Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ hai 10 tháng 10 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Một Đài Loan kiên cường đang rời xa Trung Quốc

Rupert Wingfield-Hayes

BBC News, Đài Loan

Đài Loan

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Đài Loan kỷ niệm ngày “Song Thập” vào hôm nay 10/10, ngày quốc khánh của hòn đảo tự trị này. 

Lễ kỷ niệm hàng năm đặc biệt quan trọng vào năm nay – khi căng thẳng với Bắc Kinh, vốn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay; và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đặc biệt có những phát ngôn về việc "tái thống nhất", được cho sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tuần tới.

Trớ trêu thay, ngày 10/10 vốn không liên quan gì đến Đài Loan hay bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của hòn đảo. Trên thực tế, vào ngày này năm 1911, một cuộc nổi dậy bắt đầu ở Vũ Xương, miền trung Trung Quốc, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại cuối cùng – và đánh dấu sự thành lập của Trung Hoa Dân Quốc.


Vậy tại sao Đài Loan lại kỷ niệm ngày này? Bởi vì tên chính thức của hòn đảo vẫn là Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. Những lá cờ tung bay trên khắp Đài Bắc hôm nay vẫn có ngôi sao trắng trên nền xanh và đỏ.

Đó là di sản kỳ lạ từ cuộc nội chiến Trung Quốc. Năm 1949, chế độ dân tộc chủ nghĩa của Tưởng Giới Thạch bị đánh bại đã bỏ chạy qua eo biển Đài Loan để đến Đài Bắc. Trong nhiều thập kỷ, Tưởng Giới Thạch đã giữ Đài Loan trong thế gọng kìm, trong khi tiếp tục tuyên bố chế độ của mình là "chính phủ dân chủ thực sự của một Trung Quốc Tự do".

Ngày nay, tất cả những điều này có vẻ ngu xuẩn đối với rất nhiều người Đài Loan, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hanny Hsian, một nữ tiếp viên hàng không 38 tuổi sống cùng chồng người Mỹ và hai con ở Đài Bắc là một điển hình cho sự thay đổi đó.

"Ông bà tôi đến từ Trung Quốc và họ vẫn là những người Trung Quốc yêu nước", Hanny nói. "Nhưng đối với tôi, tôi sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, tôi không nghi ngờ gì rằng tôi là người Đài Loan. Trung Quốc không phải là quê hương của chúng tôi. Trung Quốc không bao giờ sở hữu Đài Loan. Một số người đã trốn khỏi Trung Quốc để đến Đài Loan. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sở hữu hòn đảo này."

Hanny không hề đơn độc. Các cuộc thăm dò dư luận năm nay cho thấy 70% đến 80% người dân ở hòn đảo hiện coi mình là "người Đài Loan". Tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể so với một thập kỷ trước, khi khoảng một nửa dân số vẫn nói rằng họ là "người Trung Quốc".

Xu hướng này không lọt khỏi mắt Bắc Kinh, và Bắc Kinh đang trả đũa.

Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm vào tháng 8, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc mất bao lâu cho đến khi Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Điều ít được nói đến là sự bòn rút kinh tế đang diễn ra.

Ông Su Guo-zhen nói rằng sức ép kinh tế từ Trung Quốc đang buộc Đài Loan phải tìm kiếm thị trường mới

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Su Guo-zhen nói rằng sức ép kinh tế từ Trung Quốc đang buộc Đài Loan phải tìm kiếm thị trường mới

Trung Quốc là một thị trường lớn của Đài Loan, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp thực phẩm của nước này. Lái xe dọc theo bờ biển tây nam, ngay phía nam của Đài Nam, bạn sẽ thấy thật khó để phân biệt đâu là trời đâu là biển. Nhiều diện tích đất canh tác đã bị biến thành những ruộng muối khổng lồ. Quang cảnh không đẹp nhưng bên dưới những ao bùn là kho báu.

Ông Su Guo-zhen đang đổ hàng xô cá mòi xuống một trong những cái ao của mình. Mặt nước sủi bọt khi hàng chục con cá to chen chúc nhau để ăn mồi. Đó là cá mú - có hàng trăm con trong ao của ông Su.

"Tôi sẽ không đưa chân của bạn xuống nước đâu!" ông nói, cười khúc khích. "Những con cá này cực kỳ bảo vệ lãnh thổ và rất hung dữ".

Giá của chúng cũng rất đắt. Trên bàn ăn ở Thượng Hải và Bắc Kinh, một con cá mú trưởng thành hoàn toàn có thể được bán với giá 2.000 USD. Cho đến mùa hè này, khoảng 80% cá mú nuôi ở Đài Loan đã được chuyển đến Trung Quốc. Bây giờ là 0%. 

“Trung Quốc là thị trường tốt nhất cho loại cá này. "Họ ăn chúng trong các bữa tiệc và ngày đặc biệt. Chúng rất phổ biến”, ông Su cho biết.

Nhưng kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu vào tháng 6, ông nói thêm, người mua ở Trung Quốc đại lục đã ngừng đặt hàng từ Đài Loan, làm dấy lên lo ngại về việc giảm giá thành.

Tuy nhiên, ông Su cho biết đã có sự thay đổi về thái độ của mọi người: "Những người nuôi cá lớn tuổi như tôi rất lo lắng. Nhưng những người nông dân trẻ thì không. Họ nghĩ, nếu Trung Quốc không mua, chúng tôi sẽ bán cho các thị trường khác trên thế giới có người Trung Quốc sinh sống."

Con gái và con rể của ông Su hiện đang làm việc đó, quảng cáo cá mú của ông ở Singapore, San Francisco và Vancouver. Nông dân trồng dứa ở Đài Loan đang chuyển nông sản năm nay sang Nhật Bản.

Đó là một quá trình chuyển đổi khó khăn. Giống như sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, việc Đài Loan quá phụ thuộc vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc đã khiến nước này dễ bị tổn hại.

Nhưng nếu Bắc Kinh cho rằng áp lực kinh tế đối với Đài Loan sẽ có tác dụng, thì dường như điều này đã phản tác dụng. Khoảng một nửa dân số trên hòn đảo hiện ủng hộ nền độc lập chính thức, ngay cả khi bị Trung Quốc đe dọa tấn công. Một cuộc thăm dò vào năm ngoái cho thấy 75% người Đài Loan nói rằng họ sẽ chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc.

Ý thức về định danh ngày càng gia tăng này đi kèm với cảm giác tự hào về câu chuyện riêng của Đài Loan - về nền dân chủ khó mới giành được và sự chuyển đổi đáng kể của Đài Loan thành một trong những xã hội cởi mở nhất châu Á.

Đối với họ, mối đe dọa từ Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa đối với giới lãnh đạo chính trị của Đài Loan. Đó là một mối đe dọa đối với tất cả các quyền và tự do mà mọi người được hưởng.

Đây là nơi duy nhất ở châu Á hợp pháp hôn nhân đồng tính.

Mota Lin cho biết: “Đồng tính từng là điều bạn phải giấu kín. Nhưng bây giờ chúng tôi đang sống trong một xã hội cởi mở. Và thái độ của mọi người đã thay đổi khi chính phủ đã chấp nhận và công nhận chúng tôi."

Mota Lin (trái) và City Chen tự hào về xã hội cởi mở ở Đài Loan

Chụp lại hình ảnh, Mota Lin (trái) và City Chen tự hào về xã hội cởi mở ở Đài Loan

Cô Lin sống ở phía nam Đài Bắc cùng với người bạn đời City Chen và cô con gái Lin-chen hai tuổi đáng yêu của họ. Các bức ảnh gia đình treo đầy trên tường của căn hộ, trên sàn nhà là một mớ đồ chơi lộn xộn. Niềm vui sướng khôn xiết của hai cô gái trẻ này khi trở thành cha mẹ thật dễ lan tỏa. City hiện đang mang thai em bé thứ hai của họ.

City trẻ hơn trong hai người, và càng nhiệt thành với danh tính Đài Loan của mình. Sự tức giận lóe lên trong mắt cô trước câu hỏi về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Đài Loan.

“Chúng tôi là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Nếu Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan, họ sẽ phải gây ra chiến tranh, giống như Nga ở Ukraine. Nếu chiến tranh xảy ra, ưu tiên của chúng tôi sẽ là sự an toàn của gia đình. Vì vậy, chúng tôi có thể phải ra đi".

Đó là một khả năng tồi tệ. Nhưng đối với Mota Lin, City Chjen, Su Guo-zhen, Hanny Hsian và 23 triệu người khác của Đài Loan, mối de dọa không thể lớn hơn.

Trong ba thập kỷ qua, họ đã tạo ra một điều phi thường ở đây. Đó là điều mà họ có thể kỷ niệm một cách chính đáng và tự hào hôm nay. Và đó là điều mà họ không có ý định từ bỏ, bất kể những lời đe dọa từ Bắc Kinh.

GIẢI NOBEL HÒA BÌNH ĐƯỢC TRAO CHO ALES BIALIATSKI – NHÀ HOẠT ĐỘNG VỀ NHÂN QUYỀN Ở BELARUS VÀ HAI TỔ CHỨC: MEMORIAL Ở NGA VÀ CENTER FOR CIVIL LIBERTIES Ở UKRAINE 

https://khoahocnet.files.wordpress.com/2022/10/nobelpreis2022.jpg?w=723

Những người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm nay, 2022, được vinh danh với những nỗ lực xuất sắc chống tội ác chiến tranh, xâm phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực trên chính quê hương của họ. Bao năm qua họ đã và đang đấu tranh để bảo vệ quyền tự do cơ bản của công dân. 

Cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine của Nga với sự trợ lực của Belarus đã xảy ra suốt gần một năm dài khiến cho hội đồng chấm giải Nobel muốn tìm kiếm những nhà hoạt động nhân quyền có tầm ảnh hưởng quan trọng tại những quốc gia láng giềng để lên tiếng kêu gọi hòa bình.

 

https://khoahocnet.files.wordpress.com/2022/10/ales-bialiatski.jpg?w=300&h=169

Ales Bialiatski 

Ales Bialiatski

Ông Ales Bialiatski, 60 tuổi, là người đã khởi xướng phong trào dân chủ, sưu tập những tài liệu có vi phạm nhân quyền tại Belarus từ thập niên 1980s. Ông đã thành lập tổ chức Viasna (Spring) vào năm 1996 để chống lại tổng thống Putin và đồng minh thân cận Alexander Lukashenko. Viasna đã cung cấp, giúp đỡ những nạn nhân bị tù đày và gia đình của họ. Viasna cũng đã phát triển mạnh mẽ trở thành một tổ chức bảo vệ nhân quyền chống lại nhà cầm quyền bắt bớ, tra tấn tù nhân chính trị.

Nhà hoạt động nhân quyền Bialiatski đã bị bắt vào năm 2020 vì tội hô hào chống lại đế chế của Lukashenko. Ông bị giam giữ không có xét xử. Mặc cho những gian nan khốn khó bủa vây, ông vẫn kiên cường tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Belarus. Hội đồng chấm giải cho biết.

 

https://khoahocnet.files.wordpress.com/2022/10/center-for-civil-liberties.jpg?w=723

Center for Civil Liberties 

Center for Civil Liberties

Center for Civil Liberties, nhóm hoạt động thuộc Ukraine, đã nỗ lực tham gia vào việc giám sát những tội ác chiến tranh giết hại dân lành vô tội từ khi quân lính Nga xâm lược và bắn phá Ukraine vào tháng Hai năm 2022.

Cùng với sự cộng tác của những tổ chức trên thế giới, Center for Civil Liberties đóng một vai trò tiên phong giám sát những nhóm có hành vi xâm phạm tội ác.

https://khoahocnet.files.wordpress.com/2022/10/memorial.png?w=723

Memorial

Tổ chức Memorial được thành lập vào năm 1987.  Sau khi chính quyền Liên Bang Sô Viết bị sụp đổ, Memorial đã hiển nhiên trở thành một tổ chức giám sát bảo vệ nhân quyền ở Nga. Memorial cũng đã phơi bày, vạch trần bạo quyền và tội ác dưới thời Stalin. Như một đòn chí tử đánh vào tự do dân quyền tại Nga, Memorial đã bị đóng cửa vĩnh viễn vào năm ngoái. Nhưng những người trong tổ chức vẫn kiên cường hoạt động “không một ai bỏ cuộc”.

Sviatlana Tskhanouskaya, nhà chính trị đối lập với chính quyền Belarus đã chúc mừng Ales Bialiatski. Bà đã viết trên Twitter “Giải thưởng Nobel là một công nhận quan trọng đối với tất cả người dân Belarus đấu tranh cho tự do và dân chủ. Tất cả những tù nhân chính trị phải được thả ngay”.

Chủ Tịch Hội Đồng Chung Châu Âu, Ursula von der Leyen đã tán thưởng, ca ngợi “Lòng can đảm vượt bực của những người đấu tranh chống lại chuyên quyền, độc tài”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã Tweet “Giải Nobel Hòa Bình đã vinh danh những người đấu tranh cho nhân quyền ở Châu Âu. Những nghệ nhân của Hòa bình, họ biết rằng họ luôn được sự ủng hộ nồng nhiệt của người dân Pháp”.

Cũng có dự đoán rằng hội đồng chấm giải Nobel sẽ quan tâm chú trọng đến sự xâm lăng của Nga tại Ukraine, nhưng âm vang của cuộc chiến tranh này vẫn ảnh hưởng đến nền an ninh và sự ổn định của cộng đồng thế giới.

Nhưng đối với những người lãnh đạo quân sự trên chiến trường như tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky thì khó có hy vọng để giải quyết cuộc chiến tranh xung đột qua một thương lượng cho hòa bình trong một tương lại gần.

Theo ông Dan Smith, giám đốc của viện nghiên cứu về Hòa BìnhThế Giới: “Hội đồng trao giải Nobel Hòa Bình đã muốn gởi một thông điệp về tầm quan trọng  của – tự do chính trị – tự do dân quyền – những hoạt động xã hội tích cực –  phải được công nhận và bảo vệ, đó là những điều cần thiết để có được nền hòa bình trong xã hội”. 

Chiến tranh Ukraina : Nga trả đũa Kiev, ồ ạt nã tên lửa vào nhiều thành phố Ukraina

Nhiều xe hơi trên đường phố Kiev, Ukraina, bốc cháy sau khi trúng tên lửa của Nga, ngày 10/10/2022. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO 

Chính quyền Kiev hôm nay, 10/10/2022, cho biết nhiều thành phố của Ukraina đã bị oanh kích. Thủ đô Kiev, lần đầu tiên từ ba tháng qua cũng đã bị nhắm đến. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tố cáo Nga tìm cách « xóa sổ » Ukraina trên bản đồ thế giới.  

Hai ngày sau vụ nổ đánh sập một phần cầu Crimée, nối liền Nga với bán đảo bị chiếm đóng và sáp nhập vào Nga năm 2014, quân đội Nga đã phóng tổng cộng 75 tên lửa nhắm vào nhiều thành phố Ukraina, trong số này có 41 hỏa tiễn đã bị bắn chặn, theo như tuyên bố của tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina Valerii Zaloujnii trên mạng Telegram. 

Tổng thống Zelensky cho biết thêm là Nga đã sử dụng « drone chiến đấu » và nhắm bắn vào các cơ sở năng lượng của Ukraina, nhằm mục đích « gây hỗn loạn và xáo trộn ». Trong đoạn video đăng trên các trang mạng xã hội, tổng thống Ukraina tố cáo các cuộc tấn công bằng « hàng chục tên lửa » và drone Shahed của Iran nhắm vào nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây. Thủ đô Ukraina cũng bị oanh kích, làm 5 người chết ở thủ đô và 12 người khác bị thương. 

Từ Kiev, thông tín viên đài RFI, Stephane Siohan cho biết thêm :  

« Đây là lần đầu tiên trung tâm thủ đô Kiev bị trúng tên lửa, ngay giữa lòng thủ đô. Nhiều tên lửa đã rớt xuống phố Volodymyrska, một trong những trục lộ chính của thủ đô nằm giữa đại học quốc gia và nhà hát kịch Opera. Nhiều xe ô tô đã bốc cháy, hiện chưa có con số thương vong chính xác từ chính quyền, nhưng dường như đã có bốn vụ nổ tại trung tâm thành phố. 

Những vụ nổ này còn tiếp diễn khoảng gần một tiếng và hai tiếng nổ khác cũng được nghe thấy ở phía tả ngạn của thành phố, và một nhà máy sản xuất điện nằm bên bờ sông Dniepr đã bị dội bom. Nhiều thành phố khác cũng bị oanh kích. Trong đêm, nhiều cuộc pháo kích ồ ạt đã đổ xuống Zaporijjia. Sáng nay, người ta còn đưa tin nhiều tên lửa đã nã xuống thành phố Dnipro, trung đông Ukraina. Một điểm mới là nhiều thành phố cho đến giờ vẫn nằm xa chiến tuyến, ở phía tây như Lviv, Ternopil dường như cũng bị tấn công, theo thông tin từ phủ tổng thống.  

Dường như Nga bắt đầu trả đũa vụ tấn công nhắm vào cầu Crimée. Ngày hôm nay hứa hẹn sẽ rất nóng bỏng tại Ukaina trước khi có cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại Nga. » 

Thị trưởng thành phố Lviv, Andrii Sadovii hôm nay cho biết « một phần thành phố giờ không có điện » và hệ quả là « không có nước nóng », sau khi thành phố bị trúng một tên lửa của Nga.

Đài Loan mừng Quốc khánh với nhiều thách thức 

Thứ Hai là ngày Quốc khánh ở Đài Loan. Khẩu hiệu của năm nay là “cùng nhau bảo vệ lãnh thổ của chúng ta”: một chủ đề rất phù hợp với các diễn biến căng thẳng dai dẳng ở eo biển Đài Loan. Hồi tháng 8, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm hòn đảo và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Đài Loan. Trung Quốc đáp trả bằng các cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng phong tỏa hòn đảo, mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ.

Tổng thống Thái Anh Văn muốn cho thấy Đài Loan sẽ không khuất phục trước lời đe dọa của Trung Quốc. Chính phủ bà đã tiếp tục chào đón các phái đoàn từ Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản cũng như các quốc gia thân thiện khác. Họ cũng tăng chi tiêu quốc phòng và đang cân nhắc mở rộng luật nghĩa vụ quân sự. Song thăm dò dư luận cho thấy người dân không tin tưởng vào khả năng phòng thủ của Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công. Các nhóm phi chính phủ đã đề nghị được đào tạo dân phòng, nhưng tầm ảnh hưởng của họ không lớn. Ngày Quốc khánh là một cơ hội để tăng cường lòng quyết tâm của công chúng.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc xem xét nghị quyết về việc Nga sáp nhập lãnh thổ

Vào thứ Hai, cuộc chiến ngoại giao về Ukraine sẽ bước vào phòng họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khi các đại biểu tranh luận về một nghị quyết của phương Tây lên án việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine và yêu cầu nước này rút khỏi các lãnh thổ chiếm đóng. Nga đã phủ quyết một nghị quyết tương tự của Hội đồng Bảo an vào tháng trước. Dù Nga không thể làm vậy trong Đại Hội đồng, các nghị quyết của cơ quan này không có giá trị ràng buộc. Thay vào đó, cuộc bỏ phiếu — có thể diễn ra vào thứ Tư — là nhằm cô lập Điện Kremlin.

Liên tiếp bị bẽ mặt tại LHQ, Nga muốn bỏ phiếu kín. Nhưng phương Tây cũng lo ngại. Họ từng dàn xếp được một cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 141-5 hồi tháng 3, song giờ đây nhiều nước đã mệt mỏi với cuộc chiến.

Tuần này, sự chú ý sẽ đổ dồn vào các nước còn trung lập, trong đó có nhiều quốc gia nghèo và những nước như Brazil, Trung Quốc, Gabon hay Ấn Độ, vốn đều bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an. Nhận được ít hơn 100 phiếu thuận — số phiếu lên án Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 — sẽ không phải là tin tốt cho Ukraine.

IMF và Ngân hàng Thế giới họp thường niên

Các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới sẽ tề tựu về Washington vào thứ Hai cho một tuần họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xấu đi đáng kể.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm tiêu tan hết quan điểm lạc quan thận trọng của năm ngoái. Dẫn đầu chương trình nghị sự sẽ là cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao. Các dự báo mới của IMF có khả năng cho thấy các nền kinh tế chiếm ít nhất một phần ba sản lượng toàn cầu sẽ sớm suy thoái. Giám đốc điều hành của IMF Kristalina Georgieva đã nói các rủi ro địa chính trị và tài chính có nghĩa là nhiều khả năng tình hình sẽ càng xấu đi.

Những người tham dự sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác chống lạm phát và giảm nợ, nhằm giảm thiệt hại cho những nước dễ bị tổn thương nhất. Với thực tế khắc nghiệt của chiến tranh, đó là tất cả những gì họ có thể làm.

Châu Âu chuẩn bị các phương án năng lượng cho mùa đông

Khi mùa đông đến gần, mọi con mắt ở châu Âu sẽ đổ dồn vào nguồn cung khí đốt của lục địa và liệu có thể làm gì để giảm bớt phụ thuộc vào Nga. Các cơ sở dự trữ gần như đều đầy. Nhưng Đức thiếu năng lực nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Vào thứ Hai, một đường ống được cải tạo nối từ Pháp sẽ mở cửa, giúp cung cấp khoảng 4000 GWh mỗi tháng — khoảng 3% nhu cầu của Đức trong một tháng mùa đông điển hình.

Liệu bấy nhiêu có đủ hay không còn phụ thuộc vào thời tiết và sự sẵn sàng của người Đức. Cơ quan quản lý mạng lưới khí đốt của đất nước đã kêu gọi các hộ gia đình cắt giảm để tránh phải đi đến giới hạn lượng gas tiêu thụ. Các nước láng giềng phía đông và phía nam của Đức, bao gồm cả Ukraine, cũng sẽ phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây. Một cảng nhập khí đốt mới ở Hà Lan đã bắt đầu nhận hàng để lấp đầy các đường ống đi về phía đông. Nhưng khí đốt sẽ vẫn khan hiếm ở Trung và Đông Âu. Châu Âu rất mong chờ một mùa đông không quá lạnh.

Putin cáo buộc Ukraine phá hoại cầu Crimea và gọi đó là khủng bố.

VNTB – Putin cáo buộc Ukraine phá hoại cầu Crimea và gọi đó là khủng bố.

KYIV, ngày 10 tháng 10 (Reuters) – Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine dàn dựng cái mà ông ta gọi là một cuộc tấn công khủng bố trên một cây cầu quan trọng nối liền Nga và Crimea, khi ông ta chuẩn bị tổ chức cuộc họp hội đồng an ninh của mình vào thứ Hai.

– Không còn nghi ngờ gì nữa, Đây là hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng”, Putin nói hôm Chủ nhật trong một video trên kênh Telegram của Điện Kremlin.

“Điều này do các cơ quan đặc biệt của Ukraina nghĩ ra, thực hiện và ra lệnh.”

Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Dmitry Medvedev nói trước cuộc họp hôm thứ Hai rằng Nga nên tiêu diệt “những kẻ khủng bố” chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.

“Nga chỉ có thể đáp trả tội ác này bằng cách trực tiếp giết chết những kẻ khủng bố, như ở những nơi khác trên thế giới. Đây là điều mà công dân Nga mong đợi,” hãng tin nhà nước Tass dẫn lời Medvedev.

Một vụ nổ hôm thứ Bảy trên cây cầu qua eo biển Kerch, một tuyến đường cung cấp chính cho quân Moscow ở miền nam Ukraine, khiến quan chức Ukraine đưa ra những thông điệp vui vẻ nhưng không có tuyên bố trách nhiệm.

Cây cầu cũng là một động mạch sống của cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga, cũng như một biểu tượng của việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 của Nga.

Cây cầu bị thiệt hại trong khi Nga đang gặp thất bại trên chiến trường và mối lo ngại ngày càng tăng rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Putin nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga đều có thể gây ra sự đáp trả bằng hạt nhân.

Hôm Chủ nhật Putin đã gặp Alexander Bastrykin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Nga. Bastrykin đã trình bày những phát hiện của một cuộc điều tra về những gì ông ta nói là vụ nổ xe và vụ cháy sau đó trên cầu.

Bastrykin cho biết chiếc xe đã đi qua Bulgaria, Georgia, Armenia, Bắc Ossetia và vùng Krasnodar của Nga trước khi đến cây cầu. Trong số những người đã giúp các cơ quan đặc biệt Ukraine chuẩn bị có “công dân của Nga và nước ngoài”, Bastrykin nói thêm trong video trên kênh Telegram của Điện Kremlin.

Oleksandr Kovalenko, một nhà phân tích quân sự và người đứng đầu trang web Thông tin Phản kháng, nói với  Espreso TV, một đài truyền hình kỹ thuật số nổi tiếng ở Ukraine, rằng Nga có thể tăng cường tấn công vào các mục tiêu dân sự sau vụ nổ trên cầu Crimea.

“Điều này có lẽ có nghĩa là các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các khu vực biên giới – vùng Sumy và Chernihiv. Cũng có thể có nghĩa là sử dụng tên lửa Shahed-136 và máy bay không người lái Shahed-136 (do Iran chế tạo) để đánh sâu hơn nữa vào lãnh thổ Ukraine,” ông nói.

Hình ảnh cho thấy một phần đường xe chạy trên cây cầu bị thổi bay, mặc dù các phần đường sắt và một phần đường bộ đã hoạt động trở lại.

Hãng tin RIA dẫn lời Bộ Giao thông vận tải Nga cho biết gần 1.500 người và 162 tàu hàng nặng phải đi phà qua eo biển Kerch kể từ khi vụ nổ xảy ra.

Putin đã mở cây cầu dài 19 km (12 dặm) nối Crimea với Nga với sự hâm mộ lớn vào năm 2018.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết các lực lượng của họ ở miền nam Ukraine có thể được “cung cấp đầy đủ” thông qua các tuyến đường trên bộ và trên biển hiện có.

TẤN CÔNG MỚI VÀO ZAPORIZHZHIA

Đạn xuyên đêm đã phá hủy một tòa nhà chung cư ở thành phố Zaporizhzhia, gây thương tích, Thống đốc khu vực Oleksandr Starukh cho biết vào đầu ngày thứ Hai.

Các cuộc tấn công trước bình minh là cuộc tấn công thứ ba như vậy trong khu vực trong vòng bốn ngày. Một cuộc tấn công trong một căn hộ trong thành phố vào Chủ nhật làm ít nhất 13 người chết và 87 người khác bị thương, bao gồm 10 trẻ em, theo quan chức Ukraine.

Máy bay Nga đã phóng ít nhất 12 tên lửa trong cuộc tấn công hôm Chủ nhật, phá hủy một phần khối căn hộ chín tầng, san bằng năm tòa nhà dân cư khác và làm hư hại nhiều tòa nhà khác, Starukh cho biết trên truyền hình nhà nước.

Người bị thương có cả 11 trẻ em, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói và lên án vụ tấn công là “vô cùng xấu xa”.

“Đây là một đòn có chủ ý. Bất cứ ai ra lệnh và bất cứ ai thực hiện đều biết mục tiêu của họ là gì,” ông nói trong một video.

Thành phố Zaporizhzhia, cách nhà máy điện hạt nhân do Nga nắm giữ khoảng 52 km (30 dặm), thường xuyên bị bắn phá trong những tuần gần đây, với 19 người thiệt mạng vào thứ Năm.

Nhân viên cấp cứu và lính cứu hỏa đã giăng dây quanh tòa nhà chín tầng và đào bới tìm những người sống sót và thương vong trong đống đổ nát của một phần trung tâm khổng lồ đã sụp đổ sau vụ tấn công hôm Chủ nhật.

Vladimir Rogov, một quan chức trong chính quyền do Nga ở Zaporizhzhia, nói quân Ukraine nã đạn vào thành phố vì “mục đích tuyên truyền”.

Hầu hết khu vực Zaporizhzhia, như cả nhà máy hạt nhân, đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai. Thủ phủ của khu vực, thành phố Zaporizhzhia, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Nga phủ nhận vụ tấn công nhằm vào dân thường.

 

MỸ TIẾP TỤC TRANG BỊ VŨ KHÍ CHO UKRAINE

Nhà Trắng hôm Chủ nhật đã từ chối bình luận trực tiếp về vụ nổ cầu nhưng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Kyiv yêu cầu quân Nga rời khỏi Biển Đen, cũng như lãnh thổ Ukraine mà người Nga đã chiếm được trong cuộc xâm lược Putin phát động hồi tháng Hai.

Ukraine đã chiếm lại hơn 1.170 km vuông (450 dặm vuông) đất ở khu vực phía nam Kherson kể từ khi bắt đầu phản công lại vào cuối tháng 8, một phát ngôn viên quân sự cho biết hôm Chủ nhật.

Ukraina đã thành công chớp nhoáng với cuộc tấn công ở phía đông bắc, nhưng động lực nhằm xóa sổ quân Nga ở phía nam khỏi  bờ tây rộng lớn của sông Dnipro rộng lớn lại chậm hơn.

_______________

Nguồn:

Reuters – Putin accuses Ukraine of Crimea bridge blast, calls it terrorism – 10/10/2022

https://www.reuters.com/world/europe/russias-ria-state-agency-reports-fuel-tank-fire-kerch-bridge-crimea-2022-10-08/

TT Nga Putin ra lệnh tăng cường an ninh bảo vệ cầu nối bán đảo Crimée

Trực thăng chữa cháy sau vụ nổ trên cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimée ngày 08/10/2022. AP 

Một ngày sau khi xảy ra một vụ nổ khiến một đoạn cầu Kertch nối liền bán đảo Crimée với lãnh thổ Nga bị sập và làm 3 người chết, ai là tác giả gây ra vụ nổ vẫn là một ẩn số. Phía Nga đang nỗ lực để khôi phục tuyến đường sớm nhất có thể, bảo đảm lưu thông từ Nga đến Crimée bằng đường bộ và đường sắt. Tổng thống Vladimir Putin hôm qua 08/10 yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh cho cầu Kertch. 

Trong khi đang tiến hành điều tra, Matxcơva quy trách nhiệm cho Ukraina. Trái lại, cố vấn Mykhaïlo Podoliak của tống thống Ukraina Volodymyr Zelensky lập luận rằng chiếc xe tải phát nổ trên cầu trước đó đã khởi hành từ trong lãnh thổ Nga, nên rõ ràng đó là do phía Nga gây ra, có thể bắt nguồn từ « cuộc đấu đá nội bộ » trong chính quyền Matxcơva.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết :

« Tối thứ Bảy, tổng thống Volodymyr Zelensky đã gợi nhắc, một cách đầy ẩn ý, đến tiết trời thu ấm áp kéo dài ở Ukraina, nhưng vẫn có những đám mây trên vùng trời bán đảo Crimée. Ông muốn ám chỉ việc cây cầu bị phá hủy một phần, dù không nêu thẳng ra sự việc. 

Thế nhưng, mọi người cũng đều hiểu rằng tổng thống Ukraina đã chỉ ra rằng đó mới chỉ là bước khởi đầu, và từ nay giành lại Crimée là một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến. Một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống Zelensky đã nói : « Mọi thứ phi pháp đều phải bị phá hủy, những gì bị đánh cắp từ Ukraina phải được trả lại Ukraina ».

Nhìn chung, các nhà bình luận chính trị thấy rằng Crimée không còn là một thánh địa bất khả xâm phạm. Nếu cây cầu đã bị tấn công một lần thì sẽ có thể sẽ lại bị tấn công lần nữa. Cách nay không lâu, một phi trường quân sự gần Sébastopol cũng đã hứng chịu các vụ oanh kích.  

Chủ Nhật (09/10), giao thông đường bộ và đường sắt trên cầu đã được phục hồi một phần, nhưng Ukraina giờ đây đã hiểu rằng họ có thể cắt đứt tuyến đường chính của Nga để tiếp viện thiết bị và nhiên liệu tới vùng Kherson. 

Giờ đây, chiến tranh cũng là cuộc chiến cân não và chơi bài bài xì tố. »

Thay chỉ huy « Chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina 

Vụ nổ trên cầu nối với bán đảo Crimée được xem như một thất bại biểu tượng về chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong bối cảnh quân Nga đã gánh chịu hàng loạt thất bại trên trận địa Ukraina trong những ngày qua, Matxcơva hôm 08/10 đã thay tướng chỉ huy « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina. Sergueï Sourovikine, 55 tuổi, từng tham chiến ở Tadjikistan, tham gia 2 cuộc chiến ở Tchetchenia và chỉ huy quân Nga trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria. Sourovikine là viên tướng nổi tiếng với chủ trương sẵn sàng dùng tên lửa tấn công các các cơ sở hạ tầng dân sự.

Cảnh sát Đức: Không có dấu hiệu nước ngoài đứng sau vụ phá hoại đường sắt 

Reuters 

Một quầy bán vé của Deutsche Bahn (DB) ở Frankfurt, Đức (ảnh tư liệu)

Một quầy bán vé của Deutsche Bahn (DB) ở Frankfurt, Đức (ảnh tư liệu) 

Cảnh sát Đức cho biết không loại trừ động cơ chính trị trong vụ phá hoại hệ thống cáp thông tin liên lạc trên mạng lưới đường sắt của Đức hôm thứ Bảy nhưng không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự can dự nào của nước ngoài hoặc khủng bố.

Một phát ngôn viên của văn phòng cảnh sát hình sự Berlin hôm Chủ nhật cho biết vẫn đang điều tra vụ phá hoại dây cáp thông tin tín hiệu ở Berlin và Herne ở North-Rhine Westphalia (NRW), khiến mọi hoạt động giao thông đường sắt ở miền bắc nước Đức bị ngưng trệ trong khoảng 3 giờ hôm thứ Bảy.

Cảnh sát liên bang Đức đã bàn giao vụ việc cho cơ quan cảnh sát hình sự Berlin và NRW.

Đây không phải là lần đầu tiên có các cuộc tấn công – vốn thường liên quan đến các phần tử cực đoan cánh tả - vào hệ thống liên lạc của nhà điều hành đường sắt nhà nước Deutsche Bahn, mặc dù đây là vụ lớn nhất trong những năm gần đây.

Lo ngại về các vụ tấn công có chủ đích nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và xảy ra các cuộc tấn công vào đường ống dẫn nhiên liệu Nord Stream.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét