Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Chỉ có Mặt trời từ trưa 30/04/1975 ở đô thành Sài Gòn hay sao?

Phạm Cao Phong

Gửi bài tới BBC từ Paris, Pháp

25/4/2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Bộ đội miền Bắc bắt ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh trưa 30/04/1975

Ngày sụp đổ của VNCH hôm 30 tháng Tư năm 1975 có một bí ẩn vẫn giấu kín.

Đó là một chi tiết quan trọng trong cuộc gặp giữa viên tướng Pháp Paul Vanuxem với ông Dương Văn Minh chỉ vài giờ trước quyết định bỏ ngỏ Sài Gòn. 

Bộ trưởng Thông tin của tướng Minh ông Lý Quí Chung, người đón Vanuxem ở Dinh Độc Lập thuật lại trong cuốn "Hồi Ký không tên":

"...Có người vào báo cáo có một khách người Pháp muốn gặp tổng thống Dương Văn Minh. Tôi cùng ông bước ra. Đó là cựu tướng Pháp Vanuxem đã từng thất trận ở cuộc chiến tranh Đông Dương thời thực dân Pháp.

Ông Minh bắt tay Vanuxem và hỏi lý do ông ta muốn gặp ông. Vanuxem cho biết ông muốn hiến kế cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn.


Theo Vanuxem, nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay.

Ông Minh cười chua chát:Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai...”. Đứng xớ rớ một lúc, Vanuxem biến lúc nào tôi không nhớ. "

Cuộc gặp với "Minh Lớn" là có thật. Vanuxem viết trong cuốn "La Mort du Vietnam” (Cái chết của Việt Nam) ra mắt tháng 12/1975 đối thoại với tướng Minh. Tôi lược dịch:

"Chúng tôi cám ơn ông. Trước đây, ông đã sát cánh với chúng tôi trong những thời gian chiến tranh, ở những nơi chúng tôi hy vọng. Ông đã đến giữa chúng tôi vào thời khắc này, vào thời điểm chúng tôi thất trận, lúc chúng tôi giáp mặt với nỗi bất hạnh tột cùng này.

Trong mắt tôi, ông là nước Pháp với đầy đủ phẩm giá mà chúng tôi đặt niềm tin.

Chúng tôi đã cố gắng trao đổi với người anh em Việt nam về những vấn đề của Việt Nam. Đối thủ của chúng tôi đã cự tuyệt. Chỉ còn một giải pháp là hạ vũ khí.

Tuy nhiên, tôi muốn qua ông chuyển tới Tổng thống Cộng hòa Pháp lời chúc cuối cùng và lời yêu cầu cuối cùng của Chính phủ Việt Nam tự do.

Chúng tôi mong mỏi nước Pháp bằng trái tim, lương tâm để mắt tới và cho phép nhiều nhất có thể tất cả những người Việt Nam, người Pháp di tản đến Pháp, đến mảnh đất mà nền văn hóa đã từng hằng nuôi dưỡng họ trọn đời."

Bản tiếng Pháp của cuốn sách “La mort du Viêt-Nam: Les faits, les causes externes et internes, les conséquences sur le Viêtnam, la France et le monde” hiện vẫn có bán trên Amazon

Tại sao các nhà sử học có thể bỏ qua một chi tiết quan trọng như vậy, thiết tưởng nếu họ không phải là những con cá vàng mắt lồi, bơi lừ đừ trong chiếc bình thủy tinh thả vài cọng rong xanh đẹp đẽ, nhưng tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài ?

Vanuxem ám chỉ cường quốc nào và tiềm năng quân sự của đại cường nào cho phép có thể can thiệp trong một vài giờ để cứu Sài Gòn?

Mỹ thì dứt tình rồi. Vậy chỉ còn khả năng nước Pháp, Nga, hoặc Trung Hoa ?

Nước Pháp bị loại, như sử gia Paul Dreyfus than thở trong sách "…et Saigon tomba" :

"Cần khẳng định rằng với mười nghìn kiều dân Pháp sống ở Saigon, nước Pháp không tìm ra phương cách nào hữu hiệu để đảm bảo an toàn. Nước Pháp không có đủ điều kiện vật chất để sơ tán, cũng không có tầu thuyền nào gần với Hạm đội 7 Mỹ, cũng chẳng có số lượng khổng lồ máy bay trực thăng để làm việc đó."

Hay là người anh cả Liên Xô của Hà Nội, sáng sớm thức dậy muốn đổ lính dù, xe tăng vào Hungary, Tiệp Khắc, Afghanistan là búng tay cái tróc?

Có hay không kế hoạch can thiệp này?

Cá nhân tôi tin là có, một kế hoạch nếu được thực hiện sẽ ngang tầm một cuộc động đất, thay đổi vỏ Trái đất với mức rung chấn 8/8 độ Richter.

Tôi dẫn chứng ở đây một sự kiện là các đại cường dù đế quốc hay cộng sản đều có một mẫu số chung.

Có cái gì trái khoáy về "Hội nghị Quốc tế Phật giáo Thế giới", do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh từ 21-24/10 năm 1963 với bài phát biểu của nhà sư Thích Thiện Hào đại diện cho Phật giáo miền Nam VN?

Trời, trời, "ngôi sao đỏ trên bầu trời Trung Hoa" Mao Trạch Đông bỗng khiêm nhường ngồi nghe mấy vị mặc áo cà sa thuyết pháp?

Ai tổ chức cho nhà sư từ Nam VN đến đất nước cộng sản hà khắc nhất vừa chiếm Tây Tạng, để lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo? 

Người Trung Hoa vô thần không bỏ cả triệu Mỹ kim để há hốc mồm ngồi nghe mấy nhà sư giảng kệ. Nếu có vị chân tu nào hỏi ở giữa Bắc Kinh về cuộc đời lưu vong của Dalai Lama thứ 14 thì trả lời thế nào ?

Ngày 25/10/1963, tờ Pravda, cơ quan ngôn luận của Liên Xô đăng bài viết về Hội nghị Phật giáo này, với đầy đủ những lời buộc tội chế độ Ngô Đình Diệm.

Bài phát biểu của nhà sư Thích Thiện Hào tại Bắc Kinh vẫn có thể tham khảo trong tài liệu ‘Les Relations Americano-Vietnamiennes. Tập I. Trang 113’: tố cáo ông Diệm giết 159.000 người, 672.000 người tra tấn tàn tật suốt đời, biệt giam 370.000 Phật tử.

Ai tin được con số 1 triệu hai trăm nghìn người, nghĩ là cứ gần mười người thì một là nạn nhân trong tổng số 14 triệu dân của VNCH?

Một tuần sau Hội nghị Phật giáo, ngày 1/11/1963, đảo chính nổ ra ở Saigon. Tình cờ quá đi ???

Ai cho đại tá cộng sản Phạm Ngọc Thảo biết ông Diệm, Nhu đến nhà Mã Tuyên tối 1/11/63 ? Một tin tức mà ngay đại sứ Mỹ Cabot Lodge và CIA còn không hay. Nếu đại tá Thảo quàng chân đến nhà Mã Tuyên sớm hơn 40 phút, thì Thảo đã có thể bứng hai ông Diệm, Nhu ra bưng biền? Lúc ông Thảo đến thì ông Diệm, Nhu đã đến nhà thờ Thánh Francisco (nhà thờ Cha Tam) tại Chợ Lớn làm lễ.

Năm 1963 đã tái hiện ít nhiều “chiến tranh tôn giáo Việt – Việt”, những điều đã có gốc tích từ các triều đại trước?

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, 

Xe tăng quân đội Bắc Việt mang cờ chính phủ Mặt trận MNVN tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975

Người Pháp muốn gì ở Sài Gòn?

Bay từ Paris sang, Paul Vanuxem không tới Sài Gòn để mời chào chai vang chát, fromage, món gan ngỗng đặc sản nước Pháp. Làm tướng thì chỉ bán súng và chiến tranh. VNCH sắp tiêu tùng, cần liều sốc điện đủ mạnh cho trái tim đã ngừng đập.

Sứ mệnh lớn cần trao vào tay những tay hoạt bát, thạo việc. Vanuxem vượt quá từ đó, phải nói rất ranh mãnh. Vanuxem có thiên chức làm những chuyện trời gầm cả về quân sự và chính trị.

Tài liệu nội bộ quân đội Pháp về Vanuxem tiết lộ nhiều điều.

Vanuxem được Tổng chỉ huy chiến trường Đông Dương Jean De Lattre de Tassigny (1889-1952) yêu quý. Lúc đó Vanuxem mới mang quân hàm trung tá, song "Vua Jean", biệt danh của De Lattre đã âu yếm là gọi là "nguyên soái của tôi", giống như kiểu thể hiện tình cảm Napoleon với các thống chế tài ba của Hoàng đế.

Keo vật đầu tiên của "Vua Jean" với tướng Giáp trong trận Vĩnh Yên (13-17/1951) cách gọi theo của Pháp, hay chiến dịch Trần Hưng Đạo theo cách đặt tên Việt Nam, là trận thắng lớn cuối cùng của Pháp trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1946-1954), 9000 quân Pháp đã phá hỏng đà tấn công của 27 638 bộ đội Việt Minh với 272.259 dân công phục vụ chiến dịch.

Sau năm 1954, Vanuxem lãnh trách nhiệm tổ chức di cư 1,2 triệu người Công giáo vào Nam. 1958-1961, giai đoạn đỉnh điểm chiến tranh Lạnh, Vanuxem giữ chức Phó tổng chỉ huy các lực lượng đồn trú Pháp tại Đức.

Bị kết án tù 2 năm vì dính líu tới cuộc đảo chính của các tướng lĩnh Pháp tháng 5/1958, dẫn đến sự sụp đổ của Đệ tứ Cộng hòa Pháp.

Phải chăng con sư tử già của "Vua Jean" ngày nào muốn tái hiện một Vĩnh Yên thứ hai, ngăn chặn những người Cộng sản chiếm Sài Gòn, như năm 1951 ngăn chặn tướng Giáp chiếm Hà Nội.

Tiền thân những sư đoàn thép Bắc Việt đã từng quần nhau với Vanuxem tại đồng bằng Bắc Bộ năm trước, hôm nay lại hiện ra trước cửa ngõ Saigon. Song đó không chỉ là 27.000 bộ đội Việt Minh của năm 1951, mà là 250.000 lính chính quy.

Giục tướng Minh làm một việc vá trời, Vanuxem hẳn đã cầm trong tay một thỏa thuận đầy sức nặng của một thế lực dám tin vào năng lực quốc phòng, đủ ảnh hưởng khuynh đảo Bộ Chính trị Bắc Việt Nam?

Ít ra tướng Minh đã có chút công lao để Saigon không đổ nát, từ chối Vanuxem ? Mùa hè đỏ lửa 1972, Vanuxem đã nhảy xuống An Lộc đang bị vây, bày mưu cho đại tá Lê Văn Hưng bảo vệ được mặt trận này trước sức tấn công có quân số lớn hơn Việt Minh đã dùng ở Điện Biên, được trợ lực của 48 xe tăng Nga T-54.

Google YouTube. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Google YouTube trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.

Chụp lại video, Cảnh báo: BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài. Nội dung trên YouTube có thể kèm quảng cáo.

Cuối YouTube tin

Nói đến tướng Vanuxem thì không thể nói đến ông tướng tổng tư lệnh cuối cùng của Quân lực VNCH.

Vai trò và “lời hứa” của Dương Văn Minh

Giữ quyền Tổng thống ngắn ngủi, Tướng Minh là một ẩn số lớn. Tôi để ý thấy tướng thường được ví với hổ báo – Hổ tướng, Mãnh tướng nhưng ở đây lại khác. Ông Minh hai lần đóng vai thầy tu như cha tuyên úy đọc bài kinh cuối cùng cho Đệ Nhất, Đệ nhị VNCH đều vào năm Mèo: Quý Mão 1963, Ất Mão 1975.

Chiều ngày 2/11/1963, thời điểm ông Diệm, ông Nhu xác còn nằm trong Bộ Tổng tham mưu, tướng Minh nói với các tướng lĩnh đảo chính: "Các toa có cần moa việc gì nữa không, không thì moa đi đánh tennis ?" – câu nói như thể tướng Minh đã bán xong cái tên của mình cho ai đó.

Vào 10h sáng 30/4/1975, tướng Minh vẫn có thể chạy, vậy ông ở lại với ủy nhiệm nào. Lương tâm chăng? Cũng trong " Hồi ký không tên", ông Lý Quí Chung kể:

"8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, các nhân vật dự kiến trong tân nội các tập trung tại Phủ Thủ tướng nằm ở cuối đại lộ Thống Nhất. Một số thành viên của tân chính phủ đã ngủ đêm tại đây. 

Trước khi phiên họp kết thúc, ông Minh nói“Bắt đầu từ giớ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi: hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín (VNTT) vẫn còn đậu ở cảng...”

Ông Minh thông báo rõ cổng số mấy, bến số mấy, để lên tàu VNTT, chiếc tàu thủy viễn dương lớn nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, dân biểu Nguyễn Hữu Chung điện thoại cho ông Minh nói rõ tàu VNTT đang chờ ở đâu để những thành viên nào trong chính phủ muốn ra đi thì đến đó.

Tàu có giấy phép của chính phủ cho rời bến với lý do chính thức là “để tránh pháo kích của cộng quân”. Nhưng thực sự đây là một giấy phép trá hình cho tàu được di tản.

Trong khi liên lạc điện thoại với ông Minh, Chung Nguyễn còn tỏ ý chờ bà Dương Văn Minh sẽ ra đi theo con gái, con rể và hai cháu ngoại (đã đi trước đó hai ngày). Nhưng ông Minh sau khi hỏi ý kiến vợ đã trả lời rằng bà Minh không đi. 

Những người có mặt trong phòng họp cũng không ai đi. Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, một luật sư công giáo, nói dứt khoát ông ở lại. Còn thủ tướng Vũ Văn Mẫu cho biết ông không đi trong những điều kiện như thế này. Có lẽ người duy nhất có ý định ra đi là giáo sư Bùi Tường Huân, được dự kiến làm tổng trưởng quốc phòng. 

Ông quay sang nói nhỏ với tôi: “Chung, toa nên đi.Toa có con đông”.

Ông nghĩ đến 5 đứa con của tôi. Thỉnh thoảng khi thân mật ông Minh vẫn xưng hô “toa, moa” với tôi. Tôi trả lời: “Đại tướng không đi phải không? Tôi cũng không đi”.

Ông lặp lại đến hai lần lời khuyên đó nhưng vẫn thấy tôi tỏ ra rất dứt khoát nên ông không thuyết phục nữa."

Một cựu quan chức cỡ lớn muốn giấu tên cho tôi biết, để xin được ra nước ngoài, tướng Minh đã phải thề bồi với ông Võ Văn Kiệt.

Tôi hỏi lại: chắc thề kiểu "nếu tôi nói sai cả nhà hàng xóm chết", ổng nháy mắt cười nhắc đến tình tiết ông Chung viết:

"Năm 1984, lúc còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt đi dự Quốc khánh CHDC Đức, sau đó viếng thăm chính thức Algeria. Trên đường về ông ghé qua Pháp. Tại Paris, ông muốn thăm ba người: ông Dương Văn Minh, ông Phạm Ngọc Thuần và giáo sư Phạm Hoàng Hộ, ông có nhờ sứ quán Việt Nam tại Pháp liên lạc với các vị này.

Riêng cuộc gặp ông Minh có nhiều tình tiết đáng kể hơn. Đầu tiên là địa điểm gặp. Ông Minh không muốn đến sứ quán Việt Nam và cũng không muốn để ông Kiệt đến nhà (ông và bà Minh không có nhà riêng, sống chung với đứa con trai kế tên Tâm). 

Cuối cùng ông bà Minh đón ông Kiệt tại nhà một người bạn của ông bà là bác sĩ Danh. Theo sự dặn dò trước của ông Kiệt, đại sứ Việt Nam tại Pháp đi theo ông Kiệt vào chào ông bà Minh rồi trở ra xe để cho cuộc tiếp xúc giữa ông Kiệt và ông Minh được tự nhiên thân mật. 

Một trong những câu nói đầu tiên của ông Minh khi gặp ông Kiệt là: 

Anh đã biết đó, tôi luôn giữ lời hứa khi rời khỏi Sài Gòn: Sang đây tôi không tiếp xúc với báo chí và cũng không có một lời tuyên bố nào bất lợi cho ở nhà.

Về chuyện ông Minh ở nước ngoài từ chối tiếp báo chí, có một nhân chứng đáng tin cậy khẳng định điều đó: nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti (đã có một phỏng vấn đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho báo Le Monde nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ) có nói với tôi rằng lúc ông Minh còn ở Paris (những ngày cuối cùng ông sang Mỹ sống với cô con gái), Jean Claude có điện thoại cho ông Minh để xin gặp ông nhưng ông Minh khéo léo từ chối, mặc dù ở Sài Gòn nhà báo Pháp này từng vô Dinh Hoa Lan rất thường xuyên."(sđd)

Tại sao ông Kiệt lại cần lời hứa của tướng Minh?

Năm 2005, Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội cho ra mắt "Hồi ký không tên", nhiều đoạn của ông Lý Quí Chung bị đục bỏ, mất rất nhiều so với các bài đăng nhiều kỳ trên báo trước đó. Đây là một trong các phần biến mất:

"Tôi tưởng tượng một kết thúc lý tưởng: đại diện của MTDTGPMN sẽ được long trọng đón tiếp bởi tổng thống Minh và các thành viên của chính phủ ông, và sau đó là sự tự nguyện trao quyền của chính phủ Dương Văn Minh cho chính phủ CMLTCHMNVN cũng có một ý nghĩa lịch sử rất lớn.

Dù chính phủ Dương Văn Minh chỉ được quốc hội Sài Gòn bầu lên, nhưng về mặt pháp lý ông vẫn đại diện cho miền Nam với chế độ gọi là VNCH, đối đầu với MTDTGPMN trong suốt thời kỳ chiến tranh.

Ông Minh đã nhận sự ủy quyền này nhưng lại tự nguyện trao quyền đó lại cho chính phủ CMLTMNVN để thay thế mình bảo vệ sự an nguy cho nhân dân Sài Gòn mà chính phủ ông tự nhận là bất lực.

Trách nhiệm của người bị bắt buộc đầu hàng khác hẳn trách nhiệm của người tự nguyện trao quyền với ý thức trao quyền đó có lợi cho đất nước và dân tộc của mình."

Thủ tướng Kiệt đã mất, tướng Minh cũng đã mất, Vanuxem cũng đã mất, ông Lý Quí Chung viết "Hồi ký không tên " như một lời trăn trối cũng đã mất.

Ngày 30/4/1975 chỉ còn những câu chuyện sau 12 giờ trưa và những người gõ vào cánh cửa bỏ ngỏ tự nhận là sáng suốt.

Phải chăng, câu chuyện giữa tướng Dương Văn Minh và Paul Vanuxem là một chủ đề cấm kỵ, nên tất cả những thông tin về buổi sáng Định mệnh đó đều bị lờ đi?

https://www.bbc.com/vietnamese


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét