Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 17 tháng 01 năm 2023

 Quê Hương tổng hợp

Việt Nam: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc buộc từ chức

Thanh Phương /RFI

17/01/2023

Ảnh minh họa: Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn đối thoại lãnh đạo APEC, nhân thượng đỉnh APEC, Bangkok, Thái Lan, ngày 18/11/2022. REUTERS - POOL 

Theo tin từ báo chí trong nước, hôm nay, 17/01/2023, chủ tịch nước của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã buộc phải từ chức. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một chủ tịch nước buộc phải rời khỏi chức vụ như vậy trong bối cảnh lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng để qua đó củng cố quyền lực.  

Cụ thể, trong một phiên họp bất thường chiều nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc “thôi giữ” các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, đồng thời “nghỉ công tác và nghỉ hưu”. 

Theo thông cáo của Trung ương Đảng, lý do ông Phúc buộc phải từ chức như vậy là vì trong thời gian làm thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã “ để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Trong số này, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ “bị xử lý hình sự”. Hai phó thủ tướng đã buộc phải “xin thôi” giữ chức vào cuối tháng 12 năm ngoái do bị dính líu đến các vụ tham nhũng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. 

Thông cáo nhấn mạnh: "Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu".

Năm nay 68 tuổi, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là phó thủ tướng và giữ nhiều chức vụ khác trước khi trở thành thủ tướng từ năm 2016 và sau đó lên giữ chức chủ tịch nước từ tháng 04/2021. Để có hiệu lực, việc ông Phúc từ chức chủ tịch nước sẽ còn phải được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn. Theo hãng tin Reuters, các đại biểu Quốc Hội sẽ họp phiên bất thường trong tuần này. Hiện chưa biết là ai sẽ thay thế ông Phúc trong chức vụ chủ tịch nước. 

Theo nhận định của trang Nikkei Asia, với việc chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhân vật đứng hàng thứ hai trong ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, từ chức, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng củng cố thêm quyền lực chính trị.

Trả lời hãng tin AFP hôm nay, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng việc ông Phúc buộc phải từ chức chủ yếu là liên quan đến tham nhũng, nhưng cũng có thể là do đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nguyên tắc phải rời khỏi chức vụ này vào năm 2026. Theo ông Lê Hồng Hiệp, các đối thủ chính trị của Nguyễn Xuân Phúc muốn loại bỏ ông để dọn đường cho một ứng viên khác giành vị trí lãnh đạo tối cao.

Quốc hội Việt Nam lại sắp họp bất thường

Nguồn: Reuters


17.01.2023 10:25

VNTB – Quốc hội Việt Nam lại sắp họp bất thường

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ mở kỳ họp bất thường hiếm hoi vào thứ Ba 17/1, theo ba nguồn tin của Reuters, sau kỳ họp tương tự hồi đầu tháng mà khi đó hai phó thủ tướng bị miễn nhiệm.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra vào lúc Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu ‘đốt lò’ khiến bộ trưởng y tế bị truy tố và hàng trăm quan chức cấp cao bị điều tra.

Ba nguồn tin nắm rõ chuyện của Chính phủ và Quốc hội từ chối tiết lộ danh tính do tính nhạy cảm chính trị của vấn đề, cho biết Quốc hội có thể phê chuẩn đơn từ chức của nhiều quan chức cấp cao trong tuần này.

Điều này sẽ báo hiệu cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục leo thang hơn nữa ngay cả khi ngày càng có nhiều lo ngại rằng sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý kinh tế và đầu tư.

Một quan chức phụ trách truyền thông của Quốc hội từ chối bình luận với Reuters về kỳ họp bất thường này. Các cuộc gọi đến hai quan chức Quốc hội khác cũng không được bắt máy.

Những kỳ họp bất thường như vậy rất hiếm hoi trong cơ quan lập pháp bù nhìn của Việt Nam và việc hai kỳ họp bất thường được tổ chức liên tục như vậy, hay ngay trước Tết Nguyên đán là điều ít xảy ra.

Quốc hội vào ngày 5/1 đã bỏ phiếu bãi nhiệm hai trong số các phó thủ tướng chính phủ, trong một động thái mà các nguồn tin nói là do dính và bê bối tham nhũng.

Việt Nam không có một lãnh đạo tối cao mà là được lãnh đạo bởi ‘tứ trụ’ bao gồm Tổng bí thư đầy quyền lực, Chủ tịch nước chủ yếu mang tính nghi lễ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

https://vietnamthoibao.org

Nguyễn Văn Tuấn - Vẫn còn những thân phận cơ cực 

15/01/2023

  

Anh ấy đi đâm chuột (cách nói phổ biến ở đây để chỉ ‘săn chuột’) trong đêm. Và sáng nay bà con thấy cái xuồng trôi dạt trên sông còn anh ấy thì biệt tăm, rất có thể đã mất mạng. 

Người dân địa phương đoán rằng anh có thể bị ghe lớn đụng trong đêm, và anh ấy đã mất mạng vì cú đụng đó. Vẫn theo kinh nghiệm, khoảng 2 ngày sau thì xác sẽ nổi lên và bà con sẽ vớt thi thể anh ấy về an táng. 

Bà con chòm xóm nghe hung tin bèn ‘triển khai’ thuyền bè khắp các ngã sông và rạch để tìm xác anh ấy. Cho đến nay, đã qua 48 giờ, chỉ thấy cái xuồng và công cụ săn chuột, nhưng vẫn chưa phát hiện thi thể anh ấy.

Tôi nghe câu chuyện trong buổi cà phê sáng nay mà miệng đắng ghét. Và, cảm thấy bài viết mình mới gởi cho báo Tuổi Trẻ chưa phản ảnh đầy đủ cuộc sống của người dân miệt quê ở miền Tây. 

Phải nhìn nhận rằng cuộc sống của đa số người dân ở đây hiện nay đã dễ thở hơn trước, hiểu theo nghĩa tiện nghi hơn, làm ăn khấm khá hơn. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng còn nhiều người cực khổ lắm. Anh đi đâm chuột đó chỉ là một trường hợp tiêu biểu mà thôi. Có lẽ anh ấy kém may mắn hơn những người nghèo khác, vì anh phải trả giá bằng mạng sống của mình. 

Có bao nhiêu người nghèo như anh đâm chuột? Theo một điều tra xã hội năm 2019 thì có khoảng 11% hộ nghèo ở miền Tây. Đọc con số này làm tôi sốc! Trời ơi! Nơi sản xuất ra lúa gạo và nông sản bậc nhứt của cả nước mà có nhiều người nghèo đến vậy sao? Xin nói thêm rằng ‘nghèo’ ở đây có nghĩa là có thu nhập 13.300 đồng một người một ngày, tức khoảng 0,6 USD một ngày. Tôi đoán rằng nếu tính nghèo theo định nghĩa của mấy nước phương Tây (hay ngay cả chuẩn của Thái Lan) thì tỉ lệ nghèo ở miền Tây chắc cao hơn con số 11%. 

Cái nghèo làm cho người ta liều lĩnh. Thoạt đầu, nghe ‘đâm chuột’ tôi thấy vừa ngạc nhiên vừa thương tâm. Hồi xưa, người ta đi bắt chuột đồng sau khi thu hoạch lúa, còn ngày nay có chuyện ‘đâm chuột’, nghe … ghê quá. Thương tâm là vì phải khổ đến độ đi săn chuột (thay vì bắt tôm cá). Có thể do tôm cá dưới sông càng ngày càng cạn kiệt nên người ta phải đi săn chuột? 

Dù lý do gì thì  người nghèo ở miệt quê vẫn còn khổ lắm, họ phải bươn chải để có vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Con số này chỉ là con số lẻ của những người khấm khá ở thành thị. Nói cách khác, cái khoảng cách giữa người giàu và nghèo ở Việt Nam vốn đã lớn thì nay càng lớn hơn. 

Khoảng cách giữa người giàu và nghèo  cũng là một chỉ số phản ảnh sự lành mạnh của một xã hội. Cố Tổng thống John F Kennedy từng nói một câu chí lý: nếu một xã hội tự do không giúp được những người nghèo (chiếm đa số) thì xã hội đó cũng không cứu được những người giàu (thiểu số). 

TB: Cũng con sông này, ngày xưa (trong thời chiến tranh), thỉnh thoảng có xác người trôi sông vì bị ‘cách mạng’ hành quyết, thường là đập đầu. Ngày nay, con sông này cũng thỉnh thoảng chuyên chở xác người, trong đó có những người quá nghèo và không có thân nhân, họ chọn cách để cho xác mình vùi trong lòng sông. Nếu là tiểu thuyết gia, tôi có nhiều chuyện để viết.GIÀU

NGUYỄN VĂN TUẤN 15.01.2023

Dân 'bụi đời' quanh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sống ra sao?

16/01/2023

Tidoo Nguyễn 

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Tidoo Nguyen

Nguồn hình ảnh, Tidoo Nguyen

Chụp lại hình ảnh, 

Bên trong công viên dọc kênh Nhiêu Lộc có bảng cấm đánh bắt cá và cấm tụ tập buôn bán

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có chiều dài gần 9 cây số, bắt đầu từ điểm giao giữa hai con đường Lê Bình và Út Tịch nằm ở quận Tân Bình, chảy dài qua các quận: Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, quận 1, Bình Thạnh, rồi đổ ra sông Sài Gòn tại cảng Ba Son, quận 1.

Dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bắt đầu vào tháng 3 năm 2003 và hoàn tất vào tháng 8 năm 2012 (gần 10 năm). Sau đó, tháng 2 năm 2020, nhà nước tiếp tục phải nạo vét đoạn kênh từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn dài khoảng 5,8 cây số, hoàn thành hồi tháng 5 năm 2020.

Đi ngang con đường Hoàng Sa và Trường Sa ở hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hầu như ai cũng chứng kiến cuộc sống của người dân vào ban ngày, tuy nhiên hiếm ai biết sinh hoạt ban đêm ở nơi đây. Đặc biệt là cuộc sống của “dân bụi đời” trong công viên, dọc theo hai bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Các băng ghế nằm rải rác trong công viên quanh bờ kè là “giường” của những thanh niên “đi bụi” từ 23 tuổi đến 30 tuổi – độ tuổi lao động sung sức nhất. Hầu hết các thanh niên “đi bụi” khi được hỏi chuyện đều có chung một hoàn cảnh là “hết tiền”.

Tidoo Nguyen

Nguồn hình ảnh, Tidoo Nguyen

Chụp lại hình ảnh, 

Hạ nguồn kênh Nhiêu Lộc ở quận 1 đổ ra sông Sài Gòn

Hai thanh niên “bụi đời” trong đồng phục của dịch vụ giao hàng 

Một đêm, tôi gặp hai thanh niên mặc đồng phục của dịch vụ giao hàng, một người khoảng 25 tuổi nằm trên võng được giăng vào hai gốc cây hoa sứ trong công viên và người kia nằm trên băng ghế bên cạnh che mặt ngủ, chiếc xe gắn máy dựng kế bên được che bảng số.

Khi thấy tôi, người nằm trên võng hỏi xin vài điếu thuốc hút, và giãi bày là bị cướp điện thoại, đang rất đói mà không còn tiền để ăn, cho dù là một ổ bánh mì. Rồi người này móc trong túi ra cho xem chỉ còn ba ngàn đồng và đề nghị tôi giúp đỡ.

Tôi chỉ có thể chia sẻ cho thanh niên này vài điếu thuốc hút vì không đem theo tiền và điện thoại khi đi bộ vào ban đêm. Tôi tiếp tục chặng đường của mình, một hồi sau quay lại chỗ cũ thì hai người này đã biến mất.

Tidoo Nguyen

Nguồn hình ảnh, Tidoo Nguyen

Chụp lại hình ảnh, 

Đêm trên dòng kênh Nhiêu Lộc nhìn cũng lung linh mờ ảo 

Thanh niên 30 tuổi không dám về nhà vì sợ mẹ la

Đêm khác, tôi gặp một thanh niên đứng tựa vào thanh chắn bờ kè, đối diện là một xe gắn máy được dựng bên lề đường. Khi thấy tôi đi ngang, thanh niên này hỏi xin tôi một điếu thuốc, và than thở về hoàn cảnh bị cướp điện thoại, hết tiền đổ xăng, và không dám về nhà ở quận 11 vì sợ mẹ la (?). Tôi hỏi bao nhiêu tuổi rồi mà sợ mẹ la? Thanh niên trả lời: 30 tuổi.

Khi biết tôi không đem theo tiền và điện thoại, thì người này đề nghị tôi về nhà lấy tiền để trợ giúp vài chục ngàn cho anh chàng đổ xăng.

Tôi cũng chỉ chia sẻ vài điếu thuốc và đi tiếp. Một lát sau, tôi đi bộ ngang qua chỗ cũ thì thanh niên này đã biến mất cùng với chiếc xe, dù xe đang hết xăng (!)

Thanh niên 23 tuổi đang nuôi bà nội 95 tuổi đang nằm bệnh viện 

Một thanh niên trẻ đang mắc võng vào thanh chắn trên bờ kè thì tôi đi ngang. Tôi hỏi: “Sao không về nhà ngủ?”. Thanh niên này cho biết 23 tuổi, quê Bến Tre, ban ngày đi sơn các loại kệ cho siêu thị, ban đêm đi nuôi bà nội 95 tuổi đang nằm bệnh viện. Khi từ bệnh viện về, anh chàng ghé nhà bà chị ở Bình Thạnh ngủ nhưng về trễ quá, chó sủa, sợ con của chị mới 3 tháng tuổi thức giấc nên ra công viên ngủ chờ sáng mới về.

Tôi mời thanh niên này một điếu thuốc và đưa thêm vài điếu để dành. Rồi anh chàng móc trong túi ra cái điện thoại Vertu (?), than thở trong tài khoản điện thoại hết tiền mà cũng không có tiền mặt để đi xe ôm về nhà. Tôi làm lơ và chào tạm biệt.

Đêm hôm sau, tôi gặp lại anh chàng này ở chỗ cũ. Tôi hỏi: “Chưa về nhà à? Rồi tắm rửa ở đâu?”. Anh chàng trả lời: “Tắm ở nhà tắm trong bệnh viện hoặc nhà tắm ở khu Lăng Ông Bà Chiểu”. Hôm sau và vài hôm sau nữa, tôi vẫn thấy thanh niên này lang thang trong công viên.

Tidoo Nguyen

Nguồn hình ảnh, Tidoo Nguyen

Chụp lại hình ảnh, 

Khi nước ròng trên dòng kênh Nhiêu Lộc lại có thuyền đi vớt rác người dân vô ý thức thả xuống kênh 

Đi bụi vì mất việc hoặc đang đi tìm việc 

Có những thanh niên “đi bụi” kể với tôi vừa bị mất việc vì gây lộn với đồng nghiệp. Có người lại kể mới từ dưới quê lên tìm việc trên Sài Gòn và chưa tìm được việc nên họ ra băng ghế trong công viên ngủ cho qua ngày. Thế nhưng tôi gặp họ rất nhiều lần trong công viên vào ban đêm. Tôi hỏi: “Chưa có việc tại sao không về lại quê?”. Họ trả lời tôi bằng sự im lặng.

Trong những khoảnh khắc im lặng ở đây, tôi nghe được cả tiếng cá quẫy mình giận dữ trong dòng nước đen của con kênh, tiếng chim lẻ loi kêu vang một vùng trời, tiếng sột soạt của những con chuột moi rác, tiếng gió thổi ù ù…

Làn gió se lạnh của Sài Gòn vào những ngày cận tết Nguyên Đán làm người có việc ra đường ban đêm rùng mình, và với dân bụi đời đang lang thang hay nằm co ro một mình trên băng ghế trong bóng tối chắc sẽ vừa lạnh vừa cô đơn. Có điều lý do thực sự của việc “đi bụi” chỉ có họ mới biết và chỉ có họ mới tự mình thoát ra nếu muốn, bởi có lẽ chả ai muốn sống và sinh hoạt giữa bóng đêm – dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng.

https://www.bbc.com/vietnamese

Có người thợ cắt tóc ở Sài Gòn 19 năm chưa về quê ăn Tết

17/01/2023

Thanh Thủy

Gửi bài cho BBC từ TP Sài Gòn

Saigon

Chụp lại hình ảnh, 

Quán nhậu sáng đèn gần tiệm cắt tóc của Ốm Nhom

Tôi đã từng gặp rất nhiều người, nhưng chưa thấy ai khổ như Ốm Nhom, biệt danh tôi đặt cho bạn ấy. 

Đó là người thợ cắt tóc cho tôi 15 năm nay, người đàn ông vừa qua tuổi 50. 

Đã 19 năm em chưa về quê - Ốm Nhom kể. Vợ em và hai đứa nhỏ chưa biết quê nội là gì! Cả cha và mẹ em đều không có tiền vào Sài Gòn chơi. 

Lúc em có tiền thì ngày Tết bận làm đẹp cho khách. 

Còn bây giờ, với em tiền ăn còn không đủ, lấy đâu tiền về quê? Mặt khác, về quê thì “đâm đầu vào đâu”?

Vì mẹ em cũng ở trọ, còn cha em đang ở nhà vợ sau. 

Từ quê ra và đến nay vẫn khổ

Cuộc đời đã khổ từ lâu. Ốm Nhom kể tiếp: "Năm em học lớp 2, cha mẹ em ly dị. Từ Đà Nẵng em phải vào Pleiku sống với cô ruột. Sáng sớm em phải nấu cám heo, dọn hàng ngoài chợ cho cô, rồi mới được cô cho 200 đồng ăn xôi."

"Nếu học buổi sáng thì em luôn đến lớp trễ. Đến năm lớp 8, khổ quá, em xin về Đà Nẵng ở cùng cha, học được đến năm lớp 10 thì nhà nghèo quá, em nghỉ và quay về Pleiku. Về đó, ngoài giờ phụ giúp cô, em hay qua tiệm tóc gần nhà, ngó người ta làm. 

"Người chủ tiệm thấy vậy bảo họ sẽ dạy em miễn phí nhưng cô em phải gửi gạo. Em về xin, cô không cho. Thế là em về Đà Nẵng xin người bác 100.000 đồng. Bác em cho 200.000 đồng, em mới nhờ cha dẫn về Pleiku gửi tiền cho người chủ tiệm và xin cho em học. Tới nơi, cha gửi em nhưng không đưa tiền, ông về Đà Nẵng ngay với số tiền mà người bác cho em. 

"Bà chủ tiệm tóc tội nghiệp, cho em vừa học vừa giúp việc. Đến tối khi hết khách, em dọn dẹp sạch sẽ trong ngoài tiệm và trải chiếu xuống nền đất ngủ, trời Pleiku rất lạnh. Người ta học 3 năm mới ra nghề, em học một năm đã phụ được chủ tiệm, nên có người bảo em vào Sài Gòn. Thế là em vào Sài Gòn, xin phụ làm tóc ở nhiều nơi, học hỏi từ từ, tay nghề lên dần. Khi công việc đã vững vàng, em quen với bà xã, lúc đó đang bán quán cơm em thường tới ăn.  

Theo những gì tôi được biết, khi lấy vợ, Ốm Nhom sống luôn ở nhà vợ - ngôi nhà từ đường của dòng họ, vốn là của ông nội để lại cho bốn người con  – và thuê căn nhà ngoài mặt đường làm tiệm. Ốm Nhom cắt tóc, vợ trang điểm, họ thuê bốn nữ nhân viên, học trò lúc nào cũng vài người. Tiệm tóc làm ăn phát đạt, nhân viên mỗi năm một kiểu đồng phục, hai vợ chồng Ốm Nhom dành dụm tiền xây lại căn nhà từ đường của nhà vợ – làm nơi trú ngụ của nhiều gia đình, với ba thế hệ. 

Lúc Ốm Nhom làm có tiền, tháng nào em cũng dành tiền gửi mẹ, gửi cha, gửi em gái, em trai, rồi khi em gái chết vì bệnh, em còn gửi tiền nuôi đứa con duy nhất của em gái. Với mẹ, em thường gửi số tiền đủ dùng trong 6 tháng, nhưng thường sau 3 tháng, bà lại gọi xin nữa. Giờ em quá chật vật, chẳng cưu mang được ai, nhưng khi mẹ gọi nói cần tiền thì em không đành lòng, phải đi mượn tiền để biếu bà. 

Saigon

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

TP HCM một dịp Tễt

Chặng đường gánh vác 'Thánh Giá'

Năm 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, con trai của Ốm Nhom bị khối u ở bàng quang. Cháu mổ lần đầu tiên ở Bình Dân để cắt bàng quang. Xét nghiệm khối u, bệnh viện nói ổn, không cần làm gì thêm. Một năm sau, cháu thấy khó chịu, đi CT Scan thì bệnh viện nói không ổn phải chuyển qua Ung Bướu. Gần 2 năm theo con đi bệnh viện, Ốm Nhom đóng cửa tiệm nhiều lần, khách vơi dần, cuối cùng chỉ còn một nhân viên. 

Sau khi con trai kết thúc điều trị, vợ chồng Ốm Nhom phải học làm y tá, lau rửa ống thông tiểu và làm vệ sinh da cho con mỗi ngày vì cháu phải mang ống thông tiểu bên ngoài. Nỗi khát khao của Ốm Nhom là dành dụm đủ tiền chờ ngày con được phép mổ tái tạo bàng quang, bác sĩ tư vấn phải chờ 5 năm, vì sợ khối u sẽ mọc trở lại. 

Thế mà năm 2017, Ốm Nhom bị chẩn đoán ung thư vòm họng. Khi biết tin, tôi bàng hoàng không thể tin. Ông bà vẫn thường nói: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, nhưng  cơn bĩ cực của Ốm Nhom quá dài, chưa thấy ngày “thái lai”. 

Sau trận chữa ung thư kéo dài cả năm, Ốm Nhom giống hệt bộ xương di động. Khi tôi tặng cho Ốm Nhom bộ quần áo size S, Ốm Nhom mặc thùng thình phải đem đi sửa. Điều tệ hơn, khách làm tóc quen của Ốm Nhom đi đâu mất, Ốm Nhom phải trả mặt bằng, về sửa phòng khách của nhà vợ trong hẻm thành tiệm tóc và cho nhân viên cuối cùng nghỉ. 

Cuối năm 2019, khi 12 tuổi, con trai của Ốm Nhom được phép tái tạo bàng quang, nhưng ca mổ thuộc loại “kỹ thuật cao” phải làm bên khoa dịch vụ bệnh viện Bình Dân tốn hơn 100 triệu đồng. Một Mạnh Thường Quân đã giúp Ốm Nhom số tiền đó. Rủi thay, sau ca mổ, dù có bàng quang giả, cậu bé vẫn không tiểu bình thường được vì niệu đạo bị tắc. Lần nong niệu đạo đầu tiên không thành công, cậu bé phải làm lần thứ hai, với số tiền mỗi lần 20 triệu đồng!

Con trai của Ốm Nhom nay đã 16 tuổi, đang học lớp 10, đã biết đi xe gắn máy (một người họ hàng thương tình cho cái xe cũ) và thỉnh thoảng ra ngoài chơi đá banh chút chút với trẻ em (cháu không dám chơi đá banh với bạn cùng lứa vì không chạy nổi). Cháu có gương mặt khôi ngô, cao lớn hơn cha, nhìn vẻ ngoài không ai biết cháu đã từng trải qua những ngày kinh khủng trong bệnh viện. Ốm Nhom bảo con trai hay quên lắm, học được gì thì học, em tùy cháu.  

Sau ca mổ tái tạo bàng quang, cậu bé có vẻ tự tin hơn, nhưng Ốm Nhom vẫn âm thầm lo lắng, như có lưỡi gươm “Damocles” treo trên đầu. 

Cậu ấy nói với tôi: 

“Thỉnh thoảng thằng bé vẫn bị tắc….hoặc không kiềm được nước tiểu, mỗi lần như vậy, em phải đưa cháu vào bệnh viện, sợ lắm chị.”

"Còn em, có đi tái khám định kỳ không?" 

"Kệ chị ơi, em bỏ tái khám lâu rồi. Em nghĩ có khi chết đi lại là điều sung sướng nhất."

Nhìn mặt Ốm Nhom, tôi biết em nói thật. Sau khi xạ trị vòm họng, Ốm Nhom không phân biệt được mùi vị, em ăn uống rất ít. Mặt khác, có chút tiền em lại dồn tiền học cho con. Thỉnh thoảng buổi tối không ngủ được, Ốm Nhom lại rủ vợ “nhậu”. 

Hai vợ chồng mua hai lon bia, uống với bịch đậu phộng rang, cốt để Ốm Nhom ngủ được, đỡ phải nghĩ ngợi.  

Ốm Nhom hầu như không ra ngoài cả năm nay vì đôi vợ chồng dành xe gắn máy cho con gái lớn đi học, mặt khác sức khỏe kém, em lái xe không tự tin và rất sợ tiếng ồn. 

Vì có tuổi thơ sống ở nhà họ hàng, thiếu cha mẹ, Ốm Nhom rất yêu quý vợ và các con. 

Tôi biết cậu luôn giành phần lo kinh tế gia đình, không để vợ hay con phải bươn chải. Con gái tự hào kể với bạn rằng chưa bao giờ nghe ba mẹ cãi nhau. Tình yêu thương của vợ và hai đứa con có lẽ là điểm sáng duy nhất giúp một người đàn ông như Ốm Nhom tồn tại. 

Niềm hy vọng cuối cùng đặt vào con gái 

Giữa năm 2022, khi biết tin con gái lớn dư điểm vào đại học công, Ốm Nhom rất vui mừng. Sau nhiều năm, tôi thấy ánh mắt em ánh lên niềm hy vọng khi nói về con gái. Hôm đó, em bảo: Con em đủ điểm vào được nhiều trường, nhưng trường con em muốn học lấy tiền cao quá, hơn 100 triệu đồng một năm nên con bé chọn trường công, gần 60 triệu đồng/năm. Em tưởng con khai giảng rồi mới đóng tiền, ai dè mới nộp hồ sơ qua mạng là nhà trường đã buộc phải gửi tiền học kỳ 1 rồi, làm hai vợ chồng phải đi vay nóng. 

Saigon

Chụp lại hình ảnh, 

Những điểm ăn chơi, tiêu thụ ở Sài Gòn thế này nằm ngoài tầm với của không ít dân nghèo

Hôm 22 tết, tôi đến tiệm của em cắt tóc. Gần tết thiên hạ rủ nhau đi làm đẹp rần rần mà tiệm tóc của em vắng hoe, thật cám cảnh khi nhớ đến thời hoàng kim của em. Giờ tiệm của em chỉ có một người phụ là vợ em và đã từ rất lâu, Ốm Nhom không còn học trò nữa. Ốm Nhom nuôi hy vọng tết này có nhiều khách, đủ tiền đóng học phí học kỳ 2 cho con gái, nhưng ế ẩm thế này, em không biết xoay tiếp ra sao. 

Kể từ khi vướng vào căn bệnh ung thư, kiệt quệ tài chánh, gia đình Ốm Nhom không còn đi xem đường hoa Nguyễn Huệ, mơ gì tới du lịch các tỉnh thành khác! Những ngày trước tết, mặc mọi người hối hả mua sắm, ăn nhậu hết tất niên lại tân niên, gia đình Ốm Nhom chỉ còn niềm vui đón những người khách quen cuối cùng đến làm đẹp và nhận từ họ những món quà, góp lại là thành tết. 

Ngoài việc mất dần khách trong thời gian chữa trị ung thư cho con và cho mình, có lẽ khách quen có tên tuổi giờ cũng ngại đến tiệm tóc nghèo nàn trong hẻm, dù người thợ giỏi và tận tâm. Ngay như người bạn 15 năm trước giới thiệu tôi đến đây làm tóc khi giàu lên cũng đã đổi tiệm khác sang hơn. Mỗi lần đến cắt tóc, nhìn tiệm vắng khách và thấy Ốm Nhom hút thuốc lá trở lại, tôi biết em đang căng thẳng lắm.

Sài Gòn mỗi năm lại có một lớp thợ làm tóc mới ra đời, cập nhật nhiều xu hướng mới đến chóng mặt. Vợ chồng em đã “đứng lại” trong nghề 10 năm, từ khi con trai bị bệnh.

Với tôi, em vẫn là thợ làm tóc giỏi nhất, để hết tâm huyết vào việc tạo ra mái tóc phù hợp với khuôn mặt và tính cách của khách. Nhìn em say sưa cắt tóc, tôi thấy vui vì mình đã tạo ra những phút giây hạnh phúc hiếm hoi khi em được làm công việc mình yêu thích. 

Trong suốt 15 năm, tôi xem việc mình gặp em, lắng nghe em trút nỗi lòng là một mối duyên của cuộc đời. 

Sài Gòn hoa lệ đang luôn có những cảnh đời như thế, mà khi Xuân về, Tết đến là lúc tôi nghĩ đến Ốm Nhom.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cmmzrj6pvyno

Hai phó thủ tướng được cho nghỉ: khuất tuất đằng sau 

17/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh ghép từ Reuters.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh ghép từ Reuters. 

Bị thanh trừng hay tự xin nghỉ? Nguyên nhân là gì? Tại sao quy trình của Đảng và Quốc hội miễn nhiệm phó thủ tướng và bổ nhiệm người mới diễn ra nhanh gọn như vậy? Hai vị phó thủ tướng đã phạm sai lầm gì đến mức bị bãi chức? – nhiều nghi vấn được dư luận đặt ra xung quanh việc ra đi của hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Ông Phạm Bình Minh là ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Thường trực, nhân vật số hai trong Chính phủ sau Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao. Trong khi đó, ông Vũ Đức Đam, ủy viên Trung ương Đảng, nhiều năm là phó Thủ tướng phụ trách mảng Văn hóa-Y tế-Giáo dục.

Hôm 30/12 năm 2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp phiên bất thường để nhất trí cho ông Minh và ông Đam ra khỏi Trung ương Đảng. Riêng ông Minh còn ra khỏi Bộ Chính trị luôn.

Đây là hội nghị trung ương bất thường lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa 13. Tại hội nghị bất thường lần trước hồi đầu tháng 10, có tới 3 ủy viên Trung ương đã bị thanh trừng mà thông báo chính thức nói là ‘cho thôi’.

Tuy nhiên, nếu như các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang được Đảng nói rõ là đã có sai phạm, khuyết điểm gì và đã bị kỷ luật thế nào mới bị cho ra khỏi Trung ương, thì đối với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, Đảng không hề nói rõ nguyên nhân là gì.

Trong một diễn biến chóng vánh, chỉ 6 ngày sau hội nghị trung ương bất thường của Đảng, đến lượt Quốc hội họp phiên bất thường hôm 5/1 để quyết định miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng của hai ông Minh và ông Đam và bầu luôn người thay thế trong cùng ngày.

Các thông báo phát đi của Trung ương Đảng và Quốc hội đều cho rằng việc này là ‘xét theo nguyện vọng cá nhân’ của hai ông Minh và ông Đam. Tại buổi lễ sau đó, hai ông Minh và Đam còn được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và ca ngợi công lao. Tất cả những điều này cho thấy dường như hai ông này không hề bị thanh trừng mà chỉ là ‘hạ cánh an toàn’.

Trả lời báo chí về nguyên nhân bãi nhiệm hai phó thủ tướng này, ông Bùi Văn Cường, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nói như sau: “Nếu có vấn đề sức khỏe không đảm bảo, hay uy tín giảm sút, thì xin thôi. Cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ ấy.”

Tuy nhiên, không rõ hai ông Minh và ông Đam gặp vấn đề sức khoẻ gì cùng một lúc hay là ‘uy tín giảm sút’, mà nếu ‘uy tín giảm sút’ thì vì lý do gì vì trước giờ hai ông chưa từng bị Đảng loan báo kỷ luật.

Kỷ luật vì cấp dưới?

Nhận định về việc này, ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói với VOA rằng bất chấp các ngôn từ ‘cho thôi’ hay hình thức trang trọng, đúng quy trình mà Đảng thể hiện, bản chất của vụ việc này ‘vẫn là kỷ luật’.

Ông Quân phân tích nguyên nhân hai vị này bị kỷ luật là những bê bối về vụ chuyến bay giải cứu ở Bộ Ngoại giao, cơ quan dưới thẩm quyền ông Minh, và vụ bộ xét nghiệm của công ty Việt Á mà ông Đam một thời là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nên không tránh khỏi liên đới.

“Hai ông này phải chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng của cấp dưới của mình vốn đã bị bắt và bị khởi tố trong hai vụ án lớn,” ông Quân nói.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý ông Đam, đã bị khai trừ Đảng, truy tố về tội nhận hối lộ trong vụ Việt Á, còn ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý ông Minh, cũng bị bắt giam để điều tra về cùng tội danh trong vụ chuyến bay giải cứu.

Ngoài ra, ông Quân cũng đề cập đến ‘yếu tố Trung Quốc’ được tờ báo Nikkei Asia của Nhật loan ra là tại buổi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh vào cuối năm ngoái, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Trọng ‘cần giới hạn ảnh hưởng của các nhân tố phương Tây’ và ‘nêu đích danh ông Phạm Bình Minh’.

Ông Minh là con trai của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người được cho là có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Do vậy, chúng ta có thể dự đoán nguyên nhân đằng sau là sức ép của phương Bắc và của những người bảo thủ có ý chống lại sự hội nhập với thế giới phương tây, mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Khi cần kỷ luật thì người ta có thể đưa ra được vô vàn lý do,” vị luật sư bất đồng chính kiến này phỏng đoán. VOA không thể kiểm chứng được thông tin này.

Khi được yêu cầu đánh giá về thành tích của hai phó thủ tướng vừa bị bãi chức, ông Quân nói bản thân ông ‘khá quý mến ông Minh và ông Đam’.

“Tôi có theo dõi họ và thấy cả hai ông đều là người có năng lực, học vấn cao, thông thạo ngoại ngữ, gần gũi với nhân dân và báo chí,” ông nói.

“Còn nói chuyện tham nhũng hay không thì tôi không biết nhưng trong sạch thì dứt khoát là không, bởi vì một lý do duy nhất: anh không thể là một ‘giọt nước trong’ trong một lọ mực đen,” ông Quân nói thêm.

Ông chỉ ra ‘vai trò rất lớn’ của ông Đam trong việc hội nhập cùng ASEAN khi còn là Vụ trưởng Vụ ASEAN và sau này là thư ký riêng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Tôi nghĩ ông Đam có ảnh hưởng lớn từ tinh thần đổi mới và vì dân của ông Kiệt,” ông Quân đánh giá.

“Riêng ông Phạm Bình Minh thì tôi nhận thấy rõ vai trò của Việt Nam đang lên, được ngồi vào nhiều ghế quan trọng của Liên Hiệp Quốc như là uỷ viên không thường trực, giờ lại là thành viên Hội đồng Nhân quyền mặc dù Hà Nội vẫn gia tăng đàn áp nhân quyền mạnh. Điều này chứng tỏ sự lèo lái về ngoại giao của ông ấy tốt,” vị luật sư này phân tích.

https://www.voatiengviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét