưng nhiều người lo ngại vụ tấn công tên lửa báo trước một giai đoạn tàn khốc phía trước của cuộc chiến. Nó dường như là một lời tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin và Sergei Surovikin, vị tướng vừa được bổ nhiệm hôm thứ Bảy làm tổng chỉ huy quân Nga ở Ukraine. Tướng Surovikin nổi tiếng tàn bạo. Một quan chức Ukraine nói ông đã nghiên cứu quá trình chỉ huy của vị tướng này ở Afghanistan, hai cuộc chiến tranh Chechnya và cuộc không chiến của Nga ở Syria, để đi đến kết luận: “Ông ta xứng đáng mang danh đồ tể.”
Nhật Bản chính thức mở cửa cho du khách
Hơn hai năm cách ly đại dịch đã kết thúc ở Nhật Bản. Từ thứ Ba, du khách từ hàng chục quốc gia sẽ có thể nhập cảnh mà không cần thị thực và di chuyển không cần hướng dẫn viên của chính phủ.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng khách du lịch sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang chậm lại. Khoảng 32 triệu người nước ngoài đã đến thăm Nhật Bản trong năm 2019; chi tiêu cho du lịch trong nước khi ấy lên tới gần 5 nghìn tỷ yên (34 tỷ đô la theo giá hiện tại). Kế hoạch ban đầu của Nhật là đón 40 triệu lượt khách vào năm 2020 với Olympic Tokyo. Song chỉ có 4 triệu khách đến thăm; năm ngoái, con số này thậm chí giảm xuống dưới 250.000.
Việc đồng yên xuống mức yếu nhất so với đồng đô la trong gần 25 năm qua có thể giúp thu hút du khách. Các hãng hàng không đang tăng cường các chuyến bay đến Nhật Bản. Nhưng có một nhóm lớn chưa thể quay lại: khách Trung Quốc. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 28% lượng khách đến và 37% chi tiêu khách du lịch. Nhưng Bắc Kinh vẫn đang hạn chế việc đi du lịch nước ngoài. Nếu không có họ, ngành du lịch Nhật Bản có thể mất nhiều năm để phục hồi.
Triển lãm vể metaverse của Meta
Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Facebook đổi tên thành Meta. Việc đổi tên thương hiệu là nhằm cho thấy định hướng của công ty về “metaverse,” một thuật ngữ nói chung về internet thực tế ảo, sống động. Các khoản đầu tư khổng lồ vào metaverse, cùng với doanh thu yếu đi của các mạng xã hội cốt lõi, bao gồm Instagram, WhatsApp, và Facebook, đã khiến lợi nhuận và cổ phiếu sụt giảm.
Liệu công ty đã có gì để chứng minh cho các khoản đầu tư của mình chưa? Các nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ được biết vào thứ Ba tại Meta Connect, một triển lãm nơi các tiến bộ về công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường của Meta sẽ được tiết lộ. Chúng có thể bao gồm phiên bản nâng cấp và đắt tiền hơn của tai nghe thực tế ảo Quest. Meta cũng dự kiến tiết lộ các cải tiến cho Horizon, một mạng xã hội thực tế ảo được phát hành vào năm ngoái cho người dùng Quest. Ảnh chụp màn hình từ Horizon của một phiên bản hoạt hình có chất lượng xấu của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập công ty, từng trở thành một đề tài chế giễu trong mùa hè.
Hoa Kỳ : Tăng thanh toán An sinh Xã hội trong tuần này, và có thể là đáng kể
Tác giả Jack Phillips
Các chi phiếu An sinh Xã hội trống chạy qua một máy in tại cơ sở in của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ ở Philadelphia, Pennsylvania, vào ngày 11/02/2005. (Ảnh: William Thomas Cain/Getty Images)
Cơ quan Quản lý An sinh Xã hội dự kiến sẽ công bố mức điều chỉnh chi phí sinh hoạt, hay còn gọi là COLA, cho những người được hưởng An sinh Xã hội trong tuần này — và đây có thể là mức tăng lớn nhất trong nhiều thập niên.
Các nhà phân tích của Liên đoàn Công dân Cao niên cho biết mức tăng COLA sẽ là 8.7% để theo kịp với lạm phát hàng năm. Năm ngoái (2021), Cơ quan Quản lý An sinh Xã hội đã công bố mức điều chỉnh 5.9%.
Một báo cáo (pdf) do nhóm cao niên phi đảng phái đã công bố hồi tháng trước rằng mức tăng như vậy “sẽ là mức cao nhất mà hầu hết những người hưởng An sinh Xã hội (Tiền Hưu trí) còn sống cho đến nay từng nhận được.” Việc điều chỉnh chi phí sinh hoạt chính thức thường được Cơ quan Quản lý An sinh Xã hội công bố trong tháng Mười.
Tính toán đó dựa trên dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng gần đây nhất cho thấy lạm phát đã tăng 8.3% trong năm qua tính đến tháng Tám.
Báo cáo cho biết: “COLA nhằm giúp duy trì được sức mua của các khoản An sinh Xã hội khi giá cả tăng lên. Chúng là một khoản gia tăng vĩnh viễn để dần dần nâng cao tổng thu nhập An sinh Xã hội mà các cá nhân sẽ nhận được trong thời gian nghỉ hưu của họ. Nếu không có COLA thích hợp theo kịp với lạm phát, thì sức mua của các khoản An sinh Xã hội ngày càng giảm dần theo thời gian, và điều đó có thể tạo ra những khó khăn, đặc biệt là khi người Mỹ lớn tuổi sống thọ hơn khi nghỉ hưu.”
Liên đoàn Công dân Cao niên ước tính trong báo cáo của mình, người về hưu hiện nhận được khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 1,656 USD, nhưng khả năng điều chỉnh COLA sẽ làm tăng số tiền đó thêm khoảng 144.10 USD.
Thuế
Nhưng COLA tương đối cao cũng có thể khiến một số người về hưu có mức thu nhập vượt quá ngưỡng buộc họ phải trả thuế thu nhập.
Bà Mary Johnson, thuộc Liên đoàn Công dân Cao niên, nói với Fox News hồi tháng Bảy rằng “có thể có một số tác động rất lâu dài đối với COLA lạm phát cao. Tác động này giống như một tình huống không có lợi.”
Bà Johnson cho biết, các khoản thanh toán An sinh Xã hội hàng tháng cao hơn cũng có thể làm giảm khả năng những người cao niên được hưởng các chương trình thu nhập thấp như Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung, hoặc phiếu thực phẩm. Họ cũng có thể không được nhận các khoản phúc lợi y tế Medicare đã điều chỉnh và thuốc theo toa cho những người có thu nhập thấp.
Bà Johnson nói với USA Today: “Đây là những chương trình dựa trên thu nhập. Hầu hết, nếu không phải tất cả, đều dễ dàng được quản lý thông qua các tiểu bang. Nếu chúng tôi dự báo COLA gần 9 hoặc 10%, vâng, tất nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng, không chỉ đến việc quý vị đủ điều kiện nhận trợ cấp cho người thu nhập thấp, mà còn ảnh hưởng đến tất cả những người khác, đối với những người không nhận được trợ cấp.”
Bà nói, có “hàng chục ngàn” người về hưu, những người chưa bao giờ đóng thuế đánh vào các khoản Tiền Hưu trí của họ và có thể phải bắt đầu làm như vậy cho các khoản thuế sắp tới của họ do mức tăng COLA sắp tới.
Các ngân hàng trung ương vội vàng bán trái phiếu kho bạc Mỹ để tích trữ tiền mặt
Huyền Anh
Để làm giàu thêm “kho” dự trữ ngoại hối, các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia bắt đầu bán phá giá trái phiếu Mỹ để giữ vị thế đồng nội tệ của mình. (Ảnh: Getty Images)
Các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia bắt đầu bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong kho dự trữ ngoại hối của mình, đổi thành tiền nội tệ, vừa để giữ vị thế đồng nội tệ (đảm bảo tỷ giá không tăng vọt) vừa để trích trữ tiền mặt cho những biến động vĩ mô ngày một xấu.
Khi đồng USD tiếp tục mạnh lên trong thời gian gần đây, nhiều đồng tiền khác trên thế giới đang rớt giá ở các cấp độ khác nhau. Trước sự “rớt giá không ngừng” của đồng Yên so với đồng USD, ngày 22/9, Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên sau 24 năm, khơi mào cho “cuộc chiến tiền tệ”.
Theo dữ liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã bán ra 29 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 5/10, mức bán tháo lớn nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020. Trong 4 tuần qua, lượng bán trái phiếu kho bạc Mỹ từ các NHTW khắp toàn cầu đã lên tới 81 tỷ USD, và tựu chung, lượng nắm giữ của Kho bạc Mỹ sụt giảm xuống còn 2,91 nghìn tỷ USD.
Hiện đồng USD đã cán mốc cao nhất trong 20 năm, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, và không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu tích trữ “kho” dự trữ ngoại hối của mình. Giờ đây, Nhật Bản, Chile và các quốc gia khác cũng bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối, bán đồng USD trực tiếp để giữ vị thế đồng nội tệ của mình.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Lou Crandall của Wrightson ICAP lưu ý rằng đợt bán tháo ồ ạt của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu vào tháng 9 mang tính chất đề phòng nhiều hơn.
Về vấn đề này, ông Alex Etra, chiến lược gia cấp cao tại Exante Data, đồng ý rằng việc bán trái phiếu kho bạc Mỹ và xây dựng vị thế tiền mặt có nghĩa là các quốc gia đang chuẩn bị cho “viên đạn bạc” cần thiết để bảo vệ đồng nội tệ của họ.
Đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia ngày càng giảm sút. Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho biết: “Với thực trạng như hiện nay, dự trữ ngoại hối của Thái Lan rất đáng lo ngại, tương tự đối với Philippines, Ấn Độ, Indonesia và thậm chí cả Malaysia, vốn được cho là tương đối khả quan”.
Trong tháng 9 dự trữ ngoại hối của Malaysia và Indonesia sụt giảm xuống mức chưa từng có kể từ năm 2020. Dự trữ ngoại hối của Thái Lan cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, khiến quốc gia này rơi vào hàng ngũ các nước châu Á mới đổi đang phải đối mặt với nguy cơ suy yếu.
Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm mạnh nhất trong gần 14 năm vào tháng 9/2022.
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản chỉ còn 1,24 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9/2022, giảm 54 tỷ USD so với tháng trước. Tuy nhiên, lượng trái phiếu trị giá 1,04 nghìn tỷ USD mà Nhật Bản đang nắm giữ đã giảm còn 985 tỷ USD trong tháng 8/2022, dấu hiệu cho thấy Tokyo đã bán tài sản định giá bằng USD thu về tiền mặt để can thiệp vào nền kinh tế.
Theo báo chí đưa tin, sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản vào thị trường ngoại hối lần này có thể lên tới 3 nghìn tỷ Yên, cán mốc cao nhất trong lịch sử.
Mức dự trữ ngoại hối an toàn là mức dự trữ tối thiểu phải đáp ứng khả năng thanh toán ngoại tệ cho ít nhất 12 – 14 tuần nhập khẩu hàng hoá của cả nền kinh tế đó, theo IMF. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á (trừ Trung Quốc) đã giảm trong khoảng 7 tháng liên tiếp. Dự trữ ngoại hối đã xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các quốc gia châu Á mới nổi đang cạn kiệt nguồn dự trữ “đạn dược” để bảo vệ đồng tiền của họ.
Huyền Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét