Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Việt Nam: Bỏ tù cụ ông 91 tuổi

Hà Nguyên

VNTB – Bỏ tù cụ ông 91 tuổi

Ông Lê Tùng Vân, 91 tuổi bị buộc đi thi hành án. Nếu tính tuổi mụ, thì người tù này sắp sang tuổi 92.

Bà Trần Thị Kim Khánh, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hoà, tỉnh Long An vừa ký ban hành quyết định về việc thi hành án hình sự đối với bị cáo Lê Tùng Vân (sinh năm 1932) hiện đang tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc (còn gọi là Thiền am bên bờ Vũ trụ hay Tịnh thất Bồng Lai) ở số 191A ấp Lập Thành (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An).

Theo quyết định trên, cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đức Hoà (Long An) sẽ tổ chức thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 191/2022/HSPT ngày 3-11-2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An đối với bị cáo Lê Tùng Vân. Bị cáo Lê Tùng Vân bị kết án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” với mức án đã tuyên là 5 năm tù giam.

Theo nội dung bản án, bị cáo Lê Tùng Vân đã phát triển điểm tu tại gia tại hộ gia đình bị cáo Cao Thị Cúc thành ‘Tịnh thất Bồng Lai’, sau đó đổi tên thành ‘Thiền am bên bờ vũ trụ’.

Bị cáo Lê Tùng Vân có vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo còn lại lập, quản lý, sử dụng, đăng tải trên các kênh Youtube, chỉ đạo quay clip, dựng rồi duyệt để đăng lên các trang mạng xã hội, trong đó đăng 5 clip trên Youtube có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hoà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ).


Thắc mắc đặt ra: với một nhà nước gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì khi bắt bỏ tù một cụ ông đã ngoài 90 tuổi vì vấn đề liên quan đối kháng tôn giáo cá nhân, liệu có phải quốc gia này vừa vi phạm quyền tự do biểu đạt niềm tin tôn giáo, vừa thất nhân tâm khi đẩy cụ ông vào lao lý ở tuổi gần đất xa trời khi tội danh của ông trên thực tế không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai.

Nói về luật, thì Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 không quy định cụ thể như thế nào là người cao tuổi mà chỉ đề cập các trường hợp người “già yếu”, “người từ đủ 70 trở lên”, “người từ đủ 75 tuổi trở lên” trong các quy định xử lý trách nhiệm của người cao tuổi phạm tội hình sự hay người cao tuổi là người bị hại.

Về tình tiết giảm nhẹ có quy định rõ hơn “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi lên” (điểm 0, Khoản 1, Điều 51 – Bộ luật Hình sự 2015) được xem xét để giảm nhẹ hình phạt. Người đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì tòa án có thể xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Điều 64, Bộ luật Hình sự 2015). Cụ thể, theo điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sử dụng thuật ngữ “người già yếu” tại rất nhiều điều, khoản. Đơn cử như không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu (khoản 4 Điều 36 Bộ luật Hình sự); Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm về tội danh hành hạ người khác đối với người già yếu (điểm a khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự); Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm về tội danh cướp giật tài sản đối với người già yếu (điểm g khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự);…

Có thể thấy rằng, khi con người đến một độ tuổi nhất định thì các hoạt động của cơ thể đều bị giảm sút, thiếu năng động. Pháp luật quy định giảm nhẹ hình phạt của người già không phải vì hành vi của họ ít nguy hiểm hơn người trẻ mà chủ yếu xuất phát từ tinh thần nhân đạo. Mặt khác, bắt một người già chịu một hình phạt nghiêm khắc là không cần thiết nữa.

Trong trường hợp cụ thể của cụ Lê Tùng Vân, vấn đề về quyền tự do biểu đạt niềm tin tôn giáo cần được tôn trọng.

Những yếu tố “định tính – định lượng” của cáo buộc “chỉ đạo – duyệt” nội dung 5 clip được gọi là “xuyên tạc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hoà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ)”, lẽ ra được đặt trong mối quan hệ dân sự để giải quyết ngay từ đầu, thay vì dùng quyền uy của các tổ chức chính trị như Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An để hình sự hóa.

Cá nhân người viết cho rằng bà Trần Thị Kim Khánh, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, người vừa ký ban hành quyết định về việc thi hành án hình sự đối với bị cáo Lê Tùng Vân (sinh năm 1932), rất cần được ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, xem xét về việc thiếu tôn trọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo đó, sáng 29-8-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi gặp mặt 80 đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027. Bài diễn văn mà ông Trọng đọc tại buổi gặp này, có đoạn:

“Trong kho tàng di sản tư tưởng phong phú và đồ sộ của Người, tư tưởng nhân đạo luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kim chỉ nam cho mọi sự suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bác thường căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”…”.

Như vậy, nếu thật sự tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh không chỉ dành để tuyên truyền cổ động chính trị, thì với tư cách Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ hiểu cần có giải pháp thích hợp nào để cụ ông tuổi ngoài 90 không phải chịu tù đày, chỉ vì cụ ông đã bày tỏ niềm tin tôn giáo khác biệt với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, và cá nhân nhà sư Thích Nhật Từ.

https://vietnamthoibao.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét