Võ Thái Hà tổng hợp
Ukraine nói sẽ chỉ đàm phán với Nga sau khi ông Putin mãn nhiệm
Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra của họ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mãn nhiệm, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Hai, theo tờ Newsweek đưa tin.
Hơn tám tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, các cuộc đàm phán tiếp tục bị đình trệ khi lãnh đạo của cả Nga và Ukraine đều đặt ra những điều khoản khác nhau cho đàm phán, mà dường như bên kia sẽ không thực hiện được.
Hôm thứ Hai, ông Mykhailo Podolya, cố vấn của Tổng thống Zelensky, đã tweet rằng Ukraine “không bao giờ từ chối đàm phán” để chấm dứt xung đột, nhưng sẽ chỉ đàm phán sau khi Nga rút quân khỏi toàn bộ Ukraine.
Ông Podolya cho biết ông không tin rằng Tổng thống Nga Putin đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình một cách công bằng, ám chỉ cuộc đàm phán có thể sẽ không diễn ra cho đến khi ông Putin không còn là nhà lãnh đạo của Nga. Mặc dù ông Putin đang đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng về việc quân đội của ông không đạt được các mục tiêu quan trọng ở Ukraine, nhưng cho đến nay không thấy dấu hiệu của bất kỳ kế hoạch từ chức nào.
“Putin đã sẵn sàng chưa?” ông Podolya viết. “Rõ ràng là chưa. Vì vậy, chúng tôi đưa ra đánh giá mang tính xây dựng: chúng tôi sẽ nói chuyện với nhà lãnh đạo tiếp theo của [Liên bang Nga].”
Phát biểu trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nêu rõ các điều kiện của Moscow để bắt đầu đàm phán vào ngày 30 tháng 10.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Điện Kremlin “luôn sẵn sàng lắng nghe các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi nếu họ đưa ra yêu cầu khác để tổ chức một cuộc đàm phán.” Nhưng ông nói thêm rằng phương Tây sẽ cần phải “tính đến đầy đủ các lợi ích của Liên bang Nga và an ninh của họ” và “cung cấp cho chúng tôi một số cách tiếp cận nghiêm túc, giúp xoa dịu căng thẳng.”
Cùng ngày hôm đó, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào sẽ phải bắt đầu với Hoa Kỳ. Tuần trước, ông Putin nói rằng “các điều kiện cần thiết” có thể có để bắt đầu các cuộc đàm phán, nhưng Ukraine đang “từ chối thảo luận bất cứ điều gì” với Moscow.
Ngân Hà (theo Newsweek)
Ngoại trưởng Ấn – Nga gặp song phương
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow vào thứ Ba. Hai bên sẽ nói chuyện trong không khí thân mật. Thương mại hai chiều đã tăng vọt và dự kiến vượt 30 tỷ USD trong năm tới, về đích hai năm trước mục tiêu ban đầu. Ấn Độ hiện là một trong những khách hàng chính của dầu Nga, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Họ đồng thời là một trong những nước mua nhiều vũ khí Nga nhất.
Hồi tháng 9, sau nhiều tháng im lặng, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối cùng cũng công khai bình luận về cuộc xâm lược Ukraine của tổng thống Vladimir Putin. Ông nói, “Giờ không phải là thời đại của chiến tranh,” và rằng cần có “dân chủ, ngoại giao và đối thoại.” Nhưng mặc dù tuyên bố “vô cùng lo lắng,” Ấn Độ đã nhiều lần bỏ phiếu trắng về các nghị quyết lên án chiến tranh của Liên Hợp Quốc. Đổi lại, ông Putin đã ca ngợi ông Modi là một “người yêu nước vĩ đại” và tán thành khả năng “theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập” của ông.
Thế giới có cần đến các hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu như COP27 hay không?
Hội nghị Quốc tế chống Biến đổi Khí hậu COP27, phiên khai mạc ngày 06/11/2022, tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. AP - Peter Dejong
Hữu ích hay vô dụng? Câu hỏi này lại tiếp tục được đặt ra vào lúc hàng chục ngàn đại biểu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tề tựu về thành phố ven biển Sharm el-Sheikh tại Ai Cập để tham dự COP27 (tức hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công Ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu), mở ra ngày 06/11/2022 và sẽ kéo dài trong hai tuần.
Đối với giới hoài nghi, chủ yếu là các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, rõ ràng là các COP liên tiếp mở ra hàng năm từ gần 30 năm nay là những sự kiện vô ích so với mục tiêu đề ra là đối phó hữu hiệu với đà hâm nóng của Trái Đất.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu hay đại diện các chính phủ quan tâm đến môi trường và sinh thái, dù không mang lại hiệu quả 100%, cơ chế này rất cần thiết để đánh động công luận, và nhất là cung cấp một diễn đàn để cho tiếng nói các nước nghèo bị biến đổi khí hậu tàn phá được lắng nghe.
COP vô ích
“Lề mề, phức tạp, cồng kềnh, không hiệu quả”, đây chính là những từ ngữ thường được giới đấu tranh bảo vệ môi trường dùng đến khi đánh giá về kết quả các hội nghị về khí hậu. Một ví dụ điển hình lời phê phán mới đây của cô gái Thụy Điển Greta Thunberg, đã cho rằng các hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc chỉ là “những cỗ máy tẩy xanh (greenwashing)… không thực sự có mục tiêu thay đổi hệ thống”.
Đối với nhiều người, COP hầu như không mang lại kết quả gì. Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng 45% kể từ đầu những năm 1990, sự đa dạng sinh học giảm đi trong khi đà nóng lên toàn cầu tăng nhanh gây ra các đợt nắng nóng đổ lửa, các đám cháy tàn khốc và lũ lụt lịch sử.
Tệ hơn nữa, các cam kết của các quốc gia không được thực hiện. Được ký kết vào năm 2015 nhân hội nghị COP21, Thỏa Thuận Paris, dự kiến hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 ° C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không hề được tôn trọng. Với các chính sách hiện tại, một thảm họa tăng thêm 2,8°C đang xuất hiện.
Trong tình hình đó, theo nhận định của đài truyền hình France 24, COP27 lần này khó có thể đảo ngược xu thế trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng buộc nhiều nước phải trở lại với các nguồn nhiên liệu gây ô nghiễm nặng nề, và căng thẳng giữa hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh là Trung Quốc và Mỹ khiến cho việc phối hợp hành động gặp trở ngại.
COP vẫn có ích
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù không nên mong đợi một phép màu vào những kỳ hội nghị COP, nhưng sự kiện này vẫn hữu ích trên nhiều khía cạnh.
Theo ông Clément Sénéchal, giám đốc chiến dịch khí hậu cho tổ chức phi chính phủ Greenpeace, các hội nghị khí hậu quốc tế là diễn đàn hiếm hoi nơi các nước dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, thường là nghèo nhất, có được tiếng nói ngang hàng với các quốc gia phát triển. Nhà quan sát này nhấn mạnh: “Đây là diễn đàn đa phương duy nhất mà cuộc đối thoại này thực sự diễn ra”. Mặt trái: các quyết định được thông qua với thể thức nhất trí. "Mỗi quốc gia có quyền phủ quyết, vì vậy kết quả thường là mẫu số chung thấp nhất."
Sébastien Treyer, giám đốc Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế (IDDRI) cũng nhận định: “Diễn đàn đa phương không hoàn hảo nhưng đó là cái tốt nhất mà chúng ta có". Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc "đưa ra các thỏa thuận ở cấp độ cao nhất" để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái.
Huy động xã hội dân sự, nâng cao nhận thức của dư luận, các COP cũng có lợi ích trong việc tạo ra một luồng dư luận xoay quanh các vấn đề khí hậu giữa các quốc gia rất khác nhau.
Khả năng có bồi thường thiệt hại cho biến đổi khí hậu là rất nhỏ
Thứ Ba này Gaston Browne, thủ tướng của Antigua và Barbuda, sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP27 đang diễn ra ở Sharm el-Sheik, Ai Cập. Trên tinh thần thay mặt cho Liên minh các đảo quốc nhỏ, một nhóm các nước phải chịu thiệt hại nhiều nhất do nhiệt độ tăng và nước biển dâng, ông Browne sẽ nhấn mạnh vào nhu cầu tài chính đặt ra cho họ để có thể đối phó hiệu quả.
Tiền bạc là trọng tâm của hội nghị năm nay. Các nước giàu từ lâu đã hứa cung cấp cho các nước nghèo 100 tỷ đô la tài chính khí hậu mỗi năm bắt đầu từ 2020 — một mục tiêu vẫn chưa đạt được. Các nước nghèo ngày càng lên tiếng kêu gọi các khoản tiền “tổn thất và thiệt hại” để giúp bù đắp cho thiệt hại của biến đổi khí hậu. Năm nay là lần đầu tiên chủ đề này có trong chương trình nghị sự chính thức, sau khi tranh cãi nảy lửa xoay quanh nó khiến hội nghị phải hoãn khai mạc suốt nhiều giờ đồng hồ. Nhưng các nền kinh tế lớn như Mỹ không muốn bồi thường, do đó bất kỳ giải pháp nghiêm túc nào vẫn rất xa vời.
Tesla đóng cửa cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc
Cửa hàng bán lẻ xe điện Tesla tại Bắc Kinh. (Nguồn: Robert Way/ Shutterstock)
Mới đây, Reuters dẫn lời 2 nguồn tin xác nhận rằng Tesla đã đóng cửa trung tâm triển lãm bán hàng đầu tiên ở Trung Quốc. Theo báo cáo, Tesla đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược bán hàng và dịch vụ của mình tại Trung Quốc. Tin tức trên khiến dư luận dấy lên rất nhiều đồn đoán.
Tesla đóng cửa cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc
Tối ngày 2/11, Tesla đã lặng lẽ đóng cửa cửa hàng triển lãm của mình ở Parkview Green, khu mua sắm cao cấp ở trung tâm Bắc Kinh. Về vấn đề này, Tesla đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters.
Trung tâm bán hàng Bắc Kinh mở cửa vào năm 2013, với tư cách là cửa hàng đầu tiên của Tesla tại Trung Quốc, được cải tạo vào năm 2018 và mở rộng chiếm 2 tầng của trung tâm thương mại, báo cáo cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tesla sở hữu và vận hành hơn 200 cửa hàng tại Trung Quốc, trưng bày các mẫu xe và sắp xếp các buổi lái thử cho những khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, hơn một nửa số cửa hàng tại Trung Quốc của Tesla không cung cấp dịch vụ sửa chữa hoặc bảo dưỡng, các cửa hàng này nằm ở những địa điểm có giá thuê cao với không gian hạn chế. Thay vì phụ thuộc vào các đại lý, Tesla đã sở hữu tất cả các cửa hàng của riêng mình và bán xe trực tuyến.
Vào tháng 9, Reuters đưa tin Tesla đang xem xét đóng cửa một số trung tâm trưng bày trong các trung tâm thương mại lộng lẫy ở Bắc Kinh và các thành phố khác, do lưu lượng hành khách giảm mạnh vì dịch viêm phổi ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, Tesla đã bán được 318.151 chiếc xe tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 55% so với hàng năm.
Ưu đãi lớn dành cho Tesla khiến các công ty Trung Quốc tức giận?
Cuối năm ngoái, có thông tin về mối quan hệ của Tesla với Trung Nam Hải, và nội tình Tesla bị 2 công ty lớn của Trung Quốc bao vây và đàn áp.
Tháng 12/2021, “Wall Street Journal” của Mỹ tiết lộ sau khi Mỹ thắt chặt xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc vào năm 2018, ông Tập Cận Bình đã thề sẽ xây dựng Trung Quốc trở thành một trung tâm công nghiệp và đổi mới của thế giới trong tương lai, vì vậy CEO Elon Musk đã trở thành mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo nguồn tin cho biết, đầu tiên chính quyền Trung Quốc cung cấp cho ông Musk đất đai giá rẻ, các khoản vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế, cũng như cho phép ông một mình sở hữu một công ty ô tô.
Sau đó ông Musk mở một nhà máy sản xuất ô tô điện ở Thượng Hải. Không chỉ vậy, để lấy lòng ông, Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa sẽ cung cấp cho ông một “thẻ xanh” Trung Quốc trong một cuộc họp năm 2019. Kể từ đó, hơn một nửa số xe của Tesla được sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay khi nhận được ưu đãi của giới chức và có vẻ như đang “phát đạt”, Tesla bất ngờ dính líu đến các yêu cầu quy định của ĐCSTQ đối với các công ty công nghệ lớn, và sự không hài lòng của các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Tesla hiện phải giữ lại tất cả dữ liệu thu thập được từ khách hàng tại Trung Quốc Đại Lục, và tìm kiếm sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc trước khi cập nhật một số phần mềm nhất định trên ô tô Trung Quốc. Ngoài ra, một số đối thủ đang lợi dụng kho dữ liệu của Bắc Kinh về các ‘gã khổng lồ’ công nghệ để đánh Tesla.
Nguồn tin cho biết, không thể không nói thẳng rằng ngay từ đầu, các quan chức ở Bắc Kinh đã nói rõ họ “muốn một vài thứ”, để đổi lại việc Tesla được bước vào thị trường Trung Quốc.
Ông Bill Russo, người sáng lập công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, cũng nói rằng luật chơi của ĐCSTQ không phải để Tesla giành chiến thắng, mà nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp Trung Quốc.
Tesla đang bị ĐCSTQ đàn áp?
Tuy nhiên, điều bất ngờ là một cựu nhân viên của Tesla, ông Guangzhi Cao, đã đánh cắp bí mật thương mại, và tiết lộ chúng cho nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc Xiaopeng (Xpeng) Motors.
Theo đơn kiện của Tesla tại Hoa Kỳ, cựu kỹ sư của hãng, ông Cao Guangzhi, đã đánh cắp các chi tiết quan trọng trong kế hoạch xe tự lái của công ty, gồm bộ sưu tập hơn 300.000 tài liệu và thư mục, và tiết lộ cho Xpeng Motors.
Điều đáng chú ý trong vụ việc này là trong vòng chưa đầy 1 năm, Xpeng Motors đã 2 lần bị cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh xe tự lái của các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Lần gần nhất là vào tháng 7/2018, khi nhân viên của Xpeng Motors, ông Xiaolang Zhang, bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về kế hoạch xe tự lái của Apple, đã bị FBI bắt giữ. Về vấn đề này, Xpeng Motors đổ lỗi cho Xiaolang Zhang và sa thải ông.
New York Times: ĐCSTQ bắt kịp công nghệ phương Tây bằng cách “tìm kiếm, vay mượn và đánh cắp”
Theo một bài viết trên New York Times, Trung Quốc bắt kịp công nghệ của phương Tây dựa vào 3 vũ khí ma thuật là “tìm kiếm, vay mượn và đánh cắp”.
Ngoài ra theo thống kê, “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ đã thâm nhập sâu vào Hoa Kỳ. Giáo sư Trung Quốc hoặc nước ngoài nhận trợ cấp tài chính từ ĐCSTQ, hoặc ngay từ đầu họ đã đến để đánh cắp công nghệ, nhưng lại che giấu thân phận và không báo cáo. Nhiều giáo sư đã bị phát hiện, bị kết án và phạt tiền. Một số ít ăn cắp bí mật vì động cơ chính trị hoặc hối lộ tài chính.
Theo một bài đăng năm 2018 trên tạp chí Nature (Mỹ), vào thời điểm đó “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ đã thu hút 7000 chuyên gia khoa học công nghệ để cung cấp cho Trung Quốc bí mật khoa học công nghệ của nước ngoài. Từ năm 2018 đến nay đã trôi qua 3 năm, ước tính hiện nay ĐCSTQ đã thu hút gần chục ngàn chuyên gia khoa học công nghệ thông qua các chương trình đánh cắp công nghệ khác nhau.
Trong những năm gần đây, các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ gốc Hoa đã đánh cắp bí mật quân sự và bán cho Đại Lục. Gần đây, có thông tin cho rằng kỹ sư Yu Long của bang Connecticut đã bị buộc tội đánh cắp bí mật mạ titan cho động cơ tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 rồi mang về Trung Quốc. Ông bị kết án 2,5 năm tù.
Bình Minh
Châu Âu : Hơn 15 ngàn người chết vì những đợt nắng nóng gay gắt trong năm 2022
08/11/2022
Bảng điện tử trước một hiệu thuốc báo nhiệt độ ngoài trời 45 độ C, ngày 19/07/2022, tại thành phố Lille, miền bắc nước Pháp. AP - Michel Spingler
Nhân Hội nghị Khí hậu Quốc tế COP27 đang diễn ra tại Charm-el-Cheikh, Ai Cập, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), hôm qua, 07/11/2022, công bố báo cáo cho biết những đợt nắng nóng gay gắt trong mùa hè 2022 tại châu Âu khiến ít nhất 15 ngàn người thiệt mạng.
Từ trụ sở của WHO, ở Geneve, Thụy Sĩ, thông tín viên Jeremie Lanche, tường thuật :
« Cụm từ "mọi tín hiệu đều mầu đỏ" chưa bao giờ lại đúng như lúc này để nói về các tháng Sáu, Bảy và Tám năm 2022 tại châu Âu. Một mùa hè nóng nhất chưa từng thấy. Và nóng nhất là tháng Tám. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính đạt mức kỷ lục do những trận cháy rừng đã để lại những vết sẹo trên khắp châu lục.
Tổ chức Y tế Thế giới chưa có hết các số liệu của từng nước. Nhưng người ta cũng đã biết rằng những đợt nắng nóng gay gắt, thường gián tiếp gây ra nhiều cái chết khi làm cho những bệnh lý có sẵn thêm trầm trọng, đã làm 4.500 người tử vong ở Đức, 4.000 tại Tây Ban Nha và 3.200 ở Anh.
Về phần nước Pháp, Cơ quan Thống kê Quốc gia INSEE cho biết số người chết trong mùa hè vừa qua cao hơn năm 2019 là 11 ngàn.
Điều đó không có nghĩa là nắng nóng đã làm cho 11 ngàn người chết, vì dịch bệnh Covid-19 còn là thủ phạm. Nhưng rất có thể là đợt nắng nóng 2022 đã làm nhiều người chết hơn so với năm 2003 tại Pháp.
Điều mà WHO, và nói chung là Liên Hiệp Quốc muốn nói, chính là châu Âu phải thức tỉnh. Và đừng nghĩ rằng chỉ có các nước đang phát triển hứng chịu trước tiên hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây là hiện tượng toàn cầu. Vả lại, châu Âu là vùng đang bị hâm nóng nhanh nhất, chỉ sau Bắc Cực mà thôi ! »
Trudeau tố cáo Trung Quốc 'can thiệp bầu cử ở Canada'
Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào bầu cử của nước này.
Ông Trudeau cáo buộc Bắc Kinh đang chơi "trò chơi gây hấn" với các nền dân chủ và nhắm vào các thể chế của Canada.
Báo chí địa phương đưa tin rằng tình báo Canada đã xác định được một "mạng lưới bí mật" gồm các ứng cử viên được Bắc Kinh hậu thuẫn tại các cuộc bầu cử gần đây.
Theo cáo buộc, ít nhất 11 ứng cử viên được Trung Quốc ủng hộ trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ "không quan tâm" đến các vấn đề nội bộ của Canada.
Dẫn lời các quan chức tình báo giấu tên, đài địa phương Global News đưa tin rằng Bắc Kinh đã chuyển tiền cho các ứng cử viên và các đặc nhiệm Trung Quốc đã đóng vai trò cố vấn chiến dịch cho nhiều ứng cử viên.
Trong một trường hợp, khoản tài trợ 250.000 đô la Canada (160.000 bảng Anh) được chuyển đến thông qua văn phòng của một nghị sĩ cấp tỉnh tại Ontario.
Theo cáo buộc, hoạt động này được chỉ đạo từ lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, tìm cách đưa các nhân viên vào các văn phòng các nghị sĩ nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến chính sách.
Cố gắng can thiệp được cho là nhắm vào cả hai đảng chính trị lớn - đảng Tự do của ông Trudeau và đảng Bảo thủ đối lập.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu hoạt động có thành công hay không.
"Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp quan trọng để tăng cường tính toàn vẹn của các quy trình bầu cử và hệ thống của chúng tôi, đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư vào cuộc chiến chống can thiệp bầu cử, chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào các nền dân chủ và thể chế của chúng tôi", ông Trudeau nói với các phóng viên hôm thứ Hai.
Ông nói thêm: “Thật không may, chúng ta đang thấy các quốc gia, cho dù đó là Trung Quốc hay các nước khác, đang tiếp tục những trò chơi gây hấn với các thể chế của chúng ta, với các nền dân chủ của chúng ta.”
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc không quan tâm đến việc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Canada.
"Quan hệ giữa các nhà nước chỉ có thể được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi", ông này nói trong một cuộc họp báo.
Ông này nói thêm: “Canada nên ngừng đưa ra những nhận xét làm tổn hại đến quan hệ Trung Quốc-Canada.”
Các tố cáo được đưa ra sau khi nhà chức trách cho biết họ đang điều tra các cáo buộc rằng Trung Quốc đã mở các đồn "cảnh sát" không chính thức trên đất Canada.
Một số quốc gia EU, bao gồm Ireland và Hà Lan, đã ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa các đồn cảnh sát, được cho là được sử dụng để gây áp lực buộc những người phản đối chính phủ quay trở lại Trung Quốc và đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét