Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

Tuấn Khanh - Lịch sử sòng phẳng

https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2022/10/screenshot-2022-10-31-004537.png?w=656&h=300&crop=1

Nhiều ngày sau khi bộ phim Little Women, hay còn gọi là Ba Chị Em bị rút khỏi hệ thống Netflix ở Việt Nam, phim này vẫn có thể tìm thấy được trên các trang xem phim không có bản quyền ở Việt Nam. Một người làm trong nghề chuyên làm phụ đề cho các phim không bản quyền như vậy nói cho biết rằng sau khi phim này không còn được chiếu trên Netflix, nó trở nên lại nổi tiếng hơn và được tìm kiếm nhiều trên các mạng tự do.  

Trước khi bị ngừng cung cấp dữ liệu ở Netflix Việt Nam, bộ phim Ba Chị Em nằm trong top 10 của những câu chuyện được khán giả Việt Nam theo dõi. Và chính vì vậy, khi tin tức về chuyện bộ phim này bị rút đi. Nó cũng trở thành đề tài của những lời tranh cãi không dứt trên các mạng xã hội.

Các trang báo nhà nước dẫn lời từ những nhóm người xem phim có quan điểm phù hợp với Nhà nước và nói rằng họ không thể chấp nhận nổi việc xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong bộ phim này. Dĩ nhiên lịch sử ở đây là lịch sử của nhà cầm quyền, phía chiến thắng 1975. Hầu hết trong các bài học lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam trong các trường học, thường không có những bài nói rõ về những thất bại hay thương vong của phía quân đội miền Bắc trong cuộc chiến trường ký này.

 

Trên các diễn đàn tranh luận về bộ phim cũng có những ý kiến của người xem phim thuần túy ở Việt Nam, hoặc từ những người có quan điểm khác biệt với phía chính quyền nói rằng những đối đầu và thương vong như vậy vẫn có thể diễn ra. Thậm chí là những bình luận từ phía những trí thức lớn lên từ nhà trường xã hội chủ nghĩa cũng nhận định rằng con số hay sự thật và lịch sử thì có thể là có thật, về chuyện “một người lính Hàn Quốc giết được 100 Việt Cộng”. Nhưng quan trọng là cách nói – bởi cách nói như vậy, dĩ nhiên trong bối cảnh hôm nay – được xem như là một lời thách thức để đào xới lại quá khứ.

Bỏ đi câu nói đó trong bộ phim, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến nội dung đầy hấp dẫn của một câu chuyện về những người phụ nữ Hàn Quốc đã vượt qua những giai đoạn khó khăn của đất nước và trở thành giai cấp quyền thế. Bài học của những nền điện ảnh tự do là đôi khi trong thế giới hôm nay, để có thể tìm được lợi nhuận, chắc chắn sẽ phải cân nhắc về việc sẽ phát hình ở các quốc gia mà họ không lường trước phản ứng.

Cũng có ý kiến nói rằng nhà sản xuất bộ phim Ba Chị Em sẽ cho edit lại, cắt bỏ phần không quan trọng này là có thể tiếp tục được chiếu trên Netflix, lại tiếp tục khai thác được lợi nhuận từ người Việt Nam. Thế nhưng với phía kiểm duyệt của Việt Nam ắt hẳn không đơn giản như vậy, bởi cả bộ phim đã là một vết ám tâm lý, đi kèm với câu nói đó và nó phải chịu trách nhiệm cho việc rời khỏi hệ thống Netflix.

Sòng phẳng với lịch sử là điều cần thiết – nó cũng xác định tính công chính của một chế độ cầm quyền. Nhất là đối với một nhà nước cầm quyền đã trở nên chính danh trên trường quốc tế.

Bộ phim Ba Chị Em mở ra những suy nghĩ khác về một thời đại hòa bình phát triển và đòi hỏi mọi thứ minh bạch, tôn trọng nhau, tôn trọng con người. Nhưng ở Việt Nam, lịch sử không chỉ nằm vu vơ trong một câu nói của phim giải trí, mà nó còn là uẩn khúc của hiện thực vẫn chưa không được giải quyết rốt ráo.

Chẳng hạn, phải chăng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Bộ TTTT nên quyết định xóa bỏ cái tên Lê Văn Tám, liên quan đến trường học, công viên, tên đường… trên toàn cõi Việt Nam.

Và có lẽ Chính phủ cũng nên thay mặt những người cầm quyền đã quá vãng, chính thức xin lỗi nhân dân về việc sử dụng một câu chuyện bịa đặt và ghê rợn, chấm dứt thao túng tâm trí trẻ em nhiều thế hệ?

Lịch sử để đối ngoại là cần thiết. Lịch sử đối nội lại còn cần thiết hơn nữa vì nó là câu chuyện cho nhiều thế hệ để nhớ, để hiểu và đánh giá lại quá khứ. Mà lịch sử đối nội hôm nay thì vẫn còn rất ngổn ngang, với những câu chuyện không chỉ riêng Lê Văn Tám.

https://nhacsituankhanh.com/2022/10/31


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét