Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 16 tháng 12 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Lãnh đạo EU đồng ý tài trợ cho Ukraine và tăng thêm biện pháp trừng phạt Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/shutterstock_2081968228.jpg

Eu nhất trí về gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga (Ảnh minh họa: Tomasz Makowski/Shutterstock) 

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh cuối cùng vào năm 2022 với thỏa thuận cung cấp khoản tài chính trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine vào năm tới, đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga, trong bối cảnh EU chuẩn bị hạn chế giá khí đốt của Moscow.

Đáng lưu ý, Ba Lan đã rút lại những phản đối vào phút chót đối với thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và bỏ chặn toàn bộ gói thỏa thuận liên kết bao gồm khoản vay cho Ukraine.

“Sáu tháng tới sẽ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với 27 nhà lãnh đạo EU đang tập trung tại Brussels, yêu cầu họ hỗ trợ nhiều hơn, từ hệ thống phòng không đến thiết bị năng lượng.


Bài phát biểu của ông đã kết thúc một năm đầy biến động khi EU xích lại gần nhau để ủng hộ Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí về gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga vì đã tiến hành chiến tranh.

Theo các nhà ngoại giao EU, gói trừng phạt mới sẽ đưa thêm gần 200 người vào danh sách đen EU và cấm đầu tư vào ngành khai thác mỏ cũng như nhiều lĩnh vực công nghiệp khác của Nga.

Quyết định này được đưa ra sau khi những thành viên có quan điểm cứng rắn với Nga là Ba Lan và Litva đã cảnh báo rằng, các ngoại lệ được đề xuất về an ninh lương thực trên thực tế có thể mang lại lợi ích cho các nhà tài phiệt Nga trong lĩnh vực kinh doanh phân bón.

Trước đó, EU đã áp đặt 8 vòng trừng phạt đối với Nga từ khi nước này bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2, bao gồm nhắm mục tiêu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt của Moscow. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao bày tỏ quan ngại rằng EU ngày càng không còn cách nào để gây tổn hại nền kinh tế Nga, khi cuộc chiến đã kéo dài đến tháng thứ 10.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Ngân hàng Thế giới công bố gói hỗ trợ 2 tỷ USD giúp tái thiết Ukraine

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/ukraine-destruction.jpg

Một cảnh tàn phá ở Borodyanka (Ukraine) do pháo của Nga vào ngày 3 tháng 3. (Reuters Photo) 

Hôm 15/12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD dành cho khu vực tư nhân của Ukraine. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm mở đường cho công cuộc tái thiết quốc gia ở khu vực Đông Âu này sau cuộc xung đột với Nga. 

Gói hỗ trợ trên do Công ty Tài chính quốc tế (IFC), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở các thị trường mới nổi của WB, triển khai thực hiện. Gói hỗ trợ này sẽ bổ sung thêm vào các khoản viện trợ trước đó của WB dành cho Ukraine. Hiện IFC đang triển khai các biện pháp nhằm giúp Ukraine duy trì dòng chảy thương mại cũng như khả năng tiếp cận các nguồn cung thiếu yếu như lương thực và nhiên liệu.

Trong bối cảnh vẫn đang xảy ra xung đột và ở giai đoạn tái thiết ban đầu, chương trình hỗ trợ mới của IFC sẽ tập trung vào việc đảm bảo khả năng tiếp cận các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ khẩn cấp cho lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và tài trợ thương mại, trong đó có nhập khẩu nhiên liệu. Theo IFC, gói hỗ trợ trên do IFC đóng góp 1 tỷ USD, phần còn lại phụ thuộc vào sự đảm bảo tài trợ của các nước.

IFC triển khai gói hỗ trợ trên khi cho rằng xung đột đã khiến cơ sở hạ tầng ở Ukraine bị hư hỏng và làm gián đoạn hoạt động của khu vực tư nhân vốn đóng góp tới 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Số liệu của Ngân hàng trung ương Ukraine cho thấy khoảng 11% doanh nghiệp ở nước này đã phải đóng cửa tính đến tháng 9 năm nay, trong khi hơn 50% số doanh nghiệp hoạt động dưới công suất. IFC cho rằng nhiều công ty đang tiếp tục cung cấp việc làm cũng như dịch vụ và hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn cần tài chính để tiếp tục hoạt động.

Ở một diễn biến khác, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga. CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết đại sứ các nước thành viên EU đã nhất trí về nguyên tắc đối với gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Các quan chức ngoại giao EU đạt được sự đồng thuận này bên lề hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Brussels, Bỉ.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 7/12 đã đề xuất gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga, trong đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách đen. Với gói trừng phạt mới này, EU muốn áp đặt lệnh cấm cung cấp thiết bị bay không người lái cho Nga và Iran, đồng thời ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng của Nga.

Cũng trong ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã quyết định áp đặt trừng phạt thêm hơn 30 cá nhân Nga, trong đó có lãnh đạo chính quyền và thành viên Ban Giám đốc Công ty đường sắt Nga như Phó Thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov, Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko, Giám đốc điều hành Công ty đường sắt Nga Oleg Belozerov… Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố lệnh trừng phạt đối với 17 công ty con của ngân hàng VTB. Ngân hàng thuộc Nga này cũng đang bị trừng phạt từ tháng 2/2022.

Phan Anh

Bán dẫn: Mỹ thêm 36 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

16/12/2022

Ảnh minh họa : Chip bán dẫn của Nanotronics tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, ngày 28/04/2021. AP - John Minchillo 

Trọng Thành /RFI

Hoa Kỳ tiếp tục siết chặt việc xuất khẩu linh kiện bán dẫn, công nghệ bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc. Hôm qua, 15/12/2022, bộ Thương Mại Mỹ quyết định đưa thêm 36 công ty Trung Quốc vào danh sách đen. 

Thông tín viên David Thomson tường trình từ Miami :

‘‘Trong số 36 công ty Trung Quốc này, có các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn chủ chốt như công ty Yangtze Memory Technologies (YMTC). Theo Washington, có nguy cơ đáng kể là các công ty bị đưa vào danh sách đen này tham gia vào các hoạt động tội phạm chống lại an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Chính quyền Mỹ cho biết muốn ‘‘hạn chế việc Trung Quốc khai thác các công nghệ tiên tiến như trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để nâng cao khả năng quân sự và gia tăng vi phạm nhân quyền’’. Các công ty có mặt trong danh sách đen này cần phải có giấy phép để được hưởng các chuyển giao công nghệ hoặc xuất khẩu các sản phẩm có xuất xứ từ Hoa Kỳ , đặc biệt là các vật liệu cần thiết để sản xuất linh kiện bán dẫn.

Đây là một hạn chế mới đối với khả năng nhập khẩu vào Trung Quốc các sản phẩm công nghệ sản xuất tại Hoa Kỳ, sau loạt biện pháp siết chặt kiểm soát đối với chip bán dẫn cao cấp vào tháng 10. Tập đoàn Apple từng dự trù lắp ráp chip do công ty YMTC sản xuất tại Trung Quốc vào điện thoại iPhone bán tại Trung Quốc, trước khi rút lại quyết định này’’. 

Chính quyền Bắc Kinh hôm 12/12 vừa khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối chính sách giới hạn xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm công nghệ cao. Nhưng đối với Washington, các quy tắc của WTO không có hiệu lực khi liên quan đến an ninh quốc gia. Cách nay ít hôm, bộ Quốc Phòng Mỹ đã đặt 13 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen, trong số đó có nhà sản xuất drone hàng đầu thế giới DJI. 

Nhật tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng

Chính sách an ninh của Nhật Bản sẽ có một bước tiến lớn vào thứ Sáu khi chính phủ công bố bản sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia được chờ đợi từ lâu. Nhật Bản sẽ ghi vào luật các kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP cho tới năm 2027, từ mức 1% hiện nay. Với mức GDP hiện tại, mức tăng như trên sẽ đưa Nhật trở thành nước chi tiêu quốc phòng nhiều thứ ba trên thế giới. Chính phủ cũng có kế hoạch mua tên lửa tầm xa cho phép Nhật tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ của kẻ thù. Cả hai động thái này đều thể hiện sự phá vỡ tiền lệ khỏi chủ nghĩa hoà bình kể từ sau Thế chiến II.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi lớn. Một là tiền sẽ chi vào đâu, và hai là tiền đến từ đâu. Điều đáng chú ý là trong nước hầu như không có sự phản đối lớn nào đối với các đề xuất của chính phủ. Thái độ hiếu chiến của Trung Quốc, chương trình tên lửa của Triều Tiên, và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến người Nhật nhận ra họ không còn có thể tiết kiệm chi phí an ninh được nữa.

Tròn mười năm vụ hãm hiếp dã man trên xe buýt ở Ấn Độ

Thứ Sáu này là tròn mười năm kể từ ngày Jyoti Singh, một sinh viên vật lý trị liệu 23 tuổi, bị một nhóm đàn ông cưỡng hiếp và đánh đập trên xe buýt ở thủ đô Delhi của Ấn Độ. Cô sau đó thiệt mạng vì chấn thương nặng.

10 năm trôi qua nhưng không có nhiều thay đổi. Hồi tháng 5, Shraddha Walkar, một tổng đài viên, đã mất tích ở Delhi. Trước đó cô báo với cảnh sát rằng người bạn đời của mình đã hành hung và đe dọa sẽ chặt xác cô. Người này nhận tội vào tháng trước. Được biết hầu hết bạo lực đối với phụ nữ Ấn Độ xảy ra tại nhà: trong một cuộc khảo sát, 30% phụ nữ đã kết hôn hoặc đã từng kết hôn cho biết từng bị bạo hành gia đình.

Trường hợp của Jyoti Singh có dẫn đến một số cải thiện. Các điều luật mới đã giúp việc truy tố tội tấn công tình dục dễ dàng hơn, trong khi Tòa án Tối cao ra phán quyết củng cố quyền phụ nữ và tỷ lệ nạn nhân tố cáo tội phạm tình dục cũng tăng lên phần nào. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Một nửa dân số Ấn Độ vẫn cho rằng việc chồng đánh vợ là chấp nhận được. Cho đến khi xã hội thay đổi, phụ nữ sẽ vẫn chưa an toàn.

Đảng cầm quyền Nam Phi tổ chức đại hội trước tổng tuyển cử

Khi đảng Đại hội Dân tộc Phi ANC họp đại hội toàn quốc vào thứ Sáu, cả hội trường sẽ vang vọng những bài hát truyền thống về chống phân biệt chủng tộc. Có thể thấy quá khứ của đảng cầm quyền Nam Phi đẹp và đáng kỉ niệm hơn phiên bản hiện tại, hoặc thậm chí tương lai, của họ. Sau 28 năm ANC cầm quyền, người dân Nam Phi đang ngày càng chán ngấy đảng này, và dự kiến sẽ khiến ANC mất thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử 2024.

Đại hội trong tháng này sẽ chọn lãnh đạo đảng cho cuộc bầu cử đó. Bất chấp vụ bê bối tham nhũng gần đây, Cyril Ramaphosa, chủ tịch đảng kiêm tổng thống, nhiều khả năng sẽ tiếp tục tại vị. Những người ủng hộ ông nói nếu có thể tập hợp đủ đồng minh ở các vị trí hàng đầu trong đảng, ông sẽ đủ sức theo đuổi cải cách kinh tế và tẩy sạch tham nhũng. Nhưng như vậy thật là ngây thơ. Ngay cả Nelson Mandela, cựu lãnh đạo đảng, cũng không thể cải cách ANC của ngày hôm nay. Nó là một cỗ máy bảo trợ chính trị chứ không phải một đảng tiến bộ.

Thuỵ Điển quyết tâm gia nhập NATO

Quốc hội Thụy Điển sẽ thảo luận về ngân sách quốc phòng vào thứ Sáu này. Năm nay Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan, sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Trước đây Thụy Điển có kế hoạch đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của liên minh vào năm 2028, nhưng giờ đây sẽ tăng tốc sớm hai năm.

Tuy nhiên Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Hôm thứ Ba, sau khi được EU đồng ý cho phép tiếp cận hàng tỷ đô la viện trợ, Hungary đã đổi ý và xác nhận quốc hội sẽ tranh luận về đơn gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 2. Trong khi đó Thụy Điển cũng đang ve vãn Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng 9, họ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quân sự không chính thức cho Ankara. Và có báo cáo trong tháng này cho thấy chính phủ Thụy Điển đã trục xuất những người bị nghi ngờ có liên hệ với PKK, một nhóm phiến quân người Kurd từ lâu đã trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Vẫn chưa rõ liệu các nhượng bộ trên có thành công hay không.

Mỹ tái tục cấp phát bộ xét nghiệm COVID miễn phí cho dân 

16/12/2022 

Reuters 

Kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính được biểu hiện trên bộ xét nghiệm được cấp miễn phí cho công dân Mỹ (ảnh chụp ngày 20/5/2022)

Kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính được biểu hiện trên bộ xét nghiệm được cấp miễn phí cho công dân Mỹ (ảnh chụp ngày 20/5/2022) 

Các hộ gia đình Mỹ có thể đặt bốn bộ xét nghiệm COVID tại nhà miễn phí từ trang web của chính phủ COVIDTests.gov bắt đầu từ ngày 15/12, một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm chặn đứng tình trạng lây nhiễm virus corona trong mùa đông.

Tòa Bạch Ốc nói sẽ sử dụng nguồn tài chính hiện có để chi trả cho các bộ xét nghiệm vì cho đến nay họ vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật chi thêm tiền để đáp ứng với COVID.

Điều phối viên đáp ứng COVID-19 của Tòa Bạch Ốc Ashish Jha cho biết chương trình xét nghiệm miễn phí đã bị tạm dừng vì các quan chức muốn đảm bảo có đủ các bộ xét nghiệm cho khả năng tăng đột biến các ca nhiễm COVID vào mùa đông.

“Chúng tôi biết rằng sẽ có một thời điểm vào cuối năm khi các ca nhiễm COVID sẽ tăng trở lại. Vì vậy, chúng tôi đã để dành các bộ xét nghiệm để có thể sẵn sàng cho chính xác thời điểm này”, điều phối viên đáp ứng COVID-19 của Tòa Bạch Ốc Ashish Jha cho biết hôm 15/12.

“Và nếu chúng tôi không nhận được nhiều tài trợ hơn, chúng tôi sẽ không thể gửi thêm các bộ xét nghiệm cho người dân Mỹ.”

Ông Jha nói các ca nhiễm COVID-19 đã tăng đáng kể trong vài tuần qua và Hoa Kỳ có lẽ đang trải qua mùa cúm tồi tệ nhất trong một thập niên. Ông nói thêm, tin tốt là bằng chứng cho thấy các ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) đang giảm.

Trước đó vào mùa thu, các bệnh viện đã chật kín trẻ em bị bệnh do RSV.

Chính quyền sẽ bắt đầu gửi các bộ xét nghiệm miễn phí đợt mới nhất này trong tuần lễ 19/12.

Tòa Bạch Ốc cho biết các xét nghiệm miễn phí cũng sẽ được thực hiện tại 500 ngân hàng thực phẩm lớn.

Chính quyền Biden đã bị chỉ trích một năm trước vì không đảm bảo có đủ xét nghiệm trong bối cảnh số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tăng kỷ lục. Chính quyền sau đó đã mua hàng trăm triệu bộ xét nghiệm và đã cung cấp miễn phí cho công chúng.

Ban hành Kế hoạch Chuẩn bị cho Mùa đông COVID-19, Tòa Bạch Ốc ngày 15/12 nói mặc dù COVID “không còn là lực lượng gây rối như trước đây, nhưng virus vẫn tiếp tục tiến hóa” và dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy các trường hợp mới, nhập viện và tử vong đều tăng trong những ngày gần đây.

Phán quyết bất ngờ của tư pháp Hồng Kông: Cấm tưởng niệm Thiên An Môn là ‘‘phi pháp’’

16/12/2022

Hồng Kông : Đêm thắp nến tưởng niệm vụ đàn áp Thiên An Môn, tại công viên Victoria, ngày 04/06/2017. Reuters 

Trọng Thành /RFI

Hôm 14/12/2022, một tòa án Hồng Kông đã ra phán quyết coi quyết định của cảnh sát Hồng Kông cấm tổ chức lễ tưởng niệm vụ Thiên An Môn hồi năm ngoài là "bất hợp pháp". 

AFP cho hay, bà Judianna Barnes, thẩm phán của Tòa Thượng thẩm đặc khu, khẳng định hồi năm ngoái, cảnh sát Hồng Kông đã sai lầm khi cấm tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm các nhà tranh đấu Trung Quốc bị giết hại trong biến cố Thiên An Môn 1989. Theo thẩm phán Judianna Barnes, cảnh sát đã ‘‘không chuẩn bị một cách nghiêm túc và có trù định trước’’ các phương tiện tạo điều kiện cho một cuộc tập hợp như trên, như đòi hỏi của luật pháp Hồng Kông.

Trước mắt, phán quyết nói trên đã vô hiệu hóa bản án đối với nhà tranh đấu Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung), bị kết án 15 tháng tù hồi tháng Giêng vừa qua vì đã khuyến khích dân chúng Hồng Kông tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhiều nhà tranh đấu Hồng Kông, trong đó có tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai), cũng bị phạt tù vì bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.

Nhà tranh đấu họ Trâu, 37 tuổi, là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào tranh đấu dân chủ Hồng Kông. Trước khi bị bắt, bà Trâu Hạnh Đồng từng đứng đầu Liên minh Hồng Kông, một tổ chức đã bị chính quyền ra lệnh giải thể. Liên minh Hồng Kông vẫn đứng ra tổ chức các buổi lễ thắp nến quy tụ cả trăm nghìn người tham gia.

Tòa Thượng thẩm là tòa án cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp Hồng Kông. Bộ Tư Pháp Hồng Kông cho biết sẽ nghiên cứu phán quyết này trước khi quyết định các bước tiếp theo. Hiện tại, bà Trâu Hạnh Đồng vẫn bị giam giữ, do một số cáo buộc khác, trong đó có các tội danh liên quan đến luật an ninh quốc gia Trung Quốc mới áp đặt tại Hồng Kông.

Theo AFP, dù sao, phán quyết nói trên của tư pháp Hồng Kông là một quyết định khác thường chống lại chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Hồng Kông chống phong trào đòi dân chủ. Liên tục ba năm nay, kể từ mùa hè 2020, lễ tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn bị cấm. Hồng Kông là nơi duy nhất mà cho đến năm 2020, việc tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn không bị cấm, .

Năm 2020 là năm mà Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đè bẹp mọi nỗ lực tranh đấu vì dân chủ tại đặc khu. Hồi năm ngoái, chính quyền Hồng Kông đã dỡ bỏ nhiều tượng đài tưởng niệm Thiên An Môn tại các trường đại học, và đóng cửa một viện bảo tàng về Thiên An Môn.

Công chúa Thái Lan suy sụp vì bệnh tim

15/12/2022

Bajrakitiyabha

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Công chúa Bajrakitiyabha được nhiều người dân Thái Lan coi là người thừa kế ngai vàng hợp lý nhất.

Hoàng gia Thái Lan cho biết con gái lớn nhất của Quốc vương Thái Lan đã ngã quỵ vì bệnh tim vào tối thứ Tư.

Công chúa Bajrakitiyabha, con gái lớn của Vua Vajiralongkorn, đã ngã quỵ khi đang huấn luyện đàn chó của mình ở đông bắc Bangkok, cung điện cho biết.

Công chúa, 44 tuổi, được đưa đến một bệnh viện gần đó, sau đó được trực thăng đưa đến Bangkok, nơi bà đang được điều trị.

Cung điện mô tả tình trạng của bà ấy đêm qua là "ổn định ở một mức độ nhất định".

Các bản tin y tế từ cung điện hoàng gia ở Thái Lan thường mơ hồ và khó hiểu, và từ một tuyên bố duy nhất được đưa ra về Công chúa Bajrakitiyabha, rất khó để đánh giá tình trạng của bà nghiêm trọng như thế nào, Jonathan Head của BBC tại Bangkok cho biết.

Tuyên bố không nói gì về tình trạng sức khỏe hiện giờ của bà. Một số tin tức cho rằng nó nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì được công bố.

Công chúa là con gái của người vợ đầu tiên của nhà vua, Soamsawali, và là con cả của ông. 

Bà là một trong những người thân cận nhất của cha mình kể từ khi ông kế vị Vua Bhumibol vào năm 2016, và được bổ nhiệm làm sĩ quan cấp cao trong đội cận vệ riêng của nhà vua.

Bà là người có thành tích nổi bật nhất trong giới nội bộ hoàng gia, với bằng sau đại học về luật từ hai trường đại học của Hoa Kỳ.

Vua Vajiralongkorn vẫn chưa chỉ định người thừa kế ngai vàng, nhưng Công chúa Bajrakitiyabha được nhiều người coi là người kế vị phù hợp nhất.

Là một trong ba người con có danh hiệu chính thức của nhà vua, bà đủ tư cách lên ngôi theo Luật Kế vị năm 1924 của Cung điện.

Công chúa Bajrakitiyabha là người đam mê thể dục và cũng có nhiều thành tích ủng hộ cải cách hình phạt ở Thái Lan.

Bà đặc biệt lên tiếng cho các nữ tù nhân, trong đó Thái Lan là một trong những nước có nhiều nữ tù nhân nhất thế giới.

Bà là đại sứ của Thái Lan tại Áo từ năm 2012 đến 2014.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét