Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Yoon: ‘Hàn Quốc phải đáp trả dù Triều Tiên có vũ khí hạt nhân’
29/12/2022
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm thứ Tư nói rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên đều phải bị đáp trả bằng việc trả đũa không do dự cho dù nước này có vũ khí hạt nhân, Văn phòng của ông đưa ra tuyên bố sau khi xảy ra vụ máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc.
Trước đó, hôm thứ Hai, 5 máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào lãnh thổ Hàn Quốc, khiến quân đội Hàn Quốc phải điều máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công nhằm bắn hạ chúng nhưng không thành công. Đây là lần xâm nhập đầu tiên như vậy kể từ năm 2017.
“Chúng ta phải trừng phạt và trả đũa bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên. Đó là biện pháp mạnh mẽ nhất để ngăn chặn các hành động khiêu khích”, Tổng thống Yoon nói trong một cuộc họp với các phụ tá của mình, theo thư ký báo chí Kim Eun-hye.
“Chúng ta không được sợ hãi hay do dự vì Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”, ông Yoon nói thêm.
Cuộc xâm nhập hôm thứ Hai đã gây ra những chỉ trích ở Hàn Quốc về hệ thống phòng không của nước này. Ông Yoon đã khiển trách quân đội, đặc biệt là việc họ không hạ được máy bay không người lái khi chúng bay qua Hàn Quốc trong nhiều giờ.
Hàn Quốc hôm thứ Hai phản ứng bằng cách gửi máy bay không người lái bay qua Triều Tiên trong ba giờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup nói với quốc hội hôm thứ Tư rằng ông Yoon đã ra lệnh cho ông bay máy bay không người lái bay vào Triều Tiên để đáp trả bất kỳ sự xâm nhập nào “ngay cả khi điều đó có nghĩa là có nguy cơ leo thang”.
Quân đội Hàn Quốc đã xin lỗi công chúng và nói rằng họ không thể bắn hạ máy bay không người lái vì chúng quá nhỏ.
Mối quan hệ giữa Triều Tiên và đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc đã căng thẳng trong nhiều thập niên nhưng thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn kể từ khi chính phủ bảo thủ của ông Yoon lên nắm quyền vào tháng 5, hứa hẹn một đường lối cứng rắn hơn với đối thủ phía bắc.
Triều Tiên cũng đang thúc đẩy việc phát triển vũ khí với nhiều vụ thử tên lửa trong năm nay giữa bối cảnh có đồn đoán cho rằng nước này có thể thử vũ khí hạt nhân lần thứ bảy.
Trước đó vào thứ Tư, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chi 560 tỷ won (441,26 triệu USD) trong 5 năm tới để cải thiện khả năng phòng thủ chống lại máy bay không người lái, bao gồm cả việc phát triển vũ khí laser trên không và thiết bị gây nhiễu tín hiệu.
Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng khả năng máy bay không người lái của mình lên ba phi đội.
Bộ này cho biết Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu mua thêm máy bay tàng hình và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển các hệ thống đánh chặn tên lửa.
“Chúng tôi sẽ tăng cường... khả năng trả đũa của mình để có thể phá hủy các cơ sở quan trọng ở bất cứ đâu tại Triều Tiên trong trường hợp nước này tấn công hạt nhân hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Bộ này nói trong một tuyên bố.
Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đặt mục tiêu chi 331,4 nghìn tỷ won (261 tỷ USD) cho quốc phòng trong 5 năm tới, với mức tăng trung bình hàng năm là 6,8%. Ngân sách năm nay ở mức 54,6 nghìn tỷ won.
Kế hoạch chi tiêu quốc phòng này sẽ phải được quốc hội thông qua.
Liên Âu họp khẩn để ‘phối hợp đối phó’ dịch Covid-19 ở Trung Quốc
29/12/2022
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói chuyện với giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla tại nhà máy của Pfizer ở Puurs, Bỉ, ngày 23/04/2021. AP - John Thys
Thu Hằng /RFI
Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ chiến lược « Zero Covid » khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại, do số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng mạnh và có nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và người dân Trung Quốc không còn bị cấm xuất cảnh, Ủy Ban Châu Âu triệu tập phiên họp khẩn vào sáng 29/12/2022 để « thảo luận các biện pháp có phối hợp » giữa các nước thành viên Liên Âu và các cơ quan y tế của khối.
Bruxelles phải tìm cách làm sao để tránh tình trạng các nước thành viên đơn phương đưa ra các biện pháp hạn chế ở biên giới, như đã xảy ra hồi đầu đại dịch vào mùa xuân 2020.
Thông tín viên RFI Laxmi Lota tại Bruxelles cho biết thêm :
« Bộ trưởng Y Tế Ý đã quyết định bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Ông giải thích đó là « một biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Ý ».
Tại Bỉ, thị trưởng Bruges, thành phố nổi tiếng du lịch nhất, muốn giám sát du khách Trung Quốc ra vào thông qua chứng nhận xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Ông muốn có các quyết định ở cấp Liên Hiệp Châu Âu. Còn Pháp cho biết « sẵn sàng nghiên cứu mọi biện pháp cần thiết, tùy theo diễn biến tình hình ở Trung Quốc ».
Theo những khuyến nghị gần đây nhất của Hội Đồng Châu Âu, được công bố ngày 13/12, không một nước thành viên nào hạn chế việc nhập cảnh vào lãnh thổ vì lý do y tế cộng đồng, trừ trường hợp xuất hiện một loại biến thể mới hoặc tình hình dịch nghiêm trọng trở lại. Trường hợp này đã xảy ra hồi tháng 11/2021: khối 27 nước đã nhất trí đóng cửa biên giới bên ngoài Liên Âu đối với nhiều nước miền nam châu Phi sau khi biến thể Omicron xuất hiện ».
Trả lời đài phát thanh France Classique sáng 29/12, nhà dịch tễ học Pháp Brigitte Autran, chủ tịch Ủy ban theo dõi và dự đoán nguy cơ dịch tễ, cho rằng « hiện chưa cần phải thiết lập các biện pháp kiểm tra đặc biệt ở biên giới », vì « tình hình được kiểm soát » và « những thông tin khoa học mà chúng tôi có chưa cho thấy xuất hiện những biến thể đáng ngại ở Trung Quốc ».
Kyiv nói Nga phóng 120 tên lửa tấn công Ukraine
Tác giả, Hugo Bachega & Matt Murphy
BBC, tường thuật từ Kyiv và London
29/12/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Báo động phòng không đã được phát đi trên toàn lãnh thổ Ukraine, do Nga tiến hành một đợt phóng tên lửa mới nhắm vào các thành phố lớn.
Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak cho biết hơn 120 tên lửa đã được phóng vào các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự.
Ít nhất 3 người - trong đó có một bé gái 14 tuổi - đã được đưa đến bệnh viện sau khi các vụ nổ xảy ra ở thủ đô Kyiv, Thị trưởng Vitaliy Klitschko nói.
Các vụ nổ cũng được nghe thấy ở các thành phố Kharkiv, Odesa, Lviv và Zhytomyr.
Lãnh đạo khu vực của tỉnh Odesa phía nam, Maksym Marchenko, nói về một "cuộc tấn công tên lửa lớn vào Ukraine".
Không quân Ukraine cho biết Nga đang tấn công nước này từ "nhiều hướng khác nhau bằng tên lửa hành trình trên không và trên biển". Lực lượng này cho biết thêm rằng một số máy bay không người lái Kamikaze cũng đã được sử dụng.
Âm thanh báo động phòng không đã vang lên ở tất cả các vùng của đất nước vào sáng thứ Năm. Cố vấn tổng thống Oleksiy Arestovych kêu gọi dân thường tìm nơi trú ẩn và cho biết lực lượng phòng không của đất nước đang hoạt động.
Tại Kiev, hai ngôi nhà đã bị hư hại do các mảnh vỡ từ một tên lửa bị đánh chặn, theo chính quyền quân sự thành phố. Ông Klitschko cho biết 16 tên lửa đã bị lực lượng phòng không phá hủy trên bầu trời thành phố.
Tại khu vực Mykolaiv phía nam, Thống đốc Vitaly Kim viết rằng năm tên lửa đã bị lực lượng phòng không đánh chặn.
Ông Marchenko cho biết 21 tên lửa đã bị bắn hạ ở khu vực Odesa. Ông nói thêm rằng các mảnh tên lửa đã văng trúng một tòa nhà dân cư nhưng không có thương vong nào được báo cáo.
Tại thành phố Lviv ở phía tây, Thị trưởng Andriy Sadovy cho biết một số vụ nổ đã được báo cáo.
Ông Podolyak cáo buộc Moscow tìm cách "phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và sát hại dân thường hàng loạt".
Tại Ranok, một ngôi làng ở khu vực phía tây Ivano-Frankivsk, cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết một quả tên lửa đã lao vào một nhà dân nhưng không phát nổ. BBC không thể xác minh độc lập tin này.
Trái tên lửa chưa phát nổ này đã lao trúng và một nhà dân ở thành phố miền tây Ivano-Frankivsk, theo lời quan chức Kyrylo Tymoshenko
Hàng chục cuộc tấn công của Nga đã tấn công Ukraine trong những tuần gần đây, gây ra tình trạng bị cắt điện liên tục trên toàn quốc. Thị trưởng Lviv hôm thứ Năm cho biết 90% thành phố không có điện, trong khi ông Klitschko cảnh báo có thể sẽ có tình trạng bị cắt điện và nước mới ở thủ đô.
Việc cắt điện đã được báo cáo ở các vùng Odesa và Dnipropetrovsk. Nhà cung cấp năng lượng DTEK viết: “Các biện phạm này được áp dụng do có mối đe dọa tấn công bằng tên lửa, nhằm tránh thiệt hại đáng kể nếu kẻ thù tấn công trúng vào các cơ sở năng lượng”.
Oleksandr Vilkul, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự ở thành phố miền trung Kryvyi Rih, cho biết các tên lửa bắn vào thành phố của ông đã được phóng từ "tàu và máy bay từ Biển Đen" của Nga. Ông cho biết thêm, điện trong thành phố đã bị cắt như một biện pháp phòng ngừa.
Bộ chỉ huy miền nam Ukraine đã đưa ra cảnh báo rằng lực lượng Nga đang chuẩn bị phóng tới 20 tên lửa từ các vị trí ở Biển Đen.
Trong một cuộc tấn công vào đầu tháng này, Ukraine đã bắn hạ 60 trong số hơn 70 tên lửa do lực lượng Nga phóng ra.
Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong các cuộc tấn công tên lửa của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã thừa nhận rằng quân đội Nga đã tấn công các cơ sở năng lượng quan trọng của Ukraine.
Việc thừa nhận được đưa ra theo sau cáo buộc từ một số nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, rằng việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở năng lượng có thể dẫn đến tội ác chiến tranh.
Chính phủ Kyiv đã kêu gọi các lãnh đạo phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gần đây đã đồng ý cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine.
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu giảm xuống mức thấp thời hậu Xô Viết
Logo của gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu ở Sofia, thủ đô của Bulgaria, ngày 27/4/2022. (Ảnh: Nikolay Doychinov/Getty Images)
Theo số liệu thống kê của Gazprom và ước tính của tờ Reuters, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất thời hậu Xô Viết vào năm 2022. Nguyên nhân được cho là do khách hàng chính của Nga đã cắt giảm nhập khẩu sau khi chịu tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như sau khi đường ống dẫn khí đốt Nordstream phát nổ một cách bí ẩn.
Theo truyền thống, Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất của Nga. Khối này vẫn luôn đề cập đến việc cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Brussels chỉ trở nên nghiêm túc về việc này sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Theo Giám đốc điều hành của Gazprom Alexei Miller, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, xuất khẩu của công ty này ra bên ngoài Liên Xô cũ sẽ đạt tổng cộng 100,9 tỷ mét khối (bcm) trong năm nay.
Mức này đã giảm hơn 45% so với 185,1 mét khối vào năm 2021, trong đó tính cả nguồn cung cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia). Hồi năm ngoái, Gazprom đã cung cấp 10,39 tỷ mét khối cho Bắc Kinh thông qua đường ống này.
Xuất khẩu khí đốt trực tiếp của Nga sang Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị gián đoạn vào tháng 9 sau các vụ nổ tại đường ống Nord Stream ở Biển Baltic.
Thụy Điển và Đan Mạch đều kết luận rằng, bốn vụ rò rỉ trên Nord Stream 1 và 2 là do các vụ nổ gây ra, nhưng không đề cập chi tiết đến cá nhân hoặc thực thể phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã gọi thiệt hại này là một hành động phá hoại.
Nga cáo buộc lực lượng hải quân Anh đứng sau các vụ nổ. Phía London đã bác bỏ cáo buộc này.
Xuất khẩu khí đốt của Nga thông qua đường ống Nord Stream 1 đạt mức cao kỷ lục 59,2 tỷ mét khối vào năm ngoái.
Sản lượng xuất khẩu đạt 100,9 mét khối của Nga – mà Gazprom định nghĩa là xuất khẩu sang “nước ngoài” hoặc bên ngoài Liên Xô cũ – là một trong những mức xuất khẩu thấp nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991.
Theo Gazprom Export, một trong những mức xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài của Gazprom thời hậu Xô Viết thấp nhất đạt 117,4 tỷ mét khối vào năm 1995.
Trong khi đó, Nga đã tăng doanh số bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển, chủ yếu nhờ vào nhà máy Yamal LNG của tập đoàn Novatek ở Bắc Cực.
Theo cơ quan chính phủ Rosstat, sản lượng LNG của Nga đã tăng gần 10% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay lên 29,7 triệu tấn.
Để bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng nhập khẩu khí đốt ở thị trường châu Âu, Nga đã áp giá năng lượng cao hơn. Dự kiến doanh thu xuất khẩu năng lượng trong năm nay của nước này sẽ tăng gần 100 tỷ USD so với năm 2021.
Gazprom cũng cho biết, sản lượng xuất khí đốt năm 2022 của họ dự kiến đạt mức 412,6 tỷ mét khối, giảm từ 514,8 tỷ mét khối vào năm 2021 – mức cao nhất trong 13 năm.
Huyền Anh biên dịch
Liên Hợp Quốc: Dân thường Ukraina thiệt mạng cao hơn con số 6.884 được công bố
Một người mẹ bên mộ con gái trong lễ tang ở miền nam Kherson hôm 27/12/2022. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 27/12 đã công bố số lượng thường dân thương vong trong cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Theo đó từ ngày 24 tháng 2 cho đến nay, đã có 6.884 người thiệt mạng ở Ukraine, trong đó có 429 trẻ em.
Ngoài ra, còn có khoảng 8.000 người bị thương và hơn 7 triệu người Ukraine đang tị nạn trên khắp châu Âu.
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc còn cho biết thêm rằng, con số thương vong thực tế có thể “cao hơn đáng kể, vì việc nhận thông tin từ một số địa điểm đang diễn ra chiến sự dữ dội đã bị trì hoãn và nhiều báo cáo vẫn đang chờ xác nhận”.
Liên Thành
Ấn Độ sẵn sàng đối phó với làn sóng Covid-19 tại Trung Quốc
29/12/2022
Nhân viên y tế tại bệnh viện Ahmedabad, Ấn Độ, 27/12/2022 chuẩn bị đón các bệnh nhân Covid mới. AP - Ajit Solanki
Phan Minh /RFI
Đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối hành khách trên các chuyến bay đến từ Trung Quốc và kêu gọi bệnh viện trên toàn quốc luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Từ Bangalore, thông tín viên RFI Côme Bastin tường trình :
"Với chưa đến 200 ca nhiễm mỗi ngày, Ấn Độ dường như đã thoát khỏi dịch Covid, mặc dù số người xét nghiệm cũng giảm mạnh. Nhưng làn sóng dữ dội và gây nhiều chết chóc của biến thể Delta vào năm 2021 vẫn khiến nhiều người cảm thấy lo lắng.
Chính phủ không muốn một lần nữa bị cáo buộc đã tỏ ra khinh suất. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bang trong nước cung cấp cho bệnh viện giường và nguồn oxy, mô phỏng các tình huống khẩn cấp, trong khi các trung tâm nghiên cứu về gen tìm cách xác định các biến thể mới.
Tuy nhiên, theo nhà toán học và dịch tễ học Manindra Agrawal, mọi người chưa cần phải hoảng sợ : “Các mô hình dự đoán của chúng tôi cho thấy 92% người dân Ấn Độ đã phát triển khả năng miễn dịch để chống lại virus. Thật khó để so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, quốc gia đã áp dụng chính sách zero-Covid trong vòng 3 năm. Virus đã không lưu hành và nhất là vacxin của Trung Quốc thì không đáng tin cậy. Chính phủ Ấn Độ hành động, chủ yếu để tránh bị chỉ trích.”
Với thuật ngữ có phần phân biệt chủng tộc "virus Trung Quốc" đang quay trở lại, một số chuyên gia lên án việc mối lo ngại dịch tễ vào mục đích chính trị. Phe đối lập bị cáo buộc tổ chức các cuộc mít tinh và điều này không làm cho đảng cầm quyền Nhân dân Ấn Độ (BJP) phải bận tâm khi biến thể Ấn Độ, được đổi tên thành biến thể Delta, bùng nổ ở nước này."
Bắc Kinh: Bệnh nhân nằm la liệt trên sàn vì bệnh viện quá tải
Báo Sky News của Anh hôm 27/12 đưa tin về hiện trạng dịch bệnh virus Vũ Hán (COVID) ở Bắc Kinh, đổ lỗi cho việc đột ngột dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trong khi nền tảng y tế không gánh chịu được lượng bệnh nhân tăng bất ngờ. Bài báo đánh giá, 50% dân số Bắc Kinh đã nhiễm virus, và bệnh viện trở nên quá tải, hàng loạt bệnh nhân phải nằm trên sàn.
Bên trong Bệnh viện Triều Dương phía Đông, các bệnh nhân dương tính với virus Vũ Hán lấp đầy các khu vực. Hầu hết mọi người đều đã già. Chỉ những người may mắn mới có giường. Nhiều người nằm trên sàn, theo phóng viên của Sky News.
Đây rõ ràng là nơi virus đang tăng nhanh, khi hệ thống y tế và thuốc men đang cạn kiệt,
Các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng cũng có thể nhìn thấy bên ngoài bệnh viện, với xe cứu thương thường xuyên đến cũng như bệnh nhân được đưa vào xe lăn.
Khi các gia đình cố gắng hết sức để có giường cho những người thân đau ốm của họ, một gia đình nói với phóng viên của Sky News, “Chúng tôi đã đợi ít nhất 10 ngày. Hầu hết mọi người bên trong đều là người già và bị nhiễm bệnh.”
Các biện pháp phòng dịch zero-COVID trước đây, chỉ trong ba tuần qua, hầu hết đã được gỡ bỏ.
Người dân không còn cần phải quét mã sức khỏe vào các địa điểm công cộng, kiểm tra thường xuyên hoặc đến cơ sở kiểm dịch khi họ mắc bệnh. Visa y tế đi công tác cũng sẽ được nới lỏng. Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn, hơn 50% người dân Bắc Kinh đã nhiễm virus.
Tờ báo bình luận, Trung Quốc là quốc gia đông dân, nhưng khả năng miễn nhiễm thấp, và hệ thống y tế lại mỏng. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại đã dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Thực tế cho thấy hoàn toàn khác với những con số tử vong vì virus Vũ Hán mà chính quyền công bố chính thức.
Các chuyên gia y tế nhận định, Trung Quốc sẽ không quay lại chính sách hạn chế nghiêm ngặt như zero-COVID nữa. Như giáo sư Dali Yang, chuyên gia về virus Vũ Hán, nói với Sky News:
“Trung Quốc [hiện nay] đón nhận một chiến lược hoàn toàn khác với, nhưng lại mang theo kiên quyết và nhiệt tình hoàn toàn giống với với chiến lược zero-COVID.”
“Chỉ trích nhằm vào cách tiếp cận hiện tại là [ở chỗ] các nhà chức trách đã có thời gian chuẩn bị: Lẽ ra họ có thể giáo dục công chúng, lẽ ra họ có thể thực hiện nhiều biện pháp hơn, bao gồm cả việc chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc hạ sốt cơ bản.”
Một Trung Quốc mở cửa trở lại mà không cần xét nghiệm và các quy tắc rõ ràng là nhẹ nhõm đối một số người, nhưng nó diễn ra nhanh chóng và kèm theo cái giá phải trả.
Thiên Đức (Theo Sky News)
Kyiv: Quân đội Nga ở Belarus không đủ để tấn công Ukraine
Ukraine đề phòng bị tấn công từ biên giới Belarus. (Nguồn: ảnh chụp màn hình video)
Theo tình báo Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều động một nhóm gồm 10.200 binh sĩ đến Belarus, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine bước sang ngày thứ 308.
Trước đây, nhà lãnh đạo Nga đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng ông có thể yêu cầu người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko mở một mặt trận mới trong cuộc chiến dọc theo biên giới Belarus – Ukraine.
Cho đến nay, Belarus đóng vai trò là “bên đồng tham chiến” trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, bằng cách cung cấp cho Nga lãnh thổ, các căn cứ quân sự và bệnh viện để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow nhưng không cho quân đội của mình tham gia trực tiếp chiến đấu.
Theo một bài báo của hãng tin Ukrainska Pravda, hôm thứ Tư (28/12), ông Serhii Deineko, lãnh đạo Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine, nhận định rằng hàng nghìn binh sĩ Nga được bố trí ở Belarus không đủ để Nga phát động một cuộc tấn công vào Ukraine.
Theo một bản dịch tiếng Anh, ông Deineko lưu ý: “Họ [quân đội Nga” không thể thực hiện nhiệm vụ tấn công liên tục trên lãnh thổ của đất nước chúng tôi.”
Ông Deineko tiết lộ, tình báo Ukraine theo dõi tình hình ở Belarus hàng ngày. Ukrainska Pravda đưa tin, ông Deineko khẳng định, các quan chức Ukraine được “các trợ lý không chính thức” giúp đỡ để theo dõi hoạt động của Nga ở nước láng giềng phía bắc.
Trước đó, Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn đặt ở Hoa Kỳ, dự đoán, Nga có thể đang “chuẩn bị điều kiện” để tổ chức một cuộc tấn công mới vào Kyiv. Tuy nhiên, trong báo cáo hôm 27/12 của mình, tổ chức tư vấn này nhận định, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công như vậy từ Belarus vẫn ở mức thấp.
ISW cho hay, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng nhắc lại trong tuần này rằng họ không nhận thấy dấu hiệu cho thấy quân đội Nga ở Belarus đang thành lập một “nhóm tấn công”. Ngoài ra, hôm 27/12, phát ngôn viên của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine Andriy Demchenko cũng cho biết, “tình hình ở biên giới với Belarus vẫn nằm trong tầm kiểm soát.”
Theo báo cáo của ISW, Ông Demchenko cảnh báo, Nga và Belarus đã “cố tình gây căng thẳng” dọc biên giới phía bắc Ukraine thông qua các cuộc tập trận chung và các đợt triển khai các thiết bị quân sự.
Tổng thống Putin cũng khiến Nhà Trắng phải lo ngại, đặc biệt sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Nga với Tổng thống Lukashenko vào đầu tuần trước. Vào thời điểm đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh, Hoa kỳ đang tiếp tục “giám sát chặt chẽ tình hình bố trí lực lượng của Nga”.
ISW báo cáo hôm 27/12 rằng các tổng thống Nga và Belarus đã gặp lại nhau ở St. Petersburg trong tuần này nhưng lưu ý rằng các thông tin từ cuộc họp là “mơ hồ và không cho thấy bất kỳ hoạt động quan trọng nào.” Trước đó, Newsweek đưa tin, Tổng thống Putin cho biết cuộc gặp diễn ra không chính thức, nhưng cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “các vấn đề nghiêm trọng”.
Gia Huy (Theo Newsweek)
Tân thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã hoàn tất các thỏa thuận để thành lập liên minh cầm quyền,
theo các bên liên quan. Ông Netanyahu dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức cho chính phủ mới của mình — một trong những chính phủ hữu khuynh nhất lịch sử Israel — vào thứ Năm. Hôm thứ Ba, quốc hội nước này đã thông qua đạo luật gây tranh cãi cho phép các đồng minh của ông Netanyahu đảm nhận các vị trí quan trọng trong chính phủ.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết giữ lại một biện pháp y tế công cho phép nhanh chóng trục xuất những người di cư bất hợp pháp từ Mexico.
Trước đó mười chín tiểu bang Cộng hòa đã nộp đơn kiện để gia hạn chính sách này, được gọi là Tiêu đề 42, với lý do gia tăng các vụ vượt biên trái phép. Chính sách này sẽ duy trì cho đến ít nhất là tháng 2, khi Tòa bắt đầu nghe tranh luận của các bên.
Liệu thế giới có vượt qua được lạm phát mà không suy thoái?
Nhiều nền kinh tế toàn cầu đã phải sống cùng lạm phát trong những năm gần đây. Xuất phát từ chính sách tài khóa nới lỏng trong đại dịch và cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, nó đã khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Tốc độ tăng giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro đạt mức kỷ lục 10,7% trong năm 2022, và đạt đỉnh 9% ở Mỹ.
Các ngân hàng trung ương bị một số người chỉ trích vì không sớm tăng lãi suất để dập lạm phát. Nhưng dù sao họ cũng đã quyết liệt hành động trong năm 2022. Do đó, hầu hết các nước sẽ kiểm soát được lạm phát từ năm 2023, nhưng với các thiệt hại nghiêm trọng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự đoán thất nghiệp tăng vào năm 2023; trong khi Ngân hàng Anh dự báo GDP của Anh suy giảm. Còn nhớ lần cuối cùng thế giới phải tiến hành các chính sách hạn chế tăng trưởng để chống lạm phát vào năm 1982, nó đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Không có gì đảm bảo 2023 sẽ khác.
Thị trường năng lượng tiếp tục nóng trong năm 2023
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc Nga cắt giảm nguồn cung, châu Âu vẫn có đủ khí đốt cho mùa đông này. Và đến mùa đông năm sau họ sẽ có nhiều cảng nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn, từ đó ít phụ thuộc vào khí cung cấp qua đường ống của Nga hơn. Dù vậy, thị trường năng lượng vẫn sẽ nóng trong năm 2023 vì hai lý do chính.
Thứ nhất, đứt gãy nguồn cung vẫn chưa được giải quyết. Từ tháng 2, Nga sẽ cấm bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang các nước phương Tây đã áp giá trần đối với dầu Nga. Và khi châu Âu chuyển trọng tâm nhập khẩu sang châu Á, những nút thắt cổ chai mới chắc chắn sẽ xuất hiện. Ngoài ra OPEC cũng có thể thông báo cắt giảm sản lượng để giữ giá.
Thứ hai, các sản phẩm tinh chế, chẳng hạn như xăng và dầu diesel, đang trở nên khan hiếm hơn. Từ tháng 2, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu loại nhiên liệu này từ Nga. Nhưng bản thân lục địa này lại không thể sản xuất đủ dầu diesel để dùng. Một cuộc khủng hoảng dầu diesel toàn cầu có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 3.
Triển vọng của thị trường tài chính trong năm 2023
Kể từ những năm 1950, đã có 11 lần thị trường chứng khoán Mỹ đi vào đà giảm (thị trường gấu – bear market). Đợt ngắn nhất chỉ kéo dài một tháng vào năm 2020; trong khi đợt dài nhất kéo dài hơn hai năm rưỡi từ năm 2000. Do đó, lịch sử không thể khẳng định liệu thị trường có kéo dài đà trượt dốc của năm nay sang năm 2023 hay không. Nhưng có một số manh mối.
Các giai đoạn giảm dài nhất thường xảy ra khi giá tài sản giảm làm bộc lộ các sai phạm tài chính trong các giai đoạn thị trường đang thăng hoa — chẳng hạn như thế chấp dưới chuẩn của những năm 2000. Thị trường gấu hiện nay đã phơi bày các doanh nghiệp tiền điện tử lớn và bộc lộ những điểm yếu trong các quỹ hưu trí của Anh, vốn gần như hấp hối hồi tháng 9 năm nay do lệnh gọi ký quỹ đối với các công cụ phái sinh trái phiếu mà họ nắm giữ. Biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng đột biến. Tuy nhiên, sau 15 năm cải cách quy định trong hệ thống tài chính, thật khó để tưởng tượng bất cứ điều gì xảy ra ở quy mô như giai đoạn 2007-09. Đó là tin tốt. Nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt và hoạt động kinh tế chậm đi đồng nghĩa thị trường giá lên sẽ không sớm quay lại.
Năng suất toàn cầu trì trệ sau đại dịch
Quá trình phát triển và triển khai vắc-xin covid-19 dường như cho thấy rằng khi cùng nhau hành động, thế giới có thể làm nên những điều đáng kinh ngạc. Đáp lại, giới quan sát đã mạnh miệng dự đoán một thập niên 2020 sáng sủa với đủ loại phát minh mới. Một loại vắc-xin ung thư! Xe không người lái! Kính thực tế ảo cho tất cả mọi người! Các công ty dường như tin vào sự cường điệu, với liên tiếp những lời hứa hẹn tăng đầu tư khổng lồ.
Nhưng cho đến nay, thế giới đang tỏ ra còn kém sáng tạo hơn so với trước đây. Tăng trưởng năng suất toàn cầu là cực kỳ yếu, thậm chí âm — tức một người lao động trung bình đang sản xuất ít hơn trước đây. Có rất ít dấu hiệu cho thấy năm 2023 sẽ khác. Góc nhìn lạc quan là có độ trễ giữa chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp và năng suất, và do đó năng suất cuối cùng sẽ tăng. Nhưng góc nhìn thực tế là các phát minh thay đổi thế giới, và tăng trưởng kinh tế, đang ngày càng khó xảy ra hơn. Thập niên 2020 có lẽ sẽ nhàm chán hơn những dự đoán ban đầu.
Mỹ đối phó với làn sóng di dân Cuba lớn nhất trong lịch sử
29/12/2022
Người nhập cư Haiti ở Siera Morena, Cuba, ngày 26/05/2022. AP - Ramon Espinosa
Thùy Dương /RFI
Chỉ trong một năm, từ ngày 01/12/2021 đến nay, có hơn 270.000 người Cuba, tương đương 2,5% dân số nước này, bị nhà chức trách Mỹ bắt khi tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ. Đây được xem là làn sóng di dân Cuba lớn chưa từng có mà Mỹ phải đối phó.
Người dân Cuba rời bỏ đất nước để đi tìm điều kiện sống tốt hơn, trong bối cảnh đảo quốc này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất tính từ những năm 1990. AFP trích dẫn ông Jorrge Duany, giám đốc Viện nghiên cứu về Cuba, Đại học quốc tế Florida, số 270.000 di dân Cuba di cư trái phép sang Mỹ và bị chặn lại cao hơn cả những làn sóng di dân hồi năm 1980 (125.000 người), cuộc khủng hoảng Belseros hồi năm 1994 (34.000 người).
Do không cần có visa nhập cảnh vào Nicaragua, nên nhiều người chọn đi máy bay hoặc tàu biển sang Nicaragua, rồi từ đó chi tiền cho các đường dây buôn người để được đưa sang Mỹ. Tổng chi phí có thể lên tới 7.000 đôla/người, trong khi lương tháng trung bình ở cuba chỉ là 157 đô la.
Những ai không có điều kiện thì chọn sang Mỹ qua ngả Florida. Riêng trong ngày Giáng Sinh, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã chặn bắt 15 tàu nhỏ gần đảo Keys, cực nam bang Florida, nơi có hàng trăm di dân Cuba cập bờ mỗi tuần. Các tàu bị chặn bắt trên biển sẽ bị đưa trở về Cuba, trừ những trường hợp nếu quay về nước sẽ gặp nguy hiểm. Từ ngày 01/10, có hơn 3.700 người Cuba đã bị chặn bắt như vậy, tương đương 50% tổng số từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022. Đó là chưa kể đến những con tàu bị xem là mất tích ngoài khơi. Chẳng hạn hồi tháng 4, một tàu chở 14 di dân đã bị lật ngoài khơi, chỉ có 5 người bơi được vào bờ.
Trong khi đó, Reuters hôm qua trích dẫn 3 quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden đang lên kế hoạch sớm sử dụng các quy định hạn chế thời dịch để trục xuất nhiều người nhập cư Cuba, Nicaragua và Haiti bị bắt ở biên giới phía tây nam sang phía Mêhicô, nhưng cho phép một số người vào Mỹ theo đường hàng không vì lý do nhân đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét