Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Thời sự đó đây ngày Thứ ba 17 tháng 01 năm 2023

 Võ Thái Hà tổng hợp

Lần đầu tiên không quân Nhật - Ấn tập trận chung

Thanh Phương /RFI

17/01/2023

Các máy bay của không quân Ấn Độ tới sân bay Hyakuri, Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung ở Omitama, Ibaraki, đông bắc Tokyo, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 10/01/2023. AFP - STR 

Hôm qua, 16/01/2023, lần đầu tiên không quân của Nhật Bản và Ấn Độ đã có cuộc thao dượt chung trên không phận gần Tokyo, nhằm thể hiện quyết  tâm thắt chặt quan hệ về an ninh và quốc phòng trước đà bành trướng của Trung Quốc ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. 

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình:

Các cuộc tập trận chung chưa từng có giữa Nhật Bản và Ấn Độ, mà lại là trong không phận Nhật Bản, diễn ra trong khuôn khổ liên minh không chính thức của Bộ tứ QUAD (Đối thoại bốn bên vì an ninh), quy tụ Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Một cơ chế mà Trung Quốc xem như là một khối NATO châu Á nhằm chống lại Bắc Kinh. 

Các cuộc thao dượt sẽ kéo dài 11 ngày tại căn cứ không quân Hyakuri, nằm ở phía đông bắc Tokyo, huy động 8 chiến đấu cơ F-2 và F-15 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cùng với 150 quân nhân của Không quân Ấn Độ. 

Nhật Bản đang lo ngại là “những gì đang diễn ra ở Ukraina có thể sẽ tái diễn ở vùng Đông Á”, nhất là khi họ thấy căng thẳng đang gia tăng chung quanh Đài Loan. Trung Quốc ngày càng  bị xem là một mối đe dọa. Cho nên, mục tiêu của liên minh QUAD là bảo đảm một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.  

Nhật Bản và Ấn Độ đã từng thao dượt chung tại vùng Ấn Độ Dương. Vào tháng 05/2021, các chiến hạm của Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã tập trận chung ở vùng Vịnh Bengale. Tham gia cuộc thao dượt còn có một hạm đội của Pháp, bao gồm tàu chở trực thăng Tonnerre và khu trục hạm Surcouf.  Hạm đội này sau đó đã tham gia các cuộc tập huấn trên biển và trên bộ ở Nhật Bản. Pháp có nhiều lãnh thổ ở vùng Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương.

Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi ngân sách Quốc Phòng lên thành 2% GDP để nâng mức chi tiêu quân sự bằng với mức của các nước thành viên khối NATO.

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos khai mạc, Oxfam tố cáo tình trạng nghèo đói cùng cực tăng vọt

Trọng Thành /RFI


15/01/2023

Trung tâm hội nghị Davos, Thụy Sĩ, ngày 15/01/2023. REUTERS - ARND WIEGMANN 

Hôm nay, 16/01/2022, Diễn đàn thường niên của giới tinh hoa kinh tế và chính trị thế giới khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Nhân dịp này, liên minh chống nghèo đói và bất công toàn cầu Oxfam công bố kết quả một cuộc khảo sát lớn, cho thấy nhóm 1% người giàu nhất hành tinh tiếp tục giàu lên trong thời gian đại dịch, với số tiền thu về ước tính 2,7 tỉ đô la/ngày, trong lúc tình trạng nghèo đói cùng cực lần đầu tiên gia tăng trở lại khắp nơi trên toàn cầu. 

Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi gửi về bài tường trình :

‘‘Điểm ghi nhận chính của cuộc khảo sát quy mô lớn do tổ chức Oxfam thực hiện là sự tăng nhanh mức độ tập trung tài sản vào tay một thiểu số rất nhỏ, trong bối cảnh lần đầu tiên từ 25 năm qua, tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng trở lại. Ông Quentin Parrinello, đồng tác giả của báo cáo về bất bình đẳng toàn cầu, nhận định :

‘‘Điều gây sốc là nhóm những người rất giàu nay lại càng giầu hơn, đặc biệt nhờ ở các biện pháp can thiệp của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid, với hàng trăm tỉ đô la được huy động. Họ giàu lên không phải nhờ các lựa chọn về chiến lược và kinh tế thực sự xuất sắc. Hiện tại, chúng ta đang phải trả giá cho các chi phí đối phó với cuộc khủng hoảng này. Điều hoàn toàn hợp lý là buộc họ phải đóng góp tài chính cho việc giải quyết khủng hoảng. 

 Lo-gích này vẫn chưa thực sự được thực hiện. Đại diện của Oxfam tố cáo sự thiếu can đảm chính trị về chính trị : ‘‘Chúng ta thấy là có đến 75% chính quyền trên toàn cầu đang chủ trương cắt giảm đầu tư cho y tế, cho giáo dục, cho an sinh xã hội, để dùng tiền trả cho những chi phí trong thời gian khủng hoảng dịch. Rõ ràng có sự thiếu can đảm về chính trị. Cho dù việc có được một hệ thống y tế hiệu quả là cần thiết, với hệ thống an sinh cho phép bảo vệ những người bấp bênh nhất’’.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về giá cả đắt đỏ đã được chỉ ra như rủi ro chủ yếu đè nặng lên nền kinh tế thế giới trong hai năm tới, Oxfam muốn trở thành tổ chức phát ngôn cho nỗi bức xúc lan rộng trong xã hội, hiện không còn chừa bất kỳ khu vực nào trên thế giới’’.

Quan chức Bắc Kinh: ‘thêm 5 triệu người chết không là gì cả’

Huệ Liên

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/01/anh-chup-man-hinh-2023-01-17-luc-44616-ch-700x366.jpg

Jiang Yunzhong, Bí thư Đảng ủy Thư viện Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh. (ảnh từ trang web của Đại học Thanh Hoa). 

Vì Trung Quốc đột ngột tuyên bố mở phong tỏa hoàn toàn nên dịch bệnh trở nên nghiêm trọng. Trung Quốc có công bố vào ngày 14 tháng 1 rằng số người chết vì dịch bệnh đã lên tới gần 60.000 người. Một số nguồn tin không chính thức cho rằng con số người chết thực tế có thể gấp 100, hoặc thậm chí 1000 lần con số này.

Jiang Yunzhong, Bí thư Đảng ủy Thư viện Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, đã đưa ra một bài báo để ủng hộ chính sách phòng chống dịch bệnh chính thức của Trung Quốc, ông nói rằng chính phủ Trung Quốc từ lâu đã “chuẩn bị” cho cái chết của hàng triệu người sau khi mở phong tỏa, và không có gì to tát nếu có thêm 5 triệu người chết!.

Nhận xét này khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc tức giận, và các quan chức Trung Quốc cũng đã xóa tất cả các bài báo liên quan.

Theo báo cáo của “Đài phát thanh châu Á tự do”, Jiang Yunzhong đã đăng trên vòng kết nối bạn bè của mình vào ngày 14 tháng 1 rằng chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho cái chết của hàng triệu người sau khi mở phong tỏa, vì dịch bệnh sắp kết thúc. Số người chết như vậy là không nhiều, vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được.

Ông ta đã nói “Vậy nếu vài triệu người chết thì sao?” Ông nói rằng Trung Quốc chết 10 triệu người vào năm 2021, và bây giờ sẽ có thêm 5 triệu người chết, nghĩa là tăng 50% số người chết. Sự khác biệt giữa hai người chết và bây giờ là ba người chết, tỷ lệ tử vong không tăng gấp đôi, tại sao không thể chấp nhận được?”.

Theo thống kê không chính thức, từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 10 tháng 12 năm ngoái, tổng cộng 16 giáo sư của Đại học Tsing Bắc Kinh đã qua đời và Đại học Bắc Kinh Từ đầu tháng 11 đến ngày 22 tháng 12 năm ngoái, 24 giáo sư qua đời. Một số cư dân mạng đã tức giận hỏi Jiang Yunzhong: “Các giáo sư già ở Thanh Hoa vừa qua đời có biết ông nói gì không?”

Nội dung liên quan như bài đăng trên Weibo và bài viết của NetEase mắng mỏ Jiang Yunzhong đã bị xóa khỏi kệ chính thức và không thể tìm thấy báo cáo liên quan nào.

Belarus mở phiên toà xử các nhà hoạt động dân chủ 

Thứ Ba này phiên tòa xét xử Sviatlana Tsikhanouskaya và bốn nhà hoạt động dân chủ Belarus khác sẽ bắt đầu. Nhưng bà Tskihanouskaya — lãnh đạo phe đối lập của đất nước, người đã đứng ra thách thức tổng thống Alexander Lukashenko trong cuộc bầu cử 2020 — sẽ không có mặt. Bà đã rời đất nước ngay sau cuộc bầu cử và đã sống lưu vong kể từ đó. Tuần này bà sẽ đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos để nói về hồi sinh kinh tế ở một Belarus dân chủ.

Những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Belarus đang nhường chỗ cho làn sóng lên án việc nước này ủng hộ Nga xâm lược Ukraine. Nhưng Belarus đang đẩy mạnh đàn áp kể từ sau cuộc bầu cử: hàng trăm nhóm xã hội dân sự bị đóng cửa, bên cạnh khoảng 1.500 người bất đồng chính kiến bị bắt giam. Đầu tháng 1, nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski, chủ nhân giải Nobel Hòa bình, đã bị xét xử ở thủ đô Minsk vì tội tài trợ biểu tình. Bà Tsikhanouskaya được cho là bị buộc tội phản quốc và bạo loạn, và chắc chắn sẽ bị kết tội. Bà đã gọi phiên tòa là một “sự ô nhục.”.

Thị trường lao động Anh thắt chặt 

Số liệu lạm phát tháng 12 của Anh, được công bố vào thứ Tư, sẽ cho thấy áp lực giá cả đang giảm nhẹ, phần nào nhờ giá năng lượng giảm. Nhưng quan trọng hơn đối với các quyết định lãi suất trong tương lai của Ngân hàng Anh sẽ là số liệu thị trường lao động trong ba tháng tính đến tháng 11, được công bố vào thứ Ba.

Mặc dù nền kinh tế đang chậm lại, có rất ít dấu hiệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Anh đang tăng. Một thị trường lao động thắt chặt như vậy là mối lo cho ngân hàng trung ương. Nhưng vấn đề đáng quan ngại hơn là việc lượng lớn người lao động rời bỏ thị trường lao động trong thời kỳ đại dịch, chủ yếu là người cao tuổi. Để kéo họ quay lại, bộ tài chính Anh thậm chí đã cân nhắc tạm thời giảm thuế cho người trên 50 tuổi để hạ tỉ lệ nghỉ hưu sớm. Tăng cung để hạ nhiệt thị trường lao động sẽ ít đau đớn hơn là dùng lãi suất cao để kéo giảm cầu.

Tiến trình điều tra vụ giẫm đạp Itaewon 

Cuộc điều tra của quốc hội Hàn Quốc về vụ giẫm đạp ở Seoul hôm 29 tháng 10 năm 2022, vốn khiến 159 người thiệt mạng, sẽ khép lại vào thứ Ba. Nó sẽ không thể an ủi nhiều gia đình các nạn nhân. Các thành viên của uỷ ban có nhiệm vụ điều tra lý do tại sao những người đi chơi lễ Halloween lại được phép chen chúc vào các con hẻm chật hẹp của Itaewon, một địa điểm tiệc tùng nổi tiếng, để dẫn đến thương vong thảm khốc. Nhưng thay vào đó họ đã bị phân tâm bởi các hoạt động chính trị, những lời buộc tội mang tính tư lợi và đấu khẩu nảy lửa. Cuộc điều tra riêng của cảnh sát kết thúc hôm 13 tháng 1 đề nghị truy tố 23 người. Chỉ có các cơ quan chức năng địa phương bị cáo buộc, dù một số người cho rằng chính phủ quốc gia phải chịu trách nhiệm.

Đây là bi kịch thứ hai vì buông lỏng quản lý xảy ra với giới trẻ Hàn Quốc trong những năm gần đây. Năm 2014, vụ chìm phà ngoài khơi bờ biển phía tây nam của đất nước đã giết chết hơn 300 người, hầu hết là học sinh. Chính thảm họa đó đã góp phần khiến tổng thống bị mất chức. Gia đình các nạn nhân ở Seoul, và công chúng, sẽ tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm câu trả lời.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố từ chức 

Sau nhiều chỉ trích về thông điệp bà đăng trên mạng xã hội vào đêm giao thừa. Trong video — được quay với pháo hoa ở hậu cảnh — bà nói cuộc chiến ở Ukraine gắn liền với “nhiều cuộc gặp gỡ với những con người thú vị, tuyệt vời.” Bà Lambrecht, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, còn bị chỉ trích vì các thiếu sót quản lý trong tiến trình cải cách quân đội.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Hoa Kỳ, 

Người thuộc đảng Cộng hòa, đã yêu cầu được xem nhật ký khách đến thăm nhà của tổng thống Joe Biden ở Delaware. Tin từ ngày 9 tháng 1 cho thấy các tài liệu mật đã được phát hiện ở nhà ông từ tháng 11; bên cạnh một lô khác vừa được tìm thấy trong tuần này. Đảng Cộng hòa tố cáo phe Dân chủ đạo đức giả — vì đảng này luôn cho rằng Donald Trump phải bị truy tố vì vi phạm quy định về tài liệu mật.

Con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ ra tranh cử thủ tướng Thái Lan 

16/01/2023 

Reuters 

Cô Paetongtarn Shinawatra (đứng giữa) trong một buổi tập hợp của Đảng Pheu Thai

Cô Paetongtarn Shinawatra (đứng giữa) trong một buổi tập hợp của Đảng Pheu Thai 

Con gái của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người đã sống lưu vong nhiều năm, tuyên bố sẵn sàng tranh cử thủ tướng trong cuộc bầu cử năm nay, trong lúc phe đối lập chính đang tìm cách lấy lại quyền lực sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính 8 năm trước.

Paetongtarn Shinawatra, có cha là ông Thaksin và cô ruột là bà Yingluck Shinawatra đều từng là thủ tướng các chính phủ bị quân đội lật đổ, sẽ ra tranh cử dưới màu áo Đảng Pheu Thai, phiên bản mới nhất của phong trào dân túy do gia tộc tỷ phú Shinawatra thành lập hai thập kỷ trước.

“Vâng, tôi đã sẵn sàng,” bà nói với các phóng viên vào cuối ngày 15/1 ở đông bắc Thái Lan, thành trì nông thôn của gia tộc Shinawatra vốn đã mang lại cho họ thế đa số chưa từng có trong năm cuộc bầu cử kể từ năm 2001.

“Chúng tôi muốn đảng mình giành chiến thắng cách biệt để có thể thực hiện những lời hứa mà chúng tôi đưa ra với người dân,” bà nói.

Đảng Pheu Thai, vốn cực kỳ được lòng dân trong tầng lớp lao động ở nông thôn và thành thị, đã giành được hầu hết các ghế trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019 nhưng đã không thể thành lập chính phủ.

Các chính quyền trung thành với người của nhà Shinawatra đều đã bị lật đổ bởi quân đội hay phán quyết của tòa án, vốn đổ thêm dầu vào cuộc khủng hoảng chính trị triền miên vốn cứ thăng trầm ở Thái Lan trong hơn 17 năm qua.

Bà Paetongtarn, 36 tuổi, đã tham dự các cuộc tập hợp của đảng trong năm qua và đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trong những tháng gần đây về các ứng cử viên thủ tướng hàng đầu, vượt xa ông Prayuth Chan-ocha, thủ tướng đương nhiệm, người mà khi còn là tư lệnh quân đội đã lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

Cả bà Yingluck và ông Thaksin đều đang sống ở nước ngoài để tránh án tù mà chính quyền quân đội đưa ra.

Ông Prayuth đã nắm quyền từ năm 2014, ban đầu là lãnh đạo tập đoàn quân sự và sau đó là thủ tướng được Quốc hội lựa chọn sau cuộc bầu cử năm 2019 mà những người chỉ trích cho rằng được tổ chức theo các quy tắc được lập ra nhằm giúp ông nắm quyền. Ông Prayuth khẳng định ông đã giành được chức thủ tướng một cách công bằng.

Ông Prayuth, 68 tuổi, đã gia nhập Đảng Quốc gia Thái Lan mới vào tuần trước, đã nói bóng gió rằng ông tranh cử để giữ chức thủ tướng.

Ông vẫn chưa giải tán quốc hội và một cuộc bầu cử phải được tổ chức trước tháng Năm.

2023 – Một năm khó khăn của Tập Cận Bình

Tin xấu dồn dập tới với ông Tập Cận Bình

Hiếu Chân/SGN
16/01/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/317554576_10159054299588359_3079665261743264780_n.jpg

Một bức hý hoạ của người dân Trung Quốc miêu tả “hoàng đế” Tập Cận Bình giữa vòng vây. 

Năm 2023 mới chỉ bắt đầu nhưng tin xấu đã dồn dập tới với ông Tập Cận Bình, “tân hoàng đế” của Trung Quốc.

Bắt đầu từ tăng trưởng kinh tế: Hôm thứ Hai 16 tháng Giêng 2023 Tổng cục Thống kê nhà nước Trung Quốc (NBS) vừa công bố dữ liệu cho thấy năm 2022 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3.0% so với năm trước; thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5.5% mà chính phủ nước này đặt ra. 

Đây là mức tăng tổng sản lượng nội địa (GDP) thấp nhất của Trung Quốc trong một phần tư thế kỷ qua, và nếu loại trừ mức tăng ảm đạm 2.2% năm 2020 – năm bùng phát đại dịch COVID-19 – thì mức tăng GDP năm 2022 là thấp nhất kể từ năm 1976, năm Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời và Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc đổi mới. 

Nhưng số liệu của NBS không hẳn được giới quan sát tin cậy. Ngân hàng Thế giới (World Bank) và nhiều nhà kinh tế được hãng tin Pháp AFP hỏi ý kiến đều cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 2.7% trong năm 2022.

Về con người, lần đầu tiên kể từ năm 1961, Trung Quốc chứng kiến dân số bị giảm khi sinh suất thấp hơn tử suất – nghĩa là số trẻ em được sinh ra ít hơn số người chết, báo hiệu một cuộc khủng hoảng về dân số học, có tác động sâu sắc tới nền kinh tế nước này và cả thế giới nữa. 

Cũng số liệu của NBS cho thấy trong năm 2022, trong 100.000 dân thì có 677 em bé được sinh ra, ít hơn mức 752 em bé trong năm 2012; còn số người chết là 737, nhiều hơn mức 718 người của năm 2021. Tính chung, trong năm qua dân số Trung Quốc giảm đi 850.000 người, chỉ còn 1.411.750.000 (một tỷ bốn trăm mười một triệu bảy trăm năm chục ngàn người). Nhìn xa hơn, các chuyên gia Liên hiệp quốc dự báo tới năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người, nhiều hơn tổng dân số của Việt Nam hiện nay. 

Triển vọng “chưa giàu đã già” của Trung Quốc là có thật, nền kinh tế sẽ bị suy giảm do doanh thu giảm và nợ công của chính phủ tăng lên.

Không rõ khi đưa ra con số về sinh suất-tử suất, cơ quan NBS của Trung Quốc đã tính tới những người đã chết vì COVID-19 trong tháng cuối năm hay chưa. Từ ngày 8 tháng Mười Hai 2022, Trung Quốc đột ngột bãi bỏ chính sách “zero-COVID” và các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt, để cho biến thể Omicron tự do tung hoành, dẫn tới tình trạng quá tải khủng khiếp ở các bệnh viện, nhà tang lễ và cả các cơ sở hỏa táng. Trung Quốc công bố trong tháng có 37 người chết vì COVID, sau đó trước áp lực của quốc tế và dân chúng trong nước, Bắc Kinh đã phải nâng con số tử vong này lên gần 60.000 người. 

Nhưng sự thật vẫn còn rất xa. Một nghiên cứu do Đại học Bắc Kinh công bố cho biết tính tới 11 tháng Giêng 2023, số người bị nhiễm COVID ở Trung Quốc đã lên tới 900 triệu; 64% dân số của quốc gia khổng lồ này đã nhiễm virus. Báo cáo cho biết cụ thể từng địa phương như ở tỉnh Cam Túc có 91% dân số bị nhiễm, ở Vân Nam là 84% và ở Thanh Hải 80%. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong bình quân toàn cầu của bệnh nhân COVID-19 (case fatality rate – CFR) là gần 2%, hoặc 1% ở những nơi dân số trẻ, có biện pháp phòng chống và điều trị tích cực. Cứ cho rằng, nhờ chính sách “zero-COVID” mà CFR của Trung Quốc đạt mức thấp nhất, 1%, thì cũng đã có không dưới 9 triệu người chết. Một viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu có trụ sở tại Đại học Washington ở Seattle dự đoán số người chết ở Trung Quốc có thể là “hơn một triệu trong năm 2023”. Tồi tệ hơn, công ty dữ liệu y tế Airfinity của Anh dự đoán 1,7 triệu người Trung Quốc sẽ chết tính đến cuối tháng Tư.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/GettyImages-1245164220-1.jpg

Sinh viên Trung Quốc biểu tình ở Bắc Kinh hôm 27 tháng Mười Một đòi chấm dứt p[hong tỏa, đòi tự do ngôn luận không kiểm duyệt và đòi ông Tập Cận Bình phải từ chức. Ảnh Stringer/Anadolu Agency via Getty ImagesTại đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Mười 2022, ông Tập Cận Bình đã đăng quang “hoàng đế”, phá vỡ quy tắc hai nhiệm kỳ của chức tổng bí thư đảng, tập hợp quanh mình những đồng minh trung thành nhất – những người thường ca tụng nhà lãnh đạo và thổi phồng tầm nhìn của ông về một Trung Quốc thịnh vượng. 

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, cảm giác hưng phấn đó tan biến trong bối cảnh nỗi đau kinh tế ngày càng gia tăng và làn sóng phản đối của công chúng chống lại chiến lược phong tỏa và đóng cửa biên giới không khoan nhượng của ông Tập.

Chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, không giống bất kỳ nước nào, thực chất là một vết thương do chính họ gây ra, và bị làm trầm trọng hơn do phong cách lãnh đạo độc đoán của ông Tập. Ông Tập nhiều lần nhấn mạnh, số người chết vì COVID của Trung Quốc thấp một cách đáng kinh ngạc là một thành tựu lớn của đảng CSTQ, là minh chứng cho sự ưu việt của chế độ đảng trị, quyền hành tập trung vào một “minh quân” của Trung Quốc so với sự hỗn loạn và bế tắc của chế độ dân chủ phương Tây. 

Bây giờ thì ảo tưởng đó đã sụp đổ; đảng CSTQ bị buộc phải mở cửa, bãi bỏ hạn chế “zero-COVID” và số người nhiễm bệnh đã cao gấp rưỡi so với tổng số người bệnh toàn thế giới, trừ Trung Quốc.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận định với báo The Wall Street Journal: “Ông Tập nhận hết công lao, nhưng đến sự thể này thì chính ông là người đáng bị đổ lỗi,” và nói thêm rằng 2023 “có thể là một năm đầy biến động đối với Tập Cận Bình”.

Theo ông Wu, đảng CSTQ Trung Quốc sẽ phải nỗ lực hết mức để vực dậy kinh tế, ổn định xã hội và quan trọng nhất là khôi phục lòng tin của công chúng vào chế độ, vào nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mang lại mức tăng trưởng kinh tế “hợp lý” vào năm 2023, kêu gọi kích thích nhu cầu trong nước đồng thời báo hiệu việc nới lỏng các quy định đã gây ra đà suy thoái của thị trường bất động sản và cản trở đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng ông Tập không thừa nhận khiếm khuyết của mô hình cai trị độc tài từ trên xuống. Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng CSTQ vào tháng Mười Hai 2022, ông Tập nhấn mạnh tới sự “tuyệt đối trung thành” và đổ lỗi cho các quan chức địa phương đã thực hiện sai các chính sách của ông. Theo ông Tập, “zero COVID” và “sống chung với COVID” không trái ngược nhau mà chỉ là hai giai đoạn của một chính sách phòng dịch. “Chúng ta hiện bước vào một giai đoạn kiểm soát đại dịch mới, vẫn còn những thách thức khó khăn. Hãy nỗ lực hơn nữa để vượt qua, kiên trì là chiến thắng, đoàn kết là chiến thắng,” ông Tập nói với người dân Trung Quốc trong thông điệp năm mới trên truyền hình. 

Nhưng 1.4 tỷ dân Trung Quốc và đặc biệt là giới kinh doanh, còn tin ở ông Tập, ở đảng CSTQ tới mức nào? Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research tại Hong Kong, nhận xét: “Người dân Trung Quốc biết ai là người chịu trách nhiệm. Số người chết khổng lồ, cùng với thị trường bất động sản sụp đổ sẽ thử thách lòng tin của người dân đối với Bắc Kinh vào năm 2023.”

Tất nhiên sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng những thách thức kể trên sẽ làm cho đảng CSTQ sụp đổ, ông Tập Cận Bình sẽ thúc thủ. Bằng biện pháp đàn áp tàn bạo và mua chuộc tinh vi, đảng CSTQ đã nhiều lần vượt những thách thức còn trầm trọng hơn rất nhiều. Ông Wu, học giả tại Singapore, nhận xét, bất chấp những thất bại gần đây, ông Tập dường như sẽ củng cố hơn nữa bàn tay sắt của mình và đẩy mạnh những mục tiêu ông đã đặt ra. “Vào những thời điểm khó khăn, ông ta thường nhấn mạnh sự cần thiết của ‘tinh thần chiến đấu’ và khẳng định rằng họ phải vượt qua mọi thử thách”, ông Wu nói.

Nên cẩn trọng với “tinh thần chiến đấu” mà ông Tập đang gieo rắc. 

https://saigonnhonews.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét