Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 28 tháng 12 năm 2022

Quê Hương tổng hợp

Hơn 100,000 người lao động Việt Nam bị giảm việc và mất việc cuối năm 

An Vui
28/12/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/27.12.22_Sau-mot-nam-that-nghiep-nguoi-lao-dong-chen-chuc-nhau-di-rut-bao-hiem-mot-lan-tai-co-quan-bao-hiem-xa-hoi-o-TP.Thu-Duc_Anh-Vnexpress-chup-7-Thang-Muoi-Hai-2022.jpg

Sau một năm thất nghiệp người lao động chen chúc nhau đi rút bảo hiểm một lần tại cơ quan bảo hiểm xã hội ở TP.Thủ Đức_Ảnh Vnexpress chụp 7 Tháng Mười Hai 2022 

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam dự định chi tiền mặt cho hơn 100,000 lao động bị giảm việc, mất việc, với mức $40- $120 (từ 1 triệu – 3 triệu đồng Việt Nam), tổng kinh phí $12 triệu (300 tỷ đồng).

Trong số đó, người bị giảm việc, giảm giờ làm nhận $40 mỗi người; lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận $80 và công nhân chấm dứt hợp đồng nhưng chưa tìm được việc mới được nhận $120. Gói hỗ trợ sẽ được thực hiện trước Tết Quý Mão và dự định kéo dài đến hết Tháng Ba 2023.

Cơ quan này dự báo ra Giêng 2023 sẽ có thêm gần 288,000 lao động bị giảm việc, mất việc nên rất cần thêm các gói hỗ trợ lớn từ nhà cầm quyền. 


Vnexpress dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện có hàng chục ngàn lao động về quê nghỉ Tết trước cả tháng vì nhà máy thiếu đơn hàng, giảm việc, ngược hẳn mọi năm. Ông Hiểu dẫn thống kê đến ngày 10 Tháng Mười Hai, gần 434,000 người giảm giờ làm hoặc ngừng việc có hưởng lương,  hơn 6,500 lao động tạm hoãn hợp đồng và 41,600 người đã mất việc.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/27.12.22_Nhung-nganh-giam-manh-nhu-cau-tuyen-dung-tai-Viet-Nam-cuoi-nam-2022_Nguon-thong-ke-Navigos-Group.jpg

Những ngành giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam cuối năm 2022_Nguồn thống kê Navigos Group 

75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong các công ty FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam như Sài Gòn, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và An Giang. Trong số này có hàng ngàn công nhân nữ 35 tuổi trở lên, đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thống kê cho thấy lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, Sài Gòn tăng gần 26%, Bình Dương tăng 39.1%, Đồng Nai tăng 54.7% và Tiền Giang tăng 66.5% .

Cũng trên báo Vnexpress, tại tọa đàm ngày 8 Tháng Mười Hai, Viện Công nhân & Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) đã công bố khảo sát đời sống công nhân trong bối cảnh các công ty bị mất đơn hàng với kết quả:  Gần 59% công nhân không có khoản tích lũy; thu nhập thực tế của họ chỉ còn $236/tháng (5.9 triệu đồng) thay vì $268/tháng (6.7 triệu đồng) như mức thống kê công bố Quý III/2022.

Cuộc khảo sát thực hiện trong Tháng Mười Một 2022 với trên 6,200 công nhân ở cả ba miền cho kết quả đáng buồn: Nếu mất việc thì có 11.7% số công nhân tồn tại được dưới một tháng; 16.7% số công nhân duy trì được 1-3 tháng; 12.7% số công nhân duy trì được trên ba tháng.

Cũng trong khảo sát này, 38% công nhân cho biết đang nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn vì có thể vướng vào tín dụng đen với lãi suất rất cao.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra tổng thu nhập trung bình của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng $349.6/tháng (8.74 triệu đồng) nhưng mức chi tiêu bắt buộc khoảng $412 (10.3 triệu đồng). Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng họ có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần nếu mất việc. Theo quy định, người lao động sau một năm nghỉ việc mà không tìm được việc mới, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì đủ điều kiện rút một lần, song về già không có lương hưu. Những ngày đầu Tháng Mười Hai 2022, hàng trăm người lao động mất việc sau đợt dịch Covid 2021 phải xếp hàng suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP.Thủ Đức và huyện Hóc Môn chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. 

Dữ liệu lớn từ Navigos Group (chủ sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) chỉ ra, nhu cầu tuyển dụng của thị trường Việt Nam trong ba tháng cuối năm giảm mạnh ở một loạt ngành nghề, bao gồm: Dệt may/da giày (giảm 44%); Nhà hàng – Khách sạn (giảm 49%); Hàng không – Du lịch (giảm 51%); Hàng hải (giảm 43%); Bất động sản (bắt đầu giảm 29% vào Tháng Mười Một); Thu mua vật tư, cung vận (giảm 30%)…

Đắk Lắk: Đi dự lễ Giáng sinh, hai người thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ bị sách nhiễu

RFA
27/12/2022

Đắk Lắk: Đi dự lễ Giáng sinh, hai người thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ bị sách nhiễu

Các tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên tụ tập lễ Giáng sinh 2022 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngMục sư Aga 

Ngày 24/12, nhà chức trách tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ, tra khảo và tịch thu điện thoại của hai người thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ khi những người này trên đường đi dự thánh lễ dịp Giáng sinh ở địa phương.

Theo trang Facebook Người Thượng Vì Công Lý, vào sáng sớm chủ nhật vừa qua, thầy Y An Hdrue (sinh năm 1970) và tín đồ Y Pôk Eban (sinh năm 1985) ở buôn Čuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tới buôn Cuôr Knia 2 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) để tham dự Lễ Giáng sinh theo lời mời của Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại đây.

Tuy nhiên, khi hai ngườivừa tới địa phận xã Ea Bar thì bị lực lượng cảnh sát giao thông và an ninh ngăn chặn, buộc họ xuất trình giấy tờ xe và bằng lái.

Cựu tù nhân lương tâm Y An Hdrue, người từng bị đi tù bốn năm vì đòi quyền tự do tôn giáo và chống cướp đất, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/12 như sau:

“Tôi tên là Y An Hdrue, cùng em Y Pôk Eban đi một xe. Đi đến cây xăng gần buôn Cuôr Knia thì bị công an giao thông và an ninh chặn xe chúng tôi lại đòi kiểm tra giấy tờ. Kiểm tra giấy tờ xong thì họ bảo là bằng giả.”

Cho dù ông Y An Hdrue giải thích rằng ông đã đi thi lái xe và được công an giao thông của huyện Krong Ana cấp bằng, phía công an vẫn buộc hai ông vào trụ sở của công an xã Ea Bar để làm việc.

“Họ buộc chúng tôi vào xã. Chúng tôi bị giữ từ 9 giờ (sáng) đến 7 giờ (tối) chúng tôi mới được cho về nhà.”

Ông cho biết trong thời gian 10 giờ ở đồn công an, một nhóm 5-6 công an mặc thường phục của huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk thay phiên nhau tra hỏi hai ông về Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ. Họ từ chối trả lời khi ông hỏi họ tên tuổi, chức vụ và nơi công tác.

Công an tịch thu hai điện thoại của hai người và lục soát tư liệu có trong điện thoại, ông Y An Hdrue nói với RFA.

Ông nói trong bộ nhớ điện thoại của ông có lưu trữ luật Nhân quyền Quốc tế và Luật Tôn giáo Tín ngưỡng của Việt Nam cũng như một số tư liệu báo cáo vi phạm nhân quyền của Việt Nam mà ông thu thập và gửi cho quốc tế.

Trước khi được trả tự do, hai người bị buộc phải ký vào biên bản làm việc, trong đó ông Y An Hdrue thừa nhận về việc lưu trữ thông tin vi phạm nhân quyền của một số địa phương ở Việt Nam trên điện thoại của mình.

Sau khi ký biên bản làm việc, phía công an trả xe và giấy tờ cho hai người thuộc sắc tộc Ede và đưa họ về địa điểm họ bị dừng xe để họ tự đi về nhà. Công an chỉ giữ lại hai điện thoại của họ, ông Y An Hdrue nói.

Ngày 27/12, từ tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, mục sư A Ga thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên cho RFA biết, trong dịp Giáng sinh vừa qua, nhóm tôn giáo này dự định sẽ tổ chức gặp mặt ở nhà ông Y Kreek Bya - Phó hội trưởng ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn để làm lễ trong các ngày 21-25/12.

Tuy nhiên, nhiều người thuộc hội thánh này ở nhiều địa phương khác trong tỉnh bị nhà chức trách đe doạ nếu có ý định đến dự lễ.

“Có lúc họ (công an- PV) vào ban đêm, khoảng 8 giờ tối, họ đến từng nơi của anh em để cấm anh em đến chỗ thầy Y Kreec Bya.

Có người thì Công an tỉnh gọi điện đe doạ họ, nói rằng nếu họ rời nơi họ ở để đi đến buôn Cuôr Knia ở chỗ thầy Y Kreec Bya thì họ sẽ bị bắt đi tù. Họ đe doạ, làm cho anh em rất sợ hãi hoang mang.

Một số người vẫn đi thì có người bị tịch thu điện thoại, có người bị thu xe, có người bị chặn đủ mọi kiểu.”

Tại nhà ông Y Kreek, nhóm tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên có treo một băng rôn với dòng chữ tiếng Ê đê “Moak Noel 2022” (Đón mừng ngày Chúa giáng sinh) nhưng ngày 21/12, chính quyền địa phương cho người tới tháo xuống và xé bỏ, mục sư Aga cho RFA biết.

Theo mục sư Aga, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên vẫn tổ chức gặp mặt lễ Giáng sinh năm nay với sự tham dự của nhiều tín đồ trong xã Ea Bar tại nhà ông Y Kreek. Chỉ những người từ địa phương khác được mời nhưng không thể đến dự vì bị ngăn cấm, ông nói.

Phóng viên RFA có gọi điện nhiều lần cho công an huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.

Không chỉ nhóm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên bị đàn áp sách nhiễu trong dịp lễ Giáng sinh, mà trong nhiều tháng gần đây, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tìm mọi cách ngăn cản các nhóm tôn giáo độc lập khác thực hành nghi lễ, trong đó có nhóm Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.

Đây là các hội thánh không được chính quyền Việt Nam thừa nhận. Những người thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc Âm cho biết đơn xin được hoạt động tôn giáo của họ gửi chính quyền từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Chính quyền Việt Nam nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên là phản động, chống phá Nhà nước.

Điển hình, vào tháng 1/2022, trang web báo Công an nhân dân có bài viết cáo buộc tôn giáo Tin lành Đấng Christ quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và ở Mỹ để “tập hợp lực lượng, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền, tiến tới thành lập Tôn giáo riêng, Nhà nước riêng của người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.”

Những tín đồ theo đạo Tin lành Đấng Christ mà RFA phỏng vấn đều bác bỏ cáo buộc này. 

Ngày 2/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở các nước trong danh sách này chưa đến mức phải đưa vào danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (Country of Particular Concern- CPC), nhưng sẽ bị theo dõi sát sao về hồ sơ tự do tôn giáo, và nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định vào CPC là mức cao nhất đối với các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Chuyên gia BMW chẩn đoán lỗi VinFast VF 8: Có thể do pin quá nóng? 

28/12/2022 

VOA Tiếng Việt 

Ông Nguyễn Ngọc Thuận đăng video trong nhóm Facebook OFFB nói về lỗi pin của xe VinFast VF 8.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận đăng video trong nhóm Facebook OFFB nói về lỗi pin của xe VinFast VF 8. 

Trong ít ngày gần đây, hai chủ xe ô tô điện VinFast VF 8 ở Việt Nam lên tiếng trên mạng xã hội cho biết xe của họ bị “hỏng pin” hoặc “báo pin lỗi”, không chạy được, gây hoang mang, lo lắng.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận đăng bài hôm 27/12 trên nhóm Facebook có tên OFFB gồm hơn 1 triệu thành viên cho hay chiếc VF 8 của ông sau 50 ngày sử dụng “bắt đầu có bệnh nghiêm trọng”. Đó là không thể khởi động và bấm nút để vào số, nếu cố gắng cho xe đi được, chỉ sau một quãng đường ngắn, xe đột ngột nhảy sang số P, bó cứng xe khi xe vẫn đang chuyển động.

Một người khác có tên viết tắt là Trúc LK đăng video hôm 24/12 lên YouTube nói rằng xe VF 8 của ông mới đi được 20 kilomet đã “hỏng pin”.

Cả hai ông Thuận và Trúc cho biết thêm rằng bộ phận chăm sóc khách hàng của VinFast đã dành nhiều ngày cố tìm ra nguyên nhân trục trặc trên xe của họ, nhưng không có kết quả. Họ nhận lại xe với tâm lý hoang mang, lo lắng.

Nói với VOA từ Đức, tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương, chuyên gia kiến trúc dòng xe thế hệ mới của hãng BMW, nhận định rằng có xác suất cao là pin của xe VF 8 bị nóng quá dẫn đến phần mềm ra lệnh ngắt mạch, xe không chạy được nữa.

Ông Phương cho rằng có thể pin có chất lượng không đồng đều hoặc do mạch điện hàn không tốt, điện trở cao, vì vậy, có xe bị có xe không bị, chứ không phải do lỗi thiết kế.

VOA cố gắng liên lạc với VinFast để tìm hiểu thêm nhưng không nhận được phản hồi ngay.

(VOA đang tiếp tục cập nhật các chi tiết.)

Đường dây cho vay nặng lãi thu lời gần 300 tỷ: Nhiều nạn nhân là lao động nghèo

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/nguoi-day-1.jpg

Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Định đêm 21/12. (Ảnh: conganquangninh.gov.vn) 

Từ tháng 4/2018 đến khi Nguyễn Văn Định bị bắt giữ, 874 lượt người đã tham gia vay tiền với mức lãi suất từ 180% đến 360%/năm. Số tiền lời mà nhóm này thu bất chính lên tới gần 300 tỷ đồng.

Ngày 27/12, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã phá một nhóm chuyên tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi tại huyện Hải Hà với quy mô lớn, hầu hết nạn nhân là những người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Vào đầu tháng 10/2022, qua theo dõi, nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện Nguyễn Văn Định cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi tại huyện Hải Hà với số tiền lãi thu bất chính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đêm 21/12, lực lượng chức năng ập vào khám xét nơi ở của nghi phạm Định tại số nhà 17 phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thu giữ 1 xe ô tô, 5 điện thoại di động, 1 máy tính bàn, nhiều hợp đồng, giấy vay tiền, sổ hộ khẩu và nhiều giấy tờ thế chấp khác.

Qua kiểm tra trong máy tính, lực lượng chức năng xác định từ tháng 4/2018 đến khi bị bắt giữ, ông Định đã cho 874 trường hợp vay tiền với mức lãi suất trung bình từ 3.000 đồng/triệu/ngày đến 10.000 đồng/triệu/ngày, tương ứng từ 180% đến 360%/năm. Tổng tiền lãi thu lời bất chính lên tới gần 300 tỷ đồng.

Trong nhóm của Định còn có Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1991, trú tại 162 phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) và Vũ Văn Quảng (SN 2001, trú thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Trong đó, Thủy đảm nhận làm thủ quỹ, ghi và theo dõi sổ sách, được Định trả mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Quảng có nhiệm vụ đi thu tiền, giúp sức cho hoạt động của nhóm, nhận mức lương là 7 triệu đồng/tháng do mới làm việc được 6 tháng.

Qua điều tra, lực lượng chức năng cho biết hình thức cho vay của nhóm này gồm: vay tín chấp (thế chấp các loại giấy tờ tùy thân để vay); vay bát họ; vay cầm đồ.

Theo Thượng tá Đinh Ngọc Văn – Trưởng phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng Công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh, đa số người vay là dân lao động, hoàn cảnh khó khăn, do thủ tục nhanh gọn, có tiền vay ngay chỉ sau vài phút làm thủ tục. Tuy nhiên, người vay sau đó bị thúc ép trả lãi nặng trong thời gian dài, tiền lãi phải trả gấp nhiều lần số tiền vay.

Sau khi lực lượng chức năng triệt phá thành công nhóm cho vay trên, hàng trăm người dân lao động thoát được sức ép phải thanh toán nặng lãi theo định kỳ trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là thời điểm Tết sắp đến.

Lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý nhóm cho vay nặng lãi trên theo quy định.

Thạch Lam

Thi bằng lái được lo ‘từ A đến Z’: GĐ trung tâm cùng bác sĩ, cán bộ sở ra tòa

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/thi-bang-lai-lau.jpg

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/12. (Ảnh: baolangson.vn). 

Học viên thi bằng lái tại một trung tâm ở tỉnh Lạng Sơn được chép phần thi lý thuyết và không cần đi khám sức khỏe. Những người này chỉ cần đưa ảnh cùng thông tin cá nhân, nhân viên phòng khám sẽ tự điền thông tin vào giấy, đưa cho bác sĩ ký rồi hoàn thiện giấy khám sức khỏe với giá 150.000 đồng/giấy khám.

Mới đây, TAND tỉnh Lạng Sơn đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 24 bị cáo về các tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ quy định lần lượt tại Điều 341, Điều 364, Điều 354 Bộ luật hình sự 2015.

24 bị cáo này là các bác sĩ, nhân viên cùng chủ của 2 phòng khám (Phòng khám Đa khoa Xứ Lạng và Phòng khám Đa khoa Lạng Sơn) và giám đốc, nhân viên, cộng tác viên của Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe mô tô Trường An (Trung tâm Trường An).

Theo cáo trạng, trong khoảng 3 tháng, từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2021, Phòng khám Đa khoa Xứ Lạng và Phòng khám Đa khoa Lạng Sơn đã cấu kết với Trung tâm Trường An để làm giả hàng trăm giấy khám sức khỏe cho học viên.

Theo đó, học viên của Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe mô tô Trường An không cần trực tiếp đến khám sức khỏe theo quy trình mà chỉ gửi hình ảnh và thông tin cá nhân để hoàn thiện đưa vào hồ sơ và trả phí 150.000 đồng/giấy khám.

Các nhân viên phòng khám tự điền thông tin vào mục nội dung khám và kết luận của các bác sĩ chuyên môn, sau đó đưa cho bác sĩ ký hoặc sử dụng con dấu khắc sẵn chữ ký và họ tên của các bác sĩ đóng vào để hoàn thiện giấy khám sức khỏe.

Ngoài ra, để các học viên được hỗ trợ phần lý thuyết tại các kỳ thi sát hạch trong năm 2020, bị cáo Đặng Hoàng Tâm (SN 1967) – Giám đốc Trung tâm Trường An và nhân viên trung tâm này là bị cáo Lương Thị Thu (SN 1987) đã đưa hối lộ cho hai bị cáo là Chu Thị Xuân (SN 1977) và Bùi Duy Hải (SN 1982) đều là công chức Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và Người lái thuộc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn.

Căn cứ vào kết quả tranh luận và thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Viện KSND tỉnh Lạng Sơn đã thay đổi nội dung luận tội, đề nghị HĐXX tuyên 20 bị cáo phạm tội Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức; 2 bị cáo phạm tội Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức và Đưa hối lộ; 2 bị cáo phạm tội Nhận hối lộ.

Ngày 23/12, sau hai ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo gồm:

Bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1971) – chủ Phòng khám Đa khoa Lạng Sơn: 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Lương Thanh Hiếu (SN 1974) – nhân viên Phòng khám Đa khoa Xứ Lạng: 4 năm tù cùng về tội Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức;

Bị cáo Tâm: 1 năm 6 tháng tù và bị cáo Thu: 1 năm tù cùng về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Đưa hối lộ;

Bị cáo Xuân 2 năm 3 tháng tù, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến sát hạch lái xe 2 năm sau khi chấp hành án, về tội Nhận hối lộ;

Bị cáo Hải: 2 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến sát hạch lái xe 1 năm sau khi chấp hành án, về tội Nhận hối lộ;

Bị cáo Lê Lâm – nhân viên Trung tâm Trường An: 2 năm tù (có tình tiết tăng nặng vì có 1 tiền án về tội Mua bán trái phép chất ma túy, chưa được xóa án tích) về tội Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, các bị cáo bị phạt tiền từ 15 đến 32 triệu đồng, đồng thời, truy thu số tiền hưởng lợi bất chính. Các bị cáo bị tuyên tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức còn lại bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù treo có thời gian thử thách.

Khánh Vy

Nộp 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, cựu Chủ tịch Bình Dương được đề nghị giảm án

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/tran-thanh-liem.jpg

Bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) tại phiên phúc thẩm. (Ảnh: H.A/vtc.vn) 

Tại phiên phúc thẩm, VKS thấy bị cáo Trần Thanh Liêm đã ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt.

Ngày 27/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ thao túng “đất vàng” liên quan đến Tổng công ty Sản xuất-Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2).

4 bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2), Lý Thanh Châu (cựu Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2) và Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty 3/2).

Theo tài liệu, chứng cứ mới được công bố tại phiên phúc thẩm, ông Trần Thanh Liêm đang mắc nhiều bệnh, gia đình đã nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục, Tỉnh ủy Bình Dương có công văn đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Với bị cáo Lý Thanh Châu, Công đoàn Tổng công ty 3/2 có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt; bị cáo nhiều lần tham gia thiện nguyện, ủng hộ quỹ khuyến học của tỉnh, gia đình có công với cách mạng.

Với bị cáo Trần Nguyên Vũ, tài liệu mới cho thấy bị cáo mắc bệnh ung thư gan, sức khỏe giảm sút; được nhiều cơ quan đơn vị, nơi ông từng công tác có công văn đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt; gia đình nộp thêm 500 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Với bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy, tài liệu mới có xác nhận của công an địa phương chứng minh bà Thúy đang nuôi 3 con nhỏ, trong đó một cháu dưới 36 tháng tuổi; bản thân bị cáo tích cực tham gia các công tác thiện nguyện, hiến máu.

Nêu quan điểm luận tội, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng hành vi sai phạm của các bị cáo dẫn đến toàn bộ tài sản là hai lô đất 43ha và 145ha tại TP. Thủ Dầu Một, thuộc sở hữu Nhà nước về tay tư nhân, gây thất thoát tổng số tiền hơn 761 tỷ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Trần Thanh Liêm là Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa tại Tổng công ty 3/2, biết chủ trương của Tỉnh ủy phê duyệt phương án 145 ha phải thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định liên quan nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp mà không xác định giá trị sử dụng quyền sử dụng khu đất này để đưa vào giá trị cổ phần hóa.

Quá trình xét xử, bị cáo Trần Thanh Liêm đã thừa nhận hành vi, ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả, nên đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt.

VKS cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Trần Nguyên Vũ vì quá trình điều tra bị cáo đã thành khẩn hợp tác, đồng thời, bày tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi và khắc phục hậu quả.

Đối với 2 bị cáo còn lại, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo.

Trước đó, tháng 8/2022, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị cáo Trần Nguyên Vũ bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng là 23 năm tù.

Bị cáo Lý Thanh Châu bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Phạm Toàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét