Mai Luân
Gửi BBC News Tiếng Việt từ TP. HCM
02.11.2022
Nguồn hình ảnh, TTXVN
Chụp lại hình ảnh,
TBT Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 01/11
Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng Trọng sang Trung Quốc từ 30/10 đến 1/11/2022 khép lại bằng bản “Tuyên bố chung Việt – Trung” dài trên 6000 từ, với tầm bao quát rộng lớn của 13 nội dung làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược hai nước.
Muốn được cuốn vào Vành đai và Con đường?
Tại điểm (1) trong nội dung thứ 7 của Tuyên bố chung, hai bên “nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ ‘Hai hành lang, một vành đai’ với ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’” (BRI).
BRI bị đánh giá là một chiến lược đang thất bại trên toàn cầu. Theo thiển ý, giờ mà Việt Nam còn gắn đường lối phát triển vào chiến lược ấy thì có thể đoán trước được tương lai. Nếu ai đó còn bán tin bán nghi thì chuẩn bị xem các diễn tiến tới đây xung quanh vụ Đường sắt trên cao Hà Nội – Hà Đông sẽ hiểu rõ tình trạng đầu tư hạ tầng của Trung Quốc ở Việt Nam.
Điểm (12) vẫn trong nội dung thứ 7 của Tuyên bố chung khẳng định, “Phía Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), theo nội dung và cách thức phù hợp, nỗ lực cùng các bên góp phần thực hiện Chương trình phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc."
Liền kề với GDI ở trên, văn kiện cũng nói rõ, “Việt Nam ghi nhận tích cực Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc (GSI) trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc."
Được biết, tại Đại hội XX, ông Tập Cận Bình đã đề cao hai khái niệm cốt lõi tạo nên “Đại An ninh”, gồm sáng kiến phát triển và sáng kiến an ninh toàn cầu.
Mặc dầu Việt Nam cam kết sẽ tham gia cả hai với những điều kiện ràng buộc. Đó là tham gia có chọn lọc, theo cách thức phù hợp và đánh giá cụ thể trên cơ sở mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Nhưng ai cũng biết, thông qua GDI và GSI, ông Tập đã hàm ý đưa ra phương pháp duy trì lợi thế cạnh tranh với Mỹ và theo đuổi một trật tự thế giới phục vụ cho lợi ích và giá trị của Trung Quốc.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản TQ đang bước vào một thời kỳ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, theo cách có hại cho Mỹ và phương Tây. Trung Quốc muốn hợp pháp hóa “chủ nghĩa phi tự do” trong quá trình áp dụng mô thức này. Đây cũng là những bất đồng cơ bản giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các mô hình quản trị đất nước, về các vấn đề thực tiễn trong thương mại và luật pháp quốc tế.
Việt Nam từng tuyên bố không chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vậy việc TBT Nguyễn Phú Trọng cam kết đưa đất nước đi theo Vành đai & Con đường của TQ, “ủng hộ và sẵn sàng tham gia” Sáng kiến Phát kiểu kiểu Trung Quốc, đồng thời “ghi nhận tích cực” Sáng kiến An ninh Toàn cầu kiểu Trung Quốc chỉ là một chiến thuật làm đẹp cho lần chuyến công du vừa qua, hay là một sự quy phục Trung Quốc gần như tuyệt đối?
Những người bi quan khi đọc hai văn bản ngoại giao được biên soạn công phu nói trên thì đoán rằng, với một Việt Nam chuyển hướng như thế, Tổng thống Joe Biden chắc sẽ không thăm Việt Nam kỳ này.
TBT Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị tiền đề để đón ông theo tình thần bài xã luận trên đường link của ĐCSVN.
Những người am hiểu văn hóa chính trị Hoa Kỳ, và lạc quan lịch sử có thể nghĩ hơi khác.
Tính thực dụng của người Mỹ có thắng thế?
Một quan chức cao cấp từ Bộ Ngoại giao Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính, nói với người viết bài này rằng, cũng giống như lãnh đạo Trung Quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ rất am hiểu não trạng của “elite chính trị” ở Việt Nam.
Câu cửa miệng của dân Sài Gòn phản ánh suy nghĩ của họ về “các bậc phụ mẫu”, “nói dzậy nhưng không phải dzậy!” Thậm chí, lướt nhanh gần 10 vạn từ của cả hai văn bản, anh cười buồn, “toàn là thứ ngôn ngữ ngoại giao vô thưởng vô phạt”.
Quan chức ấy nói với tôi rằng chưa nên phê phán “ngoại giao cây tre” vội. Thì chính Nhà nước từng tuyên bố rổn rảng, muốn làm bạn với tất cả, và gặp ai, chính phủ mình cũng tuyên bố, coi họ là “đối tác hàng đầu…”.
Liệu chính giới từ Thủ đô Washington DC. cũng đủ các tính toán thực dụng để chia sẻ với Hà Nội? Chờ một vài ngày nữa chắc chúng ta sẽ có những tín hiệu tuy có thể lẫn lộn về cách đánh giá vị thế địa-chính trị của Việt Nam.
Thật ra, vị thế “swing state” (quốc gia chiến địa) của VN muôn đời vẫn thế. “Có cứng mới đứng được đầu gió!” Vấn đề là, trong thời buổi nhiễu nhương hiện nay, lượng định “sức nặng” của vị thế ấy như thế nào, thì lại tùy theo viễn kiến của các giới cầm quyền.
Cái thời buổi mà chính Chủ tịch Tập cũng đã nói với TBT Trọng hôm thứ Hai đầu tuần (31/10) rằng, cả hai nước và hai Đảng Cộng sản “không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp” vào tiến trình của đôi bên, theo tin của đài truyền hình nhà nước CCTV (Trung Quốc). Chắc vì lý do tế nhị, câu này không tìm thấy trên các bản tin của TTXVN.
Phát biểu tại lễ tiếp đón TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Tập nhấn mạnh: “Hai ĐCS Trung Quốc và Việt Nam cần kiên định hành động vì hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại, đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả nguồn lực của mình, và không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta”.
Trả lời BBC News Tiếng Việt gần đây, GS. Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cho rằng chuyến đi vừa qua của ông Trọng sang Trung Quốc là một thử thách cho chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam nhằm lèo lái theo sự hỗn loạn của nền chính trị thế giới, có lẽ nghiêm trọng hơn bất kỳ hỗn loạn địa-chính trị nào khác trong 30 năm qua.
Theo một nguồn tin từ Mỹ, TT Biden vẫn có thế ghé qua VN trong những tuần sắp tới. Thậm chí theo giới nghiên cứu, nếu Hà Nội phải “cúi đầu” trước sức ép của Nga và Trung Quốc trong khi cố gắng duy trì sức bật để có thể giật ngược trở lại trong tương lai.
Người Trung Quốc biết rõ việc này, như lời Nian Peng, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu châu Á ở Bắc Kinh viết trên The Diplomat hôm 29/10:
“Tổng thống Joe Biden được chờ đợi sẽ thăm VN trong thời gian dự các cuộc họp đa phương ở Đông Nam Á trong tháng 11, gồm G-20, Thượng đỉnh Đông Á và Thượng đỉnh APEC. Ông Trọng cần phải thăm TQ trước chuyến thăm của ông Biden, để thuyết phục TQ rằng quan hệ Trung-Việt vẫn là ưu tiên của ngoại giao VN...”
Theo cách tiếp cận này, Việt Nam đã đáp lại lời thúc giục của Washington nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” với lời hứa, sẽ thực hiện khi thiên thời, địa lợi.
Tức là vẫn có một cơ hội để Việt Nam đưa các tiến triển khá thực chất trong quan hệ với Hoa Kỳ lên một tầm cao mới. Ở một mặt nào đó, hai Đảng Cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam cứ “ngày càng thân”, còn chính quyền, nền kinh tế và xã hội cũng cứ ngày càng hướng về Hoa Kỳ và phương Tây, Nhật, Hàn... thêm phần chặt chẽ.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét