Võ Thái Hà tổng hợp
Hoa Kỳ : Ủy ban điều tra vụ 6/1 chấm dứt hoạt động, hủy trát triệu tập ông Trump
30/12/2022
Ủy ban Hạ viện Mỹ về vụ 6/1/2021 công bố báo cáo điều tra tại Điện Capitol, ở thủ đô Washington.
Ủy ban của Hạ viện Mỹ điều tra về vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 quyết định hủy trát triệu tập cựu Tổng thống Donald Trump khi họ chấm dứt công việc và chuẩn bị giải thể vào tuần tới.
Dân biểu Bennie Thompson của bang Mississippi, đảng viên Dân chủ và là chủ tịch của ủy ban, viết trong thư gửi luật sư của ông Trump, David Warrington, hôm thứ Tư 28/12 rằng ông chính thức rút lại trát triệu tập.
Ông Thompson viết: “Như ông có thể đã biết, Ủy ban Chọn lọc đã kết thúc các phiên điều trần, công bố bản báo cáo cuối cùng và sẽ sớm chấm dứt hoạt động. Do cuộc điều tra của chúng tôi sắp kết thúc, Ủy ban Chọn lọc không còn có thể truy tìm những thông tin cụ thể được đề cập trong trát triệu tập”.
Ủy ban đã bỏ phiếu đề nghị triệu tập ông Trump trong phiên điều trần cuối cùng được phát trên truyền hình trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 10, yêu cầu cựu tổng thống cung cấp lời khai và tài liệu cùng lúc họ điều tra về vai trò của ông trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 và nỗ lực đảo ngược việc ông bị thất cử trong năm 2020.
Các nhà lập pháp trong ủy ban công nhận rằng sẽ khó bắt buộc ông Trump tuân thủ trát triệu tập, đặc biệt là khi đảng Cộng hòa sắp tiếp quản Hạ viện vào tháng Giêng. Nhưng động thái này có giá trị chính trị và biểu tượng.
Ông Trump đã kiện ủy ban hồi tháng 11 để tránh phải hợp tác. Hồ sơ kiện lập luận rằng tuy các cựu tổng thống đã tự nguyện đồng ý cung cấp lời khai hoặc tài liệu để đáp lại trát triệu tập của quốc hội trong quá khứ, song “không có tổng thống hoặc cựu tổng thống nào bị buộc phải làm như vậy”.
Ủy ban nêu ra yêu cầu về rất nhiều tài liệu, bao gồm các trao đổi thông tin riêng giữa ông Trump và các thành viên quốc hội cũng như với các nhóm cực đoan. Các luật sư của ông Trump cho biết rằng yêu cầu như vậy là quá rộng và coi đó là hành vi vi phạm các quyền của ông được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Dù ủy ban chưa bao giờ có được lời khai của ông Trump, song ủy ban đã phỏng vấn hơn 1.000 nhân chứng, bao gồm hầu hết các phụ tá và đồng minh thân cận nhất của ông trong Nhà Trắng. Nhiều người trong số những nhân chứng đó đã cung cấp thông tin chi tiết về những nỗ lực của ông Trump nhằm gây ảnh hưởng đến các nhà lập pháp cấp tiểu bang, quan chức và các nhà lập pháp cấp liên bang để giúp ông đảo ngược việc bị thất cử.
Trong bản báo cáo cuối cùng được đưa ra hồi tuần trước, ủy ban kết luận rằng ông Trump đã tham gia vào một “mưu đồ gồm nhiều phần” nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và đã không hành động gì khi xảy ra tình trạng bạo lực. Ủy ban cũng khuyến nghị Bộ Tư pháp điều tra cựu tổng thống về bốn tội danh riêng rẽ, trong đó có tội tiếp tay cho một cuộc nổi dậy.
Trên truyền thông xã hội vào tối 28/12, ông Trump và các luật sư của ông coi việc hủy trát triệu tập là một chiến thắng. “Có lẽ họ làm như vậy vì họ biết tôi không làm gì sai, hoặc họ sắp thua trước Tòa”, ông Trump viết trên mạng xã hội của chính ông. Ông gọi ủy ban 6/1 là “Bọn côn đồ chính trị”.
(AP)
Covid-19 : Thế giới phản ứng khác nhau với dịch bùng phát ở Trung Quốc
Thu Hằng /RFI
30/12/2022
Hành khách đến từ Trung Quốc được xét nghiệm Covid khi đến sân bay Milan Malpensa, Ý, ngày 29/12/2022. AP - Alessandro Bremec
Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng với Trung Quốc, đã quyết định áp dụng nhiều biện pháp hạn chế để kiểm soát dòng người đến từ Trung Quốc. Ngày 29/12/2022, tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom, cho rằng các biện pháp đó là « dễ hiểu », vì Bắc Kinh không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh.
Kể từ ngày 30/12, Nhật Bản bắt buộc xét nghiệm ở ngay cửa khẩu đối với người đến từ Trung Quốc. Những người nhiễm Covid có triệu chứng sẽ bị cách ly 7 ngày, còn những người không có triệu chứng thì cách ly 5 ngày. Hàn Quốc thì yêu cầu chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc cho đến cuối tháng 02/2023. Trước đó, Mỹ, Ý, Đài Loan, Ấn Độ cũng thông báo áp dụng biện pháp tương tự. Malaysia cho biết sẽ theo dõi mọi trường hợp có biểu hiện sốt từ các chuyến bay quốc tế.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa có biện pháp thống nhất. Trong một thông cáo ngày 29/12, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDE) cho rằng yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid-19 trên quy mô toàn khối đối với du khách đến từ Trung Quốc là « không có cơ sở». Thoe cơ quan này, các nước Liên Âu « đã có độ miễn dịch và tiêm chủng tương đối cao » và « các biến thể ở Trung Quốc đã có ở Liên Âu ».
Nếu như tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tỏ ra thông cảm với « các nước muốn bảo vệ người dân » trước làn sóng dịch phức tạp ở Hoa lục, truyền thông Trung Quốc hôm 29/12 cáo buộc biện pháp hạn chế của nhiều nước đối với hành khách đến từ Trung Quốc là « không có cơ sở » và « phân biệt », trong khi Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ cách ly bắt buộc những nhập cảnh Trung Quốc kể từ ngày 08/01/2023. Tuy nhiên, hành khách vẫn phải trình chứng nhận xét nghiệm âm tính 48 giờ trước đó.
Dù dịch bùng phát mạnh, các nhà hỏa táng bị quá tải, nhưng Trung Quốc thông báo chỉ có thêm 5.000 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 29/12.
TT Putin mời ông Tập Cận Bình đến Matxcơva
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: UNN).
Truyền thông Nga đưa tin, TT Nga Vladimir Putin đã mời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Matxcơva vào năm 2023.
Ông Putin nói với ông Tập Cận Bình qua video: “Tôi tin chắc rằng ngài và tôi sẽ tìm cơ hội gặp mặt trực tiếp. Chúng tôi đang chờ ngài, ngài chủ tịch thân mến, người bạn thân mến, vào mùa xuân năm sau với chuyến thăm cấp nhà nước tới Matxcơva”
Theo TT Nga, chuyến thăm này “sẽ chứng minh cho toàn thế giới thấy sức mạnh của mối quan hệ Nga-Trung trong các vấn đề then chốt, và sẽ trở thành sự kiện chính trị chính trong năm của quan hệ song phương”.
Trước đó có tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ điện đàm trước cuối năm nay.
Được biết, nhà độc tài Nga Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm để thảo luận về các sự kiện của năm 2022 vào cuối tháng 12.
Huệ Liên
Thiếu tướng Trung Quốc qua đời vì bệnh, ngoại giới nghi ngờ Covid-19 đã xâm nhập quân đội
Các binh sĩ Trung Quốc thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân đeo khẩu trang khi xếp hàng sau buổi lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên, vào ngày 23/10/2020 tại Quảng trường Thiên An Môn, bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)
Ngày 29/12, tờ báo quân sự của Trung Quốc đưa tin, nước này có một thiếu tướng qua đời vì bệnh vào ngày 5/11, hưởng dương 64 tuổi. Trước đó, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đăng bài kêu gọi bảo vệ sức khỏe của các sĩ quan và binh sĩ ở mức tối đa. Ngoại giới nghi ngờ rằng dịch bệnh đã tấn công vào quân đội Trung Quốc.
Theo Vision Times, báo quân đội Trung Quốc ngày 29/12 đưa tin, Thiếu tướng Hàn Chí Khánh (Han Zhiqing), Bộ trưởng Bộ Hậu cần Lục quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 5/11 vì bệnh tật nhưng không nói rõ tên bệnh.
Theo thông tin công khai, ông Hàn Chí Khánh gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 10/1976. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng tại Quân khu Tế Nam, sau được điều về Quân khu Vệ Thú Bắc Kinh.
Ngay từ ngày 11/11, tờ The Paper của Trung Quốc đã đưa tin rằng, nguồn tin từ nhiều người bạn của ông Hàn cho biết ông đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 5/11 do điều trị bệnh không hiệu quả. Nhưng khi đó quân đội Trung Quốc đã không công khai xác nhận tin này.
Mới đây, cơn sóng thần dịch bệnh bùng phát khắp Trung Quốc khiến số người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên chóng mặt. Vào thời điểm nhạy cảm này, báo quân đội của ĐCSTQ lại bất ngờ đưa tin về cái chết của ông Hàn Chí Khánh, động thái trên làm dấy lên nhiều suy đoán từ ngoại giới.
Một số nhà quan sát chỉ ra rằng, các doanh trại quân đội không thể nào nằm ngoài tầm lây lan của virus. Mới đây, một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy một địa điểm đặt tử thi ở Trung Quốc chứa đầy thi thể. Trong video xuất hiện những người mặc quân phục rằn ri.
Nguồn tin: Tập đoàn quân ở Bảo Định có người nhiễm Covid-19
Ngày 12/12, một phóng viên muốn giấu tên từng làm việc trong kênh truyền thông của quân đội Trung Quốc nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, ông nhận được tin về tình hình dịch bệnh bên trong tập đoàn quân đóng ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc: “Một người bạn của tôi là quân nhân, anh ta nhiễm rồi, anh ta nói bộ đội Bảo Định cũng có [người nhiễm], có chút hỗn loạn”. RFA chưa thể xác nhận tin tức này.
Tiến sĩ Hứa Trí Tường (Hsu Chih-Hsiang) là trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về Khái niệm Chính trị, Quân sự và Tác chiến của ĐCSTQ – cơ quan trực thuộc Viện An ninh Quốc phòng Đài Loan. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, quân đội ăn, ngủ và huấn luyện với nhau hàng ngày, thực sự rất dễ trở thành điểm nóng của các bệnh truyền nhiễm.
Ông nói, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu vào năm 2020, bất kể là quân đội nước nào cũng đều có trường hợp binh lính mắc bệnh và cần phải cách ly, điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc điều động nhân sự cũng như sức chiến đấu của quân nhân.
Sau khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ Zero Covid hơn một tuần, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 16/12 đăng bài yêu cầu bảo vệ sức khỏe của các sĩ quan và binh sĩ ở mức tối đa, đồng thời yêu cầu giảm tác động của dịch bệnh đối với “bốn trật tự” của quân đội, bảo đảm thường trực, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.
Người viết bài bình luận trên có bút danh là Quân Hạo (Jun Hao). Tác giả bài viết chỉ ra rằng, hiện nay “phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh” trong quân đội ĐCSTQ là ưu tiên hàng đầu. Bài báo nhấn mạnh cần “giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề phòng, chống dịch, cách ly điều trị, đảm bảo sinh hoạt”.
Ngoại giới cho rằng, quân đội ĐCSTQ thiếu minh bạch thông tin và rất có thể virus đã lây lan trong quân đội.
Bắc Kinh quấy nhiễu Đài Loan nhằm chuyển dịch áp lực trong nước ra bên ngoài?
Ngày 23/12, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng” cho năm tài chính 2023. Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của ĐCSTQ ngày 25/12 đã ngay lập tức tổ chức một cuộc tuần tra liên hợp và tập trận trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ 6h sáng ngày 25/12 đến 6h sáng ngày 26/12, đã có 71 máy bay và 7 tàu chiến của Trung Quốc áp sát quốc đảo này. Trong đó, có 47 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 28/12 dẫn lời các nhà phân tích cho hay, cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ cho thấy Bắc Kinh cảm thấy mối đe dọa từ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của Hoa Kỳ; mặt khác, họ cũng muốn nhân cơ hội này để chuyển hướng dư luận khỏi tình hình dịch bệnh đang mất kiểm soát trong nước.
Đông Phương tổng hợp
Truyền thông Trung Quốc gọi kiểm soát du khách từ Hoa Lục là “phân biệt đối xử”
Bệnh viện quá tải vì dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)
Các quốc gia trên thế giới lần lượt ra các biện pháp kiểm soát du khách từ Hoa Lục khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tái bùng phát ở Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ gọi đó là “vô căn cứ” và “phân biệt đối xử”.
Kênh chính thức của Trung Quốc báo cáo con số tử vong vì viêm phổi Vũ Hán là 5.247 trong toàn bộ 3 năm đại dịch, hầu như không tăng lên bao nhiêu trong thời gian qua, bất chấp hàng loạt các báo cáo về tình hình đại dịch đã trở lại như một “cơn sóng thần” quét ngang Trung Quốc, theo Reuters đưa tin 30/12.
Hiện nay đã có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, và Đài Loan đã ban hành quy định kiểm soát và phòng dịch đối với du khách từ Trung Quốc, trong khi các quốc gia khác đang trong trạng thái chờ xem và cân nhắc.
Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ miêu tả đó là những hành động “vô căn cứ” và “phân biệt đối xử” của “một số ít các quốc gia và khu vực” đang “đi ngược với xu thế chung”.
Tờ báo viết: “Một số ít quốc gia và khu vực, chẳng hạn như Mỹ và Nhật Bản, coi việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một cơ hội để bôi nhọ Bắc Kinh. Họ đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc, viện dẫn điều mà các chuyên gia gọi là các biện pháp “vô căn cứ” và “phân biệt đối xử” để bảo vệ các động thái của họ, nhưng mục đích thực sự là phá hoại nỗ lực kiểm soát COVID-19 trong ba năm qua của Trung Quốc và tấn công hệ thống của nước này.”
Dự đoán của Airfinity
Cũng theo Reuters đưa tin, công ty số liệu y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh Airfinity cho biết hôm thứ Năm (29/12), khoảng 9.000 người ở Trung Quốc đang chết mỗi ngày vì viêm phổi Vũ Hán. Số ca tử vong tích lũy ở Trung Quốc kể từ ngày 1/12 có thể lên tới 100.000 người, với tổng số ca nhiễm là 18,6 triệu người.
Airfinity dự đoán số ca nhiễm COVID của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào ngày 13/1, với 3,7 triệu ca mỗi ngày.
Thiên Đức
2023 là năm quan trọng cho các công ty phát triển taxi bay
Đây sẽ là năm quan trọng cho các công ty tiên phong phát triển máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện, thường được gọi là taxi bay. Sử dụng các cánh quạt nhỏ để điều hướng, những phương tiện này thường chở ít hơn sáu người. Với các phần mềm thông minh để điều khiển cánh quạt, chúng dễ điều khiển hơn máy bay trực thăng và thậm chí có thể bay tự động. Một số công ty ở châu Âu và châu Á sẽ thực hiện các chuyến bay thử nghiệm vào năm 2023 khi họ hướng tới chứng chỉ đủ điều kiện bay và đẩy mạnh sản xuất thương mại.
Các công ty cũng đang nỗ lực để được các cơ quan quản lý cho phép vận chuyển hành khách trả tiền. Công ty Trung Quốc EHang đang cùng với cơ quan quản lý hàng không nội địa thử nghiệm các chuyến bay hai hành khách tự điều khiển. Ở châu Âu, Volocopter của Đức đang kỳ vọng VoloCity hai chỗ ngồi của họ sẽ được phê duyệt kịp thời cho Olympics Paris vào năm 2024. 2023 sẽ là năm bản lề để đưa ngành công nghiệp này cất cánh.
Các công nghệ quốc phòng đáng theo dõi trong năm mới
Cuộc xâm lược của Nga đã khiến phương Tây tăng chi tiêu quốc phòng. Và lịch sử cho thấy công nghệ quân sự thường đóng góp nhiều vào các phát minh mới. Chính các nhà nghiên cứu quốc phòng Mỹ đã góp công lớn để tạo ra mạng internet. Một lĩnh vực trọng tâm hiện nay là cải thiện chuỗi cung ứng. Thay vì phải vận chuyển thực phẩm, thuốc men, nước và nhiên liệu ra tiền tuyến, các nhà nghiên cứu Mỹ đang kỳ vọng có thể sản xuất chúng tại chỗ bằng công nghệ sinh học mới.
Một công nghệ mới nữa là vũ khí siêu thanh, mà nhiều quốc gia đang phát triển và di chuyển nhanh gấp 5-25 lần tốc độ âm thanh. Venus Aerospace, một công ty khởi nghiệp của Mỹ, đặt mục tiêu sử dụng công nghệ này để chế tạo máy bay không gian có thể chở hành khách giữa hai điểm bất kỳ trên Trái đất chỉ trong vòng một giờ. Cuộc chiến của Vladimir Putin đã mang lại nhiều đau khổ và khó khăn, nhưng có thể một ngày nào đó nó sẽ góp phần để lại các di sản công nghệ bất ngờ.
Liệu metaverse, VR, và AR có cất cánh trong năm 2023?
Năm tới sẽ chứng kiến các công ty công nghệ lớn đẩy mạnh hai loại công nghệ có liên quan mật thiết được gọi tên nhiều trong thời gian gần đây. Một là thiết bị đeo thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), các thiết bị đeo giúp người dùng đắm chìm trong thế giới do máy tính tạo ra. Meta, công ty mẹ của Facebook, hiện chiếm khoảng 2/3 tổng doanh số bán thiết bị đeo AR và VR, dù đối mặt cạnh tranh từ Apple, công ty có khả năng sẽ phát hành thiết bị của mình vào năm tới, và Sony. Thiết bị đeo mới nhất của Meta có giá 1.499 USD; các thiết bị phổ thông rẻ hơn có thể sẽ xuất hiện trong năm 2023.
Thứ hai là metaverse, thứ mà nhiều người hy vọng sẽ thay thế internet bằng công nghệ kỹ thuật số ba chiều. Đến nay Meta đã chi hơn 27 tỷ đô la cho metaverse dù bị giới phân tích và đầu tư hoài nghi (cổ phiếu của tập đoàn đã giảm mạnh trong năm nay). Nhưng ngành kinh doanh trò chơi điện tử đã kiếm tiền trên thế giới ảo trong nhiều thập niên qua, trong đó Epic Games đã tổ chức các buổi biểu diễn nhạc sống bên trong game “Fortnite” từ lâu. Năm 2023 metaverse sẽ thực sự biết đá biết vàng.
Số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh, Trung Quốc vẫn dỡ bỏ các quy định kiểm dịch đối với du khách quốc tế
Một nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm từ một phụ nữ để xét nghiệm virus corona Covid-19 tại quận Tĩnh An, Thượng Hải vào ngày 7 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP/Getty Images)
Trung Quốc đã thông báo hủy bỏ các quy định kiểm dịch và cách ly tập trung với du khách nước ngoài đã duy trì 3 năm qua. Đây là một bước quan trọng hướng tới việc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại.
Từ ngày 8/1/2023, du khách quốc tế nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục và Ma Cao chỉ cần có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ. Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc – Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) đã công bố thông tin này vào cuối ngày thứ Hai vừa qua.
Theo chính sách trước đó, du khách đến Trung Quốc cần xét nghiệm và cách ly 8 ngày gồm 5 ngày cách ly tập trung ở trung tâm hoặc khách sạn chỉ định và 3 ngày cách ly tại nhà.
Ủy ban này cho biết, du khách vẫn phải đeo khẩu trang khi lên máy bay nhưng được miễn kiểm tra mã sức khỏe QR khi hạ cánh. Nghĩa là du khách không cần gửi kết quả xét nghiệm COVID cho đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc trước chuyến bay.
Từ tháng 3/2020, với việc duy trì chính sách Zero-COVID, Trung Quốc đã đóng cửa phần lớn biên giới. Tất cả người lao động, sinh viên và khách du lịch quốc tế đều bị cấm nhập cảnh. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa liên tục dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm duy trì chính sách Zero-COVID đã gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước này. Điều này đã ảnh hưởng đến toàn bộ các chuỗi cung ứng và thương mại của thế giới. Dữ liệu từ Bộ Du lịch Trung Quốc cho biết, tổng khách du lịch nội địa là 27,47 triệu khách, giảm 81% so với những năm trước trước khi xảy ra đại dịch.
Theo NHC, cơ hội đi nước ngoài của người dân Trung Quốc cũng sẽ dần dần trở lại. Ảnh chụp ngày 10/10/2022 cho thấy các nhân viên đang phun thuốc khử trùng trên một quầy ở Sân bay Bijie Feixiong, khi sân bay chuẩn bị mở cửa trở lại sau khi đóng cửa do sự bùng phát của vi rút corona Covid-19, ở Bijie thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP / Getty Images)
Sau khi chính sách mới được công bố, truyền thông Trung Quốc đưa tin về lượng tìm kiếm vé máy bay quốc tế trên website du lịch Đồng Thành Travel đã tăng gấp 8 lần. Ba điểm đến được ưu tiên hàng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Phần lớn những người tìm kiếm vé máy bay đều là những người sống ở các khu vực đô thị của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Trong 3 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã từ chối đơn xin cấp thị thực của công dân nếu mục đích xuất cảnh là không rõ ràng hoặc không cần thiết.
Thông báo ngày 26/12 là một phần trong kế hoạch của chính quyền nhằm hạ cấp độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 từ cấp A (cấp cao nhất) xuống cấp B (ít nghiêm trọng hơn).
Thay đổi chính sách Zero-COVID
Trung Quốc là quốc gia cuối cùng trên thế giới chuyển sang sống chung với COVID-19 và coi virus này là bệnh đặc hữu.
Vào đầu tháng này, Trung Quốc đã thay đổi chính sách phòng dịch mà không có thông báo trước. Chính quyền dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Hành động này khiến các địa phương chưa được chuẩn bị sẵn sàng phải vật lộn để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới. Sự thay đổi chính sách quá bất ngờ đã khiến hàng dài người phải xếp hàng tại các phòng khám sốt. Và thuốc hạ sốt trở nên khan hiếm trên khắp đất nước.
NHC của Trung Quốc đã thông báo vào hôm Chủ nhật rằng, họ sẽ ngừng cập nhật số liệu các ca nhiễm Covid-19 từ tuần này. Bất chấp các video lan truyền trên mạng xã hội về tình hình quá tải ở các bệnh viện và nhà tang lễ, số liệu thống kê của nhà nước về số ca tử vong do Covid chỉ ở mức một con số kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp hạn chế trong tháng này.
Vẫn chưa rõ liệu những thông báo này có làm tăng số lượng du khách nhập cảnh hay không bởi chính quyền Trung Quốc hoàn toàn thiếu các biện pháp kiểm soát dịch và tiếp tục bưng bít thông tin. Theo một biên bản rò rỉ từ cuộc họp của NHC vào ngày 21/12 được Bloomberg đưa tin cho thấy có tới 248 triệu người có thể đã nhiễm bệnh trong 20 ngày đầu của tháng 12.
Vào hôm thứ Hai, các nhà chức trách cho biết, thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc cho các mục đích như công việc, học tập, thăm thân nhân và các trường hợp cần thiết khác sẽ được tạo điều kiện.
Cát Mộc biên dịch
Úc dẫn độ cựu phi công thủy quân lục chiến Mỹ vì cáo buộc huấn luyện phi công Trung Quốc
Chính phủ liên bang Úc đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ một cựu phi công chiến đấu của Thủy quân lục chiến sang Mỹ. Cựu phi công này đã bị bắt ở Úc hồi tháng 10 và đang phải đối mặt với cáo buộc âm mưu xuất khẩu bất hợp pháp các dịch vụ quốc phòng sang Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc được phóng từ boong tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông vào ngày 2/1/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Ông Duggan, người mang cả hai quốc tịch Mỹ và Úc, đã bị bắt vào ngày 21/10 tại thành phố Orange ở New South Wales, Úc.
Úc đã nhận được yêu cầu dẫn độ từ Hoa Kỳ đối với ông Duggan vào ngày 9/12.
Bộ trưởng Tư pháp Úc Mark Deyfrus ngày 29/12 cho biết, Mỹ đã gửi yêu cầu dẫn độ tới Úc vào ngày 9/12 và Úc cần chính thức phản hồi yêu cầu này trước ngày 25/12, hãng tin Reuters đưa tin.
“Bộ trưởng Tư pháp Úc đã tuân thủ yêu cầu này và luật sư của ông Duggan cũng được thông báo về quyết định đó”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố gửi cho hãng tin Reuters.
Theo một bản cáo trạng năm 2017 chưa được niêm phong bởi một tòa án quận của Hoa Kỳ ở Washington vào ngày 9/12, ông Duggan đã ba lần huấn luyện quân sự cho các phi công Trung Quốc thông qua một trường dạy bay ở Nam Phi vào năm 2010 và 2012, khi ông còn là công dân Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ cáo buộc rằng, động thái trên của ông Duggan đã vi phạm luật kiểm soát vũ khí của Mỹ.
Do đó, ông Duggan phải đối mặt với bốn tội danh, bao gồm: âm mưu lừa gạt chính quyền Mỹ bằng cách xuất khẩu bất hợp pháp các dịch vụ quốc phòng sang Trung Quốc, âm mưu rửa tiền, vi phạm luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Hoa Kỳ và vi phạm quy định về buôn bán vũ khí quốc tế.
Bản cáo trạng cũng nêu tên ba đồng phạm giấu tên đến từ Vương quốc Anh, Nam Phi và Trung Quốc với tư cách là giám đốc điều hành của một “Học viện bay thử nghiệm Nam Phi (TFASA) – nơi có sự hiện diện của Trung Quốc”, cũng như một cá nhân Trung Quốc đã thu được thông tin tình báo quân sự cho quân đội Trung Quốc.
Học viện Chuyến bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA) trước đó đã quảng cáo tuyển dụng các giảng viên phi công làm việc tại một địa điểm không được tiết lộ ở khu vực “Viễn Đông Á”, với cam kết hợp đồng ban đầu là 4 năm.
Các yêu cầu bao gồm tốt nghiệp từ một trường phi công thử nghiệm quân sự của Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh.
Trước khi bị bắt, ông Duggan – cha của sáu đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học – đã điều hành một công ty bay du lịch mạo hiểm ở Úc có tên là Top Gun Australia, trước khi làm cố vấn hàng không ở Thanh Đảo, Trung Quốc, từ năm 2015–2022, theo thông tin trên hồ sơ LinkedIn của ông.
Theo trang web của Top Gun Australia, ông Duggan được mô tả là phi công trưởng và giám đốc điều hành. Theo tiểu sử của mình, ông Duggan đã phục vụ ở Vịnh Ba Tư trong chiến dịch Kuwait và phục vụ trong Hải quân Tây Ban Nha. Tại đây, ông đã lái nhiều loại máy bay quân sự, bao gồm cả máy bay chiến đấu AV-8B Harrier “Jump Jet”, T2C Buckeye, A4J “Skyhawk”, “Hawk” và MiG 29.
Ông cũng là hướng dẫn viên chiến thuật cấp cao về vũ khí và chiến thuật, không chiến và bay tầm thấp.
Gia đình ông Duggan kêu gọi chính phủ Úc ngừng dẫn độ
Bà Saffrine Duggan, vợ của ông Duggan, đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu trả tự do cho chồng mình và ngăn chặn việc dẫn độ ông sang Hoa Kỳ.
Bà nói rằng, ông Duggan đã bị cuốn vào một vụ án có động cơ chính trị, vốn là một phần của “Sáng kiến Trung Quốc” và hiện sáng kiến này đã bị mất uy tín ở Hoa Kỳ. “Sáng kiến Trung Quốc” này đã bị Quốc hội Hoa Kỳ, giới học thuật, các nhóm dân quyền và cộng đồng người Mỹ gốc Á chỉ trích.
Bà nói thêm: “Ông Daniel đã bị cuốn vào một cơn bão địa chính trị khi làm việc ở Trung Quốc, làm công việc mà các phi công phương Tây, châu Phi và châu Âu đã làm ở đó trong nhiều thập kỷ với sự hiểu biết toàn diện về các chính phủ này”.
“Ông Daniel phải xa con cái, gia đình thân yêu, bạn bè và cộng đồng vì một vụ án rõ ràng có động cơ chính trị dựa trên bản cáo trạng năm 2017 – vốn là một phần của “Sáng kiến Trung Quốc” hiện đã mất uy tín tại Hoa Kỳ. Sáng kiến này đã bị các thành viên của Quốc hội Mỹ, giới học thuật, các nhóm dân quyền và cộng đồng người Mỹ gốc Á chỉ trích là phân biệt chủng tộc và về cơ bản là phân biệt đối xử”.
Bà Saffrine Duggan cũng đang thúc giục Tổng chưởng lý Úc, Mark Dreyfus, trả tự do cho ông Duggan ngay lập tức, với lý do vụ kiện có động cơ chính trị. Đồng thời, bà cũng kêu gọi chấm dứt sự bất công đối với một công dân Úc có gia đình với sáu người con.
Lam Giang tổng hợp
Tuần cuối cùng của năm 2022, PBOC bơm tiền cứu thanh khoản nhiều nhất kể từ 2019
Quang Nhật
Cảnh sát tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ở Bắc Kinh, ngày 08/07/2015. (Ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)
Hệ thống ngân hàng thương mại của Trung Quốc dường như đang mắc kẹt với thanh khoản trong những ngày cuối năm 2022 nhiều sự kiện. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm tới 975 tỷ CNY vào hệ thống, mức bơm tiền nhiều nhất kể từ năm 2019.
Mức tiền bơm ròng cho NHTM trong tuần lớn nhất kể từ 2019
Trong tuần cuối cùng của năm 2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, PBOC, đã bơm ròng tổng cộng 975 tỷ CNY, tương đương 140 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng để cứu trợ thanh khoản.
Hôm nay, thứ Sáu, ngày 30/12/2022, PBOC đã bơm tổng cộng 183 tỷ CNY vào hệ thống ngân hàng của mình, thông qua các hoạt động mua lại đảo ngược trong bảy ngày, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất repo ở mức 2%.
PBOC đã liên tiếp bơm ròng tiền trong tuần này, gần như hàng ngày, ở mức 180 – 216 tỷ CNY mỗi ngày làm việc. Tuần trước, ngân hàng trung ương đã bơm ròng 704 tỷ CNY.
Cả tháng 12/2022, tiền bơm ròng vào NHTM nhiều hơn GDP cả năm của Việt Nam
Theo thống kê của Trading Economics, tính theo tuần, đây là mức bơm ròng tiền vào hệ thống NHTM lớn nhất kể từ năm 2019, năm trước khi đại dịch bùng phát.
Theo số liệu thống kê của NTDVN, tổng số tiền bơm ròng vào ngân hàng thương mại chỉ trong 12 tháng qua của Trung Quốc lên tới 2.329 tỷ CNY, tương đương với 334 tỷ USD, lớn hơn GDP cả năm của Việt Nam.
Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng suy giảm thanh khoản ở các NHTM Trung Quốc dù nền kinh tế này đang thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng; một chính sách tiền tệ đi ngược lại với hầu hết các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu vào thời điểm này.
Cạn thanh khoản vì nợ xấu và vỡ nợ trái phiếu
Trung Quốc đang chứng kiến vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản kỷ lục năm 2022. Từng là lĩnh vực đầu tư được săn lùng chiếm hơn một nửa số vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao ở châu Á, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã chứng kiến số vụ vỡ nợ kỷ lục vào năm 2022 đối với các nhà phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu và thậm chí cả một số doanh nghiệp nhà nước.
Từ 1/2022 đến tháng 7/2022, theo số liệu của Bloomberg, tổng số TPDN phát hành ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc bị vỡ nợ (đến hạn không trả được nợ như cam kết) lên tới 26 tỷ USD. Nhưng đó là con số thống kê khiêm nhường trên thị trường TPDN phát hành ở nước ngoài.
Thị trường TPDN trong nước lớn hơn nhiều, lên tới 12 nghìn tỷ USD. Trong đó, phần đã là TPDN thuộc ngành bất động sản (BĐS).
Theo Bond Supper Mart, kể từ đầu năm 2022 đến nay, tâm lý đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc ngày càng tiêu cực; ngày càng có nhiều nhà phát triển bất động sản ngoài quốc doanh rơi vào khủng hoảng thanh khoản, dẫn đến vỡ nợ trái phiếu hoặc phải đưa ra đề xuất gia hạn cho trái chủ.
Hiện tại, tỷ lệ vỡ nợ (vỡ nợ thực tế cộng với vỡ nợ kỹ thuật) của trái phiếu USD bất động sản Trung Quốc đã tăng lên hơn 50%. Hơn 50% số trái phiếu này đã giảm xuống dưới 30 USD. Đây là tình huống chưa từng có. Chuyên trang về theo dõi trái phiếu doanh nghiệp này để lại bình luận “các nhà đầu tư trái phiếu bất động sản Trung Quốc đều lo lắng và sợ hãi”.
Theo Caixin Global, 200 nhà phát triển BĐS lớn ở Trung Quốc sẽ cần trả các khoản nợ tổng trị giá 175,5 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào tháng 6 và tháng 7, khoảng 61% tổng số tiền đáo hạn trong nửa cuối năm, theo dữ liệu từ công ty tư vấn BĐS China Real Estate Information Corp (CRIC). Như vậy, có nghĩa là khoảng 42 tỷ USD nợ TPDN quốc tế (phát hành bằng USD) sẽ đến hạn từ nay đến hết năm 2022.
Vậy tại sao trái phiếu BĐS vỡ nợ lại liên quan tới ngân hàng thương mại? Bởi vì cũng khá giống Việt Nam, NHTM là nhà đầu tư nắm giữ một khoản lớn TPDN.
Khi ngân hàng thương mại dùng nguồn huy động ngắn hạn để đầu tư vào TPDN vốn là tài sản dài hạn, mà tài sản này lại không thể thu hồi đúng hạn vì vỡ nợ tràn lan như mô tả ở trên, lúc này cạn kiệt thanh khoản có thể gây ra đổ vỡ hệ thống.
PBOC không còn cách nào khác là duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bơm tiền nhiều chưa từng có, vượt mức kế hoạch cho hệ thống ngân hàng nhiều rủi ro này.
Quang Nhật
Huyền thoại bóng đá Pelé qua đời ở tuổi 82
30/12/2022
Pelé trong một sự kiện về chính ông ở London hồi tháng 10/2003.
Pelé, huyền thoại bóng đá người Brazil, qua đời hôm thứ Năm 29/12, thọ 82 tuổi.
Pelé chói sáng và đạt đẳng cấp thế giới khi ghi nhiều bàn thắng ngay ở độ tuổi thiếu niên. Ông dẫn dắt đội tuyển quốc gia Brazil giành chức vô địch World Cup tới 3 lần.
Ông nhập viện hồi cuối tháng 11, và các bác sĩ cho biết vào tháng 12 rằng ông đối diện với căn bệnh ung thư đang xấu đi cùng với các vấn đề về thận và tim. Vào tháng 9/2021, ông phải phẫu thuật cắt bỏ một khối u khỏi ruột kết.
Được nhiều người coi là một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại, Pelé tỏa sáng rực rỡ cả trên sân đấu World Cup khi thi đấu cho đội Brazil lẫn khi đá trong các trận đấu cấp câu lạc bộ cũng như các chuyến du đấu quốc tế cùng đội Santos, trước khi góp phần tạo nên làn sóng phấn khích về môn thể thao này ở Hoa Kỳ bằng những hoạt động vào cuối sự nghiệp của ông, gắn với đội New York Cosmos.
Tên thật của ông là Edson Arantes do Nascimento. Ông sinh năm 1940 tại Tres Coracoes, cách Rio de Janeiro khoảng 250 km về phía tây bắc. Pelé ký hợp đồng với câu lạc bộ Santos khi mới 15 tuổi.
Đến năm 16 tuổi, ông là một trong những cầu thủ của đội tuyển quốc gia Brazil, và vào năm 1958, ông thi đấu lần đầu trong World Cup ở tuổi 17, khẳng định mình trên sân đấu lớn nhất của bóng đá với một bàn thắng trong trận đấu đầu tiên. Ông là cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn ở World Cup nam và là cầu thủ trẻ nhất từng ghi ba bàn trong một trận đấu, đó là thành tích ông lập được trong trận đấu thứ hai của Brazil tại giải đấu.
Việc ông ghi được hai bàn thắng nữa trong trận đấu cuối cùng của giải đấu đã giúp Pelé dẫn dắt Brazil đến chức vô địch. Ông cùng đội Brazil đoạt cúp vô địch World Cup thêm hai lần nữa vào năm 1962 và 1970.
Sự nghiệp thi đấu quốc tế của ông bao gồm 77 bàn thắng sau 92 trận đấu. Ông cùng với Diego Maradona của Argentina được FIFA vinh danh là hai cầu thủ vĩ đại nhất và ngang nhau trong thế kỷ 20.
Sau khi nghỉ hưu ở Santos và thực hiện các trách nhiệm quốc tế, Pelé gia nhập câu lạc bộ New York Cosmos thuộc Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ vào năm 1975 và chơi trong ba mùa giải ở đó.
Trong cuộc đời hậu sự nghiệp bóng đá, Pelé từng là bộ trưởng thể thao của Brazil, và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã vinh danh ông là Nhà vô địch Thể thao của UNESCO vì tổ chức này đánh giá rằng ông có “cam kết nổi bật về thúc đẩy thể thao và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”.
Vào năm 2020, Pelé viết trên Twitter rằng ông tự hào về mối quan hệ của ông với Liên Hiệp Quốc, cũng như về việc ông tham gia vào các chiến dịch thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ ở Brazil và xóa nạn mù chữ.
“Hôm nay, tôi muốn kêu gọi mọi người tham gia vào các sự nghiệp cao đẹp, cả với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức công cộng và các nhà tài trợ của tôi. Đây là một phần di sản của tôi và tôi hoan nghênh những huyền thoại bóng đá khác cũng đang đi theo con đường này, sử dụng môn thể thao đẹp mắt này để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, ông viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét